Jul 16, 2016

Vargas Llosa về Flaubert

chính trị của một nhà văn nằm ở đâu? nằm trong những gì họ nói về các vấn đề (có vẻ là) chính trị ư? không có gì đáng ngờ hơn thế

kích thước chính trị của một nhà văn nằm trong chính những gì nhà văn ấy thể hiện về những thứ (có vẻ như) không liên quan chút nào đến chính trị

thật khủng khiếp khi một nhà văn trở nên rất nổi tiếng: người ấy thường buộc phải nói (lăng nhăng), phải có ý kiến (vớ vẩn) về rất nhiều điều

một nhà văn như Solzhenitsyn hay Orwell không có kích thước chính trị lớn hơn Flaubert, vốn dĩ là một người cả đời không bàn đến chính trị: kích thước chính trị của Flaubert nằm chính ở trong, và rất vĩ đại, sự từ chối quan tâm đến chính trị; văn chương là một con đường rất hữu ích để giải trừ nhiều ảo tưởng lớn, trong đó có ảo tưởng về chính trị, về res publica, về một sự lảm nhảm hữu dụng nào đó

chính là về Flaubert, nhà văn ít dính dáng nhất đến chính trị trong toàn bộ văn chương thế giới, mà Vargas Llosa, nhà văn vẫn hay được coi là sở hữu không ít yếu tố chính trị, đã viết được một tiểu luận ngoại cỡ, ở một mức độ rất hiếm thấy:


(niên đại: 1975)

nhìn nhận chính xác văn chương của Vargas Llosa không hề dễ: cuốn tiểu thuyết đơn lẻ nào của Vargas Llosa (xem thêm ở kia) cũng có cái gì đó rất lệch lạc, gây rất nhiều khó chịu, không cuốn tiểu thuyết nào của Vargas Llosa thực sự thuyết phục, tách riêng ra, tiểu thuyết của Vargas Llosa không lớn

nhưng Vargas Llosa rất giống Naipaul ở chính điểm này: nhìn đơn lẻ, tác phẩm của họ không nói lên nhiều điều, nhưng khi cộng lại, chúng tạo ra một thứ gì đó rất kỳ lạ, một tổng số lớn hơn nhiều so với phép cộng đơn giản của các yếu tố (hiện tượng này hay được gọi là "căn cước của tổng thể lớn hơn sự đa dạng của các yếu tố cá thể "), ở trong đó ta lờ mờ thấy được một cái nhìn riêng, nhất là một nhịp riêng (tạo nhịp mới chính là điều khó hơn mọi công việc khác)

viết tiểu luận về Victor Hugo (xem ở kia), Vargas Llosa đã tạo ra một tiểu luận tuyệt đẹp, nhưng phải khi viết về Flaubert, Vargas Llosa mới thể hiện toàn bộ thiên tài của mình; đây là một trong những gì đẹp nhất từng viết về Flaubert và Madame Bovary trong một tổng số mênh mông mọi thứ người ta từng bàn về Flaubert

"The death of Lucien de Rubempré is the great drama of my life", mở đầu, Vargas Llosa trích dẫn câu của Oscar Wilde (về riêng Lucien de Rubempré, xem thêm ở kia); với một số độc giả, số phận của một nhân vật tiểu thuyết nào đó thực sự là một thảm kịch lớn trong đời họ, đối với Wilde đó là de Rubempré của Balzac, còn đối với Vargas Llosa, đó là Emma Bovary; tiểu luận này của Vargas Llosa đặc biệt lôi cuốn tôi, vì tôi rất muốn xem những kinh nghiệm tiểu thuyết của một người khác, xem người ấy khác với tôi như thế nào, bởi vì, dĩ nhiên, với tôi, Emma Bovary không giữ một vị trí như đối với Vargas Llosa

(vốn là người hào phóng - thật ra, tôi không tưởng tượng được một tài năng văn chương đích thực nào mà lại keo kiệt - Vargas Llosa còn cho biết mình thích Tolstoy hơn Dostoevsky, thích tác phẩm khiêu dâm hơn tác phẩm Sci-Fi và thích truyện tình cảm hơn truyện kinh dị)

năm 1959, Vargas Llosa đến Paris lần đầu tiên, và một trong những việc đầu tiên mà Vargas Llosa làm ở đây là đi mua một quyển Madame Bovary trong ấn bản Garnier Classiques, và đỉnh cao của cơn cuồng Flaubert ở Vargas Llosa là khi, vẫn rất nghèo, bỏ tiền mua toàn tập thư (Correspondance) của Flaubert tại một thành phố tỉnh lẻ của Pháp ("Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết")

tiểu luận này được chia làm ba phần, phần đầu tiên giống như một bức thư tình cuồng nhiệt của Vargas Llosa gửi cho Emma Bovary, phần thứ hai phân tích bản thân cuốn tiểu thuyết và phần thứ ba đặt Madame Bovary vào trong lịch sử của tiểu thuyết

Vargas Llosa, với tình yêu Emma Bovary, chính là một trong những chuyên gia về Flaubert xuất chúng nhất từng tồn tại trên đời

năm viết tiểu luận này, Vargas Llosa đã gần như thoát khỏi ảnh hưởng của Jean-Paul Sartre - trước đó Vargas Llosa là một sartrien nồng nhiệt, thật là dã man - và thế là có một số trang đỉnh cao khi cựu sartrien đọc bộ sách khổng lồ mà Sartre dành cho Flaubert, L'Idiot de la famille, một trong những gì quái vật nhất, lắm trang nhất trong lịch sử phê bình - tôi từng tự bắt mình đọc bộ này nhiều lần nhưng lần nào cũng không chịu nổi, nhanh chóng bỏ dở; bản thân Vargas Llosa cũng liên tục bị trauma khi đọc bộ sách của Sartre, nhưng cuối cùng đã anh dũng đọc hết, còn nói được cho những người không thể đọc nó (như tôi) xem phần nào thì hay (rất ít) phần nào thì rất tệ (gần như tất cả, trong số hàng nghìn trang)


tiểu thuyết dường như mới nhất của Vargas Llosa (cuộc sống ở Lima):



[cái nhan đề trông kỳ dị của cuốn sách là trích từ một bức thư của Flaubert; đủ cả câu nói đại ý để mà chịu đựng được cái cuộc đời ngớ ngẩn này, sự tồn tại tầm phào của con người, chỉ có mỗi một cách là đắm chìm vào văn chương, như vào một "perpetual orgy"]

[có ai nhớ được từ đầu tiên của Madame Bovary là gì không? là "nous"]

[ngay sau đây ta sẽ đến với một chi tiết dường như rất được quan tâm lâu nay: màu mắt của Emma Bovary]

4 comments:

  1. Ôi em rất thích chi tiết khi vẫn còn nghèo nhưng vẫn dám tiêu hoang bỏ tiền mua vui

    ReplyDelete
  2. hơn chục tập dày hự đấy

    ReplyDelete
  3. Ở VN, flaubert đã được dịch những cuốn nào rồi nhỉ, 3 cuốn?

    ReplyDelete
  4. chưa có ba quyển lớn:

    - Bouvard et Pécuchet: viết dở chưa xong thì chết, thể hiện mức độ quái dị của Flaubert rõ nhất, nó từng làm tôi mất nguyên một mùa hè (hai anh giai gặp nhau tình cờ trong Jardin des Plantes, hai anh đều viết tên mình vào trong cái mũ, và từ đó bắt đầu cuộc phiêu lưu haha)

    - La Tentation de Saint-Antoine: viết đi viết lại nhiều lần, hiện còn không ít version

    - L'Éducation sentimentale: rất oái oăm, phải đọc quyển này thì mới mong nắm bắt được phần nào con người Flaubert, và còn oái oăm hơn nữa, đây chính là một trong vài tác phẩm văn chương giúp ta lại gần được Kafka

    chưa tính mấy thứ Flaubert dùng để nã đạn trực tiếp vào bọn con người ngu xuẩn, nhưng tất tật cộng lại cũng chỉ bằng đống thư từ: Vargas Llosa đã chính xác khi nhịn ăn bỏ tiền mua bộ này ở Tours

    ReplyDelete