Nov 16, 2015

Bruno Schulz: 2

Dưới đây là bản dịch hai truyện của Bruno Schulz, một trong hai nhà văn Ba Lan, rút từ tập Những hiệu quế. "Chim" và "Ma nơ canh" chứa đựng những hình ảnh quan trọng nhất trong thế giới văn chương của Schulz, đặc biệt là những ma nơ canh không thể quên, nguồn cảm hứng bất tận cho điện ảnh sau này, ở các đạo diễn tài năng xuất chúng hơn cả.



Chim

Những ngày mùa đông buồn tẻ và có màu vàng đã tới. Một tấm thảm tuyết quá ngắn, nhàu nhĩ và thủng lỗ chỗ, phủ lên mặt đất giờ đây chuyển màu hung. Không đủ tuyết cho tất tật các mái nhà trông có màu đen hoặc màu gỉ - những mái nhà ngói gỗ hay vòm cung che ngoài những không gian ám khói của các phòng áp mái, những nhà thờ đen thủi có các sườn tường tua tủa rui, đòn, kèo, những khối phổi u tối của các cơn gió lốc mùa đông.

Mỗi bình minh mới lại làm lộ thêm những ống khói trương lên từ hôm qua và phồng tướng vì những trận gió đêm, chúng là những ống âm thanh đàn organ điên cuồng. Đám thợ ống khói không sao đuổi được lũ quạ đi, những lá cây đen sống động ấy, tối đến chúng đậu lên những cành cây, gần nhà thờ, đập cánh bay đi rồi lại quay trở về dán mình lên đó, mỗi con một chỗ quen, sáng ra thì đồng loạt bay bốc lên, những xoáy khói tối, những túm bồ hóng uốn lượn và huyền hoặc, tiếng kêu không đồng thanh làm thẫm đi những tia vàng nhạt của bình minh. Ngày nối ngày cứng lại vì lạnh và sự buồn tẻ như thứ bánh mì để từ năm ngoái. Ta dùng dao cùn xắn chúng ra, chẳng hề thấy háu đói, trong một nỗi đờ đẫn biếng lười.

Bố tôi không ra ngoài nữa. Cắm đầu vào lò bếp, ông nghiên cứu bản chất khôn dò vĩnh cửu của lửa, ông nếm cái vị tanh lợm và mặn cùng mùi ngái của những ngọn lửa mùa đông, cú ve vuốt của những con kỳ nhông lửa liềm bồ hóng bóng loáng trong yết hầu ống khói. Đầy vui sướng, ông xăng xái sửa chữa đủ thứ phía trên căn phòng. Bất kỳ lúc nào cũng có thể thấy ông vắt vẻo trệu trạo trên một cái thang, chỉnh một thứ gì đó trên trần nhà, trên những hốc cửa sổ cao, quả nặng và dây treo đèn. Chẳng khác các thợ sơn, ông dùng cái thang của mình như cặp cà kheo khổng lồ; ông thấy thoải mái khi ở phối cảnh trên không ấy, cận kề một bầu trời sơn phết, một trần nhà trang trí hình chim và những đường uốn lượn.

Mỗi lúc ông một thêm xa rời cuộc sống thực tế. Khi mẹ tôi, lo lắng và buồn bã về tình trạng của ông, cố sức dồn ép ông vào một cuộc nói chuyện nghiêm túc về công việc kinh doanh của chúng tôi, về kỳ trả nợ sắp tới, ông chỉ lơ đãng lắng nghe, đầy bối rối, những nhăn nhúm hiện lên trên khuôn mặt xa vắng. Có những lúc đột nhiên ông cắt ngang lời bà bằng một động tác cầu khẩn để rồi chạy ra góc phòng dán tai lên một khe sàn nhà và cứ thế nghe, hai ngón tay trỏ giơ lên cho thấy tầm quan trọng lớn lao của sự việc. Quãng thời gian ấy chúng tôi còn chưa nhận ra hậu cảnh đáng buồn cho những trò tai quái của ông, mặc cảm đầy thảm hại đang chín muồi dần từ sâu thẳm.

Mẹ tôi không có chút ảnh hưởng nào lên ông, nhưng ông hết sức chú ý và rất kính trọng Adèle. Trong mắt ông, việc quét nhà là một nghi lễ quan trọng mà chẳng bao giờ ông bỏ lỡ dịp để tham dự, dõi theo từng cử động của cô gái trẻ với một hỗn hợp e sợ trộn lẫn với run rẩy khoái lạc. Mỗi động tác của chị đều được ông gắn cho một ý nghĩa sâu sắc hơn, nhiều yếu tố biểu tượng hơn. Những lúc chị, với những cử chỉ tươi trẻ và mạnh mẽ, đẩy cái bàn chải buộc ở đầu một cái cán dài di trên mặt sàn, ông thấy thật quá sức chịu đựng: nước mắt ông trào ra, một điệu cười yên lặng làm mặt ông nhăn nhúm lại, người ông rung chuyển trong một cơn co giật khoái cảm. Ông dễ buồn đến mức mất trí: chỉ cần Adèle ngoáy ngoáy ngón tay về phía ông vờ như đang cù là ông liền bỏ chạy, thấm đẫm một cảm giác hãi hùng sợ hãi, băng qua hết các phòng, sập cửa lại sau lưng. Đến phòng cuối cùng, ông nằm ập người lên giường và lăn lộn trên đó, cười váng lên bởi một hình ảnh nội tâm mà ông không sao chế ngự. Bởi vậy, cô gái trẻ tỏa lên ông một quyền năng gần như không giới hạn.

Chính khi đó lần đầu tiên chúng tôi nhận ra ở ông mối quan tâm đầy say mê đối với các con vật. Thoạt tiên đó là một niềm say mê kiểu nghệ sĩ xen lẫn với của thợ săn; có lẽ ông cũng đem lòng, một cách sâu sắc hơn, theo đường lối sinh học, cảm thông đối với các hình thức sống khác, cho phép ông trải nghiệm những cung bậc tồn tại chưa từng được khám phá. Nhưng sau đó, câu chuyện chuyển sang một sắc thái khác, kỳ quặc, phức tạp, về cơ bản là xấu xa và trái ngược với tự nhiên, cái sắc thái lẽ ra tốt hơn hết là không đem ra trưng bày.

Điều này khởi đầu kể từ khi ông cho ấp trứng chim.

Hết sức kỳ công và tốn rất nhiều tiền, ông đặt mua từ Hamburg, từ Hà Lan, từ các vườn bách thú bên châu Phi, những quả trứng rồi cho những con gà Bỉ to cộ ấp. Cả với tôi cảnh tượng cũng thật đáng say mê, được chứng kiến những chim non mang hình dạng và màu sắc kỳ ảo nở ra. Ở những con quái vật nhỏ bé nhưng mỏ cực to, khó mà hình dung nổi ấy, những cái mỏ ngay khi sinh ra đã há ngoác, với những tiếng rít háu đói phát xuất từ đáy cổ họng, ở những con vật giống như loài bò sát thân hình gù lên, ngu ngốc và trụi lủi ấy, thật không thể dự đoán những công, trĩ, ưng hay gà gô đen tương lai. Mầm mống loài chằn được đặt vào những tổ nhồi bông, hoặc giỏ: bọn thú vươn qua những cần cổ rất mảnh đầu của chúng, mù lòa với những cặp mắt giăng màn trắng và khục khặc cổ họng trong tiếng chiêm chiếp câm lặng.

Bố tôi đi dọc những giá, trên người vận tạp dề xanh lục, như một người làm vườn đi dọc các nhà kính trồng xương rồng, và ông lôi từ hư vô những bọng đái đóng kín nơi sự sống phập phồng, những cái bụng bất lực chỉ cảm nhận được thế giới bên ngoài dưới dạng thức ăn, những sự tăng sinh mò mẫm vươn về phía ánh sáng. Vài tuần sau, khi những chồi non mù ấy đã nở tung ra ngoài, các cư dân mới phủ kín những căn phòng với lớp lông óng ả của chúng, với tiếng líu lo lanh lảnh. Chúng chiếm cứ những thanh treo ri đô, những gờ tủ, chúng ẩn vào giữa những đường lượn trang trí và những thanh thiếc giữ đèn chùm lớn.

Những khi bố tôi tra cứu trong những quyển sách chuyên ngành điểu học dày cộp và lật xem những trang minh họa màu, cứ như thể những huyễn tưởng ấy bay lên từ các trang sách rồi làm căn phòng trở nên sống động với những tiếng đập cánh sặc sỡ, những mẩu tía, những mảnh lam ngọc, bạc và đồng thau. Lúc ăn, chúng tạo thành trên sàn nhà một dải xao động nhiều màu, một tấm thảm sống động, nó sẽ, nếu ai đó bất cẩn bước vào đúng lúc đó, tan ra, rã ra thành những bông hoa bay và rốt cuộc đậu êm ấm lên phía trên cao.

Tôi đặc biệt ghi khắc trong ký ức một con ưng, loài chim khổng lồ cổ không lông, mặt nhăn và lổn nhổn u với bướu. Đó là một kẻ khổ hạnh gầy gò, một lạt ma Phật giáo lưu giữ trong toàn bộ phong thái một phẩm giá không thể xâm phạm và nghiêm cẩn tuân theo giới luật khắc nghiệt của giống loài cao quý. Những khi nào nó ở đối diện với bố tôi, bất động trong một tư thế tượng tạc như một vị thần Ai Cập, mắt bị kéo xệch bởi một cái vảy, nó dịch chuyển cái vảy để phủ lên con ngươi và tự thu kín lại trong sự chiêm ngưỡng nỗi cô đơn hào hùng của chính mình, nhìn nghiêng nghiêng dáng vẻ đá tạc của nó, tôi thấy nó như thể chính là người anh trai của bố tôi: thân hình, gân, da cứng và nhăn, làm từ cùng một chất liệu, cũng khuôn mặt khắc khổ khô héo ấy, cũng những hốc mắt sâu với giác mạc thật dày ấy. Ngay hai bàn tay bố tôi, dài, gầy, khúc khuỷu, với những móng tay rất phồng, trông cũng hơi giống móng vuốt của loài chim ưng. Ngắm con chim đang ngủ, tôi không thể xua đuổi cảm giác mình đang đứng trước xác ướp của bố, bị thu nhỏ qua quá trình sấy khô. Tôi tin sự giống nhau kỳ quái này không lọt khỏi mắt mẹ tôi, mặc dù chúng tôi chưa từng bao giờ đề cập chủ đề ấy. Rất đặc trưng, con chim ưng và bố tôi dùng chung bô tiểu tiện ban đêm.

Vẫn tiếp tục cho ấp nở những mẫu sinh vật mới, bố tôi còn tổ chức trên phòng áp mái những đám cưới chim; ông dẫn các chàng cầu hôn tới, buộc vào các góc và buộc những vị hôn thê khả ái và uể oải vào các hốc dưới mái nhà; rốt cuộc, mái của ngôi nhà, một cái mái ngói gỗ rộng lớn có giật cấp, trở thành một quán trọ đích thực cho chim chóc, một con tàu Noé tập hợp đủ mọi loại chim từ các xứ sở xa xôi. Mãi về sau khi cuộc nuôi chim này đã bị dẹp bỏ, truyền thống ấy của nhà chúng tôi vẫn còn lưu giữ đối với loài có cánh: vào thời điểm những cuộc di cư lớn mùa xuân, từng đám mây cò, công, bồ nông vẫn tới tấp đậu xuống trên mái.

Sau một quãng thời gian ngắn và đầy sức bùng nổ, công trình đẹp đẽ này phải gánh chịu một bước ngoặt thê thảm. Quả thật là cần phải chuyển bố tôi vào hai phòng gác xép vốn được dùng làm kho chứa đồ. Ngay khi trời vừa hửng, ta đã nghe thấy ở đó tiếng chiêm chiếp hòa âm của lũ chim. Như thể là những thùng tăng âm nhờ vào những khoảng trống dưới mái, các phòng ấy vang vọng tiếng ồn, tiếng hót, tiếng đập cánh, tiếng gọi tình và tiếng kêu lục cục. Cứ thế, trong suốt hàng tuần, bố tôi gần như sống vô hình. Thỉnh thoảng, ông xuống nhà và chúng tôi có thể nhận thấy như thể ông bị bé đi, gầy đi, ngắn lại. Đánh mất sự kiểm soát bản thân, có lúc ông bật lên khỏi ghế ngồi và, hai tay vung vẩy như đập cánh, ông phát ra một tiếng hót kéo dài, mắt thì mờ đi - sau đó rồi, vẻ đầy bối rối, ông cười cùng chúng tôi và tìm cách biến chuyện ấy thành một trò đùa.

Một hôm, trong một đợt quét dọn lớn, Adèle đột ngột xuất hiện trong vương quốc mọc cánh của ông. Sừng sững ở bậu cửa, chị vặn vẹo hai bàn tay trước mùi hôi thối bốc lên từ những đống phân phủ đầy sàn nhà, bàn và mọi thứ đồ đạc. Không chút ngần ngừ, chỉ mở cửa sổ và, với sự trợ giúp của một cán dài buộc bàn chải ở đầu, bắt đầu chọi đám chim. Bay lên tung tóe một xoáy lốc khủng khiếp những lông và cánh, một trận bão những tiếng kêu chiêm chiếp; như một Ménade giận dữ phía sau những cú đập của cây gậy oai vệ, Adèle nhảy điệu vũ hủy diệt. Sợ hãi ngang với lũ chim, bố tôi, hai tay đập mạnh, cũng thử tìm cách bay lên. Cơn lốc cánh dần dà trở nên quang quẻ và, trên bãi chiến trường, cuối cùng chỉ còn lại độc một mình Adèle, thở hổn hển và cạn kiệt sức lực, còn bố tôi, khuôn mặt đau đớn và tủi hổ, đã sẵn sàng chấp nhận mọi sự quy hàng.

Giây phút sau đó, bố tôi chậm rãi đi xuống khỏi lãnh địa của mình - người đàn ông tan nát, ông vua lưu đày đã đánh mất vương miện và vương quốc của mình.




Ma nơ canh

Cuộc phiêu lưu với lũ chim của bố tôi là đợt phản công cuối cùng nhưng rất bùng nổ được tiến hành bởi con người cứ khăng khăng với những ứng tác ấy, chiến lược gia của trí tưởng tượng ấy, để chống lại những thành trì của một mùa đông khô cạn và trống rỗng. Mãi đến giờ tôi mới hiểu được sự anh hùng của ông: đơn độc, ông đã gây chiến tranh chống lại sự buồn nản bất tận đang làm đông cứng thành phố. Chẳng hề dựa vào đâu, không hề được chúng tôi hiểu cho, người đàn ông tuyệt diệu ấy đã bảo vệ lý tưởng thơ ca, không một chút hy vọng. Trong những guồng quay của cối xay ma thuật đó, những giờ trống rỗng đã rơi vào, để rồi từ đó trồi ra, đẫm hương vị và đầy màu sắc.

Mặc dù đã quá quen với những trò tung hứng xuất chúng của nhà ảo thuật siêu hình này, chúng tôi vẫn có xu hướng không mấy biết giá trị ma thuật tót vời của ông, chính nó đã cứu chúng tôi khỏi những ngày và những đêm bơ phờ ấy. Adèle chẳng bao giờ phải gánh chịu những trách móc của chúng tôi đối với cuộc đập phá trì độn của chị. Ngược lại là đằng khác, chúng tôi cảm thấy một sự hài lòng đê tiện khi được chứng kiến những điều bồng bột mà chúng tôi say sưa nếm náp bị chặn đứng, những điều ấy chúng tôi đã khước từ trách nhiệm, trong tinh thần phản trắc. Cũng có thể trong sự phản bội này cũng có một sự vinh danh ngấm ngầm dành cho Adèle chiến thắng, Adèle người mà chúng tôi mơ hồ gán cho một sứ mệnh nào đó phát xuất từ những sức mạnh thượng đẳng… Vậy là bị tất cả phản bội, bố tôi bèn nhẫn nhục từ bỏ chốn của sự huy hoàng xưa cũ. Trở thành một kẻ lưu đày tự nguyện, ông rút về một căn phòng trống ở cuối hành lang, trốn kỹ vào trong nỗi cô đơn. Chúng tôi quên ông đi.

Sự xám xịt chết chóc của thành phố lại vây bủa lấy chúng tôi từ mọi phía: trên các cửa sổ nở rộ chóc vảy u tối của những rạng đông, phong cùi của những hoàng hôn - thứ lông êm ái của những đêm đông dài. Giấy dán tường, xưa kia hé mở vì những đợt bay sặc sỡ của loài có cánh, giờ cứng lại và khép kín, trộn lổn nhổn trong nông nỗi đơn điệu của những độc thoại cay đắng.

Các đèn chùm tối sẫm lại và héo như những cây cúc gai già nua; chúng rung nhè nhẹ những viên treo trang trí những khi nào ai đó dò dẫm vạch một lối đi qua bóng tối nhờ nhợ của căn phòng. Adèle có cố công đặt lên các nhánh của chúng những ngọn nến màu thì cũng chỉ hoài công - đó chỉ là những thế phẩm vụng về, những kỷ niệm nhạt nhòa về những bữa tiệc rực rỡ trước đây từng bừng sáng lòa, các khu vườn treo thuở ấy.

Trời ơi, ở đâu mất rồi những đợt trứng nở kêu lóc chóc, những triển khai mau chóng và huyền ảo, những cụm đèn từ đó bắn ra, như những huyễn tưởng có cánh, các quân bài ma thuật bay tung tóe thành những tiếng vỗ tay nhiều màu, thành những vảy xanh thanh thiên, con công xanh lục, con vẹt xanh lục, như kim loại, tạo thành những đường cong và đường uốn lượn, những dấu vết ngời sáng của những quay cuồng, những cánh quạt sặc sỡ, những đập cánh vẫn còn ở lại trong một bầu không khí như soi gương và đầy phong phú, cả khi cú bay đã xong xuôi lâu rồi?… Vẫn còn lại những tiếng vọng ở nơi thẳm sâu, nhưng chẳng một nhạc sĩ nào có thể nhận thấy được nữa một điệu sáo phát ra từ những tầng không khí run rẩy.

Những tuần ấy trôi đi dưới một tấm màn ơ hờ kỳ quặc.

Giường chiếu vẫn để yên chưa dọn, lộn xộn những chăn những ga đã bị các giấc mơ nặng nề nghiến lên, làm nhăn nhúm, chúng dựng lên như những con thuyền sâu lòng sẵn sàng bập bềnh trôi về phía những mê cung ẩm ướt của một Venice mờ ám. Mới sáng sớm, Adèle đã mang cà phê đến cho chúng tôi. Chúng tôi lười biếng mặc quần áo trong những căn phòng giá lạnh của chúng tôi, trong ánh sáng tỏa từ một ngọn nến phản chiếu không biết bao nhiêu lần vào các ô kính đen của những cửa sổ. Những buổi sáng ấy tràn ngập một sự náo loạn vung vãi, những tìm kiếm thờ ơ bên trong các ngăn kéo và tủ đứng. Cả căn hộ vang lên tiếng loẹt quẹt giày păng túp của Adèle. Các nhân viên thắp các ngọn đèn, nhận từ tay mẹ tôi chùm chìa khóa nặng trịch của cửa hiệu và đi ra ngoài, bước vào màn tối dày khẳm và xoáy lộn. Mẹ tôi không sao mà chỉnh trang đầu tóc quần áo cho xong. Những ngọn nến cháy dần trên giá nến. Adèle biến mất vào những căn phòng phía xa hoặc trên tầng áp mái để phơi quần áo: không có phương cách nào để bắt được chị đi xuống. Vẫn còn mới toanh, bẩn và đầy xáo trộn, ngọn lửa lò liếm ngoém vào trong lò sưởi, chạm tới những khối những cục u lạnh lẽo phủ một thứ bồ hóng óng ánh. Nến dần lịm, căn phòng chìm vào bóng tối. Đầu gục lên khăn trải bàn, giữa những gì còn sót lại của bữa ăn, chúng tôi ngủ, áo xống xộc xệch. Chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng dọn dẹp ồn ào của Adèle. Mẹ tôi vẫn chưa chỉnh trang xong. Trước khi bà kịp sửa sang mái tóc, các nhân viên đã quay trở về để ăn trưa.

Bóng tối nhờ nhợ phủ lên chợ mang dáng vẻ của một thứ hơi nước vàng vọt. Trong một lúc, ta tưởng chừng như những khói run rẩy màu mật ong và hổ phách ấy sẽ làm rạng lên những sắc màu rực nhất của những buổi chiều. Nhưng khoảnh khắc kỳ diệu trôi qua, chút mầm mống của bình minh đó phai tàn, chồi non của ban ngày đã gần chín muồi lại rơi trở về trong một vẻ u ám bất lực. Chúng tôi ngồi vào bàn, các nhân viên xoa những bàn tay đỏ ửng vì lạnh và, đột nhiên, thứ văn xuôi trong những trò chuyện của họ lập tức mang tới đầy đủ cả ngày: một thứ Ba buồn và rỗng, không truyền thống cũng chẳng có khuôn mặt. Mãi tới lúc trên bàn đã xuất hiện, trên một cái khay, hai con cá lớn phủ nước đông trong suốt, nằm sát kề nhau, lộn đầu đuôi như trong cung hoàng đạo, chúng tôi mới nhận ra ở chúng biểu tượng cho ngày hôm ấy, thuộc tính của một thứ Ba vô danh; chúng tôi vội vã chia nhau ăn chúng, thấy nhẹ nhõm vì ngày này rốt cuộc cũng đã tìm ra được hình dạng đích thực của nó.

Các nhân viên ăn uống đầy thành kính, dáng vẻ mềm mướt. Mùi hạt tiêu tỏa ra trong phòng. Lúc họ lấy bánh mì chùi nốt chỗ cá đông còn lại trong đĩa của mình, nghiền ngẫm về những ngày sau, khi chỉ còn thấy trên khay hai cái đầu với những cặp mắt đã nấu chín, tất cả chúng tôi đều cảm thấy rằng sức lực chúng tôi cộng lại đã đủ để chiến thắng ngày này, và những giờ sắp tới chẳng nhất thiết phải tính đến làm gì nữa.

Những đồ thừa giao lại cho chị, Adèle dùng vào việc của mình. Chị nồng nhiệt xử lý chúng cho tận tới khi hoàng hôn xuống, với những tiếng nồi niêu loẻng xoẻng và những tia nước lạnh, trong khi mẹ tôi ngủ suốt nhiều tiếng đồng hồ trên đi văng.

Trong thời gian ấy, phòng ăn đã được sửa soạn quang cảnh cho buổi tối. Poldine và Pauline, hai cô thợ may bé nhỏ, bày biện thật thoải mái với các phụ liệu của mình. Được họ mang theo, một phụ nữ câm lặng vào trong phòng, tạo vật bằng vải và xơ với một cục gỗ tròn màu đen ở chỗ cái đầu. Mặc dù bị đẩy vào một góc, giữa cửa và lò, nữ thần yên ắng này đã trở thành chủ nhân của tình thế. Không hề nhúc nhích, nàng câm lặng trông dõi công việc của các cô gái. Nàng đón nhận với dáng vẻ phê phán và kênh kiệu những nỗ lực của họ nhằm làm nàng vui lòng những khi họ quỳ gối trước nàng, ướm thử những mẩu vải khâu chỉ trắng. Họ kiên nhẫn và chú tâm phụng sự cho thần tượng không tiếng nói mà chẳng gì có thể làm hài lòng cho nổi. Con moloch thật khắc nghiệt - chỉ các moloch giống cái mới có thể khắc nghiệt như vậy - và không ngừng bắt họ phải làm tiếp. Mảnh mai và thuôn dáng, nhanh nhẹn như các bô bin gỗ cuộn chỉ, họ duyên dáng điều chỉnh một mảnh vải và lụa, khéo léo cắt, trong tiếng lách cách của cây kéo, những thứ vải màu kia, khiến chiếc máy khâu quay tít mù bằng cách đạp bàn đạp bằng đôi giày bóng; xung quanh, những thứ đề sê, mẩu mảnh lắm màu vương vãi trên sàn nhà như những miếng vỏ cây hoặc vỏ quả do hai con vẹt to tướng tinh tế và phí phạm thải ra.

Hai cô gái, không hề để ý, quẳng xuống dưới chân những mảnh tàn tích của một carnaval khả hữu, những mẩu của một lễ hội hóa trang không thành. Họ náo nhiệt với tiếng cười căng thẳng để làm rơi xuống những đầu mẩu vải, ánh mắt ve vuốt những cái gương. Tâm hồn họ và ma thuật nhanh nhẹn của những bàn tay họ không nằm trong những chiếc váy buồn bã mà họ để trên bàn kia, mà trong hàng trăm mảnh nhỏ ấy, trong những đề sê nhẹ bỗng và hay thay lòng đổi dạ, với chúng hẳn họ có thể phun kín lên thành phố trong một cơn lốc tuyết nhiều màu.

Đột nhiên họ thấy nóng, và thế là họ mở cửa sổ để ít ra có thể thấy, trong nỗi cô đơn sốt ruột và lòng khao khát sự mới mẻ của họ, khuôn mặt vô danh của bóng tối đang dán vào ô kính. Họ chìa cặp má nóng bừng ra hong trước màn đêm đang thổi phồng các rèm cửa, họ kéo xệch xuống những áo trễ cổ nóng bỏng - những đối thủ đầy hận thù, sẵn sàng đối đầu với nhau để chiếm lấy Pierrot mà một cơn gió đêm có thể sẽ thổi tới trên lan can. A! sao mà họ đòi hỏi ít thứ đến vậy từ thực tế! Họ có mọi thứ ngay bên trong họ. Hẳn họ chỉ cần một Pierrot nhồi mùn cưa, một vài từ mà họ chờ đợi từ bao lâu nay, là đủ để rốt cuộc bước vào vai trò chuẩn bị đã từ lâu, từ lâu treo lơ lửng trên môi họ, tràn đầy một sự đắng cay khủng khiếp và dịu ngọt, đẫm những đợt phấn hứng như các trang một cuốn truyện tình đọc ngốn ngấu trong đêm, với những giọt nước mắt chảy xuống các cặp má bừng bừng sốt.

Ở một trong những chuyến do thám chiều tối trong căn hộ, khi Adèle vắng mặt, bố tôi bắt gặp cảnh tượng câm lặng này. Ông dừng lại một lúc, đèn cầm trên tay, trên bậu cửa phòng bên, ngây ngất trước bức tranh đầy nhiệt và phấn khích ấy, vẻ điền viên tạo nên từ bột gạo, giấy lụa và be la đon ấy, cái cảnh nhiều màu mà tấm phông kỳ bí chính là một đêm đông đang thở phì phò trong các tấm rèm phồng lên ở các cửa sổ. Chỉnh lại kính mắt, ông tiến lên vài bước, đi vòng quanh hai cô gái, rọi đèn chiếu sáng họ. Một luồng gió từ cửa không đóng thổi đến làm các tấm rèm bay lên: hai cô gái để mặc ông ngắm nghía, hông lắc lư; màng mắt họ rực sáng lên như lớp véc ni trên giày họ và những khuy cài nịt tất bên dưới váy phồng lên vì gió. Đống vải vụn bắt đầu trườn về phía cửa hé, như lũ chuột trên sàn nhà. Vừa chăm chú xem xét những con người trẻ tuổi đang hoạt bát kia, bố tôi vừa lẩm bẩm: “Genus avium… Trừ khi mình nhầm lẫn, scansores hoặc psitacci… Rất đáng quan tâm đây.”

Cuộc gặp gỡ ngẫu nhĩ này đánh dấu sự khởi đầu của một loạt cảnh tượng trong đó bố tôi rất mau chóng biết cách mê hoặc hai cô gái bằng tính cách đặc biệt của mình. Đổi lại những lời lẽ trí tuệ và ga lăng ông dùng để làm đầy những buổi tối rỗng của họ, mấy con người bé nhỏ kia cho phép người quan sát say mê nghiên cứu cấu trúc vẻ đẹp tầm thường của mình.

Việc này được tiến hành trong lúc trò chuyện, với một sự trang nhã và nghiêm túc làm cho những khoảnh khắc nhiều nguy cơ nhất cũng không nhuốm chút lập lờ nào. Kéo tụt cái tất xuống một đầu gối của Pauline, dùng ánh mắt đầy tình yêu xem xét cấu tạo thuần túy và cụ thể của khoeo chân, ông tuyên bố: “Sao mà quyến rũ và tuyệt vời đến thế, hình thức sống mà cô đã chọn! Sao mà đẹp và giản dị đến thế, luận đề mà cô được giao thể hiện với sự tồn tại của cô! Nhưng còn hơn nữa, cô thực hiện nhiệm vụ này bằng sự tự chủ và thanh nhã xiết bao! Nếu, đánh mất đi toàn bộ sự tôn trọng dành cho Đấng Sáng tạo, tôi muốn vui đùa bằng cách phê phán sáng tạo của ông, thì tôi sẽ kêu lên: Hãy bớt bản chất, thêm hình thức nữa đi! A! một sự giảm bớt bản chất sẽ làm thế giới nhẹ đi bao nhiêu! Thêm một chút khiêm tốn trong các dự đồ, thêm một chút kiềm chế trong các tính toán, thì thế giới sẽ hoàn hảo, thưa các Đấng Sáng tạo!” Bố tôi kêu lên như vậy vào đúng lúc bàn tay ông kéo tuột cái tất khỏi cẳng chân trắng của Pauline.

Đột nhiên, Adèle xuất hiện ở cửa phòng ăn với khay đựng đồ ăn bữa xế. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai lực lượng thù địch kể từ vụ thanh toán lớn liên quan đến lũ chim. Tình huống mà tất cả chúng tôi đã chứng kiến khiến chúng tôi thấy lo ngại: chúng tôi cảm thấy vô cùng khó ở khi phải tham dự vào cuộc làm nhục mới đối với một người phàm tục đã kinh qua nhiều thử thách đến vậy. Bố tôi, đang quỳ gối, đứng thẳng dậy, vẻ bối rối; những đợt nối tiếp nhau của màu đỏ nhuộm lên mặt ông. Nhưng, theo một cách thức không hề được trông chờ, Adèle chế ngự ngay được tình thế. Chị tươi cười tiến lại gần bố tôi, búng lên mũi ông một cái. Thấy dấu hiệu ấy, Poldine và Pauline liền vỗ tay và giậm chân đầy vui tươi, bám lấy hai bên tay bố tôi và kéo ông theo một điệu nhảy vòng quanh cái bàn. Theo cách này, nhờ lòng tốt của các cô gái, mầm mống một sự xung đột khốc liệt đã tan biến trong sự nhẹ nhõm chung.

Đó là khởi đầu cho những cuộc phát biểu ý kiến rất lạ và kỳ quặc mà bố tôi tiến hành, lấy cảm hứng từ vẻ duyên dáng của đám thính giả nho nhỏ ngây thơ kia, trong những tuần tiếp theo của cái mùa đông đến sớm ấy.

Thật đáng nói biết bao cách thức mọi thứ, khi tiếp xúc với con người đáng kinh ngạc đó, sao đó mà quay trở về với gốc rễ bản thể của chúng, tái tạo sự trình bày mang tính hiện tượng cho đến tận trung tâm siêu hình của chúng và rồi quay ngược về Ý Niệm sơ khai của chúng, để sau đó tách ra và trôi dạt về những vùng đáng ngờ, hiểm trở và mù mờ mà ta có thể gọi, một cách giản lược hóa, là các vùng của Tà Đạo Vĩ Đại. Lãnh tụ tà đạo của chúng tôi đi giữa mọi thứ như một người thôi miên, làm chúng bị mê hoặc rồi biến đổi chúng, thông qua sự quyến rũ nguy hiểm của mình. Tôi có nên nói rằng Pauline cũng là nạn nhân của ông không? Trong những ngày ấy, cô trở thành đồ đệ của ông, học trò của ông, đồng thời cũng là một đối tượng thí nghiệm.

Tôi sẽ cố sức trình bày với toàn bộ sự thận trọng cần thiết, vẫn tìm cách tránh bê bối, cái học thuyết còn hơn là dị giáo mà bố tôi sở hữu và chế ngự tất thảy hành động của ông trong suốt nhiều tháng dài.


(theo bản tiếng Pháp của Georges Sidre)

11 comments:

  1. có thêm một bản dịch Chim bên blog em nhé :p

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn Nhị Linh và Déjà vous về (2) bản dịch Chim.

    ReplyDelete
    Replies
    1. bác (gì) vừa viết cái comment thứ 10.000 trên blog của tôi đấy :p

      Delete
    2. ồ hay quá đi. còm thứ 10001 có quà ko nhỉ?

      Delete
    3. cái này thì đã là 10.005 rồi hehe (còn bản thân cái comment đang viết đây thì đã là 10.007)

      Delete
  3. úi giời.giả như page khác là trúng độc đắc rồi. Tệ nhất cũng là tấm ảnh chân dung tác giả có chữ ký cho fan :D

    ReplyDelete
  4. mon Dieu mon Dieu mon Dieu

    ReplyDelete
  5. Trời, dịch gì mà hay thế!

    ReplyDelete
  6. cũng BS và WG: hai trong số những cú dịch ecstatic nhất của NL: I, for one, was unable to feel the same power in the French and English interpretations

    ReplyDelete