Nov 14, 2018

Trong lúc đọc Lukács (2) về Nietzsche (cùng Fink và Martin H)

Tiếp tục câu chuyện "Trong lúc đọc Lukács" và nhân tiện cũng tiếp tục Triết học là gì (Ortega y Gasset đã bắt đầu bàn đến một dạng người: người bourgeois).

Tôi đề nghị đọc Nietzsche theo ba tầng: Lukács về Nietzsche, nhưng cùng lúc cả hai nhân vật khác nữa, Eugen Fink và Martin H..

Cuốn sách của Fink như dưới đây, quyển ngoài cùng bên trái hàng trên:


Nietzsche đối với Martin H.. là cả một đề tài bất tận:



Còn Lukács về Nietzsche, tất nhiên, là dưới đây:




(còn nữa - riêng cho phần "introduction")




-----------

Eugen Fink

Triết học Nietzsche


Chương 1

“Siêu hình học của nghệ sĩ”


1. Nietzsche, triết gia đeo mặt nạ

Friedrich Nietzsche là một trong những khuôn mặt lớn nhất của số phận trong lịch sử tinh thần của phương Tây, một con người định mệnh [“con người định mệnh”: ý đặc biệt quan trọng trong cái nhìn Nietzsche của Fink] buộc chúng ta phải có các quyết định chung quyết, một dấu chấm hỏi khủng khiếp trên con đường - cái con đường được định ra bởi di sản Cổ đại và hai nghìn năm Ki-tô giáo - trên đó con người châu Âu đã dấn bước vào, cho tới lúc này. Nietzsche nảy ra nghi ngờ rằng con đường ấy là một con đường của nhầm lẫn, rằng vì suy nghĩ đã đi lạc, cho nên nhất thiết phải quay trở ngược lại sau, sự quay lại ấy hẳn đồng nghĩa với vứt bỏ mọi thứ gì cho đến lúc này vẫn được coi là “thánh”, là “tốt” và “đúng”. Cái tên Nietzsche gắn liền vào với một phê phán triệt để hướng tới tôn giáo, triết học, khoa học và đạo đức. Hegel đã có một thử nghiệm khổng lồ, là thâu tóm [hiểu] toàn bộ lịch sử của tinh thần như một tiến hóa trong đó mọi bước đều bị suy nghĩ lại và phải được nhìn nhận theo luật riêng của nó. Ông đã tưởng mình có thể, theo một nghĩa tích cực, đáp ứng lịch sử nhân loại thuộc châu Âu. Ngược lại, Nietzsche, chẳng chút ngập ngừng, đặt một lời cự tuyệt thẳng băng trước quá khứ; ông vứt bỏ toàn bộ truyền thống và kêu gọi một đảo lộn triệt để. Với Nietzsche, con người châu Âu đi tới một ngã ba đường. Cùng nhau, Hegel và Nietzsche là ý thức lịch sử lộn ngược lại và suy tư về toàn bộ quá khứ phương Tây nhằm ước lượng giá trị của nó [đặt Hegel cạnh Nietzsche - một cú đặt rất khó - ngoài những điều khác, đồng nghĩa với miêu tả hai đảo lộn ngược nhau: đảo lộn của bất động và đảo lộn của chuyển động]. Cả hai, đầy chủ đích, tự định vị mình trong tầng cầu của các nhà tư tưởng Hy Lạp đầu tiên, cả hai quay ngược về nguồn, cả hai đều là những người có tính cách Héraclite. Tương quan giữa Hegel và Nietzsche, đó là tương quan giữa một “ừ” chấp nhận mọi thứ và một “không” phản đối mọi thứ. Hegel thực hiện được một công việc khái niệm mênh mông bằng cách suy nghĩ lại và gộp vào tất tật avatar của sự hiểu con người về *là*, bằng cách tụ họp mọi chủ đề mâu thuẫn nhau của lịch sử siêu hình học vào trong nhất thể vượt lên trên trong hệ thống của ông, và bằng cách, như vậy, dẫn lịch sử đó tới một kết luận. Đối với Nietzsche, cùng lịch sử ấy chỉ là lịch sử quá dài của một nhầm lẫn, và ông chiến đấu lại nó với một dục vọng vô chừng mực trong một cuộc tranh cãi hùng hồn, đầy tính chất nghi ngờ và buộc tội trong sự căm ghét dữ tợn của ông và trong nỗi chua cay nhạo báng của ông. Ông tự bày ra trước chúng ta với rất đầy trí tuệ, nhưng cũng được trang bị vũ khí bằng tất tật mọi sự ma mãnh che giấu đi của một nhân vật chuyên viết đả kích. Cho cuộc chiến của mình, ông dùng đến mọi thứ vũ khí mà ông có được: tâm lý học tinh vi của ông [ta hãy nhớ rằng Nietzsche là độc giả của Paul Bourget và “tâm lý học” của Nietzsche lấy không ít thứ từ “tâm lý học” Bourget], sự cay độc trong khiếu hài hước của ông, nhiệt hứng của ông và nhất là phong cách của ông. Ông lao mình vào, nhưng không phải theo đường lối khái niệm mà ông nhất quyết tàn phá siêu hình học [Nietzsche là khoảnh khắc của triết học phương Tây khi nó dường như nhận ra siêu hình học đã trở nên bất khả]. Ông không phá hủy bằng cách sử dụng các phương tiện của suy nghĩ trừu tượng về *là*; ông vứt bỏ khái niệm, đấu tranh chống lại thuyết lý tính, chống lại sự xâm phạm thực tại bởi suy nghĩ. Nietzsche nói chuyện phải quấy với quá khứ trên một mặt trận rộng. Ông không chỉ chiến đấu chống lại truyền thống triết học, mà còn chống lại tôn giáo và đạo đức truyền thống. Cuộc chiến của ông mang hình thức một phê phán rộng lớn nhằm vào văn hóa [văn hóa, văn hóa: siêu hình học sụt đi đâu mất và hiện ra một thứ, gọi là “văn hóa”], và khía cạnh ấy có một tầm quan trọng lớn lao.

Chuyện phê phán của Nietzsche được áp dụng vào văn hóa che mờ một cách quá dễ dàng một chuyện khác, sâu sắc hơn nhiều, là chuyện ở ông về cốt yếu vấn đề chỉ là một cuộc nói chuyện phải quấy có tính cách triết học với siêu hình học phương Tây. Chắc chắn, Nietzsche đặt toàn bộ văn hóa của quá khứ vào sự phê phán nhiều tính cách tàn phá của ông. Bằng cách lội thật xa vào trong quá khứ, theo đường lối nền tảng đặt vấn đề về truyền thống phương Tây, Nietzsche ngay thoạt tiên đã tự tách rời khỏi các nhà phê phán nhiều tính giáo huấn từng trở thành thời thượng vào thế kỷ 19. Ông đã không chỉ, trong một thái độ phê phán, quay về quá khứ, mà ông còn có một quyết định, ông tiến hành một cuộc tái đánh giá các giá trị phương Tây. Ông muốn cho tương lai, ông có một chương trình, một lý tưởng. Tuy nhiên, ông không phải một người theo thuyết phi lai [“phi lai” và “không tưởng”], một nhà cải cách hay một nhà từ thiện của vũ trụ. Nietzsche không tin vào “tiến bộ” [điểm hết sức then chốt; vả lại “quy hồi vĩnh cửu” chính là một biểu hiện lớn]. Tiên tri về tương lai của ông u tối, ông là điềm triệu cho thuyết hư vô châu Âu. Dường như kể từ đó thuyết hư vô đã xâm nhập châu Âu. Ai cũng biết nó và bàn luận về nó - thậm chí người ta còn tìm cách “vượt qua” nó. Nietzsche thông báo sự đăng quang của thuyết hư vô “cho những thế kỷ sắp tới”. Cũng hướng đến tương lai, ý thức lịch sử của Nietzsche nhắm rất xa. Như vậy, sẽ là tỏ lộ một tinh thần nghèo nàn và ti tiện nếu cứ muốn nhốt thật chặt vào trong các giới hạn chật chội của lịch sử hiện thời nhằm từ đó mà đánh giá, một tác giả xét về lịch sử bao gồm toàn bộ quá khứ châu Âu và là người phác thảo một dự đồ cho tồn tại trong những thế kỷ sắp tới. Cần phải, với năng lượng lớn nhất, từ chối trộn Nietzsche vào với thời sự chính trị, bày ông ra như con người vinh danh kiểu cổ điển cho bạo lực, cho chủ nghĩa đế quốc Đức, như con quỷ Giéc-manh lồng lộn chống lại tất tật giá trị của văn hóa Địa Trung Hải, v.v… Chắc hẳn triết học của Nietzsche sẽ không thể thoát khỏi số phận của mọi triết học lớn, đó là bị dung tục hóa và bị biến trở nên gần như tầm thường. Tuy nhiên người ta không thể rút ra một lập luận chống lại Nietzsche từ sự thể trong chính trị người ta đã lạm dụng ông, ngay cả khi người ta muốn chứng minh rằng một praxis chính trị tai tiếng tồi tệ đã thoát thai từ một cách hiểu ngây thơ triết học đích thực của ông. Những con người vĩ đại dựng ra hệ thống như Aristote, Leibniz, Kant hay Hegel, do độ khó trong phong cách của họ, có lẽ ít nguy cơ bị hiểu sai hơn so với Nietzsche, bề ngoài thì có vẻ dễ hơn [đây là một nghịch lý lớn của Nietzsche], người mê hoặc nhờ sự rực rỡ trong phong cách của ông, cùng hình thức châm ngôn [trong truyền thống châm ngôn, Nietzsche có vị trí hạng nhất] trong những gì ông viết, người quyến rũ và thu hút nhờ sự bướng bỉnh những cách diễn đạt của ông, người bỏ bùa nhờ vẻ đẹp những văn bản của ông và gây ngây ngất nhờ ma thuật những vị thế cực điểm của ông. Nhìn nhận ảnh hưởng mỗi lúc một tăng tiến mà suy nghĩ của Nietzsche tạo ra, cần phải đặt ra câu hỏi nghiêm trọng sau đây: ảnh hưởng của ông có được là do triết học của ông, hay do các chủ đề thứ yếu trong tác phẩm của ông, những khi nào không phải là do quyền năng quyến rũ từ các phương tiện thuộc phong cách đầy sức gợi ý mà trí năng thật căng của ông dùng tới?

Câu trả lời của chúng tôi hẳn sẽ gây thất vọng. Triết học của Nietzsche là thứ ở ông hành động ít hơn cả; chắc hẳn vẫn còn bị hiểu quá kém, nó vẫn đợi một diễn giải đi tới được gần hơn với cái cốt yếu. Triết gia Nietzsche trốn đi bên dưới sự giả trang của nhà phê bình văn hóa, của điềm triệu bí hiểm, của nhà tiên tri với lời lẽ hùng hồn. Những mặt nạ che đi cái cốt yếu. Thế kỷ cho các mặt nạ của Nietzsche đi diễu hành, nhưng nó hẵng còn ở xa triết học của ông. Tuy nhiên trong vòng vài thập kỷ vừa qua, hình ảnh Nietzsche đã chịu một chuyển hóa điển hình. Hồi đầu thế kỷ, từ mọi phía người ta chủ yếu “hình dung” Nietzsche như người chẩn đoán thiên tài cho suy đồi văn hóa, như người sáng tạo ra một tâm lý học chiều sâu làm hiển lộ các nghĩa bị giấu kín, một nghệ thuật vĩ đại về thần linh và diễn giải. Người ta vinh danh nơi ông tinh thần sắc bén đã làm rõ “nỗi khó ở” cùng “suy đồi”, người nhăn mặt trước mọi thứ gì liên quan đến chết chóc và hôi thối. Ông đáng giá với tư cách nghệ sĩ, với tư cách nhà thơ với ngôn từ mạnh mẽ, với tư cách nhà tiên tri. Như Scheler [Max Scheler: chúng ta đang ở trong tập hợp các môn đệ của Husserl] từng nói, Nietzsche đã mang đến cho từ sốngvang vọng của vàng; ông đã lập ra Lebensphilosophie (triết học về sống). Càng kém hiểu triết học của Nietzsche một cách thực sự, người ta lại càng nồng nhiệt trong thờ phụng tác giả ấy. Thay cho khuôn mặt thực của ông, người ta đặt một hình tượng truyền thuyết; cứ tìm cách phong cách hóa ông mãi, người ta biến ông trở thành một biểu tượng. Bằng cách lục lọi trong tiểu sử và tác phẩm của ông, người ta sản xuất ra một kiệt tác về “truyền thuyết”.

Các diễn giải mà người ta có về Nietzsche thời gian gần đây cho thấy một cảm quan nghiêm khắc hơn về các thực tại; ta có thể nhận thấy ở chúng một khuynh hướng trái ngược với khuynh hướng đã miêu tả phía trên. Thường người ta cũng xuất phát từ tiểu sử rồi tìm cách rút ra lời giải thích cho tác phẩm, về cuộc đời đã tạo ra nó. Nhưng người ta nhìn nhận tác giả với bớt ảo tưởng đi; người ta không còn coi ông là siêu nhân, như ông từng tuyên bố trong Zarathustra. Ngược hẳn lại. Thứ tâm lý học tinh vi về hé lộ mà Nietzsche rốt cuộc đã vận hành được với một tài khéo thượng thừa, kể từ nay người ta áp dụng nó vào chính ông luôn. Thế là ông liền hiện ra như một con người chịu đau đớn sâu sắc, giống một nhân vật bị bẻ gãy, bị cuộc đời chơi cho những vố lớn. Nỗi căm ghét man dã, đầy tính chất quỷ quái của ông đối với mọi thứ gì là Ki-tô, hẳn chỉ có thể được giải thích bắt nguồn từ việc ông không đủ khả năng rũ bỏ Ki-tô giáo; phê phán đạo đức của ông, sự vô luân của ông, bắt nguồn từ sự tinh tế về mặt đạo đức của ông, từ sự ngay thẳng tuyệt đối nơi ông; cuối cùng, bài ca dành cho cuộc sống man dã mạnh mẽ, cho con người hùng tráng, cho sức khỏe lớn hẳn của ông chỉ có thể hiểu bắt nguồn từ nỗi khốn cùng và những nỗi ấm ức của một người bị bệnh. Hình ảnh Nietzsche, người ta xác định nó dựa trên các khía cạnh bên ngoài tác phẩm của ông chứ không phải trên hạt nhân triết học của ông. Khỏi phải bàn cãi rằng “những cuộc chinh phục tâm lý học của Nietzsche” rất đáng kể: ông đã mở mắt cho chúng ta về chuyện nghĩa bề ngoài của các biểu đạt tâm hồn che đi một nghĩa khác, ngầm ẩn, và về vô số hiện tượng đa trị. Nghệ thuật phân tích tâm lý của ông thuộc vào hạng nhất. Cũng khỏi phải bàn cãi rằng Nietzsche được phú cho một mức độ thính gây lo ngại về phía các sự kiện lịch sử: ông biết giải mã những tín hiệu của tương lai và tiên liệu cái sẽ tới; khỏi phải bàn cãi rằng nghệ sĩ có sự nhạy cảm của một bông hoa, một quyền năng sáng tạo bất tận, một phăng te di sum suê, cái nhìn của một nhà thấu thị. Khỏi phải bàn cãi rằng Nietzsche là một nhà thơ vĩ đại.

“Trong số tất tật những ai đi trốn, tôi là người trốn kỹ nhất”, Nietzsche từng nói vậy về chính ông. Triết gia, đó là cái chúng ta khó nắm bắt nhất, chính bởi vì đó là Nietzsche đích thực. Giấu đi bản tính cốt yếu đã trở nên, nơi Nietzsche, một dục vọng. Ông yêu quý, theo một cách thức đáng lo lắng, mặt nạ, hội hóa trang, trò diễn hề. Tất tật “bóng hình” dưới đó ông tự tỏ lộ đều cũng che giấu: có lẽ không triết gia nào từng ngụy trang những suy nghĩ của mình ở dưới ngần ấy trá ngụy [từ này sẽ trở lại nhiều lần: Fink muốn nói đến “sophism”]. Hẳn có thể nói rằng bản tính nhiều óng ánh, bất định của ông đã không sao tự thể hiện theo đường lối rõ ràng và xác định, rằng ông đóng nhiều vai.

“Tinh thần tự do” của thời kỳ Menschliches, Allzumenschliches, ông hoàng ngoài vòng pháp luật, Zarathustra và sự tự đồng hóa cuối cùng của ông với Dionysos là những hình tượng như thế.

Vậy, sở thích mặt nạ ấy là gì? Có phải nó chỉ là thủ pháp văn chương, ham muốn lừa gạt công chúng, hay đó là một phương pháp, vẫn còn đáng giá, nhằm bảo vệ một luận đề dẫu chẳng hề gắn chặt vào với nó? Đường nét đó của Nietzsche có thể được giải thích dứt khoát, bởi điều sau đây: treo mình lơ lửng trên các vực thẳm, ông đã không bắt rễ xuống ở bất kỳ đâu và thế nhưng lại muốn tự tạo và tạo cho người khác ảo tưởng rằng ông ở trên một mảnh đất, hay chăng? Một cuộc khám phá về tâm lý sẽ chẳng bao giờ giải mã được câu đố về tồn tại ấy của Nietzsche. Con người đó, trong một hình ảnh có tính cách biểu tượng mạnh mẽ, nói đến “mê cung”: đối với ông con người là một mê cung, từ đó chẳng ai đi ra và đó là nơi mọi người anh hùng chết rục. Bản thân Nietzsche là một người-mê cung hoàn hảo. Chúng ta không thể giật lấy từ ông bí mật về tồn tại của ông; ông đã tự đặt mình vào nơi an toàn sau vô tận chuỗi mê cung, dưới rất nhiều vai diễn và mặt nạ. Nhưng có cần quan tâm đến điều đó hay chăng? Thông thường, các diễn giải tác phẩm của Nietzsche chịu tác động xấu từ việc người ta cứ chăm chăm tìm cách xâm nhập nó thông qua con người, từ việc người ta cứ muốn biến tiểu sử của ông thành một chìa khóa. Thế nhưng cuộc đời Nietzsche còn bí mật hơn so với tác phẩm của ông. Tuy nhiên khía cạnh ngoạn mục trong số phận của ông, dục vọng của ông và mặt khác chuyện ông đòi làm một đấng cứu thế, pathos trong thái độ của ông, nó gây sợ hãi, tức tối, băn khoăn và bỏ bùa, tất tật cái đó luôn luôn thôi thúc lại nhìn về phía con người thay vì chỉ chăm chăm quan tâm đến tác phẩm. Vốn dĩ là người quyến rũ, Nietzsche lôi kéo chúng ta về phía con người chính ông. Những cuốn sách của ông thảy đều được viết bằng phong cách thú tội; đó không phải là một tác giả chịu ở lại nơi hậu cảnh. Ngược hẳn lại. Theo một cách thức gần như khó dung thứ, ông nói với chúng ta về chính ông, về những kinh nghiệm tinh thần của ông, về bệnh tật của ông, về các sở thích của ông. Bằng cách ấy Nietzsche bày tỏ một sự cao ngạo vô song trong việc gây phiền hà cho độc giả với chính con người ông, trong lúc nói rằng xét cho cùng những cuốn sách của ông chỉ là các độc thoại nơi ông nói chuyện với chính ông. Nietzsche dùng tới đòi hỏi hỗn hào ấy về phía độc giả như dùng một thủ pháp nghệ thuật, một chiêu văn chương. Ông có được nhiều ngưỡng mộ chính bằng cách đẩy bật họ đi. Pathos có tính cách quý tộc đó muốn gây phấn hứng và tỏ ra thú vị. Nietzsche là một tác giả tinh vi, ông sở hữu bản năng về hiệu ứng, làm chủ mọi cung bậc ngôn ngữ kể từ những ghi chép tinh tế, trác tuyệt cho đến những hồi kèn đồng chói tai; ông có một thiên bẩm mạnh mẽ đối với âm giai tự nhiên của ngôn ngữ. Ông dựng ra các câu rộng lớn, bác học và đầy nghệ thuật, tôn trọng tempo của tăng tiến, trong một đà có tác dụng đặt mỗi từ vào đúng chỗ của nó. Nhưng ông cũng làm chủ rất giỏi nhịp staccato của những câu ngắn, đặc, hung dữ. Phong cách gây kích thích của ông đậm đặc điện của trí tuệ, và cùng lúc ông biết, với một sự khéo léo của nhạc công diễn tấu bậc thầy, huy động các lực phi lý tính nơi tâm hồn con người. Phong cách của Nietzsche tìm kiếm hiệu ứng. Những gì Nietzsche từng nói về âm nhạc Wagner cũng đúng với ông. Có nhiều thói rởm và đạo đức giả trong phong cách ấy, thứ muốn quyến rũ, bỏ bùa. Nhưng cũng thật nhiều sự lộng lẫy xiết bao, khi suy nghĩ của ông tới được một cận kề cốt yếu với bài thơ. Sự rực rỡ của phong cách Nietzsche, tính cách chủ quan cực điểm của nó, cứ không ngừng xui khiến chúng ta đưa cái nhìn đi khỏi tác phẩm để hướng nó vào tác giả, vốn dĩ tự phản chiếu theo cả nghìn cách trong nó.

Thái độ thông thường của những người diễn giải Nietzsche còn có thể được giải thích bằng một lý do khác nữa. Ngoại trừ vài văn bản, những cuốn sách của ông không có tính cách các tác phẩm nơi các ý nối lại với nhau để tạo ra một toàn thể, và chúng mang tới một suy nghĩ càng lúc càng phát triển thêm. Đó là những tập châm ngôn. Mắt yếu và do đó không thể làm việc lâu liên tục, Nietzsche đã biến châm ngôn thành một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng hẳn sẽ là giải quyết vấn đề quá nhanh nếu muốn giải thích phong cách châm ngôn của Nietzsche chỉ bằng sự đau mắt ở ông, và tin rằng ông đã biến tất yếu thành phẩm hạnh. Đúng hơn, châm ngôn hợp với dạng tinh thần nơi ông; nó cho phép cách đặt câu ngắn và táo bạo, thứ chối từ sản xuất ra các lý lẽ. Nietzsche như thể nghĩ bằng các tia chớp của suy nghĩ thì đúng hơn là theo hình tỉ mẩn của những trình bày trừu tượng [điểm này đặc biệt quan trọng], được tạo nên từ các chuỗi khái niệm dài. Suy nghĩ của ông là một suy nghĩ có tính cách trực giác diễn tiến theo các hình ảnh, một suy nghĩ được phú cho năng lực khủng khiếp về sáng tạo ra những biểu tượng. Các châm ngôn của Nietzsche, có tính biểu cảm rất mạnh, giống những hòn đá được mài nhẵn. Tuy nhiên chúng không biệt lập hẳn với nhau, mà trong chuỗi tiếp nối của mình chúng tạo nên, trong đơn vị một cuốn sách, một chỉnh thể đặc biệt. Nietzsche đã trở thành bậc thầy trong nghệ thuật bố cục. Mỗi cuốn sách của ông lại có bầu khí hậu đặc thù mà hiện diện ngầm ẩn có thể cảm thấy trong mọi châm ngôn, cái nào cũng có nhịp riêng, một tông riêng không trùng vào với bất kỳ cái nào khác. Không cuốn sách nào của Nietzsche giống với một cuốn khác. Mắt và tai chúng ta càng đủ khả năng nhận ra điều đó, chúng ta sẽ càng kinh ngạc trước thành công về mặt nghệ thuật ấy. Nhưng, cùng lúc, chúng ta lại càng kinh ngạc hơn nữa bởi vì Nietzsche, vốn dĩ trao nhiều thứ đến vậy cho những cuốn sách của ông, lại luôn luôn lùi bước trước công việc của một sự dàn dựng có tính cách hệ thống, khái niệm. Mãi trong các di cảo chúng ta mới thấy các phác thảo về hệ thống [một điểm lớn trong phân tích của Fink: đối chiếu sách mà Nietzsche in khi còn sống và di cảo để chỉ ra khía cạnh “hệ thống” trong tổng thể triết học của Nietzsche], những dự đồ nhằm đưa các ý của ông đến những triển khai cuối cùng của chúng. Giá trị văn chương lớn lao trong những cuốn sách của ông, hình thức châm ngôn của chúng, chính những cái đó đã gây hại cho sự trình bày triết học của ông. Trong những kiệt tác của ông, chúng cũng luôn luôn hướng tới hiệu ứng, sự thuyết phục, sức quyến rũ - dẫu đó là sức quyến rũ của sự khiêu khích có ý thức hay của sự phóng đại trong tranh biện vô chừng mực - Nietzsche đã che giấu thì đúng hơn là công bố triết học của ông.

Nếu tác phẩm của ông chỉ diễn tả kinh nghiệm về tồn tại đặc biệt của một người bị đe dọa, hẳn chúng ta sẽ chẳng cần lưu tâm. Hẳn khi ấy Nietzsche đối với chúng ta sẽ không phải là một hình tượng của số phận. Hẳn ông sẽ là một nhân cách đáng quan tâm, một vĩ nhân được toàn quyền bắt chúng ta phải dành cho lòng kính trọng đầy e sợ. Nhưng nếu ông là một triết gia, tức là một người có nhiệm vụ suy nghĩ về cái *là* của con người chúng ta, gánh nặng của sự thật tồn tại chúng ta, thì trong trường hợp đó ông quan hệ tới chúng ta, dẫu cho chúng ta có muốn hay không. Có phải trách nhiệm ấy rơi vào Nietzsche, cho nhân loại hiện đại, tức là chúng ta? Ông ở chỗ nào trong tư cách nhà tư tưởng? Trước những câu hỏi đó, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có nổi một câu trả lời thỏa mãn bằng cách đưa ánh mắt của chúng ta chìm vào, cho dù xuống sâu tới mức nào, nhân cách của Nietzsche, bằng cách tập hợp mọi lời chứng về ông mà chúng ta tìm được, nhằm dùng đến thứ tâm lý học sắc sảo nhất. Chỉ nhờ vào một suy tư nghiêm ngặt về các suy nghĩ triết học của ông, chúng ta mới có thể biết vị trí của Nietzsche trong lịch sử các nhà tư tưởng phương Tây; chỉ bằng cách ấy chúng ta mới có thể tiên cảm điều gì đó nghiêm túc trong vấn đề của ông. Và tuy nhiên khi thử làm việc đó một cách nghiêm túc và trung thực, chúng ta vấp vào một nguy cơ. Nietzsche chất chứa đầy rẫy nguy cơ đối với bất kỳ ai khởi sự làm quen với ông, và là như vậy không chỉ đối với các thanh niên lao mình vào thuyết hoài nghi của ông mà thiếu sự bảo vệ, vào sự ngờ vực không giới hạn của ông, vào nghệ thuật quyến rũ của ông. Nguy cơ nơi Nietzsche không chỉ nằm ở chuyện trong bản tính của ông đã sẵn có thiên hướng chăng bẫy, rồi thì nhạc tính trong ngôn ngữ rất giàu sức thuyết phục của ông, mà còn hơn nhiều, ở cái hỗn hợp sẵn có nơi ông, của triết học và trá ngụy, của suy nghĩ khởi nguyên và mối nghi kỵ sâu sắc của suy nghĩ dành cho bản thân nó. Nietzsche là triết gia đặt thành vấn đề toàn bộ lịch sử phương Tây, và là người thấy trong triết học “một chuyển động có tính cách âm [âm tính] một cách sâu sắc”. Suy nghĩ của Nietzsche đã không dấn thân vào con đường mà suy nghĩ về *là* đã vạch ra trong vòng nhiều thế kỷ. Nietzsche nghi ngờ con đường ấy và khai chiến chống lại siêu hình học. Nhưng ông không ngờ vực nó theo đường lối mà siêu hình học, khoa học hay tinh thần thực chứng ngờ vực cuộc sống thường nhật.

Đòn tấn công của ông vào siêu hình học không phát xuất từ tầng cầu tiền triết học của tồn tại, nó không “ngây thơ”. Ở Nietzsche, bản thân suy nghĩ cũng quay ra chống lại siêu hình học. Sau hăm lăm thế kỷ diễn giải *là* nhờ siêu hình học, Nietzsche tìm một khởi đầu mới. Trong cuộc tranh đấu chống lại siêu hình học phương Tây của ông, Nietzsche vẫn còn gắn liền với nó, ông “chỉ xoay nó sang mặt khác”. Tuy nhiên, trong cuốn sách này, chúng tôi đặt ra chính vấn đề tìm hiểu xem Nietzsche chỉ là một nhà siêu hình học lộn ngược hay ở ông một kinh nghiệm khởi nguyên về *là* hoàn toàn mới được thông báo. Ta không thể giải quyết vấn đề này một cách chóng vánh. Nhất thiết phải suy tư rất lâu dài và theo cách thức chuyên sâu; cần phải thực hiện lại tiến trình của suy nghĩ nơi Nietzsche, phải đắm chìm vào trong tác phẩm của ông và dứt khoát nói chuyện phải quấy với ông. Trước hết chúng tôi sẽ tìm cách có một diễn giải tạm thời, ngay thoạt tiên, thông qua một xem xét chăm chút các văn bản, tìm cách bóc ra những chủ đề nền tảng của suy tư Nietzsche. Sau đó chúng tôi sẽ đặt câu hỏi về tương quan giữa các chủ đề ấy và những vấn đề nền tảng của triết học truyền thống, câu hỏi để xem ta có nhận ra ở chúng các yếu tố của cuộc tra vấn siêu hình học hay không. Dứt khoát, chúng tôi sẽ tự hỏi kinh nghiệm mới mà Nietzsche có về *là* là gì.

Chúng tôi tìm triết học của Nietzsche, mà những gì ông viết ngụy trang đi mất. Nó như thể bị giấu đi bởi sự tráng lệ trong ngôn ngữ của ông, bởi quyền năng quyến rũ trong phong cách của ông, bởi sự biệt lập nơi các châm ngôn của ông; nó bị giấu đi bởi nhân cách rất thu hút của ông, nó luôn luôn kéo những ánh mắt về phía mình. Nhưng để tìm triết học đó, lẽ dĩ nhiên chúng tôi cần một tiền-khái niệm, thứ nói cho chúng tôi triết học là gì. Chúng tôi không tìm theo lối mù quáng, không người dẫn dắt, và đối với chúng tôi cũng là không đủ, việc yên tâm với cái mà tác giả của chúng ta gọi là “triết học”. Tuy vậy tiền-khái niệm dẫn dắt tất cả chúng ta, đó là siêu hình học, đúng như lịch sử nền văn minh của chúng ta đã truyền cho chúng ta. Thế nhưng chính cái siêu hình học này là thứ mà Nietzsche đã tuyên chiến. Như vậy chúng tôi rơi vào situation đặc biệt, đối với cuộc tìm kiếm của mình, chúng tôi thiếu mất sợi chỉ dẫn đường, sợi chỉ của Ariane, thứ có thể dẫn chúng tôi đi trong mê cung suy nghĩ của Nietzsche. Mà thậm chí với quyền nào đây để còn nói đến triết học khi đề cập bản thân ông, bởi vì ông có ý định đoạn tuyệt với toàn bộ truyền thống? Chẳng phải sẽ cần tìm ra, gò ra một từ mới cho cái tương đương với triết học của Nietzsche, đấy ư? Tuy nhiên suy nghĩ của tác giả ấy, trong dục vọng của ông, xóa biến đi một khoảng thời gian rất đáng kể, không xóa đi khởi đầu của triết học phương Tây. Nietzsche quay trở lại với Héraclite. Các đối thủ ban đầu của ông, đó là các Eléate [đại khái là “dòng” Parménide và Zénon”] và Platon; trước hết ông chiến đấu chống lại truyền thống triết học bắt nguồn từ họ. Nguyên ủy triết học của Nietzsche, đó là Héraclite. Sau hai nghìn năm trăm năm, Héraclite quay trở lại với ý định khủng khiếp là xóa bỏ công việc trí năng dài lâu đã được thành tựu trong khoảng thời gian đó, và chỉ cho loài người một con đường mới, tuy nhiên lại rất cổ xưa, nó mâu thuẫn với toàn bộ truyền thống. Trong thái độ ấy của Nietzsche đối với lịch sử lộ ra ý thức rất sắc của ông là mình có một sứ mệnh, một con người định mệnh, như ông nói trong Ecce Homo như sau: “Tôi biết số phần tôi. Rồi sẽ tới một ngày kỷ niệm về một sự kiện tuyệt mỹ sẽ gắn chặt vào với tên tôi, kỷ niệm về một khủng hoảng duy nhất trong lịch sử trái đất, về cú va chạm thẳm sâu nhất của các ý thức, về một nghị định được ban bố chống lại mọi thứ gì từng được tin, được đòi hỏi và được phê chuẩn cho đến thời chúng ta. Tôi đâu phải một con người, tôi là một thuốc nổ.”


2. Phương trình nền tảng *là* = giá trị. Khởi đầu: Sự ra đời của bi kịch

Triết học của Nietzsche vẫn còn nằm trong bóng tối; tác phẩm của ông che giấu nó nhiều hơn là phơi bày nó.




(còn nữa)


-----------

Martin H..

Nietzsche



(còn nữa)


-----------

Lukács

Nietzsche, người sáng lập thuyết phi lý tính giai đoạn đế quốc


I

Nhìn chung, ta có thể nói rằng kết quả của cuộc cách mạng 1848 [Cách mạng Pháp 1789 quan trọng? tất nhiên, nhưng trên rất nhiều phương diện, cuộc cách mạng 1848 - không chỉ ở Pháp - mới thực sự nhiều ý nghĩa và tạo ra thay đổi lớn; chúng ta có hai bình luận 1848 “tại chỗ” vô cùng kiệt xuất: Karl Marx (18 brumaire), tất nhiên, nhưng cả Tocqueville nữa - mà trong cuốn sách lớn của mình, Marx chỉ nhắc thoáng qua đúng một lần, ở tư cách “rapporteur”, có lẽ vì còn chưa kịp nhìn ra tầm vóc đích thực của Tocqueville] đánh dấu sự suy tàn của ý luận bourgeois. Chắc chắn là vẫn còn - nhất là trong văn chương và nghệ thuật - nhiều nhân vật tiếp nối giai đoạn thăng của nền bourgeois, với các tác phẩm chẳng hề bị đánh dấu bởi sự suy tàn ấy (chỉ cần nhắc đến Dickens và Keller [về Gottfried Keller, xem ởkia; Lukács cũng là một độc giả lớn của Keller], Courbet và Daumier). Thêm nữa, giai đoạn từ 1848 đến 1870 rất phong phú những khuôn mặt lớn của sự trung chuyển, như Flaubert hay Baudelaire, mà các tác phẩm đã bày ra những đường nét của suy đồi, tuy nhiên phần cốt yếu trong những cuốn sách của họ không cho phép gắn họ vào với sự suy đồi. Trên địa hạt các khoa học lý thuyết, đặc biệt kinh tế học và triết học, thật ra sự suy tàn đã khởi đầu sớm hơn nhiều; kể từ sự tan rã của trường phái Ricardo (từ 1820 đến 1830), từ sự tan loãng của thuyết Hegel (từ 1830 đến 1850), cả kinh tế học bourgeois lẫn triết học bourgeois đều đã không sản xuất được cái gì độc đáo hay tiến về phía trước. Cả hai bộ môn ấy đều hoàn toàn bị thống trị bởi sự biện giải cho chủ nghĩa tư bản. Cũng tương tự đối với các khoa học lịch sử. Việc các môn khoa học tự nhiên, trong cùng giai đoạn, thành tựu được những tiến bộ khó tin - tác phẩm lớn của Darwin được xuất bản giữa 1848 và 1870 - không thay đổi được gì cho nhận định ấy. Người ta tiếp tục có các khám phá phong phú trong lĩnh vực đó cho mãi tới những năm gần đây. Điều này không ngăn cản ta đã có thể quan sát thấy, cùng lúc, một dạng suy thoái [“suy tàn”, “suy đồi”, “suy thoái”: rất tiếc, chúng ta buộc lòng phải quen với những từ như vậy, và cố làm sao đừng để những cách hiểu lệch lạc và sẵn có gây ảnh hưởng để còn trở nên lệch lạc hơn nữa] của phương pháp luận chung và sự phát triển mỗi lúc một thêm phản động [“phản động”: thêm một từ] của một triết học bourgeois về các khoa học tự nhiên, với những kết quả được dùng để truyền bá các ý phản động với một năng lượng tăng dần. (Ở đây chúng tôi không nhắc tới tiến hóa về mặt ý luận bên Nga. Tại đó, cuộc cách mạng năm 1905 tương ứng với cuộc cách mạng 1848 đối với phương Tây [nhìn nhận này đã trở nên hết sức thông dụng] - và mười hai năm sau, đã là chiến thắng của cách mạng xã hội chủ nghĩa.)

Nếu nhìn nhận các sự kiện ấy trong bối cảnh của chúng, chúng ta có thể nói - mà không gây biến dạng những tỉ lệ chính xác - rằng những năm 1870-1871, cả chúng, tạo lập một bước ngoặt trong tiến hóa về ý luận [cf. Karl Marx, Nội chiến ở Pháp]. Chính vào những năm đó đã kết thúc giai đoạn hình thành các Nhà nước quốc gia lớn của Trung Âu, điều này tạo thỏa mãn cho nhiều đòi hỏi lớn nêu lên bởi những cuộc cách mạng bourgeois; dẫu thế nào thì chúng cũng đã xong xuôi đối với Tây Âu và Trung Âu. Nếu ở Đức và Ý (đấy là chưa nói đến Áo-Hung) vẫn còn thiếu hụt các chuyển hóa thuộc vào những gì cốt yếu nhất mà một cuộc cách mạng bourgeois đúng nghĩa hẳn sẽ tạo ra, và vẫn còn lại dai dẳng nhiều cặn [hay được gọi là “tàn dư”, nhưng giờ đây, càng thoát bao nhiêu được khỏi những từ ấy thì càng tốt] của chế độ chuyên chế phong kiến, kể từ nay chỉ một cuộc cách mạng do vô sản dẫn dắt mới có thể thanh toán chúng. Và chính vào giai đoạn ấy cách mạng vô sản lộ ra rất rõ khuôn mặt của nó: đó là Công xã Paris. Ngay những ngày tháng Sáu [trong văn chương, những ngày này tại Paris có được lời chứng chân xác hạng nhất chính ở cuốn tiểu thuyết Giáo dục tình cảm của Flaubert] đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc cách mạng năm 48, không chỉ ở Pháp mà trên khắp châu Âu; cuộc bùng nổ đó đã đóng dấu cuộc liên minh của giới bourgeois với các giai cấp phản động, và sự thất bại đã phá hỏng mọi cơ may về cách mạng dân chủ đối với giai đoạn ấy. Nhưng ảo tưởng rằng những chiến thắng đó của giới bourgeois có thể tái lập một “trật tự” xác quyết, sẽ sớm sụp đổ. Sau một quãng ngừng ngắn - ít nhất là ngắn theo một quan điểm lịch sử - các chuyển động quần chúng của giai cấp công nhân được kích hoạt trở lại; năm 1864, Đệ nhất Quốc tế được thành lập và năm 1871 giới vô sản đã, trong một quãng thời gian tương đối ngắn và chỉ ở tầm mức một thành phố lớn, giành được chính quyền. Đó là Công xã Paris, kỳ độc tài đầu tiên của giới vô sản.

Những hệ quả về mặt ý luận của các sự kiện ấy rất to lớn. Khoa học và triết học bourgeois càng lúc càng chĩa mũi dùi vào đối thủ mới, chủ nghĩa xã hội. Trong khi ý luận bourgeois, vào giai đoạn thăng của nó, từng chiến đấu lại hệ thống phong kiến chuyên chế, và các khuynh hướng khác nhau lúc đó từng được sắp xếp chiểu theo cách thức nhằm vào xung đột ấy, kể từ nay kẻ thù lớn, đó là thế giới quan của giới vô sản. Tất tật triết học phản động, như vậy, đã phải thay đổi các chủ đề và hình thức biểu đạt. Trong giai đoạn thăng của giới bourgeois, triết học phản động từng bảo vệ nền chuyên chế phong kiến, rồi sau này, các phế tích của chế độ phong kiến, tức Trung hưng [độc giả của Balzac không xa lạ với điều này]. Vị thế độc đáo của Schopenhauer, như chúng ta đã thấy [Lukács đang nhắc tới phần trước phần về Nietzsche: Nietzsche có thể coi là một chương trong cuốn sách lớn của Lukács về “sự phá hủy lý trí”], nằm ở sự kiện ông là người đầu tiên đòi một thế giới quan phản động bourgeois. Tuy nhiên ông lại nhập vào với con người phản động phong kiến Schelling [đấy, tôi còn chưa kịp mở chuyên đề về Schelling] trong chừng mực cả hai đều coi đối thủ chính của họ là các khuynh hướng cấp tiến của triết học bourgeois: duy vật luận và phương pháp biện chứng.

Với những ngày tháng Sáu và đặc biệt với Công xã Paris, sự tranh cãi phản động thay đổi hoàn toàn cách tấn công của nó. Một mặt, không còn triết học bourgeois cấp tiến nào để chiến đấu chống lại nữa. Trong chừng mực người ta gặp những cãi cọ về ý luận thuộc loại ấy - trên bề mặt chúng chiếm nhiều chỗ - trước hết vấn đề chỉ là các khác biệt về chiến thuật về cách tốt nhất nhằm biến chủ nghĩa xã hội trở nên vô hại. Vấn đề chỉ là những điểm khác ở trong rất nhiều nhóm của giới bourgeois phản động. Mặt khác, kẻ thù lớn đã xuất hiện, được vũ trang bằng một lý thuyết. Mặc cho tất tật nỗ lực mà khoa học bourgeois thể hiện, càng ngày càng khó lờ thuyết Mác xít đi; những nhà ý luận [“nhà ý luận”: tôi sẽ sớm quay trở lại đặc biệt với từ này] chính của giới bourgeois mỗi lúc một có ý thức hơn rằng chiến tuyến phòng thủ chính của họ phải liên quan đến đó và họ phải tập trung nhiều sức lực nhất vào đó. Tính cách phòng ngự của triết học bourgeois nảy sinh từ hoàn cảnh ấy, chỉ hiện ra và tự khẳng định theo cách khá chậm chạp và với đường lối mâu thuẫn. Chiến thuật bắt mặc áo choàng bằng chì ấy đã thống trị lâu dài; rồi đôi khi người ta thấy xuất hiện các toan tính nhằm rút tỉa từ duy vật luận lịch sử, hẳn là đã bị làm cho biến dạng, những gì có vẻ “dùng được” để đưa nó vào tòa công trình của ý luận bourgeois. Mãi sau cuộc thế chiến thứ nhất, mang tính cách đế quốc, cùng chiến thắng của cuộc đại Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười ở Nga, khuynh hướng ấy mới được khẳng định. Nhưng ngay từ đầu, cái tính cách phòng ngự đó được biểu hiện ra ở việc triết học bourgeois được dẫn dắt đến chỗ đặt ra những câu hỏi và dấn thân vào các cuộc tranh luận về phương pháp không sinh ra từ những nhu cầu nội sinh của nó, mà chỉ từ sự tồn tại của đối thủ mới của nó [tốt nhất là hãy nhớ đến câu của Marx, đại ý con người chỉ toàn đặt ra những câu hỏi mà nó có thể giải đáp]. Những câu trả lời mà nó tìm ra tương ứng với các lợi ích đa dạng của giai cấp bourgeois.

Với Nietzsche, chúng ta chỉ ở vào bước khởi đầu của tiến hóa ấy. Nhưng chúng ta đã có thể, ở bước đó, nhận thấy vài thay đổi quan trọng. Chúng được biểu hiện tại những người phi lý tính trước đó, những Schelling và những Kierkegaard, đôi khi họ có thể, trong trận chiến của họ chống biện chứng lý tưởng luận [“lý tưởng luận” hay được gọi là “duy tâm”] của Hegel, chỉ ra các khiếm khuyết có thực của nó. Mặc dù họ chỉ rút ra từ các phê phán đôi khi đúng đắn [“đôi khi đúng đắn”: ta bắt đầu làm quen với “irony” ở Lukács] của mình những hệ quả hoàn toàn hướng vào quá khứ, các nhận xét phê phán chuẩn xác của họ vẫn rất quan trọng đối với lịch sử triết học. Nhưng chuyện hoàn toàn khác ngay khi vấn đề nằm ở chỗ đối thủ cần chiến đấu: duy vật luận biện chứng và lịch sử. Ở đây, triết học bourgeois cho thấy là nó không có khả năng tiến hành một phê phán trên mức thực, thậm chí còn chẳng đủ khả năng hiểu cho đúng đối tượng tranh cãi của nó; nó chỉ có độc một khả năng: hoặc nó tranh cãi chống lại biện chứng và chống lại mọi hình thức của duy vật luận - trước tiên một cách công khai, rồi sau đó dưới các hình thức cứ ngày càng bị che giấu nhiều hơn - hoặc nó tìm cách, theo lối mị dân, đặt đối lập với biện chứng đích thực một thứ biện chứng giả hiệu.

Thêm nữa, cùng sự kết thúc của những cuộc tranh luận lớn về các nguyên tắc ở trong giới bourgeois cũng biến mất đi khỏi triết học bourgeois mọi hiểu biết cụ thể. Schelling, Kierkegaard hay Trendelenburg vẫn còn biết rõ triết học của Hegel. Schopenhauer, về điểm này, cũng là một người tiền triệu cho sự suy đồi bourgeois, vì ông phê phán Hegel mà chẳng biết gì về nó, dẫu chỉ là một cách hời hợt. Nhưng dường như mọi điều đều là được phép nếu cần chống lại kẻ thù giai cấp và trong trường hợp ấy, toàn bộ đạo đức khoa học liền ngừng ngay lại. Ngay các nhà nghiên cứu, ở những địa hạt khác, hẳn sẽ chỉ dám lên tiếng sau khi đã cẩn thận nhìn nhận chủ đề của mình, thì tại đây cũng tự cho phép nhẹ dạ tung ra những khẳng định can ke lại các ý kiến cũng võ đoán y như những ý kiến của chính họ, và chẳng giây phút nào nghĩ bản thân họ cần phải quay trở lại ngọn nguồn, dẫu chỉ để nhận ra những sự kiện giản đơn. Đó là một trong các lý do khiến cuộc tranh đấu ý luận chống lại thuyết Mác xít diễn ra trên một trình độ thấp hơn vô vàn so với phê phán phản động và phi lý tính đối với biện chứng Hegel.

Trong điều kiện ấy, với quyền nào mà chúng tôi có thể khẳng định rằng toàn bộ tác phẩm của Nietzsche tạo lập một tranh cãi không ngừng nghỉ chống lại thuyết Mác xít và chủ nghĩa xã hội, trong khi rất rõ ràng, ông chưa từng bao giờ đọc lấy một dòng của Marx và Engels? Tuy nhiên chúng tôi cho là được phép làm vậy, bởi vì mọi triết học được xác định, trong nội dung của nó và phương pháp của nó, bởi các tranh đấu giai cấp thời của nó. Các triết gia - cũng như các nhà bác học, nghệ sĩ hoặc dạng nhà ý luận khác - có thể ít nhiều hiểu biết kém về bối cảnh ấy, thậm chí họ còn có thể chẳng bao giờ có ý thức về nó; thế nhưng vị thế mà họ có trong những “câu hỏi sau cùng” tuân phục những xác định đó. Điều Engels nói về các luật gia cũng đúng a fortiori đối với triết học:




(còn nữa)







6 comments:

  1. cái nhấn của Fink vào chuyện một triết học che giấu/tự che giấu có nhiều sắc thái tu từ mà hình như bị chính đối tượng của ông tác động.
    Lukacs thì có vẻ giống như Marx; nhưng hẳn có thể, nếu là Marx, thì chuyện cuốn sách lớn của Darwin sẽ ko dễ gạt qua một bên như thế.
    thật sôi sục hấp dẫn nhỉ, cả hai ông í.

    ReplyDelete
  2. "lý tưởng luận" rất hay! ai đúc chữ "duy tâm" hẳn vì đã muốn tước bỏ ý niệm về một thực tại tối hậu khác với cái mà duy vật luận muốn áp đặt; hoặc muốn cho vào một ghetto với các thuyết duy linh; hay đơn giản vì "lý tưởng" đã từng đội mũ đỏ mặc quần cộc rồi và ko được cởi ra nữa.

    ReplyDelete
  3. vì "duy tâm" gợi ngay đến "mê tín" đấy (chỉ hướng sẵn)

    ReplyDelete
  4. Bao giờ mới xuất hiện một người viết về một người như Eugen Fink viết về Nietzsche.
    -Happy Sunday-

    ReplyDelete
  5. Sunday mà lại có thể happy, thật đấy à?

    ReplyDelete