Jun 22, 2024

.K

tiếp tục "J. C.", "A. B.""R. L. S."


"Người tự sát là tù nhân thấy người ta dựng cột treo cổ trong sân nhà tù, tưởng nhầm rằng đấy là để cho mình, trong đêm lẻn ra khỏi xà lim của anh ta, xuống sân và tự treo cổ mình lên."

(Kafka)



Kafka đã trở thành - giống Einstein; thiếu điều thì tôi đã lỡ miệng mà nói "giống Gregor Samsa" - nhân vật bị nhét nhiều thứ vào miệng hơn cả, vào thời này. Với sự dễ dàng của việc tạo ra các trích dẫn, rất nhiều trong số đó rất khả nghi, thời chúng ta đã biến những người như Kafka (hay Einstein) trở thành phát ngôn viên cho vô số điều thông thường khôn hơn những gì họ từng nói. Và tất nhiên, nhiều hơn so với những gì họ nói. Nhìn chung hơn, các trích dẫn đã đưa mọi sự vào ngõ cụt.

Nếu đi chơi tha thẩn ở Praha, người ta có nguy cơ gặp một ngôi nhà gắn biến nói, ở đây Franz Kafka từng gặp Albert Einstein.


"Một con mèo bắt được một con chuột. "Giờ anh định làm gì? con chuột hỏi, trông mắt anh sợ thế. - A! con mèo đáp, lúc nào mắt tôi cũng vậy. Rồi anh sẽ quen thôi. - Tôi thích được đi khỏi đây hơn, chuột nói, các con tôi đang đợi tôi. - Các con anh đang đợi anh? mèo nói, thế thì đi đi, càng nhanh càng tốt. Tôi đã chỉ muốn hỏi anh một điều thôi. - Thế thì xin anh cứ hỏi, thực sự là đã muộn quá rồi."

(Kafka)


"Kê đơn thuốc thì thật dễ, nhưng về phần những gì còn lại, giao tiếp với người khác là việc rất khó."

(Kafka, "Một bác sĩ nông thôn", Một bác sĩ nông thôn)


Văn chương Kafka gây sợ hãi: văn chương ấy đi ra từ nguồn của sợ hãi lớn nhất: sự thuần khiết. Không gì đáng sợ hơn purity và các sản phẩm của nó, trước đó không gì thuộc con người chống đỡ hay trốn tránh được. Cái đó, đơn giản là không thể chịu đựng.


"Hôm ấy, ngồi ở đó, tôi thấy ba người đi qua.

Người thứ nhất, chỉ nhìn tôi đã biết, đấy là một người sắp tự sát. Sự đột nhiên nhận ra khiến suýt chút nữa thì tôi đã cất tiếng gọi người đó. Nhưng tất nhiên tôi đã không làm thế.

Một lúc sau, thêm một người đi qua. Đó là một người đã chết từ lâu nhưng không ai biết.

Người thứ ba đi qua: đây là một người rất sống động và đang rất vui.

Đến đó thì tôi đứng dậy đi về: không thể chịu đựng thêm được nữa, vì tôi đã thấy, và là thấy tận mắt - nơi người thứ ba - một linh hồn thực sự bị đày đọa."

(Kaovi)


"Khi con chuột nhỏ, cái con chuột được yêu chiều hơn so với mọi con khác trong thế giới chuột, một đêm nọ bị mắc bẫy và, cất lên một tiếng kêu chói tai, hy sinh mạng sống chỉ vì hình ảnh một mẩu thịt mỡ, tất tật chuột sống trong vùng rơi vào, tại những cái lỗ của chúng, các cơn co giật và run rẩy, chúng nhìn nhau, máy mắt không sao kiểm soát nổi, trong lúc đuôi của chúng sột soạt trên mặt đất với một sức mạnh phi lý. Rồi chúng chui ra, đầy do dự, xô đẩy lẫn nhau, tất tật bị thu hút bởi chỗ chết. Nó nằm đó, con chuột nhỏ được yêu quý ấy, thanh sắt trên gáy, mấy cẳng chân nhỏ màu hồng co quắp hết cả lại, và đã cứng đơ cái cơ thể mỏng manh kia, lẽ ra đã rất xứng đáng được người ta cho một mẩu thịt mỡ nhỏ. Bố mẹ nó ở bên cạnh nó và chăm chú quan sát cái xác đứa con của chúng."

(Kafka, bản thảo, sổ C)


Đầu thế kỷ 19, những người như Kierkegaard hay Leopardi không ngừng nói một điều: không có hạnh phúc, chỉ có bất hạnh.

Rồi, những người như Kafka, nhưng không chỉ Kafka mà còn Mandelstam, sự mấp máy môi, hay Pessoa, xoáy mãi không dừng, phát ra một điều khác: đến cả bất hạnh cũng chẳng còn nữa.

Cần phải làm một điều, tươi cười trong cơn ác mộng.


Mở đầu sổ C là đoạn sau đây:

"Dẫu sao thì lẽ ra tôi cũng đã phải bận tâm sớm hơn để biết cái cầu thang ấy ra sao, đâu là các mối quan hệ hợp nhất nó với môi trường của nó, những gì người ta hẳn trông đợi ở đây và cách thức với đó hẳn người ta sẽ phản ứng. Quả đúng là mi chưa từng bao giờ nghe nói đến cái cầu thang ấy, tôi tự nhủ nhằm tìm cách tự giải tội, thế nhưng người ta cứ không ngừng xem xét từng tí một, trên các tờ báo và trong những quyển sách, mọi thứ gì tồn tại dẫu nhỏ đến đâu. Nhưng trong những gì mi đọc mi đã chẳng tìm được gì về cầu thang đó. Rất có thể, tôi tự đáp lại tôi, là mi đã thiếu cảnh giác trong lúc đọc, mỗi vậy thôi. Mi từng rất hay lơ đãng, mi nhảy cóc hàng đoạn liền, thậm chí mi từng chỉ đọc các tít lớn, có lẽ cái cầu thang được nêu lên ở đó và đấy là lý do khiến những thông tin ấy vuột mất khỏi mi. Và giờ đây, chính các thông tin bị vuột mất đi đó là thứ mà mi cần. Và tôi bất động mất một hồi, mà suy nghĩ về sự phản đối ấy. Và chính lúc đó tôi nghĩ mình nhớ ra là có thể trước kia đã đọc thấy, trong một cuốn sách cho trẻ con, điều gì đó về một cầu thang tương tự. Chẳng có gì nhiều nhặn, chắc hẳn ở đó chỉ nêu lên sự tồn tại của nó, thậm chí điều này có thể chẳng được tích sự gì cho tôi."

Trong Sổ C, sau đoạn đầu tiên (cầu thang) và đoạn về con chuột nhỏ bị mắc bẫy, là đến câu chuyện về "Vạn Lý Trường Thành". Đây là một câu chuyện lớn của Kafka.


(Betrachtung: 12 trên tổng cộng 18)


Một trong những điều khiến câu chuyện về "Vạn Lý Trường Thành" là một câu chuyện lớn là, nó thuộc vào số những gì cho thấy cái có thể gọi là "phương pháp Kafka":

Vạn Lý Trường Thành của Kafka không được dựng từ đầu này đến đầu kia, hay ít nhất thì cũng không được dựng theo một mạch dài. Đấy là một bức tường, nhưng trong câu chuyện, nó được dựng theo cách như sau: nhiều nhóm nhỏ được lập ra để xây từng đoạn ngắn, các đoạn này nhìn trên tổng thể có tính cách ngẫu nhiên, tức là một bức tường ở đây, một bức tường ở kia. Như vậy, đó không thực sự là một bức tường, và nếu nhìn vào công dụng mà người ta muốn hướng đến, ngăn chặn những kẻ nguy hiểm, thì công việc chẳng được tích sự gì, vì giữa các đoạn tường có quá nhiều chỗ hở, thậm chí chỗ hở còn nhiều hơn tường. Tuy nhiên, toàn bộ cái đó được coi đúng là một bức tường, và thêm nữa, công việc được thực hiện rất nghiêm túc.


No comments:

Post a Comment