Mar 22, 2019

Tụng ca tình yêu - Alain Badiou

Trước khi chúng ta đến với (quay trở lại với) Tụng ca tình yêu của Alain Badiou, tôi muốn kể một câu chuyện về việc gặp Alain Badiou ở Hà Nội (nghe hơi giống phát biểu trong một chương trình ca nhạc ở Cung văn hóa Việt-Xô, nhưng thôi kệ).

Đó là một sự gặp đầy bất ngờ, một sự kiện, như chính Alain Badiou hẳn cũng sẽ dễ dàng công nhận ("sự kiện" là yếu tố then chốt trong triết học Badiou).

Những gì tôi tìm được tại một hiệu sách Hà Nội, cách đây một thời gian:








(trong bức ảnh thứ ba từ trên xuống, có quyển sách mang trong nhan đề cái tên Plato: đó là cuốn sách mà trong Tụng ca tình yêu Badiou nói mình sắp in; kể từ đó, nó đã không những được in mà còn kịp được dịch sang tiếng Anh)

Bữa ấy, tôi ở trong một hiệu sách Hà Nội và nhìn thấy đống sách trên đây. Tôi đứng đó tần ngần. Tôi nghĩ (tôi biết) là tôi nên lấy chúng, và lấy tất tật luôn. Không ngờ tại một hiệu sách Hà Nội lại có những quyển sách như thế này. Nhưng tôi không mang đủ tiền. Hoặc tôi có thể đi tìm chỗ có ATM để rút tiền, nhưng tôi có một phobia (chắc giống rất nhiều người) về chuyện trong vòng ít phút mình để lọt khỏi tầm mắt, những quyển sách mới thấy hiện ra sẽ biến đi mất một cách bí hiểm. Tôi cũng lại không thực sự biết sử dụng mấy cái ATM như thế nào. Tất nhiên tôi cũng hoàn toàn có thể nói với người chủ hay nhân viên hiệu sách để riêng chúng cho tôi quay lại lấy sau. Nhưng dẫu sao thì tôi cũng tiếp tục tần ngần.

Đúng lúc đó một phụ nữ xuất hiện; đó là một phụ nữ tuyệt vời, tôi xin nói ngay. Vì đống sách bỗng xuất hiện kia nên tôi đã quên khuấy cái hẹn hôm đó: chính vì chỗ hẹn ở gần hiệu sách cho nên tôi mới đi vào đó, và bắt gặp đống sách kia. Người phụ nữ ấy, không thấy tôi đâu, đã biết ngay là có thể tìm tôi trong hiệu sách nên đi vào để tìm tôi; tôi đã nói đó là một phụ nữ tuyệt vời.

Không sự tuyệt vời nào sánh được với xuất hiện đúng lúc. Câu đầu tiên, thay lời chào, tôi hỏi: "Em có tiền không?" Chỉ những phụ nữ tuyệt vời mới không thấy mếch lòng với một sự chào hỏi vớ vẩn đến mức như thế. Rồi tôi chỉ cho người phụ nữ ấy đống sách tôi vừa phát hiện. Cô gái rút ví ra đếm: vừa đủ tiền. Và đưa cho tôi. Và tôi đưa tiền cho người bán sách.

Sau đó, tôi dẫn cô gái ra một quán cà phê gần đó, nơi chúng tôi có thể uống nước chỉ mất vài chục nghìn (vì đằng nào cũng không còn tiền - cũng chẳng còn đủ cho cái việc là mục đích dẫn đến cuộc hẹn hôm đó), để xem đống sách mới. Tôi đã nói, đó là một phụ nữ tuyệt vời: đã xuất hiện đúng lúc rồi lại còn không biến mất ngay.

Câu chuyện chỉ có vậy thôi; tất nhiên đúng là nó hao hao phát biểu của các nhạc sĩ tại buổi biểu diễn nào đó tại Cung hữu nghị Việt-Xô, nhưng kệ thôi.

Vả lại, đó chính là giây phút để tôi khẳng định Hà Nội đâu phải một chốn barbare như người ta (hay) tưởng. Thêm nữa, những quyển sách trên đây, có thể dễ dàng đoán ra, từng thuộc về một ai đó rất tả phái. Người đó đã trút bỏ chúng, tức là đã chán, đã bỏ cuộc, hoặc cũng có thể đã đắc đạo. Với một phụ nữ tuyệt vời trước mặt trong một quán cà phê đồ uống rất rẻ, tôi thích nghiêng về giả thuyết cuối cùng hơn. Có một ai đó vừa được giải thoát. Trong tình yêu.


Cùng với bài bình luận Tụng ca tình yêu dưới đây của anh Nguyễn Chí Hoan, cũng có thể tìm được nhiều gợi ý không nhỏ và không phải không nhiều liên quan từ Ich und Du của Martin Buber đã có sẵn ở đây (xem ởkia).




"Bướng bỉnh để dài lâu"

Nguyễn Chí Hoan


Giống như văn chương, tình yêu rất khó để nắm bắt (hay thâu tóm) vào một định nghĩa, vì nó, một mặt, thật hiển nhiên, mặt kia, thật mơ hồ; hay là bởi hầu như có bao nhiêu con người thì trên thế gian này có bấy nhiêu tình yêu, mà như đã biết, người ta chẳng ai giống ai. Nhưng các triết gia - những người thấy được thực tại, như René Descartes đã bảo - luôn theo đuổi trật tự của thế giới thì không chấp nhận cả lối hiển nhiên và lối mơ hồ cho quan niệm về một phần quan trọng đến như thế của thực tại người. Triết gia được coi là lớn nhất còn sống của nước Pháp, Alain Badiou, đem đến một định ngôn triết học mới cho tình yêu trong cuốn sách Tụng ca tình yêu được biên soạn từ cuộc đối thoại giữa ông và Nicolas Truong một ký giả của tờ Le Monde, trước công chúng, về tình yêu. Điều rất thú vị, trước tiên, là cuốn sách này mỏng: triết học về tình yêu dường như cũng giống với tình yêu, không nhiều lời, nhưng hứa hẹn sẽ sâu xa.

[Và cũng trước tiên, nhận một thiếu sót, bài viết này sẽ rất ít đề cập tới phần hỏi-dẫn của Nicolas Truong.]

Alain Badiou là một triết gia Marxism còn đầy lòng tin và nhiệt thành với “giả thuyết Cộng sản”. Khuynh hướng cánh tả của ông thể hiện rõ: “Nhà bác học, người nghệ sĩ, nhà tranh đấu và người tình, đó là những vai mà triết học đòi hỏi ở chủ thể của nó. Tôi từng gọi đó là bốn điều kiện của triết học.” Vậy hãy thử xoay cái dạng kim tự tháp của “bốn điều kiện” này sang tư thế mà chủ thể của nó là tình yêu: với một chút thay đổi, đấy sẽ chính là lược đồ của định ngôn về tình yêu của Alain Badiou khai triển trong sách này - nhà bác học, nhà triết học, nhà tranh đấu và người nghệ sĩ. Và điểm xuất phát, tinh thần bao trùm của cuộc trò chuyện này ở “nhà tranh đấu”: vì nhìn nhận rằng “tình yêu, trong thế giới như thế này, … …, ở tư cách này, bị đe dọa. Và tôi cho rằng một trong những nhiệm vụ của triết học là phải bảo vệ nó.”  

Chương một mở ra luận đề về sự đe dọa đó: 

… “tình yêu ‘không rủi ro’, không có tình cờ, không gặp nhau, tôi thấy đó, cùng với các phương tiện của một sự tuyên truyền chung, là mối đe dọa thứ nhất lên tình yêu, mà tôi sẽ gọi là mối đe dọa của sự an toàn. … … Tiếp theo, mối đe dọa thứ hai đối với tình yêu là chối bỏ khỏi nó toàn bộ sự quan trọng. … nói rằng tình yêu chỉ là một biến thể của khoái lạc chủ nghĩa được phổ quát hóa, một biến thể của các hình thức hưởng thụ mà thôi.”  

Đó là chỉ một vấn đề: mối đe dọa của việc biến tình yêu thành ra không khác gì một sản phẩm-dịch vụ và/hoặc một phương thức của tiêu dùng, trong bối cảnh xã hội sợ-cam-kết; và như thế, có thể thấy cảnh trạng kinh điển của sự tha hóa: tình yêu bị chuyển thành một thứ tiện nghi, thông qua mặt vô tri của chính nó, là khoái lạc tính dục. Luận đề về hai mối đe dọa, như vậy, đã phát lộ, qua phân tích áp phe tình ái mà một website môi giới hò hẹn chào mời, một tình thế khủng hoảng nữa của tính người đặc trưng bởi tha hóa. Và tiền đề tinh thần khởi đầu định ngôn triết học về tình yêu này, Alain Badiou chọn một câu thơ của Arthur Rimbaud: “Cần phải tái tạo tình yêu, ai chẳng biết”.  

Chương thứ hai có tiêu đề “Các triết gia với tình yêu”, nghe giống (như thể nhại) tên một cuốn sách nổi bật của hai nhà báo nữ Aude Lancelin và Marie Lemonier mà Alain Badiou nhắc đến ở đây - cuốn Các triết gia và tình yêu. Yêu, từ Socrate đến Simone de Beauvoir. Cuốn này, được thấy là khá hài hước, là một trình thuật “xem xét các học thuyết và điều tra về cuộc đời” của mười ba triết gia cổ kim rất nổi tiếng, được lựa chọn, chỉ giới định trong những gì tư tưởng và thực hành của họ liên quan đến tình yêu. Alain Badiou tóm lược các ý về tình yêu của hai người trong số đó, Schopenhauer và Kierkegaard, hai đại diện cho điều mà ông thấy:

… “về tình yêu, triết học chao đảo giữa hai điểm cực, … … Một phía là một dạng ngờ vực có tính cách duy lý ném lên tình yêu như là sự kỳ quái tự nhiên của tình dục. Phía bên kia, một lời ngợi ca tình yêu thường xuyên gắn với sự hứng khởi tôn giáo.”

Như vậy thì phải chăng tình yêu đã luôn luôn bị triết học đánh trượt? Dù nghĩ về nó từ phía nào trong hai “điểm cực” kia thì cũng phải thấy nó sẽ biến mất, hoặc do tính cách là một ảo tưởng, hoặc do bị buộc vào “nguồn cội thần thánh của nó” khiến cho kẻ yêu không thể yêu cái tình yêu của mình. Alain Badiou thấy trường hợp của Kierkegaard chứng minh điều đó. Và tuy nhiên, ông thấy rằng Kierkegaard “đã băng ngang tất tật mọi hình thức suy tư triết học về tình yêu”. - Bình luận này của ông hàm chứa hay gợi lên một câu hỏi: có phải những “suy tư triết học về tình yêu” đều rơi vào cảnh giống như một tranh luận thần học về chuyện hoa hồng trên thiên đường có gai hay không có gai? 

Một định ngôn về tình yêu chưa hợp thức hóa được: tình yêu bị xác định bằng những mối đe dọa đối với nó, hoặc bởi các viễn kiến xác nhận tính ảo tưởng hay định mệnh tha hóa của nó, mà không phải bởi những kích thước bản thân nó - tình yêu dường như vẫn bị tính hiển nhiên của nó che khuất.

Nhưng Badiou đã có một viễn kiến khác. Ông nhắm vào sự phổ quát của tình yêu trong cách nó tạo sinh thực tại, cũng tức là tính hiển nhiên của nó, nói khác đi, là kích thước nhân loại của tình yêu. Ông lấy Platon làm một quy chiếu, hẳn vì Platon là người đầu tiên tạo ra mô thức chân lý cho tình yêu: 

“Điều mà Platon nói về tình yêu là khá cụ thể. Ông nói rằng trong đà tiến của tình yêu có một mầm của cái phổ quát. Kinh nghiệm yêu là một đà bật về phía một thứ mà ông sẽ gọi là Ý Niệm.”

Cuốn sách vừa đề cập ở trên không kể về Platon. Còn Alain Badiou thì quay lại với “đà bật” từ triết gia cổ đại này, nơi một cội rễ của triết học phương Tây. Badiou nói ông có cái ý nghĩ đồng dạng - “một điều cùng dạng” - với ý trên của Platon; và ý của Badiou là:

… “trong tình yêu, có kinh nghiệm về sự chuyển khả dĩ của tính đặc thù thuần túy của tình cờ sang một yếu tố mang giá trị phổ quát.”

Kinh nghiệm đó, như Badiou sẽ minh định giản dị, là “kinh nghiệm về thế giới khởi phát từ sự khác biệt chứ không chỉ từ sự giống”. Có thể thấy tính khuynh hướng rõ ràng: “sự giống” sẽ môi giới cho sự lặp, trong khi “sự khác biệt” môi giới cho sự sáng tạo; cần phải “tái tạo tình yêu” bởi “thế giới” phải không ngừng được tạo sinh. Trong luận điểm này, dùng một diễn đạt của Alain Badiou, như “cái xoay của tình yêu đích thực về phía đích đến cốt yếu của nó” thì ông đã xoay những suy tư triết học khả dĩ về tình yêu về phía “tình yêu đích thực”. Ông đưa ý về “sự khác biệt”/cái-khác trở lại dưới gầm trời thế tục - không ở về thế-giới-Ý-Niệm như là khuôn mẫu uyên nguyên, tiên nghiệm, của mọi thứ trần gian, theo Platon; cũng không phải sự khác biệt ở cái đích cánh chung, siêu việt, trong một đấng-hoàn-toàn-khác-biệt mà là cội nguồn của tình-yêu-phổ-quát, theo những suy tư triết học “gắn với sự hứng khởi tôn giáo”.

“Kinh nghiệm” là một từ khóa ở đây. Alain Badiou phác ra mô thức: “Với điểm xuất phát là một thứ mà nếu rút gọn về chính nó thì chỉ là một cuộc gặp, gần như chẳng là gì hết, người ta biết rằng mình có thể có kinh nghiệm về thế giới khởi phát từ sự khác biệt chứ không chỉ từ sự giống. …” Trong mô thức đó, có hai nấc của “kinh nghiệm”: “kinh nghiệm về thế giới khởi phát từ sự khác biệt” và “kinh nghiệm nền tảng về chuyện khác biệt là gì…” dẫn đến cảnh trạng “người ta có thể có kinh nghiệm về thế giới từ quan điểm sự khác”.

Triết gia sẽ nói rõ, không chỉ một lần, đấy là kinh nghiệm cá nhân, kinh nghiệm chủ quan - điều có thể hiểu là chân lý của tình yêu ở bên trong chứ không phải bên ngoài con người cả với tư cách cá nhân và tư cách liên chủ thể (thuật ngữ hiện tượng luận này ứng vào tình yêu một cách thật quyến rũ) mà triết gia sẽ gọi là sự “gộp” của “Đôi” thành “Chủ Thể của tình yêu”. Dù thế nào thì từ khóa “kinh nghiệm”, như đã dẫn, vẫn đã khẳng định nền tảng của tình yêu thuộc vào ý thức, trong tình yêu là lý tính hoạt tác trên trước đối với sự năng nổ của ham muốn. Và từ khóa này liên kết ý của triết gia với ý của Platon (mà ông đã nhắc đến) về Đẹp. Và cũng như Platon, triết gia Marxism này tìm một ngõ vào cho tình yêu thuần ý thức, lý tưởng luận rõ ràng, tương tác được với “thế giới” thực tại vật luận rõ ràng: đấy là thông qua “quan điểm sự khác”.

Nhấn mạnh đến sự khác/cái khác biệt/quan điểm sự khác, ở đây, chính là nhấn mạnh đến yếu tính của “thế giới”: mối liên hệ tất yếu với người-khác. Và bởi vậy Alain Badiou nói: “Chính ở điểm này nó có một tầm vóc phổ quát, nó là một kinh nghiệm cá nhân về tính phổ quát khả dĩ, và nó là cốt yếu xét về phương diện triết học, như Platon, quả thật, từng có trực giác đầu tiên.”

Tới đây định ngôn triết học về tình yêu này hoàn thành hợp thức hóa, không chỉ bởi làm rõ tính liên tục của (việc luận chứng) chủ đề-đối tượng này với triết học Platon mà căn bản hơn đã kiến lập mô thức (biểu hiện) chân lý của chủ đề-đối tượng đó, như những câu vừa dẫn trên thể hiện.

Mô thức chân lý cũng đa dạng như các mô típ triết học khả dĩ, nhưng chân lý thì không đổi - câu hỏi của Nicolas Truong (dẫn vào) và các bình giải của Alain Badiou về luận đề “không có quan hệ tình dục” của triết gia-nhà tâm phân học Jacques Lacan (1901-1981) và về khái niệm “bộ mặt người khác” của triết gia đạo đức học hiện đại Emmanuel Levinas (1906-1995) sẽ tiếp tục với thách thức bề sâu của điểm chuyển tiếp mà ông đã chọn để mở sang con đường triết học (về tình yêu) riêng của ông: bề sâu của “từ quan điểm của sự khác”. 

Ông nói: “Jacques Lacan nhắc cho chúng ta nhớ rằng với tính dục, trên thực tế, phần nhiều ai cũng chỉ ở trong chuyện riêng của mình, nếu tôi có thể nói vậy.” Ông đã diễn giải formula của Lacan “Không có quan hệ tình dục” như vậy với trọng âm rơi vào “người khác”, “chuyện riêng-cái dục-khoái lạc”, “tưởng tượng”:

“Có trung gian là cơ thể của người khác, tất nhiên, nhưng xét cho đến kiệt cùng, khoái lạc sẽ luôn luôn là khoái lạc của ta mà thôi. Cái dục thì không hợp lại, mà nó phân ly. Việc ta trần truồng, áp sát vào người khác, đó là một hình ảnh, một trình hiện của tưởng tượng. Cái thực nằm ở chỗ khoái lạc đưa ta đi xa, rất xa khỏi người khác. Cái thực có tính cách Narcisse, mối liên hệ là tưởng tượng. Vậy nên, không có quan hệ tình dục.”

Hẳn nên lưu ý một bất ưng về hạn chế của ngôn từ ở đây: Jacques Lacan dùng từ “rapport” (“sexual rapport”), và từ này biểu đạt một mối liên lạc thông hiểu gắn bó-hòa hợp tương hỗ, chứ không chỉ là một “quan hệ” chung chung, trung tính hay nhiều cấp độ hiểu tùy ngữ cảnh; nhất là trong thói quen ngôn ngữ bây giờ của chúng ta khiến ngữ đoạn “quan hệ tình dục” hầu như chỉ còn là một động từ.

Trong tương quan với “rapport”, thì “cái dục” lấn át và làm “phân ly” “ta” với “người khác” ngay trong giữa sự “áp sát, trần truồng” của cơ thể như là vật “trung gian”: tình thế mâu thuẫn một cách đặc trưng tối đa, cho thấy rõ đối vị giữa “khoái lạc của ta” và mối liên hệ mà “ta” (và/hoặc “người khác”) “tưởng tượng” đến trong cái “hình ảnh” chính mình (và đối ngẫu) đang “trần truồng, áp sát” - không che giấu, không phòng vệ mảy may, tức là “tưởng tượng” đang gắn bó, hòa hợp, thông hiểu. Nhưng cái “hình ảnh” của hòa hợp đó, triết gia bảo, chỉ là “một trình hiện” của “ta” với chính “ta” trong lúc “khoái lạc” mới là điều thật ở chỗ cái “trung gian” đang “trần truồng, áp sát”, và “khoái lạc” đó đang “đưa ta đi xa, rất xa khỏi người khác”.

Cái “kinh nghiệm” về “cái dục”, qua phân tích như thế, dẫn thẳng đến hư vô. “Người khác được ta sử dụng nhằm khám phá cái thực của khoái lạc”, thế mà “đúng là tính dục, dẫu nó tuyệt vời đến đâu, và có thể tuyệt vời đến mức nào, sẽ kết thúc trong một dạng trống rỗng” [nói cho đúng, từ một phía]. Đó là nguyên nhân vì sao phải phủ nhận “quan hệ tình dục”. Nó không phải là thực thể của tình yêu. Tuy nhiên tình yêu lại không thể là một thực thể, dù ta biết nó hiện tồn, cho nên phải kiến lập mô thức chân lý cho tình yêu. Alain Badiou nhấn mạnh mô thức mà Jacques Lacan đề xuất mang tính bản thể luận về “cuộc gặp”: “trong tình yêu, chủ thể tìm cách tiếp cận ‘bản thể của người khác’ … Ta khởi sự tấn công vào người khác, để làm cho người đó tồn tại cùng ta, … tình yêu sở hữu một tầm vóc mà ta có thể gọi là có tính cách bản thể … tình yêu lại hướng đến chính bản thể của người khác, đến người kia đúng như họ đã hiện ra, được phú cho toàn bộ bản thể, …”

Thách thức trong bề sâu của “từ quan điểm sự khác”, như vậy, đã khắc phục được, nhưng hầu như bằng một lối tránh. Alain Badiou thấy quan niệm về tình yêu “bản thể luận” vẫn nằm trong loại thứ nhất mà ông gọi là “quan niệm lãng mạn, nó tập trung vào sự xuất thần của cuộc gặp”. Bên cạnh đó là hai loại quan niệm khác: “quan niệm mà ta có thể gọi là có tính cách thương mại hay luật định”, theo đó có hai cá nhân tự do kết ước nhưng “hết sức lưu ý” đến cân bằng ưu thế giữa hai bên (chẳng thể nào loại bỏ cái nếp nghĩ về “môn đăng hộ đối”, ở mọi thời); và loại thứ ba - “quan niệm mang tính hoài nghi, nó biến tình yêu thành một ảo tưởng”.

Ông thấy đó đều là lối tránh. “Điều mà tôi tìm cách nói trong triết học riêng của tôi nằm ở chỗ tình yêu không chỉ là toan tính nào trong số đó, và nó là một sự xây dựng sự thật.” Và quan niệm này của Alain Badiou đã cho thấy một dấu ấn Marxism : các triết học chỉ tìm cách giải thích tình yêu; vấn đề là sự “xây dựng” tình yêu, trong khi tình yêu tạo ra sự thật. Một lý luận về hành động.

“Sự thật về cái gì, anh sẽ hỏi thế phải không? Thì, sự thật về một điểm rất đặc biệt, nó đây: Thế giới là gì khi ta có kinh nghiệm về nó xuất phát từ đôi, chứ không phải từ một? Thế giới là gì, khi nó được xem xét, thực hành và sống xuất phát từ sự khác chứ không phải từ sự giống? Tôi nghĩ, tình yêu là cái đó.”

Trong phép biện chứng của Alain Badiou ở đây, phạm trù “người khác” đã được phủ định thành phạm trù của “đôi”; cái/sự “khác” vẫn còn ở đó nhưng chất lượng của nó thì đã thay đổi - nó trở thành đối tác, ở vào trong một “rapport”, 

“là dự đồ, lẽ dĩ nhiên bao gồm cả ham muốn tính dục cùng các thử thách của nó, bao gồm việc sinh một đứa con, nhưng cũng bao gồm cả nghìn điều khác nữa, bất kỳ cái gì kể từ khoảnh khắc vấn đề nằm ở chỗ trải qua một thử thách từ quan điểm của sự khác.”

Tuy nhiên vẫn còn một thách thức nữa đến từ truyền thống bắt nguồn từ một trong những quan niệm về sự khác (và, có lẽ, sẽ không bao giờ hết những thách thức kiểu này!) Đây là, như Nicolas Truong nhắc nhở, quan niệm của triết gia Emmanuel Levinas, “theo đó người đang yêu yêu ở người mà người đó yêu không phải ‘một phẩm tính khác với mọi phẩm tính khác, mà là bản thân phẩm tính của sự khác’…” Nhưng Alain Badiou nói ông “hoàn toàn không thích những suy luận lòng vòng theo kiểu thần học xuất phát từ tình yêu ấy, ngay cả khi tôi biết chúng từng có những hiệu ứng lớn trong lịch sử”.

Emmanuel Levinas khởi đi từ viễn kiến bộ-mặt-người-khác hiện ra như hiện thân của cái phổ quát vô tận, chứ không phải như nhận ra của kinh nghiệm chủ quan, viễn kiến mà Alain Badiou gọi là “một khải thị sáng bừng mà điểm tựa nhất quyết là Chúa với tư cách Người-Khác-hoàn-toàn”. Do cái người-khác siêu việt đó cũng là nguồn của đạo lý phổ quát, cho nên tình yêu “là một tình cảm thuộc luân lý”. Nhưng nhà tâm phân học ở Alain Badiou chỉ “thấy ở đó sự trả thù tối hậu của Một trước Đôi”.

Ông xem đó cũng là một quan niệm khác về “cuộc gặp”, và ông đưa ra quan niệm then chốt của mình về “sự gặp”:

… “nhưng đích xác thì sự gặp không phải một kinh nghiệm, mà đó là một sự kiện vẫn tiếp tục hoàn toàn mù mờ và chỉ có được thực tại ở nơi các hệ quả muôn dạng của nó, bên trong một thế giới thực.”

Đặt “sự kiện” ở chỗ là một gián đoạn của tồn tại, triết gia cho thấy ông gần với Lacan hơn, như ông đã bình giải quan niệm mang tính bản thể luận về “cuộc gặp” của Lacan. Cuộc gặp “là một sự kiện”, có nghĩa nó mở ra các khả thể, mở ra sự nhận chân nhất định về “thế giới” - những thứ sẽ tạo “các hệ quả muôn dạng … trong một thế giới thực”, tức là tạo ra thực tại. Bởi thế ông đã nói tình yêu là một sự xây dựng sự thật:

“Nó là một mệnh đề thuộc tồn tại: xây dựng một thế giới xuất phát từ một quan điểm trật đi khỏi xung năng sống còn giản đơn của tôi hoặc lợi ích được hiểu rõ của tôi.”

Nhưng nhận lấy sự “trật đi” như thế không phải là “một kinh nghiệm cúng tế,” không phải “tôi” tự quên mình vì lợi ích của người khác - ông bảo - “Ở đây, tôi đặt ‘xây dựng’ đối lập với ‘kinh nghiệm’.” Kinh nghiệm - đó là những sự “lấp đầy” vào ý thức riêng một người. Nhưng khi “sự kiện” loại này xảy đến, tình yêu đích thực, nó tái sinh thế giới, nó khiến “cô ấy và tôi được gộp vào Chủ thể duy nhất, Chủ thể của tình yêu, nó xử lý sự bày ra của thế giới qua lăng kính sự khác của chúng tôi, thành thử thế giới đó đến, sinh ra, thay vì chỉ là những gì lấp đầy cái nhìn riêng của tôi”.

Bản sắc hành động của định ngôn triết học về tình yêu này là rõ ràng. Và giống như các mô típ triết học hiện đại, nó hàm chứa ở nền tảng suy nghĩ của nó mọi tri thức khoa học của thời đại đương hiện, đặc biệt từ các khoa học về con người, và đặc biệt nữa từ những tri thức về con người mà văn học và nghệ thuật khám phá được. Đặc điểm ấy nên được nhận ra qua cách lập luận linh hoạt, đường lối liên lĩnh vực của các luận đề.

Hai chương ba và bốn, “Xây dựng tình yêu” và “Sự thật của tình yêu” khai triển điều cốt lõi trong quan niệm của triết học Alain Badiou về tình yêu:

“Điều bí hiểm của suy tư về tình yêu nằm ở vấn đề của thời độ hoàn thành nó … đâu phải vấn đề cơn ngất ngây của những sự khởi đầu. Tất nhiên là có một ngây ngất của những khởi đầu, nhưng tình yêu trước hết là một sự xây dựng dài lâu.”

Quả nhiên, với suy tư về thời độ, triết gia đã rọi luồng sáng hoàn toàn mới mẻ trên những chủ đề và mô thức xưa-như-trái-đất quanh những chuyện tình yêu.

Sự gặp gỡ tạo nên xuất phát điểm của tình yêu có được “tính cách siêu hình học theo cách nào đó” là bởi cái thời độ mà tình yêu đạt được sau đấy. Cuộc gặp là “một sự kiện”, mà không bao giờ có thể lường trước, tính toán hay sắp xếp - “vào lúc người ta gặp nhau, thì người ta gặp nhau, cái đó là không thể thu nhỏ thêm được nữa!” Sự “gặp” ở đây đích xác có bề sâu bản thể, như Lacan đã thấy và Badiou cũng tán đồng: khi người này bỗng muốn vươn tới bản thể của người kia, với ý hướng thành Đôi, thì “gặp” mới xảy ra; chứ không phải bất kỳ lúc gặp gỡ thông thường nào. Cái muốn và cái ý đó, triết gia gọi đấy là tình yêu nó “buộc người ta phải đương đầu với nhau, hai khuôn mặt, hai phương thức trình hiện khác nhau”. Và ông nói đấy là, khởi đầu, tình yêu xử lý “một sự phân ly, một sự tuột ra, một sự khác. Ta có một Đôi. Tình yêu, trước hết nó xử lý một cái Đôi”. 

Như vậy sự “tuột ra” là một phủ định vốn dĩ, cái “có thể là sự khác biệt giản đơn giữa hai con người, với tính chất chủ quan vô tận của họ”, còn có thể với nhiều khác biệt khác nữa, và tình yêu sẽ phủ định điều phủ định cho trước này. Bằng cách nào? Bằng “một sự xây dựng dài lâu”, “chiến thắng một cách dài lâu, đôi khi một cách dai dẳng, các trở ngại mà không gian, thế giới và thời gian bày ra” để xây nên cái mà triết gia định nghĩa là “cảnh của Đôi”.

Với tiến trình phủ định biện chứng như thế, các thành tố đều phải có triển hạn, hay phải triển hạn được. Cho nên yếu tính của tình yêu nằm trong thời độ của nó. Thời độ ấy nên hình dung thế nào? Triết gia bảo: “Cần phải hiểu rằng tình yêu tạo ra một cách khác để được dài lâu trong cuộc đời.” Đấy sẽ là cái “cách” sao cho “một tình cảm có cường độ lớn đến thế” có thể triển hạn được đến không cùng. Vả lại, “theo một nghĩa nào đó, mọi tình yêu đều tự tuyên bố nó là vĩnh cửu … Toàn bộ vấn đề sau đó là ghi khắc vĩnh cửu ấy vào trong thời gian. … Một cuộc đi của vĩnh cửu vào trong thời gian.” Là bởi “câu ‘anh yêu em’, trên nhiều phương diện, luôn luôn là lời thông báo của một ‘anh yêu em mãi mãi’, là bởi quả thật nó cố định sự tình cờ lại, trong hệ ngôn từ của vĩnh cửu”.

Cái “hệ ngôn từ của vĩnh cửu” có gì chung với ngôn từ thông dụng không? Triết gia bảo có: “lòng chung thủy” là “yếu tính của tình yêu” và nếu muốn hãy gọi thời độ là “lòng chung thủy” theo nghĩa “nó cho thấy chính cái câu ‘anh yêu em’ ban đầu là một giao kết không cần đến bất kỳ chứng ước đặc biệt nào, giao kết về xây dựng một thời độ, để sự gặp trút bỏ được nỗi tình cờ của nó” và khiến cái ngẫu nhiên tuyệt đối của cuộc gặp “rốt cuộc mang dáng dấp của một số phận”.

Tuy nhiên, trên hết và cũng sau hết, đừng quên tình yêu là những “cảnh của Đôi”: trong suốt sự dài lâu “xây dựng một thời độ” như thế, sự khác biệt nơi người kia phải vẫn không ngừng triển hạn, và nó sẽ không thể để rơi trở lại cảnh của Một nếu không muốn mất đi.

Và thử thách điển hình trên tiến trình xây dựng này, là sự ra đời của đứa con: “cảnh của Đôi” sẽ có Một thêm vào. Đấy là, Alain Badiou định nghĩa, “một điều mà tôi gọi, trong biệt ngữ của tôi, là một điểm. … , đó là một khoảnh khắc đặc biệt trên đó một sự kiện bó chặt lại, nơi nó phải, cách nào đó, được diễn lại, như thể nó quay trở lại dưới một hình thức khác đi, đã bị biến đổi, … lúc các hệ quả của một sự xây dựng sự thật, dẫu có tính cách chính trị, yêu, nghệ thuật hay khoa học, đột nhiên buộc ta phải thực hiện lại một lựa chọn triệt để, như ở mãi tận chỗ ban đầu”. Đây không phải một ẩn dụ, mà là một khái niệm. Nó nói rằng sự thật, trong biểu hiện đa dạng, có một đặc trưng là thời độ. Nếu sự thật là một đường thẳng, ta phải dựng cái đường thẳng đó, và tại “một khoảnh khắc đặc biệt” việc dựng hình bỗng tạo ra một “điểm” đặc thù; điểm đó chia đôi cái đường thẳng còn trong viễn kiến; thời độ tạm dứt, vì một nửa sự thật, như ai cũng biết, không phải là sự thật. Khi cái “điểm” ấy xuất hiện như một phủ định với thời độ đương thì, ta thực hiện lại “lời tuyên bố” (“Anh yêu em!”) dựng lại “cảnh của Đôi” - phủ định kép, cho thời độ tiếp tục vào triển hạn.

Tình yêu là một tình cảm mạnh đến thế là bởi tính chân lý của nó:
“Tôi cho rằng tình yêu quả thật là cái mà tôi gọi trong biệt ngữ triết gia của tôi, một ‘phương thức sự thật’, tức là một kinh nghiệm nơi một típ nào đó của sự thật được xây dựng. Sự thật ấy, hết sức giản dị, là sự thật về Đôi. Sự thật về khác biệt với tư cách chính nó.”

Triết gia cũng quan niệm “chính trị là một phương thức sự thật, nhưng nó nhắm vào cái tập thể. Tức là hành động chính trị tạo ra sự thật về những gì mà tập thể có khả năng. Chẳng hạn, nó có khả năng về bình đẳng hay không? Nó có khả năng gộp vào với nó những gì không đồng chất hay không? Khả năng nghĩ rằng chỉ có một thế giới duy nhất? Những thứ kiểu như vậy.” - Chương thứ năm, dưới tiêu đề “Tình yêu và chính trị” khởi đi từ tương đồng “phương thức sự thật” giữa tình yêu và chính trị, và tương quan kinh điển “cũng như ở nơi chân trời của tình yêu, để xã hội hóa sự quản lý nó, có gia đình, thì tương tự, nơi đường chân trời của chính trị, để trấn áp lòng hào hứng của nó, có quyền lực, Nhà nước”.

Dường như các liên hệ gia đình-xã hội-Nhà nước được nối kết một cách tương hỗ qua hai “phương thức sự thật”, khác biệt, nhưng có cơ may bổ túc lẫn nhau, của tình yêu và chính trị.

Triết gia sẽ biện luận rằng chính xác thì mục đích của Nhà nước không phải là quyền lực và mục đích của tình yêu “không phải chuyện đảm bảo tái sinh sản giống loài” - và vậy thì sẽ thêm một điểm khả dĩ nữa cho hình dung về một “Nước Cộng hòa Lý tưởng” ở nơi chân trời của cả tình yêu và chính trị.

Triết gia Alain Badiou, một “người-sáu-tám”, cốt lõi là một nhà lý tưởng luận, và một người cánh tả rất thực tế, mà lòng tin chính trị của ông - như ông sẽ bày tỏ ở cuối chương sách này - đã hình thành trong khoảng tháng Năm 1968 và thập niên 80, là tin vào một viễn kiến chính trị mà “chủ nghĩa cộng sản” chỉ là một trong những tên gọi khả dĩ.

Câu hỏi của Nicolas Truong nêu ra: “Tại sao chính trị lại là một người bà con của tình yêu?…” Và Alain Badiou đã lần lượt đưa những phân tích đối sánh về hai “người bà con” này. Nhưng trước tiên ông chối từ gợi ý theo mô thức một “chính trị về tình bạn” do Jacques Derrida từng phác họa. Ông dứt khoát yêu cầu tách tình yêu khỏi chính trị một cách nghiêm ngặt. Bởi, một vấn đề rất quan trọng của tư tưởng chính trị “là vấn đề kẻ thù” - “Đó là một người mà ta không tài nào chịu nổi chuyện kẻ đó quyết định bất kỳ điều gì liên quan đến ta.” “Kẻ thù dự phần vào yếu tính của chính trị. Mọi chính trị đích thực đều phải xác định kẻ thù đúng của nó.” Và trong chính trị thì có hoạt tác của “dục vọng chính trị” và có dục vọng căm ghét là thứ mà vấn đề kẻ thù sẽ kích hoạt gần như không thể tránh khỏi. Trong khi đó, định nghĩa về kẻ thù thì “mơ hồ và rộng hết mức” suốt gần hết thế kỷ vừa qua. Cái vấn đề nguy hiểm đó không có trong tình yêu, hay là, một cách chính xác, triết gia biện luận loại trừ sự ghen tuông, kẻ tình địch, để nói tình yêu chỉ có một kẻ thù duy nhất: lòng ích kỷ; tức chính bản thân cái người đang yêu. 

Nhưng còn có một bình diện lớn nữa trong liên hệ giữa hai “người bà con này”: sự thao túng và sử dụng tình yêu. Đối với Alain Badiou, đấy là một “cách dùng sai lạc” hai chữ tình yêu. Nguồn cơn của sự thể này bắt đầu từ rất sớm: từ cội rễ của các tôn giáo Abraham đã có bình diện tình yêu. “Tôi nghĩ rằng Ki-tô giáo đã được chuẩn bị rất kỹ càng, trên bình diện này, bởi Do thái giáo. Hiện diện của tình yêu trong Cựu Ước rất đáng kể, cả ở các lời răn lẫn trong các miêu tả.” 

Tất nhiên, người ta không thể trông đợi một triết gia Marxism chấp nhận nguyên lý “nguồn tối hậu của mọi tình yêu vốn dĩ chính là siêu vượt thần thánh”. Ông công nhận “có một quyền năng phổ quát của tình yêu” nhưng quyền năng đó bắt nguồn từ và thuộc về nhân loại; do đó, “các tôn giáo không nói về tình yêu. Vì chúng đã chỉ quan tâm đến nguồn cung cấp cường độ của nó, đến trạng thái chủ quan mà chỉ mình nó biết cách tạo ra”, và sự thao túng tình yêu như vậy là để kiến tạo vị thế độc tôn thống trị tinh thần của Giáo hội. 

Nhưng triết gia tỏ ra thực tế, nhìn nhận sự thuyết phục của “các vị thánh” khi ông bình luận về kịch tác gia Paul Claudel. Ông ca ngợi Claudel “là một nhà thơ lớn về cái bất khả” có nhạy cảm đặc biệt về chuyện tình yêu đích thực “luôn luôn vượt qua một điểm bất khả”; tuy vậy, trong vở kịch Partage de midi, ông thấy rằng Claudel “có chút lừa mị” khi dựng nên hai “cảnh của Đôi” - “Cảnh đầu tiên là kinh nghiệm về nỗi bất khả nơi hạ giới của nó. Cảnh thứ hai, nơi Đôi sẽ tự hòa giải trong vũ trụ của lòng tin.”

“Đó là toàn bộ Ki-tô giáo.” Quả là vậy, trên phương diện lời hứa lớn và sự an ủi lớn. Nhưng cái niềm tin đó đã thuyết phục cả những nghệ sĩ lớn, như Paul Claudel, thì hẳn nó phải có một “phương thức sự thật” khôn lường [về riêng điều này, cf. phân tích của Pierre Klossowski về những bức thư giữa Paul Claudel và André Gide]. “Nhà tranh đấu” ở Alain Badiou chỉ công nhận một phương diện chức năng của điều ấy: “Một sự tuyên truyền hết sức sơ đẳng nhưng rất mạnh.”

Phương diện chức năng đó là một trong những món căn bản mà tôn giáo truyền thừa cho chính trị, từ cổ xưa, nhưng đặc biệt phát triển vào thời hiện đại. Sử dụng việc dùng sai lạc hai chữ tình yêu, “người ta đi tới một sự thâu tóm quyền năng của tình yêu nhờ một siêu vượt. Đó không còn là siêu vượt của Chúa, mà là của Đảng, và thông qua Đảng, của lãnh tụ tối cao. Cụm từ ‘sùng bái cá nhân’ gọi tên khá rõ sự chuyển dịch tập thể dồn về một khuôn mặt chính trị ấy. Các nhà thơ cũng từng nhảy vào đó, … Điều còn hấp dẫn tôi nhiều hơn nữa là sự sùng bái Đảng với tư cách chính nó. … Thực sự rất hấp dẫn khi thấy hình thức Đảng mà hẳn người ta có thể nghĩ chỉ là một công cụ chuyển tiếp của tiến bộ công nhân và bình dân như vậy lại trở thành một vật thờ.”

Như đã nói, Alain Badiou trung thành với lựa chọn chính trị cánh tả Marxism của ông. Trước đoạn luận về việc tôn giáo và chính trị sử dụng sai lạc tình yêu, ông đã nói rằng: “Có hai khái niệm chính trị, hay triết học-chính trị, mà người ta có thể đưa xích lại theo cách thuần túy hình thức gần với các biện chứng hiện diện trong tình yêu.” Hai khái niệm đó là “cộng sản” và “bác ái.” Theo viễn kiến lý tưởng luận của Alain Badiou, sở dĩ như vậy vì trên nguyên tắc hai khái niệm này có khả năng tạo ra tập hợp những cá nhân và tập đoàn người khác biệt trong một tập thể để cùng tham gia tiến trình chính trị, với một “sự đồng hiện diện thân ái”, với “khả năng đảm trách sự bình đẳng của chính nó”. Hẳn ông cũng tin rằng người ta rồi sẽ phải chế ngự được “dục vọng chính trị” lẫn “dục vọng căm ghét” - điều mà từ Platon đến Giáo hội đều đã đưa vào danh mục loại trừ; và Alain Badiou cũng đã xác quyết: “Vấn đề của chính trị là vấn đề kiểm soát lòng căm ghét, …”

Bởi tôn chỉ-mục đích của định ngôn triết học về tình yêu này là tái tạo tình yêu, Alain Badiou đã hơn một lần đề xuất lại “giả thuyết cộng sản”: “Các hình thức sắp tới của chính trị giải phóng sẽ phải được ghi khắc vào một sự hồi phục, một đổi mới của ý tưởng cộng sản, ý tưởng về một thế giới không bị giao phó cho những thèm khát của sở hữu tư, về một thế giới của kết hợp tự do và của bình đẳng.” - Lòng tin chính trị của ông là sự cam kết với ý tưởng đó, chứ không phải với một “chủ nghĩa” nào.

Theo lược đồ có thể nhận ra của định ngôn này, vai trò “người nghệ sĩ” (trong “bốn điều kiện” đã dẫn) xếp thứ tự cuối, sau các vai nhà bác học, triết gia và nhà tranh đấu. Vào đầu chương sáu, “Tình yêu và nghệ thuật”, đáp câu hỏi của Nicolas Truong nhắc đến bình luận (trong một cuốn sách khác) của mình về André Breton, Alain Badiou nói rằng câu thơ của Rimbaud thúc giục tái tạo tình yêu từng là “mệnh đề trung tâm” của Siêu thực. “Và đối với các nhà siêu thực, sự tái tạo ấy là, không thể tách rời, một cử chỉ nghệ thuật, một cử chỉ thuộc tồn tại và một cử chỉ chính trị. Họ đã không thực hiện sự phân ly nào giữa ba cái đó.”

Chẳng phải thú vị sao thấy sự trùng khớp tương đối của hai sơ đồ tạm gọi là các “điều kiện” của tái tạo tình yêu! Qua đó ta thấy một variant của biểu hiện trùng khớp của tình yêu với chính nó, “một cử chỉ thuộc tồn tại”, “một mệnh đề thuộc tồn tại”, xuyên qua các thế kỷ. Tuy nhiên, triết gia nêu lên những khác biệt, mà có lẽ nên hình dung như những biến diễn, giữa các điều kiện “người nghệ sĩ” của ông với “cử chỉ nghệ thuật” của siêu thực, đối với mục đích tái tạo tình yêu.

Trước tiên ông lưu ý “nghệ thuật” nói chung có một năng lực mạnh mẽ “trả lại công bằng cho sự kiện”. Chính trị và lịch sử phân loại rồi sắp xếp chúng, mà “chỉ nghệ thuật mới có thể tái lập hay tìm cách tái lập hoàn toàn cường lực lớn lao của chúng” - những sự kiện; bởi nghệ thuật “là suy nghĩ lớn về sự kiện với tư cách chính nó”. Như thế nào? Như một tác phẩm hội họa lớn sẽ “là sự nắm bắt, bằng các phương cách riêng của nó, cái gì đó không thể thu gọn về những gì được bày ra. Sự kiện ngầm ẩn xảy tới, có thể nói vậy, để chọc thủng những gì được bày ra”.

Như vậy, “sự kiện” rất gần gũi với “tình yêu” - và đấy là từ quan niệm của Breton, triết gia nói - “bởi tình yêu, xét cho cùng, là khoảnh khắc khi một sự kiện xảy tới chọc thủng tồn tại. Đó là cách để giải thích ‘tình điên’ [tức Yêu điên].” 

Tác phẩm “Tình điên”, như chính lời của Breton, bác bỏ cái ý kiến lan rộng đương thời rằng “tình yêu đang tàn lụi, như kim cương, trong bụi của chính nó”. Đến Badiou, triết gia bác bỏ những quan niệm và thực hành đương đại tha hóa tình yêu. Ông tán đồng cách nhìn “sự kiện” tình yêu, cái cách nó đột ngột “chọc thủng tồn tại”, hay làm gián đoạn tồn tại, như ông thấy; nhưng những nhà siêu thực “lại không quá mức quan tâm đến thời độ”. Ông “công nhận phép màu của sự gặp”, nhưng tất nhiên ông muốn “hướng nó về phía triển hạn cần nhiều công sức của một sự thật được xây dựng theo từng điểm một”.

Và triết gia thấy “phương thức sự thật” ấy rõ rệt ở một văn hào khác - kịch tác gia Samuel Beckett. Trong sân khấu và văn chương về tình yêu, “có tương đối ít thứ liên quan đến thử thách của thời độ” - triết gia nói. Kịch thì phần nhiều đều có thể gọi theo tên Chiến thắng của tình yêu (tên một vở của Marivaux) - “chỉ có độc cái ta có thể gọi là câu chuyện về cuộc gặp”. Còn những tác phẩm văn chương quan trọng “thường được xây dựng trên sự bất khả của tình yêu, thử thách của nó, bi kịch của nó, sự hẩm hiu của nó, sự chia lìa của nó, kết cục của nó, … Nhưng về thời độ thực không có gì nhiều nhặn…” Thế nhưng Beckett đã làm một điều rất đặc biệt về “sự bướng bỉnh trong tình yêu”.

Badiou lược dẫn hai vở kịch của Beckett, Ôi những ngày tươi đẹp và Đủ. Hai vở này đều kể chuyện những “cặp rất già” trong những “cảnh của Đôi” của bọn họ. Vở trước, người đàn ông nấp đâu đó,chỉ người đàn bà xuất hiện trên sân khấu; bà ta già nua xập xệ, mỗi lúc một lún sâu xuống đất, nhưng vẫn nói: “Đó là những ngày thật tươi đẹp.” Vở sau, một đôi rất già đi lang thang qua các cảnh trí; chuyện yêu nhau ngày một khó nhọc, họ không thể tiếp tục, nhưng họ sẽ tiếp tục, … Đó là hai câu chuyện về cái tình yêu luôn luôn hiện diện, trong “sự bướng bỉnh để dài lâu, thứ tạo lập nên nó”.

Triết gia ắt cũng là một người bướng bỉnh khi ông nhìn ra lời Tụng ca tình yêu ở Beckett - tác gia “mà người ta vẫn hay nói là một nhà văn của nỗi tuyệt vọng, của cái bất khả”. Đó là một cái nhìn thấu suốt và đặc biệt mang bản sắc hành động như triết học của ông. Trả lời Nicolas Truong hỏi về tình yêu của ông với sân khấu, triết gia nói điều đã quyến rũ ông khi ông còn trẻ và đi diễn kịch “là tình cảm tức thì rằng một điều gì đó của ngôn ngữ và bài thơ, theo đường lối gần như không thể giải thích, được gắn vào cơ thể. … khoảnh khắc khi suy nghĩ và cơ thể, cách nào đó, không thể phân ly”. Thật hiển nhiên khi đưa cái nhìn ấy lên những “cảnh của Đôi” ở hai vở kịch vừa dẫn: cơ thể già nua được dẫn dắt bởi trí năng lớn của tình yêu. Triết gia dẫn lời “nhà thơ Bồ Đào Nha [tức là Pessoa] nói: ‘Tình yêu là một suy nghĩ’. Đó là một câu chứa rất nhiều nghịch lý, ở vẻ bề ngoài, bởi vì người ta luôn luôn nói rằng tình yêu, đó là cơ thể, đó là ham muốn, đó là tình cảm, đó là tất tật chính những gì không phải lý trí và suy nghĩ. Thế mà ông nói: ‘Tình yêu là một suy nghĩ’. Tôi cho ông đúng, tôi nghĩ rằng tình yêu là một suy nghĩ, rằng mối quan hệ giữa suy nghĩ ấy với cơ thể rất mực đặc biệt, …”

Khẳng định này hoàn toàn xứng hợp với định nghĩa của triết gia về tình yêu như là “một phương thức sự thật”. Định ngôn triết học này của Alain Badiou khen ngợi tình yêu như một trình hiện cảm năng, của lý tính. Thật chính xác. Trong cái kỷ nguyên mà lý tính rất có vẻ như, mượn lời André Breton, “đang lụi tàn, như kim cương, trong bụi của chính nó”. Và có lẽ cũng nên, bằng một sự bướng bỉnh, nhìn bản Tụng ca tình yêu này ở một khía cạnh có cái vang vọng khắc kỷ của nó. Trong một câu về sân khấu, khi Nicolas Truong hỏi bằng một trích dẫn từ nhà viết kịch Antoine Vitez - “sức mạnh dữ dội của các ý tưởng, bằng cách nào mà chúng đè nén và hành hạ các cơ thể” - thì triết gia bảo: 

“Quan hệ giữa kịch và tình yêu cũng là cuộc khám phá vực sâu ngăn cách các chủ thể, và miêu tả nỗi mong manh của cây cầu tình yêu bắc giữa hai nỗi cô đơn. Luôn luôn phải quay trở lại đó: một suy nghĩ phơi mình ra như thể đi đi lại lại giữa hai cơ thể đẫm dục tính, nghĩa là như thế nào?”

Quả là những câu hỏi nuôi dưỡng và tái tạo những suy nghĩ, trong đó có tình yêu.


7 comments:

  1. Thật là một lời dẫn tuyệt vời để đến với bài bình tuyệt vời không kém dài tận 50 trang. Ch.

    ReplyDelete
  2. chậc chậc

    sao bọn robot này biết được là tôi đang định tìm cách diệt chuột nhỉ, thánh quá

    ReplyDelete
  3. «Love is what fills the absence of a sexual relationship»
    #want_to_read_Lacan

    ReplyDelete
  4. Bức The Virgin and the Christ Child trên bìa quyển The Perverse Core of Christianity đẹp thế chứ :)

    ReplyDelete
  5. Lời tụng ca tình yêu tha thiết nhất chắc hẳn là Đủ của Beckett

    ReplyDelete