Oct 9, 2022

Kéo va li vào

(tiếp tục tiện bút "tốt" và tiện bút "no reply", cũng tiếp tục AY)


gió dữ thường không tan sương



Đầu tháng Mười, trường mở cửa ký túc xá. Lần đầu tiên, tôi có kinh nghiệm ấy.

Những ngày trước đó, tôi ở nhờ được một căn hộ trên một đại lộ cách trường không xa: tổng cộng mất 7, 8 bến xe bus, không cần đổi - đi tàu điện ngầm thì loằng ngoằng hơn. Trong quãng ấy, một hôm tôi nhảy lên một cái xe to, đón người ở đâu đó gần một điện lớn. Chiếc xe ca chạy mãi, tối đến thì có thể nằm. Sáng sớm, xe đỗ ở một trạm dừng, rất rộng, trời đặc biệt mát, tôi đứng hút thuốc, cảm thấy vừa lạ lẫm vừa thân thuộc. Đó là một địa điểm biên giới, trong vùng Perpignan. Tôi sẽ còn biết một chốn biên giới khác nữa, nơi tôi cũng xuống khỏi xe đi lại cho đỡ mỏi: Malmö, đúng hôm gió thổi như chó dại. Hôm sau thì đến Barcelona. Về sau, từng nhiều lần tôi muốn quay lại Barcelona, Costa Blava. Khách sạn (nhà trọ thì đúng hơn) bữa sáng dọn rất nhiều trứng luộc.

Ở căn hộ trên đại lộ, mấy hôm chỉ có một mình tôi. Có lúc, tôi thử xem mình có thể tự nấu mà ăn lấy hay không. Tôi vào một cái siêu thị nằm cách nhà vài trăm mét. Tất nhiên thử nghiệm không mấy thành công. Khi biết câu chuyện về một đứa bé con thử nấu nướng, làm vỡ rất nhiều trứng trên sàn bếp, lúc được hỏi thì nói ăn được một quả, làm vỡ sáu, thì tôi rất hiểu. Rồi cũng đến lúc vào trường.

Đến trường, vào trường: kéo va li tới. Va li thời ấy là một kinh nghiệm đau thương. Bờ Hồ Hà Nội, cuối Lò Sũ, suốt một thời gian dài bày bán túi du lịch, va li đủ các thể loại. Toàn đồ dởm. Chừng như khoảng vài trăm nghìn là mua được một cái, nhìn chung toàn làm bằng vải cứng. Người ta cũng mua được ba lô đại tướng North Face (à tôi cũng không chắc hồi đó đã có North Face hay chưa). Nỗi ám ảnh con người một thời là làm sao kiếm được một cái va li. Nhựa cứng ngắc (thường có rãnh) hay mềm? Bóng loáng lên hay mate? Mấy năm sau đó tôi mới có cái Samsonite đầu tiên, giờ vẫn lăn lóc ở đâu đó. Có lần đón một quả có tí quen biết, kéo hộ cái va li (tất nhiên mua ở Lò Sũ) một đoạn thì vỡ luôn bánh xe trên nền đá lát của phố. Đến nhục. Bởi vì dẫu là mẫu va li có quai rút ra được mà kéo theo dáng va li nghiêng (trò chơi điện tử bốn nút một thời: Xe jeep nghiêng, phải hot ngang cỡ Kage) hay rút dây giống kéo chó (chứ không phải dắt) cho cái va li cứ thế đứng mà chạy - lợi thế lớn nếu địa hình vô cùng bằng phẳng - thì cũng đều có bánh xe hết.

Đặt chân vào một ngôi trường, giờ người ta sẽ hay so sánh với trường đoạn trong Harry Porter, còn tôi sẵn sàng nghĩ đến hai nhân vật. Edgar Poe chỉ có một quãng thời gian ngắn học ở trường Charlottesville (University of Virginia). Poe tới đó vào mùa thu năm (tự dưng quên mất, để tra lại sau). Trường Virginia thời điểm Poe đến học

(Edgar Poe)

còn vô cùng mới. Muốn biết trường Virginia mới tới mức nào lúc đó, chỉ cần biết khi ấy Thomas Jefferson vẫn còn sống. Có trường ấy là nhờ Jefferson: Jefferson tưởng đâu có trường học thì ngay lập tức sẽ sản sinh được cả một loạt thanh niên nói tiếng Latin như gió. Jefferson sẽ rất đau lòng vì sinh viên ở đoạn đầu của trường Virginia chẳng chịu học tiếng Latin, lại còn mất dạy như ranh, chỉ ăn chơi bài bạc gái gú. Chính Poe lại không phải là một quả như thế. Nhưng Poe sẽ chỉ ở trường một thời gian rất ngắn: có thể nói rằng Poe hoàn toàn không có học hành gì. Dường như Jefferson là một con người thực sự lý tưởng, ngoài trường học như vậy, Jefferson còn muốn nước Mỹ toàn là các chủ đất, tự do và bình đẳng với nhau.

Một người nữa cũng vào trường trong một hình ảnh khiến tôi rất nhớ: De Quincey. Ấy là năm (nhưng tôi cũng lại quên mất rồi, để tra lại - chỉ chắc chắn là trước Poe và là mùa đông, tôi rất nhớ phải là mùa đông): Oxford

(Thomas de Quincey)

học hành ở nước Anh: ta cứ cầm chắc ngay từ đầu là cần phải nhớ rõ được là ở đâu, rất dễ lẫn lộn, vì không Oxford thì Cambridge. Một ví dụ Oxford; De Quincey (hay Oscar Wilde) thì Oxford, nhưng Wordsworth thì lại Cambridge. Sự đối xứng chằn chặn, không bên này thì bên kia, rất dễ gây chóng mặt.

Tôi cũng rơi vào cơn chóng mặt do gặp phải đối xứng (tức là đối xứng quá chằn chặn) lúc kéo va li vào. Nhưng dẫu sao thì đêm hôm ấy, đêm đầu tiên ngủ ở ký túc xá (đêm xa nước đầu tiên ai nỡ) tôi đã ngủ một giấc thênh thang.


Phải, đó là mùa thu năm 2002, cách đây hai mươi năm.


Khi tìm xem (nhưng tại sao lại phải tìm) đâu là lý do chính yếu khiến tôi đặc biệt nhớ đến quãng ấy (nhớ đến có đồng nghĩa với nhìn lại, hay thậm chí nhìn thấy lại), tôi gần như có thể chắc chắn (chẳng bao giờ thực sự chắc chắn được, nhưng gần như chắc chắn thì có phải là tốt không) là do một phát hiện gần đây. Tôi bỗng tình cờ biết tuteur của tôi ở trường cũng dịch Phénoménologie de l'Esprit (có nhiều người dịch cuốn sách ấy, nếu không phải là rất nhiều: ai cũng nghĩ những người khác không hiểu gì, hoặc ít nhất thì không hiểu mấy: đấy mới chính là điều làm cho một số cuốn sách mãi khó hiểu).

Trước đó nữa, cách vài năm, một người bạn thông báo với tôi là mới có bản dịch toàn bộ Kafka mới. Tìm kiếm một chút thì tôi thấy người dịch là tuteur của tôi. Nói chuyện tiếp, tôi nói với người bạn là tôi chợt nghĩ ra, chắc hẳn tuteur của tôi từng là học trò trực tiếp của Paul Celan.

Khi biết tin một người mới qua đời, tôi đã muốn viết về người ấy (và đã viết), tuy không hẳn giữa chúng tôi có mối quan hệ đặc biệt sâu sắc hay thân tình nào. Gặp tôi, những năm tháng ấy, khi biết ai là tuteur của tôi ở trường, Phan Huy Đường bảo, đấy là hàng xóm, nếu thích thì tôi đến nhà Phan Huy Đường chơi, gặp luôn ông ấy. Đấy lại chính là nguyên nhân rất lớn khiến tôi đã chưa bao giờ tới nhà Phan Huy Đường chơi: không chỉ tôi cảm thấy ngần ngại, mà ngay lập tức tôi đã không muốn. Vả lại, đó chỉ là tuteur của tôi trong một thời gian ngắn. Trong những gì Bernhard viết liên quan đến cuộc đời riêng của mình, mỗi lần đọc thấy từ "tuteur" (xuất hiện không ít), tôi lại thoáng rùng mình, tuy nghĩa của từ đó rất khác, dưới ngòi bút của Bernhard.

Giờ đây, hàng xóm của tuteur đã qua đời, cả người bạn khiến tôi bỗng nhớ đến cùng nhân vật, cũng đã qua đời.


Hôm qua (13/10/2022) tôi biết tin Ngô Vĩnh Long mới qua đời. Tôi tình cờ biết tin, cũng như lần duy nhất tôi gặp ông Ngô Vĩnh Long, là do tình cờ. Đó là cách đây đã hơn hai mươi năm, trên một chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội. Tôi gặp Ngô Vĩnh Long từ sân bay Tân Sơn Nhất, ông Ngô Vĩnh Long đi cùng người con nuôi tên là H., nếu tôi không nhầm thì đấy là một nạn nhân chất độc da cam hồi chiến tranh; người đi cùng ông Ngô Vĩnh Long quen tôi nên giới thiệu, gần như chúng tôi không nói chuyện gì với nhau, nhưng tôi nghĩ tôi nhớ loáng thoáng âm sắc giọng nói của ông Ngô Vĩnh Long.

Về sau, mãi về sau này, tôi tình cờ biết Ngô Vĩnh Long có đọc tôi. Lẽ ra có thể đã có một cuộc gặp khác: từng có lần, hồi mùa hè năm 2003, nếu tôi nhớ không nhầm, tôi được rủ đi Budapest nhân một hoạt động mà về sau tôi mới hiểu là của nhóm những người hay giao du với Ngô Vĩnh Long. Rốt cuộc vì muốn đi chơi chỗ khác hơn nên tôi đã từ chối, và về sau tôi cũng không bao giờ tham gia các hoạt động ấy. Có một chi tiết ở ông Ngô Vĩnh Long khiến tôi chú ý đến ông, không phải là mối quen biết của ông với Nguyễn Thái Bình hay những điều tương tự.

Rốt cuộc, tôi chưa bao giờ đến Budapest, tôi cũng nghĩ là sẽ không bao giờ, cho dù ở đó có nhiều thứ tôi muốn xem (chứ không phải bản thân thành phố, nó gợi lên cho tôi một cảm giác hơi hãi hùng về vàng son quá đà và quá đát). Người bạn đã qua đời của tôi từng kể cho tôi về chuyến đi Bucarest, tôi thích đọc những miêu tả tại chỗ như vậy, chúng sẽ khiến tôi, ngay lập tức, hình dung ra được nhiều điều. Đọc Orhan Pamuk, nhưng nhất là Mario Levi, khiến tôi nghĩ tôi biết về Istanbul rất rõ.


Maurice Pinguet, khi kể về Michel Foucault: "Un jour, il me confia que ces années de la rue d'Ulm avaient été pour lui, de temps à autre, intolérables. Je crois qu'il tenta une fois de se tuer, en s'ouvrant les veines. Il crut, en tout cas, avoir besoin d'une aide et voulut entrer en hôpital psychiatrique. C'est Althusser, en connaissance de cause, qui l'en dissuada, qui lui conseilla de tenir bon et d'éviter l'internement. On lui permit d'occuper, pendant cette année d'agrégation, une chambre à l'infirmerie de la rue d'Ulm. Il réussit à se guérir par le travail [...]"

Cũng trong lúc kể về Foucault, Pinguet nhắc đến "salle Dussane". Tôi vẫn nhớ tên phòng ấy, nhưng không thực sự định vị được nó nữa. Salle des Actes: phòng to, một phòng họp (nhưng khi Jonathan Safran Foer đến, thì cuộc nói chuyện được tổ chức trong phòng chiếu phim, Cinémathèque: đấy là một nhân vật nhỏ bé bất ngờ; dẫu sao thì kể từ đó, tôi không còn là độc giả của nhân vật đó nữa, nhưng không Charybde thì lại Scylla: tôi trở thành độc giả của Nicole Kraus), nằm trên tầng, ở chỗ sảnh trung tâm đi theo hành lang bên tay phải - một trong các cạnh (có thể gọi là galerie tuy hơi kín quá, không rõ nét thời Trung cổ) chạy vòng quanh khu vườn ở giữa, thấy có cầu thang thì đi lên là tới. Tất nhiên chẳng mấy khi tôi đặt chân vào phòng ấy. Thêm một phòng: Salle des Résistants, cũng tương đối to, nhưng những phòng (học) tôi còn đặc biệt nhớ rõ là bốn phòng mang tên người: Jean Cavaillès, Simone Weil, Samuel Beckett và Paul Celan. Khi người bạn tôi nói về bản dịch Kafka mới và biết đấy là tuteur của tôi, bỗng có một tia chớp xoẹt qua óc tôi - tận lúc đó tôi mới nghĩ ra, hẳn tuteur từng là học trò trực tiếp của Paul Celan; chắc điều này đúng.

Đi hành lang trên tầng có một đầu mút là Salle des Actes, cứ thể chạy thẳng về trước mặt (cạnh dài chạy dọc bên phải vườn) sẽ đi qua khu Văn khoa (LILA), nơi thỉnh thoảng tôi phải vào; hết nó, nếu rẽ trái thì vào cửa thư viện (giờ không còn - tôi mới phát hiện cách đây vài năm, tận mắt thấy thư viện cũ trở nên trống rỗng, cùng sự mọc lên một tòa nhà mới ở phía sau, trông giống campus bên Anh hay Mỹ), nhìn thấy các cầu thang thì đi lên tiếp, sẽ tới cánh của ký túc xá dành riêng cho bọn học sinh mới.

Đoạn về Foucault trên đây có một happy end, nhưng dẫu có vậy thì âm sắc của từ "intolérables" (những năm) vẫn không bị khỏa lấp đi. Ta không thực sự biết mức độ của intolérable chừng nào còn chưa rời xa hẳn. Pinguet cũng kể về thời điểm Foucault phát hiện ra Nietzsche: hai người, Foucault và Pinguet, lái xe ô tô đi Ý chơi, hình ảnh Foucault trên bãi biển Civitavecchia đọc Nietzsche. Và Nietzsche nào? đấy là Nietzsche của Considérations intempestives. Loạt sách (mỏng) về bốn nhân vật: David Strauß, Schopenhauer, Wagner, và ai nữa nhỉ, tự dưng tôi quên mất (tôi sẽ kiểm tra). Nghe "intempestif" là biết ấy là bản dịch cũ, tính từ sau đó được dùng để thay thế là "inactuel". Tôi cũng không chắc chắn, intempestif hay inactuel thì đúng hơn. Nhưng chắc chắn tôi thích intempestif.


Một lần, lúc đã ở đó được một thời gian, đang đi về, trên lối đi ven khu vườn đằng sau, thì tôi thấy trước mặt A., cũng đang đi về, tay xách túi đồ khá nặng mới mua ở siêu thị. Vài bước chân rảo lên, tôi đuổi kịp A. và đỡ lấy túi đồ. A. để tôi xách hộ, và khi chúng tôi đi đến cửa phòng A., A. mời tôi vào, rót nước cam mời tôi uống. Phòng chúng tôi nằm cùng về một bên, nhưng cách nhau phải hơn chục phòng khác.

A. là một cô gái rất xinh, tóc vàng hơi xoăn, nhẹ nhõm, người đầy đặn nhưng không đẫy đà, và rất hay đỏ mặt ngượng ngùng nên càng hấp dẫn. Chắc hẳn tôi cảm thấy thích A., nhưng tôi tự hỏi, đó có phải là chủ yếu là vì prédilection của tôi đối với một số cái tên hay không. "A." là một trong những cái tên phụ nữ mà tôi thích, cùng, chẳng hạn, Chloé. Tôi sẽ thấy hơi hãi trước một phụ nữ nào tên là Catherine hay Caroline, nhất là Claude(tte).

Đấy là khu vườn đằng sau, chứ không phải vườn trung tâm hình vuông đã nói. Cửa sổ phòng tôi nhìn xuống. Muốn đi vào nó, từ "loge" không đi vào sảnh chính mà đi luôn sang bên tay phải.

Lô (của người gác cổng) hẳn không còn là cái nơi Ernesto Sabato kể mình từng nằm ngủ đêm, và nói rõ là "loge du concierge" của số 45.


3 comments:

  1. “Au séjour supérieur, nul invité, nul partage : l’urne fondanmentale. L'éclair trace le présent, en balafre le jardin, poursuit, sans assaillir, son extension, ne cessera de paraître comme d'avoir été.”

    “Nos orages nous sont essentiels.”

    ReplyDelete