Aug 11, 2016

Đi đến cùng đêm


cách đây mấy tháng, tôi nói chuyện với một người bạn, nhắc tới Céline, người bạn ấy kể vừa mới đọc lại toàn bộ Céline; trong hoàn cảnh ấy, dĩ nhiên, câu hỏi duy nhất mà tôi có thể đặt ra là "et alors?"; đọc lại toàn bộ Céline ở thời điểm hiện nay thật không phải một chuyện hay thấy, thế cho nên tôi rất muốn biết sự đọc lại ấy có thể mang lại những gì; câu trả lời của bạn tôi là chỉ còn thấy độc Voyage au bout de la nuit còn "nói" với mình điều gì đó, những cuốn khác thì không; tôi không hỏi thêm, vì dần dần tôi cũng hiểu được, có những điều chẳng thể nào giải thích, và nếu cái gì cũng giải thích được, thì sao? thì còn tệ hơn là chẳng gì được giải thích

đã đến lúc nên nghĩ đến chuyện thôi nghĩ đến Hành trình đến tận cùng đêm tối: thế giới của Céline mà êm ả đến nỗi có một cuộc "hành trình", lại còn "đến tận cùng", và tận cùng của "đêm tối"? thôi, tốt nhất là ta nên Đi đến cùng đêm với Bardamu, với Céline; vả lại, đặt ngay ở đầu, "en exergue", nghĩa là trước khi cuốn sách bắt đầu bằng cái câu đậm vị Céline ngay lập tức không thể lẫn "Ça a débuté comme ça", đã có "vecteur chỉ hướng" rất rõ ràng: "Đây là ở phía bên kia cuộc đời"; thêm nữa, Hành trình đến tận cùng đêm tối? Céline có bao giờ rõ ràng về mặt ngữ nghĩa đến như thế đâu

đúng, Voyage au bout de la nuit luôn luôn nói được với chúng ta rất nhiều điều: Đi đến cùng đêm là một tiểu thuyết đích thực dẫu chỉ ở khía cạnh nó đưa ra một định nghĩa về một cái gì đó, dẫu định nghĩa này chỉ mới là một phần của cái gì đó kia; định nghĩa của Đi đến cùng đêm là về chiến tranh: "Nhìn chung chiến tranh là tất tật những gì mà người ta không hiểu"

những đoạn về các trận đánh (đây là Thế chiến thứ nhất, đây là vùng Flandres) trong Đi đến cùng đêm hoàn toàn có thể so sánh với những miêu tả chiến trận của một trăm năm trước đó, là Waterloo, Stendhal và La Chartreuse de Parme; đặt Céline cạnh Stendhal, tôi sẽ dễ dàng bị kết tội là tà đạo, nhưng vào lúc này, tôi không thấy có cách so sánh nào thích hợp hơn; và cũng như Stendhal sợ mấy chục năm nữa may ra người ta mới hiểu mình, Céline khi còn sống, đã là sau Thế chiến thứ hai, chấp nhận sẽ chẳng bao giờ người ta nắm bắt được văn chương của mình - văn chương mà Céline tự miêu tả là từ 80000 trang chỉ còn giữ lại 800 trang bản thảo

thế nhưng, dĩ nhiên, cả Stendhal lẫn Céline đều nhầm (thật ra, ở rất nhiều khía cạnh, họ không nhầm chút nào): thật ra miêu tả chiến tranh của Céline (nhất là về Thế chiến thứ nhất) in sâu (từ ấn tượng trong tiếng Việt cũng như cũng từ ấy trong các ngôn ngữ khác, impression, đều nói rất rõ, rất chính xác, rất cụ thể về chuyện thực sự xảy ra, đó là hành động in vào, áp vào, để lại dấu vết - thế mà người ta cứ nói ngôn ngữ là võ đoán, thật vớ vẩn: ngôn ngữ không võ đoán nhiều hơn là võ đoán) ảnh hưởng lớn đến các nhà văn về sau còn hơn nhiều so với Barbusse hay Genevoix: mãi gần đây, Pierre Lemaitre trong Au revoir là-haut (bản dịch tiếng Việt chuẩn bị xuất hiện) cũng có các nhân vật hèn nhát và sợ hãi, như Bardamu khi chứng kiến viên đại tá dính đạn obus

nhưng các tiểu thuyết khác của Céline thì sao? chúng có thực sự "bị câm" không? cũng có thể, đúng, đối với tôi thì Đi đến cùng đêm vẫn cứ là tiểu thuyết Céline dễ xâm nhập hơn cả, và lý do có khi hết sức vớ vẩn, là vì Đi đến cùng đêm chưa có nhiều khủng khiếp dấu ba chấm như ở các cuốn sách về sau của Céline, như bộ ba này:


ta nhảy từ Thế chiến thứ nhất sang một giai đoạn về sau, Thế chiến thứ hai đang kết thúc, và sau đó: cũng như một số người Pháp, Céline qua một cuộc chiến ở bên phe những người chiến thắng, rồi lại qua một cuộc chiến khác, ở bên phe kia, cái phe lại một lần nữa chiến bại; ở các trường hợp như Pétain, Laval (thì mấy cuốn tiểu thuyết này liên quan nhiều đến các nhân vật ấy), sự thể dường như không giống như ở Céline: cứ như thể ngay từ đầu Céline đã chọn sẵn chiến bại (vì chiến tranh là tất tật những gì không thể hiểu nổi)

đây là lúc Céline kể về sự thất trận, về một chương u tối cho các nhân vật Pháp "tầng lớp trên", về lâu đài Sigmaringen miền Nam nước Đức, nơi những người Pháp bỏ chạy đến trú ngụ tạm thời, gần như chết đói chết lạnh và đi vệ sinh lên đầu nhau, nếu tin vào một số miêu tả "lịch sử", trước khi bị tóm cổ và bị xử án

những tiểu thuyết này có gì nhiều nhất? nhiều nhất là dấu ba chấm, liên tục dấu ba chấm, nhân vật chính, ký hiệu chính của những cuốn sách này là dấu ba chấm, như thể không một câu nào kết thúc nổi, như thể vừa có quá nhiều điều để nói vừa chẳng còn gì để nói (trả lời sau khi D'un château l'autre mới được in, Céline thản nhiên bảo vì đói và cần tiền nên in cuốn này)

giải thích về dấu ba chấm của chính Céline, trong bài này:


"Anh biết không, dấu ba chấm, các họa sĩ ấn tượng chủ nghĩa từng đặt dấu ba chấm. Ta có Seurat, ông ấy vãi dấu ba chấm ở khắp nơi; ông ấy thấy chúng tạo cảm giác thông thoáng, làm cho tranh của ông ẩy bay bổng. Ông ấy thật đúng, cái ông ấy. Chẳng có mấy môn đệ. Người ta rất kính trọng Seurat, mua tranh ông ấy rất đắt. Nhưng xét cho cùng, không thể nói là ông ấy có nhiều bọn học trò. Tôi nữa, tôi không nghĩ sẽ có nhiều người noi theo tôi đâu."

rất có thể là như vậy, một người cảm thấy mình không có môn đệ, sẽ không có môn đệ, và vương vãi dấu ba chấm ở khắp nơi, như tạo ra một không gian đầy ruồi và kiến, một người như thế, xét cho cùng, khi không có môn đệ, thì đổi lại, vẫn có một thứ gì đổi lại, có lẽ là sự sáng suốt, dẫu chỉ là một mảnh của sáng suốt, trái ngược với mọi điên rồ mà người ta vẫn hay nghĩ Céline là hiện thân, và như thế cũng bao hàm một nghịch lý lớn: để đạt đến sáng suốt, chính là phải lội qua điên rồ, phải đi đến cùng đêm: Nietzsche, lại là Nietzsche, từng nói bất kỳ con người nào cũng tha hóa hết, không có ngoại lệ, không có bất kỳ ngoại lệ nào, trừ những người thực sự lội qua địa ngục riêng của mình (chiến tranh chưa chắc đã nhất thiết là địa ngục riêng ấy)

16 comments:

  1. chào chị. Em là một nhà văn trẻ, thật ra em nghĩ mình hoàn toàn có thể là một nhà văn nhưng hiện tại em khá trẻ - ở độ tuổi 20 nhưng em luôn có trong mình một niềm cảm hứng và một kịch bản tiểu thuyết khá hay. em muốn dk chị góp ý được không ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bạn Unknown đang chào chị nào vậy? Muốn viết tiểu thuyết thì trước tiên phải xác định được giới tính của nhân vật, hoặc xác định bỏ giới tính nhân vật ra ngoài.

      Delete
    2. Chào anh chứ. Nhị Linh là dịch giả Cao Việt Dũng

      Delete
  2. Chúa ơi, tầm ảnh hưởng của bác quá kin, lan tỏa khắp hang cùng ngõ hẻm từ khu biệt thự triệu đô đến những ngách ổ chuột ngoại ô thành phố:p

    ReplyDelete
  3. Anh ơi quyển Đi đến cùng đêm này xuất bản ở VN chưa nhỉ? Em tìm không thấy... Tên Tiếng Anh của quyển này là gì ạ?

    ReplyDelete
  4. Sorry anh, em tìm được tên TA và bản ebook rồi (hix phải đọc ebook lậu ngại quá).

    ReplyDelete
  5. mua sách mà đọc, quyển này không đọc ebook được đâu, thấy trước ngay rồi hehe

    ReplyDelete
  6. Okay để em xem có store nào trên mạng bán ạ, em cũng ghét đọc ebook, bần cùng lắm mới phải. Chứng tỏ vẫn chưa có xuất bản ở VN nhỉ, hmmm

    ReplyDelete
  7. sao lại chưa, vớ vỉn thế hehe, xem ở kia:

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2014/01/thai-ba-tan-hoang-phong-nguyen-trung-duc.html

    ReplyDelete
  8. ôi giời, thế thì còn tệ hơn là không có bản dịch :p anyway, em đặt sách giấy ở amazon rồi ạ ^^

    ReplyDelete
  9. ặc, chủ quan quá đấy

    có bản tiếng Anh rồi mà xem, ngay trang đầu, tên cùng một nhân vật ở trên thế này, vài dòng dưới bị viết sai liền

    (trừ phi nó đã sửa khi tái bản)

    Céline hiểm ác lắm, đừng có đùa

    ReplyDelete
  10. Theo cháu hiểu thì dấu ba chấm đơn giản là không có kết thúc (đúng kiểu hư vô chủ nghĩa :D). Còn cái tên "Đi đến cùng đêm" đúng là tù mù, chả hiểu là "tận cùng" hay "cùng (với)". Bản của ô HP giờ khá là khó tìm.

    ReplyDelete
  11. có những điều không nên "tự" hiểu, mà tìm hiểu đi: Céline từng nói rất đầy đủ về "giá trị" của dấu ba chấm

    lẽ dĩ nhiên, chả có gì liên quan đến "hư vô chủ nghĩa" hết

    ReplyDelete
  12. Vâng. Cảm ơn chú.

    ReplyDelete