Oct 16, 2009

Trẻ tuổi và tranh đấu

+ Một bài còn sót lại chưa đăng báo được, giờ cũng chẳng đăng nữa.

Sự kiện có ý nghĩa nhất của dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hoài Thanh vừa rồi nằm ở việc xuất bản cuốn sách Hoài Thanh trên báo Tràng An (NXB Hội Nhà văn). Những bài báo do Hoài Thanh viết ở thời tuổi trẻ ấy hứa hẹn sẽ làm cho cách hiểu về ông cũng như các sự kiện quan trọng của lịch sử văn học Việt Nam trước 1945 có thay đổi không nhỏ.

Quả thực, lễ kỷ niệm lớn cùng rất nhiều bài báo ca ngợi tài năng và con người Hoài Thanh không đóng góp được điều gì đáng nói cho nhu cầu tìm hiểu sâu hơn một nhân vật lớn, một nhà phê bình luôn ở trung tâm nền văn học Việt Nam trong suốt nhiều năm. Được nhà nghiên cứu Từ Sơn thực hiện cùng giúp đỡ về tư liệu của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, Hoài Thanh trên báo Tràng An đăng lại các bài Hoài Thanh viết đăng trên báo Tràng An của Bùi Huy Tín tại Huế trong hai năm 1935, 1936, giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp của Hoài Thanh: cùng khoảng thời gian cuốn Văn chương và hành động (Hoài Thanh ký tên cùng Lưu Trọng Lư và Lê Tràng Kiều) bị chính quyền thực dân tịch thu, đồng thời với cuộc tranh cãi giữa Hoài Thanh và nhóm Hải Triều, Phan Văn Hùm, và cũng là không lâu trước khi Hoài Thanh viết Thi nhân Việt Nam cùng Hoài Chân.

Cuộc tranh luận nổi tiếng “vị nghệ thuật-vị nhân sinh” bắt nguồn giữa Hải Triều Nguyễn Khoa Văn và Thiếu Sơn Lê Sĩ Quý đang diễn ra thì Hoài Thanh khi ấy đang viết cho Tràng An lên tiếng ủng hộ mặt nghệ thuật của Kép Tư Bền (Nguyễn Công Hoan). “Chiến tuyến hợp nhất” liền được phía “vị nhân sinh” lập ra chĩa mũi dùi công kích Hoài Thanh suốt trong một thời gian dài. Các tài liệu mới công bố (tuy chưa đầy đủ vì hiện còn chưa tìm được những bài Hoài Thanh viết cho các tờ Phổ ThôngLe Peuple ở Hà Nội; trong thời gian sắp tới các bài ông viết cho tờ La Gazette de Hué sẽ được xuất bản) cho thấy ngay từ giai đoạn ấy Hoài Thanh đã kịch liệt phản đối việc mình bị gọi là “nghệ thuật vị nghệ thuật”; điều quan trọng hơn là những bài báo trên Tràng An (ký “Hoài Thanh” và “Nhà Quê”) quả thực cho thấy cái nhãn “vị nghệ thuật” đeo đẳng ông suốt bao nhiêu năm là cả một sự hàm hồ to lớn.

Trên Tràng An, Hoài Thanh rất ít viết phê bình văn học mà chủ yếu bình luận xã hội và phản biện các chính sách của nhà nước bảo hộ, đồng thời đưa thông tin nước ngoài. Bắt đầu bằng bài báo “Một sự hoang phí ghê gớm: Dân quê”, Hoài Thanh viết về thân phận người dân nghèo trong xã hội (cùng mạch này sẽ còn có “Nghề trồng bắp ở Trung Kỳ” hay “Tình cảnh dân làm muối rất đáng thương”), phê phán cường hào ở nông thôn, châm biếm các chức sắc, và thể hiện sự ưu tư rất đáng chú ý về lịch sử dân tộc (bài viết dài “Hai ba tháng Năm ngày kinh đô thất thủ”). Trước khi là một nhà phê bình văn học (Thi nhân Việt Nam xuất bản năm 1942), Hoài Thanh cần được nhìn nhận là một người trẻ tuổi đấu tranh xã hội bằng ngòi bút.

Nhiều người đã nói tới đặc điểm bùng nổ của tuổi trẻ ở giai đoạn trước 1945 và điều này đúng: Thơ Mới ngay sau “phát súng lệnh” của Phan Khôi trung niên đã thuộc về lớp trẻ, thậm chí rất trẻ (như Chế Lan Viên hay Đinh Hùng). Các nhà phê bình thời đó cũng trẻ, cả Hoài Thanh lẫn Trương Tửu đều xuất hiện trên văn đàn rất sớm, và đã đấu tranh vì xã hội, vì văn minh một cách chân thành (từ khi chưa đầy 20 tuổi Hoài Thanh đã bị chính quyền bắt giam, và đó không phải là lần duy nhất). Những gì thế hệ này làm được không chỉ là cái mới, mà còn là cái tốt, không chỉ là cái đẹp, mà còn là lý tưởng đấu tranh.

Hoài Thanh trên báo Tràng An có ý nghĩa kép: cuốn sách vừa hé lộ một phần tuổi trẻ đáng tự hào của nhà phê bình nổi tiếng nhất của Việt Nam, vừa giúp đính chính lịch sử: trong cuộc tranh luận hồi ấy, “nghệ thuật vị nghệ thuật” chỉ là một đối tượng ảo, và trong guồng quay của lịch sử, Hoài Thanh đã bị lựa chọn làm đối tượng công kích (khi ấy người đầu tiên tranh luận với Hải Triều là Thiếu Sơn đã lặng lẽ rút lui). Trong đời Hoài Thanh, đây mới chỉ là lần “được lựa chọn” đầu tiên.

5 comments:

  1. "được lựa chọn" hay là "bị lựa chọn"?

    ReplyDelete
  2. hahah, Quachhhiennb độc đấy

    ReplyDelete
  3. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
  4. Xin lỗi bác Xuân, cảm phiền cho xóa comment của bác.

    "được lựa chọn", và trong ngoặc kép, là vì tôi muốn sử dụng cùng cụm từ này cho cả những lần sau. Ở trường hợp "Thi nhân Việt Nam" thì "được lựa chọn" mang tính chủ động, Hoài Thanh tự lựa chọn. Còn những lần sau nữa thì đang nghiên cứu thêm :P

    ReplyDelete
  5. sao không là: "Tuổi trẻ là tranh đấu"?

    ReplyDelete