Oct 19, 2009

Người ta chết vì nước vì non

Nước mắt một thời (Nguyễn Khoa Đăng, NXB Hội Nhà văn 2009) kể lại về Cải cách ruộng đất tại một xã ở tỉnh Thái Bình, chủ yếu là các sự kiện năm 1955 ("năm Mùi", như trong sách liên tục nhắc đi nhắc lại), tức là khoảng thời gian cuối của Cải cách ruộng đất miền Bắc, những đợt thảm khốc nhất. Quyển tiểu thuyết này là cái nhìn ở phía bên kia, phía nạn nhân, chứ không phải từ phía đao phủ, phía các "ông Đội" hoặc "ông bà nông dân" như chẳng hạn Ba người khác của Tô Hoài.

Cái giá trị của cuốn sách này không phải là cách viết, cách kể chuyện, mà chủ yếu là vấn đề trong Cải cách ruộng đất những chuyện gì đã xảy ra, đúng hơn là những chuyện gì đã có thể xảy ra. Câu chuyện trong này có một phần rút từ cuộc đời tác giả Nguyễn Khoa Đăng, nhưng theo tác giả thì phần lớn là những gì xảy ra ở trong xã ông (xem phỏng vấn Nguyễn Khoa Đăng); theo mấy lời ghi ở sách thì Nguyễn Khoa Đăng quê Vũ Thư, Thái Bình, một trong những tỉnh có nhiều xã bị đưa ra làm "cải cách" nhất của miền Bắc.

Ai đã đọc Ba người khác rồi (tôi sẽ phải tìm đọc Sắp cưới của Vũ Bão) sẽ biết cái kiểu tình thế trở ngược sau một đêm, "tôm lộn đầu", rồi những chuyện nông dân mang ra tố, bịa đặt, thêu dệt, rồi giết người, đeo gông, nhốt tù... Đây là ghi chép của Trần Dần về vụ "đấu Nguyễn Văn Nga" mà Trần Dần trực tiếp chứng kiến tại Bắc Ninh vào năm 1956.

Trong Nước mắt một thời, vì không nặng về văn chương tuy cũng có cố gắng lồng câu chuyện cải cách vào một mối tình oan trái kéo dài cả một đời, có nhiều chi tiết về đời sống nông dân, mối quan hệ hàng xóm họ tộc, đặc biệt là đưa lại những câu khẩu hiệu hồi đó hay dùng: "Có khổ tố khổ, nông dân vùng lên" hay "Tố khổ nhiều, đấu tranh mạnh", ngoài ra câu mà các ông bà nông dân thường nói khi trực tiếp tố ai đó là "Mày cúi mặt xuống, mày vểnh tai lên".

Trong sách có một đoạn miêu tả một hiện tượng xảy ra ngay sau khi hòa bình lập lại: thời đó có món "nhảy kết đoàn", tức là người nông dân cứ nghe tiếng hát là nhảy, cứ có từ hai người trở lên là nhảy, nhảy say mê, nhảy phát cuồng, rồi từ nhảy nhót mà sinh ra bụng to, thành thử có câu vè: "Người ta chết vì nước vì non/Con gái tôi chết vì son đố mì".

Vì tôi đọc quyển này cùng thời gian với tập bút ký Canh bạc của Võ Đắc Danh nên thấy có một sự tương đồng về cách miêu tả ấn tượng tình dục đầu đời ở các cậu bé. Rất giống nhau: trong bài "Rơm rạ dại khờ" VĐD tả "chị Vân" làm cậu bé con xao xuyến vì một lần đứng trên cao xúc lúa, áo chị rộng nên cậu bé nhìn thấy xuyên suốt từ dưới lên. Cậu bé trong Nước mắt một thời thích cô Én, một lần cô cúi người làm đồng, cậu bèn nhìn xuyên suốt được từ trên xuống dưới. Mô típ này còn có trong rất rất nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn khác nữa.

3 comments:

  1. Chết tôi rồi!
    Vung tau

    ReplyDelete
  2. ế chỏng, ế chơ thế này à, thời này ai còn nói chuyện cải cách ruộng đất:)

    ReplyDelete
  3. ừ, không nói nữa đâu, chán rồi. :D

    ReplyDelete