Hehe lục lại đồ cũ, lắm thứ phết :p Cuốn tiểu thuyết này cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào thích nổi.
Một hiện tại phủ đầy tro bụi
Rút cụm “và khi tro bụi” từ một tổng thể đầy đủ hơn về ngữ pháp và ngữ nghĩa (và khi tro bụi rơi về) làm nhan đề cho cuốn tiểu thuyết, có vẻ như tác giả đã có một lựa chọn đầu tiên, bỏ đi hành động được diễn đạt trong động từ “rơi” để nhấn mạnh vào khía cạnh không-hành-động của diễn ngôn thực tế của chủ thể (nhân vật chính). Ở hai câu thơ đề từ: “Và khi tro bụi rơi về/Trong thinh lặng đó, cận kề quê hương”, cách dịch thơ đã dồn toàn bộ trọng lượng của hành động vào một bộ phận duy nhất cuối cùng bị bỏ đi đó; hành động, hoặc sự cố, chỉ còn là một cái bóng mờ ẩn hiện phía sau.
Nếu muốn đọc một/nhiều câu chuyện, thì gần 200 trang của 17 chương cuốn tiểu thuyết Và khi tro bụi cung cấp một thực đơn phong phú: nhân vật đi trên tàu hỏa, gặp nhiều người để chuẩn bị cho cuộc gặp cuối cùng với cái chết, triết lý nhiều, có lẽ cũng để chuẩn bị cho cái chết. “Câu chuyện”, song song với những triết lý riêng, dần dần choán rộng cả không gian bên trong của nhân vật chính (được đặt tên là An Mi). Không có gì có ý nghĩa hoặc mang sự thật nằm bên ngoài các câu chuyện: “Biết đâu trong đời không có sự thật nào hết ngoài những sự thật được cố ý làm ra. Những câu chuyện trong tiểu thuyết bao giờ cũng mạch lạc và ý nghĩa hơn cuộc đời. Chúng có thật còn những câu chuyện ở đâu đây, những câu chuyện của tôi, không được kể, thì không có thật” (tr. 39). Cho đến lúc nhân vật chính dần bị xóa nhòa đi sau tấm màn của tưởng tượng, thậm chí muốn “đột nhập” câu chuyện của một người khác: “Tôi không có một câu chuyện nào để sống trong đó. Tôi đang nhặt lấy câu chuyện của Anita, tưởng nó là của mình” (tr. 162). Kể cả khi trước khi chết, khi “tôi muốn trở về với câu chuyện thật của mình” (tr. 176), thì sự mắc cạn trong những điều không có thật hoặc được mường tượng như là có thật cũng đã trở thành tất định, trở thành một số phận không có lối ra.
Câu hỏi là tại sao lại có tình trạng đó? Dường như chìa khóa để trả lời câu hỏi này, cũng như của cả cuốn sách, đã nằm ngay ở chương đầu, khi chưa có cuộc gặp gỡ nào mà chỉ có thuần túy triết lý. Nhân vật không suy nghĩ, mà triết lý, hoặc nói đúng hơn, “chất lượng suy nghĩ” của nhân vật đưa đến cảm giác đó. Gặp gỡ đưa người ta lại gần sự sống, còn triết lý, lại gần cái chết? Thế nhưng - có phải là một nghịch lý không? - cứ triết lý quá nhiều về cái chết, rồi đến lúc bản thân cái chết trở thành một cái gì đó thật tầm thường, thậm chí còn không đủ sức tạo ra một biến cố nào cả. Nhân vật để cho mình rơi vào vòng xoáy bên trong đó, không còn nắm giữ được một chút chủ động nào hết, và bởi vì không có một triết lý nào thực sự mạnh, nhân vật không đưa được một triết lý nào trở thành “triết lý sống” của mình. Về nỗi nhớ: “Nỗi nhớ chỉ là sự trở lại của một khoảnh khắc. Không hề có một năm tháng nào ở giữa khoảnh khắc ấy và hiện tại. Nó là hiện tại” (tr. 10). Về thân phận và một giải pháp cho thân phận: “Tôi không còn gì, hồn tôi chỉ là một đám tro […] Và tôi đi tìm cái chết trên đường” (tr. 11). Và về cái chết: “Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết […] Tôi biết mặt đất là một thứ khó chia tay” (tr. 12).
Chuyến đi không đích đến (nhưng có mục đích, thậm chí là rõ ràng: ba tháng hoặc hơn một chút để đi tìm, để quên, và để chuẩn bị) trên những toa tàu không giúp gì được ngoài việc nhấn mạnh rằng mọi thứ “lúc nào cũng chỉ lướt qua, nhạt nhòa và không tiếng động” (tr. 18). Mặc dù có thể thấy rằng ý đồ cấu tứ các ngụ ngôn khá rõ ràng (đây là cách rất phổ biến trong kỹ thuật viết ngụ ngôn: để cho nhân vật một tầm hoạt động rộng, gặp những con người đa dạng trong đó mỗi người là một đại diện nào đó: bác sĩ, người giàu buồn chán, người đàn ông có hình dáng gợi lại quá khứ…), và các thông điệp nếu khéo léo sẽ nằm vừa khít một cách kín đáo trong những câu trao đổi qua lại. Tuy vậy, ý đồ này cũng không được giữ vững, có lúc nó sẽ trượt sang những câu chuyện của người khác tưởng nhầm là của mình, và chủ yếu là quay về với những triết lý không tìm được một giải pháp nào khả dĩ.
Kết cục là hiện tại, đã bị nhàu nhĩ đi vì nội tâm, không còn sức né chỗ cho ký ức nữa. Và tro bụi của quá khứ và ký ức dần lấp đầy lên cả cái hiện tại bị duỗi thẳng đến mức ngay cả khi có những tia sáng le lói chiếu vào thì sức nhẹ của tro và bụi vẫn lấn hết chỗ của những gì có thực và có trọng lượng - nếu quả thực là chúng có tồn tại.
* Đọc Và khi tro bụi, tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng, NXB Trẻ 2006, theo bản mới (2007)
giá bìa 21.000, đang bán giảm giá 35% tại NVH Lao Động
ReplyDeletemình thích cuốn này, mình nói thế để các bạn đi mua:)
ReplyDeleteBản đấy em mua được giảm đếm 50% :)
ReplyDelete(TL)
quyển này lúc trước đọc có vài chỗ không hiểu, nhưng giờ quên mất là chỗ nào luôn rồi
ReplyDeletemình cũng thích cuốn này, không những thích mà còn gần như là thích nhất luôn ấy :)
ReplyDeleteEMi
cuốn này mình thấy đọan đầu rất hay mà đọan sau hơi đuối, hay là bệnh chung của các bác gái? ;p
ReplyDeleteTrời ! Đã không thích thì lục lại làm gì, lại còn khổ công xới xáo tâm trí, lật sấp lật ngửa chữ nghĩa ra mà phải tội. Cơ mà đọan cuối NL viết sáng tạo và mới mẻ, nhỉ.
ReplyDeleteTừ không phải là vật, sự mô tả không phải là vật được mô tả; từ được dùng đúng, cũng chỉ là những gợi ý, manh mối dẫn đến sự thật phải được sống. Cái ông gì nói có lý phết! /S
cái ông Phao Câu hở bác :p
ReplyDeletequyển ấy được 1/3 đầu rất cao thủ, rồi đổ như xi nê chị So ạ hic
Không thích mà sao review chứng tỏ thích. Thật là nghịch lý!
ReplyDeleteMình thích, thấy đọc cũng dễ vào, và đọc một mạch hết luôn, đọc xong còn thấy mờ mờ, lạnh lạnh, buồn buồn, nhơ nhớ, ...:D, sao bạn Linh review khiến nó trở nên khó hiểu vậy?:P
ReplyDeletethật thà mà nói, nhiều khi đó là cách để không phải nói thẳng là mình không thích nó :p
ReplyDeleteMình không thích tác phẩm này.
ReplyDelete