Dec 14, 2009

Quang Dũng trên tạp chí Văn Học

Trên talawas đột nhiên mấy hôm trước đăng lại bài của Trần Văn Nam, "Từ giấc mơ Tây Tiến đến giấc mơ hòa bình", lần đầu xuất hiện trên tạp chí Văn Học số 140, ghi là "xuất bản tại Sài Gòn 1971": chính xác là số 140, ra ngày 6/12/1971. Với tôi thì thật là may vì đúng số này quyển tạp chí tôi có lại bị mất bìa, thành ra nhờ có bài kia mà biết được cái bìa hình thù ra sao:)

Cứ tưởng đăng xong bài này thì sẽ phải tiếp tục lục lại hồ sơ Quang Dũng trên tạp chí Văn Học thời ấy, nhưng đợi mãi chẳng thấy gì, thậm chí bài "Đôi mắt người Sơn Tây" mà Trần Văn Nam chép trong bài báo đó cũng không thấy talawas đăng lại. Đây lại là một phiên bản của bài thơ rõ lắm phiên bản này, có những câu khá lạ lẫm như "Cách biệt bao lần quê Bất Bạt", "Vừng trán em vương trời quê hương" hay "Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm". Trên số 140 này Trần Văn Nam còn một bài nữa, in ngay sau bài nói trên, tên là "Nhược điểm kỹ thuật trong một bài thơ của Quang Dũng" (tr. 65-69), phê phán Quang Dũng "vị kỹ thuật" mà không "vị nghệ thuật" trong bài "Kẻ ở", tức là bài có đoạn đầu như sau: "Mai chị về em gửi gì không/Mai chị về nhớ má em hồng/Đường đi không gió lòng sao lạnh/Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong".

Tạp chí Văn Học có chủ bút là Phan Kim Thịnh, xuất phát từ một nhóm sinh viên, tới năm 1971 trong ban biên tập có những người như Nguyên Sa, Sông Thai, Nguyễn Đình Toàn, Vũ Bằng, Luân Hoán, Trần Văn Toàn..., có sự cộng tác của những người như Cao Văn Luận, Thanh Lãng, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn Trung... Ngoài các số bình thường (bán nguyệt san) còn có nguyệt san Nhân Văn, trong tủ sách của tạp chí có những quyển rất nổi tiếng như Huy Cận và những bước đường vong thân của Sông Thai, một trong những người hay viết về văn chương miền Bắc (đương thời) nhiều nhất hồi đó.

Số 140 này có nhan đề chung Phá tan nghi án thân thế và tác phẩm nhà thơ kháng chiến Quang Dũng, với một bài của ông chủ bút Phan Kim Thịnh "Một quả bom đã nổ: Bùi Đình Diệm là tên thật của nhà thơ kháng chiến Trần Quang Dũng". Cùng trong số này có bài của những người sau (ngoài hai bài của Trần Văn Nam): Vũ Bằng ("Tất cả sự thật về nhà thơ Trần Quang Dũng"), Lê Hoàn Tân ("Ngọc và Quang Dũng"), Phan Lạc Tiếp ("Quang Dũng và miền đất nhớ"), Hoàng Hải Thủy tức Công tử Hà Đông ("Đôi mắt người Sơn Tây"), Uyên Phương ("Hiệu đính về một sai lầm tai hại gán cho nhà thơ Quang Dũng bài thơ Kẻ ở"). Sau cùng là một loạt bài thơ của Quang Dũng.

Chủ yếu nội dung số 140 này xoay quanh việc trò chuyện với người nhà Quang Dũng trong Sài Gòn (nhưng không gặp được người anh em ruột của Quang Dũng là thiếu tướng Bùi Đình Đạm). Theo lời người nhà mà tờ tạp chí thuật lại, Quang Dũng đã bảo gia quyến chạy hết vào trong Nam cho đỡ khổ. Tờ tạp chí cũng gặp mấy người bạn cũ của Quang Dũng để hỏi chuyện, là Lê Khải Trạch và Lô Răng Phan Lạc Phúc (PLP là ký giả của tờ Tiền Tuyến, tờ báo đến giờ chắc vẫn dư âm to lớn trong nhiều người, nhỉ).

Lý lịch của Quang Dũng có lẽ là lý do khiến Từ điển văn học (bộ mới) không có mục "Quang Dũng". Điều này cũng giống như một bộ từ điển văn học Pháp mà không có René Char (so sánh không chuẩn lắm nhưng đại khái thế).

Nhưng để hiểu được nội dung số 140 của tạp chí Văn Học này lại phải lùi lại số 125, cũng chuyên đề về Quang Dũng, ra đầu năm 1971 (ngày 1 tháng Tư). Trước đó, số 37 cũng đã đăng thơ Quang Dũng nhưng đến số 125 thì tờ tạp chí chạy tít rất oách: "Những bí mật về thi sĩ Trần Quang Dũng", với một loạt bài của Vũ Bằng, Tam Ích, Phan Khanh, Nguyễn Thanh Thy, Thiên Tướng và in lại bài "Chén rượu vĩnh biệt" của Nguyễn Tuân viết về Tản Đà.

Kết nối hai số tạp chí lại với nhau thì có thể thấy số 140 làm là để "chữa cháy" cho số 125 cực kỳ hàm hồ. Vũ Bằng là người tung ra "vụ án" này với bài "Trần Quang Dũng: con trai của Tản Đà?" Dựa vào lời kể của Nguyễn Tố, một người cháu của Tản Đà (Nguyễn Tố đã chết khi Vũ Bằng viết bài), Vũ Bằng nói Quang Dũng tên thật là Nguyễn Khắc Phục, con trai Tản Đà, chính là nhân vật người con trai mà Nguyễn Tuân gặp trong câu chuyện "Chén rượu vĩnh biệt".

Trước đó, ở Sài Gòn vào cuối những năm 1950 đã có tin (hình như do tờ Sinh Lực đưa ra) là Quang Dũng đã chết.

Lịch sử văn học có rõ là lắm vụ việc kiểu như thế này. Chẳng hạn như đọc mấy nhà nghiên cứu ở hải ngoại viết về Nhân Văn-Giai Phẩm cứ nói Như Mai tác giả "Thi sĩ máy" là giáo sư Hoàng Như Mai. Vớ vẩn hết sức. Rất may là sau khi số 125 của Văn Học in ra thì bị phê phán, phản đối nhiều quá, tờ tạp chí phải làm tiếp số 140 để khẳng định chẳng có Nguyễn Khắc Phục nào hết cả. Giống hệt như là một vụ bày ra để bán báo.

+ Nhân tiện, để nói về kiểm duyệt, tự kiểm duyệt, biên tập và viết tắt: ở số 125, trong lời phi lộ của tạp chí, tr. 4: "Cách mạng tháng 8-1945, ông trở về Việt nam và được chính quyền V.M lúc đó giao cho chức vụ Ủy viên Quân sự Bắc bộ phủ."

V.M là cái gì đấy ạ?

Trong số 140, khi Phan Kim Thịnh đến gặp Lê Khải Trạch để hỏi chuyện, có đọc cho LKT nghe toàn bộ bài "Các vị La Hán chùa Tây phương" của Huy Cận (trên tạp chí ghi "La Hán chùa Tây phương" - đây cũng là thời điểm cuốn sách của Sông Thai về Huy Cận và sự vong thân, hay tha hóa, sắp in), chép như thế này:

Các vị La Hán chùa Tây phương
Hôm nay... đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn tản khói sương

Học sinh Xã hội Chủ nghĩa đều biết bài thơ này, đoạn thơ này, đều biết "hôm nay" cái gì đã lên đường. "Cái gì" đó là "xã hội", lên đường đi đâu? Về chủ nghĩa xã hội, chắc vậy.

6 comments:

  1. ôi, bài này đọc nhiều tư liệu hay mà thích quá. cảm ơn bác.

    Em thì cứ thứ gì có tên là "tất cả sự thật về xyz" là em vái chào không dám đọc tiếp vì đoán ra nó là cái gì.

    ReplyDelete
  2. Trong số những người cộng tác mật thiết với tờ Văn Học,là Dương Kiền,ngoài đời là luật sư, nổi tiếng với kịch Mắt Lưới, phu nhân là bà Kim Anh, con bà Nguyễn Thị Vinh, thuộc Tự Lực Văn Đoàn.
    Gấu này cũng có thời gian cộng tác với tờ Văn Học. Phan Kim Thịnh, không biết gì về văn học, nhưng đối đãi với anh em rất được.
    Tòa soạn ngay Ngã Sáu Sài Gòn, phía bên kia có tiệm cà phê nổi tiếng. Gấu gặp nữa văn sĩ TD, lần đầu ở đây. Hà, hà! NQT

    ReplyDelete
  3. V.M là Việt Minh phải không ạ.

    ReplyDelete