Mar 2, 2015

Văn Hạc Lê Văn Hòe vs Thế Lữ

Dưới đây là bài thứ 20 trong cuốn Thi thoại của Văn Hạc Lê Văn Hòe, in năm 1940 hoặc 1941 (quyển sách của tôi rách đúng trang ghi năm, lần trước đã hỏi bác Vũ Hà Tuệ và biết được chính xác năm in rồi nhưng giờ đã quên, nên bác VHT có đi qua thì nhắc hộ cái nhé :p)

Bài này viết về thơ Thế Lữ :p



Có người hỏi:

- Vẽ gì dễ nhất?

Hàn-Phi-Tử trả lời.

- Vẽ ma quỷ dễ nhất.

Tôi cho câu trả lời ấy chí lý lắm. Vì ma quỷ không ai trông thấy bao giờ. Vẽ ma quỷ thì dầu có vẽ một mắt nằm ngang trên trán hai tai ở mãi trên đỉnh đầu hay rủ mãi chấm vai, tay có bốn ngón, hay sáu ngón, mũi mọc ở dưới miệng v.v. người vẽ cũng có thể cãi rằng mình vẽ đúng.

Ông Lê-Tràng-Kiều phê-bình thơ Thế-Lữ:

- Tôi thấy thơ Thế-Lữ như phảng phất toàn một vẻ bồng-lai. Nhà thi sĩ quả như người xưa đã nói là người có tiên cốt… Bồng lai đối với Thế-Lữ chính là cái “quê hương thực” nơi đi về của hồn nhà thi-sĩ. Cho nên khi nói đến cái quê-hương của mình, giọng văn của Thế-Lữ thấy dễ dàng tự nhiên và kín đáo một cách lạ. Chính cái đặc-sắc của quyển “Mấy vần thơ” là ở những bài có ít nhiều vẻ “tiên”.

Rồi nhà phê-bình họ Lê chép hết cả bài “Vẻ đẹp thoảng qua” cho là bài thơ hoàn toàn nhứt trong tập “Mấy vần thơ”.

Tôi thì tôi muốn bảo:

- Làm thơ tả cảnh tiên dễ nhất cũng như vẽ ma quỷ vậy. Vì ông Tràng-Kiều cũng như tôi và hết thẩy mọi người, chúng ta chưa được tới cõi “tiên” bao giờ, để biết mà phê cho thơ Thế-Lữ chữ “sáo” hay là “không đúng sự thực”.

Hôm qua đi hái mấy vần thơ,
Ở mãi vườn tiên gần Lạc-Hồ
Cảnh tĩnh trong hoa chim mách lẻo,
Gió đào mơn trớn liễu buông tơ.

Nước mát hơi thu thắm sắc trời
Trời xanh xanh ngắt đượm hồng phai
Ái ân bờ cỏ ôm chân trúc
Sau trúc, ô kìa! xiêm áo ai

Rẽ lá thi nhân bước lại bên
Mấy vòng sóng gợn, mặt hồ yên
Nhởn nhơ vùng vẫy ba cô tắm
Dưới khóm hoa quỳnh lá biếc xen.

Hồ trong như ngọc tấm thân ngà
Lồ lộ da tiên thô sắc hoa
Mỉm miệng ánh đào tan tác rụng
Tóc buông vờn mặt nước say sưa

Say sưa người khách lạ Bồng-lai
Giận lũ chim kia khúc khích hoài.
Van khẽ gió đừng vi vút nữa
Nhưng mà chim gió có nghe ai?

Lời oanh trên liễu yến bên hồng
Hạc ở trong không, phụng dưới tùng
Bỗng chốc cùng nhau cao tiếng họa
Đờn tiên dộn dã khắp tiên cung…

Hoa lá cùng bay, bướm lượn qua
Người tiên biến mất, khách trông ra:
Mặt hồ nước phẳng nghiêm như giận
Một áng hương đưa, khói tỏa mờ

Chúng ta thử tìm hiểu bài thơ tả cảnh tiên này mà Tràng-Kiều cho là hoàn-toàn nhứt trong “Mấy vần thơ” của Thế-Lữ. Giá bài thơ này không tả cảnh “tiên” thì ta có thể bẻ được thi-sĩ nhiều chỗ lắm, cũng như ta có thể bắt bẻ nhà họa-sĩ kia, nếu họa-sĩ không viết ở dưới bức họa mấy chữ: “Đây là hình-dung con Ma Lem” chẳng hạn. Đành rằng cảnh “vườn tiên gần Lạc-Hồ” chúng ta không biết nó như thế nào, nhưng thơ của Thế-Lữ thì lúng-túng một cách lạ, nếu không phải là thơ tả cảnh tiên.

Ta hãy nghe đây:

Cảnh tĩnh, trong hoa chim mách-lẻo,

Có chim mách lẻo trong hoa, thì cảnh không thể gọi là tĩnh được! Do mấy câu:

Cảnh tĩnh trong hoa chim mách-lẻo
Gió đào mơn-trớn, liễu buông tơ

Ta nhận thấy rằng bấy giờ là mùa Xuân, mà mấy câu:

Mỉm miệng ánh đào tan tác rụng

cũng chứng rằng bấy giờ là về mùa Xuân. Nhưng chưa phải thế. Vì thi-sĩ nói:

Nước mát hơi thu thắm sắc trời

thì bấy giờ lại là mùa Thu. Nếu hoa quỳnh là một thứ hoa có họ với hoa quỳ, hoa sen, thì bấy giờ lại là mùa hạ, chớ không phải là mùa Thu:

Dưới khóm hoa quỳnh lá biếc sen.

Nhưng câu thơ này:

Lời oanh trên liễu yến bên hồng.

lại nói rõ rằng bấy giờ là mùa xuân.

Ta hãy mặc cái “mùa” cùng thi-sĩ. Ta hãy nghe thi-sĩ nói về gió và hồ.

Van khẽ gió đừng vi vút nữa,
Nhưng mà chim gió có nghe ai?
……………
Hoa lá cùng bay; bướm lượn qua.
Người tiên đâu mất, khách trông ra:
Mặt hồ nước phẳng nghiêm như giận.
Một áng hương đưa khói tỏa mờ.

Gió thổi bay hoa, lá, bay cả bướm, mặc gió, mặt hồ nước vẫn phẳng nghiêm như giận!

Đấy là hồ tiên nên khác hồ thường cũng như mùa tiên khác mùa trần, vừa là xuân, vừa là thu, và có lẽ vừa là mùa hạ…

Ta đừng lấy làm lạ! Vẽ ma quỷ dễ thế nào thì làm thơ tả cảnh tiên cũng dễ như thế!

7 comments:

  1. Năm 1942 bác à, năm xb lại in ở gáy sách mới tai hại chứ :p

    ReplyDelete
  2. Replies
    1. Vân Hạc hay Văn Hạc nhỉ? :p

      nhiều lúc ghi là Vân Hạc, nhưng có những lúc, ví dụ ở quyển Thi thoại này, thì ghi rõ là Văn Hạc ạ

      Delete
    2. Hình như trước 45 ghi là Văn Hạc, sau 45 là Vân Hạc :D

      Delete
    3. Lạ nhỉ! Trong cuốn Chữ nghĩa truyện Kiều thì ghi là Vân Hạc.

      Delete
  3. Nhắc đến Thế Lữ,tôi luôn nhớ đến những câu thơ hùng tráng của bài thơ " Nhớ rừng"
    ....
    Nào đâu những đêm vàng nơi bờ suối,
    Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan.
    Đâu những ngày mưa chuyển động bốn phương ngàn
    Ta lặng ngắm nhìn giang sơn ta đổi mới.
    .....
    Những câu thơ này từ ký ức tôi chợt nhớ ra ghi lại, có sai sót gì xin thứ lổi và chỉ giáo giúp.

    ReplyDelete