thêm một cặp:
(nhìn ảnh thì khó biết quyển sách dày đến thế nào - to đùng thì đúng hơn)
T. E. Lawrence học Oxford: như vậy thì quá tiện, vì nhà Lawrence ở ngay đúng Oxford. Một tác phẩm văn chương nhắc đến gần đây dành cả một chương (rất dài) để nói xấu trường cũ - nhưng không phải Oxford mà là - tất nhiên - Cambridge. Có thể thấy rất rõ, những ai nhắc đến trường cũ mà không nói xấu, thì nhìn chung chẳng đáng quan tâm cho lắm.
Nhưng Oxford của cuối thế kỷ 19, thì câu chuyện hấp dẫn hơn cả lại là câu chuyện của Gertrude Bell: trong giờ giảng của một giáo sư khó tính ở đây, các sinh viên nữ (hiện tượng mới) bị bắt phải quay lưng về phía ông thầy, chứ không được quay mặt, vì giáo sư không muốn nhìn thấy mặt phụ nữ. Bell cũng là người của sa mạc - nói đúng hơn, đó là một trong những aventurière của một thời. Bell hơn tuổi Lawrence, và hai người gặp nhau lần đầu tiên khi Lawrence mới ngoài hai mươi tuổi. Đặc điểm lớn của Gertrude Bell: con nhà (rất) giàu. Chính Bell là người huấn luyện cho một nhân vật trẻ tuổi khác, và lần này không còn là chuyện đi vào sa mạc nữa, mà huấn luyện ở đây là huấn luyện điệp viên: Kim Philby. Vậy là ta đã nối vào được với một câu chuyện khác.
Còn đặc điểm của Lawrence: đó là một người rất nhỏ bé. Nhưng không nhỏ bé đến mức như Alexander Pope. Đặc điểm ngoại hình của Pope thì lại có thể so sánh với một nhân vật khác nữa: Lichtenberg.
Phả hệ của những người đi vào sa mạc (mà lại không phải các ông thánh Thiên chúa giáo hay một số nhân vật La Mã - chưa kể đông đảo lái buôn cưỡi trên lưng lạc đà), với sự xuất hiện (thêm) của Gertrude Bell, đã bắt đầu hiện ra rõ lên. Nhân vật thuộc thế hệ trước của Lawrence (và cả Bell) là Doughty, tác giả của cuốn sách lừng danh Travels in Arabia Deserta. Lawrence, trước khi khởi hành, đã tìm cách liên hệ với Doughty, và cả Bell cũng có dính dáng tới Doughty, nhưng là theo một cách rất khác (ai muốn thì tự tìm hiểu, đấy là chuyện tình ái các thứ các thứ, mà tình ái thì tường thuật sẽ rất mất thời gian).
(còn cuốn sách nổi tiếng của Lawrance, Seven Pillars of Wisdom, có thể dễ dàng thấy rằng nhan đề của nó lấy cảm hứng từ Seven Lamps of Architecture của John Ruskin; anecdote: Cioran nói rằng, cuốn sách của Ruskin The Ethics of the Dust, riêng cái tên của nó đã quá hay, quá đầy đủ rồi, khỏi cần phải đọc nó làm gì)
Nhìn vào hành trình của T. E. Lawrence thời còn trẻ (rất trẻ), ta dễ dàng đoán được, những chuyến đi ấy (vào sa mạc) nằm trong một triển vọng mà người Anh ở thời thực dân (British Museum, etc.) chợt thấy hiện ra trước mắt: đã đến lúc có thể thực sự đặt chân đến những địa điểm của Kinh Thánh - con đường đi Damas cụ thể như thế nào, chẳng hạn. Các đào bới (ngành khảo cổ học lớn mạnh) được tiến hành khắp nơi, Lawrence cũng đi đào, với hy vọng tìm được những gì liên quan tới The Bible. Nhưng vùng ấy, ở đầu thế kỷ 20, không hề đơn giản: người Anh vừa đào bới vừa phải dè chừng người Đức đang lắp đặt đường tàu hỏa gần đó, rồi lại còn người Thổ, thậm chí người Nga, đấy là còn chưa nhắc đến người Ả rập (tất nhiên).
(đến đây, tôi muốn chuyển sang một nhân vật sa mạc khác, Wilfred Thesinger, nhưng sách của Thesinger nhét mất vào đâu còn chưa lục được; chẳng lẽ lại quay sang các nhân vật La Mã nhiều liên quan tới sa mạc?)
No comments:
Post a Comment