Oct 20, 2009

Cọp Trắng trong rừng rậm

Cọp Trắng, Aravind Adiga, Thi Trúc dịch, dtbooks và NXB Trẻ

Thỉnh thoảng tôi cũng mang tâm lý giống như bác Goldmund hehe, nghĩa là đọc sách mà cứ săm săm soi soi, giống như giai thoại về nhà thơ Hữu Thỉnh, làm tổng biên tập báo Văn Nghệ chuyên môn giơ bản in thử báo lên ánh sáng để xem nhỡ có đùi cô gái nào ở trang này ăn trúng vào mặt ông to nào ở trang khác hay không. Đọc quyển Cọp Trắng (chờ mãi mới kiếm được) tức The White Tiger, giải Man Booker 2008 cũng thế, thậm chí tôi còn định mang bản tiếng Anh ra xem.

Nhưng rồi lại thôi, vì mấy trang đầu dịch cực oách, người dịch để ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt mà tôi nghĩ là chỉ có... tôi mới thèm quan tâm :) "Những" và "các" mới chỉ là một trong số khoảng vài trăm cái luôn phải để ý nếu thực sự muốn viết tốt tiếng Việt. Không biết dịch giả Cọp Trắng là ai, chắc một cao nhân giấu mặt.

Sau mấy trang đầu thì vẫn xuất hiện những cách giải quyết không hợp lý lắm, nhưng bản dịch này phải nói là xịn, ngôn từ phong phú dồi dào đúng giọng của Balram. Cọp Trắng là quyển tiểu thuyết đáng đọc nhất của tháng này. Nói vậy nhưng cũng có vài chỗ khá loạn: "Thượng đế đang dang bàn tay Người xuống đồng bằng phía dưới" (tr. 111) chẳng hạn (gốc là "God spreads His palm over the plains below"); "dang" chỉ dùng cho cánh tay, bàn tay thì có những từ như "chìa", "đưa", "xòe", "thò" etc.

Cuối đêm thứ ba, trong thư Cọp Trắng viết cho thủ tướng Ôn Gia Bảo bắt đầu xuất hiện chủ đề dân chủ, "một khái niệm mà người Trung Quốc các ngài, theo tôi được biết, chưa quen lắm". Chủ đề này vắt sang buổi sáng thứ tư:

"Theo tôi được biết thì những người da vàng các ngài, cho dù đã đạt nhiều thành tựu trong hệ thống cống rãnh, nước uống, và huy chương vàng Olympic, vẫn không có dân chủ. Một chính trị gia nọ từng nói trên đài phát thanh rằng đó là lý do vì sao người Ấn Độ sẽ đánh bại các ngài: chúng tôi có thể không có cống rãnh, nước uống, và huy chương vàng Olympic, nhưng lại có dân chủ.

Nếu tôi tạo dựng một đất nước, tôi sẽ lắp đặt ống cống trước, sau đó đến dân chủ, rồi mới tính đến chuyện tặng sách mỏng và tượng Gandhi cho người khác, nhưng tôi thì biết gì? Tôi chỉ là một kẻ sát nhân!"

Nhân vật Cọp Trắng nói như vậy để rồi sau đó mổ xẻ "dân chủ" của Ấn Độ; trước đó anh ta đã kể về vùng mình sống, có ba viên gạch đầu tiên đặt để xây bệnh viện nhưng không có bệnh viện nào hết: mỗi lần có một "đảng viên Đại Xã hội" (Great Socialist Party) ứng cử thì ông ta lại hứa một bệnh viện, rốt cuộc là không có cái nào.

Cách đây một năm tôi đã review cuốn tiểu thuyết này, cùng hai tác phẩm Ấn Độ khác. Đến bây giờ đọc bản dịch tiếng Việt của cuốn sách vẫn không thấy giảm sút niềm hứng khởi.

NB. Bài review kia tên đúng là "Lộn trái Ấn Độ", còn bài review tập truyện ngắn của Bảo Ninh tên là "Chưa kết được". Đó là cách của tôi: khi post lên blog tôi hay đặt một cái tên khác, tùy tâm trạng lúc đó, cũng là một dạng "bài tập về đặt tên". Tôi không chịu trách nhiệm về các trích dẫn từ đây, trừ khi được sự đồng ý của tôi. Những người trích dẫn từ đây để viết bài đăng báo có nhiều khả năng sẽ dẫn không đúng nguồn, thậm chí không đúng văn bản đã công bố của tôi.

68 comments:

  1. Neu co nguoi dich hay dc cuon nay sang tieng Viet thi dung la mot niem hung khoi! Khi doc cuon nay (nguyen ban), tui cu nghi o biet tieng Anh kieu An dich sang tieng Viet thi se thanh tho ngu cua mien nao?

    ReplyDelete
  2. Bác NL có phải là Dung bên diễn đàn sachhay.com hông nhỉ.Vừa thấy Dung khen bản dịch Cọp trắng bển xong :)

    ReplyDelete
  3. Không phải, tôi không tham gia sachhay.

    Bản dịch này bị hỏng cách dùng "chiếc", cái gì cũng "chiếc": chiếc gậy, chiếc cầu, chiếc ô tô, đến chiếc đèn chùm thì bắt đầu tệ. Một số dịch giả hay viết như thế, Bửu Ý từng dùng "chiếc hoa" trong "Con lừa và tôi", nhưng funny nhất tôi từng gặp là "chiếc phòng" trong một bản dịch của miền Nam trước đây. Chắc có cả "chiếc chiến tranh" hehe.

    ReplyDelete
  4. Những cái luôn phải để ý nếu thực sự muốn viết tốt tiếng Việt là những cái gì thế?

    ReplyDelete
  5. Eo, mắt bạn Nhị Linh như lắp kính hiển vi ấy nhỉ

    ReplyDelete
  6. nhân câu hỏi của bạn today20, bạn NL có thể nói theo bạn thì trong các nhà văn VN ai là người viết tiếng Việt tốt?

    ReplyDelete
  7. Nói một cách tóm gọn, ngôn ngữ phương Tây có biến hình (morphology) và nhiều điều kỳ thú đã nảy sinh từ đó, tiếng Việt không có biến hình (GS Phan Ngọc từng muốn chứng minh tiếng Việt cũng biến hình ở một số trường hợp nhưng tớ chả tin hehe) nên những điều kỳ thú của nó được tạo nên từ chỗ khác, trong đó quan trọng hơn cả là sử dụng các "yếu tố vụn vặt" của tiếng Việt (tiếng Việt là một ngôn ngữ vụn). "Chiếc" là một ví dụ rất rõ ràng đấy: không phải tự nhiên mà có "bông hoa", "cây cầu", "cuộc chiến tranh".

    ReplyDelete
  8. GM: những giây phút khó tính em cũng hay nẩy thú tính muốn được đấm bác nhà văn nào đó :) anw, chuyện đó không thực sự quan trọng nếu tác phẩm đáng/nên được chú ý ở nhiều khía cạnh khác.

    ReplyDelete
  9. Em nghĩ việc dùng từ trong tiếng Việt không phải cứ đọc nhiều học nhiều mà nắm được hết mà cái "cái giác" khi dùng từ mới là thứ quan trọng nhất. Rất ít người có cảm giác tốt, đến nỗi đọc phát có thể biết được người này ngay. Còn cảm giác yếu thì dù có học mấy cũng không nắm hết được, vì tiếng Việt thì vô cùng lắm.

    ReplyDelete
  10. Càng ngày tôi càng thấy sự uy tín của giải thưởng booker, còn như thì nobel ngày một xuống :))

    Tiện đây xin hỏi. Bác NL là người trong nhà nên cho tôi được hỏi thăm chút thông tin nhé: còn booker 2007 và những đứa trẻ nửa đêm thì bao giờ mới ra sách hả bác. bác có thể bật mí tí chút về bản dịch không?

    ReplyDelete
  11. So sánh số comment entry này với entry dưới thì thấy đúng là người đọc blog Nhị Linh thích đọc văn học dịch hơn là văn học trong nước :D.

    @thuongnhomuoihai: Tôi nhớ là văn tiếng Anh cuốn này khá "trong sáng", dễ đọc, ít dùng thổ ngữ Ấn-Anh. Ai mà dịch được Salman Rushdie thì mới thực sự là giỏi, dầy đặc các từ nửa Anh nửa Ấn.

    Cuốn này bán ở Đinh Lễ chưa bạn Nhị?

    ReplyDelete
  12. anh viết 1 bài về tiếng việt đi, em đang cần :)

    ReplyDelete
  13. bắt đầu có từ hôm qua rồi đấy bác Linh

    hay các bác chịu khó đọc "Wolf Hall" của Hilary Mantel trong khi chờ Enright và Rushdie nhỉ :) đúng là thỉnh thoảng có những cái kéo dài, vì nếu không thì sẽ là kéo rất dài :p

    ReplyDelete
  14. Ngày trước có thấy Nhã Nam giới thiệu cuốn "Haroun và biển truyện" của Rushdie. Chờ mãi chả thấy ra.
    "Cọp trắng" bán trên Đinh Lễ rồi đấy bác Linh. Giá bìa 70k. Trông cũng hay hay.

    ReplyDelete
  15. Anh ơi, viết một bài về tiếng Việt đi. Anh túm lại trong cái gì mà biến hình với không biến hình em đọc chẳng hiểu gì cả.

    Thêm em năn nỉ anh nữa là có ba người hỏi rồi đó. Anh cần bao nhiêu người hỏi nữa mới "chịu" trả lời? :D Anh "hét" một con số đi, để em tính. :D

    ReplyDelete
  16. @Linh: Toi thay cuon nay cach ke chuyen, cach dung hinh anh, va dac biet la cach cau truc cau rat dac trung cho loi noi tieng Anh cua nguoi An Do. Doc sach co the nhan thay ngay la nhung loi ke tu mieng mot nguoi An Do, chu khong phai la nguoi Anh, My, hay nguoi nuoc khac noi tieng Anh. Toi khong noi den "tho ngu An Anh" vi qua that toi cung khong biet tho ngu An Anh nao de lien tuong.

    ReplyDelete
  17. Người dịch Cọp trắng là một chị còn rất trẻ anh ạ, ban đầu em cũng tưởng cuốn này toi, ai ngờ lại oách thế.
    Oách xà loạch giẫy lên đành đạch!

    ReplyDelete
  18. Đang định viết là anh đoán đây là một người rất trẻ, chắc chắn dưới 30 tuổi :) căn cứ là cách xử lý ngôn ngữ: một số lỗi dùng từ không hợp nhưng cách xử lý đại từ liên hệ là của một người có kiểu nghĩ khác với trước đây, không viết câu kiểu "cái thành phố mà tôi yêu quý những con đường của nó".

    Viết về tiếng Việt thì không dám không dám, văn chương "nhất thốn thổ" :)

    ReplyDelete
  19. Đang định viết là biết chắc 100% là dù có năn nỉ kiểu gì thì Nhị Linh cũng sẽ "không dám không dám". :D

    Vậy sẽ hỏi một câu dễ hơn: Anh chỉ cho em tài liệu/sách nào nói về tiếng Việt nói chung hoặc vụ án biến hình/không biến hình nói riêng để em đọc với? :D

    ReplyDelete
  20. hỏi một câu dễ hơn nữa: Theo anh, để có được một nền tảng tương đối vững về tiếng Việt, để có thể viết tiếng Việt tốt tương đối - ít nhất là cũng không bị những biên tập khó tính trong cơn thú tính đấm vào mặt - thì nên đọc/học những gì?

    Dù sao, em cũng muốn đọc bài anh viết về tiếng Việt. he he

    ReplyDelete
  21. trời ơi đang cọp cơ mà, từ zoology quay sang linguistics thế này thì đỡ làm sao nổi :)

    có thể cách miêu tả sau không chính xác nghiêm ngặt về thuật ngữ, nhưng các ngôn ngữ "có biến hình" (không chắc là có tương đương hẳn với "synthetic language" tức là dạng khác so với "analytic language" như tiếng Việt) là các ngôn ngữ có cách cấu tạo từ xuất phát từ "căn" (root), rồi có chia động từ, số nhiều giống đực cái, tiền tố và hậu tố (gọi chung là affix), tất tật yếu tố ngữ pháp đều thể hiện trên một từ, trong khi ngôn ngữ "không biến hình" như tiếng Việt muốn diễn đạt số nhiều cũng phải thêm từ, giống đực giống cái cũng phải thêm từ hoặc từ khác nhau, tiền tố hậu tố về cơ bản là không tồn tại...

    để viết tiếng Việt chấp nhận được không nhất thiết phải có hiểu biết về ngôn ngữ học nhưng nên để ý quan sát trong khi đọc, so sánh đối chiếu, tự rút ra các kinh nghiệm như một hoạt động tự nhiên (vì dù sao tiếng Việt cũng là tiếng mẹ đẻ, nên dĩ nhiên là tự nhiên hơn nhiều so với khi học tiếng Anh chẳng hạn :)

    sorry bị hỏi bất ngờ nên không có câu trả lời nào gọn gàng hiệu quả

    ReplyDelete
  22. em cũng nghĩ (có lẽ) anh cũng quy về cảm giác và kinh nghiệm trong học viết tiếng Việt. Nhưng sẽ thật sự khó khăn, nhất là khi bản thân người học đang ở trong tình trạng bát nháo - bát nháo về độ chuẩn xác của các nguồn thông tin văn bản viết, hay bởi vì bản thân chưa đủ vững vàng để sàng lọc thì cũng là bát nháo.

    Em nghĩ, nên chăng, nếu nhận được sự gợi ý - hướng dẫn từ bên ngoài, bằng cách tiếp cận với các tác phẩm, bài viết sử dụng tiếng Việt dạng viết một cách nhuần nhị (theo cách gọi của bác Goldmund :D) là một phương cách tốt góp phần tạo nên cảm giác về "hình dáng" của tiếng Việt không quá sai? Hay ít nhất cũng tạo nên một thói quen đọc sách không tồi.

    Như thế, em lại nghĩ, lúc này cần tiếng nói của 2 chữ: kinh nghiệm. Anh (lại) giúp em với! :D

    ReplyDelete
  23. Ui, đọc xong phần trả lời biến hình và không biến hình mà muốn hug Nhị Linh một cái quá, vì biết là (bọn) em đang làm khó anh rồi khi cứ Tiếng Việt ơi Tiếng Việt. Nhưng có gì anh (tiếp tục) chịu khó nhé. :))

    Em đồng ý với anh là quá trình học nào cũng nên quan sát + so sánh đối chiếu + tự rút ra kinh nghiệm. Nhưng em thấy bạn/Anh/Chị cf sua nói đúng là bọn em rất cần sự hướng dẫn, sự gợi ý hay sự định hướng, hay nếu anh không thích những từ đó thì đơn giản là chia sẻ kinh nghiệm.

    Em không phải là dân học về ngôn ngữ, cũng không định làm dịch giả, công việc thì càng không liên quan gì đến ngôn ngữ, nhưng em thật sự muốn viết Tiếng Việt tốt hơn.

    Em biết là rất khó để có một câu trả lời gọn gàng và hiệu quả, vì em đoán là bản thân anh cũng phải tự mày mò, tự quan sát và tự rút ra kinh nghiệm. Nếu được thì sau khi hết bất ngờ, anh có thể chia sẻ giúp (bọn) em một chút kinh nghiệm của anh được không? Không nhất thiết phải gọn gàng hiệu quả đâu, như câu trả lời biến hình và không biến hình ở trên í, là bọn em cũng có thể hiểu được vấn đề rồi.

    Em từng giờ từng phút cắn móng tay cắn móng chưn đợi câu trả lời của anh. :)))

    ReplyDelete
  24. Bạn Bảo Anh ơi

    Tiếng Việt của bạn tốt quá rồi, có khi còn tốt hơn cả tiếng Việt của Nhị Linh, còn băn khoăn gì nữa?:)

    ReplyDelete
  25. À, nhân tiện nhiều người quan tâm về tiếng Việt, Nhị Linh quảng cáo hộ loạt entry về tiếng Việt bên nhà mình đi? Bên đấy có nhiều thảo luận hay lắm í!:)

    ReplyDelete
  26. @ Anh/Chị thuongnhomuoihai: Em xin được hỏi hai câu từ reply của Anh/Chị cho anh Linh ạ:

    1/Cấu trúc câu đặc trưng của lối nói tiếng Anh của người Ấn Độ cụ thể là như thế nào ạ? Nó có khác biệt gì so với cấu trúc câu của những người nói tiếng Anh khác?

    2/ Cách kể chuyện, cách dùng hình ảnh đặc trưng của một người Ấn Độ khi kể chuyện cụ thể là gì ạ?

    Nếu được Anh/Chị trả lời giúp em nhé. Em cảm ơn Anh/Chị trước.

    ReplyDelete
  27. đúng đúng, bác Goldmund nói chí lý (ref. "Vọng cố nhân", Ngô Phan Lưu :) tuy rằng viết tiếng Việt hay không phải là chuyện dễ nhưng ta cũng nên tự tin vào khả năng của mình :) nhân tiện quảng cáo các bạn sang bên chỗ bác Goldmund, bên đó từng xảy ra những cuộc chiến long trời lở đất trong đó tôi liên tục phải đứng ở vai trò bị cáo hoặc trạng sư khổ lắm í :)

    bác Goldmund mau về nhà lập label "tiengviet" cho các entry liên quan để mà đón khách đi hehe

    ReplyDelete
  28. @ Anh Goldmun: Hihi, em chưa nói là Nhị Linh viết Tiếng Việt tốt. :)) Em nghĩ là Nhị Linh biết như thế nào là tiếng Việt tốt, em hỏi là hỏi "cái biết" đó.

    À, em có đọc loạt bài đó bên nhà anh rồi ạ. Lúc khi vừa đọc xong tính để lại comment bên nhà anh, nhưng quen người đọc thầm lặng rồi, nên thôi.

    @ Nhị Linh: Hihi, Em phải chặn anh trước: nếu anh lấy lý do là anh viết TV chưa tốt để "ứng phó với báo chí" thì không thuyết phục được em. Dù cuối cùng, em cũng vẫn phải chịu thôi, The winner takes it all mà! :D

    ReplyDelete
  29. Trời, biết ngay là gì gì Nhị Linh cũng vào tát nước theo comment của Goldmund mà, comment của mình trễ quá.

    @Nhị Linh: nhổ cỏ mà nhổ không tận gốc kiểu gì nó cũng mọc lại, :D.

    ReplyDelete
  30. một ví dụ nho nhỏ nhé: người có ý thức về ngôn ngữ sẽ không bao giờ viết sai từ, vì ý thức ngôn ngữ đi cặp đôi (in tandem) với óc quan sát và khả năng ghi nhớ: chỉ khi thực sự quan tâm ta mới thực sự nhớ kỹ và hiểu kỹ

    rất nhiều người viết sai tên bác Goldmund, tại sao lại như vậy? vì không quan sát kỹ, tất nhiên còn chưa nói đến chuyện không/chưa đọc Narciss und Goldmund (Narcissus and Goldmund/Narcisse et Goldmund) của Hesse

    thành ra trước tiên nên cố gắng viết đúng tên bác Goldmund :)))

    ReplyDelete
  31. Ặc ặc, đúng là em chưa quan sát kỹ! (Sorry anh Goldmund!) Nhị Linh làm em sợ quá! huhu.

    Nhưng em thích ví dụ nho nhỏ và "phương pháp" của anh, tiếp đi anh! :)))

    ReplyDelete
  32. Trong số những người hay viết sai tên mình có bác TQ, he he, suy ra bác TQ chưa đọc Narciss und Goldmund (Narcissus and Goldmund/Narcisse et Goldmund) của Hesse

    Đã tự quảng cáo rùi:)

    ReplyDelete
  33. sẵn đây anh NL có thể giới thiệu giùm nhà xuất bản nào dịch cuốn '' Jen Ê RƠ'' (phải vầy ko ta) hay và '' đúng chính tả '' không? Tui đọc cuốn này khi tui học lớp 7, nhưng lúc đó ở nhà chỉ có tập 2, mười mấy năm nay không có điều kiện tìm đọc lại, hổm rồi ra nhà sách thì thấy có 2 cuốn của 2 nhà xuất bản nào đấy. Tui chỉ nhớ 1 cuốn của Văn hóa thông tin, ui trời ơi, mới đọc thử có 2 trang mà sai chính tả tè le, tức không chịu được, còn 1 cuốn kia thì lại dịch tên tiếng anh ra tiếng việt,đọc cũng rối mắt, hic hic.
    Sorry vì hơi ngoài lề chút, nhưng nếu anh biết thì chỉ giùm. Cảm ơn nhiều.

    ReplyDelete
  34. anh goldmund chỉ đường lòng vòng quá: bên blog này thì chỉ qua blog của anh, qua blog anh thì lại chỉ qngược về blog này!

    em đang cần cải thiện vốn tiếng Việt đây vì em viết mà không ai hiểu đúng nội dung gì cả:((
    vả lại nắm rõ ngữ pháp tiếng Việt và hiểu rõ từng từ tố một mới làm thơ-không-rác được.

    ReplyDelete
  35. FK: Anh sửa lại cái link rồi đấy

    ReplyDelete
  36. Hi, hôm nay nhân dịp gặp một người rành về dịch thuật trước đây, tôi đã tranh thủ hỏi về "Jane Eyre". Dịch giả là Trần Kiêm, và chắc là không có bản dịch nào khác. Trần Kiêm là một dịch giả có tên tuổi trước đây, cũng là người dịch "Hội chợ phù hoa" của Thackeray. Chuyện các nhà xuất bản khai thác các tác giả đã thuộc "public domain" hoặc mặc nhiên coi là "public domain" dù không đúng thì không biết đâu mà lần. Tôi cũng không rõ các bản in lại sau này bản nào tốt nhất.

    ReplyDelete
  37. Jane Eyre theo tôi nhớ bản dịch của Trần Anh Kim , bản mà tôi đọc thì đâu những năm 85 về trước, sau đó đâu năm 86, 87 thấy in thêm bản mới, NXB Vân học, có tranh chân dung một thiếu nữ ngoài bìa trong 1 khung rất nhỏ.

    Lúc đấy bé tôi cũng chẳng biết đánh giá chuyện dịch thế nào, chỉ biết thấy rất hay và dễ nhớ :-)

    "Cô Jane này, Thornefield (sp ?) mùa này thật đẹp phải vậy không ? Chúng ta hãy cùng nhau đi dạo dưới những rặng cây kia nhé. Chẳng hiểu sao hôm nay tôi muốn tâm tình và thổ lộ tấm lòng".

    ReplyDelete
  38. Tình hình "Jane Eyre" gay go quá nhỉ. Search thêm trên mạng thì thấy có vẻ còn có thêm một bản dịch về sau, của Văn Hòa:

    http://www.thuvien-ebook.com/forums/showthread.php?t=2316

    và là bản dịch không đầy đủ (rút gọn). Văn Hòa có lẽ là tên người/nhóm cộng tác lâu năm với NXB VH-TT, trước đây làm một loạt sách như "Tình trên non cao" của Gheorghiu.

    Bản dịch trước thấy nói là của Trần Anh Kim (1982?). Tôi không có sách để check cụ thể hơn. Cũng có khả năng đây là bút danh của Trần Kiêm, vì người quen của tôi khi được hỏi đã ngay lập tức nói ra cái tên Trần Kiêm, một người quen nay đã mất.

    Chị HD giỏi nhỉ, thuộc được cả văn xuôi, trước em thuộc được mỗi cái "Chơi giữa mùa trăng" của Hàn Mặc Tử rồi sau cũng quên, à với cả bài gì có cụm từ "tạo hóa đã cho họ cái quyền..." không học thuộc thì dễ không được lên lớp lắm :)

    ReplyDelete
  39. Còn cả một bài trong "Thép đã tôi thế đấy" nữa, chắc hiếm ai không thuộc nhể?

    ReplyDelete
  40. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  41. Narciss und Goldmund (Narcissus and Goldmund/Narcisse et Goldmund) của Hesse hình như đã được dịch ra tiếng Việt là " nhà khổ hạnh và gã lang thang"?
    đọc lâu lâu rồi, bây giờ không còn nhớ bác Goldmund là nhà khổ hạnh hay là gã lang thang nữa, :D

    ReplyDelete
  42. theo đúng thứ tự đó đấy bác :)

    quyển này có mấy bản dịch, mấy cái tên, nhất thời tôi không nhớ ra, SG trước đây khi dịch rất hay đổi tên, nhất là khi tên sách là tên người, chẳng hạn cũng của Hesse, mãi sau này tôi mới hiểu ra "Tuổi trẻ băn khoăn" chính là "Peter Camenzind"

    ReplyDelete
  43. Hơ, sao người viết văn được gọi là nhà văn, người dạy học được gọi là nhà giáo mà người ở sạch không được gọi là nhà vệ sinh nhở?

    ReplyDelete
  44. Trần Anh Kim, tên khác hoặc tên thật là Trần Kim Ấn, là người dịch Jane Eyre, hẳn là người trong miền Nam trước 75 vì đã từng có một số tiểu thuyết xuất bản tại Sài Gòn. Ông cũng từng dịch Love Under the Willows (Dưới bóng thùy dương), Love Story, v.v. Trong danh mục sách dịch của ông không thấy có Hội chợ phù hoa.

    Hội chợ phù hoa bản tôi có cũng do Trần Kiêm dịch.

    Bạn Nhị Linh trả tiền đê!

    ReplyDelete
  45. Hi NL,

    Tình hình là đang có trên tay bản Jên Erơ, 1986, in lần thứ 3, Trần Anh Kim dịch, Nguyễn Đức Nam giới thiệu, NXB Văn học. Mà sao ngày xưa sách quyển nào cũng được giới thiệu nhiều thế, cầm một cuốn sách biết được ba chị em và những người cùng thời, biết chờ đợi "Đồi gió hú", biết hào hứng với "Hội chợ phù hoa".
    (Cái chuyện nhớ thì tự dưng nhớ được lõm bõm vài câu thôi)


    Bây giờ sách ít có lời giới thiệu dài và công phu như thế nhỉ. Nhã Nam hay có bìa sách gập, có đôi lời giới thiệu hay trích nhận xét, chị cũng thích nhưng ngắn quá. Hay là vì bây giờ cần ra mắt sớm cho độc giả nhỉ ? Cũng may mà còn blog để đọc :-)

    Đúng là sách miền Bắc ngày xưa toàn dịch tên ra theo phiên âm tiếng Việt, nhưng như thế còn đỡ hơn miền Nam, đổi hẳn tên người thành tên tiếng Việt nghe mới sợ. Hình như Jane được đổi thành Kiều gì đó thì phải.

    Hesse có cuốn được dịch là "Tuổi trẻ cô đơn" nữa, không biết là cuốn nào. Còn "Siddartha" thì thành "Câu chuyện dòng sông", ngày xưa đọc cũng rất thích phần đầu.

    ReplyDelete
  46. Tuổi trẻ băn khoăn là Demian, không phải Peter Camenzind.

    NL xin lỗi đê:)

    ReplyDelete
  47. Vậy thì Demian và Peter Camenzind là "Tuổi trẻ băn khoăn" và "Tuổi trẻ cô đơn" (không nhớ thứ tự)

    ReplyDelete
  48. ôi ôi vâng vâng, cám ơn và xin lỗi :)

    ReplyDelete
  49. Narciss and Goldmund còn có bản dịch là Đôi bạn chân tình. Entry này có tới 51 comments, ghen tỵ quá!

    ReplyDelete
  50. Trần Anh Kim là người trong Nam, hồi trước mới học tiếng Anh tôi có đọc cuốn Ngữ pháp tiếng Anh cơ bản do bác này soạn (nếu không phải là trùng tên) trong đó có giới thiệu tác giả.

    ReplyDelete
  51. chính xác, cứ nhớ tên bản dịch kia có vần "ình" nhưng cứ bị xọ sang "Là bóng hay là hình"

    nhiều người tên Trần Anh Kim nhỉ

    ReplyDelete
  52. Dịch giả Trần Anh Kim tên thật là Trần Kim Ấn là người miền Bắc. Bản dịch Jên Erơ của ông in lần đầu ở NXB Văn Học từ năm 1965. Theo cuốn Những người dịch Văn học Việt Nam, nhà cụ ngay ở Trương Hán Siêu HN (hình như nhà một lãnh đạo cao cấp của Nhã Nam cũng ở đây?)

    Truyện Jên Erơ thì mình không nhớ chi tiết được như Hà Dương (Phan Thị cô nương?). Nhưng cũng xin góp vui: thập niên 1980 trên VTV có phát bộ phim truyền hình cùng tên của Anh nhưng được khai thác từ Đài truyền hình Liên Xô (quen gọi là đài Nga). Biên dịch và thuyết minh phim là bác Trần Bình Minh. Bác này có lời mở đầu rất khoa trương và ấn tượng "Hãng truyền hình Anh BBC giới thiệu bộ phim: Jên...n È....rờ..."

    ReplyDelete
  53. Bạn Nhị ơi, những tác phẩm chính của Salman Rushdie đã có ai dịch sang tiếng Việt chưa?

    ReplyDelete
  54. Trương Hán Siêu? há há há

    ĐQA: trước mắt Rusdie SẼ có Haroun và Midnight's Children.

    ReplyDelete
  55. Vâng, hồi đấy xem phim Jên Erơ chiếu trên tivi Nga, tivi đen trắng, 5 tập phim, mỗi tập chiếu 3 lần liền (ví dụ tối qua chiếu tập 3, 4; sáng nay tập 4, chiều nay lại tập 4, 5). Timothy Dalton đóng vai chính. Mọi người ngồi xem còn tôi có nhiệm vụ cầm sách đọc như thuyết minh luôn, khổ thế.

    Khoảng hơn 1 năm sau, tivi VN chiếu lại, Trần Bình Minh thuyết minh, không biết có phải bác TB Minh bây giờ làm to ở đài TH không nhỉ ? Giọng hay không tả được. Lời thoại trong phim giống trong truyên từng câu từng lời luôn.

    Sau này phim này được dựng lại, ngắn hơn nhiều, có bạn Charlotte Gainsbourg của Nhị Linh đóng vai nữ chính, nhưng tôi không thấy hay.

    ReplyDelete
  56. Bác NL có biết về thông tin này thì chia sẻ giùm em với nhé:

    - "Chết chịu" của Celine bao giờ mới có. Nghe là tháng 5 ra mà đợi đến giờ cũng chưa thấy. em dài cổ rồi bác ạ :(
    - Bác NL có đang dịch cuốn nào không nhỉ :)

    ReplyDelete
  57. "Mort à crédit" của Céline? Theo tôi được biết thì đã dịch xong từ lâu rồi, chắc chỉ đợi xuất bản thôi (hình như sẽ là NXB Giáo dục).

    ReplyDelete
  58. người dịch là thanh trúc, trưởng ban quốc tế báo tuổi trẻ, chỉ khoảng 25, 26 tuổi à

    ReplyDelete
  59. Kinh nhỉ, trưởng ban quốc tế bảo Tuổi Trẻ mà chỉ khoảng 25, 26 tuổi thôi à. Ngưỡng mộ quá!

    ReplyDelete
  60. Chắc là Con Ông Cháu Cha :(
    Tui nghĩ người dịch mà không sống lâu năm nước ngòai thì rất khó mà dịch "kinh nhỉ" được. Vì trong ngôn ngữ có nhiều từ, dân chúng dùng trại nghĩa đi rất nhiều. NÊn phải là dân sống với đất nước, con người, xứ sở của ngôn ngữ ấy cỡ 20 trở lên mới may ra nắm vững được những nghĩa ngữ của ngôn ngữ của thời đại ấy

    ReplyDelete
  61. sao lại kết luận ngay là COCC, mà ko nghĩ đến khả năng cô ấy chỉ đơn giản là một người trẻ tài năng... tôi có biết Thanh Trúc và có thể nói rằng cô ấy là một người rất đặc biệt, dám nghĩ dám làm

    ReplyDelete
  62. "dám nghĩ dám làm" thì không thể gọi là tài năng được

    ReplyDelete
  63. đoán già đoán non về người mình không biết làm gì nhỉ?

    thiếu gì người có tài, nhưng nếu mục quốc tế của các báo Việt Nam vẫn không khác như tôi biết cách đây vài năm thì làm không khó lắm, tôi từng biết có người mới 20 tuổi đã là trưởng ban quốc tế một tờ báo

    ReplyDelete
  64. Nhân mấy hôm lục lại sách cũ, tớ thấy "Viên mõ toà" không nhớ ai hỏi NL ấy nhỉ, của Marcel Aymé, Văn Phước dịch, in trong tập "Mối tình người thợ gốm", NXB Văn học, 1986. Đọc thấy ngộ quá.

    ReplyDelete
  65. vụ "Viên mõ tòa" đã có lời giải đáp rồi đấy:

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2009/10/ip-cua-vien-han-lam.html#comments

    hóa ra còn có cả trong "Mối tình người thợ gốm", quyển này em cũng có (giờ không chắc có còn không :)

    ReplyDelete
  66. Bắt quả tang HD ốm mà vẫn online nhé! :)

    ReplyDelete
  67. Đúng là Thanh Trúc, quyền trưởng BQT báo TT. Cô ấy (hình như)sinh năm 1983.
    Tôi nghĩ là cô ấy rất giỏi.
    Bác nào mà phán COCC là hơi bị đặt nặng chuyện tuổi tác này nọ đấy nhá.
    Culkin và bé Xuân Mai đã trở thành siêu sao khi mới có tí tuổi đầu.
    Đó là chưa kể tới thần đồng Trần Đăng Khoa.

    ReplyDelete