Mar 13, 2012

Những nhà thơ trở lại

Cái mệnh đề “Việt Nam một cường quốc thơ” mới xuất hiện nhưng có vẻ đã được số đông ngầm thừa nhận trong sự hân hoan chung, tuy nhiên cái mệnh đề ấy có vẻ chông chênh, khó đứng vững nếu nhìn vào cách “cường quốc thơ” đối xử với một số nhà thơ của quá khứ, những phần khúc khuỷu, khó nhọc và khuất lấp của di sản thơ Việt Nam. Khi mà các nhà thơ như Vũ Hoàng Chương, Ngân Giang hay Nguyễn Bắc Sơn vẫn còn chìm trong sự hờ hững của giới thưởng ngoạn và giới nghiên cứu hiện nay, thì tình trạng cũng phi lý giống như giả sử Baudelaire, Bishop hay Ungaretti bị các quốc gia của họ bỏ quên trong góc thờ ơ vào thời hiện tại.

Thế nhưng, các nhà thơ quá khứ, bởi sức mạnh nội tại của mình, vẫn trở lại, và nếu Bùi Giáng trở lại dưới hình thức một dòng lũ ồ ạt ngôn từ (tập “Đười ươi chân kinh”), thì Quang Dũng (tập “Mắt người Sơn Tây”) và Phùng Cung (tập “Xem đêm”) trở lại gây chú ý bởi một khía cạnh hoàn toàn trái ngược: họ nổi bật vì kiệm lời đến đáng ngạc nhiên.

Cho đến nay, nhiều bài thơ của Quang Dũng đã được phổ nhạc, lẽ dĩ nhiên độc giả thơ ở Việt Nam biết đến ông không ít, Quang Dũng của “Mây đầu ô”, của “Em mãi là hai mươi tuổi/Ta mãi là mùa xanh xưa”… nhưng thật ít người nói được về tổng thể sự nghiệp thơ ca của Quang Dũng là như thế nào. Quang Dũng có “Chiêu Quân” từ ngay năm ông 16 tuổi (năm 1937), một bài thơ đẹp lung linh: “Hồ xang hồ xang xự hồ xang/Chiêu Quân nàng ơi lệ dâng hàng”, thế nhưng sau khởi đầu vô cùng hứa hẹn, ông lại không làm nhiều thơ. Điều đặc biệt ở Quang Dũng là đã không làm nhiều thơ như các đồng nghiệp, rất nhiều bài làm rồi ông lại không công bố, dù rằng giờ đây khi đọc, ta có thể thấy những bài thơ mà tác giả “giấu đi” ấy không hề tồi. Tâm hồn thơ Quang Dũng bay bổng (“Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm”) nhưng sự bay bổng ấy không làm giảm bớt đòi hỏi nghiệt ngã mà chính ông hướng vào bản thân mình. Điều ấy có lẽ đóng góp một phần quan trọng làm nên căn cốt một nhà thơ độc đáo bậc nhất thơ ca hiện đại Việt Nam, cái giọng thơ lúc nào cũng một mực hướng tới sự trong vắt của những tầng mây sạch.

Trong cái nền trong vắt ấy, đôi khi ta nghe thấy một vài “âm chỏi” thật đặc biệt, những cách tân ngôn ngữ thơ đầy tinh tế và khiêm nhường mà bài thơ “Tây Tiến” là một ví dụ nhiều người biết, nhưng “Bố Hạ” cũng là một kiệt tác của phong khí kiêu bạc đã dần tan loãng theo thời gian trong thơ Việt Nam: “Nhớ ai trên đường đi Bố Hạ/Rừng xa Yên Thế hùm thiêng nằm/Đồn cũ Phồn Xương rét cuối năm/Râu tóc tướng quân cờ nghĩa ruổi/Ngựa chiến băng đường dấu còn mới”. Trong những năm 1954-1975, Quang Dũng là nhà thơ sống ở miền Bắc nhưng vẫn được giới phê bình văn học miền Nam hâm mộ, một trường hợp thật hi hữu; thậm chí một số giai thoại về cuộc đời ông lại xuất phát từ báo chí miền Nam.

Phùng Cung, về phần mình, còn kiệm lời hơn nữa, kiệm đến mức gần như “vô thanh”. Trong rất nhiều năm, gần như không ai biết sau “vụ án văn chương Nhân Văn-Giai Phẩm” (tai họa từ truyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh” xuất hiện năm 1956), Phùng Cung còn sáng tác, mà lại là thơ. Sinh năm 1928, đến tận năm 1995 tập thơ duy nhất (và rất mỏng) của ông mới được in. Ngoài tập “Xem đêm” này, người ta chỉ còn biết đến một số truyện ngắn và bài thơ khác của ông, in trong một vài tập sách ở nước ngoài.

Có thể nói ngay rằng, lịch sử thơ Việt Nam hiếm có giọng thơ nào đậm đặc tính địa phương như Phùng Cung. So đo thật kỹ thì có lẽ chỉ Trần Vàng Sao là một trường hợp tương tự, của một vùng khác (xứ Huế), còn chạm vào thơ Phùng Cung là ngay lập tức chạm vào sự sần sùi, lấp xấp nước, mùi vị ngưng đọng của làng quê miền Bắc Việt Nam. Làng quê của Phùng Cung bị loại trừ tuyệt đối màu óng ả và vẻ mượt mà, sôi nổi hồn hậu đã được khai thác đến kiệt cùng. “Gam từ” của Phùng Cung lúc nào cũng gằn xuống, tức thở, vừa lạ lùng nhưng cũng lại vừa quen thuộc: “càm cắp”, “điếng nắng”, “cành chiều treo”, “đứng né”, “gót nhọc”, “hoa lấm”, “gãy bước”, “trạt mùi”… Thơ Phùng Cung buồn nhưng không lụy, điều đó cũng bắt nguồn chủ yếu từ cách dùng từ của ông.

Cảm thức và màu sắc đó được Phùng Cung lồng vào một hình thức thơ gân guốc, và (cụ thể hơn nữa) một cách trình bày đặc biệt, một sự đặc biệt rất kín đáo: trong những bài thơ của ông luôn luôn có rất nhiều dấu gạch ngang; vài ví dụ: “Đáy nước sao chiều đắm ngọc/Tấm - nắng - da - bò đậy chéo bến quê”, “Trời vừa nín - mưa”, “Trăng - tìm - dấu ngựa quá quan”, “Cổng hè đổ vụn - nắng son/Con trâu gốc phượng/Nhai - mòn - gần - xa”. Tưởng chừng như đây chỉ là một lựa chọn ngẫu nhiên, hoặc một ý tưởng cách tân mơ hồ nào đó, nhưng cứ nhìn mãi vào mặt giấy in các bài thơ ấy, tôi chợt có cảm giác rằng Phùng Cung muốn trình bày cả địa thế làng quê Bắc Việt lên trang giấy, theo cách riêng của ông. Những dấu gạch ngắn giống như là chi chít dấu vết để lại trên mặt đất ở làng quê, nhất là những dấu chân người phải găm sâu xuống để vững vàng khỏi ngã trên một bề mặt nhiều khập khiễng, lồi lõm. Thơ như thế gắn chặt không rời vào vùng đất nơi nó sinh ra và thuộc về.

Một bay vút lên cao, một găm chặt xuống đất, Quang Dũng và Phùng Cung đi vào những khả thể của thơ một cách kiệm lời, một cách nhỏ bé và một cách phóng khoáng. Sự trở lại của những nhà thơ như thế này mở rộng kích thước của thơ ca về các hướng khác nhau, và có nói đến một nền thơ nổi trội, thì chính những con người ấy mới cần nhắc tới hơn cả.

*
*       *

Một trong những hiện tượng bất ngờ lớn nhất của văn chương thế giới gần đây là Roberto Bolaño, nhà văn Chilê yểu mệnh (sinh năm 1953, mất năm 2003), một tầm vóc văn chương từ rất lâu người ta tưởng chừng không thể có được nữa. Những tiểu thuyết ông để lại, điều này dường như cũng làm cho sự bất ngờ ông gây ra còn bất ngờ hơn nữa, chủ yếu tìm cách khám phá thơ ca từ những khía cạnh lạ lùng. Thơ có những lúc “xuống” thật sâu trong một khung cảnh như thể đã trở nên không còn chút thích hợp nào cho thơ, nhưng rồi có những người như Roberto Bolaño khẳng định tầm quan trọng của thơ và nhà thơ, sự tồn tại của thơ, Roberto Bolaño cho chúng ta biết, có ở cả những chỗ không ngờ nhất. Và các nhà thơ cứ quay trở lại để làm biến đổi thế giới.

14 comments:

  1. Bài viết này OK. Nhìn thơ liền thành 1 giải chữ S như thế, lạ. Lại còn kéo cả thế giới về xứ Mít để chiêm ngưỡng cường quốc thơ!
    Tks
    NQT

    ReplyDelete
  2. Mình cũng thích bài này

    Ano 3 :)

    ReplyDelete
  3. Bác có thể giới thiệu một vài quyển của Roberto Bolaño?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ở Việt Nam đã có một bản dịch tác phẩm của RB, bác có thể xem bài "Dòng lạ" trong loạt bài điểm sách trước đây của tôi:

      http://nhilinhblog.blogspot.com/2010/08/hai-muoi-tu.html

      Trong "Đêm Chile" ta đã thấy Neruda, và trong các tiểu thuyết lớn của RB luôn luôn bàn rất nhiều và sáng tạo về thơ cũng như văn chương nói chung như "2666" hay "Savage Detectives", nhưng nếu muốn tập trung, một cách cao độ, chỉ riêng vào chuyện RB bàn về thơ và nhà thơ thì bác nên đọc "Distant Stars" và "Amulet", ở bên Mỹ đều do nhà "New Directions" ấn hành, bên Pháp nếu tôi không nhầm thì là nhà Christian Bourgois.

      Delete
  4. NL nên dành thời gian học thêm tiếng Pháp để hành nghề nghiêm túc, thay vì viết linh tinh đủ thứ. Nếu là dịch giả chuyên nghiệp, nên (đúng hơn là phải) hồi âm và cám ơn chân thành những góp ý xác đáng trên Tiền vệ.'Nhất tự vi sư', đó là đạo lý của người cầm bút.Lời khuyên bạn bè.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng, cám ơn bác. Chuyện gì ra chuyện nấy, và tôi chưa bao giờ bỏ qua cơ hội học hỏi người khác, cũng như chưa bao giờ không thật lòng biết ơn và sửa chữa sai lầm của mình cả.

      Delete
    2. Bác gì tự nhận là bạn bè ra giọng khuyên nhủ chân thành bác NL mà không dám ký tên thật thế à?

      Delete
  5. Hehe hay hay, nhưng coi Nhị Linh múa nhị khúc hoa cả mắt, nhất là về cái gạch nối của Phùng Cung.
    Việc dùng gạch nối trong chữ ta, không kể từ phiên âm tiếng nước ngòai, có từ lâu rồi, nhẽ từ thời cụ Trương Vĩnh Ký, với mục đích lưu ý người đọc đó là một từ nhiều âm tiết, khỏi hiều sai đi. Trước 75 thì trong Nam ngòai Bắc cái gạch nối này cũng đầy rẫy trong văn tự đến sau 75 thì mất dần đi rồi xóa hẳn. Anh nào nay làm thơ muốn cách tân một tí vẫn xin mời gạch nối chứ thời ông Phùng Cung thì phổ biến (Trần Dần, Lê Đạt…chơi hòai, gây hiệu quả thị giác). Vậy mà Nhị Linh bảo “…nhưng cứ nhìn mãi vào mặt giấy in các bài thơ ấy, tôi chợt có cảm giác rằng Phùng Cung muốn trình bày cả địa thế làng quê Bắc Việt lên trang giấy, theo cách riêng của ông. Những dấu gạch ngắn giống như là chi chít dấu vết để lại trên mặt đất ở làng quê, nhất là những dấu chân người phải găm sâu xuống để vững vàng khỏi ngã trên một bề mặt nhiều khập khiễng, lồi lõm. Thơ như thế gắn chặt không rời vào vùng đất nơi nó sinh ra và thuộc về.” thì quả đáng khâm phục. Thi hứng đương cao, khỏi bình thơ, mần thơ luôn khéo lại hay đấy NL!
    Dù sao cho Quang Dũng bay lên vờn mây và Phùng Cung dọ dẫm bấm ngón chân xuống đất cũng hay lắm chớ.
    Cám ơn bạn, S.

    ReplyDelete
    Replies
    1. đây, bác có thể xem thêm về cái gạch nối:

      http://nhilinhblog.blogspot.com/2010/02/phu-chu.html

      Delete
  6. @NL
    Cái ông tự nhận là bạn NL, khuyên bảo này nọ, sợ cũng là ông đang phạng NL trên Hậu Vệ!
    GCC đã gặp trường hợp này rồi.
    Nhưng lời khuyên thì thật tình!
    Hà, hà!
    NQT

    ReplyDelete
  7. Ở miền Nam, 1954-75, không một học trò nào không thuộc vài câu thơ của Quang Dũng... "Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa - Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ..." hay cả "Tây tiến đoàn binh không mọc tóc...".

    Một ngày, ở nưóc ngoài, tôi nhận được cuốn Văn Học (hay Văn?), số đặc biệt về QD, bìa trước có bức hình nhà thơ mặc quân phục. Cô bạn gửi theo một câu bình "Chưa thấy ai đẹp như thế!". Nói chung là rất mượt! (Đố bác NL tìm thấy số VH đó hì hì). lv

    ReplyDelete
    Replies
    1. quên, chưa trả lời câu này: tôi có đấy, là tờ Văn học (Phan Kim Thịnh) hehe; Văn học có mấy số chuyên về Quang Dũng, trong đó cũng phải nhắc là đã tung không ít tin vịt về tiểu sử QD :p

      Delete
  8. Nhị Linh đừng quên làm cho Sách Hộp một Cường Quốc Thơ nghe. Thuở nhỏ, dù chẳng biết gì về sự đời và người, nhưng tâm thật sự chấn động khi đọc những bài thơ của Quang Dũng, Đinh Hùng… Sức mạnh của từ ngữ thật là kỳ lạ. Quang Dũng không di cư vào Nam nhưng ông là một di dân lừng lẫy được yêu mến thêm qua những bài hát phổ thơ ông. Cần gì phải mang gươm thì mới đi mở cõi được. Chỉ cần Thơ và các… món khác. Còn mang thêm Hộp nữa thì có nặng quá không, nhưng chắc là ghê gớm và li kỳ :-)

    ReplyDelete
  9. đã có ngay Baudelaire đấy rồi còn gì; anw, tên đúng là Xuất bản Khác: Hộp là tên hiệu sách, tiền thân của nhà xuất bản

    ReplyDelete