Oct 27, 2023

tiếp God

nghe thì sợ thế thôi, chứ thật ra chỉ là để tiếp tục nhân vật đó

(đã tiếp tục "vẽ", "Mémoires d'un", "một từ, một đường", "khác một tị""một quyển nhỏ")


Trong địa hạt Godard, Céline đối với tôi là hiển nhiên (vì Godard bỏ cả đời nghiên cứu Céline, đóng góp rất nhiều cho công việc văn bản, chưa kể các việc khác), Giono cũng tương đối - dẫu thật ra không thực sự cần lắm, vì tôi đã có Robert Ricatte giải thích nhiều điều. Nhưng André Malraux?



Malraux, nghe cứ như mal(hé)ros. Tuy có một phần nhỏ của tôi muốn tôi xem tại sao Thanh Tâm Tuyền lại có thể mê Malraux như vậy nhưng kinh nghiệm của tôi lúc nào cũng khiến tôi tránh xa nhân vật ấy: giờ thì tôi đã chắc chắn, kiểu gì thì tiểu thuyết của Malraux, tôi cũng không thể đọc được nữa: tôi không chịu nổi L'Espoir hay Les Conquérants, còn lại, Thân phận con người hay La Voie royale tôi đọc từ đã quá lâu, không còn nhớ bất kỳ điều gì, kể cả chúng như thế nào, lẫn tôi đã nghĩ ra sao về chúng; duy nhất Les Noyers de l'Altenburg còn nói điều gì đó với tôi.



như vậy là đã đủ cả ba: tức là ba đối tượng của Henri Godard, Céline, Giono và giờ, nốt Malraux


Nhưng, đọc là như vậy: ta không thể biết điều gì đợi sẵn ta, trước khi đọc. Vả lại, nếu không phải vậy, thì đọc làm gì.


Đọc cuốn sách của Godard, thậm chí tôi còn đi đọc (một cách cẩn thận, ít nhất là cẩn thận hơn) Antimémoires của Malraux, mà trước đây tôi mới chỉ lật giở qua loa. Tôi vẫn còn nhớ được loáng thoáng, ở đoạn đầu nói đến Nietzsche, và kể chuyện gặp Lou-Andreas Salomé.

Nhưng tôi đã hoàn toàn không nhớ, cũng ở đoạn đầu bộ sách, Malraux còn nhắc đến một vài cái chết. Và chính xác một trong đó là nhân vật đã nói: tức là, tôi vừa kể lại chuyện do đang nói tới cái chết của Stendhal, thì đọc thấy Malraux cũng nhắc đến chính cái chết ấy. Và nói một cách cụ thể hơn: nhân vật ấy nói trước cái chết của chính mình đúng mười năm. Việc Malraux là một độc giả lớn của Stendhal thì ai cũng biết. Thêm một cái chết khác được Malraux nhắc tới trong cùng đoạn: Diderot, khi trở về từ nước Nga (của Catherine) bảo mình còn mười năm nữa để sống (textuellement, điều đó hay hơn nhiều: có "fond" và "sac"). Điều mà Diderot nói đã xảy ra rất chính xác, chỉ lệch mất một tháng.


Tôi đọc tiếp Antimémoires. Đang tự hỏi, Việt Nam sẽ xuất hiện như thế nào, thì thấy luôn: một hình ảnh, những con đom đóm. Malraux nhắc đến "Annam" thoáng qua, với hình ảnh đom đóm, cụ thể hơn, các "firmaments" đom đóm, những tảng, những "bầu trời" đom đóm, ở Annam.

Chi tiết nằm ở chương II quyển thứ nhất của bộ sách. Bộ sách hay được gọi là "Antimémoires" nhưng tên chính thức của nó (ít người biết hơn) là Le Miroir des limbes.

Phải ở lần in đầu thì mới là hai tập như vậy. Trong La Pléiade, Malraux chiếm sáu "tome", toàn bộ hồi ký nằm ở tome III. Hai tome đầu, tất nhiên, là các tiểu thuyết. Ngoài ra, còn có thêm một "album", tranh ảnh etc.: Malraux là một icon.

Chính Malraux cũng đúng với quy tắc mười năm trên đây: Malraux viết hồi ký để đúng mười năm sau đó qua đời, chỉ lệch đi vài tháng. (1965 và 1976)



1 comment:

  1. sau một thời gian kể là dài, em đã hiểu tại sao mình lại thích đọc phơi-ơ-tông; chỗ “kiểu gì thì tiểu thuyết của Malraux, tôi cũng thể đọc được nữa“ anh viết thiếu “không”

    ReplyDelete