Jul 19, 2012

Kiểm chứng quy tắc


Một quy tắc (bất thành văn, nhưng có vẻ rất đúng) trong mối quan hệ giữa tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh: một bộ phim hay thường được chuyển thể từ một cuốn truyện bình thường, và một tác phẩm văn học lớn gần như không bao giờ có thể được biến thành một bộ phim hay. Quy tắc ấy thường được xem xét theo một chiều: người ta đọc sách và đoán xem bộ phim chuyển thể từ đó sẽ như thế nào. Nhìn chung, một đạo diễn khôn ngoan sẽ chọn tiểu thuyết hay truyện ngắn vừa phải mà “làm”, chỉ những đạo diễn lớn hoặc ngông cuồng, hoặc vừa lớn vừa ngông cuồng mới cả gan chạm tay vào kiệt tác văn học.

Giờ, nếu bạn, một con nghiện phim ảnh, đã xem bộ phim “The Hours” (2002), hãy thử kiểm chứng chiều ngược lại của quy tắc nói trên. “The Hours” của đạo diễn Stephen Daldry được cả giới phê bình lẫn công chúng hoan nghênh nhiệt liệt, nhận rất nhiều giải thưởng danh giá. Bộ phim ấy huy động cùng một lúc tới ba diễn viên nữ lừng danh: Nicole Kidman, Meryl Streep và Julianne Moore, và cả ba đã không ai chịu kém cạnh ai về khả năng diễn xuất: Nicole Kidman thì không kém gì trong “The Others”, Meryl Streep cho thấy tại sao mình xứng đáng thuộc hàng diễn viên lớn của lịch sử, còn Julianne Moore vẫn gây cảm động như trong “Far from Heaven”.

Còn cuốn tiểu thuyết “gốc” thì sao? “The Hours” của Michael Cunningham, mới có phiên bản tiếng Việt (mang tên “Thời khắc”, Lê Đình Chi dịch, Bách Việt & NXB Văn học), rất khó được đọc “một cách bình thường” khi mà bạn đã xem bộ phim nói trên. Và liệu bạn có tự tin mà đánh giá về cuốn truyện từng đoạt giải Pulitzer năm 1999 này không? (Michael Cunningham, nhà văn Mỹ sinh năm 1952 này trước đây từng có một tiểu thuyết khác được dịch sang tiếng Việt, “Tổ ấm nơi tận cùng thế giới”). Chắc chắn là không dễ, nhất là khi cuốn sách lại còn chạm tới những đề tài có thể nói là không nhỏ của văn chương.

“Thời khắc” thật ra là các thời khắc của những người phụ nữ, hoặc có thể hiểu rộng ra là thân phận phụ nữ trong lịch sử phương Tây, ba “điển hình hóa” của ba giai đoạn: cuốn sách viết về ba con người, thứ nhất là nhà văn Virginia Woolf ở giai đoạn cuối đời (nước Anh, năm 1923), trong những cơn khủng hoảng tinh thần nối tiếp không ngớt; tiếp đó là Laura Brown (Los Angeles, 1949) đang mang thai và đọc tiểu thuyết “Mrs Dalloway” của Woolf, và cũng không thoát khỏi những khủng hoảng trầm trọng triền miên; cuối cùng là Clarissa Vaughan, nhà xuất bản có danh tiếng, cũng đồng tính nữ như Woolf và được người bạn Richard đặt cho biệt danh “Bà Dalloway”. Cả ba đều rất trầm cảm, đều rất gắng gượng tỏ ra là mình bình thường, và đều liên quan đến tự sát theo cách riêng của mình.

Trong “Thời khắc”, độc giả từng mê cuộc đi mua hoa bất tận của Mrs Dalloway được tác giả dẫn dắt theo tác phẩm qua chiều thời gian, với những chi tiết tinh tế được tạo dựng khéo léo nhiều lúc đến như thể sắp đặt. Một người dễ tính hẳn sẽ cho rằng được một lần này, truyện và phim tìm đến được một sự cân bằng tương đối, không quá chênh lệch với nhau, nhưng có vẻ nếu nhìn kỹ càng thì quy tắc kia vẫn không phải là không đúng: những chỗ quá “xảo” của truyện đã trở nên tự nhiên hơn nhiều trên màn ảnh, thành thử giống như là bộ phim đã bổ khuyết rất thành công cho một cuốn sách lẽ ra đã không đáng chú ý đến vậy nếu như không được chuyển thể thành phim, bởi cũng kỳ lạ, “Thời khắc” “cần” có thêm bộ phim thì mới có thể là chính nó.

Có những cuốn tiểu thuyết đọc là biết không để dành cho điện ảnh; thậm chí một số nhà văn còn nói rất rõ là họ không cho phép đưa tác phẩm của mình vào thế giới chuyển động của những bộ phim. Nhưng ngược lại, có những cuốn tiểu thuyết được viết ra là để sẵn sàng cho điện ảnh, như “Thời khắc”. Ở cái thời nhà văn xem rất nhiều phim này, không ít người biết cách làm cho tác phẩm của mình giống một bộ phim trước khi thực sự trở thành một bộ phim.

Chi tiết sau đây có thể “kết nối” bộ phim với cuốn tiểu thuyết: cứ như thể được viết ra để chờ người ta mang lên màn ảnh, theo đúng cách thức sau này đã thực sự xảy ra, nhân vật Clarissa Vaughan trong khi đi mua hoa chuẩn bị bữa tiệc cho người bạn Richard thoáng nhìn thấy trên phố, giữa đoàn làm phim, một gương mặt diễn viên nổi tiếng nào đó, có thể là Meryl Streep (chi tiết ở tr. 69), và cuối cùng Streep đã vào vai chính Clarissa trong bộ phim năm 2002.

Nhị Linh

3 comments:

  1. Phim truyện đều hay cả
    Nhưng xem xong khá mệt
    Vì những người đã chết
    Khiến ta nghĩ muốn lả

    (nhắn chị So: trào lưu 5 chữ đã lan đến blogspot ;)

    ReplyDelete