May 18, 2013

Phụ nữ

nốt bài này xong là chỉ còn ba bài nữa :p ngay từ bây giờ bác nào muốn thế chỗ tôi thì cứ mạnh dạn xung phong đi :p



Bữa trước, còn chưa xa ngày này lắm, đang đi bộ trên phố bỗng tôi nhìn thấy ở vỉa hè đối diện mối tình đầu của tôi.

Về sau này, tôi lý giải hành động trốn ngay vào ngõ không lấy gì là hào hùng của mình lúc ấy như sau: Tôi ngại đối diện với quá khứ (niềm hoài nhớ không phải điều dễ chịu, dĩ nhiên), tôi lại sợ quá khứ đuổi kịp tôi (trong khi cứ nghĩ mình đã đi rất nhanh, đã tách khỏi mọi ràng buộc tơ mành xưa cũ). Nhưng trốn tránh đến mức nào thì tôi cũng phải đối diện với điều căn cốt nhất: tình đầu thật ra chưa bao giờ giống như ta từng ra sức cố công mà tưởng tượng.

Tình đầu không phải một mở đầu, mà là một kết thúc: kết thúc nốt những gì còn rơi rụng lại của thời thơ ngây, những tàn dư của buổi tập tọng “l’âge de raison” từng lừng danh dưới ngòi bút Jean-Paul Sartre. Con phượng hoàng có thể hồi sinh từ đống tro tàn, nhưng các loài chim khác có thể ngã gục trong quẩn quanh đáng hãi hùng từ một kết thúc khốc liệt như vậy. Raymond Radiguet đã mở mắt cho tôi về khái niệm tình đầu trong cuốn tiểu thuyết “Diable au corps” đã được Nguyễn Nhật Duật và Huỳnh Phan Anh dịch sang tiếng Việt từ lâu dưới nhan đề “Tình cuồng”.

Cuộc tình đầu buộc đàn ông phải thực sự chạm vào phụ nữ, theo mọi nghĩa, buộc họ phải vuốt cho nhọn thêm hoặc mài cho tròn những góc cạnh vốn dĩ bẩm sinh, để tồn tại và sống sót trong một sự cộng sinh bỡ ngỡ huy hoàng. Trong “Tình cuồng”, người đàn ông trẻ tuổi sống trong cơn sốt hầm hập về tinh thần và da thịt với người phụ nữ hơn tuổi tên Marthe, và đừng tin vào những mơ mộng và dịu ngọt, bởi nghi ngờ và hoang mang mới là những thứ chiếm thế thượng phong trong tâm trí. Tất nhiên là có mơ mộng và dịu ngọt, nhưng đó chỉ là một khía cạnh, cái khía cạnh lắm lúc cũng được thổi lên, phình to đủ để che lấp đi những khía cạnh khác. Nhưng những khía cạnh khác cũng đầy góc cạnh hiểm hóc. Một người phụ nữ ở trong mối tình đầu, cho dù không chủ ý, cũng xô lệch đi bao đặc điểm và phẩm chất của đàn ông, đến mức cho dù nhu mì đến đâu, phụ nữ vẫn hoàn toàn có thể mang yếu tố nham hiểm. Tình đầu thì nham hiểm, vợ đầu thì nguy hiểm, nhiều đàn ông từng trải sau này tổng kết đời mình đã nhận ra điều đó.

Nhưng (điều này mới thực làm cho mọi sự rối rắm kinh hoàng cho thân phận một người đàn ông) tính nữ vẫn thu hút đàn ông đến cực điểm. Những đàn ông không nhiều khả năng bị tính nữ (không hẳn là những người phụ nữ cụ thể) quyến rũ, hình như cũng rất ít khả năng trong mọi lĩnh vực khác, kể cả những thứ hết sức “đực tính” như thể thao hay chiến trận, thậm chí làm thơ.

Và tính nữ là gì? Bằng sự chủ quan nhất mực, tôi nghĩ tính nữ dồn tụ đầy đủ và căng tràn trong nhân vật Anna Karenina của Tolstoy, nhà văn mang đặc điểm “dục” vô cùng trội, hơn hẳn sự nhân đạo, hơn hẳn lòng bác ái mà xưa nay bao đời chuyên gia văn chương đã nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại cho chúng ta ở trường học và trong sách vở. Với một độc giả đàn ông ở độ tuổi lóp ngóp lội qua khoảng thơ ngây trong veo, Anna Karenina khơi gợi mãnh liệt những hướng tới một cái gì vô hình đến mức cụ thể, và mặc cho độc giả phụ nữ nhiều thời sùng mộ Vronski, tôi khi ấy đã đinh ninh Vronski không xứng với Anna Karenina bằng tôi, vì chỉ một mình tôi thấu hiểu tính nữ trong con người nàng. Giờ tôi vẫn nghĩ vậy.

Những khoảng thơ ngây trong veo như chân không thiếu trọng lực ấy rồi trôi qua, sau này tôi biết có nhiều độc giả đàn ông từng đọc “Anna Karenina” một cách hờ hững, từng không khao khát nàng và tính nữ ở trong nàng. Những người đàn ông đó, tôi rất lấy làm ngưỡng mộ, vì đã không hề bị khuất phục trước một sự lớn lao nhường ấy. Ngưỡng mộ xong rồi, thì tôi thoáng thấy khinh bỉ họ.

Nhị Linh

28 comments:

  1. Magnifique, NL. Ce doit être l'un de tes meilleurs essais, car il est très touchant, par rapport aux autres qui étaient plus d'esprit que de coeur. Oui je pense que la littérature est plus "musclée" que l'on croyait, puisqu'elle est nécessairement subversive, et va ainsi à l'encontre des préjugés (imagine comment la société va réagir !), et en cela je la trouve plutôt masculine, et me demande parfois si elle convient aux femmes.

    ReplyDelete
  2. Tuyệt. Mình rất thích nhìn đàn ông si tình là vì vậy ke ke...

    ReplyDelete
  3. Tôi không hoàn toàn bị/được thuyết phục bởi phân tích về Tình Đầu của bác NL. Không những thế, tôi còn bị hoang mang, khi bác NL có vẻ như muốn diễn tả Tình Đầu như sự khám phá đầu tiên về quyến rũ vô cùng của xác thịt.

    Theo tôi, Tình đầu là một huyền thoại chỉ có trong đầu của đàn ông con trai. Thực tế, tôi chưa thấy một gã đàn ông nào tôi quen biết mà không huyền thoại hóa tình đầu và nhất là không bao giờ quên đuợc nó. Khi họ nói về Tình đầu thì y như là "nó" đang sống ngay trong hiện tại và chắc chắn một giờ sau, một năm sau... đời đời nó sẽ "sống" như vậy.

    Nói thế, tôi không bảo rằng con gái không có tình đầu, nhưng nó chỉ có nghĩa là mối tình đầu tiên, rồi sẽ mai một với thời gian, giống như cuốn tiểu thuyết tình cảm trai gái đầu tiên được đọc, mai sau nếu có đọc lại thậm chí chỉ nhìn thấy nó... chỉ muốn bỏ chạy.

    Trong văn chương, có cuốn tiểu thuyết (truyện ngắn vừa) "Frist Love" của Ivan Turgeyev khá nổi tiếng, tôi chưa đọc, mà chỉ xem phim (Maximilian Schell viết kịch bản và làm đạo diễn, cô đào Dominique Sanda thủ vài chính... tuyệt vời). Nhưng chủ quan, tôi vẫn xem Lolita là cuốn truyện về Tình đầu (trong thế giới đàn ông) "par excellent". Mỹ thuật bi thảm của Lolita là Tình đầu không xuất hiện bằng thịt da nhưng lúc vào cũng ngự trị trong nhân vật chính, khiến người đọc (con trai!)... tơi bời hoa lá...

    Cũng có nhiều bài hát về Tình đầu, trong mọi thứ tiếng, nhưng với tôi "tình đầu" là một bản nhạc Việt, "Tình Khúc Thứ Nhất" của Vũ Thành An, lời của Nguyễn Đình Toàn, 1966 ("... Ngày thần tiên em bươc lên ngôi, đã nghe son vàng tả tơi..."). Sự thật về Tình đầu, theo tôi, được Nguyễn Đình Toàn nói không thể nào rõ hơn: nó luôn luôn là ham muốn đầu tiên và sau cùng, nhưng không bao giờ là xác thịt. Đúng ra, nó không được phép trở thành xác thịt. Tình đầu dó đó, "necessaily", phải dang dở...

    Tình đầu là khám phá của thằng con trai về chốn vô hình sâu thẳm.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đồng ý với bạn. Cmt hay thế.
      Nhưng chưa đọc Mối tình đầu của Ivan Turgeyev thì phí..

      Delete
  4. Bái hát về Tình đầu trong nhạc Việt, còn có bài Tình Đầu đó anh Lâm Vũ, bài này của Hoàng Trọng và Hồ Đình Phương, phát hành năm 1961. Tình đầu này lời lẽ nôm na dễ hiểu hơn tình đầu của ông Nguyễn Đình Toàn, cũng là mối tình dang dở và khó quên.

    "Ai thay ai đổi tơ duyên
    bước chân sang thuyền
    Ta riêng ấp ủ trong tim
    tình đầu nào quên..."

    PS. Lê Thu hát bài Tình Đầu trong băng Phạm Mạnh Cương 26 hay lắm, xin giới thiệu với mọi người:)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn bác hodinhvu. Tôi vừa tìm ra và nghe bản nhạc đó (Hương Lan hát, cũng được lắm). Đúng như tôi nghĩ, tôi biết bản đó, tuy không nhớ tên là Tình đầu.

      Tôi thấy hai bản khác nhau nhiều lắm và tôi vẫn thích TK "Số Dzách" của VTA/NĐT hơn, chính vì cái ngôn ngữ huyễn hoặc đậm mùi triết lý, có lẽ hợp với cảm quan của tôi về Tình đầu.

      Chitchat... Tôi nghe bản đó lần đầu 1,2 năm trưóc khi nó được phổ biến, nghe trên radio Sài Gòn, chương trình Phụ Nữ, hình như của nữ sĩ MĐHT. Người hát chính là NĐT, hát theo kiểu "diseuse" Juliette Greco... nói nhiều hơn là ca... Tuyệt! Trong TKTN có câu "Gió lú đưa đường mây...". Khi nghe bản nhạc lần đầu ở rạp, cô ca sĩ hát thành "Gió hú đưa đường mây..." khiến tôi muốn bỏ chạy :-)

      Delete
  5. Các bác đúng là thời của những người nghe Juliette Gréco nhỉ :)) Cách đây vài năm tôi đọc báo, kinh ngạc thấy bà ấy vẫn còn sống, già lắm lắm rồi. Je Suis Comme Je Suis hihi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. ... je suis comme je suis
      je suis faite comme ça
      que voulez-vous de plus
      que voulez-vous de moi...

      Đúng ra thời của tôi là thời của Sylvie Vartan, Françoise Hardy, Adamo... La plus belle pour aller danser... Le temps de l'Amour... La nuit... Nhưng thời nào cũng là thời của Juliette Gréco cả, không có tuổi!

      Mới đây tôi có dịp trở lại Paris, sau nhiều năm "xa mặt cách lòng". Như thường lệ, đến Trocadero đầu tiên nhìn về phía tháp Eiffel. Bỗng dưng tôi... nghẹn ngào: Chỉ có Paris không bao giờ thay đổi, vẫn trẻ như ngày nào! Cô bạn đi cùng bỉu môi: Già quá không thể già hơn nữa thì có!

      Juliette Gréco cũng giống Paris...

      Delete
  6. thời học trò, tình đầu thường là như thế này:

    Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
    Anh cho em kèm với một lá thư
    Em không nhận và tình anh đã mất
    Tình đã cho không lấy lại bao giờ

    ;p

    ReplyDelete
  7. Tôi không nhớ chương trình của Minh Đức Hoài Trinh nhưng nhớ rõ chương trình Nhạc chủ đề của Nguyễn Đình Toàn vào mỗi tối thứ năm trên đài Sài Gòn. Thỉnh thoảng ông Nguyễn Đình Toàn cũng có hát nhưng chủ yếu ông viết và đọc lời dẫn nhập cho mỗi bài hát. Tôi vẫn còn giữ được audio ông vừa giới thiệu vừa hát bài Lá Đổ Muôn Chiều.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chương trình "Phụ Nữ" của MĐHT, phát vào buổi xế trưa, không phải là một c/t nhạc. Tôi cũng chỉ thỉnh thoảng nghe khi vặn radio chở giấc ngủ trưa mơ màng. Một trong những lần hiếm hoi đó, thì như "định mệnh đã an bài", nghe phải bài TKTN. Tôi nhận ngay ra giọng của NĐT, vì thường nghe ông diễn thoại kịch, dưới "nghệ danh" Từ Hà. "Nhạc chủ đề" thì lúc đó ai cũng mê, một phần cũng vì giọng đọc quyến rũ của NĐT, kế đến là giọng ca của Duy Trác, Kim Tước và Thái Thanh. Còn tiếng dương cầm Nghiêm Phú Phi nữa.

      Điều tôi lạ là, "Nhạc chủ đề" chính thức là do VTA phụ trách, chỉ mấy năm sau, khi anh An nhập ngũ, thì với giao lại cho NĐT. Nhưng đa số tôi gặp đều chỉ nhớ NCĐ là của NĐT! (Hình như tôi có được nghe NĐT hát Lá Đổ Muôn Chiều. Ông hát bản đó thì quá hợp với giọng... từ từ của ông).

      Delete
  8. Lèm bèm về Tình Đầu mà bỏ qua Turgenev, First Love, hay Đỗ Tốn của Hoa Vông Vang thí dụ, hay... Tứ Tấu Khúc của GNV, thì thiếu sót nhiều quá.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tiếp tục lạc (đề) vào Tình Đầu. Nhân thể có cuốn Đôi Bạn của NL, mượn được cả tháng chưa đụng vào, lôi ra đọc mới thấy chủ để của Đôi Bạn cũng chính (chỉ) là Tình đầu! Đã nói là ai từng làm "con trai" thì khó thoát khỏi "ám ảnh" đó, cho nên nhân loại phải có hàng tỉ tác phẩm lớn nhỏ về đề tài đó. Kể ra hết thì có mà... cả ngày húp cháo :D

      Delete
  9. Chương Trình Nhạc Chủ Đề là của NDT, khi đó còn là nhân viên Đài Phát Thanh. Ông giới thiệu Vũ Thành An, giọng ca Sĩ Phú, hình như cả Trịnh Công Sơn nữa, khi chưa nổi tiếng. Cái còm trên là của GCC, nhưbg chủ yếu là vui thôi, đừng nghĩ tự thổi. Tuy nhiên Tình Đầu mà bỏ qua nhiều tình đầu quá, vả chăng cái tít "Phụ nữ" thì đúng không phải tình đầu.

    ReplyDelete
    Replies
    1. tự thổi thoải mái :p có điều "tình đầu" ở đây chỉ là cái cớ, không phải chủ đề :)))

      Delete
    2. NĐT bắt đầu sư nghiệp văn chương bằng một tập thơ, "Mật Đắng", và một tiểu thuyết, "Chị Em Hải", rồi tiếp tục viết truyện cho đến 75...

      Vũ Thành An chỉ viết nhạc - không "biết" làm thơ, ngay cả đặt lời cho những bản nhạc của mình (như những Bài Không Tên) chỉ là miễn cưỡng. Nhạc làm trước, lời đặt sau. Lời mở đầu chương trình "Nhạc Chủ Đề" từ bắt đầu, khoảng 1965-66 cho đến 1968, đại khái là "Đây là chương trình Nhạc Chủ Đề do VTA phụ trách".

      Mới đầu, chương trình cũng rất sơ sài, chỉ có hai ca sĩ "tài tử" là Phương Oanh (*) và Duy Trác, nhạc đệm có một cây đàn ghi-ta, hình như Nguyễn Hiền chơi. Sau hơn một năm, nhờ nổi tiếng, NCĐ mới chiêu mộ được hai ca sĩ trứ danh là Thái Thanh và Kim Tước, cộng với một ban nhạc 3,4 người...

      Đặc biệt, khi VTA còn phụ trách, Nhạc Chủ Đề không giới thiệu hai nhạc sĩ thời thượng nhất lúc đó là PD và TCS...

      (*) Không nhớ chắc tên người nữ ca sĩ "tài tử" đó có phải là Phương Oanh. Nghề thật của chị là chơi đàn tranh. Sau 75, tôi gặp lại chị ở Paris, lúc đó chị điều khiển một ban nhạc chuyên về dân nhạc cổ truyền VN.

      Delete
  10. Phải luyện lại Anna Karenina để xem mình đáng được ngưỡng mộ hay đáng bị khinh đây :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. tầm tuổi này của bác thì muộn rồi, trừ khi bác thuộc dạng dậy thì cực muộn :p

      Delete
    2. If this were the point, not few men never escape the puberty. Humbert Humbert is only one of many examples in the literature world.

      Anyway, a man always needs the opposite sex to feel as a man. Other than that, he is a man until he ceases to exist!

      Delete
    3. "... Tout homme est fait de boue et de daimon, et la femme ne peut pas nourrir ces deux côtés de sa nature à la fois..." Lawrence Durrell, "Justine" (?)

      Delete
    4. chắc là trong "Justine" đấy, tôi cũng không nhớ rõ nữa

      Delete
  11. bài này hay quá ! Thanks tác giả !

    ReplyDelete
  12. Đọc cmts của các bác thích quá!
    Tks tất cả! Tác giả và độc giả!

    ReplyDelete
  13. cháu rất thích bài này, cả bình luận nữa. thật là tình, thật là "đàn ông" :'p

    ReplyDelete
  14. tình đầu

    Oh my love for the first time in my life
    My mind is wide open
    Oh my love for the first time in my life
    My mind can feel
    I feel the sorrow
    Oh, I feel dreams
    Everything is clear in my heart
    I feel life
    Oh, I feel love
    Everything is clear in our world

    ReplyDelete
  15. tình cờ em được đọc một bài tiểu luận mới biết tại sao Leo Tolstoy sử dụng hoa tử đinh hương trong Anna Karenina và tại sao Anna không thể mặc màu hoa cà

    ReplyDelete