Aug 7, 2016

Nhượng Tống, Phan Du, Trương Chính

cuối năm 2008, tôi bắt đầu thấy mình quan tâm đến nhân vật văn chương Việt Nam đầu tiên, Nguyễn Công Trứ; tất nhiên, sự đọc của tôi trước đó từng dẫn tôi tới nhiều nhà văn Việt Nam khác, nhưng tôi cũng không muốn lặp lại câu chuyện về cái sự đọc mọi thứ gì rơi vào tầm mắt mà không biết bao nhiêu người đã kể nữa

tôi đi theo dự cả một hội thảo lớn tổ chức hồi ấy tại nơi giáp ranh Nghệ An và Hà Tĩnh, cách không xa thành phố Vinh và cũng không xa huyện Nghi Xuân; đó là lần đầu tiên tôi đến thăm khu tưởng niệm Nguyễn Du và khu tưởng niệm Nguyễn Công Trứ, rất gần nhau (đã có lần tôi nói về những hiện tượng người này che khuất người kia, trong đó có cặp Nguyễn Du-Nguyễn Công Trứ, xem ở kia); tôi đọc mọi thứ gì có thể đọc về Nguyễn Công Trứ: ở khía cạnh này, câu chuyện Nguyễn Công Trứ không dài bằng câu chuyện Nguyễn Du, nhưng cũng có rất nhiều

rồi tôi viết một nghiên cứu nhỏ về trường hợp Nguyễn Công Trứ, bài viết mà rốt cuộc tôi không có công bố chính thức nào ngoài trình bày tại một hội thảo chuyên môn quy mô hẹp; viết bài ấy, tôi cũng thử xem mình có thể viết giống như quy chuẩn thông thường của một bài nghiên cứu văn học mà ta hay thấy ở Việt Nam hay không, trình bày rất rõ ràng lịch sử vấn đề, etc.; dường như lúc đầu tôi vẫn theo được sơ đồ chung, nhưng đến một thời điểm nào đó thì tôi lại rẽ đi đâu mất; viết bài ấy, tôi cũng thấy như thể mình trải qua trở lại cơn ác mộng của việc viết những bài tập làm văn, bình giảng văn học, phân tích tác phẩm, một "trauma" đích thực mà tôi từng biết đến khi còn học ở trường phổ thông; tôi sợ mọi khuôn mẫu, và tôi thấy thực sự nực cười cái chuyện người ta tuyên xưng về hình mẫu đào tạo khuyến khích năng lực sáng tạo ở học sinh nhưng kèm theo đó là dạy dỗ theo các bài mẫu; nhưng tôi sẽ không sa đà vào câu chuyện giáo dục chán ngắt làm gì

nói tóm lại, hồi cuối năm 2008, đầu năm 2009, lần đầu tiên tôi thực sự chạm vào văn chương Việt Nam, và bài viết về Nguyễn Công Trứ, dẫu cho giờ đây đọc lại tôi có thấy nó kỳ cục đến đâu, thì nó vẫn có một ý nghĩa rất lớn với bản thân tôi: trong khi viết nó, tôi thực sự hiểu (điều này thì rất nhiều người đã nói, nhưng nghe người khác nói là một chuyện, tự mình trải qua là một chuyện khác) rằng một nhân vật văn chương đích thực là một đối tượng không bao giờ có thể kiệt cùng về ý nghĩa, rằng cần phải nghĩ, ở mỗi khi đi sâu vào một lãnh thổ, rằng cái lãnh thổ này tuy đã có vô số người đi trước nhưng vẫn còn lại rất nhiều bí ẩn; dường như đó cũng chính là niềm tin quái gở của những người đi tìm vàng, tin rằng mình sẽ tìm được cái mình muốn tìm ở cả những nơi đã bị khai thác suốt bao nhiêu năm; nhưng người đi tìm vàng còn biết trước là mình đi tìm vàng (một người đi tìm kim cương chân chính, theo Claude Lévi-Strauss trong Tristes tropiques, nếu chẳng may tìm thấy vàng thì sẽ vứt đi ngay: một khi đã là người tìm kim cương thì vàng không có ý nghĩa gì cả, thậm chí còn đem lại vận rủi lớn), một người đi tìm mà không rõ mình tìm cái gì có một tâm trạng khác, một niềm tin rất giống với sự tuyệt vọng

một người đi tìm mà không biết trước mình tìm gì chẳng có sự tự tin nào để dùng làm chỗ dựa, sẽ đến lúc người ấy chấp nhận để mặc cho mình thực sự trôi dạt không phương hướng ("Bể vô tận sá gì phương hướng nữa"), để sự không phương hướng dẫn đường cho mình, với rủi ro là sẽ lao vào một tảng đá ngầm hung hiểm; nhưng một người chấp nhận hoàn toàn gió thổi và dòng nước trôi lại dần dần nâng mình lên theo chiều thẳng đứng, dẫu chỉ một chút ít, giống như là bay là là ngay trên mặt nước; và sự vô phương hướng dần dà biến thành một cái gì đó có thể gọi là các vecteur chỉ hướng (cuộc sống ngoài vật chất của con người không có gì thực sự cụ thể, cùng lắm thì cũng chỉ có thể nói đến các dấu hiệu, dấu vết để chỉ những hướng đi bất trắc: vẫn Lévi-Strauss và vẫn trong câu chuyện những người đi tìm kim cương nói rằng dấu vết sự tồn tại của kim cương là một loại đá, không mấy giá trị gì nhưng nếu thấy chúng, chúng dễ thấy vì lộ thiên, không cần đào bới, thì những người tìm kim cương biết rằng gần đấy nhiều khả năng có kim cương, giống như thể kim cương đã trở thành một con thú để lại dấu chân và người thợ săn cần đi theo dấu vết ấy nếu muốn tìm đến nó); khi không có gì khác, con người lại có được sự hỗ trợ mạnh nhất của trực giác

tôi tin rằng văn chương Việt Nam không giống như người ta vẫn miêu tả xưa nay, một miêu tả nói là sai thì không đúng, nhưng đúng là không thể gọi là đúng được; và nếu có thực sự nghĩ miêu tả văn chương trong chừng mực bức tranh chung không hẳn là sai, thì tôi vẫn phải nói rằng, nghiên cứu văn học Việt Nam đã đọc sai văn chương Việt Nam rất nhiều; sau rất nhiều kinh nghiệm của đi tìm, tôi nghĩ sự đọc sai này không hẳn là do một ý chí nào đó, mà được quy định bởi tổng thể của vô số điều phức tạp

để có thể hiểu được điều đó, trong khi mở rộng từ một hiện tượng riêng lẻ Nguyễn Công Trứ ra những khoảng rộng lớn hơn, tôi thấy nhất thiết mình phải buộc lòng coi miêu tả văn chương Việt Nam từ trước đến nay, sản phẩm của nghiên cứu văn học Việt Nam, là một thực thể, nó có một hình hài nhất định; và việc của tôi là phải tìm cách đi vòng ra sau lưng cái thực thể ấy

đây là một vùng đất hoang vu lạ thường, mà điều lạ thường nằm ở cái đặc điểm trong triết học hay được gọi là "puissance" (xem thêm Schelling): những gì từng thực sự tồn tại, theo những biến hóa kỳ lạ của nhiều điều, lại trở thành những ngầm ẩn, những tiềm năng; hiện tượng này dĩ nhiên có ở mọi nền văn chương (bởi quá khứ văn chương là một quá khứ không bình thường - điều này tôi sẽ trở lại sau), nhưng ở văn chương Việt Nam, nó lớn đến mức rất đáng kinh ngạc - mà nguyên nhân rất có thể nằm ở một điểm rất giản dị là các nhà nghiên cứu Việt Nam thật ra rất ít khi đi tìm, nói một cách chính xác hơn, họ rất hay tìm thấy trước khi đi tìm, trong khi hướng phải là ngược lại: phải đi tìm trước khi tìm thấy

như đã nhiều lần tôi nói, nhưng chưa bao giờ theo một cách thức tập trung, nếu trong các tìm kiếm của tôi có một trục nào đó, thì trục ấy là giá trị; khi đã xác định được một trục rồi, việc tiếp theo là tìm xem cấu trúc nền tảng sẽ như thế nào; các nghiên cứu trong ngành văn học Việt Nam luôn luôn có một sự lỏng lẻo rất đặc trưng, đấy là vì rất hiếm khi nào các nhà nghiên cứu tạo ra được các cấu trúc nền tảng

nói tóm lại, tôi coi văn chương Việt Nam là một cái gì đó ở đó, việc của tôi là làm sao để cái khối bất động ấy nói, làm cho nó kể chuyện, làm cho nó chuyển động - chính trong khi nó chuyển động ta có thể nhận ra các cấu trúc; đây cũng là lời dạy của Nietzsche: ta chỉ có thể hiểu được một cái gì đó nếu dõi theo toàn bộ chuyển động của nó, để cho nó chuyển động một cách thuần túy không ở dưới bất kỳ một tác động nào từ bên ngoài; ý nghĩa nằm trong chuyển động, ý nghĩa không nằm ở các hiện tượng, dẫu là nhiều hiện tượng đến đâu, dẫu cho công việc tập hợp có tích tụ được nhiều chi tiết đến đâu

việc tìm ra kim cương lẫn trong rác là một điều kỳ thú, có lẽ chỉ một điều khác có thể cạnh tranh với nó về mức độ kỳ thú, đó là tìm ra rác ở trong đống kim cương

tròn một năm vừa rồi, tác động từ các tìm kiếm (chưa có gì có thể gọi là một chỉnh thể) của tôi, nói đúng hơn là các vecteur chỉ hướng mà tôi đã làm cho sống động lên được, dẫn tới kết quả của ba sự trở lại: Nhượng Tống, Phan DuTrương Chính

điều làm cho tôi thấy kinh ngạc nằm ở chỗ tôi không phải người đầu tiên trong giới nghiên cứu văn học chạm vào cuốn tiểu thuyết Lan Hữu, từng có lần nó được dùng để minh họa cho một lý thuyết nào đó, tôi cũng kinh ngạc với hiện tượng văn chương miền Nam trở thành mốt trong những năm trở lại đây, nhưng về cơ bản các nhà nghiên cứu lặp đi lặp lại vài ý tưởng và cách đánh giá (mà lại là những đánh giá rất thiên lệch), và nhất là, tôi thấy rất kinh ngạc khi Trương Chính, một nhân vật không thuộc "chiến tuyến bên kia" nên rất dễ giải thích cho sự lu mờ, thậm chí biến mất như Nhượng Tống hay Phan Du, Trương Chính giáo sư văn học ở miền Bắc trong suốt nhiều năm, mà cũng rơi vào vùng đất hoang vu tôi nói đến ở trên kia, cái vùng đất ở đằng sau, vùng đất của lãng quên rất dễ trở thành hư vô tuyệt đối

thế nhưng, nhà phê bình lớn nhất thời tiền chiến, người duy nhất nhìn nhận được văn chương tiền chiến Việt Nam một cách chính xác tuyệt đối, ngay trong khi nó vẫn đang diễn ra, ở tầm vóc khó mà tưởng tượng được, trong cuốn sách in năm 1939 Dưới mắt tôi, là Trương Chính, khi ấy mới 23 tuổi

nhà phê bình của thời trước 1945 là Trương Chính, chứ đâu phải Hoài Thanh

8 comments:

  1. “Tôi đã là con của vạn nhà/Là em của vạn kiếp phôi pha/Là anh của vạn đầu em nhỏ/Không áo cơm cù bất cù bơ”:D:D:D

    ReplyDelete
  2. Đợt này ra toàn sách hay của mấy ông ở tuổi 23,24. Hồi đó, tuổi đó - sao lại hay đến vậy nhỉ?

    ReplyDelete
  3. muốn tổng quan cho đầy đủ chắc phải thêm "Nho phong" nữa

    ReplyDelete
  4. Thấy Nhị Linh có điểm giống Trương Chính đấy

    ReplyDelete
  5. biết ngay là thế nào cũng có những người nghĩ như thế

    hoàn toàn sai rồi

    ReplyDelete
  6. em đọc Đảo Châu Báu (Stevenson) trước khi đọc bài này của anh và sau khi đọc bài này em mới lò dò đi đọc Nho Phong (Nhất Linh)

    ReplyDelete
  7. thế xong rồi khập khiễng đi đọc gì?

    ReplyDelete
  8. Đọc lại mà vẫn vãn rợn cả người.

    ReplyDelete