May 7, 2013

Hoàng Hải Thủy và Nổ như tạc đạn

Hoàng Hải Thủy (tức Công Tử Hà Đông) rất đặc biệt, và là nhà văn vô cùng được mến mộ. Ông từng thế chỗ Vũ Mộng Long tức Duyên Anh tức Thương Sinh, một thần tượng khác của miền Nam một thuở, tại báo Con Ong, lúc Duyên Anh chuyển sang làm cho tờ Tuổi Ngọc; cả Con Ong lẫn Tuổi Ngọc đều là những ấn phẩm từng "sáng dội miền Nam", đến nay vẫn còn sinh động trong tâm trí rất nhiều độc giả.

Hoàng Hải Thủy đứng đúng ở giữa hai lĩnh vực: sáng tác và dịch thuật, bởi phần quan trọng nhất trong văn nghiệp Hoàng Hải Thủy là phóng tác.

Đây có lẽ là tác phẩm phóng tác hay được nhắc đến hơn cả của Hoàng Hải Thủy (tình trạng sách chỉ còn được vậy thôi):




Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời sưu tầm sách của tôi liên quan đến Hoàng Hải Thủy: có lần nhìn thấy quyển Môi thắm nửa đời có chữ ký của Hoàng Hải Thủy, chỉ vì tần ngần do dự mất một lúc mà sau đó quyển sách đã mất tăm hơi không sao tìm lại được, ba năm rồi thỉnh thoảng nhớ lại vẫn còn tiếc.

Tôi muốn đi sâu vào một tác phẩm rất nổi tiếng của Hoàng Hải Thủy (thậm chí nhan đề còn giống như một "thành ngữ mới"): Nổ như tạc đạn, tìm hiểu xung quanh nó đồng thời cũng tìm hiểu thêm về cách thức viết văn của nhà văn hồi ấy, rồi cách xuất hiện của tác phẩm, những yếu tố ngày nay hẳn rất xa lạ với tuyệt đại đa số độc giả.

Khi ra sách, Nổ như tạc đạn như sau:



(hình ảnh mượn của anh PNT)

Cuốn sách in năm 1964, nhưng trước đó, nó đã được đăng feuilleton trên báo. Dưới đây là bộ sưu tập cắt báo đầy đủ 36 kỳ của Nổ như tạc đạn:



Bộ sưu tập chỉ có vậy thôi, mặt sau của phần đăng truyện toàn là quảng cáo, rất khó tìm thêm thông tin gì.

Tôi nhờ hỏi thì nhà văn Hoàng Hải Thủy cho biết đây là truyện phóng tác đầu tiên của ông, ông nhớ là đã đăng khoảng 1955-1956 trên tờ Ngôn Luận.

Tìm đi tìm lại mãi thì thấy đúng đây là tờ Ngôn Luận, nhưng niên đại thì nhà văn nhớ sai: chính xác là nó được đăng trong năm 1962, như một số mẩu quảng cáo cho thấy, và rõ hơn là ở cuối truyện:



Ghi rõ là tháng Mười năm 1962. Có vẻ như truyện được loan Đi tìm tình yêu Hoàng Hải Thủy sau đã không viết, hoặc đã đổi tên.

Đây chính là một đặc điểm rất nổi bật của truyện phơi-ơ-tông: tác giả thay đổi rất nhiều, và trong quá trình viết nhiều khi cốt truyện đi hẳn theo hướng khác dự định ban đầu.

Tôi đã nhờ xem trong bản in sách: kỳ đầu Nổ như tạc đạn trên Ngôn Luận vẫn có trong sách, nhưng thật ra nó chẳng hề liên quan gì đến nội dung truyện. Gần đây, khi đưa Nổ như tạc đạn lên trang web riêng của mình, nhà văn Hoàng Hải Thủy đã bỏ đoạn ấy đi. Có vẻ như lúc đầu Hoàng Hải Thủy định viết một câu chuyện hoàn toàn khác: về một người đàn ông tên là Nguyễn Văn Tích có chuyện lằng nhằng với cô con gái (lai) con riêng của vợ.

Nhưng trong 36 kỳ của Nổ như tạc đạn (bản Ngôn Luận), kỳ II cũng không hề ăn nhập (chuyện Ngọc và Quân tán tỉnh nhau). Sang đến kỳ III thì mới bắt đầu đúng truyện (mặc dù có vẻ nhà văn vẫn chưa quyết định được nhân vật sẽ tên là gì: có Hùng là nhân vật chính của các kỳ sau, nhưng Ngọc và Minh thì chẳng liên quan).

Từ kỳ IV cho đến hết (tức là kỳ XXXVI) thì câu chuyện thực sự hoàn chỉnh: Hùng con nhà khá giả gia giáo lọt vào một nhóm bạn (chừng 17 tuổi) rất chơi bời, rất James Dean và có triết lý sống cầu tự do tuyệt đối, hư vô chủ nghĩa, coi lấy chồng như là trở thành máy đẻ kiêm máy giặt. Hùng có quan hệ đặc biệt với Hạnh, rồi hai người cùng Duy (lý thuyết gia của nhóm) tham gia một vụ "săng ta" (chantage, tức tống tiền). Cụm từ "Nu Ven Va" xuất hiện vài lần, muốn nói đến trào lưu "Nouvelle Vague" (Làn Sóng Mới). Cuộc sống của các "enfant terrible" của Sài Thành một thuở được miêu tả rất sinh động.

Nhưng Hoàng Hải Thủy cũng cho biết thêm, Nổ như tạc đạn là truyện phóng tác, và nhớ mình phóng tác từ truyện tên là Après moi le déluge nằm trong Série Noire, nhưng không nhớ gì thêm. Tìm quyển sách này không phải dễ, vì nhan đề của nó lại là một thành ngữ rất nổi tiếng, câu nói của Louis XIV.

Hì hục mãi cuối cùng tôi cũng tạm tin là mình đã tìm ra "nguồn": cuốn sách Hoàng Hải Thủy đã đọc rồi từ đó phóng tác ra tên là Après moi le déluge (tên gốc tiếng Anh: Sabotage), đứng số 101 trong Série Noire, in năm 1940, và tác giả là Cleve Franklin Adams, nhà văn Mỹ sinh năm 1884 ở Chicago và mất năm 1949 ở California.

Đặc biệt, nhìn kỹ vào bản in báo, có thể thấy một số đoạn trắng, chắc hẳn là kiểm duyệt đã cắt bỏ những chi tiết quá nóng bỏng (bản sách sau này cũng không khôi phục được):



-----------

Bức ảnh dưới đây là dành cho Mr Tin Văn Nguyễn Quốc Trụ, một văn hữu của Hoàng Hải Thủy, để Mr Tin Văn nhìn lại một quyển sách của người thầy học cũ:


-----------


(ảnh của ntd)

24 comments:

  1. Tks
    Nổ như tạc đạn, đăng sau khi Diệm mất,đọc feuilleton tôi cứ nghĩ là sáng tác. NQT

    ReplyDelete
  2. 1.
    Bài viết vô tình đánh "trúng tim đen" của tôi: đó là hai tác phẩm chủa HHT mà thủa teenager tôi mê nhất. Nhưng về mặt "lịch sử" thì hơi ngược, vì tôi chỉ biết đến Mối Thắm Nửa Đời qua báo (tờ "Chính Luận" thì phải, khá chắc chắn sau "cách mạng 1/11/64, tờ Ngôn Luận không còn), và Nổ Như Tạc Đạn thì tôi lại chỉ đọc sách (mướn!).

    Vì lý do nào đó, tôi biết Nổ Như Tạc Đạn (phần chính) là một truyện phóng tác và cũng nhớ có phần đầu là một câu chuyện "dan díu" - thậm chí có cảnh hiếp dâm thì phải - không dính dáng gì đến câu chuyện chính...

    Ngoài ra, tôi biết đám bạn học (trung học) của tôi, ở lứa tuổi 16, 17 nhiều đứa thích Môi Thắm Nửa Đời, nhưng thất vọng vì đoạn kết "lãng xẹt"!

    2.
    Tôi không đồng ý tí nào với nhận định "[HHT]từng thế chỗ Vũ Mộng Long tức Duyên Anh tức Thương Sinh".

    Lý do: HHT viết lách có thể trước Duyên Anh, tôi nhớ đã đọc phóng sự Vũ Nữ Sai Gòn trước Điệu Ru Nước Mắt. Nhưng điều này dĩ nhiên chẳng chứng minh được gì. Quan trọng hơn là các tác phẩm của HHT và DA nhằm vào hai giới độc giả khác nhau, tuy chủ yếu là thanh thiếu niên, nhưng độc giả HHT là đàn ông con trai nhiều hơn là đàn bà con gái, trong khi DA thì ngược lại. Trên hết, HHT chuyên về phóng tác (tiểu thuyết Âu Mỹ, kể cả truyện Cao Bồi Viễn Tây), DA không liên quan đến lãnh vực này, mà nghiêng về phía sách nhi đồng, cho các "búp bê"... (Đó là không nói đến chuyện sau 1975).

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tác giả bài viết dùng chữ "thế chỗ" là theo nghĩa đen. Khi Duyên Anh rời Con Ong qua Tuổi Ngọc thì Hoàng Hải Thuỷ đến thay. Không phải về văn phong hay lãnh vực của họ.

      Delete
  3. Về tuổi tác, Duyên Anh và Hoàng Hải Thủy gần như bằng tuổi nhau (sinh năm 35 và 33), xuất hiện trên văn đàn cũng không xa nhau mấy (Duyên Anh xuất hiện chừng năm 60). Hai người còn từng xuất hiện chung với tư cách tác giả, ít nhất ở cùng một cuốn sách. Tác phẩm của Duyên Anh không hẳn thiên về "đàn bà con gái", mà là thiếu niên (chủ yếu con trai). Ở câu nhắc đến cả HHT lẫn DA, ý tôi chỉ nói ở báo "Con Ong" HHT thế chỗ DA, điều này đã được HHT ghi lại một cách rất trân trọng trong một bài viết.

    ReplyDelete
  4. Trước hết tôi xin lỗi về vụ "HHT thế chỗ DA". Tôi đã đọc quá nhanh, "nhẩy cóc" mất phần cuối của câu văn. Tôi hay mắc lỗi đó chưa chừa được.

    Con về chuyện ai viết cho con trai, ai cho con gái, cũng chỉ là chủ quan của tôi thôi. Số là thủa còn teenager, tôi học trường con trai, chẳng thấy đứa nào đọc DA mấy, mà đa số ít nhiều mê "văn" HHT. Trong khi đó, lâu tâu ghé mắt vào Tuổi Ngọc (?) chỉ thấy toàn là các "bup-bê" (đa phần là nữ) um xùm trong đó. (Một vài bup-bê tôi viết sau này thành nhà văn "nữ", nhưng tôi chẳng nhớ tên nổi).

    Vừa tìm trong wiki, thấy có tiểu sử của DA: "Năm 1960, được sự nâng đỡ tận tình của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh bắt đầu sự nghiệp văn chương và nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu tay Hoa Thiên Lý." Vậy là rõ ràng.

    HHT chưa thấy có "entry" trong wiki, chắc vì ông còn sống hùng sống mạnh. Nhưng tôi chắc chắn ông đã có tác phẩm in trước 1960. Trong "Viết và đọc tiểu thuyết" - viết trước 1960 - Nhất Linh đã khen bản dịch Đỉnh Gió Hú của HHT. Đại khái NL viết: Đỉnh Gió Hú là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất kim cổ và bản dịch của HHT cũng rất tuyệt! (Quảng cáo khéo thế thì thôi!)

    Tôi không phải ngưòi nghiên cứu, không sưu tầm sách, cũng không gần thư viện lớn. Chỉ dựa vào trí nhớ, nhưng nay thì "thằng" trí nhớ cũng hết tin tưởng được!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ông HHT không viết cho tờ Chính Luận. Sau khi hai tờ Sài Gòn Mới và Ngôn Luận bị đóng cửa năm 1964, ông cộng tác với tờ Tiền Tuyến năm 1965.
      Trả lời cuộc phỏng vấn của nhà văn Lê Thị Huệ được đăng trên website gio-o, ông HHT cho biết ông viết truyện phóng tác cho đối tượng độc giả là... phụ nữ. Chắc ông nói một cách khiêm nhường.

      Delete
    2. Wow, hân hạnh, bác hodinhvu :)

      Delete
  5. Trong "Viết và đọc tiểu thuyết" Nhất Linh nhắc đến bản dịch Đỉnh Gió Hú của Hoàng Hải Thủy? Chi tiết này hay, tối nay tôi sẽ kiểm tra luôn :) Theo tôi nhớ (vì đã đọc quyển ấy), là NL không nhắc đến HHT. Ông ấy nhắc đến Đỉnh Gió Hú là nhắc đến bản dịch của chính ông ấy (Nhất Linh) thôi. Thêm một chi tiết: quyển "Viết và đọc tiểu thuyết" được nhà Đời Nay xuất bản vào năm 1961, tuy viết trước đó (1952-1961).

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bác NL,
      Bác nói tôi mới nhớ ra Nhất Linh có dịch Đỉnh Gió Hú. Thế thì chả lẽ HHT lại dịch "trùng" hay sao? Nhưng cũng có thể! Còn chi tiết lời khen đó, thì sở dĩ tôi nhớ vì có lần "tranh luận" với một đứa bạn về chuyện đó. Nhưng tất cả chỉ là trí nhớ hay trí tưởng tượng (có thể không phải từ cuốn Viết và Đọc Tiểu Thuyết, mà trong một bài viết khác)? Toàn là câu hỏi... dù gì cũng trên 50 năm rồi!
      LV

      Delete
    2. Nhiều bản dịch cùng một tác phẩm là chuyện rất bình thường mà bác. Ngay quyển sách của Koestler cũng vậy: có bản của nhà Tân Á tôi đã cho ảnh lên, bản "Tội công thành" của Quốc Ấn, bản "Số không với vô tận" của Thạch Trung Giả, gần đây lại có thêm nữa.

      Delete
    3. Thư tịch của nhà văn Trương Bảo Sơn (luanhoan.net) phần dịch phẩm của TBS:
      [...]
      6. Đỉnh Gió Hú
      Dịch “Wuthering Heights” của Emily Bronte. (Dịch tiếp di cảo của Nhất Linh -1971)

      Hèn chi thời ở VN, tôi chưa bao giờ nhìn thấy Đỉnh Gió Hú của Nhất Linh.

      Delete
    4. hị, vấn đề phức tạp hơn thế: bản dịch của Nhất Linh không hẳn là di cảo, mà đã đăng báo hồi 1960

      Delete
    5. tôi mới cho thêm cái ảnh ở phía trên: "Đỉnh gió hú", Phượng Giang xb 1974, 453tr., bản dịch của Nhất Linh, được Trương Bảo Sơn, chủ bút tờ "Tân Phong", bạn thân của Nhất Linh, chỉnh sửa và bổ sung

      Delete
    6. Cũng xin bổ sung cho để tài bản dịch Đỉnh Gió Hú của NL. Sau 1975, người con út của NL ở nước ngoài, có bản "di cảo" của NL, nhưng không tìm ra cuốn sách xb năm 1974 đó nữa nên đã làm lại công việc cụ Trương Bảo Sơn đã làm là dịch tiếp cho đến hết cuốn. Có thể đọc toàn bộ bản dịch của Nhất Linh & Nguyễn Tường Thiết trên trang nhà talawas (bộ cũ). Có lời dẫn rất hay của N.T.Thiết.
      TB. Nhân đây xin thông báo (cho ai chưa nghe) là cụ Nguyễn Tường Bách, người em út và cũng là người còn lại sau cùng trong các anh em của Nhất Linh vừa qua đời tại Fountain Valley, Orange County, California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 98 tuổi). Thế hệ kế tiếp của giòng họ còn sống - theo cáo phó - đếm ra là 31 người.

      Delete
  6. Đỉnh Gió Hú được phóng tác, chắc thế, lần đầu, cũng chắc thế, với cái tên Trên Cao Gió Lộng, đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, hình như thế. Cuốn CuốnTheo Chiều Gió, cũng đã xuất hiện dưới cái tên Cầm Bằng Theo Gió Bay Đi, nhớ đại khái. Tôi đọc từ lúc vừa mới biết đọc, ở Miền Bắc, sau khi ông cụ bị mất, 1946, mò vô cái kho của ông Bác
    NQT

    ReplyDelete
  7. Trên cao gió lộng là bản dịch của Hoàng Chu Ngạc, Thế Kỷ xuất bản 1952.

    ReplyDelete
  8. Công Tử Hà Đông vừa "còm" bài này của bác NL, trên trand nhà Viết Ở Rừng Phong, có hai điều chính (HHT viết):

    1) Một kỳ Nổ Như Tạc Ðạn, Trang 3 Nhật Báo Ngôn Luận. Phần trắng ở cột báo thứ 3 là do tác giả viết thiếu truyên, không phải do Bộ Thông Tin kiểm duyệt. Trang báo này đã sống qua 50 năm, kể từ năm 1960 là năm Nổ Như Tạc Ðạn được đăng từng ngày trên nhật báo Ngôn Luận.

    2) Tôi viết rõ: Không bao giờ tôi “thế chỗ Duyên Anh” trong tuần báo Con Ong. Không ai có thể “thế chỗ” Duyên Anh trong Con Ong. Khi Duyên Anh làm chủ bút Con Ong, anh viết bao sân, tức với nhiều bút hiệu anh viết gần như tất cả những bài trong Con Ong. Mình anh viết Con Ong. Anh không cần ai khác. Thời ấy theo tôi nhớ chỉ có Dê Húc Càn được DA mời viết mục “Cà Kê Dê Ngỗng.” DA bỏ Con Ong để làm chủ nhiệm-chủ bút tuần báo Tuổi Ngọc, chủ nhiệm Con Ong Minh Vồ mời vài người viết cho Con Ong; trong số có tôi. Tôi chỉ viết cho Con Ong có một trang. Dường như tên bài viết năm xưa ấy của tôi là “Nói Láo Mà Chơi, “ký tên Công Tử Hà Ðông và Gã Thâm. Cái tên Công Tử Hà Ðông có từ năm đó – khoảng năm 1968 – Duyên Anh Thương Sinh bỏ đi, Con Ong không còn là Con Ong nữa. Bài vở trên Con Ong không ra làm sao cả, Con Ong sống èo uột với cái dư danh của nó.
    (trích: hoanghaithuy.wordpress.com)

    ReplyDelete
  9. Cám ơn bác, tôi chỉ lấy lại ý này của HHT thôi hihi:

    "Tôi – CTHÐ – không có mặt trong Con Ong những số đầu. Chỉ khi Duyên Anh bỏ Con Ong ra làm tuần báo Tuổi Ngọc, Minh Vồ mới mời tôi viết cho Con Ong và tôi mới có trang của tôi ở Con Ong."

    http://hoanghaithuy.wordpress.com/2011/09/12/con-ong-sai-gon-2011/

    ReplyDelete
    Replies
    1. Như vậy, nhờ Công Tử Hà Đông nói thêm, có thể thấy rằng nói HHT "thế chỗ" DA ở Con Ong là không hoàn toàn chính xác, mà đúng hơn chỉ có thể khẳng định về thời điểm: Duyên Anh đã bỏ Con Ong rồi thì Hoàng Hải Thủy mới cộng tác chặt chẽ với Con Ong.

      Delete
  10. "Tôi viết Môi Thắm Nửa Ðời trên nhật báo Chính Luận khoảng năm 1970."
    HHT như thế viết trên blog của "chàng" sau khi đọc bài của bác NL và những trao đổi của bạn đọc ở đây. Thật là vui. Thứ nhất là trao đổi với nhau, vừa được giải trí vừa bồi bổ trí nhớ. Thứ hai, tôi nhớ đúng là MTNĐ đăng báo Chính Luận. Trí nhớ cũng còn được 50 phần chăm. Nhưng khoảng năm 1970 thì sai hơi nhiều :-) Tôi chắc chắn MTNĐ đã kết thúc 1966.

    ReplyDelete
  11. Everything wrote made a bunch of sense. But, consider this, suppose you were to create a killer post title?
    I mean, I don't want to tell you how to run your blog, however what
    if you added something that makes people want more?
    I mean "Hoang Hải Thủy va Nổ như tạc dạn" is
    a little plain. You might peek at Yahoo's home
    page and see how they write article headlines to grab people to click.

    You might add a video or a pic or two to get people interested about everything've got to say.

    In my opinion, it might bring your posts
    a little livelier.

    ReplyDelete
  12. Hello, I desire to subscribe for this website to get latest updates,
    therefore where can i do it please help.

    ReplyDelete
  13. Please let me know if you're looking for a author for your site.

    You have some really good articles and I think I would
    be a good asset. If you ever want to take some of the load off, I'd love
    to write some material for your blog in exchange for a link
    back to mine. Please blast me an email if interested.
    Many thanks!

    ReplyDelete
  14. Someone necessarily help to make severely articles I would state.

    This is the first time I frequented your web page and
    to this point? I surprised with the research you made
    to create this actual post extraordinary. Wonderful job!

    ReplyDelete