Apr 17, 2012

Kim Lăng thập tam thoa

Nam Kinh. Tháng Chạp năm 1937.

Nếu dòng chữ trên đây xuất hiện ở “xen” mở đầu một bộ phim, người xem sẽ hiểu ngay rằng những gì họ sắp thấy không chỉ không hề dễ chịu, mà còn là một thảm họa thực thụ mà càng ngày người ta càng phải điều chỉnh lại nhận thức về độ rộng lớn và mức độ dã man.

Điện ảnh dĩ nhiên không bỏ qua sự kiện này. Ai từng xem bộ phim “Nanking” (2007), dù chỉ là vài cảnh, cũng sẽ không bao giờ quên nổi. Bộ phim ấy làm về những gì diễn ra trong “khu an toàn” của thành phố Nam Kinh dưới sự chiếm đóng của quân đội Nhật Bản.

Cuốn tiểu thuyết “Kim Lăng thập tam thoa” của Nghiêm Ca Linh (Lê Thanh Dũng dịch, Phương Đông & NXB Văn học) cũng lấy bối cảnh cùng khoảng thời gian với phim “Nanking”, nhưng không phải trong khu an toàn của những người ngoại quốc bị mắc kẹt lại Nam Kinh mà là bên ngoài, tại một nhà thờ Mỹ đơn độc dưới sự điều hành của linh mục Engman, một khoảng không gian theo quy ước lẽ ra phải là trung lập đối với các bên tham chiến và được lính cả hai phe tôn trọng. Thế nhưng cũng như “khu an toàn” không hề an toàn cho phụ nữ ở trong đó, nhà thờ đã không trung lập vì tiếp nhận mấy người lính Trung Quốc thoát được khỏi súng đạn và lưỡi lê của quân Nhật, và đến cuối cùng cũng không được lính Nhật tôn trọng.

Việc những người lính đến trú ngụ ở nhà thờ này, trong đó có thiếu tá Đới Đào, chỉ là một biến cố nhỏ, vì câu chuyện chính xoay xung quanh ba nhóm người ở trong nhà thờ từ trước đó: vị linh mục cùng những người trợ tá (trong đó có Fabbi, một người mang dòng máu nước ngoài nhưng sống ở Trung Quốc từ nhỏ), mười sáu cô bé thuộc dàn đồng ca nhà thờ (trong đó có Mạnh Thư Quyên, sau này sẽ trở thành nhà văn nổi tiếng; cô hành kinh lần đầu tiên ngay đúng lúc quân Nhật bắt đầu tiến vào Nam Kinh), rồi cuối cùng là mười ba cô gái điếm sông Tần Hoài (trong đó có Triệu Ngọc Mặc, kỳ nữ của chốn lầu xanh). Nhưng biến cố nhỏ ấy đã kéo theo sự kiện cuối truyện, sự kiện “Kim Lăng thập tam thoa”, một bất ngờ tai họa đồng thời cũng là một bất ngờ cứu rỗi đối với các cô bé.

Điều bất ngờ hơn nữa nằm ở những biến chuyển tình cảm và tâm lý, những gì chỉ có thể xảy ra trong những hoàn cảnh tuyệt đối hiểm nguy. Mối tình giữa cô gái điếm mười lăm tuổi Đậu Hoàn và chú lính non nớt bị thương sắp chết Vương Phố Sinh, mối tình giữa cô gái điếm chín chắn hơn, Hồng Lăng, với một người phụ tá trong nhà thờ, rồi tình cảm bắt đầu xuất hiện giữa “thủ lĩnh” Triệu Ngọc Mặc và thiếu tá Đới Đào, tất cả cũng mới chỉ là các biến chuyển thông thường, nảy sinh từ sự gần gũi trong nguy hiểm, vốn là thứ xưa nay văn chương và điện ảnh rất biết cách khai thác; biến chuyển lớn nhất nằm ở nội dung câu nói của Mạnh Thư Quyên: “đó là sự giải phóng lớn lao của chúng tôi, chúng tôi học được ở những người đàn bà bị bán làm con nô tỳ thấp hèn cách giải phóng bản thân”. Sau này, “sau khi rời nhà thờ, cô và các bạn phát hiện mình thường buột miệng nói những từ của gái làng chơi hoặc buột miệng hát những câu hát của họ, những câu hát đầy sức sống nhưng bẩn thỉu được các nữ sinh bắt chước hoàn toàn vô thức” (tr. 268).

Những biến chuyển này, bởi khởi phát từ hoàn cảnh như thế, sẽ cả đời gắn liền với những cô bé từng trực tiếp chứng kiến sự kiện “Kim Lăng thập tam thoa”: linh hồn các cô gái điếm, một cách thật lạ lùng, đã không biến mất như thân xác của họ.

Và quả thực, một bộ phim mới đây đã được thực hiện dựa trên câu chuyện của Nghiêm  Ca Linh, một nhà văn rất có duyên với điện ảnh, câu chuyện xảy ra ở “Nam Kinh. Tháng Chạp năm 1937”, dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.

Nhị Linh

3 comments:

  1. Còn nhớ năm ngoái "phím" cho "ai đó" thông tin về cuốn này, vậy mà bây giờ đã được dịch ở Việt Nam rồi, nhanh quá.

    ReplyDelete
  2. Lau nay doi tieu thuyet qua, chac dot toi ve VN em phai di mua ngay cuon nay! Moi doc review da thay hap dan roi. Cam on anh Nhi Linh!

    ReplyDelete
  3. Anh cũng có cái phim này, mà bận quá chưa xem. btw hôm nào tổ chức lấy cuốn sách ta đã trao đổi đi chứ nhỉ? ^^

    ReplyDelete