Aug 1, 2013

Chào Paul Auster

The Invention of Solitude

Tác phẩm đầu tay của Paul Auster, không hẳn tiểu thuyết, cũng không hẳn tiểu luận, chứa đựng rất nhiều chủ đề mà những cuốn sách sau này của ông sẽ khai thác.

Tôi không nghĩ ở đây là chuyện "khởi sinh" ra sự cô độc, "khởi sinh" hay "khởi nguyên" là để chỉ một sự kiện tự thân, sinh ra một cái gì đó. Mà đây là chuyện thuộc địa hạt "invention" của "sáng chế", "phát minh", "phát hiện", sử dụng các chất liệu có sẵn để tạo ra một cái gì đó. Với tôi, The Invention of Solitude là "chế ra nỗi cô đơn". Auster rất hay nhắc đến Edison, tất nhiên là không hề thiếu liên quan. Một người anh hùng nữa của Auster là Tesla.


"Các chất liệu có sẵn" là yếu tố hết sức quan trọng, mà nếu không cảm giác được thì sẽ rất khó hiểu tác phẩm. Trong The Invention of Solitude, Paul Auster đã làm một việc rất đặc thù và rất được giới phê bình tán thưởng, là viết một cuốn sách từ những cuốn sách khác, hay nói cách khác, Auster đã viết The Invention of Solitude từ các trích dẫn - thời điểm Auster viết cuốn sách cũng là thời điểm ông rất gần và rất rành đời sống trí thức Pháp, đời sống ấy lúc đó đang say mê với lý thuyết văn học, trong đó có "liên văn bản": Auster đã thực hành kỹ thuật "hypertextualité" của Genette, trong đó bản thân tác phẩm của Auster là hypertexte, còn các trích dẫn là các hypotexte. Trong sách, Auster cũng kể về mối thân tình của mình với Francis Ponge. Ngoài ra, nếu tôi nhớ không nhầm, trong đời thực Auster cũng có nhiều liên hệ với Jean Genet.

Đây là yếu tố rất quan trọng, bản dịch tiếng Pháp có dòng ghi chú đặc biệt về việc đi tìm các trích dẫn này. Tôi thống kê được (có thể không chính xác hoàn toàn) trong The Invention of Solitude, Paul Auster trích dẫn trực tiếp (tức là trong ngoặc kép) 65 lần; đấy là còn chưa kể đến những dạng "hypertextualité" kém hiển ngôn hơn như ám chỉ, nhắc đến, kể lại nội dung một câu chuyện khác chứ không trích dẫn chính xác.

Ở mức độ lớn như vậy, nó là một ý đồ: nỗi cô đơn mà Auster lấy ra nhan đề sách được "chế tạo" ra từ các trích dẫn - The Invention of Solitude là cuốn sách về những cuốn sách, cuốn sách của những cuốn sách.

Đề từ cuốn sách lấy từ Heraclitus, qua bản dịch tiếng Anh của Guy Davenport: "In searching out the truth be ready for the unexpected, for it is difficult to find and puzzling when you find it."

Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Paris Review, Auster cũng nhấn mạnh điểm này: "So many strange things have happened to me in my life, so many unexpected and improbable events, I’m no longer certain that I know what reality is anymore."

Rồi ở đầu Book Two của The Invention of Solitude, Auster nhắc đến một loạt nhân vật quan trọng của mnemonics: Lull, Fludd, Bruno, mà ông sẽ còn trở đi trở lại trong các tác phẩm sau này. Đó là những chìa khóa để bước vào thế giới của Paul Auster.


-----------

Paul Auster: Hành trình của căn cước

Giờ đây, khi Winter Journal đã trở thành cột mốc mới nhất để nối lại và nối dài chặng đường văn chương ngả về tự thuật và triết lý khởi đầu từ The Invention of Solitude (vài điểm mốc lớn nữa là The Art of HungerHand to Mouth rồi The Red Notebook), đã có thể nhìn nhận sâu vào một số khía cạnh văn chương Paul Auster.

Winter Journal là lời khẳng định rằng trong cả sự nghiệp của mình, kể từ khi "chế ra nỗi cô đơn", Auster đã rất trung thành với một cái nhìn. Cuốn hồi ký mở ra bằng câu văn sau đây:

"You think it will never happen to you, that it cannot happen to you, that you are the only person in the world to whom none of these things will ever happen, and then, one by one, they all begin to happen to you, in the same way they happen to everyone else."

Cuộc đời, ở đoạn cuối, vẫn không thôi là một nỗi kinh ngạc lớn đối với Auster, là nơi chứa đựng những bất ngờ, ngẫu nhiên, những kỳ cục xảy ra do các hành tinh sắp xếp thành những hình thù dị thường nào đó.

Mặc dù phải nói rằng sức hấp dẫn của văn chương Paul Auster, trái ngược với Philip Roth, giảm dần theo năm tháng (với tôi "điểm rơi" của Auster là Man in the Dark), đó vẫn cứ là một sự nghiệp văn chương đầy thành tựu và hứng khởi.

Và giờ đây, khi văn chương Mỹ-Do Thái, tức là văn chương liên quan đến "Yiddishist tradition and the Jewish-immigrant milieu" đã không còn quá xa lạ đối với độc giả Việt Nam, với Saul Bellow, Philip Roth, Bernard Malamud đều đã có sách dịch ra, rồi cả Singer, Paul Auster cũng cần được nhìn nhận ở trong một hệ thống, một "dòng" mà, như mọi nhà văn quan trọng, ông vừa thoát hẳn ra một cách độc đáo vừa thuộc về một cách nền tảng. Câu chuyện Jonah trong bụng cá/cá voi (Cựu Ước) trong The Invention of Solitude là một chỉ dấu quan trọng. Nó cũng là một nguồn logic để dẫn tới hình tượng Pinocchio (biểu tượng cho đứa con không cha, không gốc tích) đặc biệt trung tâm của The Invention of Solitude.

Khía cạnh căn cước này bổ sung cho khía cạnh "tráng men văn hóa Pháp" của Paul Auster mà tôi đã đề cập ở phần trên đây. Nhà văn Mỹ nhập cư mấy đời từ Đông Âu, lại có nhiều năm sống ở Pháp: Auster rất đặc trưng cho các nhà văn Mỹ (thật ra Paul Auster thành công với độc giả Pháp hơn nhiều so với với độc giả Mỹ). Và là một gợi ý tuyệt vời để bàn về nhà văn Việt Nam tráng men văn hóa Pháp :p


Paul Auster thuộc "third-generation American Jew whose grandparents immigrated to the United States from Eastern Europe" như Derek Rubin đã chỉ ra trong tiểu luận mang tên ""The Hunger Must Be Preserved at All Cost": A Reading of The Invention of Solitude" với luận điểm quan trọng nhất là "his yearning both to satisfy and to preserve his hunger": nỗi khao khát, cơn đói phải vừa được thỏa mãn vừa phải được giữ nguyên trạng.

Tiểu luận đó cũng bàn kỹ về khái niệm "solitude", nói chung các bạn nên đọc hehe.

Rubin trích Rosenfeld, nói rằng "of one of the dominant myths of American capitalism[namely] that the millionaire finds nothing but emptiness at the top of the heap". Hehe, điều này cũng giúp giải thích cho các nhân vật của Scott Fitzgerald.

Nói tóm lại, với Auster, nỗi cô đơn chỉ có được trong mối quan hệ với những người khác, và căn cước cá nhân cũng vậy. Nhưng cá nhân thực sự đi tìm căn cước của mình thì phải dám đương đầu với cô đơn. Nói chung là mệt mỏi cho gần như toàn thể nhân loại :p


(Paul Auster, Khởi sinh của cô độc, Phương Huyên dịch, NXB Trẻ, tủ sách "Cánh cửa mở rộng")

1 comment:

  1. If you desire to grow your familiarity just keep visiting this web site
    and be updated with the most recent news posted here.

    ReplyDelete