Aug 25, 2009

Kim xỏ trúng vào lỗ

Có nhiều cách để làm cho một cuốn sách trở nên đặc biệt, nổi bật hẳn trong số những quyển tương tự nơi nó thường được xếp vào. Nói đúng ra là không phải rất nhiều cách, nhưng các tác giả tinh tế luôn tìm ra được, và thường xuyên qua việc sử dụng những chi tiết rất nhỏ. Ở lĩnh vực văn học trinh thám, Fred Vargas, dù mới chỉ xuất hiện chưa lâu, đã là một bậc thầy về chi tiết.

Dĩ nhiên, trong tiểu thuyết trinh thám, chi tiết là xương sống, thậm chí là “alpha và omega” làm nên hình dạng, kết cấu và quyết định sự đánh giá của độc giả đối với tác giả, và dõi theo cách xếp đặt của từng cuốn sách, ta có thể nhận ra được một số nhà văn rất tài năng ở phương diện huy động, triển khai, thậm chí là thao túng chi tiết. Không chi tiết nào ngang bằng với một chi tiết khác: điều này chắc hẳn các điều tra viên được hư cấu ra cũng như tác giả trinh thám đều nhất trí cao độ.

Cảnh sát trưởng Adamsberg ở “Trong những cánh rừng vĩnh cửu” (Lê Quang Toản dịch, Nhã Nam và NXB Văn hóa Sài Gòn) không săm soi các chi tiết giống như đồng nghiệp, mà anh vắt vẻo trên chúng, trong một bộ dạng không lấy gì làm “cớm” (Adamsberg hay lang thang, không mấy khi lập luận logic, và lại còn thích nhặt sỏi dưới suối). Từ mấy con chuột bị kẻ nào đó giết chết vứt ở một nhà kho, Adamsberg làm đảo lộn cả hướng điều tra của một vụ án tưởng như đã giải quyết xong. Adamsberg đặc biệt không phải ở chỗ anh tìm được rất nhiều chi tiết, mà là việc anh thấy những kết nối rất ít người hình dung ra giữa các chi tiết rời rạc nhưng thần kỳ. Nhiều khi đọc trinh thám ta sẽ rất mệt mỏi với quá nhiều chi tiết; nhà văn giỏi sẽ biết cách không gây hỏa mù vô lối.

Xuyên suốt câu chuyện là một lý thuyết đầy thẩm quyền của bác sĩ pháp y nổi tiếng nhất nước Pháp, Ariane Lagarde: lý thuyết về sự “phân ly”, theo đó những kẻ tội phạm tâm thần phân lập chia ra làm hai nửa con người, một Alpha và một Omega, hai nửa này có thể hoàn toàn đối nghịch với nhau, thậm chí không hay biết sự tồn tại của nhau, Omega tội phạm có thể giấu đồ sao cho Alpha người bình thường không thể tìm ra để rồi phát giác Omega. Những tên tội phạm thuộc dạng này hết sức nguy hiểm, và Adamsberg đang phải đối đầu với một trong số đó. Mà cũng rất có thể không chỉ có một, như dần dà độc giả sẽ nhận ra.

Chắc chắn kết cục của “Trong những cánh rừng vĩnh cửu” sẽ làm nhiều người phải bất ngờ, nhưng điều đáng nói hơn là trên con đường đi tới điểm kết ấy, Fred Vargas đã dẫn dắt chúng ta đi qua rất nhiều khu rừng và cánh đồng tuyệt đẹp, từ có thật đến tưởng tượng, nhất là những khu rừng và cánh đồng của các chi tiết.

Nhân vật Veyrenc, người mới xuất hiện trong Đội Hình sự của Adamsberg, nói chuyện bằng thơ, dạng thơ cổ điển mười hai “chân” mang tên “alexandrin”, từng được những thi sĩ lớn nhất trong lịch sử văn học Pháp đưa lên đến đỉnh cao. Ở đây, “Trong những cánh rừng vĩnh cửu”, là dấu ấn của Racine, một trong các nhà thơ vĩ đại nhất của thế kỷ XVII. Người đọc có chút hiểu biết về lịch sử văn học sẽ tán thưởng việc đưa Racine (và một đôi chỗ, cả Corneille) vào đây, bởi ngay lập tức cái tên Racine sẽ gợi đến những bóng ma, âm mưu, và nhất là những người đàn bà tội lỗi (đặc biệt trong các vở kịch “Athalie” và “Esther”), không thể hợp hơn với cốt truyện của Vargas.

Có thể mở một ngoặc đơn nhỏ ở đây: nhân vật của James Patterson đọc tiểu thuyết của John Updike, một nhà văn đương đại Mỹ, nhưng các nhân vật trong tiểu thuyết trinh thám chủ yếu là không đọc gì cả, vì thời lượng truyện được dành toàn bộ cho hành động, cái khá thiếu vắng ở truyện của Fred Vargas hay một người có cách viết không khác bà nhiều lắm: Henning Mankell (nhân vật thanh tra Wallander của Mankell thích nghe Maria Callas).

Xuất thân là một chuyên gia khảo cổ học, Fred Vargas không ngần ngại đưa rất nhiều yếu tố vùng miền vào tác phẩm (nhất là Normandie, Pyrénées và Bretagne), tạo ra các nhân vật nhà khảo cổ học, cũng như đưa vào tác phẩm của mình một lượng không nhỏ chi tiết thuộc các ngành khoa học khác nhau, ở “Trong những cánh rừng vĩnh cửu” là kiến thức về những mẩu xương ít người biết nằm ở một số bộ phận ít người để ý của vài con vật. Những chi tiết này, cùng một chi tiết xuyên suốt là cặp sừng hươu kiêu hãnh (nhan đề truyện còn có thể hiểu là “Trong những cặp sừng vĩnh cửu”) đã góp phần tạo nên một cuốn tiểu thuyết trinh thám có hạng, giữ nhịp rất tốt và đầy tính khai phá.

Nhị Linh

------------------------

+ Tôi đoán bác thơ ký sẽ lại nhảy vào nói tháng này (lại) ra báo muộn hehe.

+ Đã nói thì thôi ta nói tiếp :) Bài mới đây của Trần Nhã Thụy trên Tuổi Trẻ chắc nhiều bác đọc rồi. Ở đây tôi chỉ xin nói là tôi ủng hộ Phương Nam ở trường hợp Khách không mời. Lập luận chính của bài báo là bìa sách sao xài hình ảnh khêu gợi mà nội dung đâu có gì như thế. Bìa Khách không mời rất đúng với nội dung, tôi đã từng viết review quyển này và có thể khẳng định trong một số bữa tiệc mà cuốn sách miêu tả có chuyện cho thức ăn lên người phụ nữ rồi thực khách xơi. Bìa sách như thế là trang nhã, đúng ý đồ (theo tôi thì hơi đúng nội dung quá, nhưng kiểu gì cũng là sát với nội dung). Nó còn là một sự giảm nhẹ mức độ của sex trong truyện, vì trong đó liên tục có cảnh nhân vật Đan Đông đi nhà thổ (và không phải chỉ đi chơi). Tôi nghĩ Trần Nhã Thụy chưa hề đọc quyển này. Bìa sách Phương Nam trong khoảng một năm trở lại đây rất đẹp, nhất là hay sử dụng tranh vẽ hợp lý.

+ Về chuyện bìa sách nước ngoài giản dị sang trọng thì tôi không có ý kiến gì, chỉ xin được hé cho các bác xem mấy cái bìa sách mà tôi biết: như là đây, đây, đây, đâyđây.

+ Cũng xin bày tỏ sự thông cảm sâu sắc với anh Lê Quang. Tôi còn nhớ hồi làm bìa Tình ơi là tình, anh Lê Quang đã tìm kiếm và xin được bản quyền cái ảnh từ một nhiếp ảnh gia người Áo, chính là cái mà các bác bây giờ nhìn thấy đấy. Tiếp đó là một cuộc chiến funny nhất trong lịch sử, vì các bộ phận quản lý văn hóa đòi cắt mông cô gái, nhất quyết là cắt, không cần biết săn chắc bền bở thế nào. Kết quả là trên cái bìa bây giờ bộ mông bị mất đâu như 2,7 mi-li-mét. Bác LQ ạ, em đang rùng mình chờ xem khi quyển Feuchtgebiete của Charlotte Roche ra thì sẽ thế nào, báo chí chắc không phải mài dao đợi sẵn mà là cầm sẵn cưa máy, như trong phim ấy.

+ Cuối cùng là sự thông cảm cực kỳ sâu sắc với chị em phụ nữ bị kỳ thị khi thống trị xã hội là tinh thần purist hay puritan. Đồng chí biên tập viên lười đánh răng hôm trước cũng chứng kiến đấy, tôi vào quán mà không được phục vụ vì bị nhân viên kỳ thì, vì mắt tôi đẹp quá :) thành thử tôi hiểu kỳ thị là như thế nào. Tủi thân lắm. Xin được chia buồn với chị em phụ nữ nào sinh ra mà lại lỡ quá gợi cảm.

17 comments:

  1. Vào mấy cái link bìa sách nước ngoài trên kia thấy cả một trời mông và không những mông.

    ReplyDelete
  2. Cái "đây" thứ hai đẹp nhỉ.
    Tình hình mà bìa cứ phải đúng nội dung thì gay go lắm, bây giờ hầu như nội dung nào cũng có vài cái mông(làm đốm lửa hồng!), thế thì vào hiệu sách ngang với vào nhà tắm công cộng ;)

    ReplyDelete
  3. Mạng với mẽo như dở hơi, post comment mãi chả được. Em đã comment là anh họa sỹ đã thay mông em nguyên gốc Tình ơi là tình thành mông em khác. Cái mông trên bìa không phải mông của em ban đầu đâu ạ.

    ReplyDelete
  4. thế dịch giả chuẩn bị nhận tiền huê hồng tui chuyển khoản để đi nâng cấp một vài bộ phận khác (trừ đôi mắt đã đẹp sẵn) cho lần tới đỡ bị kì thị nhé ;)

    ReplyDelete
  5. có hai phần rõ ràng, phần 1 là xỏ kim trúng vào quyển Trong những cánh rừng vĩnh cửu, phần hai là bìa sách show hàng, vậy mà không thấy ai còm cho phần một, chỉ tập trung vào phần hai thoai, hí hí, chứng tỏ mông vẫn hấp dẫn hơn rừng trinh thám.:)

    ReplyDelete
  6. Bác Trần Nhã Thụy này ko đọc sách mà phán, kể ra là rất giỏi! Bìa truyện Nguyễn Nguyên Phước rất đúng với tinh thần một truyện ngắn của anh trong tập. Mà đây là bài của Tuổi trẻ ý à?!
    NQT - TTVH

    ReplyDelete
  7. MM: ừ nhỉ anh quên mất, hồi đó cái hình kia đẹp hơn.

    ReplyDelete
  8. Không kêu báo ra muộn nữa, bệnh kinh niên rồi, với lại dù sao thì vẫn là báo của tháng sau. Lần này nhảy vô kêu cái đứa chuyên cầm đèn chạy trước ô tô.;D

    ReplyDelete
  9. Cái bìa của cuốn "Khách không mời" chính ra lại hay. Bởi vì đúng như nhân vật họa sĩ Trần Dương đại khái đã nói: cứ tiếp tục ăn đi, hãy tôn vinh nền văn hóa Trung Hoa vĩ đại bằng hàm răng và dạ dày của các người. Nhờ những kẻ như các người mà nền văn hóa Trung Hoa chỉ còn lại một phần nguyên vẹn là: ĂN!

    Thân thể tuyệt đẹp của một người phụ nữ cũng chỉ là gia vị kích thích dạ dày, là phần trang trí chỉ để: ĂN!

    ReplyDelete
  10. Em vẫn thích cái bìa của "Tình ơi là tình", em đọc quyển đó và không cảm thấy cái bìa có gì là show hàng như Nhã Thụy nói. Sao người ta giỏi "cú vọ" vào việc nhạy cảm của người khác thế nhỉ, đi mà cú vọ vào chỗ nhạy cảm của mình ấy!

    ReplyDelete
  11. Anh Nhị Linh câu khách gứm. Mà chẳng thấy ai bàn chuyện tiểu thuyết chỉ bàn chuyện kia là sao? :))

    ReplyDelete
  12. Cái lý thuyết phân ly đó nghe có vẻ giống như trong phim Mr. Brooks nhỉ.
    Có nên đọc James Patterson không hả bạn Nhị? Thấy sách của bác này được dịch ra khá nhiều.

    ReplyDelete
  13. Đã thấy Sous les vents de Neptune giá hơn 7euros nhưng chưa dám mua, để về hỏi bác có nên ko đã :)) Chắc bác sẽ khuyên vào thư viện? Chưa hội đủ yếu tố để được hưởng quyền vào thư viện bác ạ.
    Beigbeder có quyển Roman Francais bác đã đọc chưa? nó đắt gấp đôi quyển kia nữa cơ :D Vẫn trên giá "sách mới" cùng với Amélie Nothomb. Hay là mua nhỉ? Em đọc xong rồi cho bác :D

    ReplyDelete
  14. Em cũng rất muốn thổ lộ là [thấy] mấy cái "đây" hay hơn Racine với Corneille nhiều chớ. Hèn gì lúc trước các cô lắc lắc hát "Thiên đường là 'đây'" bác NL ngồi dưới gật gật. ;))

    Mà Quách nữ sĩ chuyển sang "nữ quyền luận" từ lúc nào vậy? ;P

    ReplyDelete
  15. bác Linh: theo em là không

    AI: tiếc nhỉ đợi thêm tí là có Neptune bản tiếng Việt. Ok vụ Beigbeder nhá :))

    ReplyDelete
  16. Thế bác gửi nhà báo cho em 1 quyển đê, gọi là trao đổi. :D

    ReplyDelete
  17. Quyển Neptune đó cực kỳ hay, nhưng phải đọc nguyên bản tiếng Pháp mới cảm nhận được cái thú vị của tiếng pháp vùng québec.

    ReplyDelete