Sep 8, 2009

Hồi

Tại sao tôi lại cho bài trả lời phỏng vấn lên blog của tôi, nơi bình thường không chứa chấp những cái tương tự? Dĩ nhiên là bởi vì tôi muốn một số người đọc nó (tờ tạp chí đăng bài này không online). Một trong những người đó là Mr. Tin Văn. Không phải phách lối, tôi đã biết trước Mr. TV sẽ phản ứng, và tôi cũng biết chắc Mr. TV sẽ dùng một món mới thửa được, món "văn chương vô hại".

Vài đoạn trên TV:

"Theo tôi, không thể lấy cái sự được yêu thích ngang nhau giữa hai ông nhà văn Garcia Marquez và Kundera mà so sánh, như trên được, mà phải đặt câu hỏi, và sự trả lời, như sau đây, thí dụ:

Liệu có sự giống nhau, về chủ đề nào đó, khiến cả hai ông đều được độc giả Mít hồ hởi đón nhận?

Từ đó, ra câu trả lời:

Kundera, từ lò Đông Âu.


Garcia Marquez, từ thế giới thứ ba, thứ thế giới chỉ được "thực hiện có một nửa", nói theo Salman Rushdie:

Ở Mỹ Châu La Tinh, thực tại biến dạng do chính trị nhiều hơn là do văn hóa. Sự thực được bưng bít đến nỗi không còn biết đâu là sự thực. Cuối cùng chỉ còn một sự thực độc nhất, đó là lúc nào người ta cũng nói dối. Những tác phẩm của Garcia Marquez không có tương quan trực tiếp tới chính trị, nhưng chúng đề cập tới những vấn đề đại chúng bằng những ẩn dụ. Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là một khai triển chiết ra từ chủ nghĩa siêu thực; một chủ nghĩa siêu thực diễn tả lương tâm đích thực của Thế Giới Thứ Ba, tức là của những xã hội được tạo thành "có một nửa", trong đó, cái cũ có vẻ như không thực chống lại cái mới làm người ta sợ, trong đó sự tham nhũng, thối nát "công cộng" của đám cầm quyền và nỗi khiếp sợ "riêng tư" của từng người dân, tất cả đều trở thành hiển nhiên. Trong thế giới tiểu thuyết của Garcia Marquez, những điều vô lý, những chuyện không thể xẩy ra, đều xẩy ra hoài hoài, ngay giữa ban ngày ban mặt. Thật hết sức lầm lẫn, nếu coi vũ trụ văn chương của ông là một hệ thống bịa đặt, khép kín. Nó không được viết ở trên mảnh đất nào khác mà chính là mảnh đất chúng ta đang sống. Macondo có thực. Và đó tính nhiệm mầu của ông."

"Có thể, độc giả Việt Nam đọc xã hội hiện tại Việt Nam, qua kinh nghiệm, cách viết của hai nhà văn trên. do đó mà có sự sùng bái, best seller, hai ông này chăng?

Hỏi và trả lời, kiểu 'cò mồi', trên đây, giữa tay phóng viên và địch giả NL, là, hoặc lệch ra ngoài nguyên tác, [biến hai tác giả trên, trở thành "vô hại"], hoặc, theo kiểu ẩn dụ của Rushdie, hoặc, theo chủ trương của nhà nước: Biến mọi tác phẩm "nhậy cảm" thành "lãnh cảm"."

""Mặt trời chân lý chiếu qua tim". (Tố Hữu). Tính chất trữ tình không thể thiếu, trong thế giới toàn trị (totalitarian world): Tự thân, thế giới đó không là ngục tù, gulag. Nó là ngục tù, khi trên tường nhà giam dán đầy thơ và mọi người nhẩy múa trước những bài thơ đó, (Kundera, sđd).

Câu này, có thể áp dụng cho những bài viết của NL: Chúng được dán lên đầy các tờ báo hàng ngày hàng tuần, như TTVH, SGTT… và dân Mít tự hào đọc nó, cảm thấy mình cũng trí thức [trữ tình] như ai, và quên đi số phần của mình."

------------

Tôi copy lại mấy đoạn trên đây, không phải vì sợ Mr. TV xóa mất, mà vì trang TV có cấu trúc rất lộn xộn, khi cần muốn tìm cái gì đó coi như là mò kim đáy bể.

Tôi khá quen với cách suy nghĩ của Mr. TV nên không lấy làm lạ về những gì ông viết trên đây. Tôi không có ý định "trả lời" từng ý một (trả lời về cái sự trả lời về trả lời, xét cho cùng là rất rối rắm và không thể nói là không vô vị). Tuy nhiên, cách Mr. TV áp "văn chương vô hại" vào lung tung mọi nơi tôi thấy chẳng hay ho gì. Một nhà văn đúng nghĩa không bao giờ là "vô hại" với một người đọc đúng nghĩa. Với tôi điều đó không có gì phải bàn cãi, và giữa việc đưa tác phẩm một nhà văn không vô hại đến công chúng tiếng Việt và việc giảng giải ông ta không vô hại ở chỗ nào để mà bắt người ta tin như vậy, tôi chọn cách thứ nhất. Ai chọn cách thứ hai thì tùy, nhưng ai không hiểu được điều tôi vừa nói cũng là "vô hại", tôi nghĩ thế.

Tôi lấy làm choáng ngợp trước hiện tượng các nhà văn, nhà trí thức, nhà chính trị của Việt Nam khi chuẩn bị hậu sự bỗng dưng đóng góp nhiều thế, sắc sảo thế, ưu thời mẫn thế thế. Còn trước đây thì các ông làm gì? Almost nothing. Chuyến tàu vét đi vào lịch sử bỗng thành chuyến tàu của Ấn Độ, người người chen lấn lên tận nóc tàu. Hai câu này chi phối hành động của các vị hơi nhiều, hoặc là quá nhiều: "Cuốn sổ bình sinh công với tội" và "Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà". Tất nhiên không ai chọn phe nước lèo, tất tật đều về phe công chính (Những người công chính, mượn đỡ Jean-Paul Sartre).

Tôi cũng nghĩ rằng bất kỳ ai có chút ý thức đều hiểu có nhiều thứ thật là thảm (từ "thảm" này mượn của chính Mr. TV). Có điều đừng cố bắt người khác phải nghĩ giống mình về cái gì là thảm nhất. Với tôi, thảm nhất là ở Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác người ta chẳng có gì tốt đẹp để truyền lại cho nhau.

Giữa làm ra cái để rồi bị chửi là ngu với chửi là ngu những gì mình không động tay vào, tôi chọn cách thứ nhất.

Cuối cùng, chúc sức khỏe và, để mượn lời Trần Trọng Vũ, chúc sống lâu.

17 comments:

  1. Hay thật! Em cũng chúc các bác sống đủ lâu!

    ReplyDelete
  2. Theo tôi hiểu, ngoài việc bắt bẻ cách hỏi của tôi và ý tứ của NL, thì tác giả Tin Văn có lẽ mong đợi người ta nên hỏi những câu theo gu của ông ấy.
    Tôi không nghĩ là đến nỗi phải làm sách hướng dẫn tập đọc Kun hay theo ngành Kun-học mới có quyền hỏi nhau Kun hay dở ra sao, so sánh Kun với ai là quyền tự nhiên vô cùng...

    ReplyDelete
  3. Haha, trả lời hay đấy. Ngày càng thích bạn NL. :D

    ReplyDelete
  4. Đôi khi rất nực cười về sự giáo điều của những người nhân danh chống giáo điều! Họ có một giọng thô bạo hết sức để chỉ mặt đặt tên cái gì không thuộc "hệ thống" của họ....:(

    ReplyDelete
  5. Bác Tin Văn này hồi trước cũng có 1 bài phỉ báng Kapuściński, mình đọc đến câu ổng nhận xét Kapuściński "viết về châu Phi như thế thì thật là khốn nạn" thì chán quá, ko buồn nói nữa.

    ReplyDelete
  6. Chính ra hồi xửa hồi xưa nhưng cũng chưa xưa lắm bác TV viết cũng cân nhắc phết nhé, như talawas bộ cũ chẳng hạn.
    Thế rồi bỗng dưng bác ý thoái lui ở ẩn, một mình tung hoành một cõi. Đọc những gì bác TV cao ngạo phê phán dân Mít với dân Yankee mũi tẹt mình thấy không phải đều vô vị cả. Thế nhưng cung cách múa may từa tựa một thứ "The Almighty" của bác thì mình lại thấy rưng rưng, nhớ tới ông Hù Bá Jan.

    ReplyDelete
  7. Các bác cũng không nên để ý quá đến từ ngữ cụ thể của Mr. Tin Văn, mà chú ý đến cách nghĩ của bác ấy.

    Hồi trước có lần chị TL hình như có đưa ra một tài liệu của Ba Lan phủ nhận việc Kapuscinski là mật vụ phải không nhỉ.

    Thêm nữa là thái độ của Mr. TV không nhất quán: Kapuscinski là mật vụ thì "khốn nạn", còn Kundera cũng chịu chung cáo buộc (tất nhiên ở một mức độ khác), thì không?

    Milozs ở đây là ai nhỉ? Ông được giải Nobel hay ông anh em bà con Oskar?

    ReplyDelete
  8. à ông Hù Bá Jan là ông nào thế bác Midway?

    ReplyDelete
  9. he he, ý mình là ông Hàn Bá Ju.

    ReplyDelete
  10. Ke ke, thật là đanh đá :-D

    ReplyDelete
  11. Hồi trước chị có viết 1 cái note trong Facebook để trả lời bạn toiday20 về chuyện Kapuściński làm mật vụ. Chị copy ra đây để NL tham khảo nhé:

    "Theo những gì mình biết thì là thế này: Đúng là Kapuściński có tên trong danh sách những người hợp tác với cơ quan an ninh, nhưng vào thời đó (những năm 50-60) bất cứ nhà báo nào đi ra nước ngoài cũng có tên trong danh sách này. Bài báo trên Newsweek Polska (và sau đó là các báo khác ăn theo) nói Kapuściński là "gián điệp" theo tớ là một cách gây chuyện giật gân và ác ý. (Cách đăng bài của họ cũng thể hiện điều này: đầu tiên là một cái title thật lớn ngay trang bìa: "Hồ sơ của nhà văn", (chú ý: từ "Hồ sơ" ở bên này và trong văn cảnh này là một từ nhạy cảm) sau đó là một câu ở dưới: Liệu Kapuściński có thể từ chối hợp tác với mật vụ không? rồi cuối cùng mới là một câu thật nhỏ ở tít bên dưới: Theo báo cáo của các nhân viên an ninh: Kapuściński không cung cấp các tư liệu khiến Cơ quan An ninh quan tâm").

    Sau bài báo của Newsweek, một nhà báo người Ý là Valerio Pellizzari đã sang 3lan và nghiên cứu hồ sơ của Kapuściński ở Viện Ký Ức Quốc Gia suốt mấy tháng trời. Sau đó ông đã đăng một bài báo dài về vụ này trên La Stampa, trong đó ông cho rằng tác giả của bài báo trên Newsweek là hỗn xược và ác ý khi tố cáo Kapuściński như vậy. Có lẽ ông là nhà báo nước ngoài duy nhất đã đọc hồ sơ của Kapuściński. Tớ có số phonecủa ông ấy, nếu bạn thắc mắc gì tớ có thể cho bạn để bạn trực tiếp hỏi thẳng ông ấy.

    Một nhà báo 3lan khác và là người nghiên cứu về Kapuściński trong nhiều năm là bà Bozena Dudko cũng đã đọc hồ sơ của Kapuściński và nói với tớ rằng các hồ sơ đó chỉ chứng tỏ một điều: Kapuściński đã rất dũng cảm và khéo léo để tránh các cuộc hợp tác với cơ quan mật vụ. Nếu có những "tường trình" nào đấy, thì chúng cũng ko có hại cho ai hết. Bà nói ngoài bà ra bà không thấy tên của các nhà báo 3lan khác trong danh sách những người từng đọc hồ sơ của Kapuściński. Có nghĩa là các nhà báo khác cũng chỉ viết "theo thế này, theo người kia" thôi chứ ko thực sự tiếp cận với tài liệu.

    Tớ nghĩ rằng đó là 2 nguồn thông tin đáng tin cậy nhất để tham khảo về vụ này, vì họ là những người trực tiếp đọc hồ sơ. Ngoài ra thì chỉ còn có cách chính mình đi đọc hồ sơ mà thôi, nhưng tiếc là tớ ko có tgian, hơn nữa tớ tin vào nhân cách của Kapuściński.

    Ngoài ra, các tác giả Beata Nowacka và Zygmunt Ziątek của cuốn "Ryszard Kapuscinski -Tiểu sử nhà văn" mới xuất bản gần đây cũng chỉ trích phong cách đưa tin của Newsweek và khẳng định rằng trong trường hợp của Kapuściński, hoàn toàn không có các báo cáo mang tính hệ thống và thường xuyên cho cơ quan mật vụ."

    ReplyDelete
  12. Bà quả phụ Kapuścinśki thì bình luận về vụ này như sau: Đây là một sự vu cáo, nhưng nếu Kapuściński còn sống, ông chắc cũng sẽ nhún vai và không để tâm, vì phản ứng lại với các tin tức kiểu này là không tương xứng với nhân cách của ông.

    ReplyDelete
  13. Xin lỗi vì cái comment lạc đề này, tôi chỉ muốn cảm ơn Nhị Linh vì đã viết một bài về Astrid Lindgren rất hay trên trang TTVH, chuyên đề về văn học trinh thám cũng hay (tuy hơn ngắn). Hy vọng tiếp tục được đọc bài của Nhị Linh trên TTVH.

    ReplyDelete
  14. Tớ cũng hay đọc TV của chiến sĩ Trụ. Nói chung vui là chính, vì chửi nhau đấm đá nhau là mình thú. Trụ đọc nhiều, chửi cũng hay, cũng ác. Nhưng với tư cách nhà văn thì các tác phẩm của Trụ đều phò, đọc chả có mẹ gì hay ho.

    ReplyDelete
  15. ghê gớm lộ thiên chứ ngầm gì

    ReplyDelete
  16. Mình cứ tưởng điệu cười nhếch mép là đặc trưng khó quên và không thể thiếu của Nhị Linh. À với cả mắt đẹp nữa ;))

    ReplyDelete
  17. Đã "diện mạo" rồi lại còn "bên ngoài" nữa!

    ReplyDelete