Apr 21, 2015

Từ thăm thẳm lãng quên

Thật kỳ cục vì một trong những nhà văn quan trọng nhất của thời đại chúng ta lại là Patrick Modiano, người viết ra một văn chương kỳ cục.

Giải Nobel Văn chương gây hại cho Modiano nhiều hơn là có lợi: văn chương ấy, khi bị quá nhiều người nhìn vào, bị tầm thường hóa nhanh chóng, một cách thảm hại trong những cách hiểu cũng kỳ cục nốt, trong khi văn chương ấy là một văn chương quý giá, đặc biệt lấp lánh trong một nhóm nhỏ độc giả trung thành từ lâu của Modiano. Khi Modiano được giải vào năm ngoái, rất nhiều người tưởng một nhà văn chưa từng nghe thấy tên chắc phải là tác giả của những tác phẩm kinh thiên động địa, mang sức nặng to lớn, đi vào những tăm tối của xã hội, nhưng văn chương Modiano nằm chính xác ở đối cực của những điều ấy, thậm chí còn nhẹ hều như không neo bám vào đâu cả. Chưa nói đến một tập đoàn độc giả chỉ biết nhìn bìa sách rồi phán. Đọc chính là một trong những điều khó nhất trên đời.

Giờ, ta thử xem mấy điều sau, văn chương Modiano nói đến cái gì và văn chương ấy rốt cuộc có tính chất như thế nào. Ở đây đã có cảnh báo nho nhỏ rằng đừng vội buộc vào Modiano cái vai trò hay bị quá nhấn mạnh, là nhà văn về Thế chiến thứ hai. Thế chiến thứ hai không chiếm vị trí lớn đến thế trong các tác phẩm của Modiano. Modiano xuất hiện với mấy cuốn tiểu thuyết lấy Thế chiến thứ hai, nhất là thời Đức Chiếm đóng Paris, làm bối cảnh, nhưng đó là thập niên 60 của thế kỷ 20, một nhà văn rất trẻ cần có chiến lược để có được chỗ đứng riêng. Còn sau đó, văn chương Modiano đã khác hẳn, chiến tranh tất nhiên vẫn phảng phất ở hậu cảnh của nhiều tác phẩm, nhưng đừng để nó ám ảnh quá; Từ thăm thẳm lãng quên cũng có quá khứ chiến tranh ấy, tập trung ở nhân vật Peter Rachman, một người Đông Âu sinh ra ở Lvov, từng trải qua bốn năm ở trại tập trung.

Ở đường link trên đã nói đến hành trình đi tìm căn cước cá nhân, nhưng văn chương Modiano không chỉ có thế. Cụ thể hơn, có thể áp dụng một mô hình đọc theo ba tầng đối với Từ thăm thẳm lãng quên để hiểu "tính chất quý giá" của văn chương Patrick Modiano.

Tầng thứ nhất, rất đơn giản, là những gì có ở trong câu chuyện. Ta thấy có nhân vật "tôi" không rõ tên cùng Jacqueline, khi còn rất trẻ, ở quartier latin bên Paris, sống một cuộc sống "lưu đãng" với quán cà phê (quán Dante, mà sau này Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối sẽ "nháy lại" rất tinh tế), khách sạn ven sông Seine, các sòng bạc tỉnh lẻ và ê te để hít cho lên cơn phê, có thêm vài nhân vật khác nữa như Van Bever hay Pierre Cartaud, rồi đến đoạn bên London (sự "đến London" này cũng rất đáng nhớ), với sự xuất hiện của Peter Rachman, Linda Jacobsen và Michael Savoundra, rồi nhân vật bắt đầu viết văn, và mùi marijuana nồng nặc. Chỉ dừng ở tầng này thôi, ta có một câu chuyện về hoài niệm, về những chu kỳ mười lăm năm trong đời người, ký ức và lãng quên. Như vậy coi như cũng được, mặc dù nếu là một người đọc tinh tế người ta sẽ thấy ngờ ngợ, dường như Modiano định nói gì đó khác nữa, và sẽ tồn tại một số bí ẩn, ví dụ như có lúc đột nhiên nhân vật chính cảm thấy mình rơi vào một kẽ nứt thời gian, rồi cảm giác như thể mình quay về quá khứ, đứng bên ngoài quán cà phê trên phố Cujas nhìn vào như nhìn một cái bể kính kín bưng, bức bối.

"Sự ngờ ngợ" này nếu thực sự lớn sẽ thúc đẩy người ta tìm hiểu thêm, và thế là sẽ đi xuống thêm một tầng nữa, tầng thứ hai này không nhìn thấy ngay được, nhưng ở tầng thứ nhất đã để lại một số dấu vết. Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối cũng sử dụng mô hình này: tầng thứ hai của cuốn tiểu thuyết ấy là đời sống trí thức, nghệ sĩ tả ngạn sông Seine một thời gian sau khi chiến tranh kết thúc, với các nhân vật là người có thật, như Maurice Raphäel hay Adamov.

Các dấu vết mà "tầng thứ nhất" bày ra là công cuộc làm ăn của Peter Rachman, mua lấy những ngôi nhà đổ nát vì bị máy bay Đức oanh tạc trong chiến tranh, và dấu vết nhỏ hơn, rất đặc biệt, là cái tên "Linda Jacobsen". Khi nhân vật chính cùng Jacqueline sang London, Modiano nói trước là họ sẽ làm quen với ba người ở đây, nhưng khi đó, Linda không được nhắc đầy đủ họ tên giống Peter Rachman và Michael Savoundra. Mấy trang sau đó, ta mới biết họ tên đầy đủ của Linda: "Linda Jacobsen". Cái họ Jacobsen này chỉ xuất hiện một lần duy nhất, giống như cái tên quán cà phê "Dante" chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối.

Jacobsen là tên chiếc ghế mà Christine Keeler ngồi để posing chụp ảnh khỏa thân vào năm 1963, một bức ảnh rất nổi tiếng. Thật ra, "tầng thứ hai" của Từ thăm thẳm lãng quên là viết lại một câu chuyện, một vụ bê bối trên chính trường nước Anh thập niên 1960: Keeler dính dáng tình dục với một bộ trưởng Anh, John Profumo, và cùng lúc, với một nhà ngoại giao Liên Xô. Đây là một câu chuyện gián điệp của thời Chiến tranh Lạnh. Ở đây, câu chuyện đã được "chuyển hóa" rồi sau đó đi vào Từ thăm thẳm lãng quên để trở thành câu chuyện ngầm đằng sau. Patrick Modiano lúc nào cũng quan tâm đến những câu chuyện có thật và những nhân vật có thật, nhiều cuốn tiểu thuyết của Modiano viết thẳng về các câu chuyện và nhân vật có thật, nhưng khi ấy thì cơ chế lại đảo chiều: trong những cuốn tiểu thuyết ấy, thường xuyên có những chi tiết không thật.

Nếu còn theo dõi được đến đây :p thì ta sẽ đi xuống nữa (Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối có một khía cạnh quan trọng về ẩn dụ địa ngục; Từ thăm thẳm lãng quên cũng có nhận xét của nhân vật chính về độ thấp của khu vực quanh nhà ga Saint-Lazare: người ta cứ bị trượt theo các triền dốc xuống đây; đọc tiểu thuyết của Modiano là một quá trình trượt xuống, chỉ có điều độ dốc quá nhỏ nên gần như ta không nhận ra). Tầng thứ ba của văn chương Patrick Modiano mới đặc biệt, nó dẫn thẳng đến bản thể của Modiano (mê cung nào cũng phải có một con quái vật ở chính giữa).

Tại sao Modiano cứ viết đi viết lại một số câu chuyện? Tại sao trong tiểu thuyết của Modiano cứ thỉnh thoảng lại xuất hiện một yếu tố kỳ lạ nào đó?

Là vì đây là văn chương của mê hoặc, là những điều mê hoặc được viết thành văn chương. Chạm vào đâu đó, thật nhẹ, và đúng lúc, thì sự mê hoặc sẽ xảy ra, giống như khi cây đũa thần của phù thủy chạm tới. Chỉ cần bắt đầu nhìn từ khía cạnh này là ta thấy ngay Patrick Modiano viết những câu chuyện cổ tích không mấy che đậy chúng là truyện cổ tích. Patrick Modiano là người tiếp nối Christian Andersen hay Lewis Carroll; thời đại nào cũng cần những câu chuyện huyền hoặc, vị trí của Modiano trong văn chương hiện nay là vị trí của sự mê hoặc ấy. Mỗi nhà văn lớn lại có một tinh chất riêng, ví dụ Naipaul giống như một hòn đảo thường xuyên phải gánh chịu "mặc cảm đất liền", còn Modiano giống như cánh cửa mở từ thế giới này sang thế giới khác (ngay mở đầu Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối là hai cánh cửa, trong đó là một cánh cửa của bóng tối, thật ra chính là cánh cửa địa ngục). Tấm gương mà cô bé Alice đi qua, con mèo cười vân vân và vân vân mà Carroll kể cũng ở trong "trường từ tính" ấy. Trong Từ thăm thẳm lãng quên, ba mươi năm sau câu chuyện với Jacqueline, nhân vật chính thấy như mình đang rơi vào kẽ thời gian khi từ bến tàu điện ngầm Corvisart đi ra. "Cánh cửa Modiano" có thể vận hành cả với thời gian và không gian: thời gian thì là như vậy, rơi vào kẽ nứt, hoặc ở một tác phẩm khác, nhân vật chính nhìn thấy cô gái xưa kia đẩy xe nôi đi ngay trước mặt mình, nhưng chỉ nhìn được mà không thể gọi, vì hai người đang ở hai thế giới khác nhau, vì tình cờ rơi vào kẽ nứt thời gian mà nhìn thấy được, nhưng không có cách gì giao tiếp. Cánh cửa không gian cũng thường xuất hiện: cả ở Từ thăm thẳm lãng quên lẫn Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối đều xuất hiện cảm giác chỉ cần đi đến góc phố, ở Paris hay London, là ta đến rừng, hoặc đến biển. Chi tiết này nữa cũng xuất hiện rất nhiều trong các tiểu thuyết của Modiano: nhân vật rất hay chép vào sổ danh sách tất cả những ngôi nhà ở Paris có hai cửa, tức là nếu muốn thoát thân khỏi ai đó, khỏi một bầu khí hậu nào đó, người ấy chỉ cần đi vào một cánh cửa, rồi sau đó băng qua một cái sân là tới cánh cửa khác mở ra một phố khác. Biến mất khỏi thế giới này để đi sang thế giới khác, đó là sự huyền hoặc sâu kín của Patrick Modiano.

Đang có trớn, suýt đi xuống thêm một tầng nữa, tầng thứ tư, may mà phanh kịp :p vì xuống nữa thì rơi vào vực thẳm luôn.

20 comments:

  1. Nhilinh thấy thế nào chứ không đọc comment và entry độc giả viết về Ở quán cà phê ở tuổi trẻ lạc lối à, cực hay luôn. Nhưng mà tôi thấy e là vì cái bìa và cái tựa, chứ không hẳn là cuốn sách khiến người ta thấy mê đắm vào những tầng cảm xúc như bạn viết.

    ReplyDelete
    Replies
    1. thì có gì mâu thuẫn đâu?

      btw, mấy cái tầng ấy không phải "tầng cảm xúc"

      Delete
  2. Très subtil lecteur :-) J'adore les analyses éthérées comme ça.

    ReplyDelete
  3. Đọc cuốn "Từ thăm thẳm lãng quên" theo cảm nhận của riêng mình thì có vẻ hay hơn "Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối". Tác phẩm đầy chất thơ và sau khi đọc một lần rồi, lại đọc lại lần nữa. Tiếc là không có đủ các tác phẩm của Modiano (Những đại lộ ngoại vi, Quảng trường ngôi sao), gần đây mới tái bản "Phố những cửa hiệu u tối" chắc tại nhờ giải Goncourt mới in lại chăng.

    ReplyDelete
  4. Từ thăm thẳm và Ở quán cà phê là hai cách viết cùng một câu chuyện, hoặc ít nhất là sử dụng một số yếu tố thông nhau, nhất là các nhân vật, trong đó Từ thăm thẳm viết trước, Ở quán cà phê viết sau, tức là ngược chiều trình tự xuất hiện ở VN

    trái với nhiều người nghĩ, việc tái bản Phố những cửa hiệu không liên quan đến giải thưởng (Nobel chứ không phải Goncourt), theo kế hoạch từ trước tháng Mười 2014 nhiều, Ở quán cà phê sẽ xuất hiện trước rồi đến Phố những cửa hiệu, và Phố những cửa hiệu đã xong xuôi từ trước khi có tuyên bố Nobel 2014

    tất nhiên giải thưởng tạo ra rất nhiều thuận lợi, có nó thì Từ thăm thẳm có thể xuất hiện sớm chứ không phải đợi quá lâu nữa, và tới đây sẽ có thêm luôn vài tác phẩm khác

    ReplyDelete
  5. Không có bác dẫn xuống các tầng, đọc Modiano chỉ biết xong rồi để mặc đi bước ra balcon, rơi tự do và...tan xác.

    ReplyDelete
  6. Sẽ thử chừng nào thực hiện xong kế hoạch 5 năm- lĩnh hội~35% kiến thức của người mà "chẳng thể trông chờ gì ở thế giới bên ngoài, tgiới ấy còn nghèo nàn hơn thế giới bên trong của tôi, dẫu cái tgiới kia có màu mè đến như thế nào đi nữa"(cái này có thể gọi là châm ngôn nhỉ!) truyền đạt trên blog này(:

    ReplyDelete
  7. hề hề mới đùa tí đã dỗi thế

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đâu, có dỗi thì lúc khác cơ(: Như lúc ngồi buss từ CDG đến Opéra ngang qua Sorbonne cố gắng hình dung ra bác thời đó mà không thể. Hay như ngay giờ, đang sưởi nắng ở Marlocca mà bác trai thì chả có ở bên lại đang ở trong cái viện gì đó xa tít tít mù hề hề

      Delete
    2. lẽ nào nhân vật trong huyền thoại (cởi truồng phơi nắng bãi biển cười tình tứ) lại có tồn tại thật?

      Delete
    3. Có đấy;) dù không đầy lắm,tin đi!

      Delete
    4. uầy, cẩn thận đấy, lòng tin = lời hứa (Pierre Janet, bài giảng tại CdF, 1928)

      Delete
  8. Mình già rồi đọc mấy cái văn chương ngôn tình này không vào

    ReplyDelete
  9. Chả phải chỉ mỗi cái văn chương ngôn tình, đã thật sự già thì chả vào nổi cái giề hềhề

    ReplyDelete
  10. còn mình, càng già mình càng bớt ham muốn giải thích một số thứ thật ra rất dễ hiểu, nhất là cho bọn đã già

    ReplyDelete
  11. Sach giay dung la co cai hay cua no. Luc doc quyen "Mot ganh xiec qua" moi nhan ra chi tiet cai ghe o ngay doan dau, vay ma luc doc tren blog cha de y gi

    ReplyDelete
  12. mở Từ thăm thẳm lãng quên ra đọc lại. Hoá ra Patrick Modiano quen biết Peter Handke, thế là người tặng và người được tặng “thăm thẳm lãng quên” đều được Giải Nobel Văn chương nhớ đến.

    ReplyDelete
  13. “Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít.”

    ReplyDelete