Jun 24, 2009

Nghĩa địa

Các bác cứ yên tâm, sẽ không phải là Câu chuyện nghĩa địa của anh giai Neil Gaiman đâu :) mà... vẫn thế thôi, sách vở ì xèo.

Quyển sách-quà tặng vừa nhận được: Lettre morte của Linda Lê. Bạn biến đâu mất hút thật là lâu rồi bỗng xuất hiện trở lại như đội mồ sống dậy. Cám ơn bạn vì đã chọn nó ở hiệu sách chỉ vì cái tên Linda Lê và cái tranh xác ướp trên bìa, mặc dù một chữ bẻ đôi tiếng Pháp bạn cũng chẳng biết :) mặc dù bạn đã từng ở Pháp :))

Những ngày này mỗi ngày cố gắng lắm cũng chỉ bỏ ra được vài chục phút đọc quyển Paul Valéry của ông thầy (bắt chước thủ đoạn câu view của bác Goldmund, toàn tự đặt link vào blog của mình hehe). Theo tốc độ này tôi nhẩm tính (không chắc chắn lắm về độ chính xác) rất có thể sẽ phải mang theo vài trang cuối xuống mộ cùng để đọc nốt, trong trường hợp sống được đến 80 tuổi.

Nhấm nháp, đúng là nhấm nháp. Mãi mới xong chương một chuyển sang chương hai, Valéry vẫn chưa thành người (à tức là chưa đến cái tuổi mà Sartre dùng làm nhan đề cho một quyển gì đó, L'Âge de raison). Mới rời được Sète để sang Montpellier, bắt đầu học lycée ở một cái trường không tiếng tăm gì lắm nhưng dù sao cũng từng là nơi Auguste Comte từng học để rồi thi đỗ trường X tức là Polytechnique (Bách Khoa Paris). Đại khái chương I toàn ông nội bà ngoại bố mẹ rồi ông cố rồi cố của cố rồi Sardaigne, Corse etc. Valéry từng nói mình là "un langage francais sur un bois italien" (c cédille, đại ý về cơ bản là người Ý). Hai dòng máu Ý và Corse, thành thử Valéry chẳng Pháp tẹo nào, thế mà sẽ trở thành nhân vật lớn của Pháp, hậu duệ của Montaigne. Trường hợp này tôi thấy hao hao trường hợp Chế Linh của ta. Từ ngày anh nhảy tàu (trốn vé) rời xứ Chăm, coi như anh đã trở thành ngôi sao lớn nhất, vô đối, chưa từng bao giờ có của lịch sử âm nhạc Việt Nam, thế mà anh lại không phải là người Việt.

Còn nghĩa địa: Jarrety nói đến nghĩa đĩa Saint-Charles, nơi chôn bà ngoại Valéry và chính Valéry sau này. Từ đây ta chuyển sang nghĩa địa, cụ thể là bài thơ "Nghĩa địa biển" (Le Cimetière marin), tác phẩm nổi tiếng nhất của Valéry về phương diện thơ, bên cạnh M. Teste, hay Une soirée avec M. Teste, tác phẩm văn xuôi nổi tiếng nhất (tuy nhiên cái làm cho Valéry vĩ đại lại không phải văn xuôi hay thơ, mà là những cái khác, chẳng hạn như Tel Quel, cội nguồn tên cái tạp chí của nhóm Philippe Sollers sau này, hay Cahiers, tức chính là các ghi chép hàng ngày). Từ bé ở Sète (tôi dốt địa lý nên chỉ mang máng đâu đó miền Nam cạnh biển, có thể là vùng Languedoc) từ phòng mình Valéry có thể thấy buồm những con thuyền như thể chạm vào khung cửa sổ.

Bài thơ này tôi chỉ nhớ mang máng, nhất là hình ảnh chim bồ câu trên mái nhà (Hai cánh bồ câu - Henry James :) Đây là nguyên văn.

Bài thơ rất dài. Đọc lần này thì tôi thích nhất đoạn sau:

Fermé, sacré, plein d'un feu sans matière,
Fragment terrestre offert à la lumière,
Ce lieu me plaît, dominé de flambeaux,
Composé d'or, de pierre et d'arbres sombres,
Où tant de marbre est tremblant sur tant d'ombres;
La mer fidèle y dort sur mes tombeaux!

"Biển chung thủy ngủ trên những ngôi mộ", cái khoảnh đất thiêng trú ngụ ngọn lửa không chất liệu (nghe quê thật thôi không diễn giải lằng nhằng nữa). Và nhất là khổ thơ cuối: "Không trung vô tận mở đóng cuốn sách của tôi" etc. Rồi: "Envolez-vous, pages tout éblouies!"

Khoái nhất là khi Jarrety trích một câu trong thư Rimbaud gửi ông thầy Izambard chửi quê hương mình (Charleville), gọi đó là nơi ngu xuẩn (idiot) hạng nhất của hạng nhất. Rimbaud cũng là một nhân vật được biết đến rộng rãi tại Việt Nam, trước nhất nhờ công của X. Diệu (bác Diệu bí danh X): "Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine/Hai chàng thi sĩ choáng hơi men", và nhất là sau này được đồng hóa với anh Rambo.

+ Đọc lung tung thấy bài phỏng vấn GS. Nguyễn Võ Thu Hương. Có vẻ như quan điểm của NVTH là Việt Nam đang áp dụng neoliberalism (tân tự do). Các bác chuyên gia kinh tế thấy có đúng thế không ạ?

5 comments:

  1. "Đọc lung tung thấy" chắc không sao đâu. Tưởng đi mấy chỗ đó có chủ đích chớ. ;p

    ReplyDelete
  2. Bà Hương này buồn cười nhỉ, chẳng hiểu sao lại nghĩ kinh tế VN là tân tự do.

    ReplyDelete
  3. Công nhận phát biểu của bà Hương buồn cười.

    ReplyDelete
  4. Ấy ấy, chữ Goldmund thiếu cái link kìa:)

    ReplyDelete
  5. đây đây, Tân tự do của bà Hương đây: http://www.sggp.org.vn/taichinhnganhangchungkhoan/2009/6/195252/

    ReplyDelete