Jun 26, 2009

Nói nhiều ngôn ngữ khác nhau

Có lẽ đã đến lúc cần thẳng thắn mà nhìn nhận một sự thật: văn học Việt Nam không mấy hấp dẫn thế giới. Cho dù số lượng phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài ngày ngày càng tăng và Việt Nam trở thành “thiên đường mua sắm” cho du khách Nhật Bản, thì cũng thật là viển vông khi đặt niềm tin vào một cuộc xuất khẩu ồ ạt văn chương nước nhà hay mơ mộng đến ngày một nhà văn Việt Nam có tên trong danh sách nhận giải Nobel Văn chương. Chấp nhận sự thật này, ít nhất một phần, cũng chính là chấp nhận điều hiển nhiên: thế giới nói bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Sở dĩ cần nói ra điều này vì tôi từng bị rất nhiều người căn vặn, thậm chí cự nự, tại sao dịch sách mà chỉ chăm chăm dịch sách nước ngoài ra tiếng Việt, không “chịu” dịch sách tiếng Việt ra nước ngoài. Lâu lâu lại có một dịp, chẳng hạn như một cuộc hội thảo khoa học nào đó, vấn đề được khơi ra, và thế nào cũng có ý kiến theo lối “hờn mát”: văn chương của ta đa dạng phong phú như vậy mà chẳng mấy ai chịu dịch ra tiếng nước khác “cho bạn bè năm châu hiểu hơn về chúng ta”. Tư duy này, đôi khi được phát ra từ chuyên gia văn học hoặc dịch thuật nào đó, theo tôi thuộc vào lối tư duy Nhà xuất bản Ngoại văn.

Tôi không rõ là vào những năm 1960 và 1970 “tiêu chuẩn” để được dịch tác phẩm sang tiếng nước ngoài có giống như cách thức đi nước ngoài của các quan chức Hội Nhà văn Việt Nam hay không, nhưng có vẻ như là rất nhiều sức lực đã được tập trung vào một công việc không mấy hiệu quả, nói đúng ra là không biết để làm gì. Có thể công việc này cũng phục vụ chút ít cho yêu cầu về tính công bằng trong giao lưu (hai chiều hoặc nhiều chiều) giữa các nền văn hóa, nhưng cho đến giờ di sản của dịch thuật Việt Nam không mấy ưu ái các “tác phẩm ép buộc và gắng gượng” ấy, cũng như lịch sử văn học Việt Nam đã bắt đầu không còn đoái hoài đến vô vàn tác phẩm thời vụ, phong trào, kết quả của một cuộc “đi thực tế” hay “trại sáng tác” có đăng báo chụp ảnh và tổng kết đông vui náo động nào đó.

Thật là khổ tâm, vì đúng là khó mà nói nổi với ai đó rằng công trình của tim óc và nhiệt huyết của bạn chẳng ai quan tâm đâu. Nhưng trước hết cứ thử nhìn vào các con số (những con số biết nói): theo Quiz 2004, số liệu chính thức cho biết vào năm 1997 nước Pháp có tổng cộng 1.321 đầu sách tiếng nước ngoài được dịch. Trong số này khoảng 1.000 dịch từ Anh và Mỹ; trừ tiếp ba ngôn ngữ quan trọng và gần gũi với Pháp là Ý, Đức và Tây Ban Nha thì chỉ còn trên dưới 50 đầu sách, mà ta đã quá biết rằng chỉ tính riêng ở châu Á thôi Nhật Bản và Trung Quốc đã quyến rũ người phương Tây đến mức nào. Như vậy vị trí của văn học Việt Nam tại một nước như nước Pháp sẽ là như thế nào? (Với một nền xuất bản và dịch thuật từ lâu đã đạt đến mức độ ổn định như Pháp, những con số này xê dịch không nhiều cho tới nay). Những vụ việc không mấy hay ho về thanh toán tác quyền giữa nhà xuất bản L’Aube (Éditions de l’Aube) và một vài nhà văn Việt Nam đợt trước cũng phần nào hé lộ “tầm quan trọng” của văn học Việt Nam tại trung tâm của văn học thế giới.

Tôi từng có một số dịp ngồi dự nói chuyện, thuyết trình của nhà văn Việt Nam tại nước ngoài. Gần như lần nào cũng vẫn nguyên kịch bản đó: nhà văn của chúng ta bày tỏ sự xúc động khiến khán thính giả cũng thấy cảm động lây, nhưng không mấy khi có câu hỏi nào được trả lời vào đúng trọng tâm; toàn cảnh giống như một cuộc nói chuyện khó nhọc giữa hai phía đầy thiện chí nhưng lại có cách nghĩ, lôgic khác hẳn nhau. Những ai từng dịch tham luận, bài nói chuyện của nhà văn Việt Nam ra tiếng nước ngoài hẳn cũng đều đã vò đầu bứt tai và thường xuyên phải chọn giải pháp “nắn nhẹ nhàng”, nếu không ngay chính người dịch cũng sẽ không thể nắm bắt ý tưởng (nhiều khi hoàn toàn không có), chưa nói đến những con người của các nền văn hóa khác. Giải Nobel vẫn cứ xa vời, và ngay cả khi có được, cũng sẽ không thể chắc liệu có phải là lặp lại trường hợp của Liên Xô hay Trung Quốc trước đây hay không. Sự u minh có lúc còn dẫn tới nhập nhằng, như khi một người dịch lại mạo nhận mình là tác giả viết ra các tác phẩm… của người khác, sự kiện hiện đang hâm nóng các diễn đàn văn học khắp nơi.

Thành ra, tác phẩm văn học Việt Nam ở nước ngoài được đọc với mục đích “tìm hiểu” chứ hiếm khi là “thưởng thức”. Nhưng thiện chí dù lớn đến đâu nhất định cũng không thay được chỗ cho giá trị.

“Tư duy Nhà xuất bản Ngoại văn” còn mắc một sai lầm cơ bản nữa là không tính đến yếu tố nhu cầu. Chỉ cần đặt ngược lại câu hỏi với vấn đề tại sao chúng ta đọc văn học dịch và dịch văn học nước ngoài là thấy rõ: câu trả lời đơn giản là vì chúng ta có nhu cầu đọc văn học dịch. Nếu không thực sự có nhu cầu, công việc dịch thuật vốn đã vất vả còn trở thành vô nghĩa. Và công việc sẽ chỉ thuận chiều khi người nước ngoài dịch văn học Việt Nam xuất phát từ nhu cầu. Không có người nước ngoài nào dịch sách nước ngoài ra tiếng Việt cho chúng ta đọc (để giao lưu văn hóa được thêm phần khăng khít), và chắc hẳn họ cũng khó lòng mà thưởng thức được ngôn ngữ một bản dịch không do người bản ngữ hoặc có trình độ tương đương bản ngữ thực hiện.

Tất nhiên tôi không có gì phản đối nỗ lực của nhiều người trong việc dịch văn học Việt Nam sang tiếng nước ngoài. Bản thân tôi những khi cần thiết cũng làm công việc này, cũng như sẵn sàng khuyến khích và giúp đỡ các dịch giả hoặc nhà nghiên cứu nước ngoài có ý định dịch thuật nghiêm túc. Tuy nhiên, cái gì hợp lý thì thuận lợi: trong thực tế Việt Nam đang có nhu cầu về sách dịch lớn hơn bao giờ hết như hiện nay, điều hợp lý sẽ là dịch sách từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt Nam chứ không phải ngược lại.

Nhìn tổng thể, có thể nói rằng dịch thuật của Việt Nam xét về số lượng sách dịch hàng năm đã bắt đầu ngang bằng với cả những nền dịch thuật lớn nhất thế giới. Điều này không có gì khó hiểu, khi mà công việc của các nước chỉ là bổ sung cái mới cho một kho tàng dịch thuật đồ sộ và phong phú không ngớt được bồi đắp, còn ở Việt Nam trong một số mảng và lĩnh vực thậm chí còn phải bắt đầu lại từ đầu, khối lượng công việc có thể nói là khổng lồ. Một trong các nguyên nhân của tình trạng này chính là lối tư duy hướng tới phục vụ giao lưu văn hóa với “các nước anh em” mà không quan tâm đến nhu cầu và tính hệ thống của dịch thuật.

Nhưng điều đáng buồn hơn cả là trong số nhiều nhà văn có ham muốn cháy bỏng là tác phẩm của mình được dịch ra tiếng nước ngoài (tiếng nào cũng được, chắc vậy) một phần không nhỏ lại không mấy khi đọc sách dịch từ các thứ tiếng khác, hoặc nếu có đọc thì sẽ có những nhận xét rất… nan giải như: “viết ghê thật”, “cũng thú vị đấy” hay thậm chí “nếu muốn tôi còn viết hay hơn”, mà không mấy nỗ lực để hiểu và cảm nhận. Rốt cuộc là vẫn chẳng có mối liên thông nào, thế giới vẫn cứ nói bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

---------------------

+ Theo tôi cứ như thế này Dương Thu Hương rất có khả năng được Nobel Văn học. Khi đó thì sẽ như thế nào? Chắc sẽ giống phải ứng của Liên Xô ở trường hợp Pasternak, Trung Quốc ở trường hợp Cao Hành Kiện. Chúng ta cứ đi theo đít mấy con quái vật khổng lồ đó thôi.

+ NB. Tờ báo tôi đăng bài này khi cho lên online ghi sai tít, thành "Nói nhiều hơn ngôn ngữ khác" (version báo giấy vẫn đúng) - theo tôi cái tít bị đổi (do nhầm) này không có nghĩa gì. Các nơi khác có đưa lại (v-s, dd, sh...) xin đổi lại theo đúng tiêu đề đúng: "Nói nhiều ngôn ngữ khác nhau". Tks.

17 comments:

  1. Bài này đọc sướng thế. Từng câu từng chữ luôn. Đấy, bác cứ tập trung chuyên môn thế này em sướng.
    Bà Dương Thu Hương mà được Nobel Văn học thì báo chí trong nước có đưa tin không nhỉ? Hehehe

    ReplyDelete
  2. Chú dốt bỏ mẹ, thế mà cũng dám nói đến nhu cầu.

    Ừ thì độc giả không đọc được tiếng Việt không có nhu cầu đọc các tác phẩm có xuất xứ từ Việt Nam, thế nhưng nhu cầu của các tác giả Việt Nam muốn dịch tác phẩm của mình ra tiếng nước khác là hoàn toàn chính đáng, đúng không?

    Vậy để cho 2 nhu cầu này đều được thoả mãn, tức tác phẩm tiếng Việt được dịch và độc giả của thứ tiếng được dịch ra cũng không cần phải đọc nó, rõ ràng là không không thể dùng giải pháp thị trường (tức bàn tay vô hình, theo anh gì đó bên tây nói), mà phải dùng giải pháp tài chính.

    Tức là ta cứ dịch, dịch nữa, dịch mãi. Có nhiều tiền thì thuê cả ta và tây vừa giỏi vừa có tâm huyết (chứ chả có tây và ta nào say mê tác phẩm tiếng Việt đến độ không kìm được được sự sung sướng mà chỉ muốn dịch ngay). Nếu có ít tiền thì thuê các em vừa tốt nghiệp đại học ngoại ngữ. Các em ấy dịch vừa nhanh lại vừa rẻ, bất kể thể loại chỉ có 50k/trang.

    Nguồn tiền thì có thể tự bỏ tiền túi hoặc xin của các quỹ từ thiện, chẳng hạn như Hội người mù v.v.

    Chú cứ trả lời các bác to mồm như thế cho anh.

    ReplyDelete
  3. công nhận bác (gì) giỏi, tóm đúng được cái bàn tay vô hình mà vì e lệ em không dám nói ra

    ReplyDelete
  4. Nói chuyện dịch văn học Việt Nam ra tiếng Tây mới nhớ:
    Hôm trước nhân dịp chị Thuận song ngữ tự giới thiệu China Town ở L
    'Espace, có người hỏi về đánh giá tác phẩm dịch China Town của Đoàn Cầm Thi, chị Thuận thật thà tâm sự là tác phẩm dịch quá tuyệt. Chắc là bạn... Linh vẫn nhớ nhỉ. Mình nghe lén được cô Christine Ottenwelter ngồi dưới cười mỉm là tuyệt đến mức nếu có ai đó đi dịch bản dịch trở lại tiếng Việt thì có khi hay hơn bản gốc. :))
    Mình đang băn khoăn là bạn này có nghĩ bản tiếng Pháp China Town hay hơn bản tiếng Việt không để còn tìm mua... :D

    ReplyDelete
  5. Bác nào nói sinh viên tốt nghiệp đh ngoại ngữ sẵn sàng dịch sách văn học VN bất kể thể loại với giá 50k một trang vậy? Em tốt nghiệp ngoại ngữ đây, và em phản đối đó nha. Còn tùy vào tác phẩm đó giá trị ra sao và ngôn từ của nó phức tạp đến đâu, với lại nếu không mê văn học thì chẳng ai dịch cái đó làm chi cho nhức đầu. :-"

    Thiệt ra văn học VN cũng đâu có hấp dẫn độc giả VN lắm, nói chi độc giả nước ngoài. Haiz...

    ReplyDelete
  6. Anh ơi! Mê F.Truffaut vậy thì dịch Tiểu thuyết Henri_Rocha đi. Cứ chờ mãi

    ReplyDelete
  7. Tức là Henri-Pierre Roché phải không? Bác này mất năm 1959, có thể là đã domaine publique rồi đấy, các bạn chuyên phim ảnh còn chờ gì nữa mà không xử lý "Jules et Jim" và "Les deux Anglaises et le continent" nhỉ :)

    ReplyDelete
  8. Từ đó đến giờ em chưa được dịch cuốn nào có nhuận bút hơn 50.000k một trang :))

    ReplyDelete
  9. Thế các bạn chuyên phim chiến đi thôi nhỉ! Theo bạn này thì là còn chờ gì nào? :D

    ReplyDelete
  10. Cho em lạc đề xíu: để có thể dán tờ giấy ở hành lang nhà anh thì em phải có account ở blogspot à?

    (Bảo Anh)

    ReplyDelete
  11. + Các bạn thích dịch Roché thì tiến hành đi nhé, nhất là những bạn mới khám phá Truffaut :) sau này xong rồi nếu cần tìm nơi xuất bản mà cần thì tớ giúp, không in chỗ này thì in chỗ khác hehe.

    + BA: về nguyên tắc chắc là không cần, vì có đầy bạn Anonymous đấy còn gì. Nhưng có vẻ như là blogspot này có một lỗi: nếu không truy cập khi đã log in một account blogspot nào đó thì hay có hiện tượng không đọc được comment và không comment được, nhất là khi cái entry có nhiều comment quá (như trên nhilinhblog :) Ít nhất đó cũng là lỗi xảy ra trên mấy cái máy tính của anh (khoe khéo không nhiều bạn cứ tưởng mình chỉ có con IBM ghẻ lở hắc lào).

    Khi đã có địa chỉ gmail thì tức là tự động em đã có một account bên blogger, vào My Accounts là set được ngay.

    ReplyDelete
  12. Thế thì khi nào lóe lên xong. :)

    ReplyDelete
  13. Suýt nữa đã mua Lục giác sông Hồng với ViLi in love nếu như mấy bài trong đấy không bị dịch ra tiếng Anh với tiếng Pháp mà nhà Nhị Linh đây có góp phần:)

    ReplyDelete
  14. Trong luật của bác hình như có cái quả khi hành động bị ép buộc thì coi như không có tội hoặc được giảm trừ hay sao ấy nhỉ :) mà bác kể ra hai cái thế nghe ghê chứ thật ra vẫn là một đấy, chẳng qua là có Ngô chí sĩ cứ thế nhét bừa từ cái này sang cái kia không thèm hỏi lấy một câu hehe.

    ReplyDelete
  15. Nghĩ hơi tức cười, trong khi tác phẩm nước ngoài thì ta dịch sang tiếng Việt (vì ta yêu thích, vì nhu cầu đọc mấy thứ đó của độc giả VN...) còn các tác phẩm tiếng Việt thì ta cũng dịch nốt sang tiếng nước ngoài, chứ không phải người nước ngoài biết rồi dịch lại. Kiểu như: Vietnam, everyone knows where it is but no one gives a damn :))

    Nói thế chứ em có quen 1 bà giáo da trắng ở đây, khá thích văn hóa VN, bà đem tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp vào chương trình học của lớp Comparative Literature cho sanh viên Mỹ.

    ReplyDelete
  16. hí hí, ép buộc là thế nào? Dí dao vào cổ hay dí cái khác vào cái khác?

    ReplyDelete