Jan 8, 2022

[tiện bút] những cây cầu

(không ở quận nào)


(tiếp tục "sine, Tacite", "vẫn bẫy""thời chúng ta (7) thái độ")



những cây cầu, những cây cầu

Amsterdam là thành phố đặc biệt nhiều cầu - điều đó ai cũng biết, kể cả những người chưa bao giờ đặt chân đến đó. Khi tôi đến Amsterdam, sự có rất nhiều cầu của địa điểm đã khiến tôi làm một việc. Tôi mua một cái bưu thiếp, gửi nó cho một phụ nữ, trên tấm bưu thiếp ấy tôi viết, đại khái, ở đây có một nghìn cây cầu, đi qua cây cầu nào anh cũng nhớ em.

Tất nhiên, làm gì có chuyện đó: chẳng hạn như tôi có thể chắc chắn, vào một buổi sáng đang rất đói, đi liền một lúc qua mấy cây cầu, tôi chỉ nghĩ đến bữa ăn sắp tới tại một restaurant. Nhưng ngược lại, cũng có một điều khác, mà Marcel Proust đã miêu tả (tất nhiên rất kỹ càng, như mọi miêu tả proustien): nhân vật chính lần đầu tiên đến dự soirée nhà prince và princesse de Guermantes (đây không phải nhân vật phụ nữ quý tộc gây ấn tượng thuộc dạng overwhelming lên Marcel - đó là nữ công tước de Guermantes, duchesse chứ không phải princesse; chồng của người phụ nữ ấy, duc de Guermantes, là anh trai của Monsieur de Charlus, nhân vật hay nhất của La Recherche; người anh tên là Basin, gọi là "Babal", còn người em tên là Palamède, gọi là "Mémé"), về nhà thì đợi Albertine đến (vì hai bên đã thỏa thuận với nhau, Albertine đi xem kịch xong thì sẽ tới; vở kịch hôm ấy là - tất nhiên - Phèdre, của Racine). Sự chờ đợi gây rất nhiều đau khổ, tuy chính Marcel cũng nhận thấy, trong suốt buổi soirée mình đã không nghĩ đến Albertine được tới ba phút.

Lần đó (viết bưu thiếp gửi đi từ Amsterdam) là thời điểm tôi nhận ra - lần đầu tiên - giá trị của sự rẻ tiền. Càng rẻ tiền thì càng dễ dẫn tới thành công. Nhưng thành công nào? Vả lại, chắc trong câu chuyện ấy, có vai trò không nhỏ của bưu thiếp - nó đã thuộc vào một dĩ vãng không trở lại của các hoạt động con người, chắc theo đường lối vĩnh viễn.

Công tử có còn say và khóc?

Tiệc tàn, men nhạt, nuốt chia phôi. Nhưng thêm một điều (thêm một điếu nữa; bắn đi, bắn đi): Tầm tịch hẻo lánh trốn ánh mắt/Tình tang tiếng bặt liếm môi khô. Khi mở mắt, tôi thấy quanh tôi là bóng tối dày và nặng, tuyệt đối không nhìn được gì. Có những lúc cũng cần như vậy. Nghe động, thì ra hoa vừa nở.

Đó không phải là lần đầu tiên. Không phải lần đầu tiên khi mở mắt ra tôi hoàn toàn không biết mình đang ở đâu.

Nhưng đó là lần đầu tiên khi tỉnh lại được (bao giờ sự tỉnh lại cũng xảy ra vào quãng 3-4 giờ sáng, giờ của cực âm, khi nỗi hàn cắt đứt mọi dây buộc của ngủ) tôi thấy mình đang nằm cạnh một người phụ nữ. Và không phải là trên một cái giường; những lần trước, tôi được vác từ đâu đó về và vứt lên một cái giường; một trong những lần ấy, mở mắt thì tôi thấy ngay trần nhà ngay gần sát - một cái nhà trần thấp đến kỳ quặc, làm tôi nghĩ ngay là mình đã nằm trong mộ, vì nhầm lẫn nên người ta đã chôn tôi khi mà tôi còn chưa chết hẳn. Chúng tôi đang nằm trên một cái sofa ở phòng khách, cách bàn tiệc của đêm vừa xong vài bước chân. Ký ức đã bắt đầu động đậy hoạt động trở lại, tôi thấy hình ảnh cuối cùng: người phụ nữ đang nằm cạnh tôi, khi tôi quay sang nôn mọi thứ có ở trong bụng ra, đã không hề hét lên, nhảy ra để tránh, mà cứ ngồi im, hai tay để sát vào nhau, khum lại, để hứng toàn bộ sự bẩn thỉu đang phun ra. Sau đó thế nào nữa thì tôi không biết. Những lần trước ở cùng hoàn cảnh, thức dậy tôi luôn luôn cảm thấy vô cùng tệ hại (và để hồi phục, sau đó, sẽ cần nhiều ngày dài, những ngày của nỗi khó ở không lúc nào ngừng vây bủa), nhưng lần này, tôi thấy muốn ngủ lại, đầy yên tâm, bên cạnh người phụ nữ trên người vẫn thoang thoảng mùi nôn mửa của tôi. Chỉ chợp đi một quãng ngắn tôi đã thấy tỉnh táo trở lại, và nhận ra người phụ nữ cũng chỉ ngủ chập chờn, chừng như tuy ngủ nhưng sẵn sàng tình dậy để lo cho tôi. Chỉ cần tôi lay nhẹ là người phụ nữ mở mắt ra. Và mỉm cười với tôi: nụ cười ấy, sẽ chẳng bao giờ tôi quên được. Tôi thì thào, bảo đi về đi, cứ để vợ chồng chủ nhà ngủ trong phòng, mình cứ thế đi ra rồi đóng cửa lại, xuống đường lấy xe đi. Chúng tôi đã đi khỏi một buổi tiệc tàn vào lúc sáng tinh mơ, phố xá vắng tanh (Il est cinq heures, Paris s'éveille).


đã nói "không ở quận nào", nhưng giờ thử tưởng tượng - chẳng hạn - những cây cầu ở quận Đống Đa, thì sẽ như thế nào?


5 comments:

  1. restaurant nghe như biblical nhỉ, "venite ad me omnes qui stomacho laboratis, et ego vos restaurabo", còn lời mời gọi nào mạnh hơn :)

    ReplyDelete
  2. "Et pourtant aimez-moi, tendre coeur! soyez mère,
    Même pour un ingrat, même pour un méchant;
    Amante ou soeur, soyez la douceur éphémère
    D'un glorieux automne ou d'un soleil couchant.

    Courte tâche! La tombe attend; elle est avide!
    Ah! laissez-moi, mon front posé sur vos genoux,
    Goûter, en regrettant l'été blanc et torride,
    De l'arrière-saison le rayon jaune et doux!"

    ReplyDelete
  3. mon esprit est pareil à la tour

    ReplyDelete
  4. Em chỉ nhớ mỗi lần công tử cười, nụ cười kéo lên cả đôi mắt, đôi mắt nheo nheo tinh nghịch, giễu cợt cứ ánh lên làm nụ cười nhảy lấp lóa như nắng í a.

    ReplyDelete
  5. https://amp.cand.com.vn/Xa-hoi/Chenh-venh-nhung-cay-cau-khi-giua-long-Ha-Noi-i237405/

    ReplyDelete