Aug 14, 2016

Thời nắng lịm

lâu rồi không có mục "sách mới", thế giới chắc vẫn không đến nỗi bất ổn chứ? :p

sắp tới sẽ có hai cuốn tiểu thuyết mới, mà tôi nghĩ rằng sẽ không tệ nếu kể lại đôi chút về hành trình để chúng "đến đây" - thật ra, vài năm trở lại đây, không còn dễ để làm cho một cuốn tiểu thuyết nước ngoài đặc biệt nào xuất hiện ở Việt Nam: mười năm vừa qua đã làm thay đổi nhiều thứ, giờ đây ở Việt Nam sẽ không có chuyện ồ ạt được nữa, trong mảng văn học dịch

thứ nhất là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Pháp Alice Ferney, L'Élégance des veuves; khi cách đây vài năm, Trần Anh Hùng thông báo sẽ chuyển thể cuốn sách này thành phim, bộ phim nói tiếng Pháp đầu tiên trong đời Trần Anh Hùng, tôi đã tìm cuốn sách để đọc

đó là một cuốn tiểu thuyết không thường thấy, nhờ một đạo diễn điện ảnh mà tôi mới biết đến, và tôi đã nghĩ nếu có bản dịch tiếng Việt (một cách độc lập) thì cũng hay

nhất là vào cái thời này, khi bất kỳ ai cũng cảm thấy hiểu biết của mình là chưa đầy đủ, là chưa hoàn toàn, nếu không xem nhiều phim, thậm chí là nếu xem rất nhiều phim; đây là cái thời của việc đủ sức bàn luận về mười bộ phim của Woody Allen cũng tạo cảm giác về hiểu biết không kém so với việc đã đọc vài cuốn tiểu thuyết cổ điển; thời này, điện ảnh giống như một mạng nhện khổng lồ chăng kín khắp mọi nơi, chẳng mấy ai thoát ra được; tuy rằng đối với bản thân tôi, một cuốn tiểu thuyết lớn chính là một cuốn tiểu thuyết đủ sức kháng cự lại được mọi toan tính biến nó thành phim, chứ không phải như được viết ra để dành sẵn cho một bộ phim sau đó, mà ví dụ rất điển hình có thể xem ở kia, nhưng tôi cũng hoàn toàn hiểu, con người ngày nay có nhu cầu rất lớn về bàn luận phim ảnh, về so sánh một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết thì ngang bằng hay thấp hơn, cao hơn cuốn tiểu thuyết, vân vân và vân vân

nói tóm lại, tôi không biết rõ sự hiện diện uy quyền của điện ảnh, lấn sâu, rất sâu vào việc đọc, là thực sự tốt hay không, nhưng tôi nghĩ rằng L'Élégance des veuves là một cuốn tiểu thuyết nên xuất hiện ở Việt Nam; chỉ có điều, tôi không thuyết phục được các đồng nghiệp: một cuốn tiểu thuyết về những người phụ nữ, ở Việt Nam đã quá nhiều, lại thêm một cuốn tiểu thuyết không huy hoàng với các giải thưởng, của một tác giả nữ không mấy ai biết, khách quan mà nói, thì cũng không thật thuyết phục

mùa hè năm ấy, cách đây khoảng hai hay ba năm, tôi không còn nhớ rõ, tôi gặp Trần Anh Hùng tại Sài Gòn; tôi nói tôi muốn L'Élégance des veuves được dịch và xuất bản tại Việt Nam, nhưng vấn đề là không ai muốn làm, và tôi hỏi Trần Anh Hùng có thể nói đỡ một câu không, nếu như vậy cuốn sách sẽ đi cùng bộ phim, đằng nào thì phim cũng sẽ cần thời gian để quay và làm mọi công việc khác liên quan, một cuốn sách dịch cũng sẽ cần thời gian, chỉ cần tính toán một chút để chúng có thể đi cùng nhau là được

kết quả là, giờ đây bộ phim (được chuyển tên thành Éternité) sắp được công chiếu rộng rãi, và tôi cũng mới biết thông tin nếu không trục trặc gì thì bản dịch cuốn tiểu thuyết cũng sẽ xuất hiện cùng đợt

lần ấy, Trần Anh Hùng nói đỡ một câu dưới hình thức lời hứa sẽ cho in kèm vào bản dịch tiếng Việt kịch bản bộ phim của mình

cuốn sách thứ hai sắp xuất hiện trong thời gian tới là Thời nắng lịm, tức là In Zeiten des abnehmenden Lichts (In Times of Fading Light) của Eugen Ruge, nhà văn Đông Đức trước đây, người từng trải qua thời nước Đức chia cách, giai đoạn Wende (Bước ngoặt) và kể lại câu chuyện ấy thông qua lịch sử một gia đình, một saga

về cuốn sách này thì tôi nhớ rõ, đó là năm 2012, tôi được đề nghị thử xem một bản dịch từ tiếng Đức một cuốn tiểu thuyết dày; sau đó cũng phải đợi không ít thời gian để bản dịch được chuyển đến cho tôi, rồi một đống công việc khác nữa, cho đến tháng vừa rồi thì nó quay trở lại với tôi để tôi xem lại thêm một lần nữa

có một điều mà tôi nhận thấy, trong số trí thức Tây học Việt Nam của mấy chục năm trở lại đây, "phân nhóm Đức" có vẻ gồm những người xuất sắc nhất, họ hay bàn đến rất nhiều vấn đề cao cả, sang trọng, họ rất giỏi, chỉ có điều, họ chẳng mấy khi làm gì, dường như họ sợ "lấm bẩn tay", bị kéo  xuống khỏi những tầng cầu rất cao nào đó

văn chương Đức không thực sự hiện diện ở Việt Nam; cho đến nay, không thể nói có một người Việt Nam nào là chuyên gia văn học Đức; điều này dẫn đến tình trạng là khi một cuốn tiểu thuyết của Thomas Mann xuất hiện ở Việt Nam gần đây, nó là một "Bildungsroman" và được giới thiệu là một "tiểu thuyết triết lý": một Bildungsroman mà là một tiểu thuyết triết lý? những lỗ hổng kiến thức cực kỳ nền tảng này là hậu quả của sự thiếu vắng hiểu biết đúng nghĩa và lâu đời; ngay từ Goethe, Wilhelm Meister đã là một Bildungsroman kinh điển, và văn chương Đức, bên cạnh những phá vỡ thể loại rất sáng tạo, luôn luôn dựa nhiều trên Bildungsroman và saga (Buddenbrooks của Mann là một saga)

hoặc giả, nhiều tác giả Đức rất lớn đã không hề được biết đến ở Việt Nam, đây là một ví dụ:


Thời nắng lịm, cuốn tiểu thuyết của Eugen Ruge sắp xuất hiện ở Việt Nam, đi ngược trở lại lịch sử nước Đức với thời điểm đầu tiên là năm 1952, với trung tâm của kết cấu truyện là ngày mồng 1 tháng Mười năm 1989, sau đó còn trải dài đến đầu thế kỷ 21; người Đức đã sống như thế nào qua các trắc trở của một trong những lịch sử nhiều trắc trở nhất của thế kỷ 20? trong một gia đình, người cha có thể là một chuyên gia về Lênin, viết ra đống tác phẩm lấp đầy một giá sách, còn người con trai thì trốn sang Tây Đức, một người ông cho đến tuổi chín mươi năm nào cũng nhận một huân chương của nhà nước, cho những chiến công quá khứ hình như không hề đúng với sự thật một chút nào

Thời nắng lịm, đó lại là thêm một cuốn tiểu thuyết Đức vô cùng chân thực (sự chân thực nói nghe thì dễ nhưng thật ra rất khó đạt tới, nhưng các nhà văn Đức thời nào cũng rất biết cách chạm vào); ấn bản tiếng Việt sẽ có lời tựa của chính tác giả viết cho lần ấn hành này tại Việt Nam; bản dịch của Hoàng Đăng Lãnh

4 comments:

  1. Ua, đợi tiểu thuyết Đức

    ReplyDelete
  2. Lâu rồi...CT cũng không đọc cái gì ra hồn, tệ thiệt! Hồi còn sinh viên, có chút tiền là ra hiệu sách. Không có tiền cũng ra hiệu sách (đọc chùa, đọc từ lúc hiệu sách vắng khách cho đến khách đông và bị đuổi khéo ra chỗ khác cho người ta buôn bán). Vô thư viện lúc nào cũng mượn số lượng sách tối đa theo quy định. Trong kí túc xá, người ăn và chơi, mình vẫn đọc như chốn không người, còn bị cười nhạo...Không hiểu sao bây giờ thành người cùn mằn?

    ReplyDelete
  3. Thời Nắng Lịm đã được Nhã Nam xuất bản, mọi người vào đây xem
    http://nhanam.com.vn/dat-truoc/1875/thoi-nang-lim

    ReplyDelete
  4. ồ ôi, sao lại có người thạo tin ghê gớm đến thế này được nhỉ

    ReplyDelete