Apr 23, 2012

Những gì không chết

Thomas Mann, đó là “Buddenbrook” đồ sộ về một gia đình, là “Núi thần” (Der Zauberberg), câu chuyện kỳ lạ lừng danh về Hans Castorp, đó còn là một người chống chủ nghĩa phát xít (ở lĩnh vực này thì ông không nổi tiếng bằng người anh trai Heinrich), nhưng Thomas Mann cũng là tác giả của một tiểu thuyết ngắn cho đến giờ vẫn được đọc rất nhiều, còn được dựng thành một bộ phim danh tiếng dưới bàn tay của Visconti, “Der Tod in Venedig”, vừa có bản dịch tiếng Việt mang tên “Chết ở Venice”, Nguyễn Hồng Vân dịch từ nguyên bản tiếng Đức, NXB Trẻ ấn hành trong tủ sách “Cánh cửa mở rộng”.

Như bản tường trình về tâm hồn phức tạp của một nghệ sĩ lớn, “Chết ở Venice” (xuất hiện lần đầu cách đây đúng 100 năm) thể hiện mình là một tác phẩm “cổ điển” điển hình cứ nhất định thật chậm chạp trong nhịp điệu riêng của nó. Cho tới tận khoảng trang 50 của cuốn tiểu thuyết chưa đầy 150 trang này, nhân vật chính Gustav Aschenbach mới đến được cái đích Venice vốn nằm ngay ở nhan đề. Tuồng như các nhà văn cổ điển không bao giờ gặp vấn đề về thời gian, thời gian đối với họ thực sự là để sống chứ không là thứ gấp gáp đuổi sau lưng con người.

Và những miêu tả nhân vật của Thomas Mann thì vô cùng dứt khoát: Aschenbach, nhà văn lớn, là người “từng gương mẫu dứt khoát cự tuyệt […] vực sâu tội lỗi, khước từ mọi cảm thông dành cho sự sa đọa […] người đã đạt đến đỉnh cao danh vọng, chế ngự được tri thức và vượt lên trên mọi mỉa mai […] con người mà danh thơm đã được chính thức công nhận, tên tuổi đã được phong lên hàng quý tộc, và bút pháp được đưa ra làm khuôn mẫu để giáo dục trẻ em” (tr. 135). Sự miêu tả ấy cho thấy tác giả tin rằng ông hiểu vô cùng rõ nhân vật của mình, từ bên ngoài cho đến bên trong, mọi ngóc ngách bí mật và sâu xa nhất, và chỉ cần vài nét phác họa là ông tái hiện được chính xác một bức chân dung chân thực.

Nhưng đừng để sự chậm chạp kia làm nản lòng, cũng như đừng vội bị đánh lừa bởi sự chắc chắn vốn rất không hợp chỗ trong văn chương hiện nay: những tác phẩm cổ điển ngày nay vẫn còn được đọc chính là bởi chúng mang lại những gì thời nay rất thiếu, và đằng sau những đặc điểm khá nặng nề của một tác phẩm được viết ra theo một kết cấu rất chặt chẽ, ta còn thấy những gì rất tinh tế, sâu sắc và nhìn chung là dường như nằm ngoài đầu óc nhà văn đương đại. Ngoài cái đề tài (đam mê tính dục đồng giới) vốn từng rất cách mạng, “Chết ở Venice” còn tinh tế đi vào được những thứ ẩn giấu đằng sau vẻ bề ngoài. Nhà văn danh tiếng và khắc khổ ấy rồi sẽ “được nếm mùi sa ngã dâm loạn, điên cuồng” (tr. 129) trong một cơn mê sảng. Một người đàn ông lỡ đem lòng say mê một cậu bé (Tadzio) lúc đầu còn viện dẫn các lý thuyết, triết học Hy Lạp từ thời Socrates, rồi cũng đến khi hiểu rằng mình sẵn sàng bất chấp tất cả, như bất kỳ ai đam mê. Cuốn tiểu thuyết cũng không hề một chiều cứng nhắc, mà đưa ra những nhận xét không hề giản đơn, chẳng hạn: “Nghệ thuật mang đến cho ông niềm hạnh phúc sâu xa hơn, nhưng cũng làm ông tàn tạ nhanh hơn […] dù cho ông có giữ nếp sống thanh tịnh như một tu sĩ, về lâu về dài nó vẫn làm thần kinh ông căng thẳng, khiến ông trở nên nhạy cảm quá mức, mệt mỏi và thao thức, gây ra những hậu quả không khác gì một lối sống phóng đãng chạy theo ham mê và lạc thú” (tr. 35).

Hẳn sẽ rất thú vị nếu cuốn tiểu thuyết ngắn này được đọc cùng (như một bộ đôi) với một cuốn tiểu thuyết ngắn khác: “Daisy Miller” của Henry James, nhà văn thuộc thế hệ trước Thomas Mann. James và Mann đều là tác giả của những tiểu thuyết lớn nhưng đồng thời cũng rất tinh tế với các câu chuyện ngắn. Cả “Daisy Miller” lẫn “Chết ở Venice” đều là truyện của những người nước ngoài đến Ý (một thì ở Venice, một thì ở Rome) và đều có kết thúc trong chết chóc.

Ở thời của cổ điển, những nỗ lực của các đường lối văn chương khác là thứ độc giả rất cần; ở thời nay, có lẽ độc giả thỉnh thoảng lại cần đến văn chương cổ điển. Các chủ nghĩa và trường phái có thể chết đi, nhưng những gì tinh túy của mọi cách biểu đạt văn chương thì không chết.

Nhị Linh

5 comments:

  1. Hình như là Castorp thì phải.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng, đúng thế, p chứ không phải q, cám ơn :p đã sửa rồi.

      Delete
  2. Tớ "kết" câu kết của bạn Nhị Linh :p.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mình cũng thích câu kết của anh Nhị Linh.
      "những gì tinh túy của mọi cách biểu đạt văn chương thì không chết."

      Delete