Apr 14, 2016

Lê Thành Khôi và Nguyên Lê

Tôi gặp Lê Thành Khôi hai lần, lần đầu tiên cách đây hơn chục năm. Hôm ấy rất đông người, sau khi bắt tay, Lê Thành Khôi chỉ nhìn tôi một cái. Chỉ có như vậy.

Lần gặp thứ hai, dài và nói nhiều chuyện, chợt tôi hiểu ra, ánh mắt Lê Thành Khôi năm xưa, như thể muốn làm tôi hiểu rằng, xung quanh đang nhiều xyz lắm, thôi đừng nói gì. Biết đâu sẽ còn gặp sau này. Rất may mắn là hồi ấy, tôi đã vì không hiểu mà thành ra hiểu.

Ngang giữa chừng câu chuyện, chợt Lê Thành Khôi đi vào trong nhà và mang ra tặng tôi quyển sách này:


Trong lĩnh vực sách vở, nhìn chung rất ít khi tôi gặp chuyện ngạc nhiên. Nhất là, với một số người, tôi biết rất tường tận, chẳng hạn như Lê Thành Khôi, nhiều người biết là ông ấy chụp ảnh và có in sách ảnh, nhưng Lê Thành Khôi viết văn thì chắc không phải ai cũng biết.

Thế mà lại có tồn tại cuốn sách này, in năm 2008, mà tôi chưa hề hay biết.


Vậy là, cuối cùng, cái "tuyển tập" của nhóm Nguyễn Khắc Viện đã có một sự thay thế tốt đẹp.

Cuốn sách của Lê Thành Khôi gợi nhớ Maurice Durand cùng Nguyễn Trần Huân năm xưa, chứ không phải một thứ quái dị, lệch lạc như sản phẩm của nhóm Nguyễn Khắc Viện.

Thói quen xem thật kỹ khiến tôi nhận ra, Lê Thành Khôi mắc đúng sai lầm cơ bản vì quá tin lời Võ Phiến (xem danh mục tham khảo là biết) nên đã có một phần trình bày về văn chương miền Nam không hề tốt. Gu thẩm mỹ của một người miền Bắc cũng khiến Lê Thành Khôi không ưa nổi văn chương Bình Nguyên Lộc, và những bài thơ nào xuất hiện chữ "em" thì Lê Thành Khôi đều dịch thành "soeur", khiến tôi bỗng thấp thoáng thấy ý vị loạn luân ở cả những nơi không hề có chút ý vị loạn luân nào.

Nhưng những phần khác thì rất không tệ. Đặc biệt, Lê Thành Khôi thể hiện hiểu biết vững vàng về văn chương Tự Lực văn đoàn, một điều không đương nhiên ngay cả với các giáo sư văn chương. Về Xuân Diệu, Lê Thành Khôi chọn "Lời kỹ nữ", đây là cả một bản lĩnh.

Trong câu chuyện, sự tai quái bất chợt thúc đẩy tôi hỏi xem Lê Thành Khôi có nhớ bài mình từng viết về Trần Ngọc Thêm không. Ông ấy còn nhớ, và hỏi lại tôi một câu khiến tôi ngẩn ngơ, đại ý ông ấy muốn biết hiện nay Trần Ngọc Thêm viết đã khá hơn trước hay chưa. Tôi vội đáp là giờ khá hơn rồi, nhưng một lúc sau, không chịu nổi một sự lệch khỏi sự thật quá xa, tôi phải chỉnh lại câu trả lời một chút. Mới gần đây, xem cái được gọi là di cảo của Tạ Chí Đại Trường, được trưng ra theo một cách thức theo tôi là quái gở, tôi mới biết năm xưa Tạ Chí Đại Trường cũng có đọc bài ấy.

Ở Lê Thành Khôi có một sự cứng rắn to lớn, một vẻ khắc kỷ cũng không nhỏ. Lê Thành Khôi nói ngay là mình chẳng ưa được âm nhạc của con trai ông.

Nhưng, nếu khách quan nhìn nhận, âm nhạc của Nguyên Lê lại chính là cái phần mềm mại ta thấy rất thiếu vắng ở Lê Thành Khôi. (xem thêm ở kia)

Cho mãi đến khi bất chợt, sau nhiều năm không bao giờ nghe Chopin, tôi lại nghe các polonais của Chopin, thì bỗng như thể tôi hiểu ra một điều gì đó, mà tôi sẽ cố gắng diễn đạt ở dưới đây:

hay và đúng

Rất có thể, chúng ta đã quá coi trọng nốt và giai điệu, trong âm nhạc. Nhưng rất có thể, âm nhạc quan trọng không vì nốt nhạc, cũng không vì giai điệu.

Âm nhạc là hình thức hữu hiệu nhất để ta hiểu được một thứ khác: hiểu được nhịp nghĩa là gì. Nhịp mới là thứ cần phải hiểu nhất (và nhịp tồn tại không chỉ trong âm nhạc, nhưng ở âm nhạc thì nó mang một hình thức rất đáng quan tâm), và nhịp thì lại là chuyện ở ngoài giai điệu, ít nhất thì cũng không hoàn toàn ở trong, mà lấn cả ra ngoài, lấn cả vào những khoảng trống.

Và con người cũng thật kỳ khôi khi nghĩ là có khái niệm hay và khái niệm đúng.

Nhưng có gì là hay đâu? Chỉ có những gì đúng mà thôi. Nếu đúng thì tự khắc "hay", còn nếu "hay" thì không nhất thiết đúng. Người ta cứ tưởng hay là một khái niệm thuộc thẩm mỹ, nhưng dường như không có gì là như vậy cả.

Tôi cũng thường xuyên thấy, trong lĩnh vực đọc, người ta hay đặt ra câu chuyện "cuốn sách ấy khó đọc". Một khái niệm thực sự kỳ quặc. Tại sao lại có thể tồn tại điều ấy được? Cuốn sách khó đọc, nhà thơ vâm váp, nhà phê bình viết có văn: toàn là những điều ngớ ngẩn cứ lặp đi lặp lại mãi không thôi. Nhưng có lẽ cuộc sống về cơ bản là những ngớ ngẩn và nhầm lẫn, không thể khác.

Và bỗng nhiên, vào một khoảnh khắc nào đó, tôi hiểu ra, âm nhạc của Chopin như vậy là vì nó đúng, và âm nhạc của Nguyên Lê cũng thế: là như vậy vì nó cũng đúng.


NB. bài về Tạ Chí Đại Trường về cơ bản đã xong, chỉ còn nốt phần cuối, nhưng có thể đó mới là phần quan trọng nhất :p

2 comments:

  1. Nhạc Nguyên Lê thì quả là rơi đúng lắm. Mến dành cho anh
    http://mp3.zing.vn/bai-hat/Dragonfly-Ly-Chuon-Chuon-Huong-Thanh/IW6IAUZ8.html

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn bạn đã giới thiệu "quả rơi" Chuồn chuồn. Hay lắm. Nghe hơi giống nhạc Ấn Độ. Nhưng lỗ tai người Huế nghe cũng thấm lắm. :-)

      Delete