May 9, 2013

Chuyện ở nông trại: Thực tế Orwell ở Trung Quốc


Tiếp tục "vệt" này:


(courtesy NTT)

George Orwell trong đời sống dịch thuật và nghiên cứu tại Trung Quốc

NSNB (dịch và tổng hợp)


Theo số liệu thống kê của CNKI (mạng số hóa tài liệu khoa học đã công bố của Trung Quốc), với từ khóa George Orwell hoặc乔治·奥威尔 (tên phiên âm tiếng Trung của George Orwell) sẽ thấy từ năm 1959 đến 2013 hàng trăm kết quả nghiên cứu, các bài báo đề cập hoặc có liên quan về George Orwell (trong đó từ 2000 đến 2013 đã có khoảng gần 100 luận văn Thạc sĩ và luận án Tiến sĩ trực tiếp lấy tác giả này hoặc các tác phẩm nổi tiếng của ông như 1984 hoặc Động vật trang viên làm đối tượng nghiên cứu). (xem ảnh). Xin hãy lưu ý: đây mới chỉ là con số thống kê dựa trên các tư liệu đã được số hóa, thực tế con số đó có thể còn lớn hơn nhiều.


Dựa trên hai bài tổng thuật tình hình nghiên cứu về George Orwell tại Trung Quốc của nhà nghiên cứu Chen Yong (Trần Dũng) có thể chia dịch thuật và nghiên cứu về George Orwell ở nước này thành các giai đoạn như sau: (những thông tin và các quan điểm nhận định đánh giá dưới đây đều thuộc về Chen Yong không phải của người dịch):
1. Bản dịch tiếng Trung đầu tiên của Động vật trang viên (Animal Farm) là do Nhậm Trĩ Vũ任穉羽 (lúc đó đang ở Mỹ) chuyển ngữ vào tháng 8 năm 1947, được Thương vụ ấn thư quán xuất bản vào tháng 10 năm 1948 như là “sách tham khảo cho thiếu niên”. Dịch giả Nhậm Trĩ Vũ cho rằng: “Đây là một bộ tiểu thuyết ngụ ngôn, giàu ý vị châm biếm trào lộng, cho dù là sự hiểu biết hay miêu tả tâm lý động vật đều có những chỗ đạt đến cực chí. Đây là một tác phẩm văn học. Nếu độc giả cho nó là tiểu thuyết chính trị, như vậy là sai lầm”. Những nhận định của Nhậm Trĩ Vũ cũng được xem là những nghiên cứu đầu tiên về Động vật trang viên nói riêng và George Orwell nói chung tại Trung Quốc.


Một trong những bản dịch tiếng Trung của Animal Farm

2. Từ năm 1950-1970: Chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng nghiên cứu từ Liên Xô, giai đoạn này George Orwell trong mắt các nhà nghiên cứu Trung Quốc bị nhận định là tác giả tiêu biểu cho phong trào “phản Tô (Liên Xô) phản cộng” đồng thời là đối tượng bị phê bình của báo chí và tạp chí nghiên cứu Trung Quốc. Từ 1950 đến trước 1978, các tác phẩm của George Orwell bị cấm dịch tại Trung Quốc. Các quan điểm đánh giá về ông chủ yếu được trích dẫn lại từ Tạp chí văn học Liên Xô. Thí dụ như trong bài Bàn về văn học Anh trên tạp chí Dịch văn译文số tháng 7 năm 1956, George Orwell được [bị] cho là “tác giả nhận được sùng bái nhất trong số các tác giả phản động của Anh quốc vào những năm 50, những tác phẩm của ông ta là sản phẩm hoang tưởng và bệnh chứng thù ghét nhân loại”. Tháng 6, năm 1958, trong bài Tiểu thuyết Anh những năm 50, in trên Thế giới văn học 《世界文学》(tên mới đổi của tạp chí “Dịch văn” 译文), có nhắc đến “Dưỡng thú trường” (tên dịch tiếng Trung khác của Animal Farm) và 1984 của George Orwell như là những tác phẩm lăng nhục đầy hận thù đối với sự tiến bộ của loài người”…
Sau đại hội Đảng toàn quốc năm 1978, Trung Quốc bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn giải phóng tư tưởng. Năm 1979, bản dịch 1984 của Đổng Nhạc Sơn chính thức xuất hiện trên tạp chí Quốc ngoại tác phẩm tuyển dịch (đăng nhiều kỳ liên tiếp từ số 4 đến số 6) dưới dạng “phát hành nội bộ”. Bản dịch 1984 sớm nhất này của Đổng Nhạc Sơn được xem như là một bản dịch có ảnh hưởng lớn nhất, tác động sâu sắc nhất đến các phần tử trí thức đương đại Trung Quốc.


Bản dịch 1984 của Đổng Nhạc Sơn

3. Những năm 80 của thế kỷ XX: Một trong những mốc quan trọng nhất trong nghiên cứu về George Orwell tại Trung Quốc phải kể đến sự kiện tác giả này đã xuất hiện như một mục từ (tuy không dài) trong Đại bách khoa toàn thư vào năm 1982 . Từ đó về sau, George Orwell đã chính thức trở thành đối tượng của nhiều nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Vu Ninh Khôn, khi viết mục từ George Orwell trong Đại bách khoa toàn thư đã đưa ra nhiều thông tin nhầm lẫn về George Orwell, không chỉ về năm sinh hay sự lẫn lộn giữa các tác phẩm của ông, mà những nhận định như: “George Orwell bắt đầu tôn sùng chủ nghĩa Marx”, “tham gia quân đội chính phủ chiến đấu chống phát xít”, và “sau đó tư tưởng của ông có xu hướng hữu khuynh” là những thông tin không chuẩn xác. Ngoại trừ những điều đó, rất nhiều những bình luận, đánh giá của Vu Ninh Khôn về George Orwell như: ông “cổ xúy chủ nghĩa xã hội dân chủ”, “dùng hình thức ngụ ngôn để giễu cợt chế độ xã hội Liên Xô” lại có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với việc tiếp nhận George Orwell tại Trung Quốc tại thời điểm đó. Thí dụ trong lời giới thiệu cho bộ George Orwell kinh điển văn tập, Hoàng Lỗi lặp lại y nguyên những gì Vu Ninh Khôn đã nói ở trên. Những thông tin sai về thân thế và cuộc đời George Orwell cũng xuất hiện trong bộ Encyclopedia Britannica giản lược in năm 1985 tại Trung Quốc, thí dụ “Năm 1937, [George Orwell] chạy trốn khỏi Tây Ban Nha” (theo nhà nghiên cứu Chen Yong thì thông tin này sai, chinh xác phải là George Orwell lúc đó tại Tây Ban Nha bị KGB của Liên Xô truy sát suýt chết (???).
Giai đoạn này, nhìn chung George Orwell trong con mắt các nhà nghiên cứu và dịch giả Trung Quốc vẫn là một tác giả tư bản chủ nghĩa phản đối chủ nghĩa xã hội và chống cộng. Tuy nhiên, cùng với sự thúc đẩy vận động giải phóng tư tưởng và tiến trình đổi mới khai phóng tại Trung Quốc, cộng thêm với việc tiếp thu những quan điểm nghiên cứu về George Orwell của các học giả phương Tây giai đoạn đầu (như Robert. H. Maybury và E. Wahlberg) nhiều học giả Trung Quốc đã bắt đầu chú ý đến vấn đề chủ nghĩa cực quyền trong các tác phẩm của George Orwell đồng thời phát hiện ra những điểm tương tự giữa những gì George Orwell đề cập với hiện thực “cách mạng văn hóa” tại Trung Quốc.


Orwell văn tập

Ba nhà nghiên cứu Trung Quốc có đóng góp đặc biệt về George Orwell giai đoạn này là: Thẩm Hằng Đàm, Hầu Duy Thụy và Phương Hán Tuyền.
Thẩm Hằng Đàm quan tâm chủ yếu đến tác phẩm 1984 dưới khía cạnh: sự lạc điệu giữa con người cá nhân và xã hội trong xã hội tư bản chủ nghĩa, về nguy cơ của đạo đức và văn minh trong một xã hội ngày càng dị hóa, đồng thời phản ánh nỗi sợ hãi của các nhà tư tưởng tư bản chủ nghĩa trước sự lớn mạnh của chủ nghĩa xã hội.
Ngược lại, Hầu Duy Thụy là người đầu tiên tại Trung Quốc nghiên cứu các tác phẩm của George Orwell một cách toàn diện và kỹ càng nhất. Ông chia các tác phẩm quan trọng của George Orwell thành hai hệ thống chủ đề: bần cùng và chính trị. Chủ đề bần cùng thì bao gồm những tác phẩm như: Paris, Luân Đôn lạc nạn ký (Down and Out in Paris and London), Con gái mục sư (A Clergyman’s Daughter), Hãy để diệp lan tiếp tục phất phơ (Keep the Aspidistra Flying), The Road to Wigan Pier… Chủ đề chính trị thì có: Những ngày ở Miến Điện, Động vật trang viên, 1984, trong đó Coming Up for Air là tác phẩm mang tính quá độ. Hầu Duy Thụy cho rằng: “Những tác phẩm đó phản ánh quá trình biến hóa từ một George Orwell căm giận chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn đầu sang một George Orwell căm thù chủ nghĩa xã hội Liên Xô sau này”. Nhân vật thứ ba, Phương Hán Tuyền, trong khi nghiên cứu George Orwell thì lại có sự phát hiện: nếu so sánh chủ nghĩa cực quyền được George Orwell dự đoán trước trong tác phẩm của ông với thời kỳ “cách mạng văn hóa của Trung Quốc” thì thấy “xác thực có nhiều chuyện đã bị George Orwell nói trúng”. Ngoài ba nhà nghiên cứu trên, còn có Ngô Cảnh Vinh, người đầu tiên đặt ra vấn đề nghiên cứu ngôn ngữ trong các tác phẩm của George Orwell. Ngô Cảnh Vinh cho rằng ngôn ngữ của George Orwell là thứ ngôn ngữ thiên kiến, giật gân, quá khích và cuồng loạn.
Năm 1985, bản dịch 1984 của Đổng Nhạc Sơn xuất hiện với tư cách là một trong Dystopia tam bộ khúc, được Quảng Châu Hoa Thành xuất bản xã xuất bản dưới dạng “phát hành nội bộ” lần 1 và bỏ chữ “phát hành nội bộ” khi tái bản lần hai vào năm 1988. Vương Mông trong lời tựa cho Dystopia tam bộ khúc (bao gồm Brave New World Revisited của Aldous Huxley, We của Yevgeny Zamyatin, 1984 của George Orwell) đã cho rằng: Ba tác phẩm đó nhấn mạnh “từ quan điểm của chủ nghĩa nhân văn, quan điểm văn hóa, quan điểm tính linh và có khi là quan điểm thẩm mỹ để phê phán nền văn minh công nghiệp, phê phán “hiện đại hóa”, phê phán văn minh thành thị và sự tổ chức hóa cao độ của xã hội. Vương Mông cũng tổng kết: chủ nghĩa khoa học, chủ nghĩa kỹ thuật một mặt đem đến những thành tựu “vô sở bất năng” (không cái gì là không thể), nhưng mặt khác đối với thế giới tinh thần của con người lại “vô năng vi lực” (hoàn toàn bất lực). Đó cũng chính là những khải thị của Dystopia tam bộ khúc.


Bìa bản dịch 1984 của Đổng Nhạc Sơn.
Dòng chữ trên bìa: “thêm một người đọc George Orwell, thêm một phần đảm bảo tự do”

4. Những năm 90 của thế kỷ XX: Giai đoạn này được mở đầu bằng ba bài viết về George Orwell trên tạp chí Độc thư 《读书》: một bài vào năm 1991 của Lý Huy bàn về mối quan hệ giữa George Orwell với Trung Quốc; một bài điểm sách năm 1992 của Phùng Diệc Đại về cuốn George Orwell của Michael Shelden (trong bài viết này Phùng Diệc Đại cho rằng trước tiên George Orwell là người theo chủ nghĩa nhân đạo, sau đó mới là một nhà lý luận chính trị); một bài năm 1993 của Triệu Kiến Hùng bình luận về 1984, trong đó người viết bày tỏ những gì viết trong 1984 cũng chính là những gì bản thân ông từng trải qua trong cuộc sống.
Năm 1993, nhà nghiên cứu Tô Hạng trong bài viết “Quan điểm chính trị và tiểu thuyết chính trị của George Orwell” (công bố trên Ký Nam học báo) cho rằng George Orwell vận dụng tiểu thuyết chính trị như một hình thức “nhằm mục đích công kích Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Stalin, cái gọi là chống chủ nghĩa cực quyền được George Orwell cổ xúy mục đích chính là chống cộng, chống Liên Xô”.
Năm 1996, Tôn Hoằng trong bài viết “Luận bàn phúng dụ về xã hội loài người trong tác phẩm “The Birds” của Aristophanes và “Thú viên” (Animal Farm) của George Orwell” (công bố trên Tây Bắc đại học học báo) thông qua so sánh hai tác phẩm chứng minh: “Ngụ ngôn hiện đại của George Orwell đã kế thừa và phát triển phong cách điền viên của Aristophanes, hai tác phẩm nổi tiếng này là sự phúng dụ chĩa vào những tệ lậu tồn tại phổ biến trong xã hội loài người từ cổ chí kim mà hoàn toàn không phải là hịch văn chính trị chinh phạt một quốc gia đặc định hay một xã hội riêng biệt nào”.
Phan Quang Uy trong bài “George Orwell và ngụ ngôn chính trị Động vật trang viên” (Nội Mông cổ giáo dục học viện học báo) cho rằng trong thời kỳ chiến tranh lạnh, hai phe chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội “một bên suy tôn một bên nghiêm cấm các tác phẩm của George Orwell, hai quan điểm cực đoan này đã làm mất đi những đánh giá nhận định bình tĩnh khách quan về George Orwell”. Phan Quang Uy chỉ rõ: mặt tích cực của George Orwell nằm ở chỗ “sắc bén chỉ ra những sự kiện cụ thể và những vấn đề chính trị được sự kiện đó phản ánh, phê bình thẳng thừng, cay độc”, mặt tiêu cực của George Orwell nằm ở chỗ “khiến cho bản thân lạc phương hướng, chán nản thất vọng về chủ nghĩa xã hội”, đó cũng chính là “bi kịch mà rất nhiều phần tử trí thức lương thiện trong xã hội tư bản chủ nghĩa thời đại đó cùng chung trải nghiệm khi tìm lối thoát cho xã hội”.
Năm 1995, trong tập Dưới làn sóng chủ nghĩa hiện đại (Hoàng Mai (chủ biên), Trung Quốc khoa học xã hội xuất bản xã), bài viết “George Orwell và tiểu thuyết dystopia” của Lưu Tượng Ngu đã phản đối cách thức dán mác cho George Orwell. Lưu Tượng Ngu cho rằng: “Nếu nói George Orwell là một tác gia viết về chính trị thì thà nói ông ấy là một tác gia viết về con người còn hơn”; “sự mỉa mai của cuốn tiểu thuyết dystopia “1984” là mỉa mai chính trị cực quyền tồn tại phổ biến đương thời - một hậu quả tất yếu của tư tưởng chủ nghĩa cực quyền và thể chế kinh tế tập trung cao độ”.
Điểm chung của các bài viết trên là đều đề nghị học giới có những nhận định khách quan công bằng về George Orwell, tránh cách thức giản đơn dán mác chính trị cho tác giả như thời chiến tranh lạnh.
Năm 1996, trên tạp chí Ngoại quốc văn học, Trương Trung Tái trong bài “Mười năm sau đọc lại 1984 - Điểm bình 1984 của George Orwell” cho rằng “George Orwell chán ghét chủ nghĩa tư bản, chán ghét chủ nghĩa cực quyền khiến ông ảo tưởng về sự xuất hiện một xã hội theo hình mẫu Utopia, ảo tưởng bị phá hủy, cho nên ông mơ màng, băn khoăn, rơi vào trạng thái chân không của tín ngưỡng chính trị, đồng thời dùng tâm thức tuyệt vọng viết nên cuốn tiểu thuyết dystopia 1984 như thế”.
Cũng trên Ngoại quốc văn học, năm 1999, nhà nghiên cứu Chu Vọng có bài viết so sánh các tác phẩm của George Orwell và Trương Hiền Lượng, bà cho rằng, điểm chung giữa hai tác gia này là “cả hai đều quan tâm chú ý đến hiện thực xã hội, phê phán không nương tay cực quyền chính trị gồm cả cực hữu lẫn cực tả từng có độ hung hăng ngang ngược trong lịch sử”. Trước đó, năm 1998, trên tạp chí Trung ngoại văn học, bài viết “Tư tưởng sáng tác trong 1984 của George Orwell” của Chu Vọng đã được đánh giá là một công trình đưa nghiên cứu về George Orwell tại Trung Quốc đạt đến một tầm cao khác. Giá trị chủ yếu của bài viết này là Chu Vọng đã chú ý khảo sát lịch sử tư tưởng sáng tác của George Orwell, các đặc biệt là tư tưởng chính trị phản chính trị cực quyền.


George Orwell kinh điển văn tập: 1984, Animal FarmOrwell tùy bút
5. Từ năm 2000 đến 2013: Năm 2003 cuốn sách Orwell: Wintry Conscience of a Generation của Jeffrey Meyers được dịch sang Trung văn và ngay lập tức thu hút sự chú ý của đông đảo học giả Trung Quốc đối với tư tưởng của George Orwell. Họ bắt đầu có một cái nhìn sâu sắc khác về George Orwell. Đặc biệt là sau khi 1Q84 của Haruki Murakami được dịch sang tiếng Trung thì một loạt tác phẩm của George Orwell cũng đồng thời được dịch lại hoặc cho tái bản ồ ạt tại Trung Quốc.

Bản dịch tiếng Trung của cuốn Orwell: Wintry Conscience of a Generation của Jeffrey Meyers

Từ 2000-2013, có thể khái quát các góc độ nghiên cứu về George Orwell tại Trung Quốc như sau:
- Nghiên cứu chỉnh thể về George Orwell và tư tưởng của ông: Trong đó phải kể đến các bài nghiên cứu của Tôn Trọng Húc, ca ngợi George Orwell là “người trí thức cuối cùng của Châu Âu”; nhà phê bình văn học nổi tiếng Chỉ Am, người đưa George Orwell lên hàng “Thánh đồ” và là bậc “tiên tri” của thời đại; Tăng Tác Khách trên chương trình Bách gia giảng đàn của Đài Truyền hình Trung Ương Trung Quốc khi bàn về di sản tư tưởng của George Orwell và những cống hiến thực chất cho cuộc vận động tư tưởng của trí thức thế kỷ XX, đã cho rằng George Orwell đã phát triển sự phê phán chế độ uy quyền lấy gia trưởng làm trung tâm trong gia đình thành phê phán chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc và các loại chủ nghĩa cực quyền. Học giả nổi tiếng Lâm Hiền Trị cho rằng George Orwell “trung thành với lương tri của ông”, “những sáng tác thành thực như thế, cô ngạo như thế, kiên định như thế [của George Orwell] mới xứng đáng được gọi là “sáng tác cá nhân””. Dư Thế Tồn cho rằng: bản tính hướng thượng vốn là mục tiêu phấn đấu của đa số quần chúng và là trạng thái thường nhật của tầng lớp tinh anh, nhưng xã hội thượng lưu lại ngập ngụa những dị hóa, xấu xa, vô tri trái với nhân tính, chỉ có những bậc Thánh đồ, đại đức và các bậc tiên tri mới rõ được chỗ cao thấp trong nhân tính và mối tương liên với đại chúng bình dân. George Orwell chính là bậc tiên tri và thánh đồ như thế…
- Nghiên cứu về thế giới quan ngôn ngữ của George Orwell: Ông Lộ cho rằng bí mật của quyền lực chủ nghĩa cực quyền trong 1984 là sự thao túng ngôn ngữ. Lưu Hiểu Đông cho rằng “Vấn đề George Orwell” đã chỉ rõ sự áp bức của chính trị và văn hóa đối với nhân tính tự nhiên. Bất cứ quốc gia nào cũng đều có “Vấn đề George Orwell”. “Vấn đề George Orwell” của Trung Quốc chính là giải phóng cá nhân, trước hết phải bắt đầu từ giải phóng tuổi thơ, bởi vì “kỳ thực giải phóng thiên tính cũng đồng nghĩa là gìn giữ đồng tâm (tấm lòng thuần phác ngây thơ như con trẻ)”…
- Nghiên cứu so sánh về George Orwell: Các công trình dưới dạng này đề cập đến những ảnh hưởng và mối liên hệ của George Orwell với các tác giả Trung Quốc như: George Orwell với Vương Tiểu Ba, George Orwell với ký giả Tiêu Càn (Xiao Qian)… hoặc ảnh hưởng của George Orwell lên các tác giả phương Tây v.v…
- Nghiên cứu về các tác phẩm cụ thể của George Orwell: Chủ yếu tập trung vào 1984Animal Farm với số bài nghiên cứu đông đảo.

Bonus: Một bài giới thiệu về George Orwell trên Tân Hoa xã (cái này có được xem là Báo Đảng Trung Hoa không nhỉ?)

Bài liên quan:

8 comments:

  1. Bonus: Một bài giới thiệu về George Orwell trên Tân Hoa xã (cái này có được xem là Báo Đảng Trung Hoa không nhỉ?)
    -----------
    chắc là không bác ạ. Xinhua giống như TTXVN vậy. Báo Đảng Trung Hoa chắc là Nhân dân Nhật báo.

    ReplyDelete
  2. Trong khi Trung Quốc nó đọc George Orwell có lớp lang, có trình tự, sang trọng đỏng đảnh như thế thì trình đọc của độc giả Việt Nam vẫn dẫm chân mãi ở những năm 70, 80 của thế kỷ XX.

    http://petrotimes.vn/news/vn/van-hoa-giai-tri-the-thao/nhung-cuon-sach-gay-buc-xuc-cua-nha-nam.html

    Nhất là cái đoạn này:

    "Điều đặc biệt là tiểu thuyết “Trại súc vật” của George Orwell từ nhiều năm nay đã bị đánh giá như một tác phẩm chứa rất nhiều luận điểm sai trái về chủ nghĩa xã hội và nó bị cấm lưu hành ở những quốc gia theo tư tưởng này. Vì thế, mặc dù tiểu thuyết này được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 cuốn sách hay nhất bằng tiếng Anh ở thế kỷ XX nhưng với một đất nước như Việt Nam, việc ấn hành “Trại súc vật” đã gây nên bức xúc to lớn trong dư luận. Đương nhiên trách nhiệm thuộc về công ty Nhã Nam"

    "Cấm lưu hành ở những quốc gia theo tư tưởng này". Trung Quốc chỉ cấm vào những năm 70 thôi, giờ họ xuất bản đến hàng trăm lần rồi, sinh viên viết luận văn tốt nghiệp, tiến sĩ viết luận án, các nhà nghiên cứu lên ti vi nhắc tên cụ thể, điểm danh tác phẩm ầm ầm....Trong khi đó, Việt Nam mới chìa ra "Chuyện ở nông trại" thế mà đã cuống cả lên cứ như cháy nhà đến nơi.

    ReplyDelete
  3. Cái bìa Đêm hay Ngày, là lần xb nmă nào vậy?
    NQT

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nhà Tân Á, năm in thì đang tìm xem ghi ở đâu ạ :) (đây là bản dịch từ tiếng Anh, bản tiếng Anh thì của Daphne Hardy)

      Delete
    2. In năm 1952, sau khi chịu kiểm duyệt của "Nha Thông Tin Nam Việt" ạ.

      Delete
  4. Tks
    Quí, hiếm quá! Tôi lại nghĩ của Nhà Thông Tin Huê Kỳ!
    NQT

    ReplyDelete
  5. Tôi thích nhất trong 1984
    “ Hãy chuẩn bị đi . Anh cả Trung Quốc đang nhìn các bạn!
    Chiến tranh là Hoà bình.
    Tự do là nô lệ
    Ngủ dốt là sức mạnh.”

    ReplyDelete