Oct 15, 2011

nú vồ rịt (tiếp tiếp)


Ra đường nhìn là đã thấy, Bentley cách đây mới vài năm còn là loại xe siêu hạng hiếm như Peugeot (Pơ-giô cá vàng) thời xưa, giờ chạy lung tung dân ngõ còn chẳng thèm ngó. Cái sự giàu đột xuất này còn được chứng nhận bằng lời phát biểu của những người rất có thẩm quyền (nhỉnh hơn sở thuế một chút) trong việc đo lường túi tiền người khác: trên Thể thao & Văn hóa cuối tuần số 42, một ông bầu âm nhạc nói: “người giàu lên ở Hà Nội cũng rất nhiều và vì thế họ muốn có nhiều sự chọn lựa”. Cũng trên số báo này, một tên tuổi khác cho biết: “Tôi đã nhìn thấy ở Hà Nội đang hình thành một lớp người nghe nhạc rất mới, họ chịu khó đi nghe nhạc hơn, chịu khó bỏ tiền mua vé”. Nghe mà mừng cho ngành âm nhạc Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Miêu tả và so sánh thì tàm tạm vậy, mặc dù còn ti tỉ chuyện, như là anh A nhờ người trong ngành xuất nhập khẩu mang về cho vài cái ghế nhựa trị giá vài chục nghìn đô mỗi cái, vì là hàng do một nhà tạo mẫu danh tiếng thế giới nào đó làm ra, ngồi tất nhiên là êm hơn ghế khác; như là các chị B, C, D ngồi ở quán cà phê đọc vanh vách túi các chị khác xách đi ngoài đường là hàng hiệu xịn hay hàng hiệu Quảng Châu, rồi cả nhái nước một hay nhái nước hai. Đấy là còn chưa đi vào địa hạt của sự chơi bời và sưu tầm, cái địa hạt được làm nên từ rất nhiều tấm tắc trước một dàn nghe nhạc triệu đô hay ga-ra đỗ những dăm bảy ôtô đua có chiều cao chưa bằng một con chó béc-giê. Vấn đề là phải giải thích tại sao lại như vậy.

May quá, trong lịch sử tư tưởng thế giới đã có một đại danh gia giải thích rất chu đáo cho hiện tượng này, đó là Thorstein Veblen (1857-1929), cây đại thụ của ngành nghiên cứu kinh tế học thể chế, một nhà kinh tế học và xã hội học xuất chúng, nhưng khi giảng bài ở trường đại học thì trong lớp chỉ có lèo tèo dăm sinh viên, vì thầy giảng khó hiểu quá. Quãng cuối thế kỷ XIX, bỗng đâu ông nảy ra ý tưởng nghiên cứu tập tính, hành vi của giới nouveau riche (nhà giàu mới) của thời ông sống. Hiện tượng này hấp dẫn ông đến độ ông viết hẳn một cuốn sách dày, trở thành kinh điển tuyệt đối mà tầm quan trọng có khi còn không kém mấy so với tác phẩm về thuyết tiến hóa và chọn lọc tự nhiên của Charles Darwin. Cuốn sách của Veblen mang tên Lý thuyết về tầng lớp nhàn rỗi (The Theory of the Leisure Class), in năm 1899.

Trong cuốn sách gối đầu giường của những người ưa quan sát xã hội ấy xuất hiện một khái niệm được hậu duệ vô cùng tán thưởng: tiêu dùng phô trương (conspicuous consumption). Ở lối tiêu dùng này, mức độ cần thiết của hàng hóa không mấy được quan tâm: những người ở trong hình thái tiêu dùng này mua quần không hẳn là để mặc, mua khăn không hẳn vì trời lạnh cần bảo vệ cái cổ cho khỏi bị viêm họng hay mua xe để di chuyển từ địa điểm này sang điểm khác. Họ tiêu dùng vì một điều khác: cho thiên hạ thấy vị thế của mình, đồng thời tạo ra sự ghen tị ở người khác không có được vị thế như họ.

Có cả một dòng hàng hóa được mệnh danh là hàng hóa Veblen (Veblen goods) mà đối tượng là người giàu, nhất là người mới giàu, và có cả một hiệu ứng mang tên hiệu ứng Veblen (Veblen effect) để trỏ chung hiện tượng tiêu dùng ngoài mức nhu cầu. Các nouveau riche của chúng ta vậy là yên tâm rồi, mọi thứ tồn tại đều có cái lý của nó hết cả.

Cá nhân người viết loạt bài miêu tả tập tính giới nouveau riche xin khiêm tốn hết mực mà thể hiện sự vui mừng cho xã hội vì đã có một tầng lớp tiêu dùng mạnh dạn như thế này, họ có ý nghĩa to lớn, có đóng góp không nhỏ (về thuế, về cảnh quan, về mức độ trang trí vân vân và vân vân) và họ rất thú vị. Thêm vào đó, cứ chiểu theo lý thuyết kinh tế học mà xét, các tập tính của họ nhìn qua có vẻ kỳ cục thế thôi nhưng thật ra rất hợp lý và logic (theo kiểu cái gì tồn tại thì hợp lý). Điều cuối cùng, rất thật thà, tôi chỉ không hiểu tại sao các nouveau riche đi ôtô xịn trên phố lại cứ phải bấm còi nhiều điếc tai thế. Tôi ngờ rằng không cần còi thì người đi đường cũng biết tỏng đó là cái ôtô rồi.

--------------
hic có bác độc giả nói thế này, em xin được trân trọng tiếp thu ý kiến ạ:

Phần đầu của bài viết "Bỗng nhiên giàu" dù không đồng ý về quan điểm, nhưng ít ra Sâu còn chút trào phúng trong văn chương. Đến bài này thì cho mình nói thẳng, tác giả chẳng còn là Sâu nữa mà có lẽ đã thành Bọ rồi.Mình chẳng thể hiểu nổi tác giả muốn chuyển tải gì qua bài viết này nữa.Tác giả cho thấy sự bất mãn thời cuộc của bản thân, đi kèm với hơi hướng bất lực trong cách nhìn nhận cuộc sống xung quanh mình. Chui ra khỏi cái kén của mình đi, và nhận thức cuộc sống cho đúng vào.

2 comments:

  1. Phân tích khoa học của một anh Do Thái ở đây:

    http://samvak.tripod.com/nm066.html

    VN khác phương Tây một tẹo. Ấy là VN chưa bao giờ kịp hình thành một tầng lớp thượng lưu đáng gọi là Old Rich. Các anh chị đang ngồi ở Paris ai là Old Rich xưa mà giờ vẫn Rich giơ tay lên xem nào. ;)

    Ơ, mà người VN thông minh hơn Do Thái cơ mà nhỉ. Không nên tin thằng Do Thái ngu dốt. ;)

    Ký tên: Thỏ và Rùa (hehehe)

    ReplyDelete
  2. Haha có một hôm tình cờ (mà cũng chả tình cờ lắm đâu) đi vào cái web trắng pà mẹ trẻ thơ, thấy các pà mẹ trong ấy bàn tán về vấn đề của cái “ông dịch giả nghèo nghèo” mới đáng kính sợ:v :v :v
    Lý thuyết về tầng lớp nhàn rỗi do xb quá lâu nên chưa cập nhật thói quen hôm nay của các pố các mẹ nú vồ rịt, bên cạnh tiêu dùng phô trương, họ còn lướt fb, web siêu đẳng để thảo luận những vấn đề, tư tuởng, sự kiện vĩ đại mang tính sống còn, mang hơi thở đương đại nữa cơ :D

    ReplyDelete