Aug 3, 2009

Sống để kể lại

Khi đọc Tự thú (Confessions) của Jean-Jacques Rousseau, cuốn tiểu thuyết-tự truyện đầu tiên trong lịch sử văn học, người ta nghĩ tự truyện phải được viết giống như cách của Rousseau. Khi đọc Chữ (Les Mots) của Jean-Paul Sartre, người ta lại nghĩ hẳn đó mới là lối viết tự truyện hay hơn cả. Nhưng khi đọc đến Sống để kể lại (Vivir para contarla) của G. Garcia Marquez, dường như tự truyện còn có một lối khác nữa, vẫn còn khả năng khác để đi theo.

Khi Garcia Marquez viết Trăm năm cô đơn vào năm 1967, ông viết cuốn tiểu thuyết của đời mình, còn khi ông viết Sống để kể lại, ông viết cuốn tiểu thuyết về đời mình. Khó nói được là giữa thế giới Macondo trong tưởng tượng của chàng thanh niên Garcia Marquez và thế giới thật, trải từ Barranquilla, Aracataca, Sucre cho đến Bogota của ông già Garcia Marquez, thế giới nào hấp dẫn hơn. Trăm năm cô đơn ghi danh đất nước Colombia vào bản đồ văn học thế giới, còn Sống để kể lại ghi tên Garcia Marquez với tư cách một con người lên lịch sử nhỏ của gia đình và lịch sử lớn của đất nước. Ngoài ra, cuốn tự truyện không hoàn toàn tách biệt khỏi hệ thống tiểu thuyết của Garcia Marquez; quả thực ông lấy con người ông ra làm đối tượng để mổ xẻ, để tìm hiểu, và cả để cười cợt, không những thế ông còn phân nhỏ cuộc đời mình thành những mảnh thời gian, nghĩa là ông vẫn trung thành thực hành cái kỹ thuật xử lý thời gian đã từng đưa ông lên hàng nhà văn lớn nhất của thế giới, chứ không hề tuyến tính như những cuốn hồi ký nhàm chán khác, lỗi lầm mà ngay nhiều nhà văn nổi tiếng cũng từng phạm phải.

Đọc tự truyện của các nhà văn lớn, có lẽ không hẳn độc giả đi tìm các chi tiết cuộc đời, mà cái thu hút hơn cả là cách ứng xử của họ với cuộc đời. Garcia Marquez cười và đùa cợt trước mọi người, mọi sự kiện của cuộc đời, từ cái tên của cô em gái, vụ ngoại tình bị ông chồng bị cắm sừng phát hiện, cho đến cuộc gặp gỡ vị tổng thống của đất nước. Nhưng đó là cái cười của một người hiểu đời, thâm thúy và cũng đầy bao dung. Đọc các tự truyện cũng hấp dẫn ở điểm chúng cho độc giả thấy cả cách nhà văn ứng xử với nghề nghiệp của mình; nói nôm na đó là thái độ của họ đối với sách vở. Cả Rousseau, rồi Sartre, và giờ đây là Garcia Marquez, đều trải qua một tuổi thơ rất giống nhau, đều là những “con nghiện” sách vở, thậm chí nhiều khi đến phát điên phát rồ vì đọc bất cứ cái gì rơi vào tay. Trước khi trở thành các nhà văn lớn, trước hết họ đã từng là các Don Quixotte mê man với những thế giới hư ảo, những thế giới khác.

Và nếu ai muốn đi tìm một quan niệm văn học của Garcia Marquez, họ cũng sẽ tìm được ở trong cuốn sách này: “Tôi đã nghĩ rằng những điều kỳ lạ mà nàng Sêhêrazat kể là có thật trong đời thường vào thời đó, và sau này không còn xảy ra nữa vì người ta không tin và cũng vì sự hèn nhát của phái hiện thực chủ nghĩa của các thế hệ tiếp theo. Cũng vì lẽ đó, tôi thấy ngày nay khó có ai lại tin rằng mình có thể ngồi trên các tấm thảm bay qua các thành phố và núi rừng, hoặc là tin có những người nô lệ bị phạt nhốt trong chai suốt hai trăm năm trừ phi tác giả của truyện ngắn đủ khả năng làm độc giả tin vào điều mình viết như vậy” (tr. 290). Giờ đây khi đã đi qua cả sự nghiệp và cả cuộc đời, có lẽ câu phát biểu này của Garcia Marquez tổng kết hàm súc hơn cả dòng văn mà ông đã góp công tạo ra và đi theo trong suốt hàng chục năm qua.

Không thể phủ nhận công lao của dịch giả Nguyễn Trung Đức trong việc giới thiệu tác phẩm của Garcia Marquez ở Việt Nam, nhưng tôi chắc rằng cho đến nay chưa tác phẩm nào của nhà văn Colombia được dịch sang tiếng Việt tốt như bản dịch Sống để kể lại. Lê Xuân Quỳnh là cử nhân văn chương Tây Ban Nha và Mỹ Latin, nhưng hơn thế nữa, ông cảm nhận được và chuyển tải được tài tình mọi sắc thái hài hước tràn ngập từng trang sách. Cũng hiếm khi nào ở Việt Nam có một bản dịch “sạch sẽ” như thế: lỗi typo rất ít, câu văn được biên tập đến từng chi tiết. Người ta có thể không đồng ý với dịch giả về một số điểm, chẳng hạn khi ông dịch từ lost generation chỉ thế hệ nhà văn Mỹ hoang mang, mất định hướng thành “thế hệ đã mất”, hoặc những khi ông dịch không thật chuẩn các đoạn Garcia Marquez viết về các nền văn học Anh hoặc Pháp, vốn không phải là sở trường của dịch giả (cụm từ phương pháp “tiểu vi lượng đồng căn” hay xuất hiện trong sách cũng không thật sự chính xác, vì “tiểu” và “vi” trên thực tế đã đồng nghĩa với nhau). Nhưng từng ấy lỗi nhỏ nhặt không thể phủ nhận sự thật rằng nhà văn Colombia đã có được sự xuất hiện toàn vẹn nhất, gây nhiều say mê nhất trong tiếng Việt qua bản dịch Sống để kể lại.

* Đọc Sống để kể lại, Gabriel Garcia Marquez, NXB TP. Hồ Chí Minh, 2004, Lê Xuân Quỳnh dịch

--------------

+ Thỉnh thoảng đọc lại những gì mình viết từ lâu cũng có ích, với tôi luôn là việc ý thức mình đã từng "peremptory" đến thế nào, vẫn còn như vậy đến thế nào. Hồi viết bài này tôi cũng chưa biết chỉ "Gabriel" là tên riêng, còn hai cái sau là họ kép của bác này.

+ Hôm nay lại xin khất chronicle, lại có một lý do :(

15 comments:

  1. Viết về 1 quyển mà khiến người ta chờ đợi thêm 2 quyển khác, đúng là cao thủ điểm sách.

    ReplyDelete
  2. Chan the'
    Van chua dc cam to nao cua anh :d

    ReplyDelete
  3. Hic, chắc mai lại phải ra Đinh Lễ mua quyển này. Không biết còn không.
    Lê Xuân Quỳnh có dịch tiếng Bồ Đào Nha không nhỉ? Thấy ông ấy có dịch cuốn Hang Động của Jose Saramago.

    ReplyDelete
  4. Chẳng hiểu sao em thấy mỗi quyển này LXQ dịch hay, những quyển khác rất dở. Có lẽ còn có vai trò của biên tập nữa.

    Cũng không rõ là còn bán không (bài này em viết cách đây 5 năm rồi).

    ReplyDelete
  5. Em nghĩ dùng từ "cười" và "đùa cợt" cho Marquez không được hợp cho lắm. Quyển hồi kí này rất hay, phải công nhận; em thích nhất những đoạn ông ấy kể về kí túc xá. Những đêm đọc sách, tuyệt diệu thật :)

    ReplyDelete
  6. À quên, Rousseau ở Việt Nam, ngoài quyển Emile em chỉ thấy có July là được dịch trước đó. Quyển tự thú đã có bản tiếng Việt chưa anh nhỉ?

    ReplyDelete
  7. hehe Émile mới, bộ Julie cũ (nàng Héloise mới, 2 tập), còn lại chưa có "Những mơ mộng của người dạo chơi cô độc", "Tự thú" thì chỉ có một trích đoạn của anh dịch :)) nghe đâu sắp tới sẽ có một bản dịch đấy, nhưng cũng chưa chắc lắm, thế không gửi nữa à?

    ReplyDelete
  8. Rousseau viết khủng bố thật, quyển nào cũng dày kinh hoàng. Em cũng mới download được The confessions, in ra tốn tiền quá. Có lẽ 2, 3 tháng nữa em lại gửi anh một tập dầy :) Vừa đọc tập truyện ngắn Mối tình nực cười, có mấy đoạn vì diễn ý mà anh để mất nhịp điệu, thấy hơi tiếc. Truyện đầu giống Tchekhov quá; thích nhất là truyện Edouard và Chúa.

    ReplyDelete
  9. thế hả, đoạn nào thì em gửi mail cho anh, anh sẽ cân đong xem sao :)

    hai truyện đầu trong đó anh nghĩ ông ấy cố cho vào để đủ con số 7, vì số 5 và số 7 là hai cái ông ấy rất nâng niu, số 7 nâng niu hơn :) trong đó có 3-4 cái thực sự là khủng bố

    quyển "Những mơ mộng" lại rất mỏng hehe

    ReplyDelete
  10. à giờ nhớ ra quyển này là của First News, thế thì chắc vẫn còn đấy, các bác thử vào cửa hàng của Fahasa xem

    ReplyDelete
  11. Nghe thích quá, chắc lại tốn tiền nữa thôi.
    Ơ mà cách đây 5 năm bạn NL viết hay quá, bây giờ đỡ rồi.:))

    ReplyDelete
  12. Trời, Dubliners được Bách Việt xuất bản kìa. Nhờ bác Nhị Linh nhanh tay qua xem bản dịch thế nào để em còn rước về :(

    ReplyDelete
  13. Thế bây giờ bạn Nhị linh không đi làm ăn gì, chỉ ngồi đọc truyện suốt ngày thôi à. Bạn Nhị Linh làm nghề gì mà sướng thế??? :D

    Nkd

    ReplyDelete
  14. đâu phải bây giờ mới thế chị, xưa đã vậy rồi :)

    em làm nghề không làm gì cả, chị xem có phấn đấu được thế không?

    ReplyDelete
  15. Đúng là nghề mơ ước của chị đấy. Giờ chị cũng chỉ mong có bọn nào đấy nuôi chị không phải làm ăn gì cả để ở nhà đọc và viết những thứ mình thích thôi. Nhưng bây giờ vẫn còn nặng nợ cơm áo, học hành, chán wé. :(

    ReplyDelete