Mar 9, 2015

Sách tháng Hai 2015

Tháng vừa rồi phải được xếp vào hàng kỷ lục về ít sách mới trong suốt nhiều năm qua.

Nhưng ít thì vẫn có cách điểm sách của ít :p


Những tháng có đặc biệt ít sách mới thế này, ta sẽ có thời gian nói đến những cuốn sách rất ít được nhắc tới ở gần như mọi nơi.


- Nguyễn Quang Hồng, Tự điển chữ Nôm dẫn giải, 2t., NXB Khoa học xã hội & Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm, 2323tr., 486.000đ.

Đây là phiên bản mới nhất của tự điển chữ Nôm Nguyễn Quang Hồng, một khảo sát rộng lớn về chữ Nôm (hình như là bộ tự điển chữ Nôm lớn nhất hiện nay?).

Chữ Nôm không phải đối tượng dễ nhằn. Nhiều người ở Việt Nam rành chữ Hán cũng không đọc được Nôm. Bản thân tôi trước đây cũng thấy khó ở với một thứ ngôn ngữ kỳ cục như vậy: mặc dù về cơ bản vẫn nắm được cách cấu tạo của chữ Nôm nhưng trước đây, khi học Hán-Nôm, đến phần Nôm thì tôi bỏ không học nữa :p

Nhưng bộ tự điển này đủ sức hấp dẫn để làm thay đổi định kiến; đảm bảo rằng nếu bỏ thời gian xem nó, ta sẽ có cảm giác hình dung của mình về tiếng Việt thay đổi, tiếng Việt của chúng ta không hoàn toàn giống y như chúng ta vẫn nghĩ.

Ở từ “áy” ta tìm được nghĩa chính là “khô héo, vàng úa”, với ví dụ rút từ sách cổ: “Ruộng xấu lúa nên áy thì”, thêm ví dụ “Một vùng cỏ áy bóng tà. Gió hiu hiu thổi một và bông lau” của Kiều. Rồi nghĩa phái sinh là “héo hon”: “Xem chiều thức điểm chẳng an. Vẻ hoa áy náy, vóc loan võ vàng”. “Áy” lại nằm trong “áy náy” nghĩa là “không yên lòng”: “Trẫm hằng áy náy hôm dao. Cùng thương một dạ, cùng yêu một bề”; “Trăm mối bên lòng càng áy náy. Dãy thềm chòm cúc giọt sương hoen”.

Các ví dụ được rút từ sách cổ bằng chữ Nôm, và chính phần “sách cổ chữ Nôm” này làm nảy sinh rất nhiều suy nghĩ. Tổng cộng, “Nguồn dẫn chữ Nôm” của bộ sách có 124 đề mục, trong đó có những tác phẩm hết sức nổi tiếng như Kiều, Chinh phụ hay Quốc âm thi tập, nhưng chủ yếu là những cái tên chắc chắn chẳng mấy ai biết. Thật ra, chúng ta chẳng biết gì về di sản của chính chúng ta.

Thêm nữa, tất nhiên ngoài đây ra thì vẫn còn nữa, nhưng 124 đề mục mà bộ tự điển sử dụng về cơ bản đã là tất tật những gì còn lại. Cảm giác về sự nhỏ nhoi rất giống khi đọc sách của Trần Văn Giáp khảo sát kho sách Hán-Nôm của Việt Nam, so sánh danh mục sách mà Phan Huy Chú từng kiểm kê với Tứ khố toàn thư của Trung Quốc chẳng hạn. Chóng mặt lắm đấy :p

Nhưng, một mặt khác nữa, biết đâu những gì còn lại là những thứ cần phải còn lại, thực sự có ý nghĩa khi còn lại.


- Trần Ích Nguyên, Thuật bàn về tư liệu sách chữ Hán ở Việt Nam, Phạm Tú Châu và Phạm Ngọc Lan dịch, Phạm Tú Châu chỉnh lý, NXB Khoa học xã hội, 479tr., 95.000đ.

Cuốn sách này thật ra in từ 2013, tác giả là một chuyên gia Đài Loan, trước đây từng được biết đến trong giới nghiên cứu văn học ở Việt Nam chủ yếu với công trình so sánh Truyền kỳ mạn lụcTiễn đăng tân thoại.

Tiếp theo (hoặc song song) với nhận thức di sản quá khứ mà bộ tự điển của Nguyễn Quang Hồng mang lại, cuốn sách của Trần Ích Nguyên đi vào một số vấn đề như so sánh Lý Văn Phức của Việt Nam với Thái Đình Lan của Đài Loan, tiểu thuyết Hoa viên kỳ ngộ, và nhất là có hai chương (đầu) rất thú vị: “Trải nghiệm mua sách ở Trung Quốc đời Thanh của sứ thần Việt Nam” và “Sách Hán Trung Quốc được truyền bá và tiếp thu ở Việt Nam”.

Trong những khảo sát “quy mô nhỏ” như thế này, cuộc sống văn hóa ngày xưa thường hiện lên rất bất ngờ, ở những khía cạnh ít ai từng nghĩ đến: khi Lê Quý Đôn làm phó sứ đi sang Trung Quốc thời Càn Long (Thanh triều), lúc trở về qua Quế Lâm, Quảng Tây, sứ đoàn bị quan Trung Quốc tịch thu hơn hai chục cuốn sách Trung Quốc mà họ đã mua trên đường đi (có danh mục còn lại, và cuộc tịch thu ấy hẳn đã không quá mức sỗ sàng, vì quan biên giới Trung Quốc giữ sách nhưng hoàn tiền mua sách cho sứ đoàn Việt Nam). Minh Mệnh vào năm 1830 từng chỉ thị cho sứ đoàn (trong đó có Phan Huy Chú) cặn kẽ như sau: “Trẫm thích nhất sách cổ, tranh cổ và sách kỳ lạ đời cổ mà chưa có được, các khanh nên để tâm mua về dâng cho trẫm […] Các khanh nếu gặp những thư tịch như thế, thì tuy là bản thảo, vẫn không nên tiếc trả hậu hĩnh mà mua về”.

Trần Ích Nguyên thuật câu chuyện mua sách Tàu cụ thể của những ông quan Việt Nam: Nhữ Bá Sĩ, Nguyễn Tư Giản, Trần Văn Chuẩn và Nguyễn Thuật.



- Đầu óc hoài cổ của nhiều người từng biết đọc hồi thập niên 70, 80 hẳn sẽ có ít nhiều hứng thú với cái tên Lermontov. Dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Lermontov hồi 2014 vừa rồi, có hai cuốn sách dày:

+ M. Lermontov, Tuyển tập thơ văn, Thúy Toàn chủ biên, NXB Văn học, 435tr., 126.000đ.

Ngày nay tên tuổi Lermontov không còn mấy quen thuộc với độc giả Việt Nam, nhưng một thời, ai cũng biết ông. Vốn được mệnh danh là “mặt trời thứ hai của thi ca Nga” (mặt trời đầu tiên là Puskin), Lermontov, với thiên tài rực rỡ, số phận ngắn ngủi và bi thảm (chết vì đấu súng), thuộc vào những nhà thơ Nga được hâm mộ bậc nhất tại Việt Nam, cùng Exênin, Blok hay Pasternak. Tuyển tập lần này, in nhân dịp 200 năm ngày sinh của Lermontov, gồm 60 bài thơ, 3 trường ca và cuốn tiểu thuyết Một anh hùng thời đại. Đặc biệt, khi mới xuất hiện ở Nga, Một anh hùng thời đại giống như một vụ xì căng đan lớn đối với đời sống đương thời; nhân vật chính Pechorin của cuốn tiểu thuyết cách đây vài chục năm thậm chí còn trở thành biệt danh cho những người đàn ông Việt Nam có lối sống quá đặc biệt so với xung quanh.

Petchorin đi vào đời sống văn chương Việt Nam mạnh mẽ đến mức một nhân vật rất đáng nhớ trong một truyện ngắn của Bảo Ninh từng mang biệt danh này.

Trước đây, cũng đã có một lần Một anh hùng thời đại (lần đầu in năm 1960) được tái bản, dưới nhan đề Tiểu thư Mêry.

+ Thơ M. Lermontov, song ngữ Nga-Việt, Đoàn Tử Huyến và Vũ Thế Khôi tuyển chọn và biên tập, Vũ Thế Khôi giới thiệu và chú giải, 353tr., 100.000đ.

Những bài thơ trong tập này phần lớn những ai thích thơ ở Việt Nam đều đã đọc trước đây, do nhiều người dịch.


- Một cuốn sách hơi kỳ lạ: David Haziot, Van Gogh, Phan Hồng Hạnh dịch, NXB Đà Nẵng, 455tr., 140.000đ.

Như ngay tên sách đã thể hiện, đây là một cuốn tiểu sử về Van Gogh.


- Pierre Daum, Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939-1952). Một trang sử thuộc địa bị lãng quên, Trần Hữu Khánh dịch, NXB Tri thức, 428tr., 110.000đ.

Cuốn sách này thuộc loại không được nói đến nhiều, vì chủ đề của nó không “nóng”. Cho mãi đến gần đây những người lính thợ Việt Nam mới bắt đầu thu hút sự quan tâm của giới truyền thông và giới sử học (mối quan tâm cũng không lớn lắm), những người lính thợ này được tuyển từ thuộc địa, đưa sang “mẫu quốc” rồi được sử dụng vào nhiều việc khác nhau trong chiến tranh, chủ yếu là Thế chiến thứ hai. Chủ đề này thuộc dạng những khía cạnh rất nhiều năm bị khuất lấp của cuộc thế chiến ấy.

Nhưng trong những người lính thợ Việt Nam đó sau này có những người hết sức nổi tiếng: họa sĩ Lê Bá Đảng (mới qua đời) hay Hoàng Hoa Khôi, một nhân vật lớn của phong trào Đệ tứ Việt Nam (cũng đã qua đời cách đây vài năm).


- Thêm một cú nặng nề:

Văn bia Lê sơ, tuyển tập, Phạm Thị Thùy Vinh chủ biên, Viện Hán Nôm & NXB Khoa học xã hội, 634tr., 164.000đ.

rất là nhiều bia :p


- Cũng không hẳn tháng này tuyệt đối không có sách mới :p ta có thể đọc:

+ Yukito Ayatsuju, Another, 2t., Phạm Tiết Nguyên tức Mymy và Mai Hương dịch, Bảo Nam hiệu đính, IPM & NXB Văn học, mỗi tập hơn 300 trang khổ nhỏ, 160.000đ.

+ Eric Fottorino, Những nụ hôn điện ảnh, Đỗ Thị Minh Nguyệt dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 207tr., 58.000đ.



12 comments:

  1. Óe, điểm sách kỉu xoành điệu quớ anh ei

    ReplyDelete
  2. Tháng giêng âm
    Trời mưa ẩm
    Sách mới " âm"

    ReplyDelete
  3. T ( ten cu la bot... ấy ấy ấy)Mar 11, 2015, 6:02:00 PM

    quyển Hải Nam tạp trứ mấy lần thấy ở mấy lần Đông Tây giảm giá, e cũng có mua về đọc chút chút, thắc mắc sao đám vua quan nhà Nguyễn cứ phải khúm núm lúc túm phải anh TĐL này. BTW, quyển của Trần Ích Nguyên giờ kiếm đâu được nhỉ ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. quyển này giờ chắc phải đi xin may ra có :p

      Delete
    2. Bạn gì ở trên có muốn mua sách của Trần Ích Nguyên không, để em hỏi hộ ạ? Nhân tiện, sách ra được tỉ năm giờ mới được bạn Nhị điểm vô sách tháng Hai, nguyên do? He he he

      Delete
    3. cậu ấm xin chị nữ sĩ đi kìa :p

      Delete
    4. Mình lấy cuốn tự điển chữ nôm nhé

      Delete
  4. cuốn của David Haziot có vẻ hấp dẫn. để mai đi đọc mót hehe

    ReplyDelete
  5. à, nữ sĩ xuất hiện thật đúng lúc.
    @ QH: e muốn mua quyển đó của Trần Ích Nguyên, chị hỏi hộ e với.
    Có gì thông báo qua mail của e là : rollingstone223@yahoo.com. Thanks

    P/S: Chiều qua có thấy Toàn tập PPT ở ĐT

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mình đã lấy được cuốn của Trần Ích Nguyên cho bạn rồi đấy :)

      Delete
    2. Dạ, vầng

      Delete
  6. What a lovely and interesting blog. I have read many blogs on the internet but I like your post the most. Thank you for sharing it to our readers.

    Vietnam Shore Excursions | Phong Nha Pioneer Travel

    ReplyDelete