Dec 6, 2011

(ghi chép biên tập) nhà biên tập Komatsu

Mấy đoạn trích từ 1Q84 (chương 2 và chương 14: chương lẻ kể chuyện Aomame, chương chẵn kể chuyện Tengo) về nhà biên tập Komatsu, theo bản tiếng Pháp của Hélène Morita, NXB Belfond. Bản tiếng Pháp có kha khá chữ "i" bị viết thành kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, tức là không có dấu chấm :p


Ở Komatsu, con người ấy, có cái gì đó không thể thăm dò. Rất khó căn cứ vào biểu hiện hay những chuyển điệu trong giọng nói của ông để đoán xem ông nghĩ gì, hay cảm thấy gì. Và bản thân ông dường như cũng có chút khoái cảm trong việc phủ lên người khác một tấm màn khói. Dù thế nào đi nữa thì trí óc ông cũng thật sắc bén. Ông thuộc loại người đưa ra các đánh giá mà không buồn để ý tới ý kiến người khác, chỉ theo logic riêng của ông. Mặt khác, mặc dù không phơi bày một cách vô ích, ông đã đọc rất nhiều sách và sở hữu những hiểu biết chính xác về nhiều lĩnh vực đa dạng. Đó không chỉ là vấn đề hiểu biết, bởi ông đoán định người khác theo trực giác và cũng có cảm nhận tốt về các tác phẩm. Ông mang trong mình không ít định kiến ở địa hạt này nhưng, với ông, định kiến cũng thuộc về những yếu tố cốt tử của sự thật.

Vốn bản tính kiệm lời, ông ghét phải thanh minh lòng vòng về mọi chuyện nhưng, nếu cần, ông có khả năng trình bày ý kiến của mình đầy tinh tế và logic. Khi thấy cần phải làm, thậm chí ông còn có thể tỏ ra vô cùng gay gắt. Ông nhắm trúng điểm yếu của người đối thoại và, trong nháy mắt, xuyên thủng người đó bằng vài từ. Ông là người thiên vị hết mức, và số tác phẩm hay cá nhân người mà ông không chịu đựng nổi lớn hơn nhiều so với số còn lại. Bởi vậy, rất tự nhiên, số người không có chút thiện cảm nào với ông lớn hơn vô cùng nhiều so với số còn lại. Nhưng đó lại chính là điều ông tìm kiếm. Theo những gì Tengo thấy, Komatsu thích được cô độc và khá sung sướng vì bị người khác giữ khoảng cách - thậm chí là bị ghét thậm tệ. Ông sẵn sàng rao giảng rằng sự tế nhị của trí óc không sinh ra từ một môi trường dễ chịu.

[…]

Tengo đã bắt đầu có quan hệ với Komatsu từ khá lâu. Anh đã có đủ thời gian khám phá khuôn mặt ngoài xã hội, cũng như cái phần trong bóng tối của người đàn ông này. Trong giới của mình, Komatsu tiến hành công việc một cách đơn độc, như thể chỉ sống tùy hứng. Nhiều người bị cái vẻ ngoài này đánh lừa. Nhưng nếu quan sát ông thật chăm chú, trong óc lúc nào cũng hình dung đầy đủ hoàn cảnh, thì người ta sẽ hiểu rằng các hành động của ông tuân theo những kế hoạch vô cùng tỉ mỉ. Nói như trong shogi, môn cờ Nhật, có thể cho rằng ông chuẩn bị những đòn tấn công và phản công từ trước. Chắc hẳn là thích các mưu mẹo bất ngờ, nhưng ông cũng biết cách vạch một đường biên mà ông rất cẩn thận để không vượt qua. Nhưng người ta cũng có thể đánh giá ông khá nhạy cảm và phần lớn lối hành xử kiểu thành phần bất hảo của ông chỉ là một trò hài kịch ngoài bề mặt mà thôi.

Rất thận trọng, ông tự tạo ra nhiều sự bảo hiểm cho mình. Chẳng hạn, hằng tuần ông viết một mục thời luận văn chương trên một tờ báo buổi tối, nơi ông khen ngợi hoặc chê bôi các nhà văn. Những phê phán của ông có thể rất dữ dội. Sự tàn độc là dấu ấn riêng của ông. Mục thời luận ấy chắc chắn không ký tên, nhưng ở giới văn chương mọi người đều biết ai là tác giả. Dĩ nhiên, không một ai thích bị lên thớt trên một tờ báo. Vậy nên các tác giả hết sức để ý sao không bị hở lưng trước Komatsu. Nếu ông nhờ họ viết một bài cho tờ tạp chí của ông, họ sẽ tìm cách để không từ chối ông. Hoặc giả họ nhận lời ít nhất một lần. Bởi họ không biết ông có khả năng viết gì về họ trong mục thời luận của ông.

6 comments:

  1. Tôi hỏi ngoài lề một tẹo, là sao bác không cho dịch H.Murakami từ tiếng Nhật, lại cứ dịch từ tiếng Anh, tôi nghĩ nó cũng bị mất chất đi ít nhiều...

    ReplyDelete
  2. Tôi có "cho" đâu :p Đấy là vấn đề không tìm được người dịch từ tiếng Nhật. Vả lại cũng không phải chỉ từ tiếng Anh. Đoạn trên này tôi dịch cho vui thôi, bản dịch chính thức không phải của tôi.

    ReplyDelete
  3. Quyển này em có đọc từ nguyên tác. Tiếng Nhật trong IQ84 nhìn chung hiện đại trong sáng, cũng dễ hiểu và dễ dịch. Nhưng nhìn chung là vì tiếng Nhật tinh tế và khó khăn. Không ai dám vỗ ngực tự xưng mình nắm vững tuyệt đối thứ ngôn ngữ này cả. Dịch lúc nào cũng như đánh Shogi, căng thẳng vô cùng. Vì Murakami được giới thiệu khá nhiều ở VN rồi nên em dồn sức dịch các tác phẩm kinh điển khác, chứ không cũng ráng sức chuyển ngữ quyển này rồi. Bác Nhị Linh cho em hỏi người đang nhận dịch IQ84 là ai vậy ạ, dịch từ nguyên tác hay qua bản tiếng Anh ạ?

    Cám ơn bác nhiều và chúc bác sức khỏe.

    ReplyDelete
  4. Lần này vẫn không phải từ tiếng Nhật, tuy nhiên là từ một ngôn ngữ gần với tiếng Nhật hơn so với tiếng Anh. Trong quá trình biên tập, bản tiếng Nhật cũng được dùng làm bản chính, cộng thêm bản tiếng Anh và tiếng Pháp để đối chiếu.

    ReplyDelete
  5. "từ một ngôn ngữ gần với tiếng Nhật hơn so với tiếng Anh" nghe có vẻ bí hiểm ghê nhỉ! Đấy, tôi cũng đang nghĩ là Hoàng Long dịch, chắc không phải mất công đối chiếu này nọ nhiều :-p Chứ mấy cuốn của H.M dịch từ tiếng Anh vừa rồi... hơi dở... (tôi không định nói ra thế này đâu, chỉ nhỡ miệng tí thôi... :)

    ReplyDelete
  6. 33A - Khoa Kinh Tế - Đại học Nông Lâm TPHCM

    ReplyDelete