May 24, 2010

Project Balzac (1)

Chuyển lừa thành ngựa, í lộn chuyển hậu thành tiền, học tập tinh thần binh pháp Tôn Ngô :d Lục lại một bài cũ đã post có chủ đề Balzac. Hôm 20 vừa rồi là sinh nhật ông ấy đấy, thế mà các bác chẳng chịu nhớ gì cả, cứ đi chúc mừng một người khác, và… tôi :((

-----------------

Vinh quang và một cốc nước cho Balzac

Người ta nói mãi và sẽ không thôi nói mãi về một số người. Điều này đặc biệt đúng với một số nhà văn lớn của Chủ nghĩa Lãng mạn: Richardson, Flaubert, Stendhal, hay Balzac. Với một số người, chưa đọc Balzac hay Dickens (nhất là Balzac) thì chưa thể nói là biết viết tiểu thuyết được. Rất tiếc là tôi thấy điều này đúng. Hai trong mấy quyển tôi đọc thời gian gần đây đều xuất hiện cuốn sách Clarissa của Richardson (cho dù Pamela có ý nghĩa hơn trong lịch sử của Chủ nghĩa Lãng mạn nhưng Clarissa lại có vẻ có sức sống dài hơn): trong Nam tước trên cây (Il Barone rampante) của Italo Calvino tên cướp Gian ChùmThạchThảo vì mê đọc sách, mà nhất là sách của Richardson, mà thân bại danh liệt với tư cách tướng cướp, thậm chí còn bị treo cổ; và trong Atonement của Ian McEwan, đoạn Cecilia ngúng nguẩy với Robbie.

Cũng không hiểu tại sao tại Việt Nam người ta cứ chia ra thành lãng mạn và hiện thực rồi chê bôi lãng mạn, đề cao hiện thực, nghĩ rằng lãng mạn là một bậc thang (mọt ruỗng) để con người có lương tri bước tới hiện thực. Một phần lý do chắc là nằm ở chỗ muốn lồng khung cho cái gọi là "chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa", nhưng điều này thật là bùn xịt. Balzac vẫn không thôi là một nhà văn lãng mạn, cũng như Stendhal, cũng như Rousseau. Một số mối liên quan rất có thể là có ý nghĩa: ở đám tang Balzac, Victor Hugo là người đọc điếu văn, còn Balzac là một trong những người hiếm hoi của thời ấy hiểu được Stendhal là một thiên tài. Bài viết ca ngợi Stendhal quan trọng đầu tiên nếu tôi nhớ không nhầm là của Balzac. Stendhal sau này "nói dỗi" một câu rằng phải vài chục năm nữa, không nhớ chính xác con số, hình như năm mươi, người ta mới bắt đầu đọc tôi. Điều quái gở là những lời nói dỗi (boutade) kiểu ấy sau này lại thường đúng đến đáng kinh ngạc.

Người ta cứ đọc và đọc mãi các nhà văn cổ điển. Calvino từng tìm cách trả lời câu hỏi tại sao lại đọc các nhà văn cổ điển (nhan đề tiếng Pháp của cuốn sách là Pourquoi lire les classiques?). Eliot cũng từng tìm cách lý giải, rồi đến Coetzee. Éric Chevillard thì có một câu mỉa mai, đại ý người ta thích các nhà văn đã chết không phải vì họ có giá trị hơn mà vì họ không viết nữa. Một câu trả lời khả dĩ là bởi vì đọc các nhà văn cổ điển có thể tìm được nhiều điều hơn người ta tưởng. Tấn trò đời (La Comédie humaine) chứa đựng nhiều thứ hơn những con người hiện đại tưởng. Thật đáng tiếc là bộ sách tiếng Việt 16 tập lại chưa dịch Người đàn bà tuổi ba mươi (La Femme de trente ans), nhưng cũng đã dịch Cô gái mắt vàng (La Fille aux yeux d'or). Cô gái mắt vàng là câu chuyện về lesbian, còn Người đàn bà tuổi ba mươi ngoài đoạn đầu miêu tả không thể hay hơn về một cuộc duyệt binh (cuộc duyệt binh cuối cùng) của Napoléon còn là câu chuyện về một người đàn bà phức tạp tự phát hiện ra bản thể đàn bà của mình ở một cái tuổi thời ấy coi như là chấm dứt tính nữ. Thật bực mình vì bộ sách này của tôi chỉ có 14 tập, thiếu đúng hai tập đầu quan trọng hơn cả, vì có Introduction.

Ngày hôm nay, 20/5, là sinh nhật của Balzac (210 tuổi). Lý thuyết của chị So về việc các vĩ nhân cứ dồn vào sinh đẻ một ngày có vẻ rất là đúng :) Chắc cũng vì thế mà tờ Công an Nhân dân có một bài về Balzac. Tờ báo có trang văn hóa khá này, dĩ nhiên, như thường lệ, lại làm tan nát cõi lòng của những người đọc văn chương. Cứ nhìn cái tên Những bông huệ đồng bằng thì biết, cứ như là Bông huệ trong thung chưa bao giờ là một bản dịch thuộc loại canonique, magistral tại Việt Nam vậy. Thế mà tại đất nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta từ lâu nay Balzac vẫn được xếp vào loại văn chương tư sản nhưng có "cái nhìn tốt" với quần chúng vô sản đấy. Đoạn cuối kể về người tình "nào đó" cũng vậy, nữ công tước Hanska mà đáng bị đối xử như vậy đấy.

Đôi khi, I take it personal(ly). Thứ nhất là nếu có viết báo thì tôi cũng chỉ viết cho những tờ có trang văn hóa không khá. Cũng chẳng hề có ý định nghe theo lời khuyên của bác nào đó tự túm tóc mình mà giật lên từng milimet một nhằm bước vào thế giới của những tờ báo bùn xịt (trong mắt tôi).

Thứ hai, Balzac và Jules Verne là hai nhà văn sớm nhất mà tôi đọc theo kiểu "người lớn", nghĩa là đi tìm những quyển nào có ký tên Balzac và Verne để đọc chứ không phải kiểu đọc bất cứ thứ gì rơi vào tay, từ giấy báo gói xôi cho tới Cánh buồm đỏ thắm. Những ngày vật lộn với từng núi câu văn của Balzac cách đây gần hai mươi năm ấy không dạy được nhiều cho tôi về văn chương bằng niềm tin vào sự thử thách và phẩm giá của tinh thần chiến đấu, cũng như phần thưởng cho sự kiên nhẫn. Đến giờ tôi cũng chưa đọc hết Verne và Balzac, thành thử rất lấy làm an ủy khi đọc một bài phỏng vấn Pamuk trong đó ông ấy nói đến giờ vẫn chưa đọc hết Proust và có lẽ cũng sẽ chẳng bao giờ đọc hết, nhưng điều đó không có gì liên quan đến việc ông ấy coi Proust là thần tượng của mình. Đôi khi chuyện lại cứ diễn ra theo chiều hướng ấy.

Thứ ba, Bông huệ trong thung chính là hình ảnh mở đầu bộ phim Baisers volés của Truffaut, nằm trên mặt của Antoine Doinel nhân vật fétiche của Truffaut và luôn do Jean-Pierre Léaud diễn viên fétiche của Truffaut đóng.

+ Vinh quang thì rõ rồi, đời Balzac chỉ ưa vinh quang phù phiếm, chắc cũng tại tự dưng lại mang cái tên Honoré làm gì cho khổ. Nhưng còn cốc nước? À là bởi vì hôm nay trời nóng quá :)

-----------------

Bắt đầu động đến đống quà tặng, bới ra ngay quyển Magazine Littéraire số mới nhất, tức là số tháng Năm 2010 (nhìn giá thấy đã tăng lên 6 euro hic, thời giá tăng chóng mặt ở khắp mọi nơi, thế là bằng một bao Marlboro rouge rồi còn gì nữa). Số này chuyên đề lớn là “Les écrivains du Grand Siècle”, tức là về các nhà văn Thế kỷ Lớn, thế kỷ lớn tức là thế kỷ XVII, chuyên đề do Joseph Macé-Scaron chịu trách nhiệm (Macé-Scaron là người viết tất cả xã thuyết của tờ tạp chí, chức danh Directeur de la rédaction, còn cao hơn tổng biên tập rédacteur-en-chef một bậc, đại khái giống như là chỉ đạo nghệ thuật Khắc Huề), chủ yếu viết về Molière, Bossuet, nhóm Port-Royal, Saint-Simon, đặc biệt có một bài so sánh Truffaut với Molière, Godard với Racine. Tuyệt, tuyệt :d

Ờ gần cuối số báo có một bài ngắn đưa thông tin về Balzac:

Thông tin đó là kế hoạch xuất bản quyển số ghi chép huyền thoại của Balzac mang tên Pensées, sujets, fragmens mà Baclzac viết từ 1830 đến 1847, gồm rất nhiều điều Balzac ghi chép chuẩn bị cho các tác phẩm của mình. Ta biết rằng quãng thời gian này là quãng thời gian “prolifique” nhất trong cuộc đời sáng tạo của Balzac. Laure Surville (chị/hay là em gái của Balzac nhỉ, quên mất rồi) nói Balzac gọi cuốn sổ này là “garde-manger” tức là “chạn thức ăn”, còn trong một bức thư gửi người tình xa xôi Hanska, Balzac gọi đó là “le grand parc de mes idées” (công viên ý tưởng).

1882, khi vợ Balzac bán đồ của chồng, quyển sổ này được chuyên gia (libraire expert) giữ lại rồi bán cho nhà sưu tầm Gustave Clément-Simon. Clément-Simon chết mà chưa kịp đem in nó. Jacques Crepet, một chuyên gia lớn về Balzac, tiếp quản vào năm 1910. Kể từ 1910 quyển sổ đã được đem triển lãm tổng cộng ba lần (1949, 1950 và 1999), nhưng chưa bao giờ được in thành sách.

Từ “fragmens” là đúng theo Balzac, không phải “fragments” như chính tả ngày nay, vì Balzac đã viết từ này trước khi Viện Hàn lâm Pháp công bố version thứ sáu cuốn từ điển của Viện (năm 1835) quy định từ nay “fragment” phải viết là “fragment” :d

Khoảng tháng Chín tới quyển sổ sẽ được triển lãm tại Musée des Lettres et Manuscrits, Paris 7e. Giá kể có bác nào tài trợ cho mình sang đó dịp ấy để ngó một cái nhỉ :)))

-----------------

Bài của tôi vừa đăng trên Sài Gòn tiếp thị số hôm nay, về Istanbul. Hôm viết bài, lúc đọc soát buồn ngủ quá nên để sót một lỗi thiếu chữ (một chữ), phát hiện ra thì đã muộn nên không báo lại cho bên ban biên tập của báo. Khi báo in thì thấy đã được sửa. Đây chính là lý do khiến tôi đánh giá cao BBT SGTT nhất trong tất cả các tờ báo Việt Nam. Khi tôi nói vậy thì cũng có nghĩa là cao hơn Tuổi Trẻ :d Tôi từng có một kỷ niệm cực kỳ hay với BBT SGTT, một lần bên đó sửa sai của tôi một từ, nhưng qua đó thì tôi biết được trình độ của biên tập là rất cao (sau này tôi cũng nhận được lời xin lỗi từ BTV đó). Chuyện này nếu có viết hồi ký tôi sẽ kể kỹ hơn hihi.

14 comments:

  1. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  2. hic, em đang định viết về cuốn này để...đăng báo. Nhưng bác viết rồi, em rút:D

    ReplyDelete
  3. Bác NL mua Marlboro ở đâu đấy ạ?

    Phủ Quỳ.

    ReplyDelete
  4. rút làm gì, anh đã để cửa ngỏ thông thống khi viết quyển này vô cùng đặc biệt còn gì nữa :)

    giá thuốc lá ở Pháp leo thang kinh, khi tôi mới đến còn nhớ rõ 2,9 euro, khi rút lui đã là 6,1 euro một bao huhuhu

    ReplyDelete
  5. mấy đứa em em mò sang Hàlan mua thuốc lá đấy, haha, còn em thì đang được đặt hàng Malboro more flavoured bên này mang về, vì loại bao ở Hàlan đặc biệt có nắp mở theo kiểu đẩy lên đẩy xuống như cửa gỗ của Nhật :-))))

    ReplyDelete
  6. comment ça "tuyệt, tuyệt"?

    Molière = dull?

    Racine = overwhelmingly good?

    : D

    Pippa

    ReplyDelete
  7. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  8. Giá chợ đen các bạn Rệp bán ở Barbès là 5 Euros mà còn xót xa :)) Đồ nhà khăn gói quả mướp mang theo đã cạn, sắp teo rồi!!!

    ReplyDelete
  9. nhờ mua bên Séc ấy :) hoặc Ý, Hy Lạp, Ba Lan... đều rẻ hơn một nửa

    mà bây giờ giá chính thức trong tabac là bao nhiêu nhỉ? trên 7 e chưa?

    ReplyDelete
  10. 2 tập đầu có thể copy được

    ReplyDelete
  11. nhiên :d

    copy rồi ấy chứ, nhưng vẫn muốn có để cả bộ 16 tập đen sì cho nó đẹp hehe

    ReplyDelete
  12. ...thành thử rất lấy làm AN ỦY khi đọc một bài phỏng vấn Pamuk... ---> đọc cái entry này ko biết lần thứ bao nhiêu rồi mới phát hiện lỗi chính tả này, mà Human Comedy dịch thành :Tấn trò đời" có ổn ko nhỉ,dù nghe rất hay, nhất là ở Intro, Balzac có ý phân biệt rõ Humanity với Animality.

    ReplyDelete
  13. cũng không phải là sai: an ủi, an uỷ hay yên ủi đều được cả

    Tấn trò đời, tấn trò đời

    ReplyDelete