Trong mọi trường hợp xuất hiện “người thứ ba” xen vào giữa
một cặp yêu nhau, chắc chắn một đứa trẻ con ít gây nghi kỵ nhất. Chẳng ai nghĩ
đến chuyện so sánh đứa bé với nỗi nguy hiểm từ một gã đàn ông sát gái mặt đầy
sẹo nhưng tâm hồn bay bổng, một cô gái xinh đẹp mềm mại buồn nhưng lại rất cứng
rắn trong công cuộc gây thương nhớ, hoặc thậm chí một bà mẹ chồng tai quái
quyết chí chiếm trọn chỗ trong trái tim đứa con trai. Thế nhưng câu chuyện tình
yêu vẫn cứ rẽ ngoặt vào lúc khả năng hoặc thực tế về một đứa trẻ xuất hiện.
Tình huống này còn phải tính đến bối cảnh đan xen chằng chịt
của bao nhiêu chi phối: mệnh lệnh của sinh học trong công trình tiếp nối giống
nòi, tiếng thủ thỉ nhỏ nhẹ nhưng cương quyết của truyền thống gia đình, chưa kể
đến mọi tính toán về trợ cấp xã hội, vân vân và vân vân. Những người yêu nhau,
họ cứ tưởng chừng như mình tự do lắm mà tùy ý nương theo chiều hướng tình cảm
cá nhân, họ cứ tưởng mọi thứ mới là bắt đầu, phơi phới đầy triển vọng, trong
khi sự thật là kết cục lúc nào cũng đã lăm le xuất đầu lộ diện. Không gì trường
cửu như tình yêu, nhưng cũng không có gì dễ đổ vỡ như tình yêu, và con người
lãng mạn đến mấy rồi cũng sẽ đến lúc phải công nhận rằng tiếng trẻ con khóc và
mùi tã lót là những thứ không hề dễ chịu.
Sự đương đầu với “người thứ ba” này, ngay cả khi không phải
là người thứ ba không được mong muốn, còn khó ở chỗ không một cách giải quyết
theo lối bạo liệt nào là khả dĩ: bỏ nhau hay tự sát, dẫu đau đớn, vẫn là lựa
chọn, còn cái kết cục thứ ba theo Beigbeder này đơn giản là không cho người ta
một khả năng nào nữa.
Còn một khi đã có “lệch pha” giữa hai người yêu nhau về chủ
đề đơn giản nhưng nghiêm trọng này, thì tức thì bi kịch thảm khốc sẽ xảy ra.
Trong cuốn tiểu thuyết “Moon
Palace” của Paul Auster,
việc không quyết định nổi là nên có con hay không đã khiến cho Marco Fogg và
Kitty Wu đánh mất đi một tình yêu tưởng chừng muôn đời nồng nhiệt. Ở mức độ
thấp hơn và kín đáo hơn, ta có thể tìm thấy lời cảnh báo nghiêm khắc và thường
trực từ các tờ báo phụ nữ về số lượng phá thai ở thiếu nữ. Thậm chí một nhà văn
nổi tiếng còn từng để cho nhân vật của mình phát biểu những lý do để không nên
có con, trong đó có một lý do phảng phất ý vị siêu hình: sinh con cũng đồng
nghĩa với công nhận rằng thế giới là tốt đẹp muôn phần, trong khi sự thật hình
như không phải vậy.
Mình bắt đầu thích thực sự rồi đấy :)
ReplyDeleteHTV
thì đã bảo mà :p
DeleteBác đã quay trở lại, thật là dịu dàng! Nhưng lại thấy có hơi hướng của thất vọng (hay buồn chán) nhỉ? (Chỉ là cảm giác của tôi thôi...)
ReplyDeleteCó nhiều thứ quyết định tâm trạng, trong đó có cả đề tài :p
DeleteGiờ này năm xưa này. Có vẻ ghê gớm chứ bỏ nhau không đáng sợ bằng tự sát, vì rõ là nếu đáng sợ hơn thì dân số thế giới đã không phải kìm hãm, nên chẳng có gì phải đương đầu ở đây cả nhỉ •.•
ReplyDelete