Aug 31, 2023

khác một tị

Sự khác có thể chỉ nằm ở một điểm vô cùng nhỏ: nếu một thời (còn chưa xa) một trong những từ chủ âm là "đú", thì một thời sau đó, từ có cùng chức năng là "đu", chỉ bỏ đi mỗi cái dấu sắc: cần phải bổ sung cho danh mục; nhân tiện, đã tiếp tục "Godard""Diều".

Và,

Rõ ràng, từ đú đến đu, xuất hiện cả một khoảng lớn của một thứ: sự êm ái.

Như vậy thì cũng có nghĩa là, phê phán (bởi vì chúng ta đang ở phạm trù của sự phê phán) càng ngày càng mềm đi - tôi còn thấy bị cám dỗ nói là, thậm chí còn "du dương" ("đu" đưa đến "đu đưa": hết sức êm ả, và cả nhịp nhàng).

Như vậy là, cái nhìn từ trên xuống (sự đánh giá: "con ấy đú" đi từ con mắt ở trên cao nhìn xuống) trở nên bao dung hơn rất nhiều. Xung đột xã hội (có đánh giá thì tức là có xung đột, dẫu có thể ở trạng thái ngầm) đã giảm mức độ đến mức gần như không thể thấy được nữa.

(để thấy các từ cùng dạng một thời - chưa hề xa - có thể gắt, chói tới độ nào, chỉ cần đặt vào bên cạnh đú mấy từ khác, như hỗn, láo)


("đồ vô ý thức": câu mắng làm nên trauma sâu đậm một thời, những lúc nào bọn trẻ con chúng ta đi ngang một cái bể nước nhiều bà nhiều cô đang ngồi giặt quần áo hoặc rửa rau, mà lỡ giẫm chân một phát hơi mạnh làm bắn nước lên; sự mắng chửi theo truyền thống, có thể dễ dàng thấy ngay, nương nhờ rất nhiều vào dấu sắc và dấu ngã)


Tâm lý tập thể, như vậy, ở một khía cạnh không nhỏ, chuyển pha: đi từ cứng sang mềm. Ngôn ngữ không còn dựng đứng lên đâm tua tủa nữa, mà trở nên mượt, thậm chí mướt, như bộ lông dài của con chó hiền lành rủ xuống.

Nhưng đu gì? đu thần tượng, tất nhiên.

Điều mới mẻ của cuộc sống hiện nay nằm ở chỗ: sự hoà hợp giữa các thế hệ (mềm mại, êm ái: bầu không khí chung) đã được đẩy tận đến chỗ bố mẹ và con cái cùng đu thần tượng. Dắt nhau đi đu ensemble. Xã hội lý tưởng dường như đã xuất hiện, nếu xung đột là yếu tố khiến người ta nhìn ra các xã hội loạn đả, thậm chí sụp đổ.

Chỉ cần khác một tị.


Nếu muốn có một ví dụ khác rất là đối xứng: từ lớn của một thời là "bu" (vào) thì không lâu sau đó, phải là "bú" (fame) - sự tình đã đảo ngược, ở dấu thanh, nhưng vẫn tiếp tục hàm ý của mềm mại, êm ái (thậm chí, vô cùng ngọt ngào, với ). Một hình ảnh rất thướt tha hiện ra: một bầy lợn (hoặc chó: nhất là chó, passion của thời chúng ta) lúc lỉu rúc vào mẹ chúng, say sưa và thỏa mãn mà thưởng thức.

Không chỉ mềm, dường như mọi sự còn đi tận đến chỗ của oặt.


Đối kháng xã hội - cụ thể hơn, đấu tranh giai cấp, khoảng cách giàu nghèo, etc. - có thể được miêu tả lối đặc trưng hơn cả trong một cảnh tượng: tại sân của một tòa nhà cao tầng nào đó, nhân viên bảo vệ chốc chốc lại hét lên: "Xe máy, để vào đây." Thế là người đi xe máy đang đỗ vào đâu đó vội phi vào chỗ được chỉ. Đấy là vì, xe ô tô thì có chỗ đỗ thấy rõ ngay, nhưng xe máy thì không: vả lại, có rất nhiều xe máy, nhưng phần lớn trong đó là shipper. Một ai đó bị gọi là "xe máy" thì cũng đồng nghĩa với việc bị lột trần thân phận thấp kém. Nhưng xung đột, trong các trường hợp như vậy, nhìn chung không xảy ra - cùng lắm thì cũng chỉ đôi khi, một ai đó nóng tính, nhất là khó chịu vì tiếng gọi hách dịch của nhân viên bảo vệ ám chỉ mình là shipper trong khi lại không phải thế, cãi lại, rồi dẫn đến chửi nhau một lúc, etc.

Tức là, toàn thể xã hội trông như một sự hài hòa, nơi bình đẳng rõ ràng được thể hiện trong cảnh tắc đường. Tắc đường là một trong những biểu hiện lớn nhất cho sự bình đẳng của cuộc sống hiện nay, nơi ai cũng như ai: cảnh tượng của lầm than (ít nhất là lầm lũi) trong vẻ sung túc chung.


Quay trở lại với sự đu: nhưng, bọn trẻ con, chúng nghe nhạc để làm gì. Tuyệt đại đa số nghe nhạc không phải vì thực sự thấy hay, mà đã trở thành một truyền thống, sự nghe thể hiện thái độ. Không một đứa con nào muốn nghe nhạc mà bố mẹ nó thích. Điều này mạnh hơn nhiều so với các địa hạt khác, như đọc (sách) và xem (tranh, phim). Nhất là khi, từ lúc có walkman, nghe (nhạc) đã trở thành hình thức lý tưởng của cuộc sống riêng tư, có nhiều tính cách bí mật.

Và, đấy là cách thức tốt hơn cả cho một điều: nổi loạn. Không ai ở độ tuổi ba mươi trở xuống hiện nay thực sự hiểu được ý nghĩa của The Beatles đối với vài thế hệ trước đó. Nhưng, nhiều thế hệ đã nghe The Beatles không hẳn vì thấy nhạc đấy hay, mà vì nghe The Beatles thì không có gì chung với phụ huynh. The Beatles là một lãnh địa mà phụ huynh không thể xâm phạm - vì chẳng hiểu gì, và vì không chịu nổi. Cái chính là đấy: không chịu nổi. (rất liên quan)

Các phụ huynh giờ đây dường như đã rất tiến hóa: tận tới mức đi đu thần tượng được cùng con của họ. Đây là thời trẻ con không còn biết tự đi học, trong mọi việc đều có người đưa đón. Đến cả đi nghe nhạc của thần tượng, cũng lại có phụ huynh đi cùng. Hai thế hệ chụp ảnh tại một concert trong công cuộc đu, đầy sung sướng và thấu hiểu.


Có rất nhiều drama, lúc nào cũng có cả một đống drama, nhưng lại không có bi kịch nào.


Hay là, quả thật, đã không còn đối kháng xã hội, thậm chí không còn các giai cấp? Một yếu tố đã làm được điều mà chưa thế lực nào làm nổi trong lịch sử? Yếu tố ấy là virtual.

Tức là, từ chỗ message=medium, đã chuyển sang virtual=real. Ngày nay, không có real nếu không có virtual. Mô hình, ở mức sâu xa hơn, đã chuyển từ cặp phénomène/noumène sang cặp virtuel/réel.


Và thế là Marx lại đúng: quả thật xã hội đi đến chỗ không còn giai cấp.

Cũng thật khó cho sự chửi nhau: trước đây thật dễ, chửi nhau thì cứ bảo đối tượng là chó, nhưng chó ngày nay lung linh như thế, nói người khác là chó thì người khác chẳng thấy nhục chút nào. Biết làm gì bây giờ? Rất có thể, sau chó mèo, sẽ đến lúc lợn gà có vị trí tương tự. Nghe cứ như thể một xã hội totem lộn ngược.


Chính vì thế (như đã nói ở trên, về sự bình đẳng trong tắc đường), hình ảnh của đặc quyền (tức là, bất bình đẳng) hiện nay thể hiện ở chính đó: ở nông nỗi xe ưu tiên.

Hai loại âm thanh đã nói giờ nhường bước (về mức độ gào rú, về không khí khủng bố và đe dọa) cho các đoàn xe ưu tiên, có dẫn đường, còi hụ inh ỏi, dẹp hết người ta vào, chặn đường không cho đi, etc. Các sự vụ quốc gia bỗng tăng đột biến mức độ nghiêm trọng? những người hưởng quyền ấy tự thấy mình cần phải đi thật nhanh để giải quyết các vấn đề? (tất nhiên, có cả một nghịch lý hài hước, khi mà những thứ như chính phủ điện tử, hành chính online, những con chip phổ biến đến như vậy). Vấn đề hẳn nằm ở chỗ hơi khác: khi chuyện là người ta chỉ còn bình đẳng trong sự tắc đường, thì ưu tiên và đặc quyền cần nhằm chính vào đó: không mắc tắc đường chính là đặc quyền tối cao của thời bây giờ. Cũng chỉ hơi khác đi; khác một tị.

Nếu xem xét ở một trục đường chính, sẽ dễ dàng thấy, mỗi ngày có nhiều lần các đoàn xe ưu tiên đi qua, thậm chí cả chục lần và nhiều hơn. Đã đến lúc không phải trẻ trâu gây ồn ào, mà chính các công chức mới đảm nhiệm vai trò ấy. Irony, again, always.

Dẫu có thế nào, bao giờ cũng sẽ có đặc quyền: đặc quyền không sinh ra và chết đi, nó chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác (hoặc, âm thanh khác).

(đặc quyền)


6 comments:

  1. vì tính đơn âm, nên quá trình đổi dấu thế này có giống như Weak Syllable Deletion không? Dù sao thì Phonology cũng rất trừu tượng và đầy phỏng đoán

    ReplyDelete

  2. em nhớ (đặc quyền) phải ở đây chứ nhỉ:

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2020/07/dac-quyen.html

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2020/11/trong-hieu-sach-10-can.html

    ReplyDelete
    Replies
    1. không, đi chỗ khác chơi

      Delete