- Một quả kinh điển:
H. G. Wells, Chiến tranh giữa các thế giới, Phạm Văn dịch, Nhã Nam & NXB Lao động, 262tr., 62.000đ.
Người trái đất phải oánh nhau với người sao Hỏa rất là ghê gớm có vũ khí đặc biệt là Tia Nhiệt: câu chuyện bắt đầu một cách đe dọa: "Vào những năm cuối thế kỷ mười chín, không ai tin rằng thế giới này đang bị theo dõi sát sao và chặt chẽ bởi những kẻ thông minh hơn loài người rất nhiều tuy họ cũng tử sinh như chúng ta."
Wells hay Verne là những tác giả mà không đứa bé nào, nhất là con trai, có thể bỏ qua không đọc trong quá trình tự khám phá thế giới ^^ trước đây, đã có Máy thời gian và Người vô hình (chắc còn có thêm nữa) của Wells được dịch ra tiếng Việt.
- Đào Trinh Nhất, Nhật Bản duy tân 30 năm, Alphabooks và NXB Thế giới, 409tr., 109.000đ.
Alphabooks có vẻ rất thích thú Đào Trinh Nhất (xem thêm về Đào Trinh Nhất trên blog này: tìm theo label dao-trinh-nhat), quyển này đặc biệt lại không thuộc tủ sách "Góc nhìn sử Việt" như một loạt quyển khác, mà thuộc tủ "Alpha & Omega", có vẻ là tủ sách được coi là cao cấp hơn.
Đây là tác phẩm có niên đại khá sớm (in năm 1936) trong lịch sử nghiên cứu Nhật Bản của người Việt Nam, ngay từ đầu Đào Trinh Nhất đã bày tỏ niềm kinh dị của mình trước nước Nhật: "Nhật Bản duy tân tự cường thật là một hiện tượng lạ lùng quái gở ở trong lịch sử thế giới nhân loại, xưa nay chưa hề thấy có".
Ở đầu sách còn in một bài viết của Phan Khôi bình luận về cuốn sách này.
Nhân tiện, trong lịch sử mê đắm Nhật Bản của người Việt Nam, nổi lên là tư tưởng cần phải học tập Nhật Bản về mọi mặt, cho đến giờ vẫn vậy, lâu lâu lại thấy có người kêu gọi học tập nước Nhật. Càng ngày tôi càng thấy điều này là nhảm nhí.
- Vương Hồng Sển, Dỡ mắm, di cảo, NXB Trẻ, 369tr., 165.000đ.
Hình như di cảo của Vương Hồng Sển có tính chất là bất tận không bao giờ hết :p
"Buồn quá, viết tập nhỏ nầy, chọn nhan là "Dỡ mắm". Mắm gài từ năm trước, nay lấy ra ăn, gọi là "dỡ mắm". Nhưng khi dỡ nắp mái ra, chỉ thấy những giòi!". Ghê thật. Vương Hồng Sển viết cuốn này vào năm 1983.
Sách gồm nhiều bài, ai quan tâm đến mấy nhân vật miền Nam như Thuần Phong, Đông Hồ v.v... hay trường Chasseloup-Laubat thì đọc cũng hay. Bài "Toàn quyền Paul Beau và vấn đề rượu nhà máy Fontaine" rất đặc trưng cho kiểu viết của Vương Hồng Sển: nhắc được vài câu đến nhà máy rượu thì mấy chục trang sau đó chạy sang hết ông toàn quyền này đến ông toàn quyền kia, rồi lại các thể loại soái, đốc trong Nam Kỳ, rốt lại cuối cùng cũng chẳng biết được thêm cái gì về nhà máy rượu Đông Dương.
- Nguyễn Đức Tùng, Thơ cần thiết cho ai, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 253tr., 70.000đ.
Trong cuốn này, Nguyễn Đức Tùng viết về một số nhà thơ Mỹ và Canada, ví dụ Elizabeth Bishop hay Robert Frost. Nhìn chung toàn những nhà thơ không quen thuộc ở Việt Nam.
Trước đây Nguyễn Đức Tùng từng in tập phỏng vấn Thơ đến từ đâu.
- Tháng Tư năm ngoái là quyển bên trái, tháng Tư năm nay là quyển bên phải:
Cái bìa trông rất na ná nhưng thật ra cũng có khác, không chỉ về màu sắc: bìa quyển bên phải có thêm mấy ngọn lửa.
Ấn bản cũ: 443tr., 98.000đ., ấn bản mới: 550tr., 152.000đ.; khác biệt lớn nhất giữa hai ấn bản này là ấn bản mới có thêm phần phụ lục đằng sau, gồm tổng cộng 21 tài liệu, ví dụ tài liệu "Nguyễn Văn Thiệu phát biểu trước khi từ chức", tức là bài phát biểu của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trên Đài phát thanh Sài Gòn ngày 21/4/1975 (được Thông tấn xã Việt Nam ghi âm, in trong "Tài liệu tham khảo đặc biệt" ngày 22/4/1975).
Một khác biệt nữa là ấn bản mới có index.
- Uông Triều, Sương mù tháng Giêng, tiểu thuyết, NXB Trẻ, 287tr., 112.000đ.
Cuốn tiểu thuyết lịch sử về mối tình Trần Khánh Dư-công chúa Thiên Thụy-Trần Quốc Nghiễn.
- Thêm một phát tái bản, nhưng lần này không giống quyển sách tháng Tư ở trên:
Vậy là suốt từ năm 2003 đến giờ cuốn sách siêu hạng này mới được tái bản.
Định show luôn quyển gốc nhưng lại thôi, sợ lại gây nháo nhác trong giới sưu tầm sách Việt Nam thêm lần nữa :p
- Đợt vừa rồi nhà xuất bản Trẻ in một loạt danh gia kỳ cựu của văn chương Việt Nam, ngó qua ngó lại mãi không kiếm chác được gì, rốt cuộc vẫn cố cầm về quyển Đốt đời tiểu thuyết của Đào Hiếu. Đọc được vài trang đầu, có cô gái đập đá thác loạn đủ kiểu với cả ông nhà thơ ủy mị như bị hâm, chán quá chẳng đọc nữa. Có ai đọc được đến hết không? Đoạn sau có gì hay không?
- Ngoài ra có thể đọc mấy quyển này, đều là non-fiction: Hiểu nghèo thoát nghèo, Đồng tiền lên ngôi của quái nhân Niall Ferguson hoặc Người khổng lồ mất ngủ (sách nói xấu Trung Quốc)
Ôi nhớ những câu chuyện nho nhỏ, những lời nói nho nhỏ của anh trên Facebook ghê đấy. Điểm qua mấy tên sách, cảm thấy không phải khẩu vị của mình lắm, nhưng cứ đọc điều anh viết cho đỡ nhớ vậy.
ReplyDeletecó một số chỗ làm cho ai cũng trở nên lắm mồm nhỉ ;)
DeleteCho em hỏi là anh không sử dụng Facebook nữa hả? Tự nhiên em không follow được nữa
ReplyDeleteừ, bỏ lâu rồi
DeleteCó cuốn mới có nhắc đích danh anh trong đó đấy. Đố biết :>
ReplyDelete"Cuốn sổ trắng" của Quốc Bảo phải không?
ReplyDeleteChắc mình hoặc không phải là con trai, hoặc không chưa từng khám phá thế giới cho ra trò.
ReplyDelete:)
Bao giờ Nhã Nam xuất bản máy thời gian với người vô hình ạ
ReplyDelete