Nov 4, 2012

Julian Barnes luận phụ nữ

Dưới đây là trích đoạn từ Đoạn kết đã thấy, tiểu thuyết của Julian Barnes (The Sense of an Ending), Nghiêm Quỳnh Trang dịch. Cũng như Philip Roth khi về già, lúc đã già Julian Barnes thật là hiểm hóc ở mức độ ý tưởng trong một hình thức không thể giản dị hơn. Nhà văn già thật là ghê gớm :)

Quyển Booker 2011 này sẽ ra trước quyển Booker 2010. Thêm một điều khiến cho mọi sự còn loạn lên nữa: Booker 2012 lại rơi vào tay Hilary Mantel tức là người đã giành Booker năm 2010 (tiểu thuyết Wolf Hall về Cromwell) và Bring Up the Bodies của năm nay là phần hai của Wolf Hall, rồi lại sẽ rất sớm có thêm một quyển nữa cho đủ bộ ba, một trilogy hoàn chỉnh. Đùa chứ chạy theo đúng là tướt bơ :p

Bộ sách của Hilary Mantel tạo ra một sự chú ý hiếm thấy của giới phê bình văn học thế giới về tiểu thuyết lịch sử. Trên The New Yorker, một số gần đây, có một bài quan trọng của Larissa MacFarquhar, "The Dead Are Real, Hilary Mantel's Imagination" chỉ ra tiểu thuyết lịch sử là một kẻ đỏng đảnh giữa lịch sử và hư cấu, người viết tiểu thuyết lịch sử phải chấp nhận những người chết vẫn còn sống, vẫn rất thực, vẫn gây phiền nhiễu. Và thêm điều này nữa: một cuốn tiểu thuyết lịch sử viết đúng y hệt lịch sử không chỉ là một cuốn tiểu thuyết kém, tiểu thuyết thất bại, mà còn nói dối. Thế mới phiền.

Nhà văn đúng nghĩa bịa ra một thế giới, còn nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử đúng nghĩa bịa ra một lịch sử.

-----------



Margaret hay nói rằng có hai loại đàn bà: một loại rõ ràng, một loại bí ẩn. Và đấy là điều đầu tiên một người đàn ông cảm nhận được, cũng là điều đầu tiên hấp dẫn anh ta, hoặc không. Có những người đàn ông bị hút hồn vào một loại, có những người vào loại kia. Margaret - bạn chẳng cần tôi phải kể cũng biết - là loại rõ ràng, nhưng đôi khi cô ấy cũng ghen tị với loại sẵn có, hoặc tạo ra được một dáng vẻ bí ẩn.

“Anh thích em đúng như con người em,” có lần tôi nói với cô ấy.

“Nhưng bây giờ anh biết em quá rõ rồi còn gì,” cô ấy đáp. Chúng tôi đã cưới nhau sáu hay bảy năm rồi. “Chẳng phải anh vẫn thích hơn nếu em… khó đoán biết hơn một chút sao?”

“Anh không muốn em là một người đàn bà bí ẩn. Anh nghĩ anh sẽ ghét chuyện đó. Dù cho đấy chỉ là một bề ngoài, một trò chơi, một kỹ thuật để bẫy đàn ông, hay người phụ nữ bí ẩn ấy là một bí ẩn thậm chí đối với chính cô ta đi nữa, mà cái đó là tệ nhất đấy.”

“Tony, anh nói nghe như một người đàn ông đích thực trên đời vậy.”

“Ờ thì, anh không phải như thế,” tôi nói - mặc dù ý thức được, tất nhiên, rằng cô ấy đang trêu mình. “Anh chưa được biết nhiều phụ nữ đến thế trong đời đâu.”

“‘Anh không biết mấy về phụ nữ, nhưng anh biết anh thích gì’?”

“Anh có nói thế đâu, mà cũng không có ý đó. Nhưng anh nghĩ đấy là vì anh biết tương đối ít nên anh biết anh nghĩ về họ thế nào. Và anh thích gì ở họ. Nếu biết nhiều hơn, anh sẽ bị bối rối hơn.”

Margaret nói, “Bây giờ em chẳng biết là phải vui hay không nữa.”

Chuyện này xảy ra trước khi cuộc hôn nhân của chúng tôi sa lầy, tất nhiên. Nhưng chắc nó sẽ chẳng bền lâu hơn nếu Margaret bí ẩn hơn, tôi có thể chắc chắn với bạn - và với cô ấy - về chuyện đó.

[…]

Khi người ta nói, “Cô ấy là là một phụ nữ ưa nhìn,” người ta thường có ý, “Cô ấy từng là một người phụ nữ ưa nhìn.” Nhưng khi nói như vậy về Margaret, tôi có ý đó thật. Cô ấy nghĩ - cô ấy biết - rằng mình đã thay đổi, và cô ấy có thay đổi thật; nhưng với tôi thì cô ấy thay đổi ít hơn với bất cứ ai khác. Tự nhiên thôi, tôi chẳng thể nói thay cho tay chủ quán ăn được. Nhưng tôi sẽ nói thế này: cô ấy chỉ nhìn thấy những gì đã mất, còn tôi chỉ nhìn thấy những gì vẫn còn như trước. Tóc cô ấy không còn ngang lưng hay cuốn cao lên thành búi kiểu Pháp nữa; giờ đây nó ngắn sát đầu và tóc bạc lộ ra. Những cái váy thụng quê mùa cô ấy vẫn mặc đã nhường chỗ cho áo thun len và quần cắt rất khéo. Mấy cái tàn nhang tôi vẫn yêu giờ đã gần với đồi mồi. Nhưng đó vẫn là đôi mắt ta soi vào, chẳng phải sao? Ta đã nhận ra nửa kia của mình trong đó, và giờ vẫn thấy. Vẫn đôi mắt ấy trên khuôn mặt ấy lần đầu chúng tôi gặp nhau, khi ngủ với nhau, khi cưới, khi đi trăng mật, khi chung khoản vay thế chấp mua nhà, khi đi chợ, khi nấu ăn và đi nghỉ, yêu nhau và có con với nhau. Và cũng vẫn thế cả khi đã chia tay.

Nhưng không chỉ có đôi mắt. Cấu trúc xương vẫn vậy, cũng như những cử chỉ bản năng, rất nhiều cách khác nhau để cô ấy vẫn là chính mình. Và cái kiểu cô ở bên tôi ấy, dù sau bao lâu và bao xa cách.

“Thế tất cả chuyện này là thế nào, Tony?”

Tôi cười to. Chúng tôi chỉ vừa xem thực đơn xong, nhưng tôi không thấy câu hỏi ấy hấp tấp. Margaret là như thế. Khi anh nói anh không chắc về chuyện có thêm con thứ hai, có phải ý anh là không chắc về chuyện có con nữa với em không? Sao anh lại nghĩ ly dị nghĩa chẳng qua là đổ lỗi? Anh định làm gì với phần đời còn lại của anh bây giờ? Nếu anh thực sự muốn đi nghỉ với em, thì đã đi đặt mấy cái vé ấy rồi chứ? Và thế tất cả chuyện này là thế nào, Tony?

Có những người thấy bất an về những người tình cũ của nửa kia của mình, như thể họ vẫn còn đe dọa vậy. Margaret và tôi được miễn chuyện đó. Không có nghĩa là trong trường hợp của tôi có một đoàn lũ lượt bạn gái cũ xếp hàng nào cả. Và giả như cô ấy có tự cho phép đặt tên nhạo cho họ, thì cũng là quyền của cô ấy, chẳng phải sao?

“Thực ra, chẳng phải ai, ngoài Veronica Ford.”

“Bánh hoa quả á?” Tôi biết ngay cô ấy sẽ nói vậy, nên cũng chẳng cau mày. “Có phải cô ta trở lại, sau chừng ấy năm? Anh không còn dính dáng gì tới chuyện đó nữa rồi, Tony.”

“Anh biết,” tôi đáp. Có khả năng là khi rốt cuộc đã tìm cách kể được cho Margaret về Veronica rồi, tôi đã lợi dụng chuyện đó một chút, làm mình nghe có vẻ hơn cả một kẻ bị lừa, và Veronica có vẻ mất cân bằng hơn nàng hồi đó. Nhưng chính vì tôi mà đâm ra có cái tên nhạo này, tôi chẳng thể dễ dàng phản đối nó được. Tất cả những gì tôi có thể làm là không tự mình dùng nó thôi.

Tôi kể cho cô ấy đầu đuôi câu chuyện, tôi đã làm gì rồi, tôi đã tiếp cận mọi thứ thế nào. Như tôi nói, có cái gì đó ở Margaret đã lây sang tôi dần qua năm tháng, có lẽ vì thế mà cô ấy gật đầu đồng tình hoặc động viên đôi chỗ.

“Anh nghĩ vì sao mẹ Bánh hoa quả lại để cho anh 500 bảng?”

“Anh chẳng mảy may nghĩ ra cái gì.”

“Thế anh nghĩ ông anh trai chỉ dắt mũi anh thôi?”

“Ừ. Hoặc ít nhất, thì cũng chẳng tự nhiên gì với anh.”

“Nhưng anh có quen anh ta tí nào đâu, phải không?”

“Anh chỉ gặp anh ta có một lần, đúng thế. Anh đoán hẳn là anh nghi vấn cả cái gia đình ấy.”

“Thế anh nghĩ tại sao bà mẹ rốt cuộc lại có cuốn nhật ký?”

“Anh không nghĩ ra.”

“Có lẽ Adrian để lại cho bà ấy bởi cậu ấy không tin Bánh hoa quả?”

“Cái đó vô lý.”

Có một khoảng lặng. Chúng tôi ăn. Rồi Margaret gõ dao của cô ấy lên đĩa của tôi.

“Và nếu quý cô giả sử vẫn-chưa-chồng Veronica Ford thế nào mà lại đi vào quán cà phê này và ngồi xuống bàn ta, thì quý ông ly-dị-đã-lâu Anthony Webster sẽ phản ứng ra sao?”

Cô ấy vẫn luôn biết đích xác chuyện này, chẳng phải sao?

“Anh không nghĩ là anh sẽ đặc biệt sung sướng nếu gặp cô ta.”

Cái gì đó trong cái giọng nghi thức của tôi khiến Margaret mỉm cười. “Rối trí rồi hả? Bắt đầu xắn tay áo và tháo đồng hồ ra?”

Tôi đỏ mặt. Bạn chưa thấy một ông hói độ trên sáu mươi đỏ mặt sao? Ôi, chuyện đó có đấy, cũng như với một cậu mặt tàn nhang rậm tóc tuổi mười lăm thôi. Và bởi vì hiếm hoi hơn, nó đưa người đỏ mặt lộn nhào lại cái thời mà cuộc đời cảm giác như chẳng hơn gì một chuỗi những ngượng nghịu xấu hổ.

“Anh ước là giá mà chưa kể với em.”

Cô ấy xiên một dĩa đầy xa lát cải và cà chua.

“Anh chắc là không còn… ngọn lửa nào chưa được dội nước trong ngực anh đấy chứ, ông Webster?”

“Anh khá là chắc chắn.”

“Thế thì, trừ phi cô ta vẫn giữ liên lạc với anh, em sẽ bỏ qua. Rút tiền đi, đưa em đi nghỉ một kỳ vừa túi tiền, và quên đi. Hai trăm năm mươi mỗi người là chúng mình có thể đến tuốt tận đảo Channel ấy.”

“Anh thích khi nào em trêu anh đấy,” tôi nói. “Dù là sau ngần ấy năm.”

Cô ấy nghiêng qua và vỗ nhẹ vào tay tôi. “Thật hay khi chúng mình vẫn còn yêu quý nhau. Và thật hay khi em biết là anh sẽ chẳng bao giờ làm được cái việc đặt trước cho cái kỳ nghỉ ấy cả.”

“Chỉ bởi vì anh biết em không có ý vậy đâu.”

Cô ấy mỉm cười. Và trong một thời khắc, cô ấy trông gần như khó hiểu. Nhưng Margaret không thể tỏ ra khó hiểu được, đó là bước đầu để trở thành loại Phụ nữ Bí ẩn. Nếu cô ấy muốn tôi trả tiền kỳ nghỉ cho cả hai, cô ấy sẽ nói. Vâng, tôi nhận ra đó chính xác là điều cô ấy đã nói, nhưng…

Nhưng dẫu có vậy. “Cô ta lấy cắp đồ của anh,” tôi nói, có lẽ là hơi cao giọng than thở.

“Làm sao anh biết anh muốn thứ đó?”

“Đấy là nhật ký của Adrian. Cậu ấy là bạn anh. Cậu ấy từng là bạn anh. Nó là của anh.”

“Nếu bạn anh muốn anh có nhật ký của cậu ấy, cậu ấy hẳn phải để lại cho anh bốn mươi năm trước rồi, và bỏ qua ông trung gian. Hoặc bà trung gian.”

“Đúng.”

“Anh nghĩ trong đó có gì?”

“Anh không biết. Nó vẫn là của anh.” Lúc đó tôi nhận ra một lý do khác khiến tôi quả quyết như vậy. Cuốn nhật ký là bằng chứng; đó là - có thể lắm - là chứng thực. Nó có thể phá tan cái lặp đi lặp lại tầm thường của ký ức. Nó có thể khởi động điều gì đó - dù tôi không rõ là gì.

“Ờ thì, anh luôn có thể tìm ra nơi Bánh hoa quả ở mà. Họp mặt Bạn cũ, danh bạ điện thoại, thám tử tư. Đến, bấm chuông cửa, đòi cái thứ của anh.”

“Không.”

“Vì thế mà có một vụ đột nhập,” cô ấy hào hứng gợi ý.

“Em đùa à.”

“Thế thì bỏ qua đi. Trừ phi anh có, như người ta nói, các vấn đề từ quá khứ mà anh cần phải đối diện để còn có thể sống tiếp được. Nhưng như thế không giống anh mấy, phải không Tony?”

“Không, anh không nghĩ thế,” tôi trả lời, khá thận trọng. Bởi một phần trong tôi tự vấn, bỏ qua chuyện huyên thuyên về tâm thần học, liệu có chút sự thật nào trong đó hay không. Một khoảng lặng. Đĩa của chúng tôi đều hết. Margaret đọc vị tôi chẳng khó khăn gì.

“Thật cảm động khi anh cứng đầu đến thế. Em cho đấy là một cách thức nhằm theo kịp thời cuộc khi ta đã đến tuổi này rồi.”

“Anh không nghĩ hồi cách đây hai mươi năm anh sẽ phản ứng khác.”

“Hẳn là không.” Cô ấy vẫy tay gọi thanh toán. “Nhưng để em kể anh nghe một chuyện về Caroline. Không, anh không biết cô bạn này. Đấy là bạn em sau khi ta đã chia tay. Bạn ấy có một ông chồng, hai đứa con nhỏ và một cô giúp việc mà bạn ấy thấy không yên tâm lắm. Bạn ấy chẳng có nghi ngờ gì kinh khủng cả. Cô bé chủ yếu rất lịch sự, bọn trẻ con không kêu ca gì. Chỉ có điều Caroline cảm thấy bạn ấy không thực sự rõ là mình để bọn trẻ con lại cho ai. Thế là bạn ấy hỏi một người bạn - bạn gái - không, không phải em đâu - xem cô ta có lời khuyên gì không. ‘Xem qua đồ đạc của nó,’ cô ta nói. ‘Gì cơ?’ ‘Ờ thì, cậu rõ ràng là đang bị quay cuồng vì chuyện này mà. Đợi đến tối con bé được nghỉ, ngó qua phòng nó, đọc thư từ của nó xem. Mình thì mình sẽ làm vậy.’ Thế là lần sau lúc cô giúp việc được nghỉ, Caroline xem qua đồ đạc của con bé. Và tìm thấy nhật ký của nó. Và bạn ấy đọc. Và có đầy những câu lăng mạ, như là “Mình đang làm việc cho một mụ bò thực sự” và ‘Tay chồng cũng khá - đã bắt gặp hắn đang nhìn mông mình rồi - nhưng mụ vợ thì đúng là đồ ngu ngốc.’ Và ‘Liệu mụ ta có biết là mụ đang làm gì bọn trẻ tội nghiệp không nhỉ?’ Có những thứ thực sự, thực sự khó nuốt trong đó.”

“Thế rồi chuyện gì xảy ra?” tôi hỏi. “Bạn em có đuổi con bé giúp việc không?”

“Tony,” vợ cũ của tôi đáp, “đấy không phải là ý nghĩa của câu chuyện đâu.”

Tôi gật đầu. Margaret xem hóa đơn, rà góc thẻ tín dụng xuống qua từng món.

Có hai điều khác cô ấy từng nói trong những năm tháng ấy: rằng có những phụ nữ chẳng bí ẩn một tí tẹo nào, mà chỉ trở thành như thế do đàn ông bất lực trong việc hiểu được họ. Và như thế, theo cách nhìn của cô ấy, những miếng bánh hoa quả nên bị đóng kín trong những hộp sắt có hình khuôn mặt Nữ hoàng trên nắp. Đáng lẽ tôi cũng nên kể cho cô ấy chi tiết này trong phần đời Bristol của tôi nữa mới phải.

2 comments:

  1. Bịa ra những cái khả tín thì hay hơn là những sự thật không khả tín chứ :)). Thanks!

    ReplyDelete