May 12, 2013

Ngô Đình Nhu và Thư viện, Thư tịch

Quyển sách này:


in năm 1972, chứa đựng một ít thông tin về vai trò của Ngô Đình Nhu đối với ngành Thư viện, Thư tịch Việt Nam.

Phương diện này của cuộc đời Ngô Đình Nhu (chuyên ngành được đào tạo) không còn dễ tìm hiểu giữa ngập tràn thông tin về các phương diện khác nổi bật hơn hẳn, được quan tâm nhiều hơn hẳn ở Ngô Đình Nhu, mặc dù ta vẫn có thể tìm được một số thông tin, ví dụ ở đây hay ở đây.

Cuốn sách này là của một chuyên gia, gồm hai phần:

Phần I. Lịch trình tiến hóa của ngành Thư viện và Thư tịch Việt Nam qua các triều đại vua chúa

Phần II. Khái niệm về Thư viện và Thư tịch Việt Nam hiện đại

ở phần II có:

A. Trước ngày 19-12-1946
B. Từ ngày khói lửa 19-12-1946 đến Hiệp Định Genève 20-7-1954
C. Sau Hiệp Định Genève 20-7-1954
D. Từ ngày thành lập chánh thể Việt Nam Cộng Hòa (26-10-1955)

Điều hay là ta có thể so sánh những ghi nhận của bên VNCH với thông tin từ các nhân vật của miền Bắc tương đối cùng thời gian, ví dụ các ghi nhận trong hồi ký của Nguyễn Công Hoan.

Một số điểm mốc quan trọng mà cuốn sách nêu ra:

- Ở Nam Kỳ đầu thời Pháp thuộc, các Đô đốc có tổ chức thư viện nhưng không mấy thành công. Đến  thời các Thống đốc: Thư viện Nam kỳ Soái phủ được đổi thành Thư viện công cộng (1882). Năm 1902, Thư viện Nam kỳ Soái phủ tách ra tự trị, gọi là Thư viện Nam kỳ trực thuộc Tòa Thượng thư. Nghị định 27-7-1906 đặt ra chức vụ Giám thủ chính thức để điều khiển thư viện.

"Do Nghị định ngày 17-3-1909, người Giám thủ đầu tiên là ông Riffa. Tiếp sau là ông Léon Saint-Marty, cử nhân luật khoa: vị này, theo Nghị định ngày 8-5-1919, được gửi ra Hà Nội học nghề thư viện và phụ tá ông Giám đốc Nha Văn khố và Thư viện Đông Dương, để lập Thư viện Trung ương. Sau đó ông trở lại Sài Gòn và sang Nam Vang để tổ chức Văn khố Thư viện cùng là áp dụng lề lối của Thư viện Hà Nội" (tr. 25)

- Ngày 2-4-1946, Nha Văn khố và Thư viện Đông Dương cử ông Remi Bourgeois, Quản thủ Văn khố Cổ tự học thay thế ông Saint-Marty, nhưng sang đến 1947 thì Bourgeois bị bệnh xin về Pháp.

- Ở Bắc Kỳ: có hai Nghị định quan trọng, 29-11-1917 và 26-12-1918, lập ra Nha Giám đốc Văn khố và Thư viện Đông Dương, Giám đốc đầu tiên là Paul Boudet (từng tốt nghiệp Cổ tự Đại học hiệu tức École Nationale des Chartes).

Đoạn về Ngô Đình Nhu:

"Nhưng đến năm 1938, người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Trường Cổ tự Đại học (École Nationale des Chartes) là ông Ngô Đình Nhu. Ông Nhu đã đậu bằng trên rất vẻ vang, vào hạng ưu với luận án "Phong tục và tập quán người Việt Nam tại Bắc Việt, hồi thế kỷ thứ XVII theo các tài liệu của các du khách và giáo sĩ" (Les Moeurs et coutumes des Vietnamiens du Tonkin au XVIIe siècle d'après les voyageurs et les missionnaires) và được cấp giải thưởng Pierron [...] Ngoài ra, Ông Nhu có thêm bằng Cử nhân Văn chương và tốt nghiệp ở Trường Ngôn ngữ Đông Phương. Ông Nhu được bổ làm Phó Giám thủ Văn khố và Thư viện Hà Nội. Năm 1942, Ông đổi vào Huế và nhậm chức Giám thủ Văn khố và Thư viện Hành chánh Trung phần. Năm 1943, Ông lại đảm nhiệm thêm việc kiểm tra về phần kỹ thuật các Thư viện và Văn khố Nam triều gồm có các tài liệu của Quốc sử quán, Nội các, Tàng thư lâu, Viện cơ mật, các Bộ Thượng thư, Sở và tỉnh lỵ ở miền Trung. Năm 1945, Ông Nhu được cử mới đầu làm Giám đốc Viện Văn hóa Việt Nam, sau làm Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc trong đó có Thư viện Trung ương Hà Nội" (tr. 27-28)

Về tiểu sử học vấn của Ngô Đình Nhu, xem thêm các công trình của Trịnh Văn Thảo. Ngô Đình Nhu có một quá trình đi học rất xuất sắc. École des Chartes là một trường rất nổi tiếng, uy tín của Pháp, nằm ngay Quảng trường Sorbonne, Paris. Nhiều nhân vật kiệt xuất của nước Pháp là cựu học sinh trường này, ví dụ nhà văn Georges Bataille.


Tôi đặc biệt quan tâm đến giai đoạn chiến tranh, 1945-1946. Cuốn sách viết như sau về đoạn này:

"Sau ngày khói lửa 19-12-1946, Thư viện Trung ương Pierre Pasquier Hà Nội lại lệ thuộc Nha Văn khố Thư viện Cao ủy Phủ Sài Gòn và mở cửa đón tiếp độc giả từ tháng 2 năm 1947: mới đầu, chỉ có phòng Mượn sách mở cửa; sang tháng 3 năm 1947, phòng Đọc sách mới hoạt động. Tuy có chiến tranh, tài sản thư viện vẫn còn nguyên vẹn cả. Đứng đầu cơ quan lúc đó là Bà Edmond Castagnol, tốt nghiệp ở viện Louvre, được cử làm đại diện Nha Thư viện. Sau đó ít lâu, Cô S. de Saint-Exupéry từ Pháp trở lại điều khiển với sự phụ tá của Ông Trần Văn Kha" (tr. 39)

Như vậy, theo lời khẳng định của tác giả cuốn sách (tự nhận mình "đã phục vụ trên 36 năm trong nghề Thư viện"), giai đoạn 45-46 Thư viện Trung ương không hề bị mất mát sách. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì Nguyễn Công Hoan từng viết trong hồi ký.

Về một chi tiết khác trong hồi ký của Nguyễn Công Hoan, tôi cũng từng viết ở đây.

9 comments:

  1. Tóm lại là vầy: Đưa bạn mượn photo nhé? Bạn không quan tâm đến ông Nhu, bạn quan tâm đến cái phần I.

    ReplyDelete
    Replies
    1. ấy nhưng cái phần I lại hết sức là sơ sài :p

      Delete
    2. Ầy, thì phải biết nó sơ sài như thế nào để mà viết lại cho nó kỹ hơn chớ. :p

      Delete
  2. Hình như Nhị Linh vẫn còn muốn nói thêm về cuốn sách này và trường hợp Ngô Đình Nhu, nhưng chưa công bố?

    ReplyDelete
    Replies
    1. trước mắt, có thể tham khảo cuốn sách "Ba thế hệ trí thức Việt Nam" của Trịnh Văn Thảo đã phát hành ở Việt Nam

      Delete
    2. Hôm nay 7/7 là ngày giỗ 50 năm văn hào Nhất Linh. Ông tự tử bằng thuốc độc ngày 7/7/1963. Vì ông có bằng cử nhân khoa học Pháp, thuốc độc ông uống là tự ta ông pha chế, nên bác sĩ Pháp ở nhà thương Grall (còn gọi là Nhà thương Đồn Đất) bó tay, không cứu nổi. Ông để lại bản chúc thư, sau này nổi tiếng, vỏn vẹn 70 chữ. Bắt đầu bằng câu: "Đời tôi để lịch sử xử". Lý do là ngày 7/7/1963 là một ngày Chủ Nhật, hôm sau, thứ Hai mồng 8, bắt đầu phiên xử Nhất Linh về tội tham gia vào cuộc đảo chánh chính quyền NĐD, 1/11/1960 (thất bại). Vì uy thế của NL trong dân chúng vẫn còn cao, nên việc ông quyên sinh để chống chế độ là một đòn chí tử (mà ông cũng biết thế)...

      Tục truyền, ông Ngô Đình Nhu - bào đệ và cố vấn đặc biệt của TT NĐD - bị "sốc" bởi cái chết của Nhất Linh - có nói: đáng lẽ ông NL không nên làm thế, vì phiên tòa chỉ lập ra cho đúng kỷ cương, chứ đằng nào NL cũng sẽ được tha bổng."

      Một chuyện buồn trong hàng vạn chuyện buồn nước non ngàn dậm sơn khê...

      Delete
    3. đây bác, Trùng Thất năm ngoái:

      http://nhilinhblog.blogspot.com/2012/07/nhat-linh-o-sai-gon.html

      liên quan đến Nhất Linh:

      http://nhilinhblog.blogspot.com/2012/07/lanh-lung-tu-luc-ma-oan-tuyet.html

      http://nhilinhblog.blogspot.com/2012/07/nhat-linh-dang-do.html

      http://nhilinhblog.blogspot.com/2012/09/phong-hoa-cua-ngay-nay.html#comment-form

      Delete
    4. Ơ... thế không bảo trước, tôi khỏi phải cong lưng ra viết... lại :D

      Đúng là 1963 là năm mắc... dịch, tự nhiên có nhiều người tài hoa lăn đùng ra chết: NL, NĐN, JFK... Phí của giời!

      Delete
  3. My brother suggested I would possibly like this blog.
    He used to be entirely right. This post actually made my day.
    You can not consider just how much time I had spent for this
    info! Thank you!

    ReplyDelete