Sep 3, 2019

Bộ hành Paris

(đã tiếp tục "Tờ báo, quyển tạp chí, cuốn sách" - sắp đầy đủ rồi, và cũng tiếp tục post "ý")

tiếp tục câu chuyện ởkia

(cũng xem ởkia)

Sau một số thành phố, giờ đến Paris: Paris của Léon-Paul Fargue (rất có thể đó là một Paris rất khác so với bây giờ):





Bộ hành Paris

Léon-Paul Fargue




Khu phố của tôi


Từ nhiều năm nay tôi mơ mình viết một “Lược đồ Paris” cho những ai nghỉ ngơi hết cỡ, tức là những người dạo chơi có thời gian để mất mà lại yêu Paris. Và đã nhiều năm nay tôi tự hứa sẽ khởi sự chuyến đi ấy bằng một cuộc xem xét khu phố của tôi, từ Ga Bắc và Ga Đông tới La Chapelle, không chỉ vì chúng tôi không rời khỏi nhau nữa từ khoảng ba mươi lăm nay, mà còn bởi nó có một diện mạo đặc biệt, và nếu nó được biết đến thì tốt hơn.

Cách đây ba lăm năm, ở đây người ta còn đốt những cái lò bốc mùi quần đàn ông và mùi đầu tàu xe lửa cũ, các lò chẳng nóng mấy, nhưng nổi tiếng nơi thế giới thảm hại, quanh chúng đám nhếch nhác của phân khu Ngoài-Vòng-Pháp-Luật-Ráo-Cả tụ tập với nhau giống lũ ruồi quanh một mẩu pho mát Munster. Đó là thời Bruant hay hát và khiến người ta hát:


Mais l’ quartier d’venait trop rupin.
Tous les sans l’ sou, tous les sans-pain
Radinaient tous, mêm’ ceux d’ Grenelle,
A la Chapelle.
Et v’là pourquoi qu’ l’hiver suivant
On n’ nous a pus foutu qu’ du vent,
Et l’ vent n’est pas chaud, quand i’ gèle,
A la Chapelle…

[Aristide Bruant là một nhạc sĩ “cabaret” rất nổi tiếng một thời; hình ảnh Bruant cũng được bất tử hóa trong một bức tranh (dạng “poster”) của Toulouse Lautrec; bài trên đây tốt nhất để yên không dịch ra, vì nó có ngôn ngữ quá đặc thù; ý chính của bài hát là khu phố trở nên giàu quá nên tất cả những ai nghèo đều đi đến La Chapelle, thế rồi mùa đông sau đó chỉ có toàn gió lạnh; Bruant cũng như một số yếu tố khác rất đặc trưng cho cuộc sống “bohême” một thời - Léon-Paul Fargue muốn thuật lại chính cái thế giới ấy]

Dạng ngôn ngữ ấy đã biến mất. Ngày nay, đám thanh niên La Chapelle và thiếu nữ phố Flandre, hoặc của những khu dị thường mà Hành Chính đã đặt tên là Mỹ Châu và Chiến Đấu, hát giống máy quay đĩa. Nhờ đài radio và đĩa hát, quận mười chín thật giống, vào năm 1938, với các quận khác. Tụi bán lòng mề, tụi luật sư hay chơi trò trả góp trong lĩnh vực ly hôn, tụi ma cô dắt gái được món lô đề vặt “Nationale” làm cho dần dà giàu, những diễn viên phụ của Bouffes du Nord [nhà hát], đám nhân viên chuyên phục vụ đường sông, lũ lái buôn rượu trên ke Oise và thợ sửa ô tô quảng trường Joinville chỉ chăm chăm cho tiện nghi, và chẳng buồn nghe Faust hay Giao hưởng số 9, khi mà cái loa trơn tru và mập mạp của bọn họ mửa ra thứ âm nhạc hay ho.

Trái ngược với một truyền thuyết bơm vào trong óc đám trẻ ranh chăm học từ miệng lũ bố suốt đời ở dịt nhà, La Chapelle vừa không phải một khu phố của tội ác, lại chẳng phải một khu phố đầy rệp. Mà đó là một chốn duyên dáng, thậm chí còn nghiêm túc. Nhưng là nghiêm túc theo cái nghĩa áp dụng cùng từ đó cho một chai vang bourgogne, một đĩa cassoulet hoặc một miếng brie Melun. Đó là một món nghiêm túc.

Một chứng cứ cho phẩm hạnh ấy được cung cấp cho chúng ta từ phía các nàng tình nhân bourgeois mà lũ chủ giàu hay đại diện của trung tâm Paris tới để kiếm, tại La Chapelle hoặc thấp hơn một chút, quanh Ga Bắc và Ga Đông, tại các quán ăn cho dân sành, tại những quán rượu kín đáo và thật rộng nơi tình yêu được chế ra nhằm tạo cảm hứng cả cho Bourget, Steinlen lẫn Kurt Weil. Những cô tình nhân điểm trang bằng nhẫn to bự và dây chuyền, để tang khi nào người tình của họ mất đi một ông nội hay ông ngoại, với cặp vú lừng lững gợi lên cả một chuỗi trầm tư hướng về tình mẫu tử tưởng tượng. Những cô tình nhân nghiêm túc.

Tất nhiên, khu phố cũng là khu cho các phụ nữ của đám “sidis”, những tên chuyên đánh lộn chỉ có thể nhìn rõ đối thủ nếu nhắm hờ mắt lại, lũ hay đi tìm các “corridas” rải rác theo quán xá dọc những bức tường lớn trên phố Tanger hoặc kênh Ourcq, mà cánh lái buôn than cho các môn thể thao mùa đông đã chiếm cứ, đặt tên, nhận nuôi, mang tới cho mấy cái ngõ những cái tên lừng danh của họ viết trên túi. Nhưng thảm động vật đó chỉ tầm gửi.

Nó định cư ở La Chapelle, hoặc La Villette. Nó được tái tạo trong bầu không khí ẩm và mù khói của kênh Saint-Martin, trong thứ nước ứa ra từ các lò mổ, vì những nguyên do dẫn những người bourgeois đi đến chỗ tránh xa vẻ tươi đẹp của quận mười chín.

Tôi nuôi một tình dịu dàng đặc biệt với chốn này của Paris, là vì tôi đã gần như sinh ra ở đó. Tôi lên bốn tuổi thì bố tôi đến sống ở La Chapelle, cái nơi ngày nay có rạp xi nê “Capitole”, và tại đó thiếu điều ông đã nên cơ nghiệp nhờ bán “loại bút kỳ diệu không cần mực mà vẫn viết được”, báo trước cho bút máy, cũng như nhờ đưa ra thị trường một phương pháp hóa học mới để xử lý ngọc trai nhiều màu. Tôi đã quay trở lại quận mười, sau khi biết tới phố Colisée, để vào trường collège Rollin, nơi tôi gặp [Henri] Barbusse, một học sinh giỏi. Chúng tôi sống trên phố Dunkerque.

Trước khi quay về khu phố khổng lồ, đồ sộ ấy, tãi ra nhờ hai nhà ga, chúng tôi đã qua Passy. Nhưng, lần thứ hai, chúng tôi định cư hẳn tại quận mười. Một dạng dục vọng đưa chúng tôi đến đó, đại lộ Magenta, rồi khu faubourg Saint-Martin, và hẳn tôi vẫn còn ở đó nếu công ty Compagnie de l’Est không tống cổ chúng tôi đi rồi khiến chúng tôi phải ngược phố Château-Landon, tới La Chapelle, tại cái rạp xiếc đông nhung nhúc và ồn ĩ nơi sắt thép trộn lẫn với con người, tàu hỏa với xe taxi, gia cầm với lính tráng. Một vùng đất thì đúng hơn là một quận, được hình thành nhờ các dòng kênh, nhà máy, rồi Les Buttes-Chaumont, bến cảng La Villette, rất thân thuộc với những họa sĩ già chuyên vẽ tranh màu nước…

Vương quốc đó, một trong những vương quốc giàu có nhất của Paris về phương diện nhà tắm công cộng nơi người ta phải đợi giống ở chỗ nha sĩ, bị thống trị bên dưới một đường tàu điện ngầm trên không, đeo vương miện cho nó như một mảnh che trán ngựa. Về phía Bắc, phố Aubervilliers khởi hành như một phiên chợ dài, đầy cửa hiệu tới mức oằn cả xuống. Những người bán chân giò lợn, đăng ten, mũ cát két, pho mát, xa lát, mấy món tạp pí lù, rau chân vịt nấu sẵn, săm xe đạp cũ xếp ngổn ngang, trộn lẫn, hỗn độn, trông thật giống các yếu tố một món đồ Meccano ác mộng. Ở đó có thể tìm được trứng giá sáu xu, xẩu bò “tranh thủ”, miếng brie bị một cô thợ vứt vội lại do bị gọi đến Charonne phục vụ đám cưới và, đôi khi, một con cáo ánh bạc chẳng còn lại gì nhiều nhặn ngoài bộ lông hoẻn, cái thứ khởi sự, với giá mười sáu franc mỗi tháng, một cuộc tồn tại bồng bềnh trên các cặp vai rất nhiều tính cách “lối đi lớn trong Rừng”.

Tiếng ồn của tuyến tàu Dauphine-Nation, thật giống tiếng than thở của khinh khí cầu, đi cùng người lữ khách cho tới những khu phố vây bọc giữa các ống khói nhà máy ấy, rồi thì những hồ kẽm nơi phố Aubervilliers ném mình vào như một dòng sông véc ni. Tiếng nỉ non những đoàn tàu đi lạc làm nên nền tảng cho phong cảnh. Vào mọi giờ trong ngày, các toán công nhân đi tới đi lui dọc theo những quán cà phê lúp xúp nơi người ta có thể “mang đồ ăn vào”, để bọn trẻ con lại “trong vòng một tiếng”, và đôi khi ngủ mà chẳng gọi đồ gì.

Giá cả ở đây chắc chắn thấp hơn so với mọi nơi nào khác, nhưng đám chủ cửa hàng rất thù trò bán chịu. Từ đó, hẳn vậy, mà có bí mật những món đồ nguội của bọn họ cùng những chiếc Renault rất mực ngoan ngoãn mà người ta đưa đi chơi ngày Chủ nhật, vừa để trưng chúng ra lại cũng vừa để cho chúng chạy nữa. Hẳn còn có thể tranh luận về sự phù phiếm của người La Chapelle. Đó là một khu phố thuần khiết, cả giàu có lẫn chật chội, kẻ thù của Chúa và của thói snob. Khách du lịch dừng chân trước nhà thờ duyên dáng trên quảng trường Joinville, rất có màu sắc Florence, và những kẻ ưa đánh chén tới lui các phố nhằm tìm cho ra một quán ăn nhỏ, thảy đều làm nở ra cùng cái nụ cười khinh miệt trên khuôn mặt những thổ địa…

Các quán ăn, phải tìm ở La Villette. Vả lại chúng được chỉ dẫn trong những cuốn sách hay. Về phần những “thắng cảnh du lịch”, nếu kênh Ourcq, vốn dĩ trải rộng và ngủ giống một bể bơi giữa các bờ ke của sông Marne và sông Oise, không biến lữ khách trở nên thơ mộng, thì ấy là bởi quá khó để thưởng thức một phong cảnh nửa Hà Lan nửa Rhin. Con kênh ấy đối với tôi là Versailles và Marseille của lãnh thổ kiêu ngạo và hùng mạnh kia. Nghệ thuật chẳng mấy liều chân tới đó, và thế nhưng mọi học trò của Marquet và của Utrillo hẳn phải chọn đó làm nơi ở.

Ở đó có một hỗn hợp của những khách sạn nhỏ lảo đảo và dễ mến, những giá chất bao tải, những đội thủy thủ nằm ngủ, những trình diễn của nghề thợ nề hay nghề giặt, một nghiệp đoàn các tay bợm Rotterdam, Turin, Toulouse, Dijon, Strasbourg, một bảng xếp hạng những con thuyền nhỏ mang các cái tên vui tươi mà sự kề cận, các sắc thái và công tua hẳn khiến nảy sinh nơi mỗi ngôi nhà một thi sĩ. Thế nhưng, người ta chẳng nói nổi cho tôi biết lấy một “trí thức” trong toàn vùng. Ít xa xôi hơn cả trong số ấy là [nhà thơ] Luc Durtain, ở đại lộ Barbès, cái điều, với một người trên phố Flandre, cũng có nghĩa gần như Savoie hay Bungari.

Chi tiết nổi bật hơn cả của khu phố ấy, vốn dĩ nhan nhản các vọng lâu, mà những vẻ đẹp tự nhiên thì rất nhiều, quảng trường Maroc, phố Kabylie, Pompes Funèbres bị kẹp vào giữa phố Aubervilliers và phố Curial, các nhà kho, những phòng khám cho đầu tàu xe lửa, chi tiết nổi bật hơn cả vẫn cứ là số 106 oai hùng [hẳn Fargue muốn nói đến một nhà trừng giới chuyên dùng để nhốt phụ nữ trên boulevard de la Chapelle], nó đỏ lựng mặt ở sau lưng bệnh viện Lariboisière. Ngôi nhà đó cũ kỹ, hiển nhiên đối với những người đi tàu điện ngầm cũng như những người đi taxi đến nỗi người ta tự hỏi hay nó nhà chung của quận…

Chính từ nó mà phát xuất những truyền thuyết của La Chapelle. Người Paris của khu Saint-Philippe-du-Roule hay của phố Varenne hẳn nhét vào đó cho ở tất tật thần thánh biến thái của các đại lộ phía bên ngoài, và duy chỉ biết, về cái tỉnh ấy, nhà trọ tình ái mà đám lính cùng những người không nhà hằng mơ…

Chủ nhật, nhiều tốp đông công nhân ngoại quốc lảng vảng dưới tán lọng to lớn của tàu điện ngầm, dừng chân và tụ lại quanh các xới đấu vật, và đôi khi nhảy vào nắm cổ họng nhau vì một câu chuyện rượu apero hay chuyện gái gẩm. Những cuộc vật lộn đó ngắn và câm, bởi vì, từ vài tháng nay, khả năng giấy phép lao động hoặc thẻ cư trú bị từ chối cấp đã thế chỗ cho định mệnh và thậm chí cả nỗi sợ cảnh binh trong trí tưởng tượng của những người có dòng máu dễ nóng.

Tại La Chapelle, Chủ nhật đúng thực là một ngày Chủ nhật, và sự biến hình của khu phố là hoàn toàn. Những chiếc xe hơi lớn, lái bởi tay các ông chủ giàu để ria hình chân thỏ, đi vòng vòng quanh Étoile hoặc rời Paris. Cửa hiệu cửa tiệm thì đóng cửa, ngoài vài hàng bán đồ nguội với những ông chủ nghĩ tới bữa tối lạnh lẽo các nhân viên họ quản lý thường dùng. Thành từng toán, từng chùm, những gia đình nhà bán hoa, chủ hiệu sữa kem, thợ giày và thợ kẽm diễu đi giữa ga Jaurès và cầu đường sắt Bắc, mẩu lớn của đại lộ rộng thênh thang được dùng làm promenade des Anglais [Nice], bãi biển và công viên Saint-Cloud.

Ông chồng, đã ngà ngà vermouth, huýt sáo vang đằng sau mấy thằng con trai. Bà vợ chung thủy và vững chắc chống lên vỉa hè bước chân phụ nữ làng của mình. Cô thiếu nữ đến tuổi cập kê hít hà mùi vị tàu Engadine-Express hay Paris-Bucarest, chúng đưa trái tim cô đi xa khỏi những đường biên giới địa dư và tình cảm. Các quán cà phê dậy lừng tiếng lũ gà sắp tiêu đời, cùng là những ván bi-a kiểu Nga. Tất cả những ai, vì lý do này hay lý do kia, đã không đáp lại các kêu gọi của tờ l’Humanité hoặc của một tổ chức khác nào đó mang tới cho La Chapelle một màu bourgeois, một bầu không khí cao ngỏng mà người ta không tìm thấy ở chỗ nào khác…

Nhưng chỉ buổi tối thì khu phố mới khoác lên mình bộ cánh đích thực của nó và lấy dáng dấp mơ ảo và bẩn thỉu mà một số tiểu thuyết gia từng tả lại được thật huy hoàng, như người ta hay nói, mà chẳng hề liều chân tới đây. Buổi tối, chừng những đoàn tàu nhanh dường phóng hết tốc lực ngay ở chính trái tim của Paris, chừng đám trẻ trai ưa thể thao tập hợp nhau lại trước các cửa hiệu bán đồ ô tô rồi khởi sự nói chuyện về xe đạp hay lặn, chừng các bà chủ nhà đồng ý thả chồng họ cho một ván bài giữa mấy ông bạn với nhau và chừng các rạp xi nê đầy người dần lên theo một nhịp độ mà ta có thể bắt gặp lại tại chỗ khám bệnh miễn phí các bệnh viện, khi ấy thì La Chapelle đúng là cái vùng đất của một vẻ kỳ diệu hắc ám và sóng sánh, thiên đường của đám lơ mơ, của lũ nhóc bơ vơ [“mômes de la cloche” - Edith Piaf có một bài hát rất nổi tiếng về chủ đề này] và của những tay lực lưỡng sở hữu danh dự nơi đầu lưỡi và lòng trung tín đầu các ngón tay, Eden u tối ấy, mật độ lớn và chất chứa hoài nhớ, mà lính tráng ngợi ca vào buổi tối trong phòng ngủ chung để đi qua cho nổi nỗi buồn chán đơn côi. Cũng chính La Chapelle ban đêm là thứ tôi biết rành nhất và cũng thích hơn cả. Nó có nhiều chó hơn, nhiều tâm hồn hơn và nhiều vang động hơn. Các phố thì hoang vắng và tiêu điều, dẫu tiếng thét còi những đoàn tàu hạng sang gửi tới cho nó đám cò bay vùn vụt… Hàng lối nối đuôi nhau lẻ loi các cột đèn đường không thay thế được sự biến mất của đống dồn tụ các cửa tiệm vào ban ngày khiến khu phố trở nên khả dĩ so sánh được với các souk châu Phi. Toàn quận nhúng mình vào mực. Đó là giờ của những tiếng gọi tuyệt vọng làm cho những con người trở nên bình đẳng và nên nhà thơ. Phố Charbonnière, các cô điếm trưng bày, như là bên Amsterdam, mang đến cho nơi này một cảnh tượng giống bộ bài toàn lá bẩn thỉu. Những điệu đàn accordeon, mảnh dẻ như khói những điếu thuốc lá, luồn qua các cánh cửa, và Bal du Tourbillon thì bắt đầu rỉ máu từ miệng nó gớm ghê…

Một nội thất bourgeois, thoáng nhìn thấy trên tầng ba một tòa nhà kiên cố và cứng đơ như một nền móng kim tự tháp, thay vì truyền tới các ý về tự sát và buộc người dạo chơi chìm khẳm vào nỗi buồn, ngược lại khiến sinh ra ở tôi một niềm ngưỡng mộ đặc biệt về phía hàng nghìn và hàng nghìn con người mà cuộc sống kết án vào căn hộ hôi hám, vào những món tiền lương tháng bẩn nhớp và vào những cầu thang nhung nhúc vi trùng, cái nhân loại mà chẳng gì an ủy cho nổi.

Bởi cái thiếu vắng nhất tại La Chapelle là một tình gần gũi. Người ta chẳng thể nào nắm bắt các phố lẫn những khu phố cấu thành nên nó: chúng tồn tại trong sự quay cuồng. Người ta không đoán định được một ai, người ta không nhíp được típ người nào. Những người sống ở La Chapelle nghĩ tới chuyện phục vụ, đương đầu với các com măng. Con mắt gắn vào giăm bông, vào cá bơn, vào cần tây. Người ta làm lụng. Và ở đó cạo tóc thì oách hơn hẳn, rất ngắn, lại còn êm ái hơn so với trên các đại lộ, nơi đám thợ cạo đeo đầy nhẫn nói tiếng Anh và không biết làn da con người thì nghĩa là thế nào…


Dẫu vào lúc này đây thì tôi không sống ở đó - nhưng tôi quay về đó vào mọi thời điểm nhằm tìm lại những bóng ma yêu quý của tôi, và có thể rồi một ngày tôi sẽ trở lại đó, đầy xấu hổ và ăn năn - tôi nhất quyết coi nơi mà tôi gọi là khu phố của tôi, tức là quận mười chín, là quận thơ mộng nhất, thân thương nhất và bí hiểm nhất của Paris. Với hai nhà ga của nó, những music-hall rộng lớn nơi người ta vừa là diễn viên vừa là khán giả, với dòng kênh láng lạnh giống như một chiếc lá hay rung và dịu dàng đến vậy với những vô tận nhỏ của tâm hồn, nó hằng lúc nào cũng nuôi dưỡng, cả về sức mạnh lẫn về nỗi buồn, trái tim tôi cùng những bước chân tôi.

Thật tốt khi có trong tầm mắt một làn nước êm giống món “potage de jade” [đại khái giống Nguyễn Tuân tả Hồ Gươm xanh như nước rau muống luộc kỹ] trên bề mặt phơi nóng những con thuyền, cầu nhỏ với các đường uốn hình côn trùng đang ân ái, các bờ ke lực lưỡng và tuyệt vọng, những cửa sổ đóng ngăn không cho ai thấy các khốn cùng đẫm bạo lực, những cửa hiệu mà vì đó tàu điện ngầm trên không bắt chước Wagner và Zeus, các phòng cho thuê kèm đồ đạc nặng nề và có màu nâu như đám tảo, những thiếu nữ trên đại lộ xinh tươi mọc lên trong khu vườn nghiêm khắc ấy với vẻ duyên dáng đầy văn chương của cỏ bồ câu, những người bán than, những đoàn tàu có độ dài của một giây phút chán chường, lũ mèo mà người ta cảm thấy bụng chứa đầy cà phê đã xay, các đám bạn thâm niên, những thợ đóng giày trăm năm, các nha sĩ lưu cữu… tất tật được bọc lấy trong hào quang những khói tàu hỏa và tàu thủy bôi lem luốc các cây cầu bằng xà phòng cạo râu và gây nghĩ tới địa dư. Bâle, Zurich, Bucarest, Coire, Nancy, Nuremberg, Mézières-Charleville, Reims và Praha, tất tật những món đồ chơi ấy của ký ức đến với tôi từ Ga Đông…

Và rồi, có những tấn kịch giữa tàu thuyền, những nhát dao đâm trên bề mặt kẽm sáng bóng [ý nói trong quán xá] trông giống đường ray xe lửa; có những ái tình lục nhạt nơi các căn phòng nhơ và êm, cuộc sống bên trong của những người gác cổng, nước ngựa phi kiệu của những người bán bia, những trận chiến giữa cam nhông và giữa các chợ; có những người khách chỉ dạt thoáng qua cùng những dân sở tại ở mãi đó, những cuộc biểu diễn đàn accordeon, những nơi khiêu vũ như Tourbillon, những ghế băng, nhà kho, cầu thang, tiếng còi, các mê cung của tình cảm và những tới lui mà Eugène Dabit yêu quý của tôi từng cảm thấy rất tuyệt, ông, người vốn dĩ thuộc về cái góc của tôi, cùng khu. Người ta đã cố công đưa tất cả những cái đó vào bộ phim giật được từ cuốn sách lớn dễ thương và buồn của ông, nhưng “đâu phải là cùng một thứ…” [rất hy vọng là nếu chưa đọc cuốn tiểu thuyết của Dabit thì cũng phải xem bộ phim chuyển thể từ đó: L’Hôtel du Nord]

Tôi vẫn còn giữ quan hệ, tại khu phố ấy nơi các kỷ niệm của tôi nằm, với những người từng biết đến nó không lâu sau thời kỳ của những đường sắt đầu tiên, và những tiếng còi tàu không đứt đoạn của các nhà ga thúc đẩy họ nói cho tôi biết những con số, chúng hấp dẫn trí tưởng tượng của tôi ngang với mức cuộc chiến tranh của kiến mà ngay lúc này người ta đang thông báo nơi miền Nam nước Mỹ. Họ nhắc với tôi về thời trên nước Pháp có 812 cây số đường sắt, tất tật trị giá 280 triệu franc. Người ta đi từ Paris tới Rouen bằng tàu thủy chạy hơi nước, những Étoile cùng những Dorade. Đại bàng đúp của đồng 10 dollar-vàng đổi được 55 fr. 21. Các ông chủ ngựa trạm cho ta thuê ngựa của họ với giá 20 xăng tim một cây số… Chẳng phải vậy thì cũng đẹp ngang cỡ những câu chuyện của Andersen? Ai kể cho tôi tất cả những cái đó? Mẹ tôi, sinh năm 1838, bà cũng có nhiều bà bạn già. Và những khi chúng tôi tụ họp, tại faubourg Saint-Martin, hay phố Château-Landon, để chuyện vãn, hoặc với mấy ông cụ lụ khụ của Chapelle, hoặc với các quý bà phố Lafayette, Champs-Élysées của quận, thì đó là để nói về Paris, như là thủ đô của văn minh.

Lúc ấy chúng tôi cô lập khỏi thế giới, phía Bắc, bởi ba-ri-e Saint-Martin, đầu mút của khu faubourg. Đó là một khoảnh tròn xinh xắn được tạo nên từ bốn hàng lan can nhô hẳn ra, trang trí tám trụ kiểu Toscane, toàn bộ được đội vương miện một galerie chạy thành vòng cung với bốn cây cột lớn ghép đôi chống cho hai mươi vòm. Cái đó khiến ta nghĩ tới miệng khạc ra tất tật sấm trên đời. Một trong những nhà thờ của tôi luôn luôn là Saint-Laurent, bị giật trụt áo quần bởi Cách mạng. Chúng tôi tính vào trong số thắng cảnh của chúng tôi Maison Royale de Santé, trên phố faubourg Saint-Denis, Hospice des Incurables cho đàn ông, ở faubourg Saint-Martin, Hôtel au Plat d’Étain, số 256, phố Saint-Martin, từ đó tỏa đi đám xe ngựa. Rồi dần dà được thêm vào, với những nền móng cũ đó, Hôpital Lariboisière, Théâtre Molière, Maison de Santé Dubois, các nhà ga, những hiệu tạp hóa lớn, những hàng thịt thật đẹp, tàu điện ngầm, các rạp xi nê, bể bơi, phòng khám bệnh cho lũ chó nghèo, les Dents pour Tous [chữa răng], các bến dừng của taxi cùng đài radio. […] Vậy thì khiến người ta mơ, có phải không nào? Chẳng phải đến những gì từng đã, mà đến những gì rồi đây sẽ…

Đối với tôi, quận mười, và đã biết bao nhiêu lần tôi đã chẳng nói điều đó, là một khu phố của nhà thơ và đầu tàu xe lửa. Quận mười hai cũng có những đầu tàu, nhưng ít nhà thơ hơn. Chúng ta hãy nhất trí với nhau về từ này. Hoàn toàn không cần phải viết thì mới có thơ trong các túi quần túi áo. Trước hết có những người viết, và họ tạo lập một viện hàn lâm lang thang. Rồi có những người biết các bí mật kia, nhờ chúng mà cuộc hôn phối giữa sự nhạy cảm và khu phố sản xuất ra hạnh phúc. Chính vì thế tôi tấn phong danh hiệu cao quý nhà thơ cho những thợ đóng xe, những người bán xe đạp, các chủ tiệm tạp hóa, những người hàng rau, hàng hoa và thợ khóa của phố Château-Landon hoặc phố Aubervilliers, của ke Loire, phố Terrage và phố Vinaigriers. Nhìn họ, trước nụ cười của họ trong lúc chạy trên vỉa hè in khắc những nỗi mệt, hỏi tin tức những đứa con gái họ, nhìn những đứa con trai họ đã đăng lính, tôi cảm thấy sướng vui tới tận mọi ngóc ngách sâu kín trong trái tim già nua không nuôi chút thù hận nào của tôi.

Và rồi, vẫn ở chỗ chúng tôi, tôi muốn nói là quận mười, chúng tôi cảm thấy sự sột soạt lướt qua của những con ma thuần khiết hơn cả. Xuống từ những quầng lục bệnh hoạn của Les Buttes-Chaumont, tuôn ra từ các đường ray tàu lóng lánh như một cuộc hò dô ta của nước mắt, bị đuổi khỏi các lò mổ, sinh ra trong cái hình tam giác bí hiểm được hình thành từ khu faubourg Poissonnière, các đại lộ gọi là To [“Grands Boulevards”], cùng đại lộ Magenta, những con ma của chúng tôi không có tính cách văn chương. Chúng không phải các nhà cung ứng thơ ca cho các bộ phim, vở ba lê, những lỗi lầm, trang phục, trò thượng lưu đáng kinh hãi. Mà đó là những gác chuông Kỷ Niệm, các tay trai tráng làm vận chuyển, vong hồn của những đoàn tàu nhanh, lũ yêu tinh của các bưu điện. Chúng giúp chúng tôi sống giống như các viên đá lát đường, như ngói trên mái, như những máng nước. Chúng dự phần vào cùng miếng pa tê, cùng món trứng cá, với người sống. Và chúng tôi được ở đó giữa chúng tôi, những người sống cùng những người chết, thực thi nghĩa vụ tồn tại của chúng tôi, đã tiêu biến mất đà, dẫn về phía sự trống rỗng của các hợp thức và đe dọa…

Những cuộc sống gia đình của chúng tôi, nơi cái thế giới xám, ngon lành như một cái bánh nho thật lớn [...] các đầu tàu xe lửa Đông và Bắc, chúng, dẫu có đôi khi mang một hay hai mét hoảng sợ sang Thụy Sỹ hay sang nước Đức, thì lại sớm đưa chúng tôi về với những mùi thật mạnh mẽ và thân thuộc của phố Alsace hoặc phố Louis-Blanc. Khu phố cũ kỹ yêu quý, với những thần tiên thật chuẩn và êm giống các con đường đẫm tình yêu…




Montmartre quá cố


Tôi đã thấy ra, gần đây một người Anh từng nói với tôi, tại sao người Paris không đi xa; vì họ có Montmartre. Bởi người ta đi xa là để tới Montmartre. Những người Canada, những người Nam Mỹ trong dịch chuyển, những người Đức hay những người Xlavơ mua những cái va li và xin hộ chiếu để tới Montmartre, Tổ Quốc của các Tổ Quốc về đêm.



[tôi nhảy qua chương "Montmartre quá cố", vốn dĩ là một chương cực hay, cũng nhảy qua luôn các chương: "Cafés de Montmartre", "Le Boeuf sur le Toit", "Cafés des Champs-Élysées", vì quá sốt ruột đến chương "Passy-Auteuil" dưới đây, do một vài kỷ niệm riêng không cần quá để ý; thời Marcel Proust còn nhỏ, Auteuil đúng nghĩa là một cái làng - Fargue cũng từng viết rất hay về Proust]




Passy-Auteuil


Một ông bạn già, mà thật không may tôi đã để mất hút, nhưng sẽ chẳng bao giờ quên là ông từng làm giàu nhờ bán một thứ sô cô la tuyệt ngon, một ngày nọ bỗng quyết định cho vào định cư nơi các thứ đồ đạc của ông, cùng vài bức Renoir và một tấm đệm thảm din bản, một tình nương rực rỡ ông đã vớt được tại một hiệu bánh Quartier latin. Một nường xinh đẹp nước da trái mơ, tóc dày cộm, màu mực bút máy, cũng là người, tôi nghĩ, mới chỉ đôi lúc rời đại lộ Saint-Michel để tới Folies-Bergère [Roland Barthes từng viết một bài rất xuất sắc về Folies-Bergère, nhưng hình như không đưa vào Mythologies] mà khoe chân cẳng. Đôi ấy hướng các tìm kiếm của họ về phía cái vùng đất xa lạ với mình, mà họ gọi, với chút ngưỡng mộ, là Passy-Auteuil. Một chiếc xe hơi kiểu bourgeois được đảm bảo sẽ già đi chẳng hề hãi sợ trước tiên chở họ tới đại lộ Mozart, nhưng không căn hộ nào hợp nhãn họ. Những gì họ nom thấy thảy đều quá nhỏ hoặc quá to. Nói cho đúng, nường ấy thất vọng. Cái làng lớn êm đềm và sạch bong đó, mà nàng khám phá sau khu Trocadéro kỳ khôi chỉ hợp ý nàng có một nửa. Nàng không ngó thấy cả sàn dancing, rạp xi nê, quán bar lẫn hàng ăn. Rồi, đột nhiên, nàng cự tuyệt cái ân sủng mà người ta đã hé cho nàng thấy: nàng sợ sẽ phải một mình, bị bỏ rơi, lạc đi giữa một đám đông người mới mẻ hẳn chỉ chứa rất ít yếu tố Paridiêng. Người ta đưa nàng trở về góc phố rue des Écoles giao với đại lộ Saint-Michel, nơi nàng hiện vẫn sống trong bầu không khí của những tiếng hét cùng các nhộn nhàng của Quartier latin. Rất nhiều người Paris có cùng lập luận như vậy. Passy-Auteuil thì “quá xa, quá tĩnh, quá mới…”

Tôi từng sống ở Passy xưa kia, vào cái thời tôi vẫn còn đi học ở trường Janson. Bố mẹ tôi có một căn hộ trên phố Gustave-Courbet. Hồi ấy, đại lộ chạy từ Trocadéro đến Bùng binh Longchamp hầu chỉ toàn những khoảnh đất hoang, thường chẳng hề có hàng giậu, và tại đó người ta vẫn còn có thể thoáng thấy các mạch địa chất với những hóa thạch của chúng. Đại lộ Victor-Hugo ngày nay hồi đó tên là đại lộ Eylau [tên một trận đánh của Napoléon; Balzac đã bất tử hóa nó bằng cuốn tiểu thuyết ngắn Le Colonel Chabert, đã có bản dịch tiếng Việt]. Sự đổi tên đó đã chẳng mấy kèm với một thay dáng dấp. Vẫn hiệu bánh lớn ấy tiếp tục phả ra hơi thở ấm nóng của nó nơi góc phố Pompe, vồn vã trước các bà đầm con nhà, họ dùng crème fouettée hay pho mát pác ma, trước hoặc sau cuộc ngoại tình chóng vánh của thời chúng ta. Tiệm Thominet, chất ngập hộp màu, chén rửa bút, rồi thì chổi, nạo, thuốc diệt côn trùng, da mèo đủ loại, vẫn còn tồn tại, rất mực bề thế. Thêm nữa, lại có dăm hiệu trang sức và hàng cá chẳng hề mang lại điều gì mới cho cái khu phố toàn người sống bằng tiền niên kim lợi tức ấy. Nhưng ở đó chỉ thực sự thiếu mất khách sạn Victor Hugo, cái khách sạn nhỏ bé hai tầng, lợp mái bằng bên trên.

Phố Passy thì chuyển hẳn sang các studio hiện đại. Nó đã công nhiên thành chốn rất thời sự. Nó tỏa lên bầu trời Paris các mùi tốt lành và đầy trấn an của tủ lạnh cùng những T.S.F., chúng “bắt được” Matxcơva hay Washington [bắt sóng radio]. Nó từng bị chạm tới bởi tay cái đống huyền hoặc của những tòa cao tầng chuồng chim câu thật lớn, bởi tay vài quán bistrot và tiệm thuốc lá được biến thành mốt, không còn cả củi lẫn than [củi, than còn tồn tại mãi cho đến tận các tiểu thuyết của Patrick Modiano, nhất là loại quán cà phê kiêm bán than, đặc sản của người Auvergne], mà là bi-a Nga, các món Xổ số Quốc gia, bật lửa, dao cạo râu Gillette, v.v…; bởi một số tòa nhà màu trắng phấn cỡ lớn bắt đầu dũi vào các khu vườn nhỏ cũ kỹ thuộc mặt trận Auteuil, chỗ trú cho các bà chủ tình nhân những dương cầm thủ và nhà xuất khẩu hàng. Phố Boislevent cảm thấy ập tới làn hơi lạnh lẽo các khối bự bê tông. Đại lộ Mozart, phố La Source chỉ còn là một kỷ niệm. Autobus đã thế chỗ tramway [một trong những thay đổi lớn của Paris; nhưng tramway trong vòng trên dưới chục năm trở lại đây đã quay lại]. Người ta chạy, ở đây cũng như chỗ khác, bổ về phía sự hoàn hảo hóa. Người ta “chuyển hóa” không ngưng nghỉ, từ cái ngày lừng danh khi Franklin, vốn dĩ ngụ tại Paris, số 1 phố Singer, từ 1777 đến 1785 [hình như còn lấy hoặc suýt lấy một bà đầm], lắp đặt, lần đầu tiên ở Pháp, cột thu lôi nơi địa phận dinh thự Valentinois…

Tại giao lộ Passy, quãng 1891 nó từng là địa điểm cho các bà đầm và những trò thượng lưu bourgeois, tiệm bánh ngọt Petit cũ kỹ, nơi các gia đình vào mua một cái bánh ngọt cho ngày Chủ nhật và thết lũ học trò trường Janson de Sailly mấy thứ quà vặt, đã biến mất, bị đánh đuổi trong một cuộc nã pháo mặt đối mặt, đương đầu với những quả bom tơ óng của cửa tiệm Coquelin. Ông Bauer, cựu phụ trách mua hàng của Galeries Lafayette và em họ của ông Bader, người quản lý cũng Galeries ấy, vừa mở, không xa quảng trường, một cửa hàng bán quần áo thuộc hàng tân thời nhất, nó không làm vợi đi mà lại còn kích thích cơn sóng lừng La Fayette đầu tiên… Thời của tôi, trên cái quảng trường Passy nhỏ bé đó, biết bao nhiêu là các thứ tình cảm, những cô thiếu nữ má hạnh nhân thuần khiết, hay đỏ lựng mặt, biết bao nhiêu lễ ban thánh thể đầu tiên, rồi thì niềm kiêu hãnh đứng nhất môn latin, biết bao cảm xúc, tiên cảm, sau lễ ban thánh thể đầu tiên, bao đám cưới hẳn một ngày sẽ được khơi mào tại Opéra-Comique, tại Mignon

Bởi khu phố “Passy-Auteuil” là khu của những đám cưới lớn, của những bức ảnh cho Vogue, những com măng khổng lồ về kỳ tuần trăng mật, chỗ hãng Cook. Chỉ thấy có mỗi một khác biệt nơi người sống ở cái vùng được hưởng ưu tiên ấy: quý cô Passy thì “được giải phóng” hơn so với quý cô Auteuil. Anna de Noailles [google nếu chưa biết] từng sống ở Passy. Princesse Polignac, nữ nhân cổ động vĩ đại và bộ trưởng về mặt tinh thần của âm nhạc hiện đại Pháp, sống ở Passy. Auteuil thì ít nghệ thuật hơn, ít cung cách hơn. Ông bạn lâu năm Jacques-Émile Blanche của tôi, tôi chỉ có thể thấy ông trong tư cách người Passy, dẫu ở đây người ta có thể tranh luận một vấn đề nho nhỏ về các biên giới nơi cái bảo tàng viện châu Âu về trí tuệ này, mà ông đã tự tạo lập để dùng riêng.

Auteuil thì giống như vùng nông thôn của Passy với đại lộ Montmorency của nó, những bờ ke của nó, cây cầu cạn của nó, gần nhà thờ, quán ăn Monton Blanc của nó, thắng cảnh lịch sử, địa điểm xưa cũ những cuộc hẹn của La Fontaine, Molière và Racine. Người ở Passy đi sang Auteuil giống những người trên phố Étienne-Marcel tới Brunoy ngày Chủ nhật. Chỉ thiếu điều họ cũng mang theo đồ ăn. Quãng bốn giờ, Passy-Auteuil tiêu vắng đi một lượng cư dân lớn: vì tại Paris người ta vẫn còn hay dùng apero, người ta đến quán ăn trong trung tâm, người ta nán lại rạp xi nê trên đại lộ Champs-Élysées, đại lộ Madeleine, hoặc phố Athènes. Một khi đã lao đi, người ta đánh mất một hay hai tiếng đồng hồ nữa tại Florence hay Mélody’s, và mãi đêm khuya mới về nhà… Passy, Auteuil là những chốn nơi xe hơi cùng taxi nghiến ken két và lao ầm ầm tới tận tảng sáng, đưa từ Montmartre về những ai không ngủ dậy trước buổi trưa.

Passy-Auteuil là một tỉnh lớn, nơi các gia đình quen biết nhau, kiểm soát lẫn nhau và đôi khi căm ghét nhau, chỉ bởi một nhà kia có nhiều khách hơn, nhiều chính trị gia hay thi sĩ hơn nhà khác trong bữa tiệc trà hằng tuần, hằng tháng hoặc hằng năm; chỉ vì con trai Ông Mỗ đã đỗ tú tài loại xuất sắc hay không. Chủ tiệm bánh ngọt, hàng thịt, hiệu nhuộm hay gác cổng biết rành những cuộc tranh cãi tại các nhà, những vụ ly dị rồi thì gia tài.

Họ gần như là anh em uống chung dòng sữa, gần như là anh em họ, khóc trong các đám tang, vui sướng tại những lễ báp-têm, gửi, cũng như khách hàng của mình, con gái họ tới học Cours d’anglais [học tiếng Anh], Chủ nhật thì đi găng tay. Giới vô sản cũng như người nghèo không có chỗ nơi cái garden-party miên viễn ấy, nó tự bày ra tốt xấu tùy năm từ quảng trường Victor-Hugo cho tới sông Seine. Mọi lễ lạt của Passy-Auteuil đều chứng kiến quay trở lại nhà thờ hoặc các lunch cùng đội quân khách mời truyền đến cho những biểu hiện thượng lưu của quận mười sáu một bản opérette nho nhỏ và Congrès s’amuse [phim] chẳng phải là không thấm đẫm duyên dáng, đôi khi còn không thể tiên liệu. Một ngày kia được mời tới một buổi lễ ban phúc đám cưới rất cao cấp tại nhà thờ Saint-Honoré-d’Eylau, một người bạn của tôi, nhà thơ vào một số thời khắc nhất định, đúng giờ thì đến quảng trường Victor-Hugo để nói lời chúc tụng cặp vợ chồng mới. Rất đông người, mà anh quen hết mặt, chen chúc nhau trong gian chính. Anh lại gần, bắt các bàn tay, phân phát những nụ cười, và nhận ra mình không biết cả cô dâu lẫn chú rể, hết sức đơn giản bởi đã nhầm ngày. Anh chỉ nom thấy ở nhà thờ toàn vẫn những người nổi tiếng Paridiêng đó, gần như dính cam kết theo hợp đồng phải dự mọi lễ lạt của tổ quốc Passy-Auteuil nhỏ xinh. Vì đang ở ngay đó, chẳng giây phút nào anh nghĩ đến chuyện bước trở ngược, và anh hòa mình vào với các anh em họ, chú bác và bà nội bà ngoại để ôm hôn cặp vợ chồng hết sức thắm thiết, cũng như kha khá bà đầm mà anh thấy là ngon ăn quá.

Chuỗi thời luận xì căng đan hay kịch tính của Passy-Auteuil thì khá nghèo nàn. Tội ác chỉ hiện ra ở đó với những cẩn trọng vô biên. Cảnh sát chẳng mấy lúc lai vãng. Mọi thứ diễn ra trong bầu không khí cao vắt nơi mấy trò ngồi lê đôi mách không có hiệu lực. Tuy nhiên tôi bỗng nhớ lại một tin vắn, hẳn nó có thể đưa cảm hứng tới cho Edgar Poe, nhưng là một Poe được nuôi dưỡng với Rowlandson, một câu chuyện điên rồ hết cỡ, nếu như ông là người Passy như Abel Bonnard hay Pierre Louys, Bergson hoặc bác sĩ Boucard. Chắc nó xứng danh để được trộn vào với lịch sử quận, thứ đôi khi thiếu chút tông giọng. Trước kia tôi từng quen biết một nữ thi sĩ Mỹ, người con gái nuôi của Paris, nó chẳng yêu da thịt trắng bóc nào khác ngoài da thịt trắng bóc của phụ nữ. Trong lĩnh vực đồ ăn, nàng chỉ chịu được cảnh tượng, mùi và vị của mỗi thịt đỏ, tốt hơn hết là sống, tới tận mức lạm dụng. Bởi nàng có trái tim không khỏe, bác sĩ của nàng bắt nàng phải ăn kiêng. Nhưng niềm say mê thịt của nàng quá mạnh, thói quen đã vậy rồi, những kê đơn của bác sĩ chỉ được tuân theo với cả nghìn nỗi khóc nhọc. Bác sĩ thì cứ khăng khăng. Nữ thi sĩ phát ốm vì thế. Nản quá, một ngày kia nàng quyết định kết thúc trong cái đẹp… tức là với tư cách nghệ sĩ, tức là như… Châteaubriant. Nàng tưới đẫm xăng lên giường, đặt vào đó chừng chục kí lô bơ, năm đến sáu livre mùi tây, uể oải nằm lên trên chăn đệm, lại còn để lên ngực mình một mẩu bơ, do thói đỏng đảnh, giống các chef giỏi vẫn hay làm, rồi quẹt diêm châm lửa. Sau khoảng một tiếng, cả khu phố bốc mùi thịt nướng. Những lỗ mũi của Passy-Auteuil rốt cuộc cũng phát hiện được mùi của lò nướng phát xuất từ đâu, nó còn lan ra đến tận rừng Boulogne, và sau cùng đưa các gia nhân tới chỗ cái giường bà chủ của họ, trên đó họ thấy một rumsteck ma mút. Lịch sử đó.

Passy-Auteuil mỗi năm nhận về rất đông người di cư từ Tân Thế giới, họ bỗng đột ngột quyết định đến sống ở Paris. Tôi từng được kể cho nghe câu chuyện về một nữ nhân Mỹ quốc khác, tới định cư trên phố La Fontaine để học ở chỗ chúng ta các phong hóa của đám gia nhân. Bà ta theo chân họ ngoài phố, xáp lại gần họ trong các quán cà phê, tra hỏi họ, ám họ. Đám tài xế cùng quản lý không biết rõ lắm mình phải đối mặt với dạng con rồ nào đây và lẩn lút lướt ra phố, cổ áo veston dựng đứng, sẵn sàng để chuồn thẳng. Họ tưởng đâu gây mệt mỏi được cho con mụ già thích hành hạ họ giống một thành viên Đội quân Cứu tế lắm hứng khởi. Nhưng nữ luân lý gia rất cứng rắn. Những gì thu thập được ban đầu cho cuộc điều tra khiến bà ta sung sướng lắm. Vài câu chuyện liên quan đến đường, dây giày, tiền bo, làm bà ta ngây ngất. Một tối nọ, bà ta gặp trúng một phụ bếp tươi tắn đang thực hiện chuyến viếng thăm ban đêm tới chỗ một nhân viên hiệu thuốc. Bà ta đi theo cậu với sự mềm dẻo và các uốn éo của một con dơi. Hoảng quá, cậu kia chui vào núp trong một cái nhà chỉ dành riêng cho đàn ông, ở lì trong đó ba tiếng đồng hồ. Rồi biến mất không ngoái đầu lại. Hôm sau, các cảnh sát đi xe đạp nhặt được trên một băng ghế ke sông một mụ điên nằm ngủ, sau vài tháng điều trị thì bà ta được đưa về Mỹ trở lại. Cuộc phiêu lưu đã không hề được hưởng chút quảng cáo nào. Thế nhưng, thỉnh thoảng vài gia nhân vẫn kể cho con cái họ về bóng ma Auteuil…




Trên các bờ ke

(I)


Au temps où je dansais la gigue,
J’aurais pu faire un bel enfant.
Mais à présent, ça me fatigue,
Je ne suis plus qu’un ci-devant.

J’en ai marre de l’élégance,
Des romans d’analyse et des chansons d’amour.
Adieu, Messieurs! Vive la France!
Moi, je remonte dans ma tour.

Đừng tìm xem ai là tác giả những câu thơ trên, trong đó được thắng lợi huy hoàng nỗi vô tự lự và sự mơ mộng. Chúng chính xác là của một người xa lạ xuất chúng theo nghĩa cao quý nhất của từ ấy. Tôi đã tìm cách để được giới thiệu với nhà thơ đó nhưng vô vọng, tôi thấy dường như, dựa vào mùi các bài thơ của ông, nửa cuộc đời ông sống ở ngoài trời. Ông thích giữ sự vô danh. Tất tật những gì tôi hay là nhà thơ không được biết đến và thường e sợ ấy là một người của các bờ ke, một người bán sách, nổi tiếng trong các đồng nghiệp của ông, nhưng thù nghịch với đầy chủ ý trước vinh quang tới nỗi đã chưa bao giờ nói tên mình cho họ.

Điều mà ta hẳn không thể chối là các ke sông đã truyền cảm hứng cho ông theo đường lối thật may mắn, bởi ông là tác giả của hai trăm bài thơ thuộc thể loại thong dong và duyên dáng đó, hai trăm bài thơ có thể dễ dàng uống ực, giống rượu vang Vouvray, loại màu vàng ấy, cái loại người ta chỉ uống tại chỗ…

Vốn dĩ kiệt tác thơ ca của Paris, các bờ ke đã mê hoặc phần lớn nhà thơ, khách lãng du, nhiếp ảnh gia và những người lang thang dạo chơi trên cõi đời. Đó là một vùng duy nhất, chỉ cứ chăm chăm chạy dài, một dạng dải ruy băng uốn cong, bán đảo tưởng tượng dường chui ra từ trí tưởng tượng của một người vui tươi. Tôi biết quá rõ, vì đã thực hiện đến cả trăm lần, cuộc đi dạo ru êm người đi bộ từ ke Point-du-Jour đến ke Carrières tại Charenton, hoặc cuộc, hồi còn rất trẻ, đã đẩy tôi từ ke Ivry đến ke Issy-les-Moulineaux, rõ đến mức cảm giác có được một chuyến vòng quanh thế giới rất mực nghiêm túc dưới gót chân. Chỉ những cái tên thôi: Orsay, Mégisserie, Voltaire, Malaquais, Gesvres, aux Fleurs, Conti, Grands-Augustins, Horloge, Orfèvres, Béthune và place Mazas với tôi đã là đủ giống như Lịch Sử và Địa Dư. Bạn có từng nhận thấy, rằng người ta không biết các bờ ke “của mình” hơn so với biết các quận lỵ? Tôi vẫn chờ đợi một người Paris đúng nghĩa về điểm này: ke Malaquais kết thúc ở đâu, ke Conti khởi sự từ đâu? Ke Gesvres nằm ở đâu? Tùy thuộc lời đáp, tôi sắp xếp những người. Với cái trò chơi nho nhỏ ấy, ta thấy được rằng không có nhiều người Paris đúng nghĩa, không nhiều tài xế taxi hiểu biết, lại càng ít hơn nhân viên cảnh sát quý giá. Ai ai cũng nhầm lẫn nếu đó là các bờ ke.

Và thế nhưng, chẳng gì nhiều chất Paris hơn so với một bờ ke sông Seine, chẳng gì ở đúng chỗ của nó hơn, trong décor của nó hơn. Léon Daudet [con trai Alphonse Daudet - tôi sắp đến với Léon Daudet], trong Paris vécu, dành hơn năm mươi trang chỉ cho các ke, những người bán sách và những hiệu sách cũ. Về hiệu sách của Champion père, ông nêu nhận xét sau đây, nó, một thế kỷ nữa, sẽ còn mang nhiều vị của mơ mộng hơn tới cho những người yêu sách cuối cùng: “Bầu không khí nhiều tính cách Érasme, vô cùng đậm mùi thế kỷ 16, và nặng chất trí tuệ, cao và lịch thiệp. Khi thấy có một quyển sách gây ra ham muốn nơi ta, Champion liền dịu dàng nói: “Cầm lấy nó đi… Mà không, không mà, anh cứ để lần khác hãy trả tiền.” [thấy rõ có nhầm lẫn về ngoặc kép]

Của phong cảnh ấy, trên đó đã mọc lên như bởi sở thích các dinh thự đẹp nhất, Louvre của nhà Valois, các công trình đáng kinh ngạc nhất, như Tháp Eiffel, những gì khả nghi nhất, như la Chambre, những gì quang vinh nhất, như Institut de France, chính phần trung tâm vừa nổi danh nhất lại vừa hay được lai vãng hơn cả, và chắc chắn ke Conti cùng ke Malaquais được ex-oequo đầu bảng trong cuộc thi. Tôi đã hỏi những người lam lũ, những người không chỗ ở thuộc phẩm tính cao nhất tại sao họ lại thích hai ke ấy hơn những ke khác, nhất là để ngủ trên bờ sông, hòa lẫn vào với mùi của rơm, rượu áp xanh cùng giày mà sông Seine dịu dàng chuyên chở: “Bởi vì, tôi từng được đáp, chúng tôi được thoải mái hơn ở đó và như được ở nhà mình. Thêm nữa, ở đó những giấc mơ cũng xuất sắc hơn.” Suy tư rất đáng quan tâm, và nó nhắc tôi nhớ đến một giai thoại. Rất thường xảy đến với tôi chuyện uống một ly vang trắng tại một tiệm nhỏ nơi Les Halles mà vả lại tôi chỉ tìm được bằng cách mò mẫm, ban đêm. Tôi thấy lại ở đó những người ưa đêm trao đổi các ý kiến chung trước khi đi tới nằm xuống bên dưới một cây cầu nào đó. Tuy nhiên, tôi hòa mình vào các trò chuyện của họ. Chúng tôi bắt tay nhau lối rất mực cao quý. Một hôm, tôi được giới thiệu với một dạng người rách rưới cao lớn đầy sôi nổi, rậm râu, bác học và rất đỉnh, ngụ ở chính bên dưới cầu Nghệ Thuật, mà người ta giới thiệu như sau: ông Hubert, thuộc Hàn Lâm viện Pháp. Chỉ Paris mới cho phép các cách nói tắt rực rỡ như vậy [vì Académie Française nằm ở đó].

Các bờ ke bị ám bởi một dân cư nhân đôi. Tôi đang không nói đến cả khách du lịch lẫn những kẻ hiếu kỳ, hay những hành khách quá cảnh, mà là những người sinh ra, mơ và chết đi trong bầu không khí séquanes [một từ hơi cổ]: những người của các bờ sông và những người của chính các ke, những người ngủ ngoài trời và các tay bán sách, những người bên dưới và những người bên trên. Cư dân của các bờ sông trải rộng từ Auteuil tới Charenton, chân cẳng chĩa lên trời, khuôn mặt giấu đi dưới quả dưa của thùng rác, mẩu thuốc lá trong tầm tay, để dành hút đầu tiên sáng hôm sau, cái điếu ngon hơn cả. Vẫn là trên các ke, tức là hơi ở bên dưới bề mặt Paris, nơi một tổ quốc u tối và nhục nhã theo cái nghĩa mà Shakespeare cấp cho mấy từ đó, người ta có thể làm quen với những cái nghề lặt vặt đầy thơ mộng cuối cùng xưa kia từng truyền cảm hứng cho các ca sĩ, họa sĩ biếm họa và nhà thơ: người chuyên cạo lông chó, thiến mèo, nhặt than, người chuyên nhặt những món đồ nhỏ, chẳng hạn dao cạo râu đã dùng, phéc mơ tuya lon bia, khuy thắt lưng, kim ghim, đót giày cùng các mảnh píp bằng đất nung, cái kẻ nhặt nhạnh mà người ta trông thấy đi dọc các lạch nước, đầu cúi, vào cuối ngày. Cour des Miracles [cf. Victor Hugo, Les Misérables] được phú thêm một bãi biển, cái thế giới của các bờ sông ấy, với những lưng cứng lại qua tiếp xúc với đá lát đường, được hưởng một trong những niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà thời của chúng ta biết tới: sự vô tri hoàn toàn trước tờ nhật báo. Vài người, đôi khi, đọc lướt các tờ chuyên về đua ngựa bị bỏ quên ở đó, chắc hẳn, bởi một kẻ tự sát nào đó, nhưng báo về đua ngựa có chút thuộc về truyền thuyết. Từng một đêm vơ vẩn giữa đám người cao ngẳng vô cùng khỏe khoắn, râu lùm xùm đến mức tôi sẵn lòng so sánh họ với những người sống trong hang động, tôi đã có dịp nghe thấy chính giọng nói của giấc mơ đột nhiên biểu hiện ra qua miệng một trong những cái bóng kia. Sau khi bước qua vài “cò súng”, mấy cổ họng trơ thổ địa, tôi đã, đến lượt mình, trú lại trên một cột đường, để hút một điếu thuốc lá mơ màng theo làn nước. To kềnh và đầy kiên nhẫn, mấy cái sà lan trôi đi, trông thật giống lũ thú, trên dòng sông dẻo quẹo. Tôi mơ hồ có cảm giác mình đang quấy rầy một giáo phái. Tôi không nhầm. Đột ngột, một giọng nói vang lên từ phía sau lưng tôi: “Đóng hộ cửa lại được không, giai kia!” người ta hét lên với tôi. Hiển nhiên tôi đã gặp chuyện với Tên Mù của Voltaire…

Hoàn toàn khác là dân cư ngoại biên. Đó là các nhà bác học. Tôi coi những người bán sách là các sinh thể tuyệt diệu nhất mà ta có thể gặp và, chắc hẳn, họ tham gia, với sự thanh lịch và kín đáo, cho danh tiếng trí tuệ mà Paris có thể tự vinh danh bản thân. Vùng của quyển sách cũ cũng có những đường biên giới riêng. Nó chạy từ ke Orsay cho tới Jardin des Plantes, bên tả ngạn, rồi từ Samar, như người ta hay nói [thật ra là Samaritaine], đến Châtelet, bên hữu ngạn. Về nguyên tắc, những cái hòm gỗ được Thành Phố trao cho các phế binh chiến tranh và cho những ông bố nhà đông con, với giá sáu mươi lăm franc mỗi năm, trên độ dài tám mét. Chừng nào một người bán sách tới cái tuổi đáng kính trọng thất thập hoặc nếu ông ta bị ốm, thì ông ta có thể cho thuê cuộc kinh doanh của mình lại cho một người khác và bằng cách đó nhân đôi bản thân lên, cho đến lúc chết. Nhưng ông ta không thể nhường lại trách vụ của mình như một nhân viên hối đoái. Khi nào hơi thở cuối cùng đã hắt ra xong, Thành Phố liền can thiệp. Tập hợp những người bán sách là tập hợp duy nhất không được tổ chức cũng không lập thành nghiệp đoàn, không mở buổi khiêu vũ nào [chẳng hạn những người lính cứu hỏa rất hay tổ chức khiêu vũ], bữa tiệc hằng năm nào. Tuy nhiên nó từng có, mới gần đây, một ông trùm, mà trong nghề người ta thành thực thờ kính, một ông trùm không là ai khác ngoài ông Dodeman, Charles Dodeman, tác giả nổi tiếng. Nó vẫn còn được buộc chặt vào quá khứ Paridiêng bởi cô Poulaillon, nữ nhân bán sách trú không xa trường Mỹ Thuật, là người gợi lên với nhiều hoài nhớ thời những người bán sách tối nào cũng mang đống hòm về nhà cất…

Nhưng, trên các ke cũng như mọi nơi, làn gió của sự hiện đại đã thổi bùng lên thành bão. Ngày nay có những người buôn sách trẻ, hoạt bát, hết sức rành các trồi sụt của thị trường. Sự cứng nhắc hơi có chút tính cách giáo sư của xưa kia đã biến đi. Mùa hè, những lúc trời rất nóng, các phụ nữ bán sách không ngần ngại lặn xuống sống Seine. Ai đó đi thơ thẩn trên bờ ke vì những quyển sách của người ấy và, cũng thường xuyên ở mức tương tự, để nom thấy chui lên khỏi mặt nước trong bộ đồ tắm, nàng tiên cá ướt lướt thướt. Và anh ta hét lên: “Kìa, thưa bà, quyển [Hippolyte] Taine này bao nhiêu thế?” Bằng vài sải tay, quý bà bé nhỏ bơi vào bờ, nhặt cái pe nhoa, ngược lên phía thư viện, vừa đi vừa chùi tay vào hông cho khô, bán quyển Taine, quyển Flaubert hay quyển Jean Lorrain [chắc cũng sắp phải đến với Lorrain rồi] cho khách, rồi quay lại với nước mát…

Tôi từng hỏi một người bán sách trông có vẻ nghiêm túc và hiểu biết nhiều, xem việc buôn bán sách ngoài trời có mang lại nhiều lãi hay không, và được biết phần lớn người bán sách già dễ dàng sở hữu một ít tài sản, một chiếc xe ô tô Citron 5CV, thỉnh thoảng thậm chí một ngôi nhà. Và điều đáng kinh ngạc hơn cả là chẳng ai trong số họ có nghề nào khác. Vả lại, họ đào đâu ra thời gian để mà làm tài xế hay thám tử tư đây? Một người bán sách nhất quyết biết Lịch Sử của anh ta, các văn bản của anh ta, các niên đại của anh ta, các nhà xuất bản của anh ta, cũng bằng nếu chẳng phải hơn so với một người bán ở hiệu sách thông thường, cả ngày thì cũng đâu có nhiều để làm tốt việc mà anh ta làm.

Các bờ ke dùng để bán sách được chia ra như một catalogue. Có địa phận sách cổ điển rồi địa phận sách nước ngoài. Những cái hòm nói chung đều đầy ắp, và thông thường người ta tự hỏi các thương gia dày dạn ấy lấy mối hàng từ đâu. Theo một thói quen xưa cũ, người bán sách không sẵn lòng mua những gì người ta đề nghị. Anh ta thích tự mình đến Hôtel des Ventes hơn, để mà mặc cả tùy ý, tới nhà những người “được giới thiệu”, hoặc giả đi xa, trên đất Pháp, đến Perpignan, Puy, Lille, ở đó anh ta luôn luôn chắc chắn cuộc săn sẽ thuận lợi. Thế nhưng sự cung cấp hàng của anh ta, dẫu được hình dung rõ đến thế, vẫn khá là bí hiểm. “Chẳng phải ư, toàn bộ bí mật đều nằm ở đó!” một trong số họ từng nói với tôi.

Trên bình diện văn chương thuần túy, bờ ke đóng vai trò của một phong vũ biểu và đặt các danh tiếng về lại đúng chỗ của chúng. Người ta có đọc đi đọc lại những thứ báo chí chuyên về văn chương, dùng kính lúp mà xem xét các phơi ơ tông của phê bình, mấy thứ bánh tạc của quảng cáo từ phía nhà xuất bản, phỏng vấn các đại sư hay chuyên gia, thì vẫn sẽ luôn luôn phải quay trở về với các ke để có được một mẩu của sự thật. Bởi câu hỏi, cũng như với đường hay giấy cuốn thuốc lá, vẫn cứ là cùng một mà thôi: “Cái gì đang bán được, cái gì không bán được?” Sự bí ẩn mà ông Robert Ganzo, người bán sách trên các ke và chủ hiệu sách phố Mazarine, tháo gỡ trước mặt ta với đầy hiểu biết và sự khéo léo. Tôi không dám liệt kê tên những đồng nghiệp của tôi mà sách không tìm được người mua, mặc cho sự ầm ĩ, những tiếng còi lanh lảnh của thói snob, hay ảnh hưởng của các loại cơ quan danh tiếng. Tôi thích hơn việc thông báo cho các bạn tôi, Paul Valéry, Valery Larbaud, Claudel, Gide, ngoài ra còn thêm nữa và, vượt trên mọi mây mù cùng bóng tối, báo cho Proust yêu quý, rằng họ bán vô cùng chạy. Mong sao chỉ dẫn này cho phép vài nhân vật chẳng ma mốc nào chịu mua tự nhận ra mình.

Cần phải có sức khỏe của cây sồi lâu năm thì mới có thể bán sách trên các bờ ke, vì đâu có đến một yếu tố nào không chăm chăm gây bực bội cho ta: gió, cái nóng, giá lạnh, tiếng ồn, sự kỳ kèo mặc cả của khách, bởi nghe nói không bao giờ được mua quyển sách nào mà không mặc cả. Chính vì thế tôi ngưỡng mộ sức kháng cự cùng bản tính thật đẹp của những người bán sách và, giữa tất tật mọi thứ khác, tâm trạng vui tươi đến thần thánh của nhà thơ chẳng ai biết của những bờ ke, người vẫn còn tìm ra phương tiện để viết những vần thơ…




Trên các bờ ke

(II)


Các bờ ke



[nhảy qua bài thứ hai trong loạt "Trên các bờ ke": nó cũng xuất chúng không kém so với bài thứ nhất trên đây, nhưng nhắc đến quá nhiều nhân vật, phải chú thích mỏi tay; cũng nhảy qua bài "Place du Théâtre-Français" để đến luôn bài "Ghetto Paris" dưới đây: cũng như mọi thành phố châu Âu, Paris có khu ghetto Do Thái]




Ghetto Paris


Đó không phải, nói cho đúng, một khu ghetto khả dĩ so sánh được với ghetto bên Ba Lan, Rumani hay Hà Lan, mà đó là một vùng đất nhỏ giới hạn bởi phố Roi-de-Sicile, phố Ferdinand-Duval, xưa kia là phố Do Thái, và phố Vieille-du-Temple [đại khái, không xa bảo tàng Picasso], mà trung tâm nằm nơi góc phố Écouffes giao với phố Rosiers, chỗ đó có hiệu sách Speiser, điểm hẹn của tất tật người Do Thái trên đời. Stephan Zweig từng chẳng bao giờ đi xuyên Paris mà không viếng thăm cửa hiệu ấy. Trotsky thường tới đó ngồi. Vừa xong tôi đã vào đó để được báo tin về cái chết của Zuckermann, người từng mở ở chỗ này, cách đây chừng ba chục năm, một quán ăn tuyệt hảo mà chúng tôi hay đến, trước chiến tranh, Charles-Louis Philippe [Lukács rất hay nhắc đến], Michel Yell, Chanvin và tôi, bị thu hút bởi một thứ rượu mạnh có mùi hoa violet, mà con trai ông chủ rót cho chúng tôi với vẻ duyên dáng của một lãnh chúa nhỏ.

Ngày nay, hiệu sách Speiser dường hữu ích cho khu phố hơn so với quán của père Zuckermann. Nó bày cho những người khách hết sức đa dạng lượng đĩa Yiddish lớn nhất tại Paris, những bức chân dung Rambam bí hiểm, nhà bác học thông thạo nhiều ngôn ngữ từng sống ở Tây Ban Nha, mà thế giới Do Thái tới đây sẽ ăn mừng kỷ niệm sinh nhật lần thứ tám trăm, các bức ảnh chụp trí thức và nhà văn, vé Xổ số Quốc gia, mà người ta tới đây mua từ khắp mọi xó xỉnh của Paris, viện cớ là chúng đã qua những bàn tay Israélite, một tập hợp rất hay văn chương hébraïque, vải dệt tay nhập khẩu từ Liên Xô và giấy bảo hành viết tại chỗ, rồi sau cùng là một loạt nước chanh màu tía, lục nhạt, vàng, đỏ chót, xa lát, những ống thủy tinh lớn trong đó người ta mong sao có một con lặn, từ xa trông như thể chúng ngây thơ mà quay tròn giống một vòng quay ngựa gỗ cho người lùn…

Cửa hàng ấy, hẳn hoàn toàn có thể mở ngoài trời, nhắc tôi nhớ đến các nhà ga huyện lỵ nơi tối tối, vào giờ dùng rượu apero, tập hợp những thân hào, những người rồi việc cùng các công chức. Ở đó đón khách cả vào buổi tối muộn. Những ông già Do Thái, như người ta chỉ có thể gặp tại Bydgoszcz, Zlatana hay Milowek, tối đến luồn lách giữa đống sách. Người ta kinh ngạc vì thấy họ ở Paris, vận áo da cừu dài quét đất, tóc mai xoăn tít, đầu tóc bóng dầu, bàn tay run rẩy. Những người đó, tại Pháp được tự do hơn mọi nơi khác, mạnh bạo mà khinh bỉ trang phục của bên Ki-tô. Chộn rộn và mơ mộng, họ tới lui trong bùn lầy ghetto, đội những cái mũ không vành nhỏ có lưỡi trai cũn cỡn, bọc mình nhếch nhác trong áo rơ đanh gốt dài cánh quạ, rồi thì áo chùng lễ tang. Mắt thì sâu hoắm, buồn và lạc thần, nước da màu hồng, đôi khi gây sợ hãi, những cặp tai to tướng, người cúi gập, chân khập khiễng, chột, chín trên mười mắc lao, họ lê la từ tiệm này qua tiệm khác, thì thào, trượt đi, lười biếng khủng khiếp, đi qua rồi đi lại trước các hiệu bánh ngọt và hàng xén bốc mùi ngâm muối nhờn nhợt của khu phố ấy, nơi những người lính ngự lâm trước kia hay tới để đánh nhau tay đôi.

Các nhà báo bên London hay Berlin thỉnh thoảng ra sức chụp ảnh họ. Nhưng lúc đó các ông già liền trở nên thiện xảo vô chừng. Phải truy lùng họ như đuổi linh cẩu. Một nhà báo đặc biệt may mắn nhíp được một ông, do tình cờ, dồn được ông kẹp vào giữa hai chồng sách và “tóm lấy” ông trong một cú bấm Leika. Thế là ông già liền vươn mình, phóng hai cánh tay về trước, tìm cách nuốt chửng luôn cái máy ảnh, rồi lao vọt ra ngoài phố náo loạn báo động cho tất tật các đồng nghiệp xét về tuổi cũng như xét về độ bẩn thỉu, bằng những tiếng hú của con quái vật đang hấp hối.

Đội trên đầu đống tóc giả bằng lụa hoặc cước, trang điểm, thường xăm mình, ốm o, béo bệu, xấu xí đến rơi nước mắt, các phụ nữ bí hiểm nâng lên hạ xuống những hàng mí mắt rộng trước các tin vặt ấy, chúng chỉ có thể gọi tới cái thẻo đất Do Thái ở Pháp này những cú sét của Israel. Tuy nhiên chốc chốc người ta lại thấy, trong một dòng dung nham các da thịt già nua, một vẻ đẹp thật xuất thần. Những linh dương đúng nghĩa với đôi má sáp thơm hương, các con gái của nàng Shéhérazade, những nữ Sultan với cặp mắt đại bàng non, những người khiến kẻ đi qua phải mơ mộng. Người ta ngoái đầu lại: họ đã hòa lẫn vào với đống gia đình lúc nhúc của mình. Các trinh nữ kỳ dị ấy cũng được đám văn nhân tình cờ gặp truy tìm dữ, như là những típ đặc trưng xứng đáng dùng minh họa cho những quyển sách, nhưng họ chạy trốn giống les Chassidim [hasid] trước ống kính, và thà chết còn hơn đi ngược lại các mệnh lệnh khắc vào những cuộn giấy chép Kinh.

Không có vấn đề Do Thái tại Pháp, ít nhất là trong khuôn khổ ghetto, với những cư dân bản địa quá bận rộn với việc so sánh các lợi thế tương ứng cùng những phần thánh tính trong giáo phái của mình. Vả, phần lớn trong số họ, vốn dĩ là những thương gia khả ái, dịu dàng và nghiêm túc vô tận, kết án rất nghiêm khắc thói lười và sự bẩn thỉu của những người di cư từ Galicie hay Ukraine, mà quần áo và các thói quen tạo ra, theo như họ cảm thấy, một tai hại lớn cho Dân tộc Đặc tuyển. Trên phố Rosiers, quy tắc là Tây phương hóa một chút mỗi ngày. Cảnh sát Warszawa, nơi người Do Thái đông và náo động, vào lúc này đã có những cái máy bơm tự động rất mạnh mẽ, nhanh, có tính cách quốc gia và bài Do Thái. Nó không tránh trớ cái việc tưới cho ướt đẫm các sinh viên hay những người hoạt động công đoàn Do Thái ở bất kỳ chuyển động nào nhỏ nhất của tâm trạng xấu. Chẳng có gì tương tự tại Pháp. Các lực lượng bài Do Thái từng cố sức xâm chiếm, mới gần đây thôi, khu phố Do Thái của Paris. Nhưng người Do Thái Paridiêng thì can đảm, và cho thấy rõ điều đó nhân dịp cuộc tấn công kia.

Chắc chắn, có một thiểu số Do Thái một ngày kia rời bỏ ghetto, ở Paris cũng như ở Wilno hoặc ở Cracovie, họ chạy khỏi những khu nhớp nhúa ấy sau khi đã kiếm đủ gia sản, mua lấy xe cộ, may quần áo từ bên London, đi nhiều đoàn tàu xanh lơ khác nhau và xuất hiện tại các casino. Nhưng họ nuối tiếc décor gây choáng ngợp của những bước chân đầu tiên và thường quay trở lại với các nguồn năng lượng đó, chúng sản sinh các bác sĩ phẫu thuật, dương cầm thủ, chủ nhà băng cùng đôi khi là những đại cử tri, như Baruch, kho tài chính lớn của đảng dân chủ bên Mỹ, người thân cận của Roosevelt. Làm sao, quả thật, mà không cảm thấy nỗi hoài nhớ một ghetto chừng người ta là một người Do Thái khá khẩm, dẫu cái khu phố đó nhỏ xíu, như ghetto của Paris, mà vẻ đẹp đẽ cô đặc lại không hề thua kém những trung tâm lớn. Ở đây cũng như nơi khác, đám hàng thịt tên là Simon Klotz, người bán đồ dạ thì là Hirschfled, bánh không men của phố Écouffes ngon nhất Lục Địa, loại bánh duy nhất là đích thực bởi vì nó được làm ra dưới sự kiểm soát của Đại Rabbi, trong nghi thức ấy ông được hỗ trợ bởi một rabbi khác.

Rác với rưởi lều bều nơi các rãnh nước, trộn lẫn với lũ trẻ con còi cọc, mèo ghẻ lở. Mùi bánh nhúng dầu, đùi non nóng hổi, cần tây lững lờ bay ở ngang tầm tầng trệt. Những bóng dáng trang hoàng các bím tóc băng ngang các phố hẹp đi mua đồ, xi rô hay dép mujik, tại những hiệu sách-quán ăn. Thật hiếm những chiếc taxi len lách vào khu bazar ấy. Tất tật người Do Thái của một ghetto đều biết nhau, rình mò nhau, bỏ cả đời để chơi sát ván trên bình diện của tham tàn: chẳng ai trong số họ muốn cung cấp cho đồng loại chứng cứ về một phản bội, về một sự yếu đuối. Người nào mong muốn nhúc nhích thì đã bị đánh dấu cho sự đi khỏi, đại lộ Champs-Élysées, chính trị hoặc những buôn bán lớn.

Trong lúc đợi phép mầu đó, cư dân đóng trại, đầy kiên tâm và nhẫn nại, trên các vỉa hè, mơ trước những giá đựng sách cầu nguyện, các bí ẩn Talmud, bên dưới thủy tinh của ô kính trông chúng giống đống thảm, các tiểu thuyết tình hay thể thao bằng tiếng Hebrew, mà những ký tự gợi lên các tranh vẽ trên giấy ô, hình xà mâu hoặc ác-ti-sô, chuôi gươm. Những ai nồng nhiệt hơn cả thì mua ở chỗ chủ hiệu bùa và lư hương mấy thứ đồ mang lại may mắn, tương tự mấy món xỉa răng, gọi là mezuzas, rồi mang về nhà mà treo, cạnh cửa ra vào, sao cho lúc nào cũng có thể nhìn thấy, và nhất là những khi bước vào một nội thất thảm hại vào các giờ muộn mằn, lúc tiền và tình đều thiếu.

Buổi sáng, các ông già rậm râu và nhăn nheo, những hỗn hợp của thiên tài và nỗi sợ, những người dạo chơi lớn, nặng trĩu và đầy ưu tư, mà người ta đoán định là tinh ranh và nhiều hiểu biết, vừa có vẻ như đang chuyên chở các gánh nặng của niềm hoài nhớ lại vừa chứa nhiều điều bí mật, những lái buôn đáng kính rơi ra từ bảo tàng Hà Lan nào đó bước đi mà không nhìn thấy gì về phía nhà thờ, giống các sếp, và giới vô sản Do Thái phố Rosiers nhìn họ với đầy ghen tị và ngây độn, bởi họ thông thái và giàu.

Đối với một Ki-tô hữu bị chủ đề Do Thái khuấy động, một ghetto luôn luôn đầy ngập bí hiểm. Ghetto của Paris được trang hoàng bằng các biển hiệu vui mắt, những quảng cáo cho các nhà trọ Yiddish tại Dauville, các áp phích liên quan tới nhà hát Do Thái nào đó, cộng thêm đống nẹp sắt và trang trí kiến trúc. Đó là một tỉnh con người xấu xa và rực rỡ, sặc sỡ, chói, tinh xảo, đầy nhóc những sự giàu có lén lút, các dồn tụ kỳ khôi, từ đó phát xuất dòng chảy và ngõ nhỏ dị hình và nhơ nhớp, các lối đi toàn những ngôi nhà hôi thối, hai bên lề là các cửa hàng mà dòng chữ viết bằng tiếng Hebrew cấu tạo nên một phong cảnh kiểu biểu đồ cả rối rắm lẫn tối tăm. Nhưng ghetto của Paris, hòa trộn đến mức ấy vào với quận chứa nó như một thứ nấm tầm gửi, cũng đựng các hấp hơi của lịch sử.

Phố Roi-de-Sicile, cái tên dành cho các tội ác kiểu Balzac, chạy dài và trượt về phía một chân trời của nỗi buồn. Sau hiệu bánh mì Do Thái lừng danh, nơi những người rành và đám tín đồ đổ tới từ mọi khu phố Paris tìm những cái bánh ngọt đặc biệt, những cái ngon nhất và cũng mang các hình dạng kỳ quặc nhất mà người ta có thể hình dung, những cửa tiệm và quán ăn vơi dần. Cứ như thể phố ngáp ra các kỷ niệm. Nó ngoặt khá gấp, trong một dạng hoảng sợ, và tự ném mình vào phố Mahler, từng có tên phố Balais [chổi] cái hồi Những Người tháng Chín [tức là tháng Chín 1792, đoạn đẫm máu bi thảm của Cách mạng Pháp] một sáng nọ tụ tập đông đảo trước nhà tù prison de la Force, vốn dĩ nằm nơi góc faubourg Saint-Antoine, thảm sát tất tật tù nhân trong đó, lột áo princesse de Lamballe, cắm cái đầu nàng lên mũi một ngọn giáo, đôi khi quên mất nó tại các góc quán rượu bọn họ dừng chân, tiến về phía Palais-Royal, và giơ nó lên cao trước các cửa sổ một căn phòng nơi tình nhân của nàng đang đánh bài cùng các bạn.

Đám thiếu nữ tuyệt xinh và sa đọa của đám đông Do Thái, đứng đợi khách trên phố Pavée, có lẽ mơ tới cái kỷ niệm khủng khiếp đó trong lúc liếc những cặp mắt dài màu lục của họ lên những đĩa gia cầm của một quán bistrot Israélite nào đó, nơi mấy ông già say xỉn chỉ còn mong độc có một điều: chết tại một tổ quốc liberal và dễ dàng, nơi không cho phép các pogrom…




Marais


Hồi còn rất trẻ, tôi đã hiểu sự rực rỡ của khu Marais nghĩa là thế nào, khi một hôm nọ đi cùng, tới dinh thự Soubise, nơi ngày nay đặt Lưu trữ Quốc gia, một văn nhân đã già bước đến bắt tay Sếp Gác và liếc nhìn vài hiện vật đẹp vô song và được sắp xếp theo lối vô song.


[nhảy qua mấy bài vô cùng xuất sắc, "Le Marais", "Jardin des Plantes-Halle aux Vins", "Le musée des mondes perdus", "Crépuscule rue de Lappe", "De L'Opéra à Montparnasse" để đến luôn "Montparnasse": có thể thấy là Léon-Paul Fargue dần dần đi từ Bắc xuống Nam của Paris, nói ngắn gọn là từ Hữu Ngạn sang Tả Ngạn; cũng có thể dễ dàng thấy rằng Fargue - giống Proust - là con người của Hữu Ngạn, chứ không phải Tả Ngạn]



Montparnasse


Montmartre không có, ở trong ngôn ngữ, cách nói trại phổ biến. Vài ca sĩ đúng là từng nói Montmertre, nhưng cái từ ấy đã không phổ thông nổi. Trong khi Montparnasse đã chấp nhận là Montparno, giống Sébastopol đã trở nên Sébasto; rồi Topol. Tôi thuộc vào số những người thích Montmartre hơn Montparnasse, cả từ khi Montmartre trở thành hang ổ cho đám vũ công, lũ thích loay hoay vớ vẩn và ăn vận bảnh, và của hội người thượng lưu “nghịch đêm như người ta nghịch hội họa”. Montmartre đối với tôi có nhiều nhân tính hơn, nhiều thơ ca hơn, nhiều đẳng cấp hơn và, như người ta nói, ở đó người ta hẵng còn tự vệ, điều đó cũng có nghĩa tại đó người ta vẫn còn được ở nhà mình. Hoàn toàn khác là bầu không khí của Montparnasse, khu phố nhỏ tí xíu và đông nhung nhúc, không lịch sử cũng chẳng truyền thuyết, mà vĩ nhân dường như chính là Antoine, người khiến phát xuất từ phố Gaîté toàn bộ sân khấu kịch hiện đại. [rue de la Gaîté, xem nó đã xuất hiện trong thế giới văn chương của August Strindberg như thế nào ởkia]

Có hai Montparnasse. Một Montparnasse tự giao thân mình chẳng chút kín đáo, không phẩm cách, tức là Montparnasse của ngoài phố. Cái Montparnasse của giao lộ Montparnasse-Raspail, nơi bày ra toàn bộ rác rưởi - và đôi khi, giới tinh hoa - của châu Âu “trí thức và nghệ thuật”. Một nhà thơ tối tăm nào đó, một họa sĩ nào đó muốn thành công tại Bucarest hay Sevilla, nhất thiết phải, với tình trạng hiện tại của Cựu Lục Địa, từng thực hiện chút ít quân dịch ở quán Rotonde hoặc quán Coupole, hai viện hàn lâm vỉa hè nơi được dạy dỗ cuộc sống lưu đãng, niềm khinh bỉ giới bourgeois, sự hài hước và tửu lượng. Khủng hoảng đã giáng một đòn khá nghiêm trọng lên Montparnasse. Nhưng ở đó chúng ta từng biết đến một sự náo động phát xuất từ hồng thủy, từ thế kỷ lớn và từ kết thúc của thế giới. Những chiếc taxi đã chạy suốt nhiều đêm trên phố Delambre [phố Delambre thì lại xuất hiện rất trọng yếu trong thế giới của Modiano], phố Vavin hay phố Campagne-Première, những người Litva, hay làm ra các câu thơ bù xù, những người Chilê vận áo săng đay vẽ bằng những chiếc phuộc sét dùng để ăn ốc sên, những người da đen có bằng thạc sĩ dạy học, các triết gia Abyssinie, những người Nga tị nạn chuyên gia về nghệ thuật chế ra các món thuốc ngủ, lô tô hoặc nhà may. Bầu không khí của những trại điên ấy không hoàn toàn gây khó chịu.

Hồi mùa đông 1929-1930, tôi tới thăm một người Bồ Đào Nha tuyệt diệu sống tại nhà thuê đủ đồ đạc không xa hiệu sách Larousse. Tôi thường thấy ông trần truồng, đi lởn vởn trong phòng rồi đột nhiên dừng khựng lại để nguệch ngoạc lên mấy bức tường, giống Scribe [kịch tác gia] vẫn hay làm chừng ông cần có những lời thoại thật. Nhưng người Bồ Đào Nha chẳng hề ứng tác một cảnh nào hết: ông đang tìm kiếm một nghệ thuật mới hẳn sẽ, trong tinh thần ông, hội tụ các lợi thế của hội họa, văn chương và giấy bồi. Mười lần mỗi ngày bị săn đón, và thậm chí bị quây chặt, bởi các nhà cung ứng những câu thơ của khu phố, chẳng ngần ngừ ông bán đi một cái phô tơi, một tấm gương, một cái bàn guéridon trong nhà với giá sáu hay bảy franc, chỉ giữ độc một bộ complet veston màu xám nâu nhỏ phủ đầy vết bẩn mà ông cần “để sống”, ông giải thích. Ông lao thân vào những thao tác đó với một vẻ thờ ơ và một sự nhã nhặn gây ấn tượng lớn cho bà chủ nhà. Suốt nhiều tháng ròng, bà không dám mở miệng nói gì. Bà nhìn đồ đạc cùng đống thảm nhỏ của mình bỏ trốn với một sự rụt rè gây cảm động. Một hôm thậm chí bà còn mua lại, với giá chừng ba chục franc, một cái bình mà người Bồ Đào Nha đã để cho người khác để lấy trăm xu [tức năm franc]. Nhưng đâu có thánh tính được làm sẵn đó. Một đêm nọ, người đàn bà tốt tính nhận thấy rằng sự kiên nhẫn của mình vừa đột nhiên nhường chỗ lại cho lòng phẫn nộ. Chán ngán hội họa, nước Bồ Đào Nha, lũ gigolo, trong một nháy mắt bà bật dậy, giật lấy một cái ô, bước ra khỏi phòng ngủ của mình như một nữ thần báo thù, xuất hiện ở chỗ người thuê nhà, vụt cho ông mấy nhát chẳng hề báo trước và rốt cuộc tống cổ ông ra ngoài, trần như nhộng, bảo rằng ông sẽ chỉ nhìn thấy lại bộ comlê màu xám nâu cái ngày sạch được nợ với bà. Ông phải trả, vì tính luôn những thứ đồ đã bán, các món mà bà chủ nhà đưa cho, rồi thì tiền thuê nhiều tháng chưa thanh toán, đâu như sáu mươi lăm nghìn franc. Điều đó cho phép ông trần truồng mà đi khỏi, chẳng cằn nhằn mấy nỗi. Vài phút sau, ông xuất hiện tại quán Rotonde, trên mình phủ đầy những mảnh áp phích, đầu thì đội tờ báo Paris-Sport và chân lấm bùn, vì trời hôm ấy mưa. Người ta tiếp đón ông như một nhà thám hiểm. Ông kể lại cuộc phiêu lưu của mình. Ngay tức khắc Latvia, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Mozambique và vùng Patagonia, được đại diện bởi nhiều họa sĩ chuyên màu nước, người mẫu và nhà cách mạng đa dạng, đề nghị lập thành liên đoàn trả thù, thành Bal des Quat’zarts trừng trị, và tàn phá ngôi nhà trọ. Người Bồ Đào Nha thấy thuận tiện hơn hết là vào ở trong một khách sạn bên cạnh, nơi người ta nhận chứa chấp ông vài tháng. Bởi người cho thuê nhà của Tả Ngạn thì khá là cả tin: ông ta tin vào nghệ thuật Nègre, vào Pré-Hellénique, vào Munichois, Toulousain và Bất kỳ cái gì, chỉ cần đám đầu bò đầu bướu hồi bé kia bình luận trước mặt ông ta kèm với thật nhiều động tác, whisky và Camel. Montparnasse là một trong những chốn trên đời nơi dễ dàng nhất hạng để sống mà chẳng làm gì, và thậm chí đôi khi còn kiếm được tiền nữa. Chỉ cần, phần lớn thời gian, mặc một cái áo pull-over thật chóe, hút một cái tẩu trông hơi có phần phức tạp, và nhảy múa dị dạng, là đủ. Đối lại, chút tài năng dẫu nhỏ nhất thì sẽ gây phiền: thậm chí nó chính là phương cách duy nhất để chết đói thẳng cẳng. Từ mười nay, các quận xịn đều đặn gửi, đến Cabane Cubaine, Select, Villa, Jacket hoặc vài chốn khác lúc nào cũng đầy sắc hương xa cỏ lạ, những phái đoàn tụi snob ngứa ngáy ham muốn được giải phóng, và cảm thấy một khoái lạc đúng nghĩa nếu được nói: “C’est régulier, c’est correct, je suis à la page, j’en ai marre, un truc marle, un malabar, v.v…” [đại khái là idiom, jargon] Khoái thú vô tội, vốn dĩ nằm ở nguồn gốc của Internationale nửa-trí thức nửa-đêm đen ấy, nơi đám giàu, đám thất bại, đám lười và đám ngộ của Trung Quốc, Phi châu, đại lộ Friedland, London hay Asnières kết giao hảo huynh đệ. Louis Barthou, một ngày nọ ăn tối cùng tôi tại một quán rất ổn của khu phố, nói với tôi rằng một trong số chúng tôi, nhà thơ, họa sĩ hay nhà thời luận, chắc phải sưu tầm cho các a ma tơ tương lai tổng thể những tờ tạp chí cùng xuất bản phẩm ra đời tại Montparnasse, nhằm lập dựng một hồ sơ tài liệu hẳn sẽ trở nên nhất thiết cho những ai, về sau này, muốn viết lịch sử rậm rì, hơi điên rồ, của Tả Ngạn. Barthou không thích Montparnasse lắm, nhưng ông lại yêu thích các loại tài liệu, bản thảo, chữ viết tay và giấy da dê… Tôi hẵng còn nghe thấy ông hỏi tôi bằng cái giọng nho nhỏ của ông, cắn cắn vào cái kính lorgnon, tay ngoáy mũi, tìm cách có được một hiểu biết chính xác về cái địa điểm ông đang ở trên: “Tôi cảm thấy hơi lạc lối trong cái biển toàn những họa sĩ, kiến trúc sư, đám người chỉ ưa phăng te di này. Đây là một dạng tiếng chiêm chiếp của các tư tưởng sai, của những ý vứt đi, của những sáng tạo đầy duyên dáng, những mầm mống dở của nghệ thuật. Nhưng chẳng gì xuất hiện, chẳng gì thống trị. Có một ông thầy hay không? Một thống lãnh trường phái? Một học thuyết?”

Đúng lúc ấy, tiến lại gần chúng tôi một Don Quichotte đầu đầy tóc và hàm răng thì hổng, một tay bợm rất đặc biệt khắp người phủ đầy những vết tàn nhang, trang trí bằng đống bút chì, mang nặng đống giấy, bìa, và hết sức dễ mến đề xuất với chúng tôi, bằng giọng của viên sen đầm: “Một xú vơ nia Montparnasse chứ?” Ông ta vẽ chân dung tốc họa với cái giá năm mươi xăng tim một bức…

Bên cạnh cái Montparnasse của các hàng hiên, các điệu tango, đậu phộng và những thứ đồ uống độc đáo đó, tồn tại trong không khí, như một giai điệu Montparnasse đích thực, cái Montparnasse chẳng hề có tường lẫn cửa ra vào và nó, hơn nhiều so với mọi ngôi đền khác, hẳn có thể đòi về mình mật mã lừng danh, đã hơi được sửa đổi: “Không ai được bước vào đây nếu không phải là nghệ sĩ.” Montparnasse vàng son, trên không, dịu dàng, đuổi cho phải chạy trốn lũ quỷ của nỗi cô đơn, Montparnasse của Baudelaire, của Manet, của Apollinaire, và của biết bao người khác nữa, với họ cuộc sống bên lề các thiết chế và tập quán bourgeois không phải một trò giả đò, mà là một nhất thiết theo cách nào đó ghi vào thâm sâu. Bộ tổng tham mưu đúng nghĩa của Montparnase được cấu thành bởi Moréas, Whistler, Jarry, Cremnitz, Derain, Picasso, Salmon, Max Jacob, nhóm bảo trợ cao cấp những người đã chết và còn đang sống vẫn còn định giọng cho những kẻ chập chững trong nghệ thuật sở hữu thiên tài. Cách đây hơn hai mươi năm một chút, vào lúc Picasso đến định cư vùng lân cận của quán Rotonde, tất cả mọi người ở Paris đều hiểu rằng một vùng thuộc địa mới, trải rộng tới tận Porte d’Orléans, sẽ thay thế cho phố Lepic đang hấp hối. Quán ăn Baty biết đến một sự thời thượng đột nhiên và có vinh dự được bán chịu cho Léon Trotsky, người, dẫu đã tạo ra Hồng quân cũng như vị thế của nhà cách mạng tuyệt đối, lúc nào cũng sẽ vẫn là một típ của Montparnasse, và cho thấy nhiều điểm chung với Modigliani, Vlaminck hay Doanier Rousseau, những người khách khác của Montparnasse, vả lại là khách du lịch thì đúng hơn, vì Vlaminck từ vùng ngoại ô lớn tới còn Modigliani thì từ Montmartre. Sự hiện diện đó của các họa sĩ, nhà duy mỹ, nhà buôn tranh, nhà thơ và các gái luôn luôn sẵn sàng tụt quần áo để làm mẫu khỏa thân đã chẳng phải không gây ảnh hưởng lớn lao lên cái giống “phiêu bạt” của khu phố. Le “mec” [ý nói các tay rất rắn] của Raspail và đại lộ Maine thì không giống những đồng nghiệp của anh ta bên Grenelle. Anh có có một ít giáo dục, những năng lực rất tinh tế về hài hước, biết nhảy kiểu hiện đại và, khi cần, với sự cận kề của nghệ thuật giúp sức, vẽ một ký họa các đôi bốt. Tuy tỏ ra cứng rắn với đám con gái, anh ta lại không thù nghịch với các nhà thơ. Anh ta từng biết Foujita, anh ta nhận ra được Kisling, và đám bí thư của các sứ quán xa xôi đến ăn tối ở quán Coupole cùng những họa sĩ “tại chỗ”. Tôi hay tới uống một cốc porto ở chỗ một cựu mẫu giờ đây sống theo lối hết sức bourgeois tại một căn hộ nhỏ diêm dúa phố Vaugirard và đối với tôi đó là một bảo tàng viện nhỏ của Montparnasse: ở đó người ta thấy có một cái cà vạt của Mécislas Golberg, một bưu thiếp của Max Jacob, một thực đơn của quán Baty, một tạp dề cũ từng thuộc về tay rửa bát nào đó của quán Rotonde, nhiều bức Utrillo, một mẩu cắt báo nhắc rằng khách sạn nhỏ của Picasso ở Montrouge từng một ngày kia bị trộm viếng thăm, một quyển sách về Van Gogh, và rất nhiều món lưu niệm lập thể, vị lai, khiêu dâm hay gây cảm động gợi nhớ rằng Montparnasse, trước khi trở thành khu phố cho đám họa sĩ giả danh thành đạt, từng rất lâu là một thiên đường nho nhỏ…

Chắc tôi sẽ chẳng thể nào kết thúc cuộc dạo chơi nhỏ tại Montparnasse này nếu không nhắc rằng ngọn đèn đầu tiên từng thắp lên để soi sáng cho khu phố kể từ bấy lừng danh trên toàn thế giới là một ngọn đèn cũ có chụp, đèn của Douanier Rousseau, người từng sống vào quãng 1895 trên đại lộ Maine, ngay kề cây cầu đường sắt. Nương theo những tình cờ của đi vơ vẩn và của các quán cà phê, một ngày kia chúng tôi, Alfred Jarry và tôi, phát hiện được ông. Rốt cuộc ông, chẳng phải là không suy nghĩ chán rồi, dẫn chúng tôi vào xưởng vẽ của ông. Vả lại ông không chậm trễ vẽ cho mỗi chúng tôi một bức chân dung. Ông đã vẽ tôi với bộ râu chỏm nhọn hồi đó tôi hay để, trước một cửa sổ có đường sắt chạy ngang lẫn vào một làn khói nặng nề như chùm lông một hiệp sĩ… Tôi không biết chuyện gì đã xảy tới với bức tranh đó, vả lại nó đã không được đưa cho tôi. Ông có thói quen nói, hồi ấy: “Chúng ta có bốn nhà văn lớn: ông Octave Mirbeau, ông Jarry, ông Fargue và ông Prudent-Dervillers.” (Nhân vật cuối cùng là cố vấn thành phố của khu.)

Quán cà phê đầu tiên nơi thực sự được đặt, để chiếu sáng, ngọn đèn cũ của Rousseau, là Rotonde, thời đó nó chỉ gồm tất tật có một quầy cùng một phòng sau nhỏ gắn nhiều gương, hoàn toàn được phủ lên bằng sự khắc hàng trăm nghìn câu tỏ tình… Giờ, tôi cần phải nhắc, trước khi lên đường quay trở lại bên hữu ngạn, đến khuôn mặt của Bubu de Montparnasse, nhân vật chính của Charles-Louis Philippe vĩ đại khốn khổ của tôi. Bubu làm ma cô hồi trước chiến tranh, tương đối khôn ngoan và gần như lụy tình. Thỉnh thoảng anh ta về thăm mẹ, bán tạp hóa trên đại lộ Maine. Và, chừng anh ta gặp ở đó các hàng xóm cùng những kẻ ưa ngồi lê đôi mách, thì anh ta chào họ, Philippe nói thế, với sự lịch thiệp nhã nhặn khiến bố mẹ chúng ta chẳng khi nào có thể từ mặt chúng ta cho nổi…





(còn nữa)




Léon-Paul Fargue:

Những giọng khác sẽ hát những mắt khác sẽ khóc
Valery L.
Léon-Paul Fargue: một nửa bài thơ


các thành phố:

Berlin
Dantzig
Lisbon
Buenos Aires
Istanbul


9 comments:

  1. tiếp tục - đã sang đến "chương" thứ hai

    ReplyDelete
  2. "Sau khoảng một tiếng, cả khu phố bốc mùi thịt nướng."
    :))))

    ReplyDelete
  3. Tôi mong dịch phẩm này sớm được in thành sách

    ReplyDelete
  4. hay giờ đợi xem nếu có 1000 người đăng ký mua từ trước thì quyết định in luôn nhỉ

    ReplyDelete
  5. nghe nhu la crowfunding roi phat hanh ban bia cung co chu ki dich gia y nhi :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Du học tận đâu về mà tiếng anh giỏi thế không biết

      Delete
  6. không nhìn thấy gì khác ngoài ba cái trò bốc mùi nouveau riche thối ấy à?

    tiếp tục

    ReplyDelete
  7. luc go da thay ngo ngo roi :) hi xin loi nhe

    ReplyDelete