Feb 27, 2019

một Xứ Phi Lai nữa

Tiếp tục câu chuyện các Xứ Phi Lai: rất có thể, ở những "Phi Lai" này ta tìm được điều đặc biệt nhất mà văn chương có thể mang đến. Tức là, điều đó cũng đồng nghĩa với nói rằng bản thân thực tại của văn chương liên quan rất nhiều (thậm chí chính là) Phi Lai.

Đồng thời, cũng tiếp tục câu chuyện của các nhà văn dịch sách: Valery Larbaud là người dịch Samuel Butler sang tiếng Pháp; giờ, ta đến với Raymond Queneau.

George du Maurier là một người gốc Pháp nhưng gia đình chạy sang Anh do cuộc Cách mạng 1789 (năm 2019 này cũng sẽ là năm của 1789: tức là, như đã thông báo, sẽ có một số từ trọng tâm như "cấu trúc ý thức" hay "mặc cảm", nhưng cũng có cả một số thời điểm trọng tâm), hơi giống với một nhân vật văn chương khác có tổ tiên chạy khỏi Pháp vì các sự biến liên quan đến "Huguenot" (xem ởkia). Truyền thuyết kể rằng vì không thực sự muốn trở thành nhà văn, một hôm gặp Henry James, du Maurier  cho James đề tài một cuốn tiểu thuyết: nhưng khác với Gogol đã vồ ngay lấy một ý tưởng của Pushkin để viết Những linh hồn chết, Henry James đã lịch thiệp từ chối nhận lấy đề tài ấy. Thế là du Maurier bèn tự viết nó, và như vậy ta có một cuốn tiểu thuyết Phi Lai, theo một cách thức hoàn toàn khác so với Erewhon của Butler: một xứ Phi Lai được hình thành theo một con đường rất khác: Peter Ibbetson. Những người rành về phim ảnh có lẽ lại biết nhiều về Peter Ibbetson hơn so với độc giả văn chương.

Nhưng đây là một cuốn tiểu thuyết lớn, và Raymond Queneau đã dịch nó ra tiếng Pháp từ hồi thập niên 40 của thế kỷ 20:









Độc giả của Peter Ibbetson sẽ thấy rằng từng có thời đại lộ Champs-Élysées giống như một nơi đồng không mông quạnh, không khác một chốn nông thôn hẻo lánh, ở đó có ngôi nhà của các sĩ quan lẽ ra đã bị bỏ tù vì tham gia nổi loạn nhưng vì hứa sẽ không làm gì tương tự nữa nên ở đó thay vì trong ngục, và đúng là họ không làm gì nữa thật. Sẽ có thêm một nhà văn đặc biệt thích miêu tả Champs-Élysées, vài chục năm sau đó: Marcel Proust (tất nhiên là sau Flaubert).

Erewhon là câu chuyện đi đến Phi Lai bằng phiêu lưu, vượt rất nhiều đường đất, có lúc phải sử dụng cả khinh khí cầu, còn câu chuyện của Peter Ibbetson không hề như vậy: đó là cuộc tới xứ Phi Lai bằng chính cách ở yên một chỗ, không đi đâu cả. Nói đúng hơn, đó là cuộc đi bằng giấc mơ. Như vậy nghĩa là có nhiều xứ Phi Lai? Rất có thể, nhưng nói đúng hơn, có nhiều con đường để đến được đó.

"Vào một buổi sáng đẹp trời tháng Sáu, trong một khu vườn tươi tắn của nước Pháp, tôi đã thức nhận được về tồn tại của tôi với ngày sung sướng nhất trong toàn bộ cuộc đời bên ngoài." Đó là nhân vật chính, "Peter Ibbetson", nói, ở đoạn đầu cuốn tiểu thuyết (George du Maurier hình dung Peter Ibbetson như một tập bản thảo được "cousine" Madge Plunket cho in) - thời điểm này, nhân vật còn nhỏ, cùng bố mẹ sang Pháp sống, và còn mơ hồ nhớ về một ngôi nhà trước đó, bên London. Yếu tố "cuộc đời bên ngoài" hết sức quan trọng, vì nhân vật ấy sẽ không thực sự sống ở đó nữa, không còn sự sống bên ngoài, mà chỉ rút lui mỗi lúc một sâu thêm vào bên trong, bởi chỉ trong đó mới có Xứ Phi Lai.

Sự sụp đổ của giới quý tộc cũ (suy tàn và biến mất của "Ancien Régime") được miêu tả bằng con mắt trẻ con, nhất là với ngôi nhà của Madame Pelé, không xa nhà của "Peter Ibbetson". Mấy gentleman sống ở đó, họ từng phò tá một nhân vật muốn chiếm ngôi vua nước Pháp: đoàn quân tiến vào Pháp với một con đại bàng được thuần hóa dùng làm biểu tượng. Người đứng đầu cuộc mưu phản bị tống vào một pháo đài, con đại bàng thì dừng lại tại một lò mổ ở Boulogne-sur-Mer, còn mấy nhà quý phái vì hứa danh dự sẽ không nổi loạn nữa nên khỏi phải vào tù mà ở nhà của Madame Pelé. "Peter Ibbetson" sẽ tìm được ở đó những người bạn thân thiết, như đại tá Voisil, com măng đăng Duquesnois, đại úy Andenis hay bác sĩ Lombal. Họ làm cho cuộc sống của cậu bé trở nên kỳ thú, nhất là khi ngôi nhà mới có khu vườn tuyệt đẹp, lại không xa khu rừng Bois de Boulogne, và nhất là có một cái đầm, đầm Auteuil. Cậu bé (với bố mẹ là ông bà Pasquier) còn có những người hàng xóm khác nữa: gia đình Seraskier sống trong villa màu trắng mang tên "Parva sed Apta" nằm đối diện với nhà Madame Pelé; những người hàng xóm ấy sẽ đóng vai trò rất lớn trong cuộc đời "Peter Ibbetson".

Bà Seraskier, vợ của một nhà bác học Hungary, là một phụ nữ đặc biệt xinh đẹp (người kể chuyện công nhận còn đẹp hơn mẹ mình nhiều, dẫu mẹ của cậu bé cũng là một giai nhân), tất tật đàn ông quanh đó đều mê mẩn bà, tức là những gentleman đã nói ở trên, những người anh hùng thất thế không khôi phục được Napoléon về lại ngai vàng nước Pháp. Và nhân vật chính của Peter Ibbetson xuất hiện, nơi cô bé Mimsey con gái của ông bà Seraskier. Đó là một cô bé yếu đuối, nhiều bệnh tật, đặc biệt thích nghĩ ra một ngôn ngữ riêng và nhất là tưởng tượng ra một "Prince Charming" cùng "tiên Tarapatapoum" vô hình nhưng lúc nào cũng ở đâu đó xung quanh (và yêu nhau) - chi tiết đặc biệt quan trọng cho câu chuyện của Peter Ibbetson. Chừng nửa thế kỷ sau câu chuyện và các khung cảnh đó mới được thuật lại, nhưng tất thảy đều hết sức sống động.

Cậu bé tuy có bố mẹ mang họ Pasquier nhưng sẽ trở thành Peter Ibbetson, vì - cũng giống gần như mọi câu chuyện về thiên đường đã mất - gia đình cậu bé sẽ tan nát, mọi sự êm đềm tan biến và Peter Ibbetson trở thành con nuôi của một người họ hàng bên Anh, mang họ người bà con ấy.


Bối cảnh câu chuyện của du Maurier khiến dẫn đến một giải pháp: ta sẽ gọi là giải pháp giấc mơ. Giấc mơ, cũng như trong rất nhiều tác phẩm văn chương khác, được khai thác triệt để (những con người của thế giới mơ đông vô vàn: Calderón, Jean-Paul, Lý Bạch, Tào Tuyết Cần, Arthur Schnitzler, Alfred Kubin, vân vân và vân vân), nhưng giấc mơ (đúng hơn là cơ chế của mơ) trong Peter Ibbetson là độc nhất vô nhị. Peter Ibbetson, để quay trở lại với thiên đường đã mất (điều này cũng đồng nghĩa với tới được Xứ Phi Lai riêng), thực hành một cách thức: sử dụng giấc mơ. Điều này, nếu mới nhìn qua, giống như là cưỡng ép mơ, nhưng đúng ra lại chính là ngược hẳn lại: chính là nương theo đúng giấc mơ mà con người ta có thể dịch chuyển. Thêm một lần nữa, "heterotopia" của Michel Foucault lại xuất hiện; giấc mơ trở thành một heterotopia. Tiềm năng của mơ cùng một lúc vừa tiếp tục tỏ ra là vô tận lại vừa - độc giả của Peter Ibbetson sẽ không thể quên điều này - hết sức cụ thể, chính trong tính cách vô tận của nó.

Nhân vật Peter Ibbetson, như vậy, dùng giấc mơ để dịch chuyển. Trong những hành trình (phiêu lưu) ấy cũng xuất hiện, ở nhiều khía cạnh rất đặc biệt, cô bé Mimsey ốm yếu năm nào, giờ đã trở thành một nữ quý tộc xinh đẹp như mẹ ngày trước.




(còn nữa - đã tiếp tục Inferno của August Strindberg, trong kỳ "Bắc" thứ ba, và cũng đã tiếp tục Tiến hóa sáng tạo của Henri Bergson)

3 comments:

  1. Cái link Tiến hóa sáng tạo ở trên bị nhầm rồi anh ơi

    ReplyDelete
  2. Và thật nhiều mơ mộng về những thế giới xa xôi

    ReplyDelete
  3. một đường link, trong thế giới ngày nay, đôi khi cũng có hiệu ứng đó

    (nhưng cũng có thể hoàn toàn ngược lại)

    ReplyDelete