Mar 19, 2015

Không gì đẹp bằng một cái cây đẹp

Trong La Chartreuse de Parme (Tu viện thành Parme), kiệt tác vô song của Stendhal, có một chi tiết này, dường như chưa bao giờ được chú ý đến, mặc dù đã có vô vàn nhà phê bình, trong đó không ít đặc biệt xuất chúng, bàn về Stendhal và Chartreuse. Chi tiết ấy liên quan đến một cái cây.

Fabrice del Dongo, nhân vật chính của Chartreuse, lớn lên trong bầu không khí nước Ý thời kỳ sau khi Napoléon chiếm đóng Milan (cái năm 1796 đó được Stendhal dành cho một miêu tả không thể quên nổi, câu mở đầu đầy danh tiếng của cuốn tiểu thuyết: “Ngày 15 tháng Năm năm 1796, tướng Bonaparte dẫn đầu đội quân non trẻ vừa vượt cầu Lodi tiến vào Milan, và thông báo cho thế giới rằng sau đằng đẵng nhiều thế kỷ César và Alexandre đã có một người kế nghiệp.”); tại Grianta bên hồ Côme (Lago di Como), thằng bé Fabrice thỏa sức chơi nghịch theo kiểu hoang dã, mặc dù là con trai của một hầu tước, một hầu tước bảo thủ rất căm thù Napoléon. Mới lớn, Fabrice quyết định lên đường phò tá Napoléon, và Chartreuse sẽ có những chương miêu tả trận Waterloo kinh điển, theo gót chân và dưới cái nhìn của chàng trai nhiều mơ mộng.

Thêm một chút nội dung câu chuyện có liên quan: Gina, bà cô ruột của Fabrice (gọi là “bà cô” nhưng đó là một phụ nữ mới tầm ba mươi tuổi, vợ góa tướng Pietranera), trở thành “nữ công tước Sanseverina” đồng thời là người tình của bá tước Mosca, nhân vật số một trong triều đình Parme. Trở về nhà, Fabrice bị bố và anh trai báo cảnh sát (thời này cảnh sát Đế chế Áo thao túng nội vụ nước Ý) vì tội theo Napoléon, phải lẩn tránh một thời gian dài. Sanseverina (người đàn bà nổi bật và xuất chúng nhất Parme, linh hồn của cuộc sống quý tộc nơi đây) quyết định cùng Mosca cứu Fabrice: Fabrice được gọi tới Parme, bước vào con đường thầy tu vì con đường binh nghiệp đã trở nên bất khả; quân đội (màu đỏ) phải chịu thua trước tăng lữ (màu đen) cũng chính là chủ đề chính của cuốn tiểu thuyết lớn khác của Stendhal, Đỏ và Đen.

Cái cây xuất hiện vào hai thời điểm then chốt trong cuộc đời Fabrice del Dongo: trước khi Fabrice lên đường đi tìm Napoléon và lúc Fabrice ở Parme cùng Sanseverina và bá tước Mosca, lén về thăm nhà ở hồ Côme; đây cũng là lúc sắp xảy ra vụ việc nghiêm trọng, vụ Fabrice lỡ tay giết chết tên Giletti liên quan đến việc giành giật cô diễn viên Marietta.

Ngay trước khi trốn đi theo Napoléon, Fabrice nói với bà cô Gina về cái cây “marronnier” (hay được gọi trong tiếng Việt là “cây dẻ”) mà mẹ của Fabrice trồng trong rừng vào mùa đông cái năm Fabrice ra đời, cách lâu đài hai dặm. Fabrice ra chỗ cái cây, nghĩ trước rằng giờ đây khi mới là mùa xuân, nếu cái cây đã ra lá mới thì đó chính là dấu hiệu tốt, điềm lành cho thấy có thể ra đi. Fabrice tự đồng hóa với cái cây ấy, coi cái cây cùng tuổi đó là bản mệnh sâu kín của mình.

Và cái cây đã ra lá: “tối qua lúc bảy giờ rưỡi tôi đã ra chỗ cái cây, nó đã mọc lá, những cái lá thật đẹp đã khá to” (Fabrice đang nói chuyện với Gina, chương II).

Nghĩ mình là một cái cây, điều đó thật đẹp. Còn gì đẹp hơn một cái cây đẹp? Chartreuse là cuốn tiểu thuyết đặc trưng hơn cả cho những tác phẩm văn chương giàu sức chuyển hóa: ta đọc những tác phẩm ấy và ngay khi “nhập” được vào, bỗng thấy có gì đó chuyển động, một cái gì đó thật đẹp, mờ ảo vô hình, mềm mại lả lướt. Không nhiều cuốn sách làm được như vậy, nhưng ta sẽ nhận ngay ra chúng khi nào đọc trúng phải. Chartreuse có sức mạnh làm người đọc cảm nhận sự chuyển hóa vô cùng đặc biệt này, chính là nhờ những chi tiết kiểu cái cây-bản mệnh ấy, với tôi cái cây này cũng mê hoặc không kém cửa sổ trong pháo đài Farnese mà sau này Fabrice sẽ bị nhốt vào, rồi từ cửa sổ phòng giam của mình ngày ngày chờ đợi sự xuất hiện của Clelia Conti, cô con gái xinh đẹp của cai ngục, ở ban công căn phòng đối diện xa xa.

Không gì giàu sức khơi gợi và sức sống như một cái cây cường tráng. Cây mọc ở trái đất rất lâu trước khi có con người, và sau khi con người đã biến đi rồi thì cây sẽ vẫn cứ mọc, vui niềm vui riêng của chúng, buồn nỗi buồn riêng của chúng. Sinh vật nào thông thái hơn cái cây? biết dùng ánh sáng để sống, biết vươn lên cao, nhất là biết dùng bề mặt trái đất làm tấm áo che phần rễ bên dưới, cả bóng tối và ánh sáng, cả âm u và rạng rỡ, cả bất động và chuyển động, cái cây có hết. Chẳng có gì hoàn hảo hơn nữa.

Sâu thẳm trong gien của con người hẳn có sẵn một niềm ngưỡng mộ đối với những cái cây, sản phẩm sinh học cao cấp hơn nhiều so với mọi loại động vật, trong đó bao gồm cả con người. Làm nhà mới, con người hay nghĩ đến trồng cây, có một đứa con mới ra đời, nhiều người cũng nghĩ đến trồng cây.

Trước cửa nhà tôi có một cái cây, trồng đúng vào thời điểm một cuộc sống mới bắt đầu, cách đây khoảng hai chục năm. Lúc nó còn nhỏ, vào mùa xuân tôi vẫn thường lấy cái que khều, gạt những con sâu cho đỡ ăn lá. Giờ cái cây cao sừng sững, và đã có lúc, tôi từng nghĩ không gì có thể quan trọng hơn việc bảo vệ cho nó đừng bị chặt. Hẳn một phần nào đó mỗi con người nên tự đồng hóa với một cái cây.

Trong Chartreuse, cái cây “marronnier” xuất hiện khi Fabrice sắp lên đường bỏ đi theo tiếng gọi của chiến trận, tức là ở chương II, và nó sẽ còn xuất hiện thêm một lần nữa, ở chương IX. Fabrice del Dongo lén lút về nhà bên hồ Côme, nơi này không còn gì gắn bó nữa vì ông bố và người anh trai đã ghẻ lạnh từ lâu, nhưng ở đây vẫn còn một người thân thiết với Fabrice, là ông Blanès, một thầy tu, chính xác hơn là “abbé”, sống ở tháp chuông ngôi làng, cái tháp chuông mà hồi nhỏ Fabrice rất hay leo lên để cùng ông Blanès nhìn sao trời qua kính thiên văn. Blanès nhìn sao đoán tương lai và rất yêu quý Fabrice. Fabrice liều lĩnh về vì ở Grianta còn có ông Blanès (đã sắp qua đời), và vì cái cây.

Ta gặp lại cái cây lần thứ hai, cũng là lần cuối cùng trong cuốn tiểu thuyết. Stendhal sẽ không nhắc đến nó nữa và hình như cũng chưa có nhà phê bình nào để ý đến nó.

Lúc này, Fabrice, rất sợ bị phát hiện và không có nhiều thời gian, nhưng vẫn đi vòng một đoạn đường dài để đến thăm cái cây. Hiếm có thời điểm nào trong Chartreuse lại rung động đến thế. “Có lẽ độc giả còn nhớ đến tình yêu mà Fabrice dành cho một cây dẻ do mẹ chàng trồng cách đây hai mươi ba năm”. Đến chỗ cái cây, Fabrice thấy nó đã rất lớn, nhưng một cành bị gãy lòa xòa. Chàng bèn chăm sóc cho chỗ cành gãy ấy, rồi, trong tình cảnh lúc nào cũng có thể bị cảnh sát bắt, chàng bỏ một tiếng đồng hồ xới đất xung quanh gốc cây. “… chàng chẳng thấy buồn chút nào, cái cây giờ thật phổng phao, cường tráng hơn bao giờ hết và, chỉ trong vòng năm năm vừa rồi, đã to gấp đôi”. Sau đó, trong suốt phần còn lại của cuốn tiểu thuyết (tức là khoảng ba mươi chương), cái cây hoàn toàn biến mất. Nó xuất hiện thật đột ngột và biến mất mau chóng, nhưng với tôi đó chính là thời khắc thăng hoa vượt bậc của ngòi bút Stendhal.

Kể từ khi phát hiện ra cái cây bản thể của Fabrice del Dongo, tôi luôn luôn tìm kiếm những cuốn sách viết thực sự rung động về những cái cây. Thực sự là không nhiều, không nhiều nhà văn có cái nhìn độc đáo và rung động về cây. Tất nhiên, cuốn tiểu thuyết đầu tiên cần được nhắc đến ở khía cạnh này là Nam tước trên cây của Italo Calvino: cậu bé Como nhảy lên cây và thế là cả đời không chạm chân xuống đất nữa. Có một điều Calvino không nói rõ ra, nhưng hết sức hiển nhiên: biết cách hiểu những cây cối, Como mặc dù không chạm chân xuống đất nhưng vẫn đi khắp nơi trên thế giới, và trở nên vô cùng thông thái, sự thông thái được cây cối truyền cho.

Chắc là không có gì liên quan, nhưng tôi vẫn muốn nghĩ cái tên Como liên quan đến Lago di Como, quê hương của Fabrice del Dongo, nhân vật ảo diệu bậc nhất trong lịch sử văn chương thế giới.

Naipaul là một nhà văn khác từng động đến sâu thẳm cây cối: trong A Way in the World, Naipaul dành một đoạn miêu tả một cái cây mọc trên rìa đá của Trinidad, nhìn thẳng ra biển. Cái cây này, Naipaul hình dung Columbus từng nhìn thấy khi đi thuyền đến nơi đây. Naipaul cũng là người thuộc “dòng” Stendhal một cách ngầm ẩn; trong một cuốn tiểu thuyết khác, The Mimic Man, bỗng có một đoạn nhân vật của Naipaul bình luận một chi tiết trong Đỏ và Đen. Điều này rất đáng kinh ngạc; vốn dĩ Naipaul cực kỳ hiếm khi nhắc đến các nhà văn khác.

Và cuốn tiểu thuyết hay nhất viết về cây? Chắc chắn đó là tác phẩm của một nhà văn Pháp từng có vài cuốn được dịch ra tiếng Việt nhưng coi như chưa hề được biết đến ở đây: Un roi sans divertissement của Jean Giono.


9 comments:

  1. “Cosimo ngắm nhìn thế giới từ trên cây: mỗi sự vật, nhìn từ trên ấy, thấy khác, chỉ điều này đã là vui thú. Con lộ mang một phối cảnh khác, kìa bồn hoa, cây hoa tú cầu, cây hoa trà, cái bàn sắt nhỏ uống cà phê trong vườn. Xa hơn, những lùm cây thưa ra, ruộng rau hạ dần thành những thửa ruộng thang nho nhỏ, trụ đỡ bởi các bờ tường đá; từ phía sau sườn đồi sẫm cây ôliu, nhấp nhô những mái ngói phai màu, những mái nhà bằng đá bảng của khu dân cư vùng BóngRâm, rồi những cột cờ hiệu chĩa cao của tàu thuyền neo tại bến cảng. Biển tít tắp, chân trời lồng lộng, một cánh buồm lững lờ trôi.”

    ReplyDelete
  2. còn trong văn chương Việt Nam, cao thủ về cây là Nguyễn Bình Phương:

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2014/10/nhung-dam-may-se-con-o-lai.html?m=1

    ReplyDelete
  3. cái entry này đọc rồi chỉ có mây thì vẫn xếp hàng chờ đó :'(

    ReplyDelete
  4. Tu viện thành Parme khoảng 10 năm nay chưa thấy xuất hiện lại nhỉ, toàn là đỏ và đen tràn làn

    ReplyDelete
  5. ấy, chiến dịch Stendhal sẽ bắt đầu đấy, rất sớm

    ReplyDelete
  6. An impressive share! I've just forwarded this onto a coworker who was doing a little research
    on this. And he in fact ordered me lunch because I found
    it for him... lol. So let me reword this.... Thanks for the meal!!
    But yeah, thanks for spending time to talk
    about this matter here on your internet site.

    ReplyDelete
  7. Hi, all is going nicely here and ofcourse every one is sharing data, that's
    genuinely good, keep up writing.

    ReplyDelete
  8. Hey! I could have sworn I've been to this blog before but after reading
    through some of the post I realized it's new to
    me. Anyways, I'm definitely happy I found it and I'll be bookmarking and checking back often!

    ReplyDelete
  9. - Em gọi cây nhưng cây không đến nổi
    Nắng nhiều như anh hôn em

    Dừng lại bên thềm
    Mây cũ và chỉ đỏ
    Bốn phía dậy lên những ngọn đèn...

    ReplyDelete