Aug 18, 2009

Strange

Những ghi chép đầu tiên về 2666. Lại xin lỗi các bạn vì bộ này cũng thuộc loại rất đắt :)

“An oasis of horror in a desert of boredom” (Une oasis d’horreur dans un désert d’ennui) câu thơ này là của Baudelaire, trong bài “Le voyage”, được Roberto Bolaño lấy làm đề từ cho cả bộ 2666. Một câu thơ nhưng có đến bốn hàm ý, ngoài nghĩa của chính câu ấy (“Một ốc đảo của kinh hoàng trên một sa mạc buồn chán”): horror và boredom, desert và oasis; theo đúng cách của Baudelaire, dùng horror để khỏa lấp boredom, và sự bao trùm của “sa mạc”. Câu thơ này làm tôi nhớ đến mối quan hệ giữa Sainte-Beuve và Baudelaire. Sainte-Beuve là nhà phê bình lớn nhất thế kỷ XIX của Pháp, với một đặc điểm rất kỳ quặc: là nhà phê bình lớn nhất, nhưng Sainte-Beuve gần như không quan tâm gì đến những nhà văn sau này sẽ được coi là lớn nhất. Công trình quan trọng của Sainte-Beuve là về nhóm Port-Royal, một cái nữa là Chateaubriand, còn lại đọc tuyển tập Sainte-Beuve thì sẽ thấy toàn những cái tên lạ hoắc, có đôi chút tiếng tăm thời ấy nhưng không phải là các tài năng lớn: ví dụ Labiche, do you know him or her? :) Baudelaire rất ngưỡng mộ Sainte-Beuve và có lần thậm chí còn viết thư gần như nài nỉ Sainte-Beuve viết về thơ mình. Ý kiến của Sainte-Beuve về thơ Baudelaire vô cùng nghiệt ngã: Sainte-Beuve so sánh nó với Kamchatka. Ai biết về vùng Siberia thì sẽ hiểu Sainte-Beuve định nói gì.

Cũng phải nhớ rằng bài “Le Voyage” này khác hẳn với “L’invitation au voyage” nổi tiếng (ở Việt Nam hay được biết đến với cái tên “Thỉnh du”). “Le Voyage” nghĩa là “Chuyến đi”, một bài thơ dài gồm nhiều phần, toàn văn đọc ở đây. Và cũng phải nhớ rằng bài thơ này nằm trong phần “La Mort” (Cái chết) của Les Fleurs du mal, ngay phần tiếp theo đã có hình ảnh trực tiếp của cái chết: “Ô Mort, vieux capitaine, il est temps! levons l’ancre!” (Hỡi cái chết, vị thuyền trưởng già nua, đã đến lúc! nhổ neo thôi!). Tức là không được bỏ qua yếu tố cái chết khi đọc 2666, cả với nghĩa đây là tác phẩm cuối cùng của Bolaño, mà Bolaño biết là sẽ in sau khi ông đã qua đời, cũng như một nguồn cảm hứng lớn của 2666: những vụ giết hại phụ nữ (hơn 200 người) tại Mexico.

2666 cũng là một “di chúc bị phản bội”. NXB bên Mỹ của bộ sách là Farrar, Straus and Giroux (ở blog cũ tôi có lần đã nói đến, khi một trong ba người – Giroux – chết), đã in thành một bộ ba quyển, chừng 1.500 trang, trong khi ý nguyện của Bolaño là in năm phần thành năm tập, mỗi năm xuất bản một tập. Năm phần của sách trong bản tiếng Anh mang tên như sau: “The Part about the Critics”, “The Part about Amalfitano”, “The Part about Fate”, “The Part about the Crimes”, “The Part about Archimboldi”.

Bộ sách này tôi đọc rất chậm, đến giờ mới sang đến phần II. Phần I có thể coi như là một khúc dạo đầu tiết tấu nhanh, dồn dập, nhiều chủ đề, nhiều nhân vật, nhiều yếu tố vui, vài khoảnh khắc chùng xuống, có những lúc cay đắng, nhưng chắc chắn sẽ báo hiệu thảm họa. Bìa sách được design theo một bức tranh tôn giáo, đặc biệt dòng chữ 2666 bị lấp một phần ra đằng sau, chỉ lộ rõ (đỏ chói) ba số 6. 666, như mọi người đều biết, là con số hiện thân của Satan, đã từng được nhấn mạnh trong Margarita của Boulgakov. Đoạn kết phần I cũng bắt đầu xuất hiện một nhân vật mang tên Amalfitano, sẽ là nhân vật chính của phần tiếp theo. Riêng cái tên Amalfitano với ba thành tố “a”, “mal” và “fi” đã gợi lên các ý niệm về phủ nhận, đối nghịch, điều ác và lưu huỳnh – tức là địa ngục.

Phần I giống như một đối âm của The Savage Detectives, một bộ tiểu thuyết khác (cũng đồ sộ) của Bolaño. Ở đây các nhân vật học giả của châu Âu đi sang châu Mỹ (cụ thể là Mexico) chứ không phải ngược lại như trong bộ trước. Mối quan hệ giữa hai thế giới Mới và Cũ không bao giờ ngừng hiện ra đồ sộ và ám ảnh trong tiểu thuyết của Bolaño, kể cả trong cuốn nhỏ nhất, đã có bản tiếng Việt – Đêm Chi lê – với hình ảnh Ernst Jünger. Các học giả châu Âu, ba đàn ông (Pelletier, Espinoza và Morini, Pháp, Tây Ban Nha và Ý, như ai cũng có thể dễ dàng nhận ra) và Norton, một phụ nữ (người Anh) đều là chuyên gia về một tác giả kỳ bí người Đức, tên là Benno von Archimboldi. Những cuộc hội thảo và mối quan hệ tình cảm kỳ cục không kém của bộ tứ này đã làm nên một phần I tiết tấu nhanh nhưng không gấp gáp, vui vui nhưng không tươi tắn, và đã có một số chuẩn bị cho điều tồi tệ, nhất là những giấc mơ và bản năng bạo lực lúc nào cũng như sắp bùng phát.

Mối quan hệ giữa Thế Giới Mới và Thế Giới Cũ được Bolaño tập trung miêu tả khi bốn người nói trên đi sang Mexico theo một manh mối mù mờ của Archimboldi, người chưa từng bao giờ xuất hiện ở đâu, chỉ có vợ chồng nhà xuất bản Bubis ở Đức từng gặp, và nhiều lần suýt giành giải Nobel Văn chương. Không biết câu chuyện sẽ xoay qua hướng nào vì tôi không hứng thú đọc trước synopsis hay review, nhưng có thể thấy rõ rằng tuy là người Chilê nhưng Bolaño rất hay lấy Mexico làm bối cảnh. Amulet, một tiểu thuyết khác nữa, đã như vậy. Trong 2666 này có lời miêu tả các nhà văn Mexico chỉ biết làm một việc là làm việc cho nhà nước, và say mê đọc Paul Valéry. Tôi cũng chưa thấy có hứng thú đi tìm hiểu tiểu sử Bolaño để biết cụ thể mối quan hệ của ông với Mexico là như thế nào.

Điều cuối cùng của các ghi chép đơn giản này: mọi thứ đều điên rồ.

+ Hôm qua đã họp báo ra mắt Nỗi cô đơn của các số nguyên tố của Paolo Giordano, nghe nói là giật gân lắm vì các bạn nữ cứ trầm trồ sao anh giai đẹp trai thế hehe. Tôi không đi mặc dù là người lo liệu cho quyển này kể từ mức độ tiền ý tưởng. Không phải nhà văn nào cũng làm tôi hứng thú muốn gặp. Tuy vậy cũng phải nói rằng cuốn tiểu thuyết của Giordano rất xuất sắc, mà tôi xếp vào một trilogy cùng Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm của Haddon và Giáo sư và công thức toán của Ogawa. Lý thuyết chính của quyển này là “các cặp số nguyên tố sinh đôi” (numéros premiers jumeaux), tức các cặp số nguyên tố cách nhau hai.

18 comments:

  1. Tớ chưa đọc Nỗi cô đơn của các số nguyên tố.

    Sắp sinh nhật tớ đấy.

    ReplyDelete
  2. Tuy đắt nhưng sách ở thư viện mới tinh mà không ai mượn (ngoài em) bác ạ! Tha lỗi cho bác :))

    Còn sách của Stieg Larsson thì trong cái hold queue em xếp thứ 193 (mà đấy là thư viện nó có khá nhiều bản)!!!

    Khi nào rảnh bác dịch mấy cái trang gần đầu câu cú dài dằng dặc xem sang tiếng Việt nghe nó như thế nào! Thực ra em vẫn cho rằng khi dịch thì phải chuyển được âm hưởng của nguyên tác và nguyên ngữ (tức là không cần giữ cho tiếng Việt trong sáng, chỉ cần không làm nó bửn đi là được). Khi đọc bản dịch (nháp) Moon Palace của bác rất là khoái chí vì có thể hình dung ra tác giả đã viết như thế nào.

    ReplyDelete
  3. Nghe nói là Bolãno muốn xuất bản thành năm tập để thu được nhiều tiền hơn cho con cháu đời sau (cũng giống như Larsson, Bolãno ra đi sớm, hậu quả của những năm tháng dấn thân vui vẻ). Nhưng con cháu của Bolãno thì tin rằng xuất bản liền tù tì sẽ làm người đọc hiểu được 2666 tốt hơn ...

    ReplyDelete
  4. bạn td20 vẫn luôn nhớ sinh nhật bạn hơn sinh nhật tớ :) ok năm nay bạn đang crisis với cả có giá trị gia tăng nên sẽ được đáp ứng yêu cầu, bạn gửi lại cho tớ địa chị nhà ở The Manoir nhá :) dù sao bạn cũng có điểm positive là không đòi tặng bộ 2666

    số 193 thì kinh quá, chắc đợi đến Tết Congo mất, bác chắc mua kindle hết tiền rồi ạ hehe, bỏ tiền mà mua cho nó mấu đi bác, nói riêng với bác là "tiếng Việt trong sáng", sometimes I really give it a damn

    cuối cùng là một tin khá buồn ạ: tôi đã cho số 12 và 20 vào chương trình tìm số nguyên tố của ĐH Princeton nhưng cả hai đều không phải nguyên tố ạ :)

    ReplyDelete
  5. Cái này hông liên quan nhưng cũng sắp sinh nhật em nữa nè. :)) Cho em xin quyển Số nguyên tố đi (đi mà, đi mà :)) ). Em vừa mới finish cuốn này, hay thật đấy, lâu lắm mới có 1 cuốn làm em thích thú như này, cuốn tuần rảnh có thể em sẽ viết review giới thiệu. ^^

    ReplyDelete
  6. Nhã Nam liệu có dịch 2666 không? Hay NL làm bộ trường thiên này đi, thêm một kỳ tích như Những kẻ thiện tâm ;)
    Hội hè liên miên vẫn chưa xuất bản à?

    ReplyDelete
  7. em có thể tiết lộ cho bác bằng cách trả lời câu hỏi đầu tiên: yes :)

    liên miên quá đâm thành lâu, chắc sắp thôi, phụ thuộc công nhân nhà in có đình công bãi công gì không

    MT: ok, hôm nay tự dưng anh dễ tính thế :) chỉ không biết tại sao em finish rồi mà vẫn muốn có?

    còn các bạn khác vừa phải thôi nhé (dặn trước :)

    ReplyDelete
  8. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
  9. hehe co' le trong luc cho doi bac NL dich, danh doc ban tieng Anh vay. Toet' ma't mat' thoi :))

    ReplyDelete
  10. Bác quên cuốn Vụ Án trường Oxford rồi à, lại cũng là toán. He he

    ReplyDelete
  11. Tại em muốn được anh Nhị Linh tặng sách. ;))

    Cuốn đó anh Giordano viết để dành cho những người như em đấy. :">

    ReplyDelete
  12. Nhớ đề tặng đàng hoàng nhé :-D

    Trong khi chưa có lời đề tặng nào được in (à có một lời cảm ơn thôi) thì mình vẫn tiếp tục sưu tập những lời đề tặng viết tay :-D

    ReplyDelete
  13. Đọc 2666 khiến chúng ta có cảm giác chính tác giả đang phải oằn mình xuyên qua con đường đầy rẫy những “vết thương tinh thần rỉ máu và dậy mùi hôi hám.”
    Với những con người từng bị những giấc mơ ruồng bỏ và đã : “không còn lựa chọn nào khác ngoài thức tỉnh.”
    Và dí dỏm làm sao: “một ngôi nhà dành cho những nhà văn bị giời đày của Châu Âu, một chốn nương thân”
    Cả đầy ắp niềm thương xót:
    “Kết thúc dành cho sự giả tạo.”

    ReplyDelete
  14. bác (gì) giỏi thế, đã đọc xong rồi á?

    ReplyDelete
  15. Dạ, em đọc xong rồi, bác. Suýt nữa thì được dịch, cuối cùng đổ bể vì bị Nhã Nam mua hớt tay trên của một chỗ khác :D Nhưng vẫn vui vì ít nhất một cuốn sách hay cuối cùng rồi cũng sẽ đến được với dân mình. Chúc bác sức khỏe dồi dào để có sức chiến với 2666(Bìa đẹp thế không biết)

    ReplyDelete
  16. trời thế ạ :) bác định hợp tác với bên NXBT ạ? hay bác liên hệ với em xem thử ta có cộng tác được gì không? (nhilinhblog@gmail.com)

    ReplyDelete
  17. Tròn 3 năm rưỡi từ entry này rồi anh Dũng ơi : )

    2666 vẫn đang trong nồi hầm hay được vớt ra bỏ qua rồi ạ : )

    ReplyDelete
    Replies
    1. ra đến miệng nồi, lật nắp vung rồi :)

      Delete