Sep 14, 2019

Kyra Kyralina

có ai còn nhớ Panaït Istrati không? chắc là không

(cũng đã tiếp tục Bộ hành Paris của Léon-Paul Fargue: đã đến Montparnasse)

Nhân dịp tròn thêm một triệu view nữa (lần thứ - nhưng lần thứ bao nhiêu? lần thứ, như người ta hay nói, "umpteenth", cái từ mà Joseph Brodsky, những khi viết bằng tiếng Anh, đặc biệt thích dùng), bắt đầu văn chương ma cà bông.



Trong văn chương ma cà bông, Panaït Istrati có vị trí lớn, một vị trí danh dự - như Blaise Cendrars. Kyra Kyralina là pha khởi đầu cho loạt "Adrien Zograffi".

Istrati, ngoài nhiều ý nghĩa khác, cho thấy rằng văn chương có thể thực sự cứu mạng con người như thế nào.





Kyra Kyralina

Panaït Istrati 


I

Stavro


Adrien, ngây dại, băng ngang đại lộ ngắn ngủi mang tên Thánh Mẫu [nhưng không phải “Đức Bà”; gọi là “Mẹ Chúa” có lẽ tốt hơn], ở Braïla nó dẫn từ nhà thờ cùng tên tới Công viên. Đến cổng công viên, anh dừng lại, rối tinh và bực bội.

- Dẫu sao thì! anh kêu to. Ta đâu còn là một đứa trẻ!… Và ta nghĩ là ta có đủ quyền để được hiểu cuộc đời đúng như ta cảm thấy nó.

Đã sáu giờ chiều. Ngày làm việc. Các lối đi của khu vườn gần như vắng hoe về phía hai cổng chính, còn mặt trời lúc hoàng hôn điểm vàng cho cát, trong khi những bụi tử đinh hương đầm mình vào bóng màn đêm. Lũ dơi bay loạn đả tứ tung, như thể bị bối rối. Những ghế băng sắp hàng trên các đường gần như chẳng có ai ngồi, ngoài nơi vài góc xó kín đáo của vườn, ở đó những cặp trai gái trẻ tuổi ôm sát lấy nhau và trở nên nghiêm túc mỗi khi có kẻ nào đi qua không đúng lúc. Adrien không để ý đến bất kỳ người nào mà anh bắt gặp trên đường. Anh hau háu hít thở không khí trong lành bốc lên từ cát mới được tưới ẩm, hỗn hợp tẩm hương của mùi các bông hoa và nghĩ tới những điều mình không sao hiểu nổi.

Nhất là anh không hiểu sự đối nghịch của mẹ anh với lựa chọn các mối quan hệ của anh, đối nghịch ấy vừa bùng nổ trong một cuộc tranh luận dữ dội giữa bà mẹ và đứa con trai độc nhất. Adrien lập luận:

“Đối với bà ấy, Mikhaïl là một kẻ lạ, một tên vô lại khả nghi, gia nhân của Kir Nicolas ông chủ tiệm bánh. Nhưng, gì cơ?… Còn ta, thì ta là gì?… Một tay thợ sơn và, ngoài ra, một cựu gia nhân của cùng chủ tiệm bánh đó!… Và nếu ngày mai đi sang một đất nước khác, thì ta có nhất thiết phải, vì đó, bị coi như một tên vô lại hay chăng?…”

Tức tối, anh giậm mạnh chân xuống đất:

- Trời đánh thánh vật! Thật là bất công vô chừng với Mikhaïl khốn khổ. Mình thì mình yêu quý anh ấy, bởi vì anh ấy trí tuệ hơn mình, hiểu biết hơn, và vì anh ấy chịu khổ chẳng hề than vãn. Thế nào? Nếu từ chối hét toáng lên ở mọi nơi tên anh ấy, đất nước của anh ấy và số răng bị thiếu trong miệng anh ấy, thì tức là anh ấy chỉ còn là một tên vô lại?… Thế thì! đúng, mình muốn, mình đây này, là bạn của tên vô lại ấy!… Và mình cảm thấy hết sức sung sướng vì điều đó.

Adrien tiếp tục, một cách máy móc, cuộc dạo bộ, cùng lúc với sự chỉ trích trong tâm trí mọi điều gì mẹ anh đã nói với anh; và mọi thứ đều hiện ra thật phi lý, với anh:

“Còn cái câu chuyện cưới xin kia? Mình mới mười tám tuổi, thế mà bà ấy đã nghĩ tới chuyện ném cho mình một con ngố để cõng trên lưng, một con ngố và có thể cũng là một con thỏ cái, nó sẽ đem sự dịu dàng bóp mình ngạt thở và biến phòng ngủ của mình thành bãi rác!… Chúa lòng lành!… Hẳn người ta sẽ nói không gì khôn ngoan để làm trên đời hơn so với đẻ với ấp lũ nhóc ngu si, làm cho thế giới đầy nhóc lũ nô lệ còn chính mình thì trở thành tên nô lệ đầu tiên cho thứ chấy rận đó! Không, không!… Mình thà có một người bạn như Mikhaïl, dẫu anh ấy mười lần khả nghi. Còn về lời trách rằng mình “giật lưỡi người khác để ép họ nói”, Chúa ơi, thì mình chẳng biết rõ lắm tại sao mình lại thích “giật lưỡi người khác”. Đấy là vì, có lẽ, ánh sáng phát ra từ sự nói năng của kẻ mạnh, chứng cứ là Chúa, Người đã phải nói thì mới có ánh sáng.

Trong sự yên bình của buổi chiều tối mùa xuân ấy, tiếng còi một tàu thủy rạch làn không khí bằng giọng rít lanh lảnh của nó và đánh thức chàng thanh niên, cùng lúc một bụm hương thơm hoa hồng và cẩm chướng ập tới.

Adrien bước vào lối đi dạo chính chạy dọc bờ một vùng đất cao và chế ngự bến cảng cùng dòng sông Danube. Thoáng chốc, anh dừng bước để chiêm ngưỡng hàng nghìn ngọn đèn điện đang sáng rực lên trên những con tàu bỏ neo trong cảng, và ngực anh phập phồng trong một ham muốn đi xa khôn cưỡng:

- Chúa ơi! Chắc phải tuyệt xiết bao nếu được ở trên một trong những con tàu kia, lướt đi trên các biển và khám phá những bến bờ khác, những thế giới khác!…

Buồn rầu vì không thể lao mình vào ham muốn, anh lại đi tiếp, đầu cúi gằm; rồi anh nghe thấy tiếng gọi từ phía sau:

- Adrien!…

Anh ngoái đầu lại. Trên một băng ghế anh vừa đi ngang, có một người đàn ông đang ngồi, hai chân bắt chéo, và hút thuốc. Mắt thì cận, trời thì tối nên Adrien không nhận ra đó là ai. Người kia không đứng dậy, Adrien bèn tiến lại gần, có chút cáu kỉnh, rồi một tiếng kêu đầy khoái thú buột ra từ anh:

- Stavro!…

Họ bắt tay nhau và Adrien ngồi xuống bên cạnh người kia.

Stavro, lái buôn chợ phiên - hay được gọi là “ông bán nước chanh” hơn, do thứ thuốc độc mà ông bán tại các hội chợ - là anh họ xa của mẹ Adrien, và là một khuôn mặt trước đây rất được biết tới trong số những chốn náo nhiệt các vùng ngoại ô; ngày nay nó đã bị lãng quên, bị vùi chôn bởi ba mươi năm đã trôi qua cùng sự hiểu nhầm bắt nguồn từ một xì căng đan mà tính khí ông đã gây ra, thời đó.

Vóc dáng nhỉnh hơn mức trung bình chút ít, tóc vàng nhạt, vô sắc, rất gầy và rất nhăn nheo; cặp mắt xanh lơ và lớn, lúc thẳng thắn và chân thành, khi lại cợt nhả và lén lút, tùy thuộc hoàn cảnh, diễn đạt toàn bộ cuộc đời Stavro. Cái cuộc đời nổi chìm, lên xuống dập dờn ở bản tính du mục và kỳ quặc của nó; cái cuộc sống bị ngoạm lấy từ tuổi hăm lăm bởi cỗ máy xã hội đáng buồn (cuộc hôn nhân với một cô gái nhà giàu, xinh đẹp và tình cảm), từ đó ông bước ra, một năm sau, phủ đầy nỗi xấu hổ, trái tim bị tàn sát, tính cách thì hư hại.

Adrien mơ hồ biết chuyện. Mẹ anh, dẫu không đi vào chi tiết, hay mang nó ra làm hình mẫu cho anh, về một cuộc đời xấu xa; nhưng Adrien lại rút được từ đó các kết luận hoàn toàn trái ngược; và đã hơn một lần, với bản năng nằm tận nơi sâu thẳm con người anh, anh đã nghiêng mình xuống Stavro như xuống một thứ nhạc cụ mà người ta những muốn phải vang lên; nhạc cụ ấy đã từ chối làm vậy.

Vả lại họ mới chỉ gặp nhau cùng lắm dăm bốn lần, luôn luôn là ở ngoài đường. Nhà của mẹ anh đóng kín cửa trước Stavro, cũng như mọi ngôi nhà lành mạnh. Và rồi, ông có thể nói gì đây, con người của hội chợ vốn dĩ bị coi thường, với cậu bé được nuông chiều, nâng niu, chằm bặp?

Stavro là một “cây hài” đối với tất cả mọi người, và quả ông là cây hài, ông muốn là cây hài. Trong bộ quần áo tơi tả và ẽo ợt, ngay cả khi còn mới của mình; với vẻ bề ngoài của một người làng pha thành thị, cái áo sơ mi không là, không cổ giả; với vẻ của tay lái buôn ngựa trộm cắp, ông xăng xái thực hiện các màn nhố nhăng lời lẽ và cử chỉ mua vui cho người ta nhưng lại làm nhục ông và khiến ông bị xem thường.

Ông xáp lại gần những mối quen biết, ngay giữa đường, bằng các câu đùa luôn luôn chuẩn xác và hài hước, không bao giờ gây phật ý. Rất nhiều người sẽ nán lại cùng ông. Nếu thích ai đó, ông sẽ kéo anh ta vào quán cà phê, gọi một bình nửa lít rượu, và sau khi chạm cốc, ra sân “giải quyết nhu cầu” rồi không quay trở lại nữa. Và nếu có một cuộc gặp thuộc vào số những cuộc gặp “giữ chân” ông, ông bèn hăng hái nói:

- Đang có anh bạn kia đợi anh ở quán cà phê kia, chạy đến đó mau lên!…

Nhưng điều gây hào hứng cho Adrien là đống đầu tzir [cá trích] cùng mấy trò đùa liên quan tới thuốc lá của Stavro. Trong lúc trò chuyện với ai đó, ông rút từ trong túi áo ra một cái đầu cá khô nhỏ xíu đó, mồm há hốc và dẹt gí, rồi ông lén treo nó vào gờ dưới áo veston của người lắm lời kia. Người đó đi khỏi, mang diễu đi trên phố cái đầu cá cắn lấy áo trước sự vui sướng lớn lao của những người đi ngang.

Với trò đùa thuốc lá, chuyện lại còn nhộn hơn nhiều. Ta biết rằng ở bên phương Đông có tập tục, với người nào muốn cuốn một điếu thuốc lá, hỏi mượn hộp đựng thuốc lá từ những người mà họ gặp. Stavro chẳng bao giờ bỏ lỡ dịp chèo kéo bất kỳ ai; nhưng vừa lấy được thuốc lá rồi, thay vì trả lại cái hộp kèm lời cảm ơn, ông lại nhét nó vào túi áo, từ đó, ngay tức khắc, nó chui tọt xuống bên dưới rồi rơi xuống đất. Thế là ông vội vã chúi người nhặt nó lên, chùi nó, xin lỗi và, định nhét nó vào túi áo người chủ của nó, lại làm nó rơi tuột xuống bên cạnh. Cái hộp khốn khổ làm bằng kim loại mạ kền hoặc bìa, đã lại nằm dưới đường!

- Á! tôi hậu đậu quá!

- Không sao đâu, thưa ông, thường kẻ bị lừa sẽ đáp như vậy, vừa nói vừa xem thật kỹ thứ đồ vật bị hư hại của mình, trong khi những người vây quanh cười lăn lộn.

Nhưng Stavro chẳng bao giờ được nhìn thấy lại những cái hộp đựng thuốc lá mà ông từng chơi xấu một lần.


Vậy là, Adrien đã bắt đầu yêu quý người đàn ông đó vì các trò đùa của ông. Tuy nhiên, nhiều điều kỳ khôi đã xảy tới khuấy động anh và làm anh rối tinh đầu óc: đôi khi, ngay giữa những cười cợt và trò xuẩn, Stavro, đầy nghiêm túc, quay sang Adrien và chĩa vào mắt anh một ánh mắt nhạt màu, bình thản và vượt lên cao, cứ như thể chúng ta đang nhìn vào mắt tốt lành và ngây thơ của một con bê. Khi đó anh cảm thấy mình bị thu nhỏ bởi cái tay chuyên bán hàng chợ phiên kia, bị lôi cuốn bởi kẻ mù chữ đó. Điều này với anh từng không sao giải thích nổi, và anh khởi sự quan sát ông. Nhưng quá hiếm cơ hội. Ánh mắt bí hiểm và gây rối trí mà Adrien bí mật gọi là “Stavro khác” hiếm khi nào hiện ra, và duy chỉ cho anh.

Tuy nhiên một ngày nọ - (mười tháng trước cuộc gặp trong công viên) trong lúc đi cùng “ông bán nước chanh” về nhà chủ hiệu thực phẩm của ông - một ông già Hy Lạp rụt rè, nhà cung cấp đường và chanh cho ông - đột nhiên anh thấy xuất hiện “Stavro khác. Adrien bíu chặt lấy đôi mắt ông.

Chỉ có ba người bọn họ, nơi một góc cửa hiệu không mấy sáng, Stavro, mọi nếp nhăn trên mặt tan biến, các đường nét dịu đi, cặp mắt mở thật lớn, chăm chăm và sáng rực, nhìn ông chủ hiệu thực phẩm có bộ mặt phì phị và khép kín, và nói, rón rén nhưng cả quyết, trong khi người kia gật gù nhất trí:

- Kir Margoulis… Chuyện tệ… Trời thì không nóng, nước chanh đâu bán được nhiều… Tôi đang ăn vào tiền tiết kiệm của tôi và đường của ông… Vậy thì, hiểu rồi chứ? Cả lần này tôi cũng không trả tiền nhé, hử? Cũng sẽ giống những lần khác: nếu tôi chết, ông sẽ mất mười franc.

Và ông chủ hiệu, bủn xỉn nhưng rành rẽ về con người, đồng ý cho mua chịu, cùng một cái bắt tay cũng khô khốc như cuộc đời ông ta.

Bên ngoài, món hàng vừa mua cắp dưới nách, Stavro vội vã nói một câu đùa, vỗ vai một người quen biết qua loa, nhảy lò cò:

- Chú đã phỉnh được lão ta, Adrien ạ, chú đã phỉnh được lão ta! ông thì thầm vào tai chàng thanh niên.

- Không mà, Stavro! Adrien phản đối; chú đã không hề phỉnh ông ấy: chú sẽ trả!…

- Phải, Adrien ơi, chú sẽ trả, nếu không chết… Và nếu chú chết, thì quỷ sẽ trả!…

- Nếu chú chết… Đó lại là một chuyện khác… Nhưng chú nói là đã phỉnh ông ấy: nếu thế có lẽ điều đó muốn nói chú là kẻ bất lương…

- Có lẽ chú đúng là kẻ như vậy…

- Không, Stavro, chú định lừa cháu; chú không phải là kẻ bất lương!

Stavro đột ngột đứng khựng lại, đẩy bắn người đồng hành vào một hàng rào, và trong thoáng chốc lấy lại hình ảnh của mình, sợ hãi và chế ngự, thổi hơi vào mũi Adrien:

- Đúng, chú bất lương đấy!… Thật không may, Adrien ạ, chú rất bất lương!…

Và trong lúc nói câu ấy ông định đi khỏi luôn; nhưng Adrien, rơi vào một dạng hoảng hốt, túm lấy vạt áo veston của ông, giữ ông lại và hét lên, giọng nghẹt đi:

- Stavro, ở lại đây! Giờ thì chú nói sự thật cho cháu biết đi!… Cháu thấy có hai con người ở chú; ai mới là đúng? người tốt? hay tên xảo trá?

Stavro vùng vẫy:

- Chú không biết!

Và giật mình thật mạnh khỏi tay Adrien:

- Để chú yên! ông hét lên, đầy giận dữ.

Rồi, cách xa một quãng, vì nghĩ mình vừa gây phật ý cho chàng thanh niên, ông nói thêm:

- Chú sẽ nói cho cháu biết chừng nào cháu đã không còn là một thằng chíp hôi.

Kể từ bấy, họ không còn gặp lại nhau nữa; Stavro lai vãng các phiên chợ từ tháng Ba đến tháng Mười, mùa đông thì bán hạt dẻ nướng Chúa mới biết là ở đâu. Ông chỉ đến Braïla để mua hàng.

*
*       *

Adrien sung sướng vì được gặp ông ngày hôm đó trên băng ghế công viên cũng như các dòng sông nhỏ hẳn sung sướng khi được hội tụ với những sông lớn, và các sông lớn khi tan vào lòng những biển.

Stavro, trái ngược với thói quen, lần này không mấy lắm lời, và điều đó càng khiến Adrien thấy thích thú hơn. Anh săm soi khuôn mặt kia trong làn ánh sáng vàng nhợt của buổi tối và thấy nó vẫn giống. Hẳn không ai nói được ông bao nhiêu tuổi với một sự xấp xỉ khả dĩ. Tuy nhiên Adrien nhận ra rằng, quãng hai thái dương, màu vàng nhạt của tóc ông trở nên mang màu trắng sương đục.

- Cháu bị làm sao mà lại nhìn ta như thế, hả? Stavro bực bội hỏi; ta không phải món đồ đem bán.

- Cháu biết, nhưng cháu muốn biết chú còn trẻ không, hay già rồi.

- Ta trẻ và già, như lũ chim sẻ…

- Cái đó đúng: chú là một con chim sẻ, Stavro ạ!

Và sau một quãng ngừng ngắn:

- Chú không muốn cháu nói đùa để có cớ lẳng cháu xuống đất đấy chứ? Cái đó có lẽ sẽ nhắc cho chú nhớ rằng cháu luôn luôn tò mò muốn biết chú từ đâu tới, chú đi đâu, và việc buôn bán thế nào.

- Chú từ đâu tới và đi đâu thì chẳng quan trọng; nhưng chú muốn nói với cháu là chuyện làm ăn của chú đang không tệ đâu. Tuy nhiên, lúc này chú đang bấn, con gà con của chú ạ!

Rồi ông vỗ lên đùi Adrien.

- Chuyện đó hiếm khi xảy ra với chú, anh đáp; thế tại sao chú lại bị bấn, chú yêu quý? Có phải ít chanh quá không?

- Không, không phải chanh, mà là chuyện các “tay lưu manh trung thực” ngày xưa đã trở nên quá hiếm.

- Lưu manh trung thực? Adrien kêu lên, đó là một nghịch lý: bọn lưu manh thì không thể trung thực được!

- Cháu nghĩ vậy à? Thế thì! chú biết không ít người như thế đâu.

Stavro chúi người về trước và cứ ngồi yên như thế, nhìn chằm chằm xuống đất. Adrien cảm thấy ông đang nói nghiêm túc và muốn biết thêm nữa, nhưng anh hết sức thận trọng:

- Chú có thể nói cho cháu biết chú cần một tay lưu manh như vậy cho việc gì không?

- Để đi cùng chú đến chợ phiên bên S…, thứ Năm tới. Nói cho đúng thì không phải là để cho chú, mà chỉ hơi hơi thôi… Cháu cũng biết là ta có thói quen, tại các hội chợ, bày hàng bên cạnh một chủ hàng bánh bán bánh kếp. Đám nông dân ăn, thấy khát nước, và có ta ở đó bán nước chanh; nếu cần, thì bỏ một nhúm muối vào bột làm bánh… (Cháu thấy rõ là chú bất lương rồi nhé!…) Ừ thì, chú có người bán bánh, đó là Kir Nicolas…

- Kir Nicolas! Adrien nhảy dựng lên.

- … Hàng xóm nhà cháu, ông chủ cũ của cháu. Nhưng giờ mới là chuyện khốn: ông ấy không thể bỏ mặc lò nướng bánh mà đi đến hội chợ. Thế nên, ông ấy cần một “lưu manh trung thực” để đi cùng gia nhân Mikhaïl của ông ấy và thu tiền về trong lúc kẻ kia rán bánh kếp ngập dầu. Đã hai ngày nay ta kiếm “lưu manh trung thực”.

Và Stavro trang trọng, buồn bã kết luận:

- Càng ngày Braïla càng trở nên nghèo nàn về mặt đàn ông!

Adrien cảm thấy một luồng điện chạy xuyên qua người mình. Anh đứng bật dậy trước mặt “ông hàng nước chanh” và nói:

- Stavro! Cháu có xứng đáng được là tên lưu manh trung thực mà chú đang tìm không?

Nhân vật của chợ phiên ngẩng đầu lên:

- Không đùa đấy chứ?…

- Lời nói của tên lưu manh trung thực! Cháu sẽ đi cùng chú!

Stavro nhảy dựng như một con đười ươi và hét lên:

- Đưa cái cẳng của cháu đây cho ta, hỡi đứa con trai của một tình nương Rumani và một nhà phiêu lưu Cephalonia!… Cháu là một hậu duệ xứng danh các tổ tiên của cháu…

- Chú biết gì về tổ tiên của cháu?

- Ô! chắc chắn rồi, họ phải từng là những kẻ lưu manh vĩ đại!

Trong lúc nói điều đó, “ông hàng nước chanh” ôm hôn chàng thợ sơn, rồi, túm chặt lấy tay anh, ông kéo anh đi cùng với ông:

- Mau mau tới nhà Nicolas thôi, thông báo tin mừng cho ông ấy!… Ta sẽ đi, muộn nhất là ngày mai, Chủ nhật, buổi tối, để có mặt tại S… vào sáng thứ Ba và chiếm lấy một chỗ tốt. Sẽ phải ngồi xe kéo một ngày hai đêm; ngựa sẽ đi thong thả hoặc phóng nước kiệu, tùy thuộc sức lực của nó và chất lượng rượu mà ta sẽ gặp tại các quán trọ.

*
*       *

Sự xuất hiện của bậc thầy các phiên chợ cùng “chú gà con” của ông đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt tại hiệu bánh. Kir Nicolas căn cứ vào những hú hét của Stavro hiểu rằng đó là một chuyện đã rồi; Stavro xổ bằng tiếng Thổ một đoạn độc thoại tràng giang đến đứt cả hơi. Mikhaïl, vốn dĩ đã biết về áp phe, cũng lao vào tranh cãi, trước nỗi kinh ngạc to lớn của Adrien, chẳng hiểu lấy một lời từ đó. Sau một lời đáp nghiêm túc của Mikhaïl, anh thấy Kir Nicolas nhún vai và Stavro bình tĩnh lại, nhưng ngay lập tức lại hét, bằng thứ tiếng Hy Lạp hoàn hảo:

- Đừng lo gì đến điều mà mẹ nó sẽ nói, ô pédiamou (các con ta)!… Nếu phải cư xử đúng theo cuộc đời của mẹ tôi, thì tôi đây, năm mươi năm về trước, chắc tôi đã chẳng bao giờ biết mặt trời mọc và lặn ra sao ở quá cái hào xưa kia bao lấy thành phố Braïla đẹp đẽ của chúng ta; nhìn mà xem, các bạn, những bà mẹ đều giống nhau hết: họ muốn làm sống lại dưới lớp da đám con của họ những khoái thú nhỏ nhoi tội nghiệp của họ, cũng như các phiền muộn chán phè của họ. Và rồi, nói tôi nghe, có gì là sai trái đâu, nếu chúng ta làm đúng như đã được người ta tạo ra? Có phải không nào, Adrien?

Mikhaïl lại nói xen vào, cũng bằng tiếng Hy Lạp:

- Cái đó thì ông đúng, thưa ông, nhưng chúng ta không biết mẹ của Adrien; có thể chúng ta sẽ phải đương đầu với một ngoại lệ đau đớn. Tôi thì tôi đề nghị để Adrien đi xin phép bà ấy; nếu được, tôi sẽ là người đầu tiên lấy làm vui mừng. Nhưng nếu không có sự đồng ý của mẹ cậu ấy và chống lại ý nguyện của bà ấy thì tôi từ chối đi đến hội chợ.

Lời tuyên bố đó làm Adrien chạy biến đi ngay như một cơn gió. Mẹ anh đang nấu bữa tối. Anh dừng lại ở giữa phòng, hai mắt ướt, cặp má đỏ lựng, mắt nhìn lên cao; vì đã không chuẩn bị sẵn mình sẽ nói gì, giọng của anh nghẹt lại thấy rõ. Nhưng bà đoán ra và cất lời trước cả anh:

- Con lại lơ lửng trên mây nữa rồi!

- Vâng, mẹ…

- Thế thì, nếu chuyện là chơi lại một lần nữa điệu nhạc ban nãy, thì thôi mẹ xin!… Cứ làm những gì con nghĩ là có thể làm, miễn sao đừng làm lòng mẹ tan nát quá mức, và đừng đoái hoài đến mẹ nữa. Vậy thì tốt hơn đấy.

- Đâu phải là chuyện gì tan nát cõi lòng, mẹ ơi, Adrien đáp; con đang không có việc làm trong vòng tám ngày, có thể còn hơn, và con muốn đi cùng Mikhaïl đến hội chợ ở S… Đó sẽ là dịp tốt để con thăm thú cái vùng đẹp đẽ ấy và cùng lúc kiếm được những gì mà con đánh mất ở phía khác.

- Chỉ có hai đứa thôi à?

- Vâng… không… còn có Stavro…

- Hay đấy!… Mỗi lúc càng thêm hay… Lại thêm một “triết gia”, cho con, chắc thế chứ?

Và vì con trai bà im lặng, bà nói thêm:

- Nói tóm lại, con có thể đi!…

- Không giận dỗi gì đấy chứ, mẹ?

- Không giận dỗi, bạn yêu quý ạ.

*
*       *

Cuộc khởi hành được thực hiện, Chủ nhật đó, dưới ánh mắt và những lời đùa cợt của tất tật những mụ lắm điều trên phố Grivitza, các bà hàng xóm của ông chủ tiệm bánh. Stavro tới vào quãng bốn giờ chiều, cùng cái xe kéo cùng đồ nghề của ông, cái thùng tô nô mà ông dùng để làm chỗ đựng nước, và trong đó có thùng nhỏ chứa nước chanh, đến lượt nó lại đựng đường, chanh, đống cốc, v.v… Trước hiệu bánh, ông chất, với sự giúp đỡ của Kir Nicolas và Mikhaïl, đống đồ cần thiết để làm bánh kếp: một cái bàn, một lò nhỏ, một nồi lớn, hai bao bột, nhiều bi đông dầu cùng các thứ dụng cụ. Họ cũng bố trí chỗ cho ba người.

Để tránh cho Adrien khỏi phải chịu các trêu chọc của đám khán giả, mẹ anh cùng anh ra khỏi nhà nửa tiếng trước khi Stavro đến nơi; họ chia tay nhau trên phố Galatz, bà, trên đường tới nhà một bà bạn, còn anh, tiến ra đường cái quan nơi xe sẽ phải đi qua. Bà ôm hôn con trai, và nói:

- Con thấy không, hả Adrien, mẹ để cho con tùy ý, nhưng rồi một ngày, con sẽ hối tiếc những hành động của con; chuyến đi nho nhỏ của con ngày hôm nay, chỉ mai thôi nó sẽ làm con thấy thích có những chuyến khác nữa, dài hơn, cứ mãi dài hơn; và tuy con không thể đảm bảo với ta về hạnh phúc mà tương lai đó dành sẵn cho con, nhưng ta thì lại có thể chắc chắn rằng cả hai chúng ta rồi đây sẽ phải khóc vì nó, vì không hợp ý Chúa.

Anh muốn đáp lại, nhưng bà đã đi khỏi. Bị đóng đinh tại chỗ, Adrien đưa mắt dõi theo bà; bà đi thẳng về phía trước, thật thẳng, giống cuộc đời bà đã thẳng, giản đơn, đau đớn; về phần cái việc sai trái duy nhất mà bà là thủ phạm, thì bà không hối tiếc, dẫu nó đã bắt bà phải trả giá đắt. Quấn khăn ca sơ mia trên đầu, cái áo bờ lu may bằng vải rẻ tiền, khăn mùi soa cầm bên tay phải, bà dùng tay trái khẽ nâng cái jupe quá dài đang quét bụi, và bà nhìn chăm chăm xuống hai chân, như là đang tìm cái gì đó - cái gì đó mà bà còn chưa đánh mất, cái gì đó mà bà đang để mất đi.


Người anh em Adrien khốn khổ của tôi!… Cậu run rẩy… Trên cái xe kéo kia, đang băng đi trên đường quốc lộ, nép mình vào cái gối dựa, bên cạnh, phía tay phải, sát kề là Stavro, đang vừa điều khiển ngựa đi nước kiệu vừa hát bằng tiếng Armenia, ngả đầu dựa lên vai Mikhaïl đang hút thuốc và im lặng, bên trái - cậu run rẩy, anh bạn trung hậu của tôi; nhưng đâu phải cái lạnh khiến cậu phát run! Phải chăng cậu run lên vì sợ? Hay - bị kẹp vào giữa hai ác quỷ của cuộc đời cậu - có lẽ cậu đang run lên dưới luồng hơi thở số phận của cậu, nó đang đẩy cậu đi, không chỉ về phía phiên chợ ở S…, mà còn về phía hội chợ lớn của tồn tại cậu, mới chỉ bắt đầu mà thôi?

Thật lâu, thật lâu - bên dưới các phản chiếu của một hoàng hôn giông tố, đi trên con đường thẳng căng như một sợi dây chăng giữa những hàng cây và giữa những đồng lúa mì - Stavro hát và than vãn bằng tiếng Armenia. Thật lâu, Mikhaïl và Adrien lắng nghe, chẳng hiểu gì nhưng cảm thấy được hết. Rồi màn đêm trùm lấy họ và thu nhỏ họ về với chính họ cùng các suy nghĩ riêng. Những làng và thôn nối tiếp các thôn, những cái tổ bệ rạc nỗi buồn bã và niềm sung sướng, bị bóng tối nuốt chửng và bị vũ trụ lờ tịt đi. Ánh sáng chập chờn của ngọn đèn treo của cái xe, chao đảo theo nhịp, phơi ra những cảnh đêm thôn dã và thảm thiết, mà nó chiếu sáng trong giây lát để rồi biến mất đi vĩnh viễn: một con chó sủa như điên; một góc bức màn mở hé tại một cửa sổ để hiện ra một mặt người cố nhìn ra bên ngoài; những nhà rơm rạ cũ kỹ mái tơi bời và đen kịt lại vì mưa gió; những sân có hàng giậu tơi tả.

Cứ khoảng hai tiếng một lần, Stavro lại dừng trước cửa một quán trọ, chùi mắt ngựa, kéo tai nó, treo máng đựng lúa mạch cho nó ăn, phủ tấm chăn lên người nó, rồi ầm ĩ bước vào bên trong, theo sau là hai người đồng hành. Tại đó, ông trở nên náo loạn, lắm trò, cợt nhả, nói những lời đùa rất tợn và, thỉnh thoảng, còn tự cho phép mình thân thiện vỗ tay lên mũ bon nê một người nông dân. Sau đó, vừa gọi “một lít và một cốc cho ông chủ”, ông vừa lịch sự hỏi người kia hộp đựng thuốc lá, cuốn một điếu và, nghiêm trang như một ông giáo hoàng, bắt đầu, như thể để cảm ơn, làm rơi cái hộp xuống đất.

Adrien nhận ra là Mikhaïl, mới quen Stavro từ hai hôm nay, quan sát ông hết sức kín đáo nhưng chăm chú. Tận dụng một quãng ngắn ông hàng nước chanh vắng mặt, anh nói bằng tiếng Hy Lạp với bạn:

- Thằng chả vớ vẩn thật! Ầm ĩ hết cả lên!…

Mikhaïl thì thào với anh:

- Đó là một tiếng ồn muốn tạo ra một im lặng đâu đó, nhưng tôi chẳng biết là ở đâu… Dẫu sao thì, ông ta cũng đang che giấu điều gì đó.

*
*       *

Sau bảy tiếng đi đường, gần như lúc nào cũng là đi nước kiệu, quãng nửa đêm, chiếc xe kéo - nặng nỗi mệt và dưới làn mưa mịn vừa khởi sự - đi vào làng X…, ở đó chẳng thấy gì khác ngoài một đàn chó động kinh điên cuồng tấn công con ngựa. Stavro vụt roi lên chúng không thương xót và đàng hoàng tiến về phía một cửa dẫn vào cái sân mà con ngựa vừa va đầu phải và thiếu điều thì ngã lăn ra. Từ chỗ ngồi của mình, ông hét lên về hướng cửa sổ của quán trọ:

- Grégoire!… Kìa! Grégoire!

Và lúc, sau một quãng đợi dài, một bóng người đen thui đi ra mở cửa, ông nói thêm, lớn tiếng chửi thề rất nhộn:

- Phục Sinh, Phúc Âm, cùng tất tật Thánh Tông Đồ! Anh không định để chúng tôi làm bánh kếp và pha nước chanh bằng nước mưa đấy chứ? Mở cửa mau lên, đồ mọc sừng kia!

Người bị réo càu nhàu gì đó rồi nắm lấy cương ngựa. Người ta tháo ngựa và cho cỗ xe vào một chỗ. Rồi, ba nhân vật chợ phiên cùng chủ quán bước vào một cârciuma [quán] Rumani, giống với quán của oncle Anghel [đột nhiên tôi quên mất Anghel là “chú”, “bác” hay “cậu” - sẽ kiểm tra sau], nơi người ta ăn, người ta uống, người ta hút thuốc, nơi người ta nói những điều tốt đẹp và tệ hại, tùy người, tùy tuổi, và “tùy theo chất lượng rượu”.

Stavro rất ngắn gọn:

- Ta hãy ăn cho đẫy vào, nhưng không được giãi thẻ ra mà ba hoa. Giờ, chúng ta nghỉ cho đến tảng sáng, rồi sẽ lại lên đường. Phần mệt nhất đã qua rồi. Sáng mai, cả người lẫn tâm trí đều đã được nghỉ ngơi, ta sẽ kể cho nhau nghe các câu chuyện trong lúc đi dọc theo sông và ta sẽ ngắm mặt trời mọc ngay trong mắt con ngựa: mai trời sẽ đẹp.

Chạm cốc với Stavro, ông chủ quán nói:

- Có phải anh đang trên đường tới phiên chợ ở S…?

Người kia gật đầu tỏ ý đúng thế; chủ quán bèn nói đùa:

- Anh vẫn dùng đường hóa học, và a xít xi tríc thay vì chanh, đấy chứ?

Stavro nhìn thẳng vào mắt ông, vẫn tiếp tục nhai; rồi đáp:

- Còn anh, đồ con c…, có phải anh vẫn đổ nước lã vào rượu để chế đồ uống nhằm đầu độc nông dân và kiếm thêm không?

Adrien, sửng sốt, nói xen vào:

- Nhưng, Stavro, cháu đã thấy chú mua đường và chanh cơ mà; không phải là để pha nước chanh à?

- Không, bạn ơi, đấy chỉ là trò tung hỏa mù đánh lừa lũ chết khát thôi! Stavro đáp.

Rồi ông nói thêm bằng tiếng Hy Lạp:

- Cháu lại thấy rõ chú là quân bất lương rồi nhé! Mà còn chưa là gì đâu: ta còn có thể bất lương hơn thế nhiều.

Mikhaïl và Adrien liếc nhìn nhau, vẻ thông hiểu, và cặp mắt Mikhaïl trả lời cặp mắt đầy nghi vấn của Adrien như sau: “Trong chuyện này có điều gì đó bị che giấu.”

Ba người đứng dậy. Ông chủ cầm lấy một bao diêm cùng cây nến và dẫn họ lên tầng áp mái. Tầng trên chất ngập ngụa cỏ khô. Ở đó, trên sàn, họ trải một rogojina (chiếu) thật lớn, trên đó cả ba vẫn mặc nguyên quần áo buông mình xuống, bụng ọc ạch, có chút ngây dại vì rượu và nỗi mệt.

- Nếu các anh hút thuốc thì phải cẩn thận lửa kẻo cháy đấy nhé, ông chủ quán trọ nói rồi đi; ông ta cầm theo nến và diêm.

Năm phút sau ba người đã ngủ.

*
*       *


Lúc đó có thể là mấy giờ? Adrien không thể nói được, nhưng, vào một thời điểm nào đó của cái đêm sâu thẳm ấy, anh cảm thấy có bàn tay chạm vào vai mình, rồi sờ lên mặt. Trong thoáng chốc mở cặp mắt buồn ngủ nặng trĩu ra, anh khó nhọc nhớ là mình đang không ở nhà, mà trong một vựa cỏ; và anh lại thiếp đi ngay. Nhưng cái bàn tay kia đã lại sờ soạng trên mặt anh, và cùng lúc một nụ hôn nóng hổi áp lên má phải anh. Lần này thì Adrien tỉnh dậy và khởi sự suy nghĩ, cố sao thật im lìm. Vậy thì có nghĩa quái gì nhỉ?… Chớp chớp mắt trong bóng tối, anh nhớ lại thứ tự của họ: bên phải anh và nằm chính giữa, là Stavro; bên kia, Mikhaïl. Và anh nghĩ: Thế nào cơ?… Stavro vừa hôn mình?… Thế nghĩa là sao?

Một ý nghĩ hiện ra trong óc anh, nặng nề đến nỗi anh phải đẩy nó đi, tự nhủ:

- Không… Chắc chắn rồi, mình đã nằm mơ!… Không thể nào!

Nhưng vài phút sau, anh lại cảm thấy bàn tay của Stavro sờ vào ngực mình, nhiều lần. Hoảng sợ, anh cất giọng nghèn nghẹt nhưng khá lớn mà hỏi:

- Chú tìm cái nhẫn của cháu đấy à, Stavro?

Câu ấy vang lên trong đêm yên tĩnh như dưới một mái vòm. Nhảy dựng lên, ông hàng nước chanh túm chặt lấy cánh tay anh và thì thầm vào tai anh, run lên vì cảm xúc:

- Im nào!…

- Nhưng chú muốn gì thế hả?… Có phải ban nãy chú hôn cháu không? Adrien lại nói, càng lúc càng hãi hùng hơn.

- Im nào!… Đừng hét lên chứ! người kia thì thào, càng siết tay anh mạnh thêm.

Một quãng im lặng và hãi hùng tiếp nối, rồi, đột nhiên, có thể nghe thấy giọng nói tỉnh như sáo của Mikhaïl dịu dàng cất lên, bằng tiếng Thổ, hết sức ngắn gọn đặt một câu hỏi cho Stavro. Vẻ như ông không muốn trả lời; rồi, ông thốt ra mấy từ. Mikhaïl lại tấn công tiếp, với một đợt câu hỏi mới. Stavro đáp lại một hồi lâu hơn. Và thêm một lần nữa Mikhaïl lại tra hỏi ông, mạnh bạo hơn; người kia trả lời một cách khô khốc. Mikhaïl tỏ vẻ suy nghĩ, im lặng hồi lâu, nhưng rồi anh đã chống khuỷu tay nhỏm người dậy và dường nhìn thẳng vào mắt Stavro, anh bình thản nói với ông trong vòng một phút, không hỏi gì. Còn người kia thì đáp trả thật hung dữ, ngắt lời anh. Thế là đã xảy ra một chuyện khiến Adrien hãi hùng.

Mikhaïl - mà Adrien vốn biết không phải người hung tợn - ngồi bật dậy và hét lên một câu vang lừng và ngắn ngủn. Stavro cũng bắt chước hành động của anh, đáp lại bằng cùng tông giọng. Kể từ khoảnh khắc ấy trở đi, một cuộc đối thoại gay gắt nổ ra giữa hai người chẳng mấy quen biết gì nhau. Trong đêm đen kịt đến vỡ cả mắt, các câu, các từ tuôn trào, hung hiểm, như là những nhát đâm trong một a la xô của đấu gươm. Người ta đoán định được rằng mặt họ thường xáp lại gần thiếu điều chạm nhau, mắt họ lùng tìm lẫn nhau, bất lực, còn những cánh tay họ thì vung vẩy. Trong trái tim giá lạnh của Adrien, các nguyên âm của tiếng Thổ vang lên như các rên rỉ của kèn ô boa, và rất nhiều phụ âm cứng đanh của nó thì đập, bổ như một hồi trống.

Adrien hiểu được sự thật; anh cũng hiểu rằng Mikhaïl đang siết chặt lấy Stavro như bằng ê tô, và một nỗi thương hại lớn lao đối với sự khốn cùng của Stavro làm ngực anh nhô lên và khiến anh òa khóc. Vừa nức nở, anh vừa nói:

- Nhưng… nói tiếng Hy Lạp đi chứ! Tôi chẳng hiểu nổi lấy một lời!

Cơn bùng nổ của đau đớn đó ngắt đứt cuộc cãi cọ. Một sự im lặng nặng nề rơi xuống câu nói của Adrien, khi anh hỏi:

- Stavro!… Tại sao chú làm thế?

Người bị hỏi quay sang chàng thanh niên và đáp, giọng nghẹt lại:

- Nhưng, bạn yêu quý khốn khổ ơi: đấy là vì ta là kẻ vô cùng bất lương! Ta đã nói với cháu rồi còn gì.

Đã bình tĩnh lại, Mikhaïl đáp trả:

- Cái đó còn tệ hơn sự bất lương: đó là biến thái. Đó là một bạo lực gây ra lên một thế cân bằng nơi mọi điều đều là hài hòa: ông đã làm hư hại cân bằng đó. Và ông phạm phải tội ác tồi tệ nhất khi mà ông muốn lan truyền, mở rộng sự hư hỏng ấy.

Rồi Mikhaïl kiên quyết nói thêm:

- Xin lỗi Adrien thật thành khẩn đi, nếu không tôi sẽ kệ ông ở lại đây, ông cùng mớ hổ lốn của ông!

Stavro không nói gì. Ông cuốn một điếu thuốc lá; chừng ông châm thuốc, hai người bạn trông thấy, nhìn nghiêng, khuôn mặt ông biến dạng không thể nhận ra. Cái miệng và cái mũi dài ngoẵng ra, hàng ria chĩa ngược lên trên. Làn da thì mang màu của hồn ma. Hai mắt trũng sâu, ông không nhìn họ; cũng không nhìn kể cả lúc họ, đến lượt mình, đã cuốn xong mấy điếu thuốc, châm chúng lên.

Bên ngoài, tiếng chó sủa và gà gáy ngập đầy không khí cùng màn đêm.

*
*       *

Phải, Stavro khởi sự nói rất lâu sau đó, khi Mikhaïl đã tuyệt vọng tưởng chừng sẽ không được nghe câu trả lời của ông. Phải, tôi sẽ hết sức thành khẩn xin lỗi Adrien… Thành khẩn, nhưng không nhún nhường… Và không phải ngay lập tức, mà chừng nào hai cậu nghe tôi nói xong đã…

Cậu nói: “biến thái”, “bạo lực”, “hư hỏng”. Và cậu tưởng đè nát được tôi dưới nỗi xấu hổ. Tuy nhiên, tôi mới vừa nói đấy thôi, rằng tôi bất lương. Và chính đó là điều tệ hại hơn cả, bởi vì tôi hiểu vậy có nghĩa: làm điều ác với ý thức. Nhưng, biến thái? Nhưng, bạo lực? hư hỏng? Mikhaïl thân mến của tôi ơi!… Điều ấy xảy ra hằng ngày, quanh chúng ta, và chẳng ai thấy phải rộn hết!… Cái đó đã đi vào các luật lệ và tập quán; nó đã trở thành một quy tắc sống. Và tôi đây, tôi là một trong những kẻ què cụt của cái cuộc sống biến thái ấy; mọi thứ, trong đời tôi, từng là biến thái, bạo lực và hư hỏng, tức là tôi đã lớn lên dưới luồng hơi thở của những điều thê thảm đó. Thế nhưng, tôi lại chẳng hề có thiên hướng về phía chúng. Thật đáng tiếc khi bị buộc phải nói dẫu chẳng hề muốn, nhưng tôi tận dụng việc giờ vẫn đang là đêm, giống như ở trong vương quốc chuột chũi. Và chẳng phải tôi muốn nói nhằm tự biện hộ đâu: ồ! có hề hấn gì tới tôi đâu!… Mà là để cho hai cậu, tôi đây, cái kẻ vô luân, một bài học về sống, cho các cậu, những người đạo đức, nhất là cho cậu đấy, Mikhaïl ạ, cậu không biết toàn bộ nó đâu, như có lẽ cậu đang nghĩ.

Tôi là một kẻ vô luân và bất lương. Về sự bất lương, thì tôi xin miễn nhé; về phần vô luân, chính tôi đây lẽ ra mới là thẩm phán. Thẩm phán của ai? Rồi các cậu sẽ thấy. Một hoàn cảnh của cuộc đời tôi sẽ cung cấp cho các cậu phương tiện để làm điều đó; và đó là cuộc phiêu lưu hôn nhân của tôi.

Quãng năm 1867, không lâu sau khi prince Charles tiến vào các công quốc [cụ thể là sự kiện gì nhỉ? chắc hẳn liên quan đến sự thành lập chính thức của Đế chế Habsburg - sẽ kiểm tra sau], tôi cũng về nước, nhưng không phải với tư cách prince giống ông ta. Tôi trở về, tàn tạ bởi sự mất đi đầy tính cách lãng mạn của chị tôi, và bị làm cho hư hỏng bởi cái cuộc sống đầy phiêu lưu mà tôi đã có, bằng cách tìm kiếm nó trong vòng mười hai năm, xuyên qua Anatolia, Armenia cùng Thổ Nhĩ Kỳ thuộc châu Âu. Thật tệ cho các cậu vì tôi không thể bắt đầu bằng cách kể cho các cậu nghe về tuổi thơ tôi, định mệnh đáng buồn của chị tôi, cũng như các hoàn cảnh cho sự biến thái nơi tôi. Vậy thì sẽ quá dài. Có lẽ rồi một ngày nào đó, tôi sẽ làm điều ấy, nếu các cậu vẫn tiếp tục bắt tay tôi; còn như nếu các cậu không muốn nữa, thì tôi cũng chẳng buồn để tâm đâu.

Hồi đó tôi chừng hăm lăm tuổi, tôi có ít tiền cùng ba ngôn ngữ phương Đông, nhưng tôi đã gần như quên mất tiếng Rumani. Những người quen biết tôi hồi tôi còn nhỏ không nhận ra tôi và như thế thì quá tốt cho tôi, tôi hoàn toàn chẳng hề muốn bị nhận ra. Vả lại, thậm chí tôi còn có những loại giấy tờ với tư cách raïa [thần dân Ottoman]. Vì nói rất kém ngôn ngữ của tôi, tôi bị coi là người ngoại quốc.

Tại sao tôi về nước? Chẳng vì cái gì và cũng vì một điều to lớn. Chẳng vì cái gì, bởi tôi không còn gốc rễ tại cái mảnh đất nơi tôi đã chào đời và vì ở nước ngoài tôi thấy rất thoải mái. Tuy nhiên, sự thoải mái ấy chỉ là bề ngoài. Tôi có một cuộc đời tự do, du mục, nhưng hư hỏng. Về phụ nữ, tôi chỉ biết tới chị và mẹ: người vợ hay người tình đối với tôi thật lạ lẫm. Và tôi ham muốn họ rất mãnh liệt, nhưng tôi sợ xáp lại gần họ. - Đó là một điều mà cậu chẳng biết đâu, Mikhaïl ạ!… A! trong cuộc đời sao mà chúng ta nhầm lẫn thế! Chừng ta thấy một người cụt một chân, hoặc một tay, sẽ không có lấy một người nào sỉ nhục anh ta, ai cũng đem lòng thương hại; nhưng tất cả mọi người đều bước lui, chẳng một ai cảm thấy xót thương trước một kẻ què cụt tâm hồn!… Và thế nhưng ở anh ta thiếu đi mất chính cột trụ của cuộc sống. Tôi từng thiếu cái đó. Trở về Rumani, tôi đã tới gặp để cầu xin nó nơi những người có phong hóa chuẩn với sự thật nhục cảm hơn. Họ đã trao nó cho tôi, nhưng chỉ vừa đủ để cho tôi biết chỗ dựa ấy trong thoáng chốc, rồi bọn họ lại chóng vánh rút nó đi mất, đầy nhục nhã, nhằm ném tôi vào sự hư hỏng. Sau đây là chi tiết:

Vừa về đến nơi, tôi đã quay trở lại với cái nghề salepgdi [bán đồ uống nóng pha bằng bột salep], lê chân qua các chợ và chợ phiên, nhưng không phải ở Braïla, mà các vùng phụ cận, thậm chí xa hơn. Ở thành phố, không ai biết tôi làm gì. Salep thì tôi mua lén chỗ một người Thổ, tự giới thiệu mình là đồng bào của ông ta và hé cho ông ta thấy chỉ những gì mà tôi muốn. Bằng cách đó, tôi làm việc ít nhưng kiếm được nhiều tiền, nhất là khi tôi dựa vào nguồn dự trữ lận bên trong cái thắt lưng. Tới đây, tôi bắt đầu làm quen với nhiều người.

Ăn vận như ghiabour [người sung túc], và trả tiền, vung tay chẳng buồn nhìn, các okas rượu ở nhiều nơi, một hôm, tại Oulitza Kaliméresque, tôi gặp trúng một loại rượu vang ngon và cùng lúc, thứ mà tôi tìm kiếm kể từ khi trở về (đã chừng một năm): rượu đôi khi được phục vụ bởi tay một crâsmaritza xinh đẹp, con gái ông chủ. Và tôi trở thành kẻ trung thành chỉ một mực nốc loại rượu ngon ấy, cũng thành con mồi cho những ngọn lửa mà cặp mắt huyền của thần tượng ném ra. Nhưng tôi rất thận trọng: nhà ấy khắc kỷ và rất giàu. Thêm nữa, nó không thích người nước ngoài, dẫu sản nghiệp của nó bắt nguồn từ đó.

Thế nên, điều đầu tiên mà tôi vội vã làm là kiếm giấy tờ Rumani, cái việc rất dễ tại các đất nước của saint-bakchiche [tiền đút lót]. Ngày một ngày hai, tôi chôn đi “Stavro, salepgdi” và trở thành Domnul Isvoranu, “lái buôn đồ đồng Damas”. Cái tên và danh hiệu khiến người khác thấy thích. Tha hồ được coi trọng và kính nể. Nhà đó không còn bà mẹ. Ông bố thì đã già, nghiêm khắc, và có cặp chân đau nhức suốt.

Sau ba tháng giao du cặn kẽ, một tối kia tôi được giữ lại ăn cơm gia đình. Ở đó tôi gặp một bà dì thay thế cho bà mẹ, hết sức chiều chuộng cô gái; nhưng chủ yếu tôi nhận thấy luôn luôn là tốt nếu lúc nào cũng chỉ nói dối một nửa. Tại bàn ăn còn có hai ông anh trai, cao lớn và khỏe mạnh như các gdéalats [đao phủ - tiếng Thổ], lại chính là những người làm nghề lái buôn thảm và đồ đồng Damas, ở Galatz. Rất may cho tôi, tôi rành Damas và nghề của họ còn hơn cả họ; tôi từng vẫn hay bán thảm cùng đồ đồng đẽo xứ ấy.

Trong bữa, tôi nói chuyện, tôi kể các câu chuyện và cảnh sống tại “Anadole”, và chủ yếu tôi dựa vào nỗi buồn mà thảm cùng đồ đồng Damas chứa đựng, ở đó người ta sử dụng, trong công việc thuần túy chân tay, để làm ra chúng, lũ trẻ con lên năm tuổi cùng những ông già gần như bị mù: lũ trẻ con, kiếm được hai météliks mỗi ngày (tức là mười xăng tim), mà chẳng hề, gần như thế, biết tuổi thơ nghĩa là như thế nào, và bước vào cuộc đời qua cánh cửa của khổ hình; còn các ông già, kiệt sức vì đói lả và không có quyền cả cho nghỉ ngơi lẫn sự an nhàn của tuổi già.

Những câu chuyện của tôi khiến quý cô vui thích và, do khía cạnh buồn của chúng, khiến nàng nhỏ lệ; nhưng những người khác thì mang tấm lòng chai sạn; họ chỉ giữ lại độc cái khía cạnh giai thoại của chúng. Tôi không thích vậy, không thích đến mức thiếu điều thì tôi đã bước trở lui; nhưng tôi nhớ ra vừa kịp lúc rằng tôi không tới ngôi nhà đó để cưới tất cả mọi người. Cô gái rất hợp sở thích của tôi, và nàng là người tôi muốn cưới.


Với nàng, các liên hệ của tôi chỉ gói gọn trong các câu chuyện và truyện kể.

Hai tháng sau bữa tối đầu tiên ấy, tôi có thể tự coi mình là người thân của gia đình. Tại ngôi nhà đó, gần như không có quan hệ với bên ngoài, ngự trị một bầu không khí gây ngạt thở, nhưng người duy nhất bị thiếu dưỡng khí ở đó là tạo vật vui tươi mà tôi yêu. Tối tối, tôi đến đó dăm ba tiếng với nàng, kể chuyện, nói những lời tếu táo, và thỉnh thoảng hát những khúc ca phương Đông, êm ả và đầy than van. Bà dì và ông bố thích lắm, nhưng cô gái thì mê tơi… Nàng muốn thêm nữa, lại thêm nữa…

Ông bố đã đuổi khỏi cửa hàng mọi người khách gây náo loạn, mọi ồn ào; và rất hiếm khi có những người mở cửa để gọi một món đồ. Rút lui vào phòng bên trong có cánh cửa gắn kính, bà dì, vốn dĩ là người hầu làm mọi việc trong nhà, khâu vá và trông coi cửa hàng, không được chiếu sáng mấy nỗi, xuyên qua các bức rèm; quý cô thì thêu hoặc làm đồ đăng ten, trong lúc ông bố, nằm trên cái giường thụt vào hốc, ngủ lơ mơ, đôi khi rên rỉ và lắng nghe tôi nói. Ông ta ngu xuẩn như bò. Ngồi trên một cái sofa, gần ông ta, tôi kể cho ông ta nghe mọi thứ gì phù hợp với dự đồ của tôi, còn ông ta thì hốc hết sạch.

Bằng cách ấy, tôi đã dễ dàng nắm bắt được chỗ yếu của ông ta: ông ta cần một người đàn ông giỏi xoay xở để tiếp tục công việc kinh doanh, và ông ta đã thấy người đó ở nơi tôi. Ta cũng biết rằng người Rumani vốn dĩ rất kém khoản buôn bán; anh ta chỉ là nô lệ của đất. Vì ông ta muốn gả con gái cho một thương gia giỏi một ngành thương mại nào đó, và vì, mặt khác, chỉ có toàn người ngoại quốc thì mới có thể tiến hành một cách thành công, vào thời đó, những sự làm ăn dễ dàng và mang lại nhiều tiền, ông ta sung sướng vì được ở ngay trước mặt một người đồng bào rành rẽ công chuyện, biết nhiều thứ tiếng và có thể khuyên cả hai con trai ông ta, cũng ngu hệt ông ta; bởi vì, tự hỏi bằng cách nào mà mấy thằng đần đó kiếm được sản nghiệp lớn tới vậy, tôi vừa biết được rằng bà mẹ đã chết từng là một tài năng thương mại hạng nhất. Cô con gái sở hữu tính khí của bà; nhưng, kể từ khi mẹ nàng chết, cả ngôi nhà chìm đắm vào nỗi uể oải.

Sự xuất hiện của tôi đã mang tới cho nơi đó không khí để thở; mỗi người trong số năm nhân vật đều hít thở theo cách riêng. Ông già và hai đứa con trai - cứ hai tuần một lần, vào Chủ nhật, họ qua chơi - cười đùa như bọn xuẩn và làm tôi chết ngạt với những câu hỏi về kinh doanh của bọn họ, lúc nào cũng là kinh doanh. Nhằm thử thách sự trung thực của tôi, bọn họ đã chẳng tìm thấy cái gì khôn ngoan hơn là một lần nọ hỏi tôi một khoản tiền; một lần khác, giao cho tôi một khoản. Tôi khiến họ thỏa mãn cả hai lần, tự nhủ rằng, chắc chắn rồi, sự ngu xuẩn và tiền chắc là một cặp anh em sinh đôi. Vậy nên, ba kẻ đó chẳng khác nhau mấy tí.


Còn bà già, em gái của người quá cố, thì không cười, khóc thì lại còn ít hơn. Đổi lại bà ta thường gây khó chịu cho tôi bằng những câu hỏi về việc kinh doanh hiện tại. Thời gian đầu, tôi lảng tránh các câu hỏi của bà ta; bà ta bèn nghi tôi. Rồi, khi đã chiếm được lòng tin của ba thằng ngẫn kia, tôi trả lời dài hơn, rằng việc làm ăn của tôi đang tệ hại từ hai năm nay, vì thiếu một khoản vốn lớn. Cả ở đó tôi cũng chỉ nói dối một nửa, vì, đúng thế; nếu như mà tôi có được một món tiền lớn!… Hồi đó việc buôn bán khá khẩm nhất là đồ đồng ngoại quốc. Câu trả lời trông rất ổn, vì tôi chưa bao giờ nhận là mình giàu.

Nhưng niềm vui của trái tim tôi là sự gắn kết của nàng Tincoutza xinh đẹp. Nàng là người duy nhất hiểu tôi và yêu tôi, người duy nhất giúp tôi trụ được vững và lại còn hy vọng, nơi cái ngôi nhà của tuyệt vọng ấy.

Vốn dĩ là con người tự do và chẳng hề thích tiền, đã quen hít thở những luồng gió lớn của cuộc đời, chúng thổi tung các chướng khí của tự nhiên, tôi chỉ nấn ná lại ngôi nhà đó - nơi mọi thứ trở nên hư hại do thói ích kỷ và sự xuẩn ngốc - vì cái con người dồn hết sức lực để khao khát tự do.

Thông thường gần như chỉ có chúng tôi với nhau. Người ta đóng cửa hàng lúc trời tối. Bà dì thì đi ngủ; bà sớm đứng dậy. Và, khi đó - gần chỗ ông bố (khó mà biết, trừ căn cứ vào những tiếng rên rỉ, ông ta ngủ hay thức) - Tincoutza, cắm cúi xuống món đồ thêu, nói với tôi, với một cái nháy mắt làm máu trên người tôi đông cứng lại:

- Kể cho em chuyện gì đi, thưa ông Isvoranu: một chuyện gì thật buồn…

Ông bố hét lên:

- Không, không được buồn! Ta thấy rợn cả người…

- Được rồi, vậy thì một chuyện vui, nàng nói, vẻ sầu muộn.

- Tôi sẽ kể cho cô nghe một câu chuyện mà ai cũng thích, tôi đáp.

“Năm ngoái, tôi ở cùng đống hàng hóa của tôi tại một chợ phiên trên Jalomitza [con sông bên Rumani]. Cô cũng biết đấy, ở một hội chợ, đon đả với tất cả mọi người là cách hành xử khôn ngoan. Ta mau làm quen với nhiều người và cũng chóng tương đương, hết quen với họ, nhưng một người chuyên đi chợ phiên có nguy cơ gặp một kẻ chuyên chợ phiên khác còn thường hơn so với một người chết gặp vị giáo sĩ đã chôn cất anh ta…

- Kìa, nghe ma lanh đấy, ông già lẩm bẩm.

- Thế là tôi cứ theo đó mà làm, và sau đây là chuyện đã xảy đến với tôi hôm ấy. Từ ít lâu tôi quen một người chuyên chợ phiên tên là Trandafir, một người Di gan nhận rằng mình bán vòng đeo cổ, nhưng trên thực tế là đi phỉnh lũ người hám trò ba cây bài hay được gọi là: Nhà vua ở đây, nhà vua đâu rồi? Nói ngắn gọn, Trandafir là một kẻ ba trợn. Nhưng tên ba trợn ấy khiến tôi thấy thích. Với đống vòng vắt trên cánh tay, anh ta tới dựa lưng vào giá hàng của tôi, hút cối tẩu, chẳng nói chẳng rằng và cứ thế khạc nhổ cho đến lúc tôi ghê quá phải đuổi anh ta đi. Bấy giờ anh ta bèn hòa mình vào đám đông, hét to: “Vòng cổ đây! vòng cổ đây!” Nhưng mắt anh ta thì lùng sục các khuôn mặt nông dân tìm người thích hợp để trở thành khách hàng cho trò chơi của anh ta, và kẻ nào bước vào đó sẽ rỗng túi mà đi ra. Vì muốn khiến anh ta kiếm sống theo lối trung thực hơn, tôi từng có lần đề nghị với anh ta đổi nghề khác:

“- Gì cơ? anh ta đáp; cậu muốn tôi làm ăn chung với cậu à?

“- Không, tôi nói, tôi không thể làm ăn chung với cậu, nhưng tôi có thể giúp cậu trở thành salepgdi. Kiếm khá đấy.

“- Ồ! anh ta nói; kiếm khá đấy! Cái món Salep của cậu sẽ chẳng bao giờ khiến tôi kiếm được đủ tiền để có thể, cứ sáu tháng một lần, thêm một ducat mới vào cái vòng cổ xâu toàn ducat hoàng gia của nàng Miranda xinh đẹp, và vậy thì, bạn ơi, nàng ấy sẽ bỏ sang với một tay khác, vì, cậu cũng thấy đấy, tình yêu thì trăng gió lắm!…

“Tôi nhất trí rằng anh ta đúng: salep không mang lại các ducat, trong khi mà “ba cây bài” của anh ta… ừ thì! “ba cây” đã mang lại cho anh ta, vào cái ngày tôi đang nhắc đây, năm ducat trị giá mười hai franc, chỉ trong vòng chưa đầy một buổi chiều. Nhưng lần đó, mấy ducat tới kèm với một câu chuyện rất nhộn: tay nông dân trẻ tuổi bị luộc sạch sẽ không muốn buông Trandafir ra, và cả hai, sau một cuộc đuổi bắt như điên trên cánh đồng, đi tới chỗ tôi nhờ tôi làm trọng tài.

“Tay thanh niên bảo:

“- Nếu anh ta không muốn trả lại tiền cho tôi thì anh ta phải dạy nghề cho tôi; đúng, nghề của anh ta; tôi sẽ làm giống anh ta.

“Trandafir nhún vai:

“- Cậu này điên, cái tay cojane này! Béléa, béléa quá [tức là phiền phức].

“- Không, ông thân mến ơi, tay kia đáp; tiền, tiền của tôi, hoặc nghề của ông! Tôi cần quái gì phải trung thực; tôi sẽ làm giống anh!

“- Nhưng cậu không trung thực hơn so với tôi, Trandafir hét lên; cậu đã muốn kiếm tiền của tôi: tôi ma lanh hơn và kiếm được tiền của cậu, chỉ vậy mà thôi.

“- Phải, tay nông dân đồng ý, tôi đã không trung thực hơn anh nhiều cho lắm; vì chuyện ấy tôi để lại cho anh một ducat: đưa cho tôi bốn ducat còn lại đi. Bằng không, tôi sẽ nhảy xuống sông Jalomitza, và đó là một tội lỗi… Ở nhà tôi có một người vợ trẻ và chỉ một mình… Chúng tôi đã yêu nhau… Và năm ducat là toàn bộ món tài sản xâu vào vòng cổ của nàng. Tôi đã cầm chúng đi để mua hai con ngựa để cày bừa…

“Trandafir nhảy lên như bị hơ trên sắt nóng:

“- Thế nào cơ? Thằng đần kia, mày lột mấy ducat của vợ để mua ngựa à? A! mày không xứng có một người vợ với cái vòng cổ xâu nhiều ducat!

“- Nhưng làm gì đây? tay thanh niên than vãn.

“- Làm gì ấy hả? anh chàng Di gan hú lên, thì, phải đi ăn cắp trong vòng ba dặm quanh vùng của mày, nhưng để yên mấy ducat trên cổ vợ mày chứ!

“Rồi quay sang tôi, Trandafir nói:

“- Anh đã bao giờ thấy có tay Rumani nào ngu như thằng này chưa?…

“Nói đoạn, anh ta trở nên tư lự, hút thuốc và khạc nhổ. Tay nông dân đưa tay che lấy mặt mà khóc lóc. Thế rồi tôi chứng kiến điều sau đây: Trandafir quay về phía tay thanh niên, giật tay hắn xuống và, nhanh như chớp, cho hắn hai cái tát.

“- Tại sao ông đánh tôi? kẻ vừa ăn tát hét lên.

“- Bởi vì mày ngu… Tao không thích bọn đàn ông khóc lóc, anh chàng Di gan đáp, đảo cặp mắt đen như than lia lia giống con quỷ. Giờ, đây là năm ducat, đêm nay về vùng của máy luôn đi, nhưng đến tảng sáng thì đi ra đường lộ, cách làng một tầm súng bắn; tao sẽ mang hai con ngựa đến cho mày và sẽ còn tát mày thêm hai cái nữa… Ấy là để dạy cho mày thêm một lần là bao giờ cũng chỉ được động tay vào một cái vòng cổ xâu ducat của một phụ nữ đẹp để thêm ducat vào đó mà thôi.

“Sáu tháng sau cuộc phiêu lưu đó, tôi gặp Trandafir trên đường đi Nazîru. Anh cưỡi ngựa, tôi thì đi xe. Gặp nhau, tôi hỏi anh:

“- Anh đã giữ lời chứ, Trandafir?

“- Phải, anh đáp; tôi đã mang cho hắn hai con ngựa cùng hai cái tát.”

*
*       *

Trong khi tôi kể chuyện, ông bố đã ngủ thiếp đi, nhưng Tincoutza thì xúc động hơn bao giờ hết. Chính lúc ấy tôi thấy mình, lần đầu tiên trong đời, chỉ một mình trước một thiếu nữ xinh đẹp đang nhìn tôi bằng cặp mắt tình yêu, ẩm ướt, lấp lánh sáng. Ngả người về tôi, nàng cầm tay tôi và nói, giọng êm ái hơn cả những cái dây đàn violon:

- Nói cho em, thưa ông Isvoranu: ông có thể nào yêu giống như Trandafir người Di gan hay chăng?…

Tôi sẽ không thể nói cho các cậu, bàn tay nàng thiêu cháy tôi hay làm tôi hóa băng giá, nhưng tôi biết mình đột nhiên hoảng sợ, mặt tôi quay ngoắt đi như thể tôi vừa ngã từ trên mái nhà xuống và, chẳng một hai gì nữa, vơ vội lấy mũ rồi chuồn thẳng.

Nàng đã coi chuyện ấy là một trò đùa của tôi, nàng cười thật lớn khi nhìn thấy tôi ngày hôm sau. Nhưng tôi thì thê thảm: nỗi sợ ở một mình với một phụ nữ lộ ra mãnh liệt hơn bao giờ hết. Toàn bộ niềm hy vọng tôi từng đặt vào sự cứu rỗi của một tình thân mật suốt nhiều tháng trời tan biến mất; tôi vẫn cứ, chỉ vậy thôi, là kẻ có tâm hồn què cụt.

Tuy vậy, giống người ta hay làm với lũ ngựa sợ lửa, tôi khởi sự nghĩ rằng nếu cứ không ngừng hơ lửa dưới mũi, hẳn rốt cuộc tôi cũng sẽ không còn thấy sợ nàng nữa. Ai mà biết đây? Chúng ta biết gì về bản tính con người? Kém hơn so với lũ vật!… Có lẽ nếu như mà tôi chế ngự được các giác quan biến thái của tôi, thuần hóa những bản năng đã trở nên mọi rợ, thì tôi sẽ có thể tìm lại được sự cân bằng. Nhưng để được thế, hẳn tôi cần tới lòng từ tâm của những con người, cùng sự ủng hộ của các hoàn cảnh. Cả những con người lẫn các hoàn cảnh đều đã không chấp nhận cứu lấy một người. Các hoàn cảnh biến tôi thành một kẻ nghèo khó, trong khi những con người thì chỉ nom thấy những gì mà sự ích kỷ nơi họ chỉ cho mà thấy. Kết quả là chúng ta đập đầu vào bức tường; nhưng người cần than van nhiều hơn cả là tôi đây.

Hẳn tôi đã chẳng hề muốn hỏi cưới Tincoutza trước khi chắc chắn rằng một khởi đầu của khỏi bệnh có thể được cảm thấy trong bản tính tôi; nhưng một kẻ tình địch đã dấn bước chiếm thế thượng phong và đẩy tôi vào thế nguy hiểm. Cô gái lớn tiếng tuyên bố không muốn lấy một ai khác, ngoài tôi, còn ông bố thì hỏi tôi nghĩ gì về chuyện ấy.

Tôi nghĩ gì hả? Chỉ riêng cái ý về hôn nhân đã ném tôi vào tất tật nỗi kinh hoàng địa ngục!… Tôi chẳng thể đáp lại gì… Tôi lảng chuyện, rối tinh rối mù… Tincoutza, cảm thấy niềm kiêu ngạo bị tổn thương, rớt những giọt nước mắt khiến tâm can tôi vò xé. Ông bố coi việc tôi bối rối là do tôi không phải “một người giàu”, thế nên ông an ủi tôi:

- Làm việc ở đây, rồi một ngày anh sẽ giàu!

Các cậu có nghe thấy không? Họ cứ tưởng tài sản là thứ mà tôi tìm kiếm tại nhà của họ cơ đấy.

Thế là, vực thẳm áp lại gần, tôi bèn đến gặp thẳng ông: tôi hỏi cưới Tincoutza. Nàng sung sướng quá, ngôi nhà tỉnh dậy khỏi nỗi uể oải, còn tôi, tôi cảm thấy mình đã tiêu rồi. Những ngày tiếp theo vụ xin cưới thật giống các giây phút cuối cùng của một tử tù. Tincoutza sáng ngời:

- Có phải vì nhiều cảm xúc quá nên anh đờ hết cả ra vậy không? một hôm nàng hỏi tôi; sao mà em hạnh phúc quá!

Cô thiếu nữ khốn khổ!

Nhằm tự làm cho mình trở nên ngây độn, tôi đùa cợt từ sáng chí tối; nhưng người ta thấy rõ chuyện không còn như trước nữa, và vào buổi tối hôm đính hôn chỉ thiếu chút nữa thì tôi ngất xỉu. Họ hàng có mặt hết sức rối trí vì điều đó; và, cũng như vị hôn thê của tôi, họ đổ nỗi bối rối của tôi cho cảm xúc. Người ta thúc đẩy tôi nói, người ta cầu xin tôi kể chuyện. Tôi lục tung trong óc nhưng chẳng tìm được gì. Nhưng ông linh mục thực hiện lễ trao nhẫn, sau khi nói lời chúc tụng của Nhà thờ, đã gợi ý cho tôi một giai thoại.

Chuyện là về công việc trên cánh đồng, và ông giáo sĩ phàn nàn rằng các công nhân của ông chế nhạo ông, bằng cách đi quá chậm. Tôi bèn nói, để bắt đầu vào chuyện:

- Nếu cha muốn bắt họ làm việc mau lẹ hơn, thì chỉ có một cách thôi, thưa cha.

- Cách gì vậy, con trai ta?

- Ấy là chửi rủa thật ghê vào, chửi giống một surugiu [người đánh xe] ấy.

- A! chúng ta không được chửi thề: đó là một tội lỗi.

- Vâng, đó là một tội lỗi, dĩ nhiên rồi, tôi tán thành, nhưng nó được giải trừ bởi cha tổng giám mục Bucarest, đối với mọi hoàn cảnh khi mà người ta không thể làm khác.

Ông giáo sĩ tỏ vẻ hoài nghi, nhưng những người ở đó thì kêu lên:

- Thế nào cơ? Kể đi, thế nào cơ? Kể đi!

- Ừ thì, chuyện là như sau: một hôm, cha tổng giám mục Bucarest phải tới một thành phố vì ngài hiện diện thì mới có thể cử được một lễ trọng. Người ta đưa đến cỗ xe tốt nhất, và Đức Ông lên xe. Nhưng tay surugiu đánh xe hết sức bất mãn, mặc cho món tiền thưởng lớn đợi sẵn: đấy là vì, như tất cả chúng ta đều biết, một surugiu không thể đánh xe ngựa nếu không chửi thề. Đối với anh ta, vung cây roi tít trên cao và chửi, cái đó còn bất di bất dịch hơn so với tiền thưởng, và surugiu của ngài tổng giám mục không đi ngược lại thông lệ. Vì sợ những sấm sét của ngài đại giáo sĩ, con người khốn khổ đó cắn chặt môi và chập chững đánh xe suốt ba tiếng trên đường, nhưng, khi tới đoạn phải đi qua một cái ghềnh, anh ta dừng khựng xe lại. Tức thở và đỏ mặt tía tai vì giận dữ như một con tôm luộc, anh ta bỏ dây cương bốn con ngựa rồi đợi, quyết tâm đòi bằng được quyền của mình. Ông tổng giám mục sốt ruột và, sau một lúc, thò đầu ra ngoài cửa, hỏi tại sao lại dừng. Surugiu liền bỏ mũ và nhún nhường giải thích:

“- Đấy là vì, Đức Ông cũng thấy đấy, lũ ngựa đã quen với những lời chửi rủa của surugiu và vì tôi không thể chửi, bởi đương có mặt Đấng Chí Thánh, chúng không còn nhận ra tôi nữa và từ chối đi qua kia.

“Ngài tổng giám mục bèn khuyên nhủ:

“- Anh hãy kêu lên với chúng: ‘Hi! hi! lũ ngựa tốt lành!…’

“Tay surugiu, rất ma mãnh, khẽ thì thào nhắc lại: ‘Hi! hi! lũ ngựa tốt lành!…’ Nhưng mấy con ngựa không chịu đi.

“- Không có cách nào khác ngoài chửi thì chúng mới chịu đi à? Đức Ông hỏi, ngài đã sốt ruột hết mức rồi.

“- Không ạ, thưa cha, con nói với cha rồi: lũ ngựa chỉ chịu đi nếu có lúa mạch và những câu chửi thề thôi!…

“- Ừ thì! ông thầy tu đáp, vậy con chửi đi, ta giải tội cho con!

“Tay surugiu nhảy bật lên trên ghế, tóm lấy dây cương, quật sợi roi dài bất tận và hét lên bằng một cái giọng làm người chết cũng phải sợ: Hi! hi! hi!… Tiên sư tổ cha Đồng Trinh!… Tất tật mọi hình thánh!… Mười bốn Phúc Âm!… Sáu mươi thánh lễ!… Mười hai tông đồ và bốn mươi thánh tử đạo của Nhà thờ!… Hi!… hi! hi!… Lũ ngựa ngoan, tiên sư Chúa và Thánh Linh!…

“Cỗ xe phóng vụt qua ghềnh như một con chim én. Trên bờ bên kia, ngài tổng giám mục lại thò đầu ra, nói với người đánh xe, lúc đó đang nhìn ngài vẻ đắc thắng:

“- Ngon cơm đấy, mấy con ngựa của anh, khá, nhưng chắc anh không được dạy dỗ kỹ càng về tôn giáo: không có mười bốn Phúc Âm, mà bốn; và hoàn toàn không phải sáu mươi thánh lễ, mà chỉ bảy thôi.

“- Cha nói đúng, thưa cha, nhưng con cũng biết đấy chứ; có điều, cha cũng thấy rồi: bốnbảy là những con số quá ngắn không đủ để chửi cho đúng đắn; thế cho nên, cánh xà ích bọn con phải làm hết sức mình để thu xếp tôn giáo cho hợp với những đòi hỏi của nghề nghiệp.”

Giai thoại ấy, vì sự cơn buồn cười mà nó gây ra, đặt ông giáo sĩ vào sự bối rối, còn tôi thì thoải mái hơn. Tincoutza rạng ngời và kiêu hãnh vì tôi.


A! tại sao mọi chuyện lại chẳng dừng lại ở đó? Hoặc giả, tại sao tôi lại không chuồn mất trước tấn thảm kịch? Bởi vì thảm kịch, dài, bất tận, xảy tới ba tuần sau đó - ba tuần của sự tra tấn ít được biết đến và khó lòng tin nổi, khi mà mỗi nụ hôn mà tôi nhận từ vị hôn thê với tôi dường là một lời khuyên vắt chân lên cổ mà bỏ chạy đi mất hút vào trong thế giới: thảm kịch đó khởi đầu với lễ cưới.

Giờ đây tôi đã tới chỗ của tội ác gớm ghê làm gãy gập cuộc đời tôi cùng cuộc đời nàng Tincoutza trong trắng; tôi đã đến, cậu Mikhaïl trung hậu của tôi ạ, với biến thái của tôi, bạo lực của tôi, hư hỏng của tôi, với mọi lời nguyền mà lũ thô lậu đi bằng hai chân thực hành dưới hình thức của phong hóa, tập tục, truyền thống - tiêm chất độc vào cuộc đời và đặt những người trong trắng vào vòng bạo chúa; bởi, cũng giống vị hôn thê trinh trắng của tôi, cả tôi cũng là một kẻ trong trắng, trong cái trường hợp bệnh hoạn của tôi đây.

Có lẽ cậu không biết, Mikhaïl ạ, chuyện là như thế nào. Cậu không biết rằng, ở chỗ chúng tôi, trong tiệc cưới, những người phụ nữ thuộc gia đình và thậm chí cả các phụ nữ xa lạ xâm chiếm phòng ngủ của cặp vợ chồng trẻ vài tiếng đồng hồ sau khi họ rút vào đó, đuổi họ sang một phòng khác, và bới lục giường ngủ để tìm chứng cứ không thể chối cãi của sự trinh trắng nơi cô vợ trẻ, cái chứng cứ mà đôi khi họ tưng bừng mang đi khoe với khách khứa đang ăn tiệc nơi phòng bên. Tôi từng thấy còn hơn thế nhiều: tôi đã trông thấy cái lá cờ ấy, treo ở đầu một thanh sào, trên con đường từ Pétroï dẫn tới Cazassou, bao quanh là một bầy con mụ bị ám, chúng hú hét xung quanh chiến lợi phẩm ghê tởm của mình; đi theo cùng bọn họ còn có một tay Di gan nỉ non đàn violon, và tảng sáng một ngày thứ Hai, mang “rượu đỏ” tới cho bà mẹ sung sướng của cô gái trinh bất hạnh.

Cậu có biết, Mikhaïl, điều gì mọi rợ hơn và đáng kinh tởm hơn nữa chăng? Có gì thuộc về biến thái hay suy thoái, bạo hành hay bạo lực, hư hỏng hay bạo dâm mà lại phi nhân tính hơn, tàn nhẫn hơn và khủng khiếp hơn cái niềm vui ấy, cái cảnh tượng ấy, cái cách thức đồi bại và đáng xấu hổ ấy?…

Tôi, thì tôi có biết… Tôi biết toàn bộ cái đó khi ngày cưới đến. Không chỉ các tập tục đáng nôn mửa đó từng luôn luôn làm tôi sôi lên; mà còn, vào giờ phút nguy hiểm ấy, khi các giác quan của tôi phản bội tôi thảm thê đến vậy, đối với tôi là chuyện sống còn ở chỗ phải đẩy xa, phải đẩy bắn ra cho quỷ cái cuộc hội giả trang chết chóc đó.

Tôi gọi ông bố và bà dì để nói chuyện với họ. Ông bố, dẫu rất thích cái tập tục rợn người kia, không quá mức khăng khăng, nhưng bà già thì nhất quyết đòi phải tuân thủ nó, vì đó là một truyền thống của quốc gia, thứ canh giữ cho danh dự.

Chuyện dừng lại ở đó, và đám rước cưới khởi hành, một chiều Chủ nhật đẹp trời, với sự tráng lệ của thời ấy, về phía nhà thờ: tất cả mọi người đi bộ, trừ hai kỵ sĩ đi trước mở đường; theo chân là người mang hai cây đại lạp Matxcơva đặt nằm trên một cái khay to bằng bạc cẩn vàng; rồi đến tất tật khách khứa. Ra khỏi nhà thờ, mấy kỵ sĩ lại đi lên trước, bắn hết đạn trong súng, phất những chiếc khăn dài buộc vào cánh tay, rồi khiển dây cương cho nhảy nhót hai con ngựa bờm dài trang trí dải ruy băng và đính bạc. Trên khay giờ đây có bánh mì và muối truyền thống. Ngay sau đó, tôi lê bước, run lập cập vì sợ và vì nỗi khốn cùng, cây nến cầm tay và Tincoutza dựa vào mình; nàng thì sung sướng dưới đống tướng đồ điểm trang che khuất cả người. Sau lưng chúng tôi, đám rước, toàn bộ inh ỏi bởi mười hai nhạc công chơi bốn loại nhạc cụ: violon, đàn cobza, kèn clarinet và kèn cornet. Trên chặng đường, các phụ nữ đang từ suối về vẩy nước từ cofas của họ dưới chân những người đi rước, để chúc dồi dào thịnh vượng.

Tối đến, giờ định mệnh đã điểm, đối với tôi. Bên bàn có chừng hai chục người khách, tính cả họ hàng. Những lời tán tụng của đám chủ trò đám cưới khiến người ta vui sướng phát điên, và tôi cũng phải dự phần, đáp lại bằng những câu chuyện, cho các lời lẽ của thực khách. Một trong số bọn họ, vốn dĩ đầu óc đã phừng lên vì rượu, nảy ra cái ý tệ hại là kể bằng cách nào mà một lần, tại làng ông ta, một cô dâu mới, sau khi bị chồng phát hiện là lừa dối, bị anh ta đánh, ngay trong đêm tân hôn rồi, sáng hôm sau, anh ta quẳng cô lên cỗ xe, lưng quay về phía mấy con bò, mặt ngoảnh về sau, ở đó treo lủng lẳng trên đầu một cây gậy buộc cái bình đất nung thủng đáy, và cứ thế mà dẫn dệu mang trả cô về nhà bố mẹ.

Tôi nhìn sang Tincoutza: nàng tỏ vẻ bình thản, hết sức chắc chắn về sự trong trắng nơi nàng. Nhưng tôi thì phát hoảng mà kêu lên rằng chuyện xảy ra giữa hai vợ chồng nhà kia chẳng liên quan gì tới ai khác nữa, ngoài họ.

- Lát nữa chúng ta sẽ xem, điều đó có thật chẳng liên quan gì tới ai khác không! vài người thân đáp lại.

Quả thật, cái “lát nữa” ấy sao mà hay ho, vì, đúng nửa đêm, tôi nhận thấy những viên đạn nhỏ, bằng ruột bánh mì vê lại, từ khắp mọi hướng bắn chia chỉa vào tôi, đập vào mặt tôi, rồi thì các mẩu bánh, và sau vài phút, những miếng lớn.

- Gì thế hả? tôi hỏi.

- Thì, nghĩa là hai người phải đứng lên khỏi đây mà đi làm nghĩa vụ của hai người rồi đấy! bà mẹ đỡ đầu hét.

Tôi xin thề với các cậu, hai bạn của tôi, rằng tôi không hiểu; nhưng tôi đã hiểu, lúc bố đỡ đầu của tôi kéo riêng tôi ra, nói với tôi nghĩa vụ ở đây là gì. Trong khi ông nói với tôi, bà mẹ đỡ đầu cùng bà dì soạn sửa chăm chút cho Tincoutza trong phòng ngủ dành sẵn cho chúng tôi; rồi họ bước tới ôm hôn tôi, cùng cả ông bố nữa và, chẳng nói chẳng rằng, họ mở cửa đẩy tôi vào, rồi đóng cửa lại ngay sau lưng tôi.

Trong giây phút đó, một trong những giây phút bi thảm nhất đời tôi, tôi còn nhớ được là mình đã mơ hồ trông thấy cái đầu đẹp tuyệt diệu của Tincoutza đặt trên màu trắng của gối, mái tóc đen của nàng phủ khắp quanh mình, và vậy là hết cho tối hôm ấy. Tôi ngã lăn ra bất tỉnh ở giữa phòng!…

Trận sốt kịch liệt làm tôi bị mê sảng suốt hai mươi tư tiếng đồng hồ; tôi ốm tiếp hai tuần nữa sau đó. Tôi chẳng biết mình đã nói những gì trong trạng thái mất trí ấy, nhưng tôi biết chỉ có không nhiều người đến thăm tôi. Khi khỏi bệnh, tôi thấy mình đang ở giữa một thế giới thù địch. Bố vợ tôi cùng bà dì đòi tôi phải giải thích về nỗi xấu hổ mà tôi vừa bắt nhà của họ phải gánh chịu. Tôi thoát thân tạm thời bằng cách viện cớ rằng tôi bị trói [theo lòng tin dân gian, như vậy có nghĩa là bị phép phù thủy làm cho bị bất lực tạm thời]. Họ chẳng hề thương xót tôi một chút nào, và lại còn ghét tôi hơn nữa.

Kể từ khoảnh khắc ấy, và suốt trong vòng mười tháng, lòng căm hận và sự thù nghịch dựng lên trước tôi. Người ta giữ tôi xa khỏi mọi công chuyện; người ta không muốn giao cho tôi bất kỳ việc gì; người ta luôn luôn khóa tiền của lại cho thật chặt, cứ như thể tôi là một thằng ăn cắp vậy. Nếu chỉ dùng các phương tiện riêng thì tôi không thể làm gì - ngoại trừ trở thành salepgdi - bởi tiền của tôi, tôi đã tiêu gần như hết sạch để mua đồ sính lễ cho đám cưới. Và thế là bắt đầu cái cuộc sống khủng khiếp tận ngày hôm nay vẫn còn khiến tôi hãi hùng.

*
*       *

Tôi sẽ chẳng thể nào kể cho các cậu thật chi tiết được; tôi sẽ thấy nặng nề quá mức…

Bị giam hãm trong ngôi nhà bất hạnh đó, chỉ rất hiếm khi, và cũng chỉ ban đêm, tôi mới dám đặt chân ra ngoài phố. Thậm chí người ta còn cấm chỉ tôi xuống đến cửa hàng. Chẳng ai tới thăm… Không mối quan hệ nào… Không việc làm… Mọi điều mà tôi nói, mọi thứ gì tôi đề xuất, đều tồi tệ… Ở bàn người ta cứ như thể bị câm điếc… Và tôi, đi giày to tướng và chỉ vận độc áo sơ mi, tôi đi vơ vẩn từ phòng này sang phòng khác như một món ký sinh, như một thằng dại, hoặc như vài khách ở trọ khác.

Hai ông anh rể Chủ nhật nào cũng qua nhà. Tôi bảo họ đưa tôi tới Galatz cho công việc làm ăn của họ, mà tôi cũng có đôi chút hiểu biết. Họ nói với tôi về chuyện ly dị. Và, quả thật, chắc các cậu sẽ nói, hẳn đó là giải pháp khôn ngoan hơn cả. - Nhưng không hề.

Vợ tôi, kể từ đám cưới, đã hoàn toàn tách khỏi gia đình nàng. Giờ đây cả cuộc đời nàng đã bắt rễ vào cuộc đời tôi, vào cái cuộc đời thảm hại và què cụt này đây. Không rơi lệ và cũng chẳng hận thù, nàng đã chấp nhận điều bất hạnh với một lòng can đảm không ngờ; nàng thành thực tin rằng chắc tôi bị trói bởi tay một mụ phù thủy, và nhiệt tâm cầu Chúa lòng lành tiêu diệt quỷ dữ, chữa khỏi cho chồng nàng, mà nàng rất yêu mặc cho sự khiếm khuyết.

Bị nhốt lại cùng nhau, chúng tôi qua ngày tháng trong những cuộc mặt đối mặt bất tận và với một tình trìu mến không giới hạn. Tôi xin nàng tha lỗi cho tôi… Nàng đáp rằng nàng chẳng hề thấy tôi sai trong bất cứ điều gì. Ôi! làm sao mà tôi có thể quên được đây, tạo vật con người duy nhất từng hiểu tôi và đem lòng xót thương tôi? Và ai đây có thể cầm chắc được rằng, nếu không có lòng thù hận đánh thuốc độc chúng tôi, tôi đã chẳng trở thành người chồng và người đàn ông bình thường, điều mà tôi khát khao bằng tất tật sức lực?… Tôi đã không còn rụt rè đến mức như ở khởi đầu, tôi không còn thấy sợ vợ tôi nữa, không còn cái nỗi hãi hùng kia, nó từng làm đông cứng máu trên người tôi lại ở ngay những động chạm đầu tiên. Thậm chí có các khoảnh khắc trong đó những ham muốn mơ hồ, những thức dậy yếu ớt, những xung năng nhục cảm nho nhỏ chạy râm ran trong người tôi và làm tôi đỏ mặt, lúc nàng ôm lấy tôi, vuốt ve tôi, đảm bảo với tôi về tình yêu của nàng.

Nhưng những gì tình yêu khó nhọc mới tạo ra được, thì lòng thù hận phá hủy chỉ trong giây lát, và đó chính là điều mà tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho các con người. Sáng nào cũng vậy, tôi chỉ vừa ra khỏi phòng là hai con chim lợn của chúng tôi đã lao vào người phụ nữ khốn khổ mà hỏi đã xảy ra chuyện gì chưa. Vì nàng không chịu nói, lũ nhà đòn đáng nguyền rủa kia liền lao ập xuống nàng với những lời khuyên về chia tay của bọn họ, và tra tấn nàng đến tận chỗ phát tuyệt vọng.

Cuộc nện búa và sự tàn phá một cách hệ thống ấy, hướng vào chút ít ỏi mà tự nhiên tìm cách tái xây dựng, kéo dài mười tháng trời. Chúng tôi chết ngạt. Hai tên đao phủ Galatz thì bắt đầu trở nên gây hấn: bọn họ sỉ nhục tôi và ra lệnh cho tôi thuyết phục vợ tôi phải bỏ tôi. Chẳng còn cách nào nữa. Nép chặt vào nhau, chúng tôi thường từ chối xuống bàn ăn, chúng tôi qua nhiều ngày với chỉ một bữa, và đột nhiên chúng tôi thấy hiện ra trước suy nghĩ cái ý tưởng chạy trốn khỏi đó.

Nàng hỏi tôi có kiếm sống để nuôi chúng tôi được không, với chút ít tiền còn lại, và trước câu trả lời rực lửa của tôi về tương lai thuần tự do và tình yêu mà tôi có khả năng mở ra cho nàng, cách xa cái ngôi nhà chết chóc ấy, những giọt nước mắt hạnh phúc trào ra từ mắt nàng. Ôm chầm lấy nhau như hai anh em bị lạc vào trong một thế giới thù địch, mặt mũi quần áo chúng tôi tèm nhem nước mắt của chính chúng tôi, và chúng tôi đã sống qua những giờ của ân sủng mạnh mẽ nhất mà người ta từng có bao giờ được nếm trải trên cõi đời này.

Nhưng những giờ đó cũng là những giờ cuối cùng chúng tôi được sống với nhau. Cơn sóng lừng của lòng căm hận con người xáp lại gần.

Đó là quãng cuối tháng Hai… Chúng tôi đã lên kế hoạch kỹ càng: đợi thêm một tháng, rồi, cuối tháng Ba, bỏ trốn trên một thuyền buồm đi Stamboul.

Nhưng từ vài hôm chúng tôi để ý thấy có một sự thay đổi đặc biệt nơi thái độ hai bạo chúa của chúng tôi: đột nhiên bọn họ ngừng vào thăm vợ tôi buổi sáng, bọn họ không khủng bố nàng nữa, và với tôi, một tối nọ lão già nói rằng tôi có thể ra vào nhà tùy ý. Tôi ngây cả người ra!… Tôi chạy bổ đi tìm Tincoutza, nhưng nàng òa lên khóc:

- Em nghĩ đang có một nỗi bất hạnh rình sẵn chúng ta! nàng bảo tôi. Em đã có những giấc mộng dữ: em nhìn thấy anh vào ban đêm, vây quanh là nhiều trẻ con đang khóc, còn em, em mang trên người rất nhiều vàng và đá quý điểm trang… Tệ lắm đấy. Đừng đi ra ngoài!… Ai mà biết chuyện gì có thể xảy đến với anh?… Chúng ta chịu đựng sự giam cầm này được mười tháng rồi; âu là ta cứ chịu thêm vài tuần nữa!…

Nghe nàng nói vậy, tôi thấy như có một con dao găm cắm vào tim tôi, người tôi run lên bần bật; nhưng, các bạn trung hậu của tôi ạ, phần số của con người được viết từ trước hết rồi. Ngày hôm sau, buổi sáng mùa đông rạng ngời bình lặng… Tuyết dày ba gang tay phủ lên thế giới tấm vải liệm vô nhiễm của nó và những cái chuông xe kéo đi trên tuyết, bay lượn mọi hướng, làm cho bầu không khí ngập tràn tiếng rung đầy hoài nhớ. Tôi ở bên cửa sổ và thấy như thể những bức tường đang đổ sập lên tôi. Tôi hãi quá!… Một cái lực gì không sao cưỡng nổi đang gọi tôi ngoài kia, về phía bên ngoài kia, vốn dĩ nó là chuyển động, là sống, là bí ẩn đường bệ của tồn tại tự do mà tôi không còn biết nữa đã từ gần một năm nay. Tôi quỳ phủ phục xuống chân vợ tôi và cầu xin nàng để cho tôi ra ngoài một tiếng, nửa tiếng, năm phút, ngoài những bức tường, những cái mái nhà, ngoài nỗi khốn cùng!…

Nàng nghe tôi nói và cho phép tôi, khuyên tôi mang theo con dao cùng hai khẩu súng, và bảo tôi nhất định đừng để cho bất kỳ kẻ nào lại gần mình. Tôi hôn giày nàng, mặc áo lông, đội mũ astrakan, và đi xuống cửa hàng.

A! đó chính là cú tiêu đời của tôi cũng như của nàng Tincoutza khốn khổ!… Đó là cú tiêu đời của chúng tôi nhưng không phải là ngay lập tức, vì đã chẳng gì xảy đến với tôi, sáng hôm ấy và cũng không có gì vào những chuyến tôi ra ngoài trong buổi chiều và ngày hôm sau; nhưng chắc chắn là vào một trong những lần tôi đi ngang qua cửa hiệu và bị nhận ra bởi con mắt phản phúc của lão già trốn đằng sau cánh cửa nào đó để mà lột mặt nạ tôi!…

Buổi tối cái hôm Chủ nhật cuối cùng tôi ở trong ngôi nhà ấy - khi trở vào, hai mắt ngập đầy vẻ uy nghi của sông Danube đang chuyên chở những tảng băng đá to lớn của nó - tôi ôm hôn lần cuối cùng người phụ nữ trong vòng mười tháng đã là người dịu dàng nhất trong số những người vợ và là người thuần khiết nhất trong số các trinh nữ.

Chúng tôi thật bình thản… Nhưng khi xuống nhà để ăn tối, có một trọng lượng bi thảm khiến mặt chúng tôi dài thuỗn ra và làm chúng tôi chỉ chực khóc. Nàng hỏi, vào cuối bữa:

- Tại sao không thấy hai anh đâu?

- Chúng sắp đến rồi đấy, ông bố đáp.

Chúng tôi châm thuốc narguilé để hút và uống cà phê Thổ. Bên ngoài, là màn đêm và nỗi im lìm… Đã bắt đầu khuya khoắt. Đột nhiên, bắt chợt một ánh mắt chở nhiều ý nghĩa giữa ông bố và bà dì, Tincoutza òa khóc nức nở.

Đúng lúc đó, cánh cửa cọt kẹt mở ra và hai ông anh, đen tối như những kẻ chuyên hành hình, hiện ra, dẫn theo một người, mới chỉ nhìn thấy người ấy thôi tôi đã nhợt nhạt mặt mày.

Đó là một người Hy Lạp trước kia từng là bạn tôi, và lão đến để làm chỉ điểm, để làm tên tội phạm.


Cả ba đứng đó trước cánh cửa mở, lời đầu tiên, và chỉ có vậy cho toàn bộ cuộc chào hỏi, là của kẻ phản bội. Giơ tay trỏ vào tôi, lão nói, bằng tiếng Rumani:

- Kia ấy hả, ông Isvoranu của các anh?… Tôi hiểu rằng anh ta bị trói; kia là Stavro, tay salepgdi và là tên p…

Tới cái từ cuối cùng đó, vốn dĩ là từ gọi tên thói tật của tôi cũng như của lão, Tincoutza hét lên một tiếng và ngã lăn xuống đất, còn tôi thì…

Bị tóm chặt lấy bởi sự tàn nhẫn và cơn trả thù của mấy ông anh rể, tôi bị lôi vào cửa hàng, bị đạp, bị đánh vào đầu, vào mặt, vào ngực, cho đến lúc tôi ngất đi. Rồi…

Rồi tôi tỉnh dậy, bên ngoài, trên tuyết, trước cửa sân khóa chặt, vốn dĩ nó dẫn ra một ngõ cụt. Tôi đóng băng lại… Tứ chi, ngực, đầu thì bầm giập… Giữa trời mùa đông lạnh như thế mà trên người tôi chỉ có độc cái áo sơ mi, đầu thì để trần.

Tôi thu hết sức lết đến nhà người Thổ từng cung cấp salep cho tôi mười tám tháng về trước, để xin tá túc; ông tiếp đón tôi như một Ki-tô hữu và chăm sóc cho tôi như một người anh em.

Bốn hôm sau, con người trung hậu ấy, chẳng hề hay biết mình đang nói chuyện với ai, thông báo cho tôi đang nằm trên cái giường của đau đớn, cái tin cả thành phố đang xôn xao lan truyền sáng hôm đó: Tincoutza vừa được những người Lipovtsi vớt lên bên tả ngạn sông Danube…

………

Kể từ bấy, ba mươi lăm năm đã trôi qua, và hằng năm, vào cái ngày định mệnh, tôi lại ra bờ sông Danube đang chuyên chở những khối băng đá của nó, cầu xin Tincoutza tha thứ vì sự lăng mạ tôi đã gây ra cho nàng.

Cả với cháu nữa, Adrien ạ, ta xin cháu tha thứ cho ta vì sự lăng mạ ta đã gây cho cháu…

*
*       *

Trên đường đi X… giữa hai cánh đồng trồng lúa mạch đen, chiếc xe chở ba người đi nước kiệu. Trước mắt con ngựa đang hắt hơi trong khí lạnh buổi sáng, sao mai lấp lánh trên cái vòm tía của phía mặt trời lên.

Một con chim chiền chiện bay vọt lên trời từ cánh đồng như mũi tên. Stavro đưa mắt dõi theo nó, cho đến lúc ông thấy nó rơi xuống trở lại như một viên sỏi; ánh mắt dán chặt vào cái nơi nó vừa biến mất, ông hát - bằng cái ngôn ngữ phổ quát ấy, mà những con người không tổ quốc đều biết, theo giai điệu không sao mà viết nổi xuống mặt giấy:

Nếu là chim chiền chiện,
Tôi cũng sẽ, giống nó, lao mình lên trời;
Nhưng tôi sẽ không xuống trái đất trở lại nữa đâu,
Dưới đó người ta gieo lúa mì
Dưới đó người ta gặt lúa mì
Dưới đó người ta gieo và gặt mà chẳng biết tại sao…






II

Kyra Kyralina


Trong khoảnh rừng lưa thưa nơi chiếc xe chở ba người đi chợ phiên dừng lại để ăn trưa, Stavro lờ mãi đi chưa chịu đáp ứng hai người đồng hành, từ một tiếng nay họ đòi ông kể chuyện về tuổi thơ ông cùng chị gái ông, mà ông đã nhắc tới hồi đầu câu chuyện trên tầng áp mái. Không phải là ông không muốn kể - vì tâm trạng ông giờ đây đã hoàn toàn sẵn sàng cho cuộc gợi nhớ xa xăm ấy - nhưng chuyện vẫn luôn luôn là vậy những khi nào người ta muốn động vào những đập ngăn hoen gỉ chặn lại dòng nước của quá khứ: sẽ rất tốt nếu bắt người khác phải nài nỉ một chút.

Nằm thượt ra trên nền rêu mềm của lùm cây, họ hút thuốc lá, còn con ngựa thì gặm cỏ và hít hà, đi líu ríu quanh họ. Stavro nhỏm dậy, quơ cành khô đốt một đống lửa; và chừng đã có than hồng rồi, ông ra chỗ xe lấy đồ pha cà phê, đun nước, và ném vào cái ibrik bằng đồng lượng đường cùng cà phê cần thiết. Sau đó, với tài năng của một cafédgi, ông đổ thứ chất lỏng nghi ngút khói thơm lừng vào ba cái tách không lót tròn, gọi là félidganes, mời hai người kia, gập chân lại ngồi xuống theo lối Thổ rồi bắt đầu:


Tôi không còn nhớ ngày tháng lẫn tuổi chính xác của tôi, hồi ấy. Nhưng tôi biết rằng sự kiện ở quanh quãng xảy ra tấn bi kịch là cuộc chiến tranh Crimée.

Lúc còn nhỏ xíu, tôi còn nhớ sự cục cằn của một ông bố hay đánh mẹ tôi, ngày ngày, mà tôi chẳng hiểu tại sao. Mẹ tôi hay vắng nhà, trở về và bị đánh, trước khi đi và sau khi về. Tôi không biết bà bị hành hạ lúc sắp đi để bắt bà phải đi hay nhằm giữ bà ở nhà, cũng như lúc về, thì là bởi bà đi vắng mất hay để bà không về nữa.

Tôi còn nhớ rằng vào khoảng thời gian rối mù đó, ở về phe bố tôi là người anh trai cả của tôi, cũng cứng rắn giống như ông, còn ở bên cạnh mẹ tôi là Kyra chị tôi, hơn tôi bốn tuổi, không ngừng than vãn, tôi bị chị tôi thu hút nhiều lắm.

Dần dà sương mù tan đi, tôi lớn lên và bắt đầu hiểu. Và tôi đã hiểu nhiều điều kỳ quái… Chắc tôi được tám hay chín tuổi; chị tôi thì mười hai, mười ba, và đẹp đến nỗi cả ngày tôi cứ quanh quẩn ở gần, để ngắm nhìn từ đầu xuống chân. Chị tôi điểm trang suốt, từ sáng chí tối, và mẹ tôi cũng vậy, vì bà cũng đẹp như con gái. Dùng một cái hộp gỗ mun, cả hai đứng trước gương, họ trang điểm cặp mắt bằng kinorosse nhúng dầu, hàng lông mày bằng một mẩu gỗ đầu nhọn đốt cháy thành than, còn môi và gò má, họ thoa đỏ chúng bằng son kîmîz, cũng như những móng tay. Và chừng cái công việc dài dặc ấy đã xong xuôi, họ hôn nhau, nói với nhau những lời âu yếm, rồi bắt tay soạn sửa cho tôi. Rồi, ba chúng tôi, cầm tay nhau, chúng tôi nhảy múa theo điệu Thổ hoặc Hy Lạp, và chúng tôi hôn nhau. Bằng cách đó, chúng tôi tạo thành một gia đình riêng…

Giờ đây, ông bố và thằng anh cả không phải tối nào cũng sang nhà. Cả hai là thợ đóng xe, những người khéo léo thiện xảo nhất và được tìm kiếm nhiều nhất trong vùng; và xưởng của họ nằm trong khu Karakioï đầu bên kia thành phố, còn chúng tôi thì ở khu Tchétatzoué. Giữa chúng tôi và họ là cả thành phố. Ngôi nhà ở Karakioï thuộc về bố tôi. Ở đó ông ta có các thợ học việc, ông ta nuôi họ ăn ở, cùng một bà gia nhân già chăm nom nhà cửa. Tổng cộng họ có bảy người. Chúng tôi không bao giờ tới đó, và tôi gần như chẳng hề biết gì về cái xưởng của bố tôi, ông ta làm tôi sợ lắm. Trong khu Tchétatzoué, chúng tôi ở nhà mẹ tôi, suốt cả ngày chúng tôi không làm gì, chỉ vui chơi mà thôi. Mùa đông, chúng tôi uống trà, mùa hè thì các loại nước xi rô, và cả năm chúng tôi ăn cadaïfs, rồi thì saraïliés [bánh ngọt Thổ] chúng tôi uống cà phê, chúng tôi hút thuốc narguilé, chúng tôi trang điểm và nhảy múa… Một cuộc sống mới tươi đẹp làm sao…


Phải, đó là một cuộc sống tươi đẹp, chỉ trừ những ngày ông bố hoặc thằng con trai ông ta, hoặc cũng có thể là cả hai, xuất hiện ở ngay giữa bữa tiệc và đánh đập bà mẹ, giáng những cú đấm lên Kyra, và đập gậy lên đầu tôi đến gãy cả gậy, vì giờ đây tôi cũng dự phần vào điệu nhảy. Bởi chúng tôi nói tiếng Thổ thành thạo, bọn họ gọi hai người phụ nữ là patchaouras [gái điếm] còn tôi thì bọn họ gọi là kitchouk pézévéngh [thằng ma cô nhỏ]. Hai phụ nữ bất hạnh kia quỳ phủ phục dưới chân các bạo chúa của họ, ôm tay vòng quanh chân bọn họ và cầu xin bọn họ tránh khuôn mặt ra:

- Đừng động vào mặt! họ hét lên; nhân danh Đức Chúa và Nữ Thánh Đồng Trinh, đừng đánh vào mặt!… Đừng động tới mắt!… Xin tha thứ!…

A! khuôn mặt, đôi mắt, vẻ đẹp của hai phụ nữ ấy!… chẳng có ai khác so nổi với họ đâu!… Họ có mái tóc bằng vàng, rơi dài xuống tận chân; nước da thì trắng; cặp lông mày, lông mi và đồng tử đen nhánh như gỗ mun. Bởi vì, trong số tổ tiên Rumani về phía mẹ tôi ba dòng giống đã ghép vào với nhau: Thổ, Nga và Hy Lạp, tùy thuộc những kẻ chiếm đóng từng có mặt tại đất nước trong quá khứ.

Mười sáu tuổi, mẹ tôi sinh hạ đứa con đầu; nhưng khi tôi mở mắt chào đời, sẽ chẳng ai nghĩ được rằng bà đã là mẹ của ba đứa con… Và người đàn bà đó, vốn dĩ được sinh ra để hưởng âu yếm và hôn hít, đã bị đánh đến bật cả máu. Tuy nhiên, nếu bố tôi không trao bà những vuốt ve, thì các tình nhân của bà đền bù cho bà thật hào phóng; và chưa bao giờ tôi biết được rằng ở ban đầu thì mẹ tôi khởi sự lừa chồng trước rồi bị đánh, hay là bố tôi xử tệ với mẹ tôi để rồi bị lừa dối. Dẫu thế nào, tiệc tùng chưa từng bao giờ ngớt ở nhà chúng tôi, vì những tiếng la hét vì khoái lạc tiếp nối những la hét do đau đớn; và trận đòn chỉ vừa mới ngừng thôi là những tiếng cười đã bừng sáng trên những khuôn mặt còn lem nước mắt.

Còn tôi, tôi canh gác, vừa canh vừa ăn những cái bánh ngọt, trong lúc các khách chơi - vả lại cung cách của họ đường hoàng lắm - ngồi kiểu Thổ ở đó trên thảm, hát và khiến các phụ nữ nhảy múa, chơi cho họ nghe những giai điệu phương Đông trên một cây đàn ghi ta phụ họa ca ta nhét và một cái trống lục lạc. Mẹ tôi và Kyra, ăn vận toàn đồ lụa và đẫm mình trong khoái lạc, nhảy điệu khăn mùi xoa, quay ngoắt, xoay tròn, ngây ngất cả người ra. Rồi, mặt bừng lửa, họ gieo mình xuống những cái gối dựa lớn, giấu chân vào trong mấy cái váy dài mặc trên người, mà quạt mát. Mọi người uống những thứ rượu thanh nhã và đốt chất thơm. Đàn ông toàn trẻ trung và đẹp. Luôn luôn là những người da nâu, những người da đen; họ ăn vận lịch sự, ria mép vuốt nhọn hoắt, râu tỉa tót cẩn thận; và tóc, dẫu mượt hay xoăn, tỏa ra mùi dầu hạnh nhân tẩm xạ hương rất mạnh. Đó là những người Thổ, người Hy Lạp, và cả, hiếm hơn, những người Rumani, vì quốc tịch thì có vai trò gì đâu, với điều kiện phải trẻ và đẹp, thanh lịch, kín đáo và đừng sấn sổ quá.


Tôi ở vào hoàn cảnh thật ương… Cho tới tận lúc này tôi còn chưa hề kể với ai về cực hình tôi phải chịu hồi ấy.

Nhiệm vụ của tôi là gác, gồi trên bệ cửa sổ, lo sao để không có điều bất ngờ khó chịu nào xảy tới. Việc này tôi rất thích, bởi tôi căm ghét vô biên những người đàn ông bên Karakioï, bọn họ hay đánh đập chúng tôi. Nhưng trong lồng ngực tôi thì diễn ra một cuộc đấu vật khủng khiếp giữa nhiệm vụ và lòng ghen của tôi.

Tôi ghen, ghen dữ dội.

Ngôi nhà nằm trong cùng một cái sân rộng có tường bao quanh. Có những cửa sổ nhìn xuống cái sân ấy, rồi các cửa sổ khác, phía đằng sau, ngang tầm bờ của một khu đồi cao nhìn xuống bến cảng. Chỉ có thể đi vào nhà bằng lối vào duy nhất ở đối diện; nhưng để chuồn thì, Chúa ơi, dễ hơn nhiều, và nếu bờ ta luy của ngọn đồi mà biết nói, thì nó đã chẳng nhìn thấy biết bao nhiêu là con người từng trượt xuống triền dốc của nó!…

Ở lì bên cửa sổ, mắt tôi dõi chăm chăm vào ngọn đèn sáng suốt đêm, treo phía trên cửa, và tai thì dỏng lên để rình nghe tiếng bản lề gỉ sét kèn kẹt kêu.

Nhưng tôi cũng muốn để mắt cả đến bữa tiệc trong nhà nữa. Mẹ tôi và Kyra đẹp đến làm người ta phải phát điên, trong cái áo chẽn bó chặt “đến mức làm cho người chui lọt một cái nhẫn”, ngực phồng to như hai quả dưa; mái tóc rậm dài rũ rượi, chảy tràn trên lưng và hai bờ vai để trần; trán thì buộc một dải ruy băng đỏ chói, và những hàng lông mi dài chớp chớp quỷ dị, như để đốt bùng lên thành ngọn lửa từ cặp mắt cháy bừng vì ham muốn của họ.

Thường thì, trong cuộc chạy đua để làm đàn bà thích, trong những lời tán nhảm ngu muội của bọn họ, khách khứa trở nên thật lố bịch. Chính bằng cách ấy mà một tối nọ, một trong số bọn họ, bởi muốn khen ngợi mẹ tôi, nói rằng “gà mái già thì nấu cháo ngon”. Người phụ nữ, bị phật ý, ném cái quạt cầm tay vào đầu hắn, và khóc. Một người khách khác tức giận đứng dậy, tặng cho kẻ vụng về một tifla và nhổ vào mặt hắn. Họ túm lấy cổ áo nhau, làm náo loạn trong nhà, xô đổ những bình narguilé. Chuyện ấy làm chúng tôi cười đến chảy cả nước mắt. Để tạo hòa khí, mẹ tôi ôm lấy họ mà hôn.

Nhưng những cái ôm đó, những nụ hôn đó, đối với bà là một cách thức dùng để thưởng cho rất nhiều điều khác nhau. Cho một giọng hát hay, một câu đùa vui, một trò chơi, bà trao các nụ hôn; và bà cũng hôn những lúc nào cần phải làm vui cho một người đang hờn dỗi, xóa bỏ đi ấn tượng của một lời nói gây tổn thương, giúp trấn tĩnh một kẻ điên rồ ghen quá, hay cất bỏ nỗi hoang mang của một tên xuẩn.

Kyra, về phần mình,





(còn nữa)

13 comments:

  1. hấp dẫn lắm. những đứa con như này của cựu thánh thư - những cuốn đã thất lạc hoặc bị cấm cửa.

    ReplyDelete
  2. Đến bây giờ người Do Thái vẫn nói tiếng Hy Lạp, Armenia bên cạnh Aramaic và Hebrew chứ nhỉ?

    ReplyDelete
  3. Cháu đọc các thể loại văn học một thời gian tương đối dài. Đây là lần đầu tiên cháu nghe đến “văn chương ma cà bông”. Đọc vào rồi thì thấy khoái vì vừa với kích cỡ vòng đầu của cháu. Cũng như Adrien cháu thích ông Starvo và «lạy chúa lòng lành» mẹ cháu cũng có cái kiểu i như bà mẹ của Adrien.

    ReplyDelete

  4. - Cháu, cháu í, cháu cũng muốn biết chú, chú í, chú NL í, chú còn trẻ không, hay già rồi :p

    ReplyDelete
  5. già, già lụ khụ, già như Mathusalem, già như thế giới

    ReplyDelete
  6. Mathusalem thì ngon, ikke blir «gammel som Metusalem»

    ReplyDelete
  7. rất thuyết phục, rằng cái thế gian này chỉ là một "nỗi buồn mà thảm và đồ đồng Damas chứa đựng"!

    ReplyDelete
  8. Bóng dáng của rất nhiều hiền mẫu và vấn đề giáo dục con cái ở xứ ta cũng nằm ở đây: “nhìn mà xem, các bạn, những bà mẹ đều giống nhau hết: họ muốn làm sống lại dưới lớp da đám con của họ những khoái thú nhỏ nhoi tội nghiệp của họ, cũng như các phiền muộn chán phè của họ.”

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi cũng có cảm nghĩ như bạn khi tôi đọc Chương “Mẹ con trò chuyện” trong q. Istanbul của Orhan Pamuk

      Delete
  9. tiếp tục - những câu chuyện mà Stavro kể

    ReplyDelete