Feb 10, 2019

Giữa 1 & 2


(đã tiếp tục "Tô kê""Phụ chú cho những từ")


Đây cũng là để tiếp tục câu chuyện Michel Houellebecq.

Nếu tôi không nhầm, Houellebecq khám phá Schopenhauer rất muộn - muộn đến đáng kinh ngạc, thậm chí ta còn phải thấy khó hiểu tại sao một nhân vật như Houellebecq lại không sớm thấm đẫm Schopenhauer. Cách đây vài năm, Houellebecq cho in một cuốn sách nhỏ, quyển ngoài cùng bên phải trong ảnh. Quyển ngoài cùng bên trái thì được Houellebecq viết từ rất sớm, đó hoàn toàn có thể coi là tác phẩm đầu tiên của Houellebecq, và nó viết về Lovecraft. Dường như, đối với Michel Houellebecq, trên đời không thực sự có văn chương nào vượt được văn chương của Lovecraft. (tôi không hẳn nghĩ Houellebecq sai về điều này)

Ta cũng đã biết, trong mọi tiểu thuyết của Houellebecq, tuy lúc nào cũng đậm đặc không khí của các chương trình ti vi, tiểu thuyết ba xu rẻ tiền, nhưng cũng luôn luôn có tầng nền hết sức đáng nhớ: đó có thể là Karl-Joris Huysmans như ở cuốn tiểu thuyết trong đường link phía trên, hay Auguste Comte, rồi kể cả William Morris.

Trong cuốn tiểu thuyết mới nhất, Sérotonine, Schopenhauer đã xuất hiện. Cũng xuất hiện trong đó là nhiều yếu tố chắc hẳn từng liên quan không ít đến cuộc đời thực của Houellebecq, nhất là những gì trong địa hạt nông nghiệp.

Và ta lại có, thêm một lần nữa, với Sérotonine, một nhân vật chính của Houellebecq chẳng bao giờ thực sự biết mình có chịu đựng nổi hay không: chịu đựng cuộc đời, chịu đựng xã hội, chịu đựng quá khứ, tương lai nhưng nhất là hiện tại, kể cả chịu đựng cho hết cái ngày hôm nay, thậm chí không chịu nổi từ cái tên của mình trở đi.

Nhưng có lẽ không được vội vã lên án cái thái độ ấy: nếu biết rằng nhân vật trong Sérotonine mang cái tên Florent-Claude Labrouste, ta bắt đầu thấy, biết đâu như vậy lại là đúng, không chịu nổi đến tận cái tên mình.


Lovecraft:



Dẫu (chắc) không hề chủ ý, Houellebecq đã tiếp nối truyền thống hai trăm nay của sự dè bỉu (thậm chí là hành hạ theo đúng nghĩa đen) một nhân vật: Goethe. Heinrich Heine là người mở ra con đường ấy, với câu nói bất hủ (đại ý), người nào được Goethe khen ngợi thì đã chắc chắn có chỗ trong đội quân của lũ tầm thường. Sérotonine không chỉ hạ sát Goethe, mà còn hạ sát một nhà văn Đức khác, Thomas Mann, cùng cuốn tiểu thuyết (rất dài - nhưng chắc chưa dài bằng Goethe những lúc nào Goethe thực sự dài) về cái cơ sở chữa bệnh trên núi. Nhưng ta có thể dễ dàng nhận ra, đối tượng chính yếu phải là Maurice Blanchot. Một người tình cũ của nhân vật chính (Florent-Claude Labrouste - một cái tên improbable) từng kiếm sống, vì không thực sự trở thành diễn viên lớn được, bằng cách đọc (và trình diễn) các text của Blanchot: những miêu tả câu chuyện ấy đơn giản là bốc mùi của một thế giới đang thối rữa.

Nhưng Sérotonine không chỉ đơn giản như vậy. Thậm chí, lần đầu tiên, dường như, Houellebecq có một sự hòa giải nhất định với thế giới của bố-mẹ: bố mẹ của nhân vật chính không quá mức tệ hại, thậm chí họ còn thực sự yêu nhau, sống hạnh phúc với nhau, không những thế họ còn yêu nhau đến mức tự sát cùng nhau, cùng uống thuốc độc rồi nằm chết trên giường (miêu tả cảnh tượng bi kịch ấy của cuốn tiểu thuyết: chắc hẳn họ muốn nắm tay nhau để cùng qua đời, nhưng vì tác động của thuốc, các cơn co giật đã khiến tay họ bị rời nhau ra).

Ở chiều ngược lại, không có hòa giải nào: cảnh nhân vật chĩa súng nhắm bắn ròng rã suốt nhiều ngày dài một đối tượng cách đó vài trăm mét, sống trong ngôi nhà trên một hòn đảo, đã đương nhiên trở thành, ngay lập tức, một đoạn kinh điển của văn chương. Cho đến cùng, không có hòa giải nào hết: nhan đề tập thơ gần đây, trong đó Houellebecq tự chọn những bài thơ của mình, cũng nói lên sự không hòa giải. Ngay từ đầu cũng đã vậy: cuốn sách về Lovecraft trên đây nói đến sự "chống lại thế giới, chống lại cuộc đời".

Thế giới có những kẽ nứt nhỏ (tiền đề cho sự suy sụp rồi sẽ xảy ra của nó), và có những người thấy các nứt, xước, ngách đó. Ấy là chuyện của cái nhìn. Cái nhìn-kẽ nứt có đặc điểm là luôn luôn đi trước. "Nhân vật" lớn của cuốn tiểu thuyết Sérotonine là Captorix, một loại thuốc chống trầm cảm (nó không tồn tại đâu, hay nói đúng hơn, chưa tồn tại). Dường như nó có tác dụng trát lại bức tường thế giới để người ta khỏi nhìn thấy những kẽ nứt nữa, để có thể yên tâm vào một sự nhẵn lì đầy bảo đảm và an ủi: để tiếp tục sống, dẫu khi đó mọi thứ trong thực tại như thể mất đi các chiều vốn dĩ của chúng, và như thể cuộc đời không tệ hại lắm; dẫu không chỉ khả năng tình dục giảm đi mà thậm chí ham muốn cũng bay hơi mất. Nhưng, quả thật, cái nhìn-kẽ nứt sẽ không thực sự nhìn thấy bức tường nữa mà chỉ thấy toàn nứt là nứt.

Sérotonine, toàn là những gặp lại, ngoài xen đầu tiên gặp hai con bé Tây Ban Nha nhờ bơm lốp xe - một cảnh của phim porn. Houellebecq cho thấy gặp lại người tình cũ thì có thể ngu xuẩn và lố bịch đến mức nào, nhất là khi sau nhiều năm trời, nàng vẫn giữ nguyên tập tính xưa kia, là đang yên đang lành nói chuyện rất tử tế thì bất thần sấn lại kéo khóa quần của người trước mặt xuống. Houellebecq cũng miêu tả rất đúng (với rất nhiều châm biếm, tất nhiên - nhưng làm thế nào được đây?) về phụ nữ Nhật Bản. Nhưng xét cho cùng, Sérotonine, rất kỳ lạ, mặc dù từ đầu đến cuối ở hẳn trong bầu không khí của trầm cảm và sự bê bết, lại như muốn khẳng định: đừng tin vào sự sụp đổ, dẫu đúng là vậy, bởi vì vẫn có ánh sáng và hạnh phúc; hoặc giả, nói một cách khác: sau sụp đổ sẽ lại, sẽ lại (sẽ lại gì thì không biết).

Có vẻ như trong Sérotonine, Houellebecq đã có một thay đổi không nhỏ: để chỉ (...) Houellebecq nhất quyết dùng từ chatte chứ không còn là vulve như trong Hạt cơ bản nữa.




Giữa A & B
Giữa X và Y



Sách mới đầu năm (2019)
Sách mới cuối năm (2018)
Hai cuốn tiểu thuyết [mới]
[mới] Krasznahorkai: Seiobo và Sông
Ít nhiều sách mới
Sách được tặng
Ít sách mới
Dăm sách mới
Bốn sách mới
Mấy sách mới nữa
Những cuốn sách mất
Mấy sách mới
Sách tháng Giêng 2013

Sách mới (1)
Sách mới (2)

Sách mới (3)
Sách mới (4)

Sách mới (5)


5 comments:

  1. hay quá! và văn chương muốn vượt đi đâu cũng được, làm ơn để lại Houellebeq.

    ReplyDelete
  2. sau "Plateforme" MH lại có thêm một phát xiên khủng khiếp rất đúng kiểu con người nhỏ bé thế giới to to

    ReplyDelete
  3. Trong tinh thần của chương trình ti vi, tôi vừa bắt được ý này từ một sitcom, và nghĩ rằng có thể dùng để "nắm" Lovecraft: "I write nothing but warnings."

    Cthulhu

    ReplyDelete
  4. NL xem interview Houellebecq k? Vua moi day. Co thi gui link :)

    ReplyDelete
  5. thật tài tình khả năng nắm bắt, xếp, đặt-nối các tác giả, các câu truyện, các cuốn sách lại với nhau của Nhị Linh.

    ReplyDelete