Quay trở lại với Witkiewicz: Witkiewicz của cuốn tiểu thuyết Vĩnh biệt mùa thu.
Stanisław Ignacy Witkiewicz (hay được gọi là "Witkacy") cùng Bruno Schulz và Witold Gombrowicz tạo thành một bộ ba (có thời gian thân thiết với nhau) của văn chương Ba Lan.
Những cuốn sách "vĩnh biệt" và "từ biệt", tôi bỗng nghĩ đến chúng. Farewell, My Lovely, của Raymond Chandler, tôi từng nhắc đến nó ở đâu đó, giờ không nhớ ra nữa. Dưới đây là Goodbye To All That của Robert Graves, một hồi ký (một "tự truyện", như người ta càng ngày càng hay gọi), viết năm 1929. Năm 1929 Graves chưa hề già, nhưng đó là thời điểm xảy ra sự đoạn tuyệt. Kể từ đó cho đến lúc qua đời vào giữa thập niên 80 của thế kỷ 20 (ở tuổi 90), Graves bỏ sang sống tại Majorque. Từ bỏ nước Anh, từ bỏ "all that".
Trong số "all that" của Graves có cả sự học hành tại nước Anh - Robert Graves là sản phẩm điển hình của hệ thống public school, boarding school danh tiếng và gây rất nhiều tò mò cho người bên ngoài. Tuy không thực sự học, hồi nhỏ, Latin và Greek, Graves sẽ trở thành nhân vật chủ yếu viết về thời Hy Lạp cũng như các nhân vật La Mã (hoàng đế Claude tức Claudius chẳng hạn). Trường học ở Anh, đối với Graves, còn là sự homosexuality:
Robert Graves tự coi mình là người Ai len, nhưng mẹ của Graves là người Đức. Một người ông trẻ của Graves là Leopold von Ranke, "the first modern historian"; Thomas Carlyle miêu tả von Ranke là "Dry-as-Dust"; còn von Ranke thì miêu tả Michelet như sau: "Ông viết sử bằng một phong cách trong đó sự thật không thể nói ra." Tôi có bộ sách quan trọng và nổi tiếng nhất của von Ranke, để hôm nào lục.
Với Cyril Connolly, là một mùa thu siêu hình:
Lần trước nhắc đến Christopher Isherwood tôi đã không thể lục ra được Goodbye to Berlin; giờ thì nó đây rồi:
Tất nhiên, từ Witkiewicz bỗng chuyển sang Robert Graves thì quá vớ vẩn: chỉ vì "goodbye" với cả "farewell"; nhưng như thế vẫn còn chưa vớ vẩn bằng từ Graves lại sang Cyril Connolly: chỉ vì cái họ "Graves" mà tôi nhớ đến một cuốn sách trong nhan đề có từ "grave", và đó là The Unquiet Grave của Connolly. Tôi nghi từng có nhà phê bình hay ai đó chơi chữ chẳng hạn như "The Grave Graves" hoặc tương tự (vả lại, những gì Graves từng viết quả thật rất "grave"): cám dỗ, ở trường hợp này, là quá lớn. Rất có khả năng sẽ sớm sủa, chỉ vì cuốn sách Enemies of Promise cũng của Cyril Connolly mà tôi sẽ nhảy tới những cuốn sách trong nhan đề có "Promise" và nhất là có "Enemies". Chắc là sẽ rất sớm.
Nhưng vẫn còn có thể vớ vẩn hơn thế nhiều (những gì "futile" thực sự có thể lên rất cao và đi rất xa): chỉ vì miêu tả "homosexuality" của các boarding school nước Anh cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 trong Goodbye To All That mà tôi bỗng nghĩ đến Marcel Proust (vả lại, thời gian gần đây, tôi rất hay đột nhiên nghĩ đến Proust: chẳng hạn như ởkia - Proust có năng lực vô biên trong việc gây rối loạn mọi thứ; nhưng đó chính là sứ mệnh proustien).
Is he gay? Tức là, Marcel Proust có gay không? Tôi nghĩ ai cũng thấy câu hỏi này ngớ ngẩn. Cả thế giới biết Proust gay. Tất nhiên, cả tôi cũng biết, tôi cũng nghĩ Proust gay: ở thời Belle Époque ấy, xét cho cùng ("what else should I say? everyone is gay") homosexual gây rối loạn nhiều thứ (vả lại, bởi đó là "Belle Époque" cho nên so với nó, mọi thời khác đều là "Pas Belle Époque", hay ít ra "Moins Belle Époque", nếu không phải là "Laide Époque") - nhưng ở trong hoàn cảnh ấy, nếu Proust lại không gay thì mới thực sự gây rối loạn chứ. Vả lại, miêu tả của Robert Graves (một trên mười, chín trên mười etc.) cũng là một gợi ý rất lớn.
Tức là, nếu nhìn từ một bình diện (bình diện nào? tất nhiên tôi không biết, nhưng tôi sẽ nói: éthique và esthétique đâu có tách biệt với nhau; Jean Cocteau, một trong những người bạn trẻ tuổi của Proust đoạn cuối đời của Proust, Cocteau rồi Lacterelle, Jacques Rivière hay nhất là Paul Morand, Cocteau từng nói với Proust: "Khi Fabre viết về bọn côn trùng thì ông ấy có hỏi ý kiến chúng nó đâu [ý nói Jean-Henri Fabre - sách về côn trùng của Fabre gần đây đã được dịch sang tiếng Việt; tôi đã được hứa tặng nhưng còn chưa thấy đâu; rất mong là sách của Fabre sẽ làm người ta đỡ đọc mấy thứ tương tự (và nhảm nhí) của Maurice Maeterlinck]") rất có thể Proust đâu có gay: gay và hen không dễ biết giống nhau. Nhưng có một điều chắc chắn: Proust rất biết thế giới của Sodome (một chương trong cuốn sách lớn về Proust của George Painter mang tên "Cái giếng Sodome"). Nhưng không chỉ biết về thế giới Sodome, Proust cũng lại biết thế giới Gomorrhe.
Thế giới của Gomorrhe: thời ấy, vào cái thời Belle Époque ấy, có một nhân vật rất lớn của thế giới đó ở ngay Paris: Natalie Clifford Barney. Cũng giống với James Joyce (Proust và Joyce từng gặp nhau một lần duy nhất, Proust mời mấy người trong đó có Joyce lên xe ô tô của mình để đưa về, trên đường Proust nói mình chưa bao giờ đọc Joyce, Joyce cũng nói mình chưa bao giờ đọc Proust; chuyện đến đó là hết; Proust xuống xe vào nhà rồi vẫn cho xe chạy tiếp đưa Joyce đi), Proust có với Natalie Clifford Barney ("Amazone" của Remy de Gourmont; Gourmont từng viết "Lettres à l'Amazone" cho nhân vật ấy) quan hệ rất thoáng qua: nói đúng hơn, giống như là hai thợ săn lớn gầm gừ nhìn nhau, dè chừng lẫn nhau. Natalie Clifford Barney từng chế giễu mà nói Proust chỉ chuyên đi "sưu tầm các nữ công tước" - điều này không hẳn sai. Một nữ nhân khác (từ đây ta không nhất thiết còn ở trong thế giới của Lesbos, Sappho nữa) cũng rất tránh Proust là một princesse: Marthe Bibesco. Nhưng với Anna de Noailles thì Proust có mối quan hệ bạn bè lâu dài.
Natalie Clifford Barney (một cuốn sách tiểu sử về NCB in thay lời tựa bức thư Marguerite Yourcenar gửi NCB) là một phụ nữ người Mỹ. Và không Mỹ ất ơ: nhà Barney hàng xóm với nhà Vanderbilt và nhà Rockefeller; một tổ tiên của Natalie từng đứng ra điều đình vụ nước Pháp bán Louisiane cho Mỹ, rồi lại một người (a, rất có thể hai người đó là một, tôi cũng không nhớ rõ nữa) từng sang Pháp và được đưa vào giới thiệu với Marie-Antoinette, được hoàng hậu ôm hôn như là ôm hôn biểu tượng nước Mỹ: NCB rất hay mơ đến nụ hôn ấy. Là một phụ nữ Mỹ (rất giàu) ở thời Belle Époque đồng nghĩa với rất hay trở thành phu nhân một nhà quý tộc Pháp nào đó: đó là thời của nhiều kết hợp "tước hiệu quý tộc Pháp và tiền Mỹ", ví dụ nổi tiếng là Boni de Castellane (mà Proust rất không xa lạ) lấy một tiểu thư họ Gould. Nhưng NCB thì không: đó là một lesbian không che giấu.
Xung quanh Marcel Proust tập trung đông đảo các nhân vật notoirement homosexuel (nói đúng hơn, như trong À la recherche gọi, đó là một "race": các "tante") như Lucien Daudet (Alphonse Daudet đúng là từng gọi Proust là "diable", nhưng trái với rất nhiều đồn thổi của đám thích tỏ ra hiểu biết, cú diable ấy chẳng hề liên quan đến homosexuality) hay bá tước Robert de Montesquiou (ởkia có thể thấy một trong những tập thư từ được in ra đầu tiên của Proust là thư gửi Montesquiou); Proust cũng từng gặp Oscar Wilde nhưng cũng hơi tương tự khi gặp James Joyce, đó chỉ là một sự gặp thoáng qua (nhiều nhân vật Anh-Mỹ có ý nghĩa rất lớn đối với Proust: nhà văn nước ngoài thực sự lớn đầu tiên ngay lập tức gửi thư bày tỏ lòng ngưỡng mộ sau khi tập Swann được in là Henry James, khi đó đã rất già) - để có một account thực sự hấp dẫn về những cú chạm mặt giữa Wilde và các nhà văn Pháp, cần phải nhìn sang một người nữa của gia đình Daudet: Léon Daudet, anh trai của Lucien Daudet, nhân vật rất được ngưỡng mộ một thời (sự ngưỡng mộ ấy có thể thấy ở chẳng hạn Léon-Paul Fargue).
Cả Natalie Clifford Barney cũng không xa lạ với Oscar Wilde. Còn bé, có lần NCB thấy có một gentleman ngồi đó, sẵn đang có mối thương tâm của tuổi nhỏ (hình như chưa tròn mười tuổi), bèn leo lên lòng khóc nức nở và được an ủi rất dịu dàng: ấy là Wilde đang du hí sang Mỹ. Từng có lúc NCB suýt trở thành vợ người tình Douglas của Wilde, nhưng nhân vật nhà Wilde mà NCB có mối quan hệ mật thiết nhất lại là một phụ nữ (tất nhiên): Dolly, một "niece" của Wilde. Về sau, khi đã già, kể lại cuộc đời mình, NCB sẽ lấy mốc thời gian theo các nhân vật, chẳng hạn "thời của Dolly" hay "thời của Eva Palmer", etc.
Bởi vì quanh Natalie Clifford Barney có đông đảo "Amazone", những Amazone rực rỡ nhất ở hai bên bờ Đại Tây Dương thời ấy (tức là tương đối cùng thời với Gertrude Stein và trước Marguerite Yourcenar hay Susan Sontag): Liane de Pougy, Renée Vivien (nguồn cơn để NCB quyết định chuyển đến ở "Temple de l'Amitié" ngày nay vẫn còn tại rue Jacob, Paris) hay Lucie Delarue-Mardrus (liên quan rất lớn đến tập thơ Nos secrètes amours xuất hiện không ghi tên tác giả hồi đầu thập niên 50 thế kỷ 20). Chắc hẳn Proust từng có ý định tiếp cận NCB để tìm hiểu (nói đúng hơn, biết thêm) về thế giới Lesbos, Gomorrhe, như Proust từng lân la lại gần Igor Stravinsky sau một buổi biểu diễn và bắt chuyện bằng cách nhắc đến các "quartuor" tức là quartet cuối đời của Beethoven. Ở cả hai trường hợp, Proust đều không thành công cho lắm. Trên đất Pháp, hồi còn rất trẻ, giống Robert Graves từng đi học bên Anh, Natalie Clifford Barney từng theo học một trường dành riêng cho nữ sinh, gần Fontainebleau. Tỉ lệ một phần mười, chín phần mười mà Graves đã nói ở trên kia, nếu quy đổi sang thế giới phụ nữ, rất có thể đạt tới mức một và chín mươi chín trên một trăm.
Robert Graves rời trường Charterhouse chỉ để đi lính, vì đó đã là năm 1914. Đối với Graves, đó là một may mắn lớn lao, vì như vậy thì sẽ đỡ phải đi học Oxford (Graves đặc biệt nhiều irony đối với tinh thần gentleman nước Anh). Điều đáng tiếc nhất là đi đánh nhau thì sẽ không được leo núi nữa; ngay trước đó Graves đã bắt đầu leo núi, và là leo với những nhân vật không hề ất ơ: George Mallory hay Geoffrey Young. Năm 1914 khiến vô số thanh niên châu Âu rời khỏi trường ra mặt trận: Alain-Fournier hay phía bên kia là Joseph Roth, rồi Ernst Jünger (vì có dòng máu Đức, sự thể của Graves thực sự bi đát: bên đối phương có không ít họ hàng, trong đó có một cousin mới đầu năm 1914 còn cùng Graves đi trượt tuyết tại Thụy Sĩ); nhưng cũng không chỉ những người rất trẻ (đài tưởng niệm liệt sĩ đặt trong sảnh ngay dưới lối vào thư viện - cũ - của trường École Normale Supérieure de la rue d'Ulm ghi chi chít tên): trong số những người nhập ngũ còn có chẳng hạn Alain hay Charles Péguy, mentor của Alain-Fournier: cả Péguy lẫn Alain-Fournier đều tử trận ngay lập tức, cả hai đều không qua được tháng Chín năm 1914.
(Như vậy là văn chương Pháp thế kỷ 20 có hơn một tháng Chín bi thảm: nửa thế kỷ sau năm 1914 sẽ lại có thêm một tương tự: xem ởkia; rất nhiều account của nhà văn châu Âu đã dồn vào đó, cuốn sách của André Suarès mang nhan đề hết sức đơn giản: C'est la guerre - nó được in vào năm 1915 tại nhà xuất bản Émile-Paul, cũng chính là nhà xuất bản in, lần đầu tiên, Le Grand Meaulnes.)
Như mọi điều, kể cả cuộc Đại chiến khủng khiếp 14-18 cũng có thể mang lại những lợi ích bất ngờ: nếu không có chiến tranh, À la recherche du temps perdu gần như đã không thể trở thành chính nó. Du côté de chez Swann, sau rất nhiều trắc trở - cũng giống tất cả tác phẩm văn chương lớn, và là không ở khía cạnh này thì ở khía cạnh khác: những ca sinh khó, rất hay là đẻ ngược, tràng hoa quấn cổ, chui ra rồi mà mãi không chịu cất tiếng khóc, etc. (sorry, tôi đang hơi quan tâm đến chuyện sinh đẻ - sẽ sớm trở lại) - được in ra ở nhà xuất bản Grasset (năm 1913 ấy, cả Swann lẫn Meaulnes đều không được nhận prix Goncourt: người ta nói rằng, trong suốt ba mươi năm đầu tiên, kể từ khi bắt đầu vào năm 1903, giải Goncourt chỉ trao được cho ba tác phẩm thực sự lớn: Le Feu của Henri Barbusse, cuốn tiểu thuyết về cuộc chiến tranh 14-18, Trong bóng hoa nữ của Proust và, năm 1933, La Condition humaine của André Malraux); George Painter đã chứng minh một cách rõ ràng, Swann không hề là một thất bại như người ta hay đồn thổi (cũng như Trong bóng hoa nữ, in sau chiến tranh, không phải là một thành công lớn, cũng người ta đồn thổi). Các tập tiếp theo của Swann đã được thông báo sắp in thì chiến tranh bùng nổ: năm 1919 Trong bóng hoa nữ mới được ấn hành (lúc này là NRF chứ không còn là Grasset; Bernard Grasset trẻ tuổi có lúc từng thú nhận mình đã in Swann mà chưa hề đọc dòng nào trong đó). Cuộc chiến tranh làm À la recherche du temps perdu vừa thành chính nó vừa thoát khỏi mọi khuôn mẫu: trong "À la recherche du temps perdu" có rất nhiều Balzac, ít nhất là "Balzac double", với "recherche" như thể chui ra từ La Recherche de l'Absolu và "perdu" như thể chui ra từ Illusions perdues, hai cuốn tiểu thuyết lớn balzacien; Le Temps retrouvé, tập cuối của À la recherche, ngoài nhiều điều khác, là một account lớn về chiến tranh.
Cái câu nổi tiếng đại ý không thể hiểu sao một cái trở mình trên giường mà lại cần đến ba mươi trang sách, là của nhà xuất bản Fasquelle, một trong những nơi đã từ chối in tiểu thuyết của Proust. Nhưng tất nhiên nơi từ chối đáng kể nhất - đối với Swann - là NRF. André Gide, Jacques Copeau, Jean Schlumberger, Henri Ghéon đã quyết định từ chối. Về sau, Gide thú nhận là đã chỉ xem loáng thoáng bản thảo. Sau khi Swann in ra, có cả một cuộc ăn năn hối hận của những người NRF, nhất là Gide - đã có cả một chiến dịch nhằm làm lành với Proust. Dẫu thế nào, Proust cũng không khó tính lắm: số cuối cùng trước chiến tranh và số đầu tiên sau chiến tranh của tờ tạp chí Nouvelle Revue Française đều có dấu ấn lớn của Proust.
(NRF-Gallimard thời điểm của Proust là một chốn rất trẻ trung và đầy hứa hẹn, cũng rất lấp lánh; đúng hai mươi năm sau đó, cũng chính NRF-Gallimard làm điều tương tự [tôi đang cố nhớ xem có phải lại chính là André Gide hay không, tức là Gide lại làm cái hành động người ta hay gọi, trong biệt ngữ của giới xuất bản, là "vứt bản thảo vào sọt rác"], lần này là với Jean-Paul Sartre: cuối thập niên 30, tiểu thuyết đầu tay của Sartre đã bị từ chối, thêm một ca sinh khó nữa - đó chính là La Nausée, nhưng ban đầu Sartre định đặt cho nó cái tên, đúng - dẫu trông có thể lạ đến đâu -, chính xác là Melancholia)
(còn nữa; ps. đã tiếp tục Diapsalmata)
Lên non xuống biền một mình
ReplyDeleteThay tên đổi họ là tình nước non.
Như vậy cõ phải là homosexuality không hè?
Cảm ơn Nhị Linh luôn cho xem những bià sách lạ, tám mợ trên "bốc khói" quá chừng :-p
Anonymous - đang tìm tên đễ "bày đặt" :p
thơ dở thế thì đừng có hè với hiếc, đừng chép hay đừng có làm nữa
ReplyDeleterồi, vậy sẽ đi hỏi những cơn mưa về mối liên hệ giữa éthique và esthétique
ReplyDeletehỏi chắc cũng hơi khó nhưng biết đâu lại được
ReplyDelete"níu trời xanh tay vói"
được nhưng chắc là một câu trả lời rất ngớ ngẩn (đừng nên đặt kỳ vọng quá cỡ trên những cơn mưa)
ReplyDeleteĐọc tựa đề cứ ngỡ dạo này NL chuyển xuống tiểu thuyết Quỳnh Dao nhưng khi kéo xuống thì hẫng (may quá) hụt ;v
ReplyDeletethế á, nhưng có cả Quỳnh Dao thật xịn luôn "mùa thu lá bay":
ReplyDeletehttp://nhilinhblog.blogspot.com/2009/10/mua-thu-la-bay.html
Mới introduction, hoàn cảnh etc Robert Graves sáng tác đôi tiểu thuyết picaresque Trung sĩ Roger Lamb thôi, chưa vào nội dung chính của tác phẩm, mà đã hết có thể 60-80 :))
ReplyDelete