Aug 16, 2016

[tiện bút] quán cà phê Georges Perec

tàu vừa rung vừa lắc khá mạnh; tôi đi quá sớm, còn quá nhiều thời gian nữa mới tới giờ cuộc hẹn, lên mặt đất, tôi định vào Librairie Polonaise trên đại lộ Saint-Germain; lần trước, ở đây tôi đã mua cuốn sách của Jan Potocki, trong số các nhà văn Ba Lan bày tại hiệu sách, trên tầng, sau một cầu thang rất chật, tôi đã ngần ngại trước L'Arbre của Sławomir Mrożek, ở đó cũng có Nhật ký 1962-1969 của Mrożek; tôi định trong lúc chờ đến giờ cuộc gặp thì vào đó mua cuốn sách mang tên "Cái cây" mà lần trước tôi còn chưa quyết định được

nhưng thực sự là quá sớm: hiệu sách còn chưa mở cửa; từ đây đến chỗ hẹn, "quán cà phê Georges Perec", không xa lắm nhưng cũng ngoắt ngoéo, nếu đi thật chậm, vòng vèo thêm một chút nữa, tôi sẽ đến đó không sớm đến mức lố bịch - tuy rằng sự lố bịch này chỉ một mình tôi biết

tôi chợt nhớ ra, vừa xong là sinh nhật một người, vào hôm ấy tôi hoàn toàn không nhớ, đến hôm nay đột nhiên tôi lại nhớ, tôi thấy mình thật may mắn vì đã thoát thân được, không chỉ là thoát thân khỏi một mối quan hệ, mà còn là thoát thân khỏi những rình rập, đón lõng của trí nhớ; làm được như vậy không phải là đơn giản, có lẽ thậm chí tôi còn phải tự chúc mừng mình, có lẽ bằng cách mua hết mọi quyển sách của Mrożek có ở hiệu sách, chừng nào nó mở cửa; mùa này trong năm là quãng thời gian cho những tương thích với thương tích - tôi cảm thấy hơi ngán những chơi chữ nên cố gắng thoát tiếp ra khỏi đó, tôi nhìn ra xung quanh, dẫu có đi chậm và đi vòng vèo đến đâu thì tôi cũng đã rơi vào cái khoảng hổng không gian mở ra trước nhà thờ Saint-Sulpice; tôi đứng ở phía bên này, nghĩ đến chuyện nếu đi qua hết quảng trường để sang phía bên kia, tức là về phía phố Vanves, nơi sẽ đâm ra vườn Luxembourg ở đúng góc cuối cùng, ngay lập tức có đoạn phố ngắn với "bức tường Rimbaud", trên đó người ta viết lên, rất đẹp, toàn bộ bài thơ "Le Bateau ivre", nhưng rồi tôi quyết định ở lại phía bên này, không đi nữa, vào luôn "quán cà phê Georges Perec", mặc dù đúng là vẫn còn sớm

quán cà phê Georges Perec không mang cái tên ấy, nó có tên tầm thường hơn nhiều: "Café de la Mairie", giống rất nhiều quán cà phê khác; nó nằm ở góc phố, mặt trước nhìn ra quảng trường Saint-Sulpice, dọc bên hông là một phố nhỏ, một phố rất nhỏ, mà từ các cửa sổ quán có thể nhìn được hết mọi hoạt động

dường như điểm quan sát này là lý tưởng để Perec thấy mình có thể sử dụng cho một cuộc miêu tả kiệt cùng; ý tưởng hết sức đơn giản: ngồi ở quán Café de la Marie, Perec ghi lại mọi thứ gì mình nhìn thấy, thật kỹ càng, thật chi tiết, giống như cắt từ khối thời gian khổng lồ một mẩu nhỏ, cố định nó lại bằng đinh ghim, những đinh ghim chính là các miêu tả thật tỉ mỉ; đó cũng là cắt một mẩu không gian, không gian của quảng trường Saint-Sulpice

tôi duyệt lại trong óc những người thích liệt kê, những bản danh sách, lúc này đối với tôi chúng thật giống một tiếng kêu nhỏ nhoi chống lại vĩnh cửu, phản đối vĩnh cửu nhưng đồng thời lại nhập thẳng vào vĩnh cửu, vì Georges Perec không phải là người duy nhất, cũng không phải là người đầu tiên lập các danh sách miêu tả; đó cũng là một cách để nhốt cảm xúc lại, dẫu có thể cũng chỉ là giấu chúng đi thật sâu bên dưới những miêu tả hết sức bề mặt; quán cà phê này đã trở thành "quán cà phê Georges Perec" chính là vì như vậy; và Georges Perec cũng không chỉ có một Tentative d'épuisement d'un lieu parisien, công việc của ba ngày liên tiếp ngồi ở đây (nhưng không phải là ngồi lì cả ngày): Je me souviens cũng là một bản liệt kê khác: mọi câu trong đó đều bắt đầu bằng "Je me souviens"; có lẽ bằng cách chủ động tiến lên trước ký ức, người ta có thể tránh được sự phục kích thường trực của nó; "Je me souviens" về sau sẽ được Gérard Genette bắt chước, trong Bardadrac; Genette cũng là một người hay lai vãng quảng trường Saint-Sulpice này

tôi cũng thế, một thời: trên quảng trường Saint-Sulpice này, một cô gái, một thời đã quá xa xôi

đối với Georges Perec, dường như ít thứ gì gây nhiều hứng thú hơn sự liệt kê; tôi bỗng nghĩ, W ou le Souvenir d'enfance cũng là một cách liệt kê khác; kỷ niệm và ký ức là máy tuốt hạt, là giống như khi ta lần tràng hạt; thậm chí La Vie mode d'emploi cũng là gì khác đâu ngoài sự liệt kê


Georges Perec dẫn tôi đến với David Bellos, tôi muốn xem trong tiếng Anh La Vie mode d'emploi có thể như thế nào; rồi tôi lại đẩy đi thêm nữa: cuốn sách về chuối của Bellos trong tiếng Pháp thì có thể ra sao

phần lớn mọi phố của quận 6 này đều rất nhỏ, thực sự rất nhỏ; từ các cửa sổ của quán cà phê Georges Perec nhìn ra, luôn luôn thấy những người đi nép sát vào tường; gần như không có vỉa hè; Céline từng nói về nỗi bất hạnh: bất hạnh chính là sự đi nép sát vào tường, là hành động cọ người vào tường

người bạn mà tôi có hẹn hôm nay vừa đi qua trên phố nhỏ - vẫn chưa đến giờ hẹn: trên đời không phải chỉ có một mình tôi đến quá sớm; nếu bắt chước Georges Perec, viết một cuốn sách liệt kê những gì tôi nhìn thấy từ quán cà phê này, thì tôi sẽ có miêu tả về một người mặc đồ đen đi qua trên phố; tôi hoàn toàn có thể biến miêu tả ấy trở thành như thể không liên quan đến tôi, chỉ là một điều mà tôi chứng kiến, làm như người ấy đang không phải đến cuộc hẹn với tôi, tại quán cà phê của Georges Perec này

bên trong, quán rất chật hẹp; nhiều khả năng người bạn tôi sẽ không đi vào, vì nghĩ tôi còn chưa đến; và đúng là như thế, đợi thêm chừng mười phút (lúc này thì đã sắp tới giờ hẹn rồi) thì tôi ra ngoài tìm, người bạn tôi đang ngồi ở một cái bàn bên ngoài, cắm cúi đọc một quyển sách, tôi đoán không phải sách của Georges Perec

chúng tôi đi vào trong, cạnh cửa sổ, gần như sát sạt những ai đi qua ngoài phố; người bạn hỏi tôi rất nhiều điều; đúng lúc này tôi bỗng nhớ ra, Rémy de Gourmont khi viết Une nuit au Luxembourg có một đoạn tả bên trong nhà thờ Saint-Sulpice; bên trong nhà thờ Saint-Sulpice tôi có thực sự biết không? tôi nhớ là từng vào đó, nhưng tôi không nghĩ là tôi thực sự biết trong đó có những gì; dẫu sao, tôi cũng không hoàn toàn là một người thiên về liệt kê, tôi thích xem những người khác liệt kê hơn

đồng hồ ở nhà thờ Saint-Sulpice đổ chuông; người bạn tôi nói, thế là mười hai giờ trưa rồi; tôi rơi vào một cảm giác nghi hoặc, vì cái đồng hồ bên trong tôi chưa báo buổi trưa, nhưng cũng có thể cả hai cái đồng hồ đều đúng

chỉ chắc chắn là giờ này, Librairie Polonaise trên đại lộ Saint-Germain đã mở cửa rồi

7 comments:

  1. "dường như điểm quan sát này là lý tưởng để Perec thấy mình có thể sử dụng cho một cuộc miêu tả kiệt cùng; ý tưởng hết sức đơn giản: ngồi ở quán Café de la Marie, Perec ghi lại mọi thứ gì mình nhìn thấy, thật kỹ càng, thật chi tiết, giống như cắt từ khối thời gian khổng lồ một mẩu nhỏ, cố định nó lại bằng đinh ghim, những đinh ghim chính là các miêu tả thật tỉ mỉ; đó cũng là cắt một mẩu không gian, không gian của quảng trường Saint-Sulpice"
    Bạn có cách viết và những cái nhìn thật thú vị, tôi thích nó. Cảm ơn bạn :)

    ReplyDelete
  2. Nhị Linh có thể cho biết ở Việt Nam quán café nào là hợp ý cuả bạn nhất không? "Phách lối" hay không cũng không sao, nhưng là những quán khiến bạn cảm thấy dễ chịu và quyến luyến.

    Đọc Tin Văn thì thấy bác Gấu đã "bỏ quên con tim" ở Quán Chuà Sài Gòn. Mình là loại độc giả tầm thường nhưng cũng có một số quán "không bao giờ quên" ngày còn sống ở Việt Nam. Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn... nhưng chưa từng Hà Nội.

    Làm sách và mở quán café cho những người yêu sự đọc, cũng hay nhỉ?

    -- Lâu ngày không thấy, có thấy cũng như không.

    ReplyDelete
  3. tôi không khó tính đâu, quán cà phê thế nào cũng được, gần như thế

    miễn sao đó đừng là một nơi có nhiều nghệ sĩ lai vãng là được, hehe

    ReplyDelete
  4. tự dưng muốn nghe lại Je me souviens - lara fabian

    ReplyDelete
  5. Những khi buồn lắm mà không có ai để trò chuyện em thường lang thang đọc lại những bài viết cũ, năm ngoái đọc tiện bút này em cứ nhớ những chi tiết nhỏ như đến sớm mọi cuộc hẹn đến mức lố bịch, bất hạnh là đi nép sát vào tường, thích liệt kê, tự thưởng cho mình bằng cách đi mua sách...rồi em nằm trong bóng tối mà ứa nước mắt...

    ReplyDelete
  6. "Để suy nghĩ một cách cay đắng, không cần gì khác ngoài nhìn thấy một bàn tay người sống động vào một ổ khoá, - và một nghĩa địa nơi những bàn tay người chết không được CẦM." thêm này: "Tôi nhìn thấy một hòm thư tại một nghĩa địa." - Xavier Forneret ("Encore un an de Sans titre", par un homme noir, blanc de visage)

    ReplyDelete